PDA

View Full Version : Nền văn hóa đại chúng ở Nhật Bản thập niên 1920



Kasumi
28-11-2007, 05:23 PM
Nền văn hóa đại chúng ở Nhật Bản thập niên 1920

ThS. Võ Minh Vũ
Trường Đại học KHXH & NV Hà Nội
Theo erct.com

Báo cáo này trình bày về việc hình thành nền văn hóa đại chúng tại Nhật Bản trong thập niên 1920. Đây là một thời kỳ với nhiều biến động lịch sử và những biến động lịch sử đó đặc biệt là sự kiện trận động đất Tokyo năm 1923 với những hệ quả kinh tế, xã hội, chính trị của nó đã có tác động mạnh mẽ đến quá trình sự hình thành nền văn hóa đại chúng. Hơn nữa, một trong những hệ quả trực tiếp của nó là sự ra đời của đài phát thanh cũng đã góp phần truyền bá văn hóa đại chúng tại các đô thị đến nhiều vùng nông thôn ở Nhật Bản.

Nền văn hóa đại chúng này phải chăng chính là những cơ sở ban đầu cho việc định hình nền văn hóa đại chúng ở Nhật Bản giai đoạn sau chiến tranh thế giới lần thứ hai và là nguồn gốc của pop culture của Nhật Bản, một trong những yếu tố làm nền văn hóa đại chúng chung tại Đông á.

“Văn hóa đại chúng” (mass culture), có thể được hiểu là nền văn hóa của một xã hội đại chúng – xã hội được hình thành trên những điều kiện: sự gia tăng về số lượng của người lao động; sự phát triển của một quá trình sản xuất, tiêu thụ lớn theo cơ chế thị trường; sự mở rộng không giới hạn không gian nhờ những tiến bộ về giao thông, thông tin; quá trình đô thị hóa và tập trung dân cư tại các đô thị và đời sống chính trị dân chủ. Nền văn hóa này có đối tượng thụ hưởng là đại đa số dân chúng - những người có trình độ giáo dục ở mức độ tương đối. Và những giá trị văn hóa được phổ cập, truyền bá thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, truyền thanh và ngày nay là truyền hình, internet.

Từ cách hiểu trên, ở Nhật Bản, nhìn chung các nhà nghiên cứu nhận định rằng, xã hội đại chúng được định hình vào giai đoạn kinh tế tăng trưởng cao (1953-1973) thời hậu chiến. Tuy nhiên, những động thái ban đầu của quá trình hình thành xã hội đại chúng nói chung và văn hóa đại chúng nói riêng đã bắt đầu từ giai đoạn trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, đặc biệt là trong giai đoạn giữa hai cuộc đại chiến thế giới. Chính với lý do đó, trong khuôn khổ bài báo cáo này, tôi muốn thử khắc họa những vận động hình thành nền văn hóa đại chúng ở Nhật Bản trong thập niên 1920, từ cuối thời kỳ Taisho đến đầu thời kỳ Showa.

Như chúng ta đã biết, sau chiến tranh thế giới lần thứ Nhất (1914-1918), Nhật Bản đã trở thành một trong những cường quốc trên thế giới, là thành viên thường trực của Hội Quốc Liên. Còn trong nước, năm 1925, cuộc bầu cử phổ thông đầu tiên đã được tổ chức, thể chế chính trị chính đảng được xác lập. Đây chính là kết quả của phong trào dân chủ Taisho yêu cầu tự do, dân chủ. Tuy nhiên, không dừng lại ở mức độ đó, phong trào này còn lan rộng trên nhiều phương diện khác như yêu cầu tiến hành dân chủ hóa nhiều mặt của xã hội và xóa bỏ sự phân biệt đối xử nam nữ trong hoạt động chính trị như bầu cử, ứng cử...

Hơn nữa, từ sau cuộc chiến tranh Nhật - Nga, đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ Nhất, nền kinh tế Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ do các nước công nghiệp chủ yếu trên thế giới tạm ngưng sản xuất, tập trung tham chiến. Cùng với sự phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa và đại chúng hóa cũng đã diễn ra. Từ năm 1903 đến năm 1925, dân số Nhật Bản đã tăng thêm 13 triệu người nhưng dân số ở khu vực nông thôn hầu như không tăng mà ngược lại, số người lao động tại các công xưởng ở các thành thị tăng thêm 3,5 lần . Quá trình tập trung dân cư tại các thành thị đã diễn ra và tầng lớp thị dân với tư cách là tầng lớp dân chúng mới đã hình thành. Nếu năm 1903, số đô thị có dân số trên 5 vạn người là 25 với số dân là 5.550.000 người (chiếm 11,9% dân số) thì đến năm 1925, con số này lần lượt là 71 đô thị với số dân là 12.130.000 người (chiếm 20,3% dân số). Nền kinh tế phát triển cũng đã góp phần tăng thu nhập của người dân dẫn đến sự dư thừa trong cuộc sống sinh hoạt và sự hình thành những nhu cầu về văn hóa của tầng lớp thị dân này. Có thể nói, đó chính là cơ sở để nền văn hóa đại chúng ra đời.

Mặt khác, vào đầu thời kỳ Taisho, tỉ lệ người biết chữ ở Nhật đã đạt tới mức 99%, cơ hội học tập ở các bậc học cao hơn như đại học cũng được mở rộng. Việc nâng cao mức chuẩn về tri thức/trình độ giáo dục và sự thừa thãi về kinh tế của người dân đã trở thành nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự phát triển nền văn hóa đại chúng. Chính vì vậy, thập niên 1920, từ cuối thời kỳ Taisho (1912-1926) đến đầu thời kỳ Showa (1926-1989), được nhiều nhà nghiên cứu Nhật Bản nhận định là thời kỳ hình thành nền văn hóa đại chúng tại Nhật Bản.

Trong quá trình hình thành này có một sự kiện lớn tác động mạnh mẽ đến sự hình thành và phát triển của nền văn hóa đại chúng. Đó chính là trận động đất Tokyo, hay còn gọi là trận động đất Kanto (Kanto daishinsai) xảy ra lúc 11 giờ 58 phút ngày 01 tháng 09 năm 1923 với cường độ 7,9 độ rích te tại khu vực thủ đô Tokyo. Trận động đất này đã phá hủy phần lớn các nhà dân ở Tokyo. Số người chết và mất tích lên tới 143.000 người, bị thương là 104.000 người, số nhà bị phá hủy hoàn toàn là 128.000 hộ, bị phá hủy một nửa là 126.000 hộ, bị cháy là 447.000 hộ. Tổng số người chịu ảnh hưởng của trận động đất lên tới 3.400.000 người [3] .

Kasumi
28-11-2007, 05:24 PM
Trận động đất Tokyo đã phá hủy toàn bộ vùng thủ đô Tokyo, làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội nên ở khía cạnh nào đó, đây cũng có thể được coi là một sự kiện xã hội lớn. Bên cạnh đó, sự tàn phá của thiên nhiên cũng khiến con người cảm thấy một sức mạnh siêu nhiên vượt quá tầm kiểm soát của con người, do đó nó cũng có thể được coi là một sự kiện tâm lý xã hội. Sau khi trận động đất Tokyo xảy ra, trong dân chúng đã xuất hiện lời đồn đại về một cuộc bạo động của người Triều Tiên và cuộc cách mạng của những người theo chủ nghĩa xã hội. Một người lính chứng kiến sự kiện này đã viết lại trong nhật ký của mình rằng:

“Ngày mồng 3 tháng 9. Trời mưa.

Lúc 01 giờ sáng, có lệnh tập hợp. Vì có những người Triều Tiên không rõ lai lịch ở Tokyo nhân cơ hội này (nhân trận động đất) đang liên tiếp thực hiện nhiều hành động xấu bất thường (bỏ thuốc độc vào giếng, ném bom vào những nơi hỏa hoạn, cưỡng hiếp...), nên để trấn áp chúng, chúng tôi đã mang theo 38 khẩu súng ngắn, súng trường đã nạp đạn sẵn sàng, lên ngựa phi nhanh đến Oshima thuộc Tokyo. Từ phía Komatsugawa, rất nhiều người dân địa phương đang giao chiến, mọi người dùng kiếm, tre vót nhọn, mắt ngầu đỏ, tìm giết người Triều Tiên, quang cảnh hết sức hỗn loạn....Khi nghĩ rằng ai đó là người Triều thì họ không nói năng gì cả, không cần căn cứ nào, lập tức giết ngay. Rồi họ ném xác xuống sông”. [4]

Ngoài quân đội, các đội tự vệ được thành lập ở các vùng, tiến hành kiểm tra những người nghi vấn. Trong các đội tự vệ có quân nhân địa phương, lực lượng phòng cháy chữa cháy... Bản thân chính phủ, cảnh sát và quân đội cũng khuyến khích hoạt động này. Cuộc thảm sát người Triều Tiên kéo dài suốt đến ngày 07 tháng 09. Theo nghiên cứu của Eguchi Keiichi, tổng số người Triều Tiên bị giết trong những ngày sau trận động đất vào khoảng 6000 người, còn số người Trung Quốc là 200 người [5] . Tuy nhiên, con số chính xác là không rõ ràng. Chính phủ Nhật Bản không muốn truy cứu chân tướng sự kiện này. Có lẽ con số bị giết còn cao hơn gấp nhiều lần. Số người Nhật bị giết do nhầm lẫn chắc cũng không ít, vào khoảng 59 người [6] . Những người này đều được tính vào số những người bị mất tích trong trận động đất.

Đối tượng bị hại không chỉ là những người Triều Tiên và Trung Quốc. Những nhà hoạt động xã hội chủ nghĩa và liên đoàn lao động cũng bị giết hại. Dựa trên những thông tin cho rằng các nhóm hoạt động xã hội chủ nghĩa sẽ lợi dụng trận động đất này để làm cách mạng, cảnh sát, quân đội đã bắt giữ những người này và giết hại họ. Tại Kamedo, sở cảnh sát vùng Kamedo đã bắt 8 nhà hoạt động của Liên đoàn lao động đang tham gia hoạt động cứu giúp những người bị hại và thắt cổ giết chết họ. Đội trưởng đội hiến binh vùng Kojimachi là đại úy Amakasu Masahiko đã lệnh cho hiến binh bắt Osugi Sakae (1885-1923), một nhà hoạt động xã hội chủ nghĩa, cùng vợ là Ito Nogi, nhà hoạt động giải phóng phụ nữ, và cháu của họ là Tachibana Soichi 6 tuổi, giết chết và ném xuống giếng.

Sự kiện này đã có tác động mạnh mẽ đến dân chúng Tokyo khi đó, đồng thời nó cũng cho thấy rõ nỗi lo sợ về những thiệt hại xã hội nảy sinh từ việc thiếu thông tin hay thông tin không đầy đủ. Đó chính là một nguyên nhân thúc đẩy nhanh sự xuất hiện của đài phát thanh ở Nhật Bản sau đó.

Trận động đất Tokyo hầu như đã phá hủy toàn bộ khu vực Tokyo. Do đó, sau trận động đất, chính phủ đã đưa ra kế hoạch hiện đại hóa, tái thiết Tokyo. ở trung tâm Tokyo, các con đường trung tâm được quy hoạch, xây dựng với quy mô lớn để phòng ngừa hoả hoạn lan rộng. Nhiều công viên cũng được xây dựng để làm nơi lánh nạn của người dân. Chỉ trong một thời gian ngắn, bằng những kỹ thuật hiện đại, Tokyo đã được khôi phục với một tốc độ nhanh chóng đáng kinh ngạc, không gian đô thị thay đổi và một thành phố với những giá trị văn minh mới đã ra đời. Sự phát triển của khu Marunouchi với trung tâm là các khu văn phòng cùng với tuyến tàu điện Chuo chạy cắt ngang Tokyo và tuyến Yamanote chạy vòng quanh Tokyo đã tạo nên một mạng lưới giao thông gắn kết khu vực trung tâm xung quanh ga Tokyo với các khu vực ngoại vi.

Còn ở vùng ngoại vi, chính phủ đã có kế hoạch xây dựng các khu dân cư với những nhà tập thể kiểu mới theo phong cách kiến trúc kết hợp giữa châu Âu và Nhật Bản dọc theo các tuyến tàu điện. Chính vì vậy, nhiều người đã chuyển ra sinh sống ở ngoại vi Tokyo. Tokyo gần như được chia làm hai khu vực tương đối tách biệt, khu vực công sở trung tâm và khu vực dân cư ở ngoại vi.

Một cuộc sống văn hóa mới đã ra đời và nuôi dưỡng nhu cầu của tầng lớp thị dân mới, tầng lớp trung lưu, những người làm công ăn lương, có trình độ học thức cao.

Văn hóa của tầng lớp thị dân, trung tâm của nền văn hóa đại chúng khác với đời sống sinh hoạt của người dân Nhật Bản trong giai đoạn trước đó. Tại nhiều ga, các khu bách hóa tổng hợp với quy mô lớn có thể đón tiếp một số lượng lớn khách hàng đã được xây dựng, trước tiên là ở khu vực ga Umeda thuộc Osaka. Người dân thành thị vào ngày chủ nhật thường đến khu bách hóa này dạo chơi, mua sắm. Tại cửa hàng bách hóa này có trưng bày các ma nơ canh mặc những bộ trang phục phương Tây và mọi người học tập bắt chước mặc những bộ trang phục này. Chính những bóng dáng các bộ trang phục phương Tây của các nam thanh nữ tú hiện đại (modern girl, modern boy) đã thể hiện phong cách, hơi thở của thời đại mới và trở thành biểu tượng của văn hóa thành thị. Xung quanh các cửa hàng bách hóa là hàng loạt các quán ăn với những món ăn theo kiểu phương Tây như cơm cà ri (curry rice), khoai tây chiên tẩm bột (croquette), cơm thịt lợn tẩm bột rán (katsudon) và việc ăn những món ăn này được coi là lối sống hiện đại.

Kasumi
28-11-2007, 05:24 PM
Tiêu biểu cho nền văn hóa mới thời kỳ này là khu Ginza, trung tâm của nền văn hóa tiêu thụ. Việc dạo chơi mua sắm ở khu Ginza đã trở thành một lối sống và là phương thức để hấp thụ những biến động mạnh mẽ của văn hóa đô thị. Ginza trở thành nơi phát tín hiệu truyền bá văn hóa đô thị. Câu nói quảng cáo của cửa hàng bách hóa Mitsukoshi “hôm nay là nhà hát kịch đế quốc, mai là Mitsukoshi” đã thể hiện sâu sắc không khí khi đó và gây ấn tượng mạnh mẽ với nhiều người.

Một yếu tố văn hóa đại chúng quan trọng của thời kỳ này là điện ảnh. Mặc dù mới chỉ là những bộ phim câm nhưng cho đến thời điểm tivi xuất hiện, nó luôn chiếm vị trí số một trong các loại hình giải trí. Những bộ phim như “Cô bé Matsui mắt ngọc” với các diễn viên Onoe Matsunosuke, hay phim kiếm hiệp với Bando Tsumasaburo đã thu hút được sự hâm mộ của nhiều người. Các diễn viên phương Tây như Chaplin, Harold Lloyd, Buster Keaton cũng được hâm mộ qua các bộ phim hài. Năm Showa thứ 4 (1929), những bộ phim có tiếng đầu tiên đã được chiếu tại các rạp phim Musashino ở Shinjuku và rạp Denkikan ở Asakusa. Hai năm sau đó, bộ phim có tiếng đầu tiên của Nhật Bản “Quý bà và tiểu thư” của đạo diễn Gosho Heinosuke (1902-1981) và hãng Shochiku đã được trình chiếu, đánh dấu sự chấm dứt của thời đại phim câm.

Ngoài điện ảnh, nghệ thuật với tư cách là văn hóa đại chúng cũng có những phát triển lớn. Về văn học, đây là thời đại nhiều tiểu thuyết gia lớn đã xuất hiện. Ví dụ như Mushanokoji Saneatsu (1883-1976), Shiga Naoya (1883-1971), Arishima Takeo (1878-1923) thuộc phái Shirakaba (Bạch Hoa); Shimazaki Toson (1872-1943), Natsume Soseki (1867-1916) thuộc phái chủ nghĩa tự nhiên; Kawabata Yasunari (1899-1972) thuộc phái tân cảm giác. Văn học vô sản cũng phát triển với Kobayashi Takiji (1903-1933), Tokunaga Sunao (1899-1958), về thơ có Takamura Kotaro (1883-1956), về tanka có Saito Shigeyoshi, về thơ haiku có Takahama Kyoshi (1874-1959). Có thể nói đây là thời kỳ xuất hiện nhiều nhân vật kiệt xuất nhất trong lịch sử văn học Nhật Bản.

Trong thời kỳ Taisho, mọi người say sưa hát các bản dân ca Nga, bài hát tiếng Anh, các vở opera với máy hát, đĩa hát. Năm Showa thứ 3 (1928), hãng Victor đã phát hành đĩa hát “Habu no minato, Cảng trung tâm” của danh ca opera được hâm mộ khi đó là Fujihara Yoshie và hãng Columbia đã phát hành đĩa hát “Mon Paris”. Đây là những đĩa hát có tiếng đầu tiên của Nhật Bản. Năm Showa thứ 4 (1929), đĩa nhạc “Cachiusa” do ca sĩ Matsui Sumako (1886-1919) hát bằng tiếng Nhật đã bán được hai vạn đĩa. Nhờ sự ra đời của ngành công nghiệp sản xuất đĩa hát Nhật Bản, nhiều bài dân ca Nhật Bản đã được ghi âm và trở nên phổ biến trong dân chúng. Còn trong giai đoạn trước đó, các bài hát được lưu hành chủ yếu là các bài hát mang phong cách châu Âu và được lưu hành chủ yếu tại các quán cafe bằng máy hát.

Đóng vai trò quan trọng với tư cách là cầu nối truyền bá văn hóa đại chúng ra phạm vi toàn quốc là các phương tiện thông tin đại chúng. Quá trình đại chúng hóa các tờ báo, tạp chí đã tiến triển thêm một bước bởi lẽ nhu cầu của tầng lớp thị dân khi đó là văn hóa đọc và văn hóa thông tin. Năm Taisho thứ 13 (1924), các tờ báo ở Osaka như tờ Asahi, Mainichi đã vượt qua con số 1 triệu bản một ngày. Còn về tạp chí, các tờ tạp chí tổng hợp xuất hiện. Năm 1919, tờ “Kaizo” được xuất bản, cùng với tờ “Chuokoron” xuất bản từ thời kỳ Minh Trị ủng hộ phong trào đấu tranh dân chủ, góp phần nâng cao sự quan tâm của độc giả đến các vấn đề xã hội. Các tờ tạp chí dành cho phụ nữ, thiếu niên và giải trí cũng lần lượt xuất hiện. Trong đó, đáng chú ý nhất là tờ “King”. Ngay từ khi mới xuất bản, nhờ những biện pháp quảng cáo mạnh mẽ, đa dạng như quảng cáo trên báo, treo băng rôn... với những khẩu hiệu như: “Hay nhất Nhật Bản”, “Bán chạy nhất Nhật Bản”, “Vì vị trí nhất Nhật Bản”..., ngay số đầu tiên đã tiêu thụ được 740.000 bản và đến số đầu tiên của năm kế tiếp, con số này đã đạt tới 1,5 triệu bản. Đây là số lượng phát hành gây kinh ngạc giới xuất bản thời kỳ đó.

Trong sự biến đổi mạnh mẽ như vậy, sự xuất hiện của một phương tiện thông tin đại chúng có ảnh hưởng lớn nhất là đài phát thanh. Ngày 22 tháng 03 năm 1925, đài phát thanh Tokyo đã bắt đầu phát sóng trên tần số 800 Khz, công suất 220 wats, mở đầu cho thời kỳ phát triển mạnh mẽ của làn sóng phát thanh ở Nhật Bản. Vào thời điểm đó, số máy thu tín hiệu phát thanh ở Nhật Bản mới chỉ có 3500 chiếc, số người tiếp nhận sóng phát thanh là 258.500 người, tỉ lệ phổ cập là 2,1% [7]. Sau đó, các đài phát thanh Osaka, đài phát thanh Nagoya cũng bắt đầu phát sóng và thời kỳ này được gọi là thời đại của ba đài phát thanh.

Năm Showa thứ 2 (1927), các buổi phát trực tiếp bên ngoài phòng thu cũng tăng lên. Tháng 2 năm đó, lễ tang Thiên Hoàng Taisho đã được phát thanh trực tiếp (buổi phát thanh trực tiếp đầu tiên bên ngoài đài ở Tokyo). Tháng 8 cùng năm, buổi phát thanh trực tiếp chương trình thể thao trận chung kết giải bóng chày các trường phổ thông trung học toàn quốc đã được thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi đài phát thanh bắt đầu hoạt động, nhiều người dân đã yêu cầu các đài phát thanh phát các chương trình giải trí và ca nhạc.

Ngày 5 tháng 11 năm 1928, mạng lưới phát thanh toàn quốc từ Hokkaido đến Kyushu đã được thiết lập, việc phát thanh trực tiếp trên toàn quốc đã có thể thực hiện được. Và ngày hôm sau, mồng 6 tháng 11, lễ đăng cơ của Thiên Hoàng Showa đã được truyền trực tiếp trên sóng phát thanh toàn quốc. Với sự kiện này, Đài phát thanh đã có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin một cách kịp thời đến toàn bộ dân chúng vào đúng thời điểm bắt đầu một thời đại mới, thời đại Showa. Ngày 30 tháng 09 năm 1928, số máy thu sóng phát thanh toàn Nhật Bản là 50 nghìn chiếc. Đến năm 1937, 10 năm sau ngày phát sóng đầu tiên, số người nghe đài phát thanh ở Nhật đã lên tới 19.790.000 người, tỉ lệ phổ cập là 15,5% [8] . Tỉ lệ phổ cập này mặc dù không phải là lớn nhưng nó cho thấy sự gia tăng về số lượng người nghe đài, đặc biệt là trong giai đoạn thời chiến.

Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp điện lực toàn quốc, các máy thu sóng phát thanh với chất lượng tốt, giá thành thấp đã được bán trên thị trường, thúc đẩy hơn nữa sự phổ cập sóng phát thanh toàn Nhật Bản. Chủng loại đài rất đa dạng, từ kiểu dáng đài riêng lẻ có tai nghe đến kiểu đài có thể cả gia đình cùng nghe.

Kasumi
28-11-2007, 05:25 PM
Như đã trình bày ở trên, các tờ báo, tạp chí cũng đã bước vào giai đoạn đại chúng hóa nhưng đài phát thanh đã đóng vai trò đầu tàu trong việc thúc đẩy quá trình đại chúng hóa văn hóa. Báo chí đã đăng tải chương trình phát thanh hàng ngày, đăng lời các bài hát đang thịnh hành trên sóng phát thanh. Quá trình điện ảnh hóa cũng diễn ra tương tự, các tờ tạp chí đăng các bài giới thiệu nội dung chính của bộ phim, các bài hát lưu hành trong các bộ phim, đưa ra những chiến lược nhằm hợp tác trong việc đẩy nhanh việc lưu hành những bộ phim này.

Giới kinh doanh đĩa hát ban đầu bị đài phát thanh áp đảo nên có nhiều phản ứng tiêu cực với đài phát thanh. Tuy nhiên, dần dần giới kinh doanh đĩa hát cũng chuyển sang chiều hướng tích cực hơn bởi lẽ họ nhận thấy rằng phản ứng của người nghe những bài hát trên sóng phát thanh có tác động mạnh đến việc bán các đĩa hát. Sự hợp tác này bắt đầu đi vào quỹ đạo từ năm 1929, 1929, các bài hát Hành khúc Tokyo, Hành khúc Dotonbori được hát từ các quán bar ở Ginza, các quán cafe đến nông thôn và được phát trên sóng phát thanh toàn quốc. Các cuộc nói chuyện, rakugo, naniwabushi (lãng hoa tiết) [9] cũng là các chương trình giải trí đại chúng mà đài phát thanh cung cấp. Đặc biệt, nhờ đài phát thanh, naniwabushi đã trở thành hình thức giải trí được ưa chuộng nhất thời bấy giờ.

“Sự si mê” đài phát thanh của mọi người đã vượt quá sức tưởng tượng, nhiều cuộc phát thanh thử nghiệm đã được tiến hành. Các chương trình nguyên mẫu cho các chương trình phát thanh ngày nay đã được thực hiện như tin tức hàng tuần, tin tức theo giờ, dự báo thời tiết, dậy nấu ăn...

Sự phát triển của đài phát thanh đã đưa đến những biến đổi xã hội quan trọng. Chương trình tập thể dục theo đài ngày nay được bắt đầu phát sóng vào tháng 1 năm Showa thứ 3 (1928) và từ ngày 11 tháng 2 năm 1929, nó trở thành chương trình phát sóng định kỳ vào sáng sớm hàng ngày trừ ngày chủ nhật và ngày lễ. Bài hát thể dục buổi sáng đã trở thành âm thanh báo hiệu một ngày mới. Quang cảnh mọi người tập thể dục theo hiệu lệnh từ đài phát thanh trên toàn Nhật Bản đã thể hiện một cách tiêu biểu thời đại biến đổi của xã hội Nhật Bản.

Nhiều sự kiện trọng đại qua sóng phát thanh đã được truyền đến mọi nhà như lễ duyệt binh kỷ niệm ngày sinh nhật Thiên Hoàng (lễ này được bắt đầu từ năm Minh Trị thứ 1). Điều mà đài phát thanh phát huy hiệu quả nhất vai trò của một phương tiện thông tin đại chúng là cung cấp các kinh nghiệm chung, đồng thời cho toàn Nhật Bản bắt đầu từ việc tập thể dục buổi sáng. Đài phát thanh cũng có vai trò quan trọng trong việc tổng động viên toàn quốc.

Như vậy, có thể nói, nền văn hóa đại chúng hình thành trong thời kỳ Taisho (1912-1926) là sự kết tinh có tính tất yếu của quá trình phát triển văn hóa trên cơ sở những điều kiện về kinh tế, chính trị, giáo dục cần thiết đã được chuẩn bị trong thời kỳ Minh Trị. Trận động đất Tokyo năm 1923 mặc dù là một thiên tai không may, để lại hậu quả nặng nề nhưng xét ở một khía cạnh khác, phải chăng đó cũng là một “điềm may”, tạo ra một cơ hội thuận lợi để Nhật Bản có thể tiến hành đẩy nhanh hơn tiến trình hiện đại hóa, đô thị hóa và đại chúng hóa nền văn hóa. Sau trận động đất này, cùng với việc tái thiết khu vực Tokyo, nền văn hóa đại chúng đã được tạo những điều kiện cần thiết để phát triển. Hơn nữa, nhờ sóng phát thanh, một trong những hệ quả gián tiếp của trận động đất, mà mọi người dân Nhật Bản đã cùng nắm bắt được các công việc của quốc gia. Quá trình mọi người dân Nhật Bản cùng thụ hưởng những chương trình ca nhạc, giải trí giống nhau cũng là quá trình thống nhất về tinh thần và văn hóa. Trong thời kỳ quân phiệt sau đó, sóng phát thanh đã khiến người dân Nhật Bản dễ dàng bị cuốn vào cái gọi là “tẩy não đại chúng”.



Thay lời kết

Ngày nay, tại các quốc gia ở khu vực Đông á như Nhật Bản, Hàn Quốc đã hình thành văn hóa của giới trẻ (pop culture). Trong bối cảnh toàn cầu hóa, quốc tế hóa, pop culture đã phát triển mạnh mẽ và những giá trị đặc trưng của nó đã được truyền bá đến nhiều quốc gia khác. Trong báo cáo của mình tại Hội thảo “Hướng tới Cộng đồng Đông á - Cơ hội và thách thức”, Giáo sư Furuta Motoo đã nhận định rằng: “trong quá trình phát triển kinh tế, tầng lớp trung gian thành thị được hình thành ở các đồ thị lớn tại các nước trong khu vực Đông á. Giữa tầng lớp này, nhất là lớp trẻ, có xuất hiện những mặt thị hiếu chung của khu vực Đông á trong lĩnh vực văn hoá đại chúng”[10] như manga, anime và nhạc pop của Nhật Bản, phim truyền hình của Hàn Quốc, điện ảnh của Hồng Kông (Trung Quốc)... Đó chính là “nền văn hóa đại chúng chung của khu vực Đông á” . [11] Nền văn hóa này được phát triển trên nền tảng những giá trị văn hóa tiêu biểu của pop culture của các nước, trong đó có pop culture của Nhật Bản hình thành trên nền tảng của văn hóa đại chúng thời kỳ Taisho và đầu Showa.

---------------------------------------------

[1] Nihonshi no kihonchishiki, Yuhikaku, 1974, tr.434
[2] Sđd, tr 434

[3] Shinsho nihonshi zusetsu, Hamashima shoten, 2003, tr.208
[4] Nakamura Shintaro, Kanto daishinsai to chosenjin gyakusatsu , Gendaishi shuppankai, 1975, tr.13-14

[5] Eguchi Keiichi, Taikei Nihon no rekishi , Futatsu no taisen , Shogakukan, 1985, tr.126
[6] Eguchi Keiichi, Taikei Nihon no rekishi , Futatsu no taisen , Shogakukan, 1985, tr.126

[7] Okuda Haruki (hen), Nihon Kindaishi gaisetsu , Kobundo, 2003, tr.112
[8] Okuda Haruki, Sđd, tr.112

[9] Một loại hình nghệ thuật kể chuyện có bổ sung thêm các tiết tấu âm nhạc của đàn samisen.
[10] “Hướng tới cộng đồng Đông á - Cơ hội và thách thức ”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006, tr.94

[11] Sđd, tr.95

---------------------------------------------

Tài liệu tham khảo

1. “Hướng tới cộng đồng Đông á - Cơ hội và thách thức”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006.

2. Eguchi Keiichi, Taikei Nihon no rekishi - Futatsu no taisen, Shogakukan, 1985

3. Okuda Haruki (hen), Nihon Kindaishi gaisetsu, Kobundo, 2003.

4. Nakamura Shintaro, Kanto daishinsai to chosenjin gyakusatsu, Gendaishi shuppankai, 1975.

5. Haruhara Akihiko, Nihon shinbun tsushi, Shinsensha, 1985.

6. Iwanami Koza, Nihontsushi, Dai 18 kan, Kindai 3, Iwanami shoten, 1994

7. Rekishi Gakukenkyukai, Nihon rekishi, Kindai 3, Tokyodaigaku shuppankai, 1985.

8. Nihonshi no kihonchishiki, Yuhikaku, 1974

9. Shinsho nihonshi zusetsu, Hamashima shoten, 2003.


--------------------------------------------------------------------------------

* Nguồn : Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Bài phát biều trong buổi hội thảo : Văn hóa phương đông : Truyền thống và Hội nhập được tổ chức vào ngày 13 tháng 1 năm 2007