PDA

View Full Version : Người Nhật học và hành



Kasumi
19-12-2007, 05:34 PM
http://www.laodong.com.vn/avatar.aspx?ID=48361&at=0&ts=236
Trẻ em ở Hasanuma học thư pháp.

Theo lời mời của Japan Foundation và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, đoàn chúng tôi với nhiều thành phần: Chuyên viên của Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hoá-Thể thao & Du lịch, Bộ Ngoại giao, các sở văn hoá HN, Huế, TPHCM và phóng viên Báo Lao Động đã đi tham quan, tìm hiểu một số lĩnh vực về văn hoá, giáo dục... ở Nhật Bản trong 10 ngày tháng 12.

Người Nhật kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, từ một nước nghèo do chiến tranh, chưa đầy 30 năm sau đã vươn lên ngang với các nước phát triển. Ngày nay trở thành một quốc gia nằm trong khối G7, lớn mạnh về mọi mặt, có những lĩnh vực vượt trội đứng đầu thế giới. Có rất nhiều nguyên nhân đưa nước Nhật đến sự thành công, và một trong số đó là nền tảng giáo dục. Ngay từ nhỏ, công dân Nhật đã ý thức: Nếu không có tri thức thì nước sẽ nghèo, mà "nghèo là nhục" như câu nói của Minh Trị Thiên Hoàng. Học ở Nhật là một "công việc" suốt đời, không ngừng nghỉ.

Thông minh, dịu dàng và mạnh mẽ

Hệ thống giáo dục của Nhật cũng gần giống như ở VN, cấp phổ thông học 12 năm, tiểu học là từ lớp 1 tới lớp 6. Trường học có quốc lập, công lập: Thuộc Nhà nước quản lý, không phải đóng học phí, trường tư lập do cá nhân hay tổ chức lập ra, học phí rất đắt, điều kiện đầy đủ hơn, song về chất lượng giáo dục thì đồng đều.

Thành phố Saitama có 1,2 triệu dân, nhưng có tới 16.109 người nước ngoài, trong đó có khoảng 500 người VN. Chúng tôi tới tham quan và tham dự một số sinh hoạt của Trường Tiểu học Hasanuma, để có một cái nhìn khái quát so sánh giáo dục tiểu học của Nhật với VN. Ông Hiệu trưởng Imamura, đã đứng tuổi, vui vẻ đón đoàn bằng câu chào tiếng Việt khá chuẩn "Xin chào các anh, các chị". Hasanuma không phải là một trường lớn lắm nhưng được sự quan tâm của thành phố. Ông khoe, trường mới được lắp đặt hệ thống máy điều hoà, và chỉ riêng điều này thôi đã được báo chí đưa tin (trong khi các trường tư lập khác đã trang bị máy điều hoà từ lâu).Trường có 27 lớp học, trong có 4 lớp dành riêng cho học sinh có "hoàn cảnh đặc biệt"- điều này thì các trường tiểu học ở ta nên học kinh nghiệm. Theo ông hiệu trưởng, trường đề ra 3 nguyên tắc - cũng là 3 yếu tố trong giáo dục cho mỗi học sinh: Thông minh, dịu dàng, mạnh mẽ.

Vào các lớp học, điều dễ nhận thấy là cách trang trí phòng học rất sinh động, các bức tường được dán, treo nhiều hình ảnh vừa là giáo cụ trực quan để học, vừa làm đẹp lớp học. Đặc biệt là các hình ảnh liên quan đến việc giới thiệu văn hoá các quốc gia , ngoài một bức tường có treo quốc kỳ của các nước, còn là những biểu tượng về đất nước con người quốc gia đó, như VN là hình ảnh cây tre. Ơ dọc các hành lang và ngay cả ở phòng vệ sinh, các bức tường cũng được trang trí bằng những hình vẽ đầy màu sắc, đưa ra nhiều thông tin giao tiếp, khác hẳn với vẻ nhàm chán, tẻ nhạt chỉ độc một màu trắng, hay vàng, vài câu khẩu hiệu... như các trường học ở ta. Một cô giáo trẻ dẫn đoàn đi nói rằng, làm như thế, trẻ con mới cảm thấy hứng thú, thích hợp với sự hiếu động của trẻ và khả năng tư duy phát triển. Hasanuma không quy định học sinh phải mặc đồng phục, và điều này cũng diễn ra ở nhiều trường ở Saitama.

Một đặc điểm giáo dục ở Nhật là đề cao khái niệm hoà hợp với cộng đồng, sống trong tập thể, như trò chơi "Spirit team"- cùng dàn hàng ngang tiến. Vì thế không có chuyện lưu ban nhưng cũng không có sự vượt cấp nếu tỏ ra xuất sắc vượt trội. Học sinh giỏi sẽ kèm học sinh kém để tất cả cùng tiến. Vì thế ở Nhật cũng không có trường chuyên lớp chọn như ở ta.

Nhà trường cũng tổ chức nhiều hoạt động tập thể kết hợp giữa gia đình và trường để giúp các em thêm hoà nhập và gắn bó với môi trường như sơn cửa, dọn phòng thư viện, đi picnic... thậm chí tổ chức sinh nhật thầy cô. Trong giáo dục của Nhật cũng có tổ chức của hội cha mẹ học sinh (như hội phụ huynh của VN), nhưng tên gọi thì khá đặc biệt: Hội Khủng long - Goliat.

Vậy thì nhược điểm giáo dục ở Nhật là gì? Tôi đặt câu hỏi đó với các thầy cô ở Hasanuma. Câu trả lời chung là: Sự chênh lệch trình độ rõ rệt giữa các em. Và các thầy cô không có đủ thời gian để nâng cao trình độ các em kém lên.

Trong giáo dục, tính tập thể có nhiều ưu điểm, nhưng như thế có làm hạn chế tính sáng tạo cá nhân?

- Không, tính tập thể là một truyền thống của người Nhật, chúng tôi có ý thức cần thể hiện đúng trong điều kiện nào. Chúng tôi vẫn luôn khuyến khích và cả tạo điều kiện phát triển sự sáng tạo của cá nhân. Vì thế nước chúng tôi hàng năm có rất nhiều phát minh trong các lĩnh vực.Tôi thấy cặp học sinh tiểu học Nhật rất nặng. Có phải trẻ em Nhật học nhiều quá và già trước tuổi?

- Tôi đồng ý là trẻ em Nhật phải học nhiều. 10 năm trước, cũng có ý kiến như thế và đã giảm chương trình học, kết quả là chất lượng giáo dục bị giảm 1/3, thế là chúng tôi lại phải tăng thêm. Sắp tới đây, Bộ Giáo dục sẽ đưa ra đề cương tăng cường chất lượng giáo dục cho học sinh, có lẽ còn học nhiều nữa.

Ở Nhật không có ngày lễ kỷ niệm riêng dành cho thầy cô giáo như ngày 20.11 ở VN. Tôi hỏi ông thầy Takahara, một giáo viên có mấy chục năm dạy học về quan điểm chọn nghề giáo viên ở Nhật. Ông không trả lời thẳng câu hỏi mà kể: Tôi có cô con gái, học ngành sư phạm nhưng không đi dạy. Có lẽ nó còn nhớ ngày bé, tôi vừa ru nó ngủ vừa soạn giáo án. Nghề giáo viên ở Nhật vất vả mà lương không tương xứng.

Kasumi
19-12-2007, 05:34 PM
Quảng bá văn hoá bằng ngôn ngữ

Chúng tôi đến khảo sát Japanese Language Institute - Học viện Ngôn ngữ Nhật, Urawa vào hai ngày cuối tuần. Đây là học viện dành riêng dạy tiếng Nhật cho người nước ngoài và còn là nơi đào tạo những giáo viên nước ngoài dạy tiếng Nhật ở nước họ. Nước Nhật với sự thành công một cách nhanh chóng trở thành một cường quốc ở Châu Á và thế giới, muốn khuếch trương gây ảnh hưởng với bên ngoài nên Chính phủ Nhật chú trọng đến việc giới thiệu nước Nhật thông qua ngôn ngữ và văn hoá Nhật. Hiện nay tiếng Nhật đã được dạy ở 133 quốc gia và lãnh thổ, trong đó có 2.979.820 người nói tiếng Nhật. Trong đó tỉ lệ người VN học tiếng Nhật tăng lên, nay là 30.000 người - đứng thứ chín trên thế giới.

Mô hình đào tạo ở học viện này chuyên nghiệp đến từng chi tiết, nhưng lại rất thoáng, tạo mọi điều kiện tốt nhất để học viên chuyên tâm vào học. Chương trình khá phong phú, thích hợp cho nhiều đối tượng theo học. Thời gian học có những khoá ngắn 3-6 tháng, có khoá tới 2 năm. Trong thời gian học có những chương trình ngoại khoá như homestay - sinh hoạt chung với một gia đình người Nhật để làm quen ngôn ngữ và văn hoá Nhật, tham dự các workshop nghệ thuật, lễ hội văn hoá truyền thống Nhật... Thư viện của học viện cũng là một "ưu đãi" đặc biệt, đây là thư viện duy nhất trên thế giới lưu trữ các phương pháp dạy và học ngôn ngữ Nhật với đủ các loại hình như sách - 36.000 cuốn, báo, các công cụ nghe nhìn - 5.700 audio, các dữ liệu trong CDrom, microfilm... với hàng triệu file.

Tại học viện này hiện đang có 10 học viên VN theo học (trong số 68 người từ 27 quốc gia trong chương trình đào tạo 6 tháng). Cô gái VN trẻ nhất đang học ở đây: Nguyễn Thị Thanh Thuỷ (sinh năm 1983) - là giáo viên dạy ở ĐHQG Hà Nội thấy đoàn VN mừng như bắt được vàng. Thuỷ khoe: Ơ đây thoải mái lắm, ngoài những chế độ ưu đãi trong sinh hoạt như được ăn miễn phí, sử dụng bếp nấu tập thể, máy giặt công cộng, phòng tập thể dục, hát karaoke... các học viên còn được 500USD tiêu vặt - nhưng thật ra là khuyến khích dùng tiền đó để đăng ký các tour du lịch khám phá nước Nhật.

Tính chính xác và xả "xì trét"

Với một ý thức được giáo dục ngay từ nhỏ - ý thức tập thể, truyền thống của người Nhật, nên trong công việc dù nhỏ đến đâu sự chính xác luôn được chú trọng. Chính xác về giờ giấc, chính xác về chi tiết công việc, chính xác cả trong những liên kết lớn nhỏ, để không ai bị ai làm ảnh hưởng công việc của nhau, và đó cũng là sự tôn trọng nhau trong cách đối xử. Nó đã làm nên một tính cách của người Nhật, luôn tiết kiệm thời gian, luôn biết làm cho thời gian không thể trôi qua một cách vô ích.

Ngay như trong chuyến đi này, cách làm việc của người Nhật cũng đáng để suy nghĩ. Hẹn giờ nào là đúng giờ đó, không sai một phút, ngay cả tính toán những bài phát biểu giờ nào của ai là đúng, không ai nói thêm nói bớt để người sau bị ảnh hưởng. Và cách làm việc cũng "tập thể" là trên hết. Anh Nguyễn Cầm, phiên dịch cho đoàn, người đã sống hơn 30 năm ở Nhật cho phóng viên Lao Động biết: Công việc phiên dịch ở Nhật có khoảng 50 người, cạnh tranh là rất lớn. Tôi là dân tự do, không được phép ốm, khi đi làm như thế này không được đưa ra namecard, vì khi đưa cho ai là giới thiệu cá nhân mình, không phải cho nơi đang thuê mình. Người Nhật không thích vậy. Họ sẽ không thuê mình nữa.

Do cuộc sống có nhiều áp lực của một quốc gia "công nghệ cao", thời gian hình như lúc nào cũng thiếu, người Nhật phải tranh thủ từng giây phút, vừa đi vừa uống, ngồi trên metro, xe bus thì đọc sách... Cảm giác người Nhật lúc nào cũng vội vã, tất bật. Có lẽ thế mà khi được nghỉ ngơi, thì họ lại chọn những hình thức tiêu tốn thời gian nhiều nhất. Chúng tôi đã vào rạp xem một chương trình nghệ thuật truyền thống Kabuki (tương tự như tuồng cổ của VN), giá vé 15.000 yen (tức là gần 150 đôla Mỹ), phải đặt vé trước 3 tháng. Rạp chật kín người, chương trình kéo dài trên 4 giờ đồng hồ trong nhịp độ chậm rãi, có nghỉ giữa chừng để ăn uống rồi vào xem tiếp.

Mùa đông về, nhiệt độ xuống chừng 5-7 độ, lá phong chuyển sắc đỏ, lá ngân hạnh biến màu vàng rực, mùa xuân tuyết tan hoa anh đào nở, từng dòng người lũ lượt rủ nhau đi ngắm hoa ngắm lá trong một niềm say mê vô tư, trong sáng. Tôi đã chứng kiến trong công viên ở Tokyo, Kyoto, hàng ngàn người, đủ lứa tuổi mê mải ngắm lá phong đỏ như ngắm một giấc mơ lãng mạn hiếm hoi trong cuộc sống dư thừa sự "chính xác", để rồi tôi cũng bị hoà vào giấc mơ đó.

Mười ngày, đi qua 4 thành phố, với những cuộc tham quan tìm hiểu vài khía cạnh của người Nhật, thấy người Nhật có một tinh thần, ý chí về chuyện làm giàu, cũng như ý thức công dân rất mạnh mẽ. Mà nền tảng không thể thiếu, là những giá trị văn hoá truyền thống được áp dụng ở mọi lĩnh vực và chính điều đó đưa họ đến sự thành công.

Việt Văn
Laodong