PDA

View Full Version : “Sách trắng” chỉ đường



Kasumi
02-12-2007, 11:18 AM
Là một nước có nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới ( chỉ đứng sau Hoa Kỳ), Nhật Bản từ lâu được coi là “ông trùm” trong các ngành công nghiệp nặng, công nghệ cao… Tuy nhiên, người ta nhận thấy rằng dường như các ngành công nghiệp dịch vụ của Nhật Bản lại bị xem nhẹ trong thời gian qua.

Đứng trước tình hình đó, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đang kêu gọi ngành công nghiệp dịch vụ, bao gồm: tài chính, vận tải, ngành bán lẻ và khu vực khách sạn phát triển công việc kinh doanh ra nước ngoài – những lĩnh vực mà Nhật Bản đang đi sau Mỹ và liên minh châu Âu.

Nhìn người ngẫm ta

Trong Sách trắng 2007 về Kinh tế và Thương mại Quốc tế, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cũng kêu gọi các Cty trong nước đầu tư thêm vào công nghệ thông tin và đẩy mạnh “thương hiệu Nhật Bản” như phim hoạt hình và điện ảnh. Có lẽ, nói đến vấn đề này, người ta không khỏi nhìn ngay sang nước bạn láng giềng của Nhật Bản là Hàn Quốc - 2 nước có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, truyền thống văn hoá, kinh tế… Với chính sách phát triển phù hợp, trong những năm trở lại đây, “thương hiệu” Hàn Quốc đang được cả thế giới biết đến bắt đầu từ những sản phẩm của ngành công nghiệp điện ảnh, ngành bán lẻ với sức tiêu thụ lớn trên nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có VN, tạo thành “trào lưu” dùng đồ Hàn trong giới trẻ nhiều nước. Điều này nhìn ở góc độ nào đó thì Nhật Bản còn chưa bằng.


Nhật Bản có dân số: 127,7 triệu (năm 2006)

Diện tích: 377.864 km2

Thu nhập bình quân: 38.989 USD người/ năm

Nhật Bản hiện là nước có viên trợ ODA lớn nhất nhất của VN, với trên 10 tỷ USD, trong đó hơn 1 tỷ USD không hoàn lại, chiếm 1/3 tổng viện trợ của quốc tế cho VN.

Bản báo cáo của METI cũng dành nhiều khoảng cho một phân tích về nền kinh tế Ấn Độ - một quốc gia Nhật Bản có ít quan hệ, và dự đoán đất nước này sẽ nổi lên như một thị trường hứa hẹn. Như vậy, ngay từ trong khu vực chứ chưa nói đến đâu xa xôi, Nhật Bản cũng đang có nhiều đối thủ cần phải “dè chừng”.

Bản báo cáo của METI cũng thảo luận về sự chậm trễ trong phát triển ra nước ngoài của ngành công nghiệp dịch vụ Nhật Bản dựa trên vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp, phản ánh chi phí mà các Cty Nhật phải gánh chịu khi mua bán đất và xây dựng quản lý kinh doanh ở nước ngoài. Theo thống kê năm 2006, tỉ trọng ngành công nghiệp dịch vụ ở Nhật là 35%, thấp hơn nhiều so với Mỹ là 74% và châu Âu là 76%. Trong tổng số vốn đầu tư trực tiếp , 80% dành cho ngành tài chính, bảo hiểm, ngành bán buôn và bán lẻ. Các ngành dịch vụ khác tụt lại đằng sau.

Một ví dụ là ngành khách sạn. Theo một cuộc điều tra mới đây của METI: Tập đoàn Inter Continetal Hotel của Anh đang quản lý khoảng 3.700 khách sạn, bao gồm Holiday Inn và các thương hiệu khách sạn khác trên 100 nước và vùng lãnh thổ. Trong khi đó, Prince Hotels, Inc… của Nhật chỉ quản lý trên 3 nước và vùng lãnh thổ, trong đó tổng số khách sạn, bao gồm cả ở Nhật cũng chỉ vẻn vẹn con số 60.

Hướng đi “mềm”

Để ngành công nghiệp dịch vụ mở rộng ra nước ngoài, sách trắng đã vạch ra sự cần thiết đẩy mạnh hiệu quả và cạnh tranh quốc tế. Ở từng mục cụ thể đều thể hiện đầu tư công nghệ thông tin đã nghiêng về chế tạo phần cứng mà ít nhấn mạnh phần mềm. Trong khi đó, sự cần thiết của sử dụng công nghệ thông tin để phân tích thông tin khách hàng, đưa ra các kết quả nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm mới là không thể phủ nhận.

Các chuyên gia kinh tế của Nhật Bản cũng đưa ra đề xuất, các Cty Nhật Bản cần tận dụng lợi thế lớn mạnh trong công nghệ tự động, các thiết bị điện gia đình và đẩy mạnh ngành giải trí như điện ảnh và hoạt hình bắt nguồn từ văn hoá và thời trang Nhật Bản. Đây có lẽ là con đường đi thích hợp bới trong thời gian qua, phim hoạt hình và phần mềm trò chơi Nhật Bản đã được đón nhận nồng nhiệt ở nước ngoài. Trong khi thời trang và đồ đạc với thiết kế đặc biệt kiểu Nhật cũng ngày càng trở nên phổ biến.

Hiện METI đang hỗ trợ Japan International Content Festival tổ chức các tuần lễ phim Nhật; tuần lễ thời trang Nhật Bản ở Tokyo và coi đó là những hoạt động cốt yếu để quảng bá hình ảnh đất nước mặt trời mọc cũng như đẩy mạnh các nhãn hiệu Nhật Bản. METI cũng khởi động một dự án về nghề thủ công truyền thống địa phương để giới thiệu với các vị khách quốc tế những sản vật đáng tự hào của con người Nhật Bản, thêm một minh chứng cho bề dày văn hóa của đất nước mình.

Việc công bố Sách trắng 2007 cho thấy, khi dám nhìn thẳng vào sự thật, người ta có thể dễ dàng vượt qua được những rào cản của bản thân để từ đó bứt phá đi lên theo một con đường, chiến lược vạch sẵn.

Quang Minh
DĐDN