PDA

View Full Version : Series: Nippon



Acmagiro
09-12-2007, 02:52 PM
Nippon no Kokuminsei : Tính quốc dân của dân tộc Nhật

1. Lý giải lẫn nhau







Bài viết này được dịch từ sách tiếng Nhật trung cấp, phần sau là nhận xét của người dịch. Nội dung bài này bàn đến một trong những đặc tính cố hữu của dân tộc Nhật, thông qua đó mà người đọc nên có một cách nhìn nhận cởi mở và phóng khoáng hơn.



Nhật Bản có câu tục ngữ “Tabi no haji wa kaki sute”, câu này có nghĩa rằng khi đi du lịch đến một nơi khác thì không ai biết mình là ai cả nên có thể làm nhiều chuyện mình muốn mà không phải e ngại gì. Ngày xưa ở Nhật người ta không dễ gì có cơ hội chu du đến nơi khác, rất nhiều người cả đời không thể rời được mảnh đất mình sinh ra, sống suốt đời ở đó trong cái quan hệ trên dưới rất nghiêm ngặt. Vì vậy mà du lịch là cơ hội duy nhất để họ có thể thoát ra khỏi cái khung đó. Có lẽ vì vậy mà người ta cho rằng khi đi du lịch thì tự do làm mọi việc một tí cũng không sao chăng?


Tiếng Nhật cũng có từ “Bureikou”, nghĩa là không còn chấp quan hệ trên dưới gì nữa trong một số dịp đặc biệt. Khi nói “hôm nay ta uống với nhau một bữa Bureikou đi” thì lúc này vai vế đối phương so với mình như thế nào không còn quan trọng nữa, cho dù có thất lễ một chút cũng chẳng lấy làm điều. Nhưng khi dịp này đã qua đi thì người ta phải trở lại quan hệ trên dưới nghiêm ngặt như mọi khi. Sở dĩ cái nền móng của xã hội Nhật Bản nghiêm khắc đã được định hình vững chắc không bị phá vỡ mà vẫn tồn tại trong thời gian dài chính là nhờ vào những dịp “xả hơi” như Bureikou chăng?


Tuy người ta vẫn nói rằng xã hội Nhật Bản hiện đại hầu như đã mất đi cái trật tự trên dưới truyền thống rồi nhưng ngày nay lại hình thành nên một trật tự mới trong tập thể, khác với ngày xưa. Một trong những tập thể đó là công ty. Trong công ty thì trật tự trên dưới cũng không khác xưa là mấy, thứ tự giám đốc, trưởng phòng, trưởng khoa và nhân viên bình thường được gìn giữ rất nghiêm ngặt. Chẳng có mấy người làm xáo trộn cái trật tự đó. Tuy đối với người trong công ty thì người ta quan tâm săn đón thì nhiều người lại tỏ thái độ thờ ơ đối với người ngoài công ty. Cho dù có thấy người cao tuổi đứng trên xe điện vì thiếu chỗ thì họ vẫn làm ngơ như không biết, nhưng khi thấy cấp trên của mình lên xe thì lại luống cuống nhường chỗ. Thái độ này có thể được hiểu qua hai khái niệm cố hữu, “bên trong” (Uti) và “bên ngoài” (Soto) trong văn hóa Nhật. Công ty, đoàn thể mà mình thuộc về đó là “bên trong”, đối với người thuộc “bên trong” thì người ta cố gắng giữ gìn kỷ cương trật tự, nhưng đối với người “bên ngoài” thì chẳng mấy quan tâm.


Tiếng Nhật có từ “Gaijin” (âm Hán Việt: ngoại nhân) dùng để chỉ người ngoại quốc. Hẳn là từ này cũng bắt nguồn từ ý thức trong ngoài như trên. Tôi đã từng nghe nhiều người ngoại quốc than rằng cho dù họ có sống ở Nhật bao lâu đi nữa, giống người Nhật, hiểu người Nhật hơn cả người Nhật đi nữa thì vẫn cứ bị gọi là “Gaijin”. “Đúng là người Nhật rất lịch sự, lễ phép, nhưng đó chỉ là thái độ lễ phép với khách hàng mà thôi. Họ chẳng bao giờ chấp nhận bạn vào trong xã hội của họ”. Vì bạn là người ngoài. Đây có lẽ là đặc điểm chỉ có ở Nhật, và cũng có lẽ là người Nhật sợ rằng không biết những người “bên ngoài” kia có phá hỏng đi cái trật tự “bên trong” đã hình thành từ ngàn đời nay không. Và bằng việc khép kín như vậy thì họ có thể đảm bảo được cái trật tự xã hội này không bị phá vỡ?


++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++ ++++++++


Bài viết này đề cập gần như trực tiếp đến một trong những đặc tính của dân tộc Nhật. Kín đáo, khép kín và bí ẩn, khó hiểu đối với nhiều người. Người Mỹ là bạn hàng lớn nhất của người Nhật biết bao năm qua vẫn không thể hiểu được đối tác của mình đang nghĩ gì, định làm gì. Mở đầu bằng một sự thật trong xã hội phong kiến ở Nhật là ngoài giai cấp vũ sĩ thì mọi tầng lớp còn lại trong xã hội đều suốt đời bị chôn chặt tại mảnh đất mình sinh ra. Muốn di chuyển đến một vùng khác thì không dễ gì và những người không sống ở địa phương mình luôn bị khinh rẻ ở địa phương khác. Về điểm này thì Nhật Bản không khác Việt Nam.


Bureikou là một hiện tượng đặc biệt trong cái xã hội đặt nặng lễ nghi phép tắc như vậy. Nếu nhớ không lầm thì người dịch đã từng xem một bộ phim về cuộc đệ nhị Thế Chiến. Phim “Cầu sông Kwai” của đạo diễn David Lean, trong đó các tù binh Úc, Hà Lan và Anh bị quân Nhật Bản buộc phải xây hai cầu song song qua sông như một phần của Đường sắt Miến Điện, cũng gọi là Thung lũng Chết do có nhiều người bỏ mạng trong quá trình xây dựng. Hàng ngày tù binh đồng minh bị phát xít Nhật đối xử rất hà khắc, lao dịch nặng nhọc. Nhưng vào một đêm lễ hội truyền thống của Nhật, viên sĩ quan cho thả tất cả tù binh ra, mời họ cùng ngồi chung bàn tiệc với mình, uống rượu ngắm trăng làm thơ rất cởi mở, vui vẻ trong sự ngạc nhiên cực độ cùng với nghi ngờ của tù binh đồng minh. Hôm sau thì mọi việc đâu lại vào đó, lao dịch nặng nhọc, đối xử lạnh nhạt khắc nghiệt. Điều này nói lên được tính nghiêm túc, chuyện gì ra chuyện đó của dân tộc Nhật. Nhưng không phải vì thế mà họ không có cảm xúc của những con người bình thường. Kiềm chế cảm xúc của bản thân cũng là một trong những điều cơ bản của Vũ Sĩ Đạo (Busidou). Có câu chuyện thế này về cuộc chiến Nhật-Nga ở eo Tusima. Tướng Nogi Maresuke được lệnh công đồn địch nhưng mấy lần thất bại, ông định mổ bụng tự vẫn (Seppuku hay Harakiri) nhưng Thiên Hoàng ngăn lại, bảo ông phải sống. Sau mấy lần gắng sức, tướng Nogi cũng kích phá được quân Nga, toàn nước Nhật tràn ngập không khí ăn mừng chiến thắng. Nhưng mấy đứa con của ông đã tử trận trong trận đánh này, biết tin nhưng Nogi vẫn tỏ vẻ bình thản, cười cười nói nói như không. Vào cuối ngày người ta thấy ông khóc nức nở trong phòng riêng, cảm tác nên những vần thơ thương tiếc về những người con xấu số. Mọi người đang vui thì cho dù cá nhân anh có chuyện buồn cũng không được để lộ cái buồn đó ra. Chẳng lẽ lại có thể ích kỷ vì chuyện cá nhân mà làm ảnh hưởng đến không khí của tập thể sao. Lại có chuyện vào thời Meiji, một giáo sư người Tây phương đến thăm bà mẹ cậu học sinh của mình để báo tin cho bà biết về cái chết của con trai mình. Nghe tin, bà mẹ vẫn cười nói thản nhiên như chẳng có chuyện gì. Vị giáo sư nọ rất đỗi ngạc nhiên, làm sao mà người ta có thể vô tâm tàn nhẫn đến thế được. Nhưng đến khi cúi xuống nhặt chiếc khăn bà đánh rơi lên, ngước lên ông thấy mắt bà rưng rưng.



Về thái độ “bên trong” và “bên ngoài” thì hẳn những người học tiếng Nhật đều có thể thấy được rõ ràng. Trong tiếng Nhật có lối nói biến đổi theo quan hệ trên dưới, trong ngoài này. Rất quy cũ, nghiêm khắc buộc phải tuân theo. Từ “Gaijin” xuất hiện từ khi nước Nhật mới mở cửa giao thiệp với Tây phương và trải qua mấy trăm năm, đến hiện nay thì ý nghĩa của nó cũng không có gì thay đổi. Nhật Bản là một quốc đảo cô lập với Thế giới, từ ngàn xưa chẳng có ai đến được mà cũng chẳng có mấy ai có thể “thoát” ra khỏi nó. Và trong thời Edo, họ Tokugawa đã ra lệnh bế quan tỏa cảng cấm giao thiệp với ngoại bang trong hai trăm năm. Có lẽ những yếu tố này đã ảnh hưởng đến tính cách cô lập, hướng nội của dân tộc Nhật chăng. Tuy cũng là một ảnh hưởng của Vũ Sĩ Đạo nhưng việc “lịch sự như đối với khách hàng” lại đi ngược lại phương châm của hệ thống luân lý này. Đạo Vũ Sĩ dạy rằng người người trong xã hội phải lễ phép, lịch sự đối với nhau. Nhưng lễ nghĩa phải bắt nguồn từ thực tâm kính trọng đối phương, phải xuất phát từ lòng vị tha luôn lo nghĩ đến đối phương. Nếu không có thực tâm thì lễ nghĩa chỉ là sáo rỗng. Và cũng không thể phủ nhận rằng thái độ giao thiệp của người Nhật vô tình đã và đang đi trái lại với lời dạy của Đạo Vũ Sĩ. Nhưng nói gì thì nói cũng không thể phủ nhận vai trò của nó được. Sở dĩ nước Nhật hùng mạnh được cũng nhờ một phần lớn vào sự coi trọng lễ nghi phép tắc này. Lễ nghĩa sinh phú quý chứ không phải phú quý sinh lễ nghĩa.


Đối với nhiều người thì Nhật Bản là một dân tộc vị kỷ. Điều này đúng ở phương diện nào đó. Nhưng hãy nghĩ lại. Một khi đã vào công ty làm việc thì nhân viên đặt quyền lợi của tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Một khi đã tham gia chính trường thì cho dù đi đúng hướng hay không thì trong thâm thâm mọi chính trị gia đều đặt quyền lợi của quốc gia dân tộc lên hàng đầu, ít ai nghĩ riêng cho cái túi của mình. Nhật Bản là một trong những quốc gia ít hối lộ nhất, ngày xưa là nha dịch, nay là công chức, tầng lớp này hầu như không có chuyện tiêu cực như thường thấy ở các nước châu Á khác. Như vậy có thể coi Nhật Bản là một dân tộc vị kỷ được không? Nếu không thể nghĩ đến bản thân mình đầu tiên thì làm sao có thể nghĩ cho kẻ khác