PDA

View Full Version : Truyện cổ Grim



bam baby
20-12-2007, 01:00 AM
Ba anh em

Một người có ba con trai, cả cơ nghiệp có một cái nhà. Người con nào cũng muốn sau này, khi bố mất, nhà sẽ về mình. Ông bố thì con nào cũng quí, thành ra rất phân vân, không biết tính sao cho các con vừa lòng. Bán nhà đi thì có tiền chia cho chúng, nhưng là của hương hỏa nên ông không muốn bán. Sau ông nghĩ được một kế, bảo các con:

- Chúng mày hãy đi chu du thiên hạ, thử gan thử sức một phen. Mỗi đứa học lấy một nghề. Đứa nào giỏi nhất, bố cho cái nhà.

Ba người con lấy làm thích lắm. Người con cả muốn trở thành thợ đóng móng ngựa, người thứ hai muốn làm thợ cạo, còn người em út muốn làm thầy dạy võ. Ba anh em hẹn nhau ngay về, rồi chia tay ra đi.

Cả ba người đều gặp được thầy giỏi truyền cho biết hết bí quyết nhà nghề. Người đóng móng ngựa được làm việc cho nhà vua và nghĩ bụng: "Phen này, chắc nhà không thoát khỏi tay mình". Người thợ cạo được sửa tóc cho những nhà quyền quí nên chắc mẩm là được nhà. Anh học võ bị đấm nhiều miếng nhưng vẫn cắn răng chịu, nghĩ bụng: "Nếu sợ bị đấm thì bao giờ được nhà?".

Đến hẹn, ba anh em trở về nhà. Nhưng chẳng ai biết làm thế nào để thi thố tài nghệ của mình, bèn ngồi bàn với nhau. Đương lúc ấy chợt có một chú thỏ băng qua cánh đồng. Anh thợ cạo reo lên: "May quá, thật là vừa đúng dịp". Anh liền cầm đĩa xà phòng, đánh
bọt, đợi thỏ ta đến gần, anh vừa chạy theo vừa quét xà phòng, cạo râu thỏ mà không hề làm thỏ xầy da chút nào. Người bố khen: "Khá lắm! Nếu hai thằng kia không làm được trò gì hay hơn thế thì cho mày cái nhà".

Một lát sau có một cỗ xe ngựa chạy qua như bay. Anh đóng móng ngựa nói: "Bố xem tài con nhé!". Anh liền chạy đuổi theo cỗ xe, tháo bốn móng sắt của một con ngựa và thay luôn bốn móng mới trong khi ngựa vẫn phi đều. Người bố lại khen: "Mày giỏi lắm! Mày chẳng kém gì em mày. Không biết cho đứa nào cái nhà đây!".

Lúc bấy giờ người con út mới nói:

- Thưa bố, bây giờ đến lượt con, bố cho con thử tài.

Vừa lúc ấy trời bắt đầu mưa. Anh ta rút ngay gươm múa kín trên đầu, người không dính một giọt nước nào. Trời mưa ngày càng to, anh ta múa càng hăng, áo quần vẫn khô như đứng nơi kín đáo. Người bố ngạc nhiên quá reo lên:

- Con thật là tài nhất! Thôi con được cái nhà rồi.

Hai anh cũng phục người em út lắm và đồng ý với cha. Ba anh em rất mực thương nhau nên ở cùng một nhà, mỗi người làm nghề của mình. Họ tài khéo nên kiếm được nhiều tiền. Họ sống sung sướng như vậy mãi cho đến lúc tuổi già, một người ốm chết, hai người kia buồn rầu cũng chết theo. Cả ba anh em vừa khéo vừa giỏi, lại vừa quí mến lẫn nhau, đều được chôn chung một mộ.

bam baby
20-12-2007, 01:00 AM
Thần chết đỡ đầu

Xưa có một người nghèo có mười hai đứa con. Bác phải làm ngày làm đêm để nuôi chúng. Khi đứa con thứ mười ba ra đời bác không biết xoay cách nào nữa, đành chạy ra đường cái nhờ người nào gặp trước tiên đỡ đầu cho nó.

Thoạt tiên, bác gặp ngay Đức Chúa Trời. Người đã biết ý định của bác, liền phán:

- Tội nghiệp, ta thương con lắm, ta rất muốn đỡ đầu cho cháu, chăm sóc nó, làm cho nó sung sướng ở trên thế gian.

Người ấy hỏi:

- Ông là ai?

- Ta là Chúa Trời.

- Thế thì tôi không muốn ông đỡ đầu cho con tôi vì ông chỉ phò người giàu sang và bỏ mặc kẻ nghèo khó đói rét.

Bác ta bèn quay đi tìm người khác. Bác gặp Quỉ. Quỉ hỏi:

- Bác tìm gì? Bác có muốn ta đỡ đầu cho con bác không? Ta sẽ cho nó giàu nứt đố đổ vách và hưởng đủ khoái lạc trên đời.

Người kia hỏi:

- Ông là ai?

- Ta là Quỉ.

- Thế thì tôi không muốn ông đỡ đầu cho con tôi, vì ông lừa dối và quyến rũ con người.

Rồi bác lại đi. Bác gặp Thần Chết. Toàn thân Thần Chết là mớ xương khô. Thần tiến đến bảo bác:

- Bác để ta đỡ đầu cho con bác.

Bác hỏi:

- Ông là ai?

- Ta là Thần Chết, coi ai cũng như ai.

- Bác công bằng, coi người giàu kẻ nghèo như nhau. Vậy xin bác đỡ đầu cho con tôi.

- Thế nào ta cũng làm cho con bác giàu sang như ta đã giúp cho tất cả các bạn bè của ta.

- Thế đến chủ nhật sau sẽ làm phép rửa tội cho cháu, ông nhớ đến nhé.

Thần Chết đến đúng hẹn và làm nhiệm vụ của người cha đỡ đầu. Khi thằng bé đã lớn, cha đỡ đầu đến gọi đi. Thần dắt nó vào rừng, chỉ cho nó một cây thuốc và dặn:

- Bây giờ ta mới cho con quà đỡ đầu. Ta sẽ làm cho con thành một thầy thuốc lừng danh. Mỗi lần con đi thăm bệnh, ta sẽ hiện đến. Khi con thấy ta đứng phía đầu bệnh nhân, con có thể nói
cương quyết rằng họ khỏi bệnh và con cầm lấy cây mà điều trị. Nhưng nếu ta đứng về phía chân họ, thì ta sẽ bắt họ đi: con cứ việc nói cho họ biết rằng dù có chạy chữa cũng vô ích, thầy thuốc nào ở trần gian cũng không thể cứu được. Nhưng con phải cẩn thận chớ dùng cây này ngược với ý ta, nếu không nghe ta thì lụy đến thân đó!

Chẳng bao lâu, chàng thanh niên thành một thầy thuốc, danh lừng bốn biển. Tiếng đồn là thoáng trông bệnh nhân thầy đã có thể nói chắc chắn là chữa được hay chết. Thiên hạ ở đâu đâu cũng kéo đến. Đâu cũng mời thầy và trả thầy rất hậu, chẳng bao lâu thầy giàu có lắm.

Lúc bấy giờ, nhà vua lâm bệnh, cho mời thầy đến xem có cứu chữa được nữa không. Khi vào cung, thầy thấy Thần Chết đứng ở phía chân vua. Như vậy là không thuốc nào trị được nữa. Thầy nghĩ bụng: "Giá phỏng mình đánh lừa Thần Chết một bận này, thì nhất định Ngài giận lắm, nhưng chắc là cha đỡ đầu cũng lờ đi cho mình. Vậy mình thử xem thế nào". Rồi thầy cho đặt nhà vua quay đầu về phía Thần Chết và cho uống cây thuốc, vua khỏi bệnh. Thần Chết hầm hầm đến chĩa ngón tay vào mặt thầy lang mà mắng:

- Mày đã lừa ta, lần này thì ta tha cho mày vì mày là con đỡ đầu của ta. Nhưng nếu mày còn dại dột lần nữa thì ta sẽ trị thẳng tay.

Cách đấy ít lâu, công chúa ốm nặng. Vua chỉ sinh được một mình công chúa, nên khóc đêm khóc ngày đến mù cả mắt. Vua ra chiếu chỉ rằng ai chữa được bệnh công chúa sẽ được làm phò mã và nối ngôi người. Khi thầy lang vào phòng công chúa thì thấy Thần
Chết đứng ở phía chân bệnh nhân. Lẽ ra thầy phải nhớ đến lời người cha đỡ đầu dặn. Nhưng thầy thấy công chúa đẹp, thầy hy vọng lấy được công chúa, thầy đâm lú lẫn quên hết, không để ý gì đến Thần Chết đứng quắc mắt và giơ cả nắm đấm xương xẩu lên.
Thầy nâng công chúa cho xoay đầu về phía chân giường, rồi cho uống cây thuốc. Đôi má công chúa ửng hồng và nàng khỏi bệnh. Thần Chết bị lừa lần nữa rảo bước đến nhà thầy lang bảo:

- Thế là đi đời nhà mày! Bây giờ đến lượt mày chết.

Thần Chết đưa tay lạnh giá ra nắm chặt lấy thầy lang, khiến thầy hết đường cựa quậy. Thần điệu thầy đến một cái hang ở âm phủ. Ở đấy có hằng hà sa số là đèn đang cháy, lớn có, nhỡ có, nhỏ có. Lúc nào ngọn này tắt thì lại có những ngọn khác bừng sáng lên, muôn nghìn ngọn lửa chạy đi chạy lại trông tựa như đèn cù. Thần Chết nói:

- Mày thấy chưa? Đây là những ngọn đèn sinh mệnh từng người. Những ngọn lớn là của trẻ con, những ngọn nhỡ của vợ chồng đang xuân, những ngọn nhỏ của các cụ già. Nhưng cũng có những đèn sinh mệnh trẻ em và thanh niên mà chỉ có ít ánh sáng.

Thầy lang tưởng ngọn đèn sinh mệnh của mình còn to, xin cha đỡ đầu chỉ cho xem. Thần Chết trỏ cho thầy ngọn đèn rất nhỏ, chập chờn sắp tắt. Thầy lang khiếp sợ, nói:

- Trời ơi! Cha thân mến, cha hãy thương con thắp cho con ngọn khác, để con được hưởng cuộc đời của con, được lấy nàng công chúa xinh đẹp, được làm vua.

Thần Chết nói:

- Ta không làm gì được, vì phải có ngọn này tắt trước thì mới thắp ngọn khác lên được.

- Vậy thì cha hãy ghép chiếc đèn của con vào một chiếc đèn lớn để đèn con tiếp tục cháy.

Thần Chết làm ra bộ chiều ý thầy lang, đi lấy một ngọn đèn to. Nhưng trong thâm tâm, Thần muốn trả thù, nên cố tình đánh rơi chiếc đèn nhỏ xuống đất cho tắt. Thầy lang lăn ra chết ngay và bị Thần Chết bắt đi.

bam baby
20-12-2007, 01:04 AM
Cây củ cải

Ngày xưa có hai anh em đều đi lính. Anh thì giàu, em thì nghèo. Người em không muốn sống nghèo khổ mãi, bỏ lính về làm nông dân. Anh cuốc một vạt đất ở đầu cánh đồng và gieo hạt củ cải. Mầm mọc, củ lớn dần, lớn dần, lớn không ngừng đến mức có thể coi là củ cải chúa, chưa bao giờ từng có củ cải nào to như vậy và cũng sẽ chẳng bao giờ sẽ thấy củ cải to như thế. Cuối cùng, nó thành một củ cải khổng lồ, một mình nó có thể chiếm hết một xe chở và phải gióng hai con bò để kéo xe. Bác nông dân không biết dùng củ cải ấy làm gì và tự hỏi không biết đây là phúc hay là họa. Rút cuộc, bác tự bảo: "Nếu mang bán thì người ta sẽ trả bao nhiêu? Nếu ăn củ cải thì ăn những củ nhỏ cũng đến thế thôi. Tốt nhất là ta mang tiến vua để tỏ lòng thành kính".

Bác khiêng củ cải lên một cái xe, gióng hai con bò, dắt xe đến cung nhà vua để dâng vua. "Cái vật kỳ lại này là cái gì vậy? - Vua phán - Ta đã từng trông thấy nhiều vật lạ, nhưng chưa thấy một vật khổng lồ như thế này, không biết mọc từ cái hạt giống gì ra? Hoặc giả ngươi là phù thủy và đã đích thân làm ra củ này?". "Tâu bệ hạ, không phải thế đâu ạ - Bác nông dân trả lời - Thần là một anh lính nghèo nuôi thân không xong nên phải thôi lính về làm đất. Thần có một người anh giàu có, bệ hạ biết nhiều về anh ấy. Nhưng thần thì không có gì, nên bị mọi người ruồng bỏ".

Nhà vua thương hại bác nông dân và phán:

- Nhà ngươi sẽ không nghèo đói nữa, ta sẽ ban cho ngươi của cải để nhà ngươi cũng giàu như anh nhà ngươi.

Vua ban cho bác nông dân rất nhiều vàng, ruộng nương, đồng cỏ và gia súc, đến mức bác trở nên rất giàu, của cải người anh không sánh được.

Khi người anh biết là em trở nên giàu có nhờ có một cây củ cải, thì anh ta ghen tức và nghĩ nát óc ra tìm một cách để cũng gặp may như em. Anh láu hơn em, mang biếu nhà vua vàng và ngựa, nghĩ rằng vua sẽ ban cho anh nhiều của cải hơn em. Nếu em ta chỉ biếu nhà vua có một củ cải mà được vua ban cho chừng nấy của thì vua sẽ ban cho ta biết mấy để đáp lại những tặng phẩm quý giá! Vua nhận đồ dâng của anh và phán là không có gì quí hơn và hiếm hơn là cây củ cải. Vua bèn cho anh cây củ cải to tướng. Người anh đành chất cây củ cải của người em lên một cái xe rồi kéo về nhà.

Về đến nhà, người anh không biết trút cơn tức giận lên đầu ai cho tới khi nẩy ra ý nghĩ độc ác là giết em. Anh thuê những kẻ giết người và cho chúng nấp ở một nơi. Anh đến gặp em và bảo: "Chú ạ, tôi biết nơi cất giấu một kho vàng, chúng ta cùng đi lấy rồi chia nhau". Người em đi với anh, không nghi ngờ gì cả. Khi hai người đi tới nơi đã định, những kẻ giết người nhảy xổ vào người em, trói em lại và chuẩn bị treo cổ lên một cái cây. Khi chúng đang làm việc đó thì ở xa có tiếng hát và tiếng vó ngựa vọng lại. Chúng sợ hãi nhét người bị bắt - đầu lộn ngược - vào một cái bao, treo lên một cái cây rồi chạy trốn. Ở trên cây, người em giãy giụa cho tới khi cái bao bị thủng một lỗ, đầu lọt ra. Người đi tới chẳng qua là một cậu sinh viên đi lang thang, một thanh niên đang vừa ruổi ngựa trong rừng và hát vang lên. Người em ở trên cây thấy có người vừa qua bên dưới bèn kêu to:

- Cậu đến thật đúng lúc!

Cậu sinh viên ngó quanh, không biết tiếng nói từ đâu ra. Cuối cùng cậu nói:

- Ai gọi tôi thế?

Từ ngọn cây, người em trả lời:

- Hãy ngẩng lên mà nhìn. Tôi ở trên cao, trong một cái túi dạy khôn. Trong một thời gian ngắn, tôi đã học được không biết bao nhiêu điều hay; những điều học ở trường chẳng thấm vào đâu. Tôi học sắp xong rồi, tôi sẽ xuống và tôi sẽ giỏi hơn mọi người trên thế gian này. Tôi thông thiên văn, biết hướng đi của gió, cát ở ngoài biển, cách chữa mọi bệnh tật, công dụng của cây cỏ, các loại chim và các loại đá. Nếu anh chui vào đây, anh sẽ thấy ở trong túi dạy khôn này hạnh phúc biết chừng nào.

Cậu sinh viên nghe thấy thế ngạc nhiên vô cùng và nói:

- Quả là trời phù hộ cho tôi được gặp bác. Bác làm ơn cho tôi vào trong túi một lúc có được không?

Người em trả lời như có vẻ chần chừ: "Tôi cũng muốn để anh chui vào một tí nếu anh đưa tôi một ít tiền và ăn nói tử tế, nhưng anh hãy đợi một giờ nhé. Còn có điều tôi muốn học thêm đã".

Cậu sinh viên chờ một chốc, sốt ruột năn nỉ xin người em cho chui vào vì anh nóng lòng muốn học khôn. Người em giả bộ như cũng chiều ý cậu và nói:

- Muốn để tôi bước ra khỏi cái nhà dạy khôn này, anh hãy hạ túi dọc theo cái dây thừng. Sau đó sẽ đến lượt anh vào".

Cậu sinh viên hạ người em xuống, mở túi cho anh chui ra. Sau đó, cậu kêu lên:

- Giờ thì hãy kéo tôi lên cao nhanh lên!

Rồi anh chui vào trong túi. "Hượm đã!" - người em nói, - "như thế chưa được". Anh đẩy cậu sinh viên đầu lộn ngược vào túi, buộc miệng túi lại rồi kéo lên cây. Anh đẩy cho cái túi đu đưa trên không rồi hỏi:

- Cậu thấy thế nào hở cậu? Cậu thấy đấy, cậu cảm thấy khôn ngoan đang đến đấy, cậu đã học được nhiều. Hãy cứ nằm im, cho đến khi nào khôn ngoan hơn."

Sau đó, người em nhảy lên con ngựa của anh sinh viên và đi. Được một giờ, anh cho người đến tháo cho cậu sinh viên xuống.

“Ở hiền gặp lành" là sợi chỉ đỏ xuyên suốt nội dung của các truyện cổ tích. Trong câu chuyện trên ca ngợi người em sống thật thà thì luôn gặp may mắn, hạnh phúc. Người anh tham lam dù có cố gắng đến đâu cũng không bao giờ đạt được mục đích.

bam baby
20-12-2007, 11:27 AM
Ngọn đèn xanh

Ngày xưa, có một người lính tận tụy với nhà vua bao nhiêu năm trời ròng rã. Hết thời chinh chiến, người ấy bị thương nhiều, không phụng sự được nữa, vua phán rằng:

- Bây giờ ta không cần đến ngươi nữa, cho ngươi về. Mà ta cũng không thể cho ngươi tiền của gì vì ta chỉ trả công cho kẻ nào phụng sự ta thôi.

Người lính già chẳng biết làm gì để sinh nhai, buồn bã, đi thơ thẩn suốt ngày, buổi chiều đến một khu rừng. Trời tối, bác thấy ở đằng xa có ánh đèn, bác lại gần thì ra là nhà một mụ phù thủy. Bác nói với mụ:

- Xin bà làm ơn cho tôi ngủ nhờ đêm nay và cho tôi ăn uống một chút vì tôi đói quá.

Mụ già đáp:

- Chao ôi! Có ai hơi đâu mà chứa một tên lính lạc đường như mày. Nhưng thôi, ta làm phúc cho, miễn là ngươi giúp ta một việc.

- Việc gì hở bà?

- Mai xới vườn cho ta.

Người lính bằng lòng và hôm sau làm cật lực, mà đến chiều tối vẫn không xong. Mụ già nói:

- Ta biết hôm nay mày làm được đến thế là cùng. Ta muốn để ngươi ở đây đêm nay nữa, nếu mai ngươi chịu chẻ củi cho ta.

Người lính ra công làm suốt ngày. Tối đến mụ già lại bảo bác ở lại đêm nữa. Mụ nói:

- Ta chỉ nhờ mày tí việc: lấy ở dưới giếng cạn sau nhà lên cho ta ngọn đèn ta đã đánh rơi xuống đấy. Ngọn đèn đó sáng xanh le lói, không bao giờ tắt.

Hôm sau, mụ già đưa người lính ra giếng, bảo ngồi vào thúng, rồi ròng dây xuống. Lấy được ngọn đèn sáng xanh rồi, bác ra hiệu cho mụ già kéo lên. Khi mụ kéo bác đến miệng giếng, mụ giơ tay đỡ lấy ngọn đèn. Nhưng bác nhận thấy mụ có tà ý, bèn bảo:

- Không, không, để ra khỏi giếng tôi mới đưa đèn cho bà.

Mụ già nổi giận, buông dây ra, để cho người lính rơi xuống giếng, rồi bỏ đi. Người lính rơi xuống đất ẩm nên không việc gì. Ngọn đèn vẫn cháy, nhưng biết làm thế nào cho thoát. Bác chắc mình thế nào cũng chết.

Bác ngồi một lúc lâu, trong lòng buồn bã. Tình cờ thò tay vào túi, bác thấy cái điếu đã nhồi một nửa thuốc. Bác nghĩ bụng: "Đây là cái thú cuối cùng của ta đây", rồi rút điếu châm vào ngọn đèn xanh, và hít vài hơi. Khi khói thuốc tỏa ra khắp giếng, một người bé nhỏ, đen xì
bỗng hiện ra hỏi bác:

- Thưa thầy, thầy sai gì con ạ?

Người lính ngạc nhiên hỏi:

- Ta có điều gì sai anh đâu?

- Thầy muốn gì, con phải làm nấy.

- Nếu vậy thì trước hết giúp ta ra khỏi giếng.

Người bé nhỏ đen xì bèn dắt người lính, đưa qua một con đường hầm, không quên cầm theo ngọn đèn xanh le lói. Đi đường người ấy trỏ cho bác biết kho vàng mà mụ già giấu ở đấy. Bác lính tha hồ mà lấy của. Lên đến mặt đất, bác lính bảo người kia rằng:

- Bây giờ anh đi trói con mụ già lại và dẫn nó đến tòa án cho ta.

Chỉ lát sau, bác thấy mụ cưỡi mèo rừng phóng qua, miệng thét kinh hồn. Người bé nhỏ lại hiện ngay đến, nói rằng:

- Thưa thầy, mọi việc đã xong cả rồi, mụ phù thủy bị tống giam. Thầy còn sai gì con nữa không?

- Bây giờ thì thôi, anh cứ về nhà, nhưng hễ ta gọi thì đến ngay nhé.

- Thầy chả cần gọi, thầy chỉ việc châm điếu vào ngọn đèn xanh là con đến ngay tức khắc.

Nói xong người ấy biến mất. Còn bác lính lại quay về kinh. Bác sắm quần áo đẹp, vào nhà trọ sang trọng nhất. Xong xuôi, bác gọi người bé nhỏ đen thui tới bảo:

- Ta đã phụng sự nhà vua trung thành mà nhà vua nỡ tống ta đi, bỏ ta chết đói, ta phải trả thù mới được.

Người bé nhỏ hỏi:

- Thầy sai gì con?

- Đêm khuya, khi công chúa ngủ say, anh đem công chúa về cho ta để ta bắt nó hầu ta như đầy tớ vậy.

Người bé nhỏ đáp:

- Việc đó đối với con thì dễ thôi, nhưng nếu chuyện vỡ lở ra thì rất nguy hiểm cho thầy.

Đúng nửa đêm, cửa mở, người bé nhỏ mang công chúa vào. Người lính quát:

- Hừ! Cô đã đến đấy à? Đi làm việc ngay đi. Lấy chổi quét buồng ngay.

Công chúa quét xong, bác lính gọi lại, giơ chân ra, bắt công chúa tháo giầy ủng, ném giầy vào mặt bắt nhặt đem lau bùn và đánh bóng. Nàng im lặng làm tất không cưỡng lại, hai mắt lim dim. Khi gà gáy lần thứ nhất, người bé nhỏ lại đem nàng về cung và đặt nàng vào giường.
Sáng dậy, công chúa vào tâu với vua rằng đêm qua nàng nằm mơ rất lạ:

- Con bị mang đi qua các phố nhanh như chớp, đến buồng một người lính. Con đã phải hầu hắn như đấy tớ. Con đã phải làm những việc nặng như quét buồng, đánh giầy. Tuy đó chỉ là một giấc mơ, nhưng con cũng thấy nhọc mệt như làm công việc ấy thật.

Vua nói:

- Chiêm bao có thể là sự thật. Cha khuyên con lấy đỗ nhỏ bỏ đầy túi áo. Nếu con lại bị mang đi thì đỗ sẽ vãi suốt dọc các thành phố mà con qua, và sẽ có dấu vết trên mặt đường.

Người bé nhỏ đứng nấp ở chỗ gần vua nghe trộm được những lời vua dặn con gái. Đến đêm khi người ấy lại mang công chúa đi thì đỗ rơi ở túi áo công chúa ra đường thật, nhưng đỗ đó không thể làm dấu được vì người bé nhỏ đa mưu đã rắc đỗ trước ở khắp các phố. Công chúa lại phải làm công việc con đòi cho đến khi nghe tiếng gà gáy thứ nhất.

Hôm sau, vua sai bộ hạ lần theo hạt đỗ đi tìm nhưng chỉ uổng công, trẻ con ở khắp các phố đang ngồi nhặt đỗ, phao đồn rằng đêm qua mưa ra đỗ.

Vua nói:

- Con ơi, phải tìm kế khác. Con sẽ đi ngủ cả giầy, rồi khi họ đem con đến đâu, con sẽ dấu một chiếc ở đấy, nhất định cha sẽ tìm được.

Người bé nhỏ đem thui lại nghe trộm được. Ngay tối hôm ấy, người lính lại sai đi bắt công chúa về cho mình. Nhưng tớ can thầy, bảo thầy là không nghĩ ra được mưu gì và e rằng người ta sẽ tìm thấy chiếc giầy ở nhà thầy thì thầy sẽ nguy hiểm đến tính mệnh. Nhưng bác lính không chịu:

- Tôi đã sai thì anh cứ làm đi.

Đến đêm thứ ba, công chúa lại phải làm con đòi. Nhưng trước khi bị đem trả về cung, nàng giấu một chiếc giầy xuống gầm giường.

Hôm sau, nhà vua cho tìm chiếc giầy của con gái khắp tỉnh, thì thấy ở nhà người lính. Người bé nhỏ khuyên thầy trốn khỏi tỉnh, nhưng chưa kịp trốn đã bị bắt bỏ tù. Khi chạy đi, người lính bỏ quên ngọn đèn xanh và mất hết của, trong túi chỉ còn một đồng vàng.

Bác bị xích, đang đứng bên cửa sổ ngục, bỗng thấy người bạn cũ đi qua, liền đập vào cửa kính. Khi bạn đến gần thì bác nói:

- Anh làm ơn đến nhà trọ tìm hộ tôi một cái gói nhỏ, tôi sẽ biếu anh một đồng vàng.

Người bạn đi ngay và mang cái gói lại cho bác. Bác đợi cho bạn đi khuất, châm điếu. Người bé nhỏ đen thui hiện ra, thưa với thầy:

- Thầy đừng lo, cứ để chúng muốn điệu đi đâu thì điệu, làm gì thì làm, nhưng thầy chớ quên mang theo cây đèn xanh.

Hôm sau người lính bị đưa ra xử trước tòa án. Dù bác không phạm tội ác gì, quan tòa vẫn kết án tử hình. Khi đi ra pháp trường, bác xin vua một điều cuối cùng.

Vua hỏi:

- Ngươi muốn điều gì?

- Thần xin được hút thuốc ở dọc đường.

- Muốn hút ba điếu cũng được, nhưng ngươi chớ tưởng rằng ta sẽ ân xá cho ngươi đâu.

Người lính bèn rút ngay điếu ra và ghé điếu vào ngọn đèn xanh để châm lửa. Khói thuốc vừa tỏa lên thì người bé nhỏ, tay cầm gậy, đã đứng đó rồi, và hỏi:

- Thưa thầy bảo gì con ạ?

- Anh hãy nện thẳng tay vào bọn quan tòa giả dối kia và cả môn hạ của chúng, nện cả tên vua đã bạc đãi ta.

Nhanh như chớp, người nhỏ bé xông vào bọn chúng, đánh lia lịa, đứa nào mới bị gậy đụng phải cũng ngã lăn ra đất, không còn cựa quậy được nữa. Tên vua hoảng hồn, xin tha tội và dâng bác lính ngôi báu cùng công chúa làm vợ.

bam baby
20-12-2007, 11:28 AM
Những người khôn

Một hôm, một bác nông dân rút ở xó nhà ra chiếc gậy gỗ trăn rồi bảo vợ:

- Này nhà ạ, tôi đi ba ngày nữa mới về đấy. Nếu lái bò có đến mua ba con bò nhà ta, thì nhà bán rẻ cũng được, nhưng phải lấy hai trăm đồng, kém thì đừng có bán nghe chưa.

Vợ đáp:

- Nhà cứ việc đi đi, cầu trời phù hộ. Tôi ở nhà sẽ làm đúng lời nhà dặn.

- Chà! Khi nhà còn bé đã có lần ngã đập đầu xuống đất, đến giờ vẫn còn bị ảnh hưởng. Nhưng tôi dặn nhà nhớ, nếu nhà làm gì vớ vẩn, tôi về sẽ đánh cho thâm tím mình mẩy bằng chiếc gậy tôi đang cầm trong tay đây này, đến một năm cũng vẫn còn vết lằn, tôi nói không ngoa đâu.

Nói rồi bác ta đi.

Sáng hôm sau, lái bò đến. Bác gái cũng không phải nói nhiều lời. Hắn xem bò xong, hỏi giá rồi nói:

- Tình giá ấy được thôi, thật là giá chỗ bà con. Để tôi mang bò đi ngay.

Hắn tháo dây buộc, lùa bò ra khỏi chuồng. Khi hắn dắt bò ra khỏi sân thì bác gái nắm lấy tay áo hắn bảo:

- Bác phải đưa tôi hai trăm đồng đã, không thì tôi không để cho đi đâu.

Lái bò đáp:

- Được, được thôi. Ấy tôi quên không mang theo hầu bao. Nhưng bác đừng lo. Bác cứ yên chí, thế nào tôi cũng trả sòng phẳng. Này nhé, tôi mang đi hai con bò thôi, còn con thứ ba tôi để lại làm tin.

Bác gái cho việc ấy là minh bạch, để cho tên lái mang bò đi và nghĩ bụng:

- Thầy nó thấy mình khôn ngoan thế chắc là mừng lắm đấy.

Đến ngày thứ ba, bác nông dân đúng hẹn về nhà, hỏi ngay xem bò đã bán chưa. Bác gái đáp:

- Dĩ nhiên là bán rồi, thầy nó ạ. Mà như thầy nó dặn, bán đúng hai trăm đồng. Bò nhà mình thì cũng chẳng đáng giá ấy đâu, nhưng bác lái thuận mua luôn, chẳng cò kè gì cả.

Bác trai hỏi:

- Thế tiền đâu?

- Tôi chưa cầm. Bác lái quên mang theo hầu bao nhưng bác ấy mang lại ngay đấy. Bác ấy có để vật làm tin rất chắc chắn.

Bác trai hỏi:

- Của tin gì thế?

- Bác ấy để lại đây một trong ba con bò làm tin, trả tiền xong mới dắt nốt đi. Tôi khôn lắm, thầy nó ạ! Tôi giữ lại con bé nhất vì nó ăn ít nhất.

Bác trai tức quá, giơ gậy lên định cho bác gái một trận đòn như bác đã bảo trước. Nhưng rồi bác lại hạ gậy xuống nói:

- Bu mày thật là ngu như bò, ngu nhất trần đời này. Nhưng tôi thương hại bu nó quá. Thôi để tôi đi ba ngày nữa xem có gặp ai ngu đần hơn bu mày không. Nếu gặp, thì sẽ tha cho bu mày. Nếu không gặp thì tôi nhất định cho bu mày một trận đòn nên thân.

Bác đi theo đường cái rồi ngồi trên một hòn đá, đợi xem sự việc ra sao. Bác thấy một chiếc xe đi tới. Trên xe chỉ có một người đàn bà đứng chứ không ngồi trên đống rơm ở ngay trên xe mà cũng không đi bộ dắt bò bên xe. Bác nghĩ bụng đây hẳn là người ngu đần mình đang tìm, liền nhảy xuống và chạy loăng quăng trước xe y như người mất trí. Người đàn bà bảo bác:

- Ơ bác kia! Tôi có quen biết gì bác đâu? Bác ở đâu đến đây?

Bác nông dân đáp:

- Tôi ở trên trời rơi xuống đấy. Không biết làm cách nào lên trời lại được. Bác có đưa tôi lên được không?

Người kia đáp:

- Không được đâu. Tôi có biết đường đâu. Nếu bác ở trên trời xuống thì bác làm ơn cho tôi hỏi thăm nhà tôi ra sao. Thầy nó đã chầu trời được ba năm nay. Chắc là bác có gặp thầy nó nhà tôi.

- Có, có tôi có gặp bác trai. Lẽ dĩ nhiên là mọi người không phải ai nấy đều ổn cả đâu. Bác trai chăn cừu cũng lôi thôi rắc rối lắm, nó nhảy lên núi, nó lạc vào bãi hoang, bác trai cứ phải luôn đi tìm để hợp đàn. Quần áo mắc vào bụi rậm rơi từng mảnh, phơi cả da thịt ra. Trên ấy không có tuyết, thánh Pêtrut không cho ai vào, như bà nghe chuyện cổ tích đã biết đấy.

Người đàn bà kêu lên:

- Chết chưa, có ai ngờ đâu nông nỗi ấy! Để tôi đi lấy bộ quần áo ngày chủ nhật còn treo trong tủ ở nhà, để thấy nó mặc cho lịch sự. Nhờ bác làm ơn mang giúp cho thầy nó nhé!

Bác nông dân đáp:

- Không được đâu. Không thể mang quần áo lên trời được đâu. Đến cổng trời là bị thu đấy.

- Này bác ạ, hôm qua tôi bán chỗ lúa tôi được khá tiền muốn gửi lên cho thầy cháu. Nếu bác giấu tiền hộ vào túi chắc chẳng ai biết đâu.

- Cũng được thôi! Để tôi giúp bác.

Bác kia nói:

- Thế bác ngồi đợi đây, tôi cho xe về nhà lấy tiền rồi trở lại ngay. Ấy tôi không ngồi trên đống rơm, mà đứng trên xe để cho bò kéo đỡ nặng đấy.

Bà ấy thúc bò đi. Bác nông dân nghĩ bụng:

- Bà này hẳn có máu dở người. Nếu bà ta về lấy tiền thật thì may cho mẹ đĩ nhà mình khỏi bị trận đòn.

Một lát sau, bà ta mang tiền chạy tới nhét vào túi bác. Trước khi đi, bà ta còn đa tạ lòng tốt của bác mãi.

Bà về nhà thì gặp con trai ở ngoài đồng về. Bà liền kể cho con gặp chuyện bất ngờ như thế nào và bảo:

- Mẹ mừng là gặp may gửi được cho thầy mày ít quà. Có ai ngờ được là ở trên trời mà cũng còn bị thiếu thốn!

Con ngạc nhiên quá bảo:

- Mẹ ạ, ít khi có người ở trên trời rơi xuống như thế. Để con đi ngay xem có gặp không. Để hỏi bác ta xem trên ấy ra sao, làm ăn thế nào.

Anh ta đóng yên ngựa vội vã ra đi. Anh thấy bác nông dân đang ngồi ở gốc cây liễu, định đếm tiền trong hầu bao. Anh gọi to hỏi:

- Bác có gặp người ở trên trời rơi xuống không?

Bác nông dân đáp:

- Có, bác ta lại đi về rồi, bác ta trèo lên đỉnh núi kia để đi cho gần. Anh chịu khó phi ngựa thì đuổi kịp đấy.

Anh thanh niên nói:

- Chà! Tôi làm suốt ngày, vất vả, lại phi ngựa đến đây thì mệt lử rồi. Bác biết người ấy, bác làm ơn cưỡi ngựa này đến nói khéo cho người ấy thuận lại đây hộ.

Bác nông dân nghĩ bụng gã này cũng lại tàng tàng. Bác bảo:

- Thôi thì để tôi giúp cậu vậy!

Bác trèo lên ngựa phóng nước đại. Gã thanh niên ngồi đợi đến đêm cũng không thấy bác nông dân trở về. Anh nghĩ bụng chắc là người kia vội vã về trời nên không muốn quay lại và bác nông dân đã đưa cả ngựa cho người ấy mang cho bố mình rồi. Anh quay về kể lại chuyện cho mẹ, nói là đã gửi ngựa cho bố để bố khỏi phải đi bộ. Mẹ bảo:

- Con làm thế là phải. Con có đôi chân còn vững, đi bộ cũng được.

Bác nông dân về đến nhà, nhốt ngựa vào chuồng cạnh con bò giữ làm tin. Bác bảo vợ:

- Bu mày ạ! Bu mày may lắm nhé! Tôi gặp hai người còn ngu đần hơn cả bu mày cơ. Lần này, tôi tha đánh bu mày, để dành dịp khác.

Rồi bác châm điếu hút thuốc, ngồi vào chiếc ghế bành tứ đại và bảo:

- Thật là món bở. Đổi hai con bò còm lấy một con ngựa béo, lại thêm một hầu bao đầy tiền. Nếu ngu đần mà lại như thế này thì mình cứ là trọng ngu đần mãi.

Bác nông dân nghĩ vậy, nhưng hẳn là các bạn còn thích những người đần độn hơn.

ZenG
20-12-2007, 07:45 PM
thx bạn
nhưng lưu ý bạnn hãy post những topic maang dạngg văn học vaòo post "văn học"
Ghost đã chuyểnn wa!