PDA

View Full Version : Mafia thế kỷ 21



bam baby
19-12-2007, 10:44 PM
Mafia Nhật - Đạo quân tội phạm hùng hậu nhất thế giới :frozesweat:

Nói tới mafia, người ta thường nghĩ ngay đến mafia Ý - tổ chức tội phạm kiếm được nhiều tiền nhất, với "doanh thu" ước tính 75 tỉ USD chỉ trong năm 1986. Tuy nhiên, đây không phải là tổ chức tội phạm đông nhất thế giới mà kỷ lục này thuộc về mafia Nhật - thường được biết đến với cái tên yakuza.

Những người không có ngón tay út

Theo sách kỷ lục thế giới Guinness, "quân số" của yakuza ở mức 90.000 người, chia thành khoảng 3.000 băng nhóm khác nhau hoạt động rộng khắp. Các con số thống kê khác cho thấy sau Thế chiến thứ 2, thành viên yakuza lên đến 184.000, tức đông hơn quân đội Nhật vào thời điểm lúc bấy giờ ! Yakuza có từ bao giờ là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên vào thời điểm sau Thế chiến thứ 2, nhu cầu cao về hàng hóa trên thị trường chợ đen đã trở thành động lực cho yakuza phát triển hơn lúc nào hết. Yakuza bắt đầu "hiện đại hóa" theo kiểu các băng nhóm tội phạm ở Mỹ, thay thế những thanh gươm vướng víu bằng những khẩu súng gọn nhẹ và tận dụng triệt để chiêu bài đe dọa, tống tiền trong "công cuộc làm ăn" của mình. Yakuza mau chóng mở rộng hoạt động của "tập đoàn tội phạm" trên tất cả các lĩnh vực: tống tiền, cờ bạc, buôn lậu, cho vay nặng lãi, rửa tiền, vận chuyển ma túy, gian lận chứng khoán, mại dâm, buôn bán vũ khí... cũng như can thiệp sâu vào các hoạt động thể thao, giải trí, thị trường bất động sản và cả chính trường nước Nhật.

Hầu hết những người sau khi đã trích máu ăn thề để gia nhập yakuza đều xăm mình, thường là những hình thù rồng phượng, núi non, hoa hòe... trên khắp cơ thể. Một dấu hiệu khác để nhận ra yakuza: ngón tay út ngắn hơn bình thường hoặc mất hẳn. Theo luật của mafia Nhật, bất kỳ thành viên nào không tuân lệnh "sếp" đều sẽ phải tự chặt một đốt ngón tay út. Những lần vi phạm kế tiếp sẽ lần lượt lấy đi những đốt tiếp theo của cả 2 ngón tay út và có khi ở những ngón khác. Kết quả: phần lớn thành viên yakuza mang những bàn tay không nguyên vẹn.

Yakuza "xuất khẩu" sang Mỹ

Hoạt động của yakuza đã vượt biên giới Nhật lan sang các nước châu Á lân cận, thậm chí đến tận Mỹ. Trong lần báo cáo trước Quốc hội năm 1991, Giám đốc FBI kết luận yakuza là một trong những tổ chức tội phạm hoạt động dữ dội nhất thế giới với "doanh thu" xấp xỉ mức 10 tỉ USD/năm (1988). 1/3 số tiền kể trên đến từ các hoạt động buôn lậu ma túy tổng hợp. Tại Mỹ, yakuza đặt "tổng hành dinh" tại Hawaii, nơi tổ chức này có lúc kiểm soát đến 90% dòng chảy ma túy tổng hợp vào đây rồi từ đó phân phối sang các thành phố khác của Mỹ. Cũng từ Hawaii, yakuza tổ chức các hoạt động đưa lậu vũ khí về Nhật và móc nối với các băng đảng địa phương đưa du khách châu Á đến các sòng bài, các show diễn khiêu dâm hay các nhà thổ.

California cũng là một thị trường béo bở, nơi các băng nhóm yakuza giăng đầy những cái bẫy sẵn sàng quấn chặt chân những nữ diễn viên trẻ muốn tìm danh tiếng ở Hollywood. Rất nhiều người trong số họ đã bị dụ đóng phim sex hoặc làm gái gọi. Ngoài ra, yakuza cũng không bỏ qua Las Vegas - nơi được mệnh danh là "thiên đường ăn chơi" với các sòng bạc và nhà thổ hoạt động thâu đêm suốt sáng.

Khi yakuza muốn làm người tốt

Không dễ tí nào. Thoát khỏi vòng kiểm soát của các "sếp" đã khó, thuyết phục được xã hội chấp nhận những yakuza hoàn lương còn khó hơn. Có thể một số thành viên mafia ở các nước khác dễ hòa nhập vào cộng đồng hơn, chỉ cần những người xung quanh không nhận ra mặt họ. Còn ở Nhật, với những hình xăm đầy người và những bàn tay thiếu ngón, các yakuza khó lòng che giấu tung tích của mình. Chính vì thế, ở Nhật đã xuất hiện nhiều tổ chức chuyên giúp đỡ những yakuza hoàn lương muốn che đậy quá khứ. Chẳng hạn như Viện Cơ thể mới tại Tokyo thường giúp chế tạo và lắp ráp những bộ phận cơ thể giả trông y như thật (có thể là một ngón tay út) cho các cựu yakuza.

Nhắc đến chuyện yakuza hoàn lương không thể không nói tới cái tên H. Suzuki, một yakuza tàn bạo bỗng chốc trở thành... một cha đạo. Bất chấp những hình xăm đầy mình và cả 2 ngón út đã bị cắt cụt của cha Suzuki, ngôi nhà thờ ở Tokyo của ông lúc nào cũng đông đúc hơn nhiều nhà thờ khác ở Nhật vì một lý do duy nhất: những người mang mặc cảm tội lỗi tin rằng họ dễ tìm được sự cảm thông nơi ông. Tất nhiên, trong số những giáo dân quen thuộc ở đây không thiếu các cựu yakuza muốn làm lại cuộc đời.

Kiều Oanh (thanhnien online)

bam baby
19-12-2007, 10:45 PM
Mafia Trung Quốc và những cuộc "đổ bộ" khắp hành tinh

Bên cạnh yakuza (mafia Nhật), hội Tam Hoàng và Vòng tròn lớn của Trung Quốc là những băng nhóm tội phạm khét tiếng nhất ở châu Á. Những băng đảng mafia này còn khuếch trương hoạt động trên khắp các châu lục xa xôi.

Tam Hoàng: kín như bưng

Tam Hoàng là băng đảng tội phạm được nói tới nhiều nhất ở Trung Quốc nhưng khó mà biết được quy mô hoạt động thực sự của tổ chức này bởi bản chất kín như bưng từ xưa tới nay. Tam Hoàng hình thành từ thời phong kiến theo kiểu một tổ chức liên kết bí mật giữa một số gia đình hoàng tộc chịu ơn nghĩa của nhau và bảo vệ lợi ích cho nhau. Tam Hoàng cứ thế lớn mạnh từ hết triều đại này đến triều đại khác cho đến thế kỷ thứ 19, khi triều đình ra chiếu chỉ xử trảm các thành viên của tổ chức này. Đến đầu thế kỷ thứ 20, Tam Hoàng trở thành một tổ chức tội phạm có tổ chức thực sự với hàng loạt hoạt động trên mọi lĩnh vực, từ buôn lậu vũ khí đến tống tiền, mại dâm, bắt cóc, tổ chức vượt biên bất hợp pháp, làm hàng giả, cho vay nặng lãi, cờ bạc ...M.Booth, tác giả một cuốn sách nghiên cứu về hội Tam Hoàng đã trích dẫn một nhận định của Liên Hiệp Quốc rằng Tam Hoàng là "mối đe dọa tội phạm tiềm tàng lớn nhất thế giới từ trước đến nay".

Cựu Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông là người quyết định trấn áp bằng mọi giá hội Tam Hoàng. Hết đất hoạt động ở Trung Hoa lục địa, Tam Hoàng chạy sang Hồng Kông (lúc bấy giờ còn nằm dưới quyền của Anh) và kể từ đó, Hồng Kông trở thành căn cứ hoạt động rầm rộ nhất của tổ chức tội phạm này với khoảng 50 băng đảng "con" quy tụ ít nhất 80.000 "hội viên". Hội Tam Hoàng phát triển như vũ bão, vươn vòi bạch tuộc vào mọi lĩnh vực trong đời sống của người Hồng Kông. Đến khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc, sức mạnh của Tam Hoàng có giảm sút đôi chút nhưng vẫn giữ vị trí độc tôn trong thế giới ngầm. Một tờ báo Hồng Kông hồi năm 2001 đưa tin quyền lực của Tam Hoàng lớn đến độ một số giới chức địa phương đã "tuyển dụng" các thành viên Tam Hoàng để đi thu thuế ! Tam Hoàng cũng hoạt động mạnh tại Mỹ, một số nước Đông Nam Á, Úc, Hà Lan... và luôn trung thành với "tôn chỉ" ban đầu: giữ bí mật tuyệt đối các "hợp đồng làm ăn" cũng như danh tánh các thành viên.

Vòng tròn lớn: lỏng mà chặt

Trong thập niên 80, một băng nhóm xã hội đen ồ ạt "đổ quân" vào hàng loạt khu phố Tàu (Chinatown) sầm uất ở Bắc Mỹ, trong đó đáng kể nhất là ở New York (Mỹ), Vancouver và Toronto (Canada). Đó là một tổ chức mafia có nguồn gốc tại Trung Quốc mang tên Vòng tròn lớn. Cũng giống như Tam Hoàng, mạng lưới tổ chức của Vòng tròn lớn không quá chặt chẽ với một hệ thống cấp bậc rõ ràng như mafia Ý mà quy tụ nhiều băng nhóm "con" khác nhau, trong đó các thủ lĩnh "con" có vai trò khá độc lập. Các nhóm "con" cũng không phải chia lợi nhuận mà thường nộp "ngân sách" thông qua hình thức quà cáp trong các dịp lễ lộc. Vòng tròn lớn chia làm 2 "giai cấp" khác nhau: những thành viên kỳ cựu chịu trách nhiệm vận chuyển ma túy từ vùng Tam giác vàng đến Bắc Mỹ, các thành viên trẻ hơn thường tham gia những phi vụ đơn giản hơn như đột nhập vào nhà của những người giàu có hay cướp sòng bạc...

Một trong những "nghề" thành thạo nhất của Vòng tròn lớn là đưa lậu người qua biên giới. Buôn lậu vũ khí là một thế mạnh khác, có lẽ vì Vòng tròn lớn có nhiều thành viên là các cựu quân nhân. Đến cuối thập niên 80, cảnh sát quốc tế và các nước ở Bắc Mỹ bắt đầu phối hợp chặt chẽ với chính quyền Trung Quốc để trấn áp Vòng tròn lớn, dẫn đến các vụ bắt giữ 8 thành viên đầu sỏ của tổ chức này ở New York, Toronto và Hồng Kông vào năm 1990. Được pháp luật "quan tâm" đặc biệt, Vòng tròn lớn lớn ngày càng xảo quyệt và tinh vi hơn.

Kiều Oanh(thanhnien online)

bam baby
19-12-2007, 10:47 PM
Mafia Nga - lực lượng ngầm đáng sợ

Nếu như mafia Sicily (Ý) từng làm nhiều người sợ hãi do kế hoạch bành trướng về số lượng "khách hàng" của chúng, yakuza (mafia Nhật) có một lực lượng hùng hậu, thì mafia Nga khét tiếng là ra tay tàn độc và có mạng lưới hoạt động xuyên quốc gia.

Tội phạm thế hệ mới

Cách nhận biết mafia Nga bằng các hình xăm trên cơ thể đã trở nên lỗi thời. Ngày nay, mafia Nga có thể là người láng giềng kế nhà bạn hoặc là những người sống trong căn hộ sang trọng, những tòa lâu đài với địa chỉ và mã số bưu chính hẳn hoi. Họ ăn mặc đẹp và đi xe đắt tiền. Mafia Nga cũng là lực lượng quy tụ nhiều thành viên "có ăn học", được đào tạo rất bài bản và một số xuất thân từ các lực lượng đặc biệt, thậm chí từ các cơ quan tình báo nổi tiếng thế giới.

Đạo quân mafia Nga đang có tới hàng ngàn băng nhóm với "quân số" xấp xỉ 100 ngàn tên, thao túng từ 25% - 40% tổng sản phẩm quốc dân (GNP) của Nga. Ước tính, những băng nhóm tội phạm này thống lĩnh 40% doanh nghiệp tư nhân, 60% doanh nghiệp nhà nước và "chăm sóc" khoảng 50%-80% ngân hàng ở Nga. Lợi nhuận thu được từ những phiên chợ đen thường niên của các băng nhóm này là hơn 18 tỉ USD mỗi năm. Không chỉ hoạt động trong nước, mafia Nga còn bành trướng thế lực, cấu kết và mở rộng tầm hoạt động đến các lãnh thổ khác, đồng thời thò bàn tay nhớp nhúa của mình vào nhiều lĩnh vực khác nhau.

Mạng lưới xuyên quốc gia

Một số hoạt động cơ bản của mafia Nga: rửa tiền theo đơn đặt hàng ở mức hàng triệu USD, kinh doanh gái mại dâm, gian lận trong giao dịch chứng khoán, buôn thuốc phiện, trao đổi vũ khí, bảo kê, giết thuê, tống tiền... Hơn 30 tổ chức tội phạm Nga liên kết thành các nhóm hoạt động ở Miami, New York (Mỹ) và Puerto Rico để bố trí "lực lượng vũ trang" cho các phiên giao dịch cocaine với các đối tác đến từ Nga. Những chiếc tàu tải trọng lớn mà mafia Nga tậu được - nhằm phục vụ cho việc vận chuyển vũ khí bao gồm súng ống, đạn dược, lựu đạn các loại, kể cả tên lửa đất đối không - nhờ số tiền bòn rút từ các doanh nghiệp nhà nước thời Liên bang Xô Viết tan rã. Những vũ khí này được dùng để đổi lấy cocaine đã qua tinh chế ở Colombia, sau đó số cocaine thành phẩm này lại được nhập cảng trở lại châu Âu hoặc qua một nước thứ ba nào đó. Những ngân hàng, công ty ở vùng biển Ca-ri-bê, Miami lần lượt mọc lên để che mắt thiên hạ nhằm hợp thức hóa việc rửa tiền. Kiểu hoạt động này có thể diễn ra ở các lãnh thổ khác khi mafia Nga nhận thấy đâu là lãnh địa - nơi chúng tìm ra được các kẽ hở của luật pháp nước ấy hoặc kẽ hở ở ngay những người làm trong bộ máy công quyền nhưng "cầm lòng không đặng" trước những đề nghị béo bở mà mafia Nga hứa hẹn.

Mạng lưới mafia Nga bao trùm lãnh thổ 50 nước ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Mafia Nga cũng nổi tiếng là ra tay tàn độc, như giới truy bắt tội phạm quốc tế thường kháo nhau: "Tội phạm Ý có một quy luật bất thành văn là không đụng đến "cớm", công tố viên, nhà báo người Mỹ. Thế nhưng mafia Nga thì "vuốt mặt mà không nể mũi" khi có thể sát hại tất tần tật, bất kể người đó là ai. Chúng có thể cho bạn một viên kẹo đồng chỉ để kiểm tra súng có bắn được hay không".

Kẻ cướp không dùng vũ lực

Theo nhận định của các chuyên gia, sự ra đời của những băng nhóm tội phạm hoạt động xuyên quốc gia là hệ quả xấu của sự toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới. Trong cuộc họp thượng đỉnh các nước G-8 tại Birmingham (Anh) năm 1998, các nhà lãnh đạo đã xác định loại tội phạm có tổ chức này là một trong ba thách thức lớn nhất mà con người ở thế kỷ 21 phải đối mặt.

Theo khuyến cáo của Cơ quan Điều tra liên bang Mỹ (FBI), mafia Nga có thể ẩn sau những website giả mạo, được tạo ra nhằm moi tiền từ khách hàng của các ngân hàng lớn. Chẳng hạn như trường hợp Tập đoàn ANZ và Tổ hợp Westpac - 2 tập đoàn ngân hàng chính ở Úc - đang kêu cứu với cảnh sát rằng khách hàng của họ là nạn nhân của loại tội phạm này. Cách moi tiền theo kiểu này cũng vô cùng đơn giản, bắt nguồn chỉ là những website giả và những thư rác điện tử gửi tới khách hàng - những người lầm tưởng đó là những website thật nên đã truy cập để cập nhật thông tin. Những nạn nhân nhẹ dạ đã cung cấp thông tin cá nhân, kể cả số thẻ tín dụng cùng những thông số liên quan và thực hiện giao dịch với mafia mà không hề hay biết rằng họ sẽ bị "cuỗm" tiền chỉ trong chốc lát. Hai tập đoàn ngân hàng này sau đó đã cho ngưng các hoạt động giao dịch với khách hàng qua điện thoại, e-mail, hoặc trên các website để hạn chế việc bọn tội phạm "thua keo này bày keo khác", tấn công khách hàng bằng những chiêu mới hơn.

Uyên Phi (thanhnien online)

Rocky Raven
19-12-2007, 11:57 PM
Hay cực! Lấy này làm tài liệu Thuyết trình ANH VĂn được đây!:aaa:

bam baby
20-12-2007, 12:02 AM
Tiếc là chưa có hình ảnh, nếu ko chắc sinh động lắm :))

[-d.k-]
20-12-2007, 12:50 PM
Cung cấp, đúng sở trường của mình =)) thik đầu gấu:

http://www.jingai.com/yakuza/ ~~> học ngôn ngữ kiểu yakuza ở đây '__'

http://www.crimelibrary.com/gangsters_outlaws/gang/yakuza/1.html

~~> danh sách tội phạm..



http://utak.freeblog.hu/files/yakuza_big.jpg

http://inventorspot.com/files/images/yakuza-gang-in-japan.jpg

http://image.guim.co.uk/Guardian/news/gallery/2007/jun/21/japan.internationalnews/GD3762812@Members-of-the-Yakuza-6921.jpg

nếu ko nhầm thì đây là băng takana - băng mạnh nhất

http://web.telia.com/~u31302275/ya_bild/guy.jpg


Bất kỳ kẻ nào gia nhập Yakuza đều buộc phải xăm mình như một nghi thức thể hiện sự gắn bó. Mỗi lần lập chiến tích, Yakuza được nhận thêm một hình xăm mới. Kẻ nào phạm lỗi sẽ phải tự chặt một đốt ngón tay mình gói vào mảnh lụa đem dâng lên ông trùm như một cử chỉ hối lỗi.




Kiểu trừng phạt này nhằm làm cho bàn tay cầm kiếm của kẻ phạm lỗi bị yếu đi bởi nếu tiếp tục phạm lỗi, chúng phải chặt thêm một đốt nữa của chính ngón tay đó hoặc của ngón khác. Đối với những tên Yakuza lừng lẫy hoặc già đời, diện tích hình xăm có thể phủ hết toàn thân chỉ chừa 2 cánh tay và cổ.

Ngày nay, xăm mình và chặt ngón tay chỉ còn mang tính chất nghi thức. Theo thống kê trong những tên Yakuza hiện đại, có hơn 90% tên xăm mình, 43% tên có bàn tay cụt ngón, nhiều tên cụt 2 ngón và hơn nữa.

Những kẻ dưới đáy xã hội

Sau hàng ngàn năm nội chiến triền miên, năm 1604, Tokugawa, Shogun mạnh nhất đã dẹp tan nạn cát cứ, đưa Nhật Bản bước vào thời kỳ mới với quyền lực phong kiến Trung ương tập trung vào Mạc phủ, được dựng lên bên cạnh Nhật Hoàng vốn chỉ còn mang ý nghĩa tượng trưng.

Chiến tranh chấm dứt, 500.000 samurai chỉ quen chinh chiến lâm vào cảnh thất nghiệp. Một phần trong số họ đã tập hợp nhau lại thành những băng cướp đường gọi là gurentai (tức lũ lưu manh). Một số khác đổi nghề, gia nhập đạo quân tekiya (tức đích gia - người bán hàng rong).

Để phòng ngừa những âm mưu cát cứ, Tokugawa đã cho xây dựng công lộ Tokaido nối liền kinh đô Kyoto với Edo (tên gọi cũ của Tokyo), buộc các lãnh chúa phong kiến hằng năm phải mang gia quyến theo công lộ này về chầu tại Kyodo một thời gian, thực chất là giữ làm con tin đề phòng mưu phản. Trên toàn tuyến công lộ này, 53 dịch quán đã được dựng lên, chưa kể hàng trăm dịch quán khác nằm rải rác trên những trục đường nhánh trên cả nước làm nơi nghỉ ngơi cho gia đình các lãnh chúa trên đường về kinh đô. Đó chính là mảnh đất màu mỡ cho bọn tekiya, vừa bán hàng vừa ăn cắp vặt kiếm sống.

Chia chác quyền lợi với các tekiya là những tên gá bạc gọi là bakuto (bác đổ). Theo thời gian, ba loại người này liên kết lại với nhau tạo thành những băng nhóm lưu manh chuyên nghiệp đặt dưới sự quản lý của các ông trùm địa phương, được những kẻ đại diện luật pháp làm ngơ để nhận tiền hối lộ. Người dân gọi chúng bằng tiếng lóng là Yakuza.

Trong tiếng Nhật, Yakuza nghĩa là bát - cửu – tam, tổng của chúng bằng 20, con số bét nhất trong bài cào 3 cây. Từ ý nghĩa số “bù” trong trò cờ bạc, Yakuza đã trở thành tiếng lóng để gọi chung những phường vô lại một cách miệt thị. Vừa mang dáng dấp hội kín, vừa mang ý nghĩa tôn giáo (Thần đạo), Yakuza đề cao tinh thần tuyệt đối trung thành, dựa trên mối ràng buộc thân phận - tử phận của kẻ dưới đối với người trên.

Amphêtamin và chiến tranh băng đảng

Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc, chính phủ quân phiệt sụp đổ, 646 tên tội phạm chiến tranh đã bị lực lượng chiếm đóng tống vào tù chờ ngày ra tòa. Đó là cơ hội tốt cho Nhật Bản hồi phục nền dân chủ. Đảng Cộng sản Nhật Bản cũng nhân cơ hội này phát triển mạnh mẽ, số lượng đảng viên từ 8 ngàn người năm 1946 đã phát triển lên 100 ngàn năm 1949. Hoảng sợ trước sự lớn mạnh của “làn sóng đỏ”, tướng McActhur đã vội vã phóng thích và sử dụng một loạt tù nhân chiến tranh, hà hơi tiếp sức để chúng xây dựng lại lực lượng làm nòng cốt chống Cộng.

Trong số này, nguy hiểm nhất là việc phóng thích cựu đề đốc Hải quân Yoshio Kodama, trùm tình báo đồng thời là kẻ có ảnh hưởng rất lớn đối với cả trăm ngàn tên Yakuza trên toàn nước Nhật. Trước khi vào tù năm 1946, Kodama đã bàn giao toàn bộ mạng lưới Yakuza dưới tay mình cho một chiến hữu thân tín là Karoku Tsuji - một nhân vật bí mật trong nền chính trị nước Nhật.

Tồi tệ hơn nữa, năm 1953, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Tokutaro Kimura còn cấp tiền cho Tsuji tập hợp 200 ngàn tên Yakuza để lập nên cái gọi là “Trung đoàn yêu nước chống Cộng kiếm tuốt trần”. Đến năm 1954, lo sợ sự lộng hành thái quá của bọn vô lại sẽ kéo nước Nhật trở lại thời kỳ hỗn loạn như năm 1937. Thủ tướng Nhật Yoshida đã phải ra lệnh giải tán trung đoàn tội phạm này. Thế nhưng, Yakuza cũng đã kịp củng cố lại, đạt đến con số khoảng 70 ngàn tên trong những năm 55 - 65, nghĩa là đông hơn cả quân số của... quân đội Nhật (lúc này chỉ được tồn tại hạn chế dưới hình thức Liên binh phòng vệ).

Sự trỗi dậy của những người “tam quốc nhân” cũng là một nguyên nhân khiến Yakuza được dung túng. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2, có hơn 2 triệu rưỡi người Triều Tiên và gần 500 ngàn người Trung Quốc bị bắt sang Nhật lao động như nô lệ. Sau chiến tranh, còn tới hơn 6 trăm ngàn người Triều Tiên ở lại Nhật Bản, chủ yếu sống bằng các nghề buôn bán chợ đen và bị các tổ chức băng đảng khống chế. Kempeitai, tổ chức hiến binh Nhật đã bị giải tán, cảnh sát bất lực, quân đội chiếm đóng Hoa Kỳ đã làm ngơ cho Yakuza hoạt động để bọn này kìm chế bớt sự lộng hành của những băng “Tam quốc nhân” gốc Triều Tiên.

Gặp thời, những tên Yakuza có nguồn gốc teikya lại phát triển mạnh. Tại Tokyo, dưới sự thống lĩnh của ông trùm Kinosuka Ozu, bọn tekiya đã phát triển số nhân lên 22.557 tên, kiểm soát 88% trên tổng số 45.000 cửa hàng bán lẻ ở thủ đô. Trên toàn quốc, thị trường lao động có 14 triệu người thì 3 triệu trong số đó đã do Yakuza kiểm soát.


Hùng mạnh nhất trong những băng Yakuza Nhật Bản phải kể đến băng Yamaguchi-gumi do ông trùm khét tiếng Kazuo Taoka thống lĩnh. Sinh năm 1913 tại đảo Shikoku, mồ côi cả cha lẫn mẹ, ngay từ nhỏ Taoka đã phải lăn lóc làm thuê trên bến cảng Kobe. Năm 14 tuổi, Taoka liên kết sau đó kết nghĩa huynh đệ với Nohuru Yamaguchi, ông trùm của băng Yamaguchi đang làm ăn cò con trên cảng Kobe. Vừa bước chân vào thế giới ngầm, Kazuo Taoka đã lập tức nổi danh vì sự tàn bạo. Trong một trận thư hùng hắn đã dùng tay không móc mắt đối phương nên được đồng đảng gán cho biệt danh Kuma (con gấu). Năm 1945, hắn phải vào tù vì tội giết người, 8 năm sau mới được thả và bị đưa vào lính.

Vị trí ông trùm chỉ thật sự lọt vào tay Taoka vào năm 1946. Yamaguchi chết, Taoka lên thay, có trong tay vẻn vẹn 25 đệ tử. Nhưng, là một kẻ có biệt tài tổ chức, Taoka đã nhanh chóng bành trướng thế lực thống lĩnh toàn cảng Kobe và vùng Osaka, sau khi thu phục được băng Triều Tiên khét tiếng do Hisayuki Machii (Tên thật là Chong Gwon Yong) chỉ huy và xóa sổ luôn cả băng Honda-kai vốn đã liên minh với băng Yamaguchi từ mùa thu năm 1940. Đến năm 1964, Taoka đã thâu tóm trong tay một lực lượng hùng hậu tới hơn 10 ngàn tên Yakuza, kiểm soát cả thảy 343 băng lớn nhỏ, nắm toàn bộ việc thầu xây dựng cảng Kobe và Osaka, toàn bộ ngành bốc xếp, vận chuyển hàng trong 2 cảng, thống trị 80% hoạt động dịch vụ tại cảng Kobe với 14 xí nghiệp trực thuộc. Ngoài ra, Taoka còn là ông trùm toàn bộ lĩnh vực cờ bạc và tổ chức hoạt động biểu diễn trong khu vực này. Riêng trong năm 1965, nhờ các hoạt động phi pháp, Taoka đã kiếm được 17 triệu USD…

Lo lắng trước sự bành trướng của Kazuo Taoka, năm 1964, Yoshio Kodama đã đề xuất thành lập một liên minh Yakuza toàn quốc. Vào giờ chót, Taoka đột nhiên rút lui cho nên Kodama chỉ tập hợp được 7 băng vùng đồng bằng Kanto (thủ đô Tokyo nằm trên đồng bằng này) do Inagawa làm thống lĩnh.

Nguyên nhân của việc Taoka ly khai là do bất đồng trong vấn đề ma túy. Trong chiến tranh, quân đội Nhật đã phát hiện ra tác dụng hưng phấn của amphêtamin, tổ chức sản xuất hàng loạt để phát cho các phi công thần phong. Chiến tranh kết thúc, Yakuza đã nhanh tay tiếp quản được số amphêtamin thặng dư này tuồn ra chợ đen, thu lợi kếch sù. Hết ma túy dự trữ, một đường dây cung cấp ma túy từ Hà Lan và Nam Triều Tiên về Nhật đã nhanh chóng được thiết lập, giúp tạo nên sự giàu có và thế lực hùng mạnh cho các ông trùm vùng đồng bằng Kanto.

Không từ chối việc giết người nhưng lại giữ nguyên tắc không đụng vào ma túy, Taoka đã đơn phương rút khỏi liên minh khi nó chưa kịp thành lập. Phải 8 năm sau, ngày 24/10/1972, Taoka mới chịu ngồi chung với Inagawa để hợp nhất thành băng Yamaguchi - Inagawa với tổng cộng 13 ngàn tên đầu trâu mặt ngựa.

Năm 1982, hai năm sau khi Taoka chết, Inagawa thay quyền thống lĩnh, nguyên tắc không dây vào ma túy bị xé bỏ hoàn toàn, đem lại cho băng Yakuza một khoản lợi nhuận khổng lồ khoảng 1,9 tỉ USD/năm, chủ yếu nhờ 2 mặt hàng chính là hêrôin và amphêtamin.

Theo báo cáo của cảnh sát, vào thời hoàng kim, Yakuza Nhật kiểm soát được từ 50 - 150 tỉ USD ngoài sự kiểm soát của nhà nước, thu lãi 16 tỉ USD/năm. Riêng Inagawa, ông trùm của mọi ông trùm đã nắm trong tay gần 800 doanh nghiệp hợp pháp, thu về mỗi năm 200 triệu USD lợi nhuận, đồng thời được 119 ông trùm khác cống nạp liên tục mỗi người 1.300 USD/tháng.

Dù là tội phạm có tổ chức của thời hiện đại, Yakuza vẫn được duy trì bằng những quy tắc hà khắc, nghiêm cẩn của thời phong kiến nên tội ác rất ít bộc lộ ra ngoài. Dù chứa trong lòng cả trăm ngàn tên Yakuza, năm 1981, cả nước Nhật cũng chỉ ghi nhận được có 22 vụ giết người. Khi một nhà báo Mỹ phỏng vấn, ông trùm Inagawa đã trả lời rất ỡm ờ: “Số còn lại chúng tôi gửi sang Mỹ hết rồi!”.

Tên trùm tội phạm này có lẽ không đáng gọi là nói càn, bởi cũng thời điểm đó, riêng tại New York (Mỹ) đã có tới 1.832 vụ giết người

Theo: Báo Công An Nhân Dân

Kasumi Nguen
20-12-2007, 03:45 PM
càng đọc càng thấy lực lượng mafia hoành tráng thật , nhưng mình không khoái kiểu chặt ngón tay hay xăm mình một chút nào :not_listen:

hoan nghênh các mafia hoàn lương:gem34::gem9:

bleach
21-12-2007, 09:22 PM
bài của hako cực kỳ hay, xin thanks 1 phát.
bầy giờ chả còn mấy yakuya chặt ngón tay nữa đâu...
山口ー組 (băng Sơn Khẩu) tên đúng chất lục lâm thảo khấu...