PDA

View Full Version : Genkai - 33 năm vẫn chạy…tốt



Kasumi
28-12-2007, 05:33 PM
Trong một chuyến công tác Nhật Bản, khi nghe thông báo sẽ có một buổi đi thăm Nhà máy điện hạt nhân Genkai, ai cũng có vẻ chột dạ. Nhưng khi đến nơi, tận mắt chứng kiến cảnh khách tham quan đông đúc và một quy trình bảo vệ chặt chẽ, thân thiện với sức khỏe và môi trường, chúng tôi mới vỡ lẽ…

Sạch và xanh


http://www.sggp.org.vn/dataimages/original/images231306_Dien-hat-nhan-1.jpg
Một góc nhà máy điện hạt nhân Genkai - Nhật Bản. Ảnh: Anh Đào

Trong không khí giá lạnh của mùa đông tại xứ sở hoa anh đào, chúng tôi lên xe, rời trung tâm thành phố Fukuoka trực chỉ Nhà máy điện hạt nhân Genkai. Phải mất gần 1 giờ 30 phút mới đến nơi, nhưng từ xa mọi người đã thấy những chiếc quạt gió khổng lồ vươn cao sừng sững trên bầu trời, thật ấn tượng.

Nhà máy điện hạt nhân Genkai do Công ty Kyushu Electric Power quản lý, được xây dựng từ năm 1975, nằm trên một khu vực rộng 87ha dọc bờ biển thuộc tỉnh Saga. Toàn bộ nhà máy gồm 4 lò phản ứng, được lần lượt xây dựng vào những năm: 1975, 1981, 1994 và 1997. Với tổng công suất lên đến 3.478 MW, trong nhiều năm qua, nhà máy này luôn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng điện cho cả khu vực rộng lớn ở phía Tây Nhật Bản.

Theo sự hướng dẫn của ông Kenshi Fukuyama-Tổng quản lý nhà máy, chúng tôi vào tòa nhà nằm cách trung tâm phản ứng hạt nhân không xa. Tòa nhà cao 6 tầng, bên trong là mô hình và những thông tin cơ bản về Nhà máy điện hạt nhân Genkai. Tại đây, chúng tôi tận mắt nhìn thấy mô hình lò phản ứng hạt nhân đúng với nguyên bản, cao tới 13m với lát cắt dọc, cho phép người tham quan nhìn thấy kết cấu hệ thống lõi bên trong. Ở một mô hình khác, chúng tôi nhìn thấy sự vận hành của cả hệ thống với kết quả cuối cùng là sản xuất ra điện năng phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Ở tầng trên cùng, khách tham quan có thể thưởng lãm phong cảnh dọc bờ biển và ngắm nhìn chính diện Nhà máy điện Genkai với những lò phản ứng hạt nhân hình trụ tròn sừng sững và hệ thống đường dây tải điện chằng chịt. Từ đây, mọi người còn có thể nhìn thấy những khuôn viên rộng rãi quanh nhà máy phủ đầy bóng cây. Đây là sân tennis, kia là sân bóng rổ, xa xa là khu vườn mang tên Camellia…Điều đó tạo cho khách tham quan cảm giác mình đang đứng trong một khu phức hợp dân cư-công nghiệp-giải trí chứ không phải là nhà máy điện hạt nhân với các loại chất phóng xạ có hiểm họa chết người.

Chỉ sợ…động đất

Như cảm nhận được sự ngạc nhiên của chúng tôi, ông Kenshi Fukuyama cho biết:“Nhà máy Genkai đạt các tiêu chuẩn quốc tế và Nhật Bản về bảo vệ môi trường. Quý vị thấy đó, nhiều người cứ nghe nói nhà máy điện hạt nhân là nghĩ tới sự cố, tai nạn chết người. Nhà máy của chúng tôi đã tồn tại ở đây gần 33 năm rồi mà vẫn an toàn, lại còn rất thân thiện với môi trường và cộng đồng nữa đấy!”

Quả thật, không chỉ ông Tổng quản lý Nhà máy Genkai mà ngay cả những người dân Nhật Bản-từ trí thức đến người nông dân đều tự hào về nhà máy điện hạt nhân của họ. Một người dân sống gần nhà máy cho biết, từ khi nhà máy được xây dựng đến nay, cuộc sống của người dân trong vùng vẫn bình thường. Trong khi đó môi trường xung quanh có phần tốt lên vì ban quản lý nhà máy đầu tư trồng cây xanh, xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về mức độ an toàn của nhà máy, ông Kenshi Fukuyama cung cấp một bảng danh sách ghi rõ thời điểm sự cố và chân thành nói: “Từ ngày thành lập đến nay, chúng tôi cũng đã gặp một số sự cố, trong đó đáng kể nhất là các sự cố xảy ra vào các năm 1983, 1984, 1988 và 1999. Nhưng cuối cùng các sự cố đó đều được giải quyết ổn thỏa, không gây thiệt hại đến môi trường tự nhiên và cộng đồng dân cư”. Nữ nhà báo Ismail của báo New Straits Times Sdn Berhad (Malaysia) tỏ vẻ lo lắng: “Thưa ông, nhưng làm sao đảm bảo được rằng uranium sử dụng trong nhà máy không bị thất thoát hoặc trở thành vũ khí giết người hàng loạt?”. Ông tổng quản lý nhà máy cười chia sẻ và khẳng định: “Xin quý vị yên tâm, chúng tôi đảm bảo an toàn tuyệt đối. Vả lại, ngay khu vực trung tâm nhà máy luôn có camera giám sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), nên bất cứ động thái nào ảnh hưởng đến sự an toàn, đều được kiểm soát và quản lý chặt chẽ”.

Với nhận thức đó, rõ ràng việc phát triển năng lượng điện hạt nhân của Nhật Bản không thể tách rời yếu tố bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng. Hiện nay, Nhật Bản đứng thứ 3 trên thế giới về phát triển năng lượng hạt nhân (sau Hoa Kỳ và Pháp). Với quy trình vận hành và bảo vệ đạt trình độ kỹ thuật cao, các chuyên gia Nhật Bản tỏ ra rất tin tưởng về mức độ an toàn. “Chỉ khi nào động đất ngay trên khu vực lò phản ứng hạt nhân thì sự an toàn mới nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng tôi”-một chuyên gia về năng lượng hạt nhân giàu kinh nghiệm khẳng định.

Tô Nguyễn
sggp