PDA

View Full Version : Khái quát về suối nước nóng Nhật Bản



yUkj_nO_hAnA
15-01-2008, 12:29 PM
Nguồn gốc suối nước nóng

Nhật Bản được xem là một trong những quốc gia có nguồn suối nước nóng (người Nhật gọi đó là các “Onsen”) dồi dào nhất trên thế giới: trên khắp chiều dài Nhật Bản có khoảng 150 suối nước nóng và 1400 các nhánh suối nhỏ. Ngâm mình trong các suối nước nóng với nhiệt độ khoảng từ 25°C à 60°C hay có nơi gần 100°C như: Ogama Onsen ở Nagano đã từ xa xưa là một thói quen ưa thích của người dân Nhật Bản. Và cho đến nay ngâm mình trong suối nước nóng giữa khung cảnh thiên nhiên đã được khoa học chứng minh là một trong những liệu pháp hữu hiệu nhất để thư giãn, giảm mệt mỏi căng thẳng cũng như chữa được môït số các căn bệnh khác nhờ vào nguồn khoáng chất dồi dào trong các suối nước nóng ở Nhật Bản. Chúng ta biết rằng do địa hình Nhật Bản có nhiều núi lửa nên nơi đây có nhiều nguồn nước nóng, song bên cạnh đó sự hình thành các温泉 (Onsen) có thể kể đến:
o Các mạch nước ngầm được các dòng magma núi lửa làm nóng.
o Một phần xác động vật cổ xưa bị hoá thạch, phần còn lại bị phân huỷ thành dầu&nước tạo thành khoáng chất tạo thành một hàm lượng đáng kể chất khoáng trong mạch nước nóng.
o Nước tinh khiết đi qua một phần tâm Trái đất và bị làm nóng.

Phân loại suối nước nóng Nhật Bản

Năm Chiêu Hoà thứ 23, Nhật Bản đã ban hành các tiêu chuẩn của một Onsen bao gồm:
o Nhiệt độ của nước trong Onsen phải trên 25°C. Tuy nhiên thông thường nhiệt độ dao động từ 39°C à 40°C.
o Onsen có một hàm lượng khoáng nhất định.
Trong đó chi tiết người ta còn phân loại các onsen:
o Theo hàm lượng khoáng chất mà nó có ví dụ như: Suối nước nóng muối, suối nước nóng thạch cao, suối nước nóng Natri, suối nước nóng sắt, suối nước nóng có phèn, suối nước nóng có sulfur, …
o Theo nhiệt độ: onsen từ 25°C à34°C, onsen từ 34°C à42°C, và onsen trên 42°C

Dịch vụ tắm suối nước nóng ở Nhật Bản

Sau đây là những điều cần lưu ý khi tắm Onsen mà hầu như bất kì người dân Nhật Bản nào cũng thuộc lòng đến mức gần như đã thành một thứ văn hoá Onsen trong lòng họ.
o Ngâm mình từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ (bao gồm cả thời gian tắm trước khi vào bồn là 30 phút) chứ không nên ngâm mình lâu
o Trong khi ngâm mình nên thư giãn hoàn toàn và ngẫm nghĩ về 1 điều gì đó.
o Sau khi ngâm mình thì phải mất từ 6à7 tiếng khoáng chất mới ngấm vào cơ thể vì thế sau khi ngâm mình không nên tắm lại hay lau khô mà tốt nhất là để tự khô.
o Hãy uống nước khoáng được thiết kế sẵn ở các vòi nước. Không uống khi đói hay trước khi đi ngủ mà hãy uống sau bữa ăn. Lúc uống thì uống nhâm nhi trong 30à50 phút chứ không nên uống một hơi.
Như đã nói ở trên, Nhật Bản có rất nhiều suối nước nóng và người dân Nhật cũng rất thích tắm suối nước nóng. Do nhu cầu cao đó nên giá cả ở các khu tắm onsen cũng rất đa dạng từ 150¥ (khoảng 20.000 VNĐ) đến hơn 20000¥ (khoảng 2.700.000 VNĐ) tuỳ vào các dịch vụ kèm theo.
Khắp nơi trên đất nước Nhật Bản đều có các suối nước nóng và người dân Nhật Bản ở các địa phương này cũng không bỏ qua cơ hội thu hút khách hàng bản địa và cả những vị khách phương xa đến ngâm mình trong dòng nước nóng địa phương mình. Nhờ đó mà các “Địa điểm tắm suối nước nóng” ra đời. Có thể kể đến một số nơi rất nổi tiếng như sau: Noboribetsu ở Hokkaido, Beppu ở Kyushu, Tsurunoyu ở Akita, … Các onsen có khi toạ lạc ở vùng đồng bằng nhưng cũng có những onsen nằm trong vùng thung lũng hay ở lưng chừng núi, và đây cũng chính là một yếu tố không kém phần quan trọng thu hút khách thập phương ghé thăm. Vì thế những người chủ của các khu suối nước nóng khi xây dựng họ luôn chú ý không bao giờ phá hỏng khung cảnh thiên nhiên xung quanh mà họ còn ra sức bảo vệ và tô điểm thêm khiến cho khung cảnh thiên nhiên trở nên phù hợp hơn với khung cảnh tắm suối nước nóng. Người ta cũng xây dựng thêm các nhà tắm riêng dành cho một người vời những khách hàng ngại việc tắm chung, song hầu hết chỉ là một số vị khách châu Á hay e ngại còn lại thì khi đến các suối nước nóng ở Nhật Bản đều thích được tắm chung như những người Nhật Bản thứ thiệt.
Ngoài ra ở các địa điểm tắm suối nước nóng, người ta còn cho phục vụ thêm các hình thức kèm theo như: sauna (tắm hơi trong phóng kín), hồ bơi, nhà hàng, nhà nghỉ, … một số còn nâng cấp thêm thành một khu du lịch với đầy đủ các dịch vụ phong phú như: phòng họp, khách sạn, phòng internet, sân tennis, bóng bàn, thậm chí còn có cả sân golf như Mochizuki-so onsen ở Nagano. Lẽ tất nhiên việc sử dụng các dịch vụ kèm theo này không hề rẻ, nếu chỉ đến những nơi đây để tắm suối nước nóng thì giá cả chỉ chừng 150¥à 200¥(từ khoảng 20.000 VNĐ đến khoảng 27.000 VNĐ), sử dụng thêm thì tuỳ từng dịch vụ mà giá cả có thể tăng theo có khi gấp lên hàng trăm lần. Như ở Mochizuki-so onsen đã nói ở trên thì nếu dùng hết các dịch vụ khách hàng sẽ phải trả một số tiền là 20000¥ ( khoảng 2.700.000 VNĐ).
Do các onsen ở Nhật Bản hầu hết đều không nằm ở trung tâm của địa phương mà thường ở trên núi hay trong các khu rừng nên vì thế mà để đạt hiệu quả phục vụ tối đa cho du khách, hầu hết đều thành lập các tuyến xe bus, xe lửa từ trung tâm đến tận nơi hết sức tiện lợi. Người ta thậm chí còn ghi rất rõ chi tiết về các chuyến xe nay kèm theo giá cả và thời gian đi lại trên các tờ quảng cáo, các trang web để du khách có thể tiện việc di chuyển. “Từ ga Kii Nagashima, hãy bắt chuyến xe bus Kawai (mất khoảng 10 phút), xuống xe bus tại trạm Arikujiguchi sau đó đi bộ khoảng 1,8 km (mất chừng 25 phút) là đến nơi. Nếu bạn đi bằng ôtô thì hãy đi theo tuyến đường số 42 sau đó rẽ ở tuyến đường địa phương số 11 ở Kii Nagashima, rồi tiếp tục lái xe thêm khoảng 3 giờ nữa rồi rẽ phải khi gặp bảng hiệu của Arikujiso” -một hướng dẫn đường đi chi tiết trên mẩu quảng cáo của Arikuji onsen vùng Nagashima.
Ngày nay ở Nhật Bản xuất hiện thêm hình thức Sento tức là các nhà tắm công cộng mô phỏng theo hình thức của các suối nước nóng, tức là cũng nhiều người cùng ngâm mình trong nước nóng ở một bồn tắm. Dĩ nhiên nước nóng ở đây là nước nóng nhân tạo tức là nước đun sôi, không có khoáng chất gì trong đó, song do đặc điểm tiện lợi phù hợp văn hoá tắm của người Nhật Bản nên nó rất phổ biến và được nhiều người ưa chuộng. Ở một số gia đình bậc trung hay có mức thu nhập không khá giả, ngôi nhà của họ không có chỗ cho một bồn tắm truyền thống nên thường họ chỉ tắm bằng vòi hoa sen, hay như trong các khu kí túc xá sinh viên hay khu nhà tập thể kiểu cũ người ta thậm chí chỉ xây dựng nhà vệ sinh chung chứ không có công trình phụ riêng cho từng căn hộ, chính vì thế mà người Nhật đi ra ngoài tắm nước nóng ở các sento này rất thường xuyên, như thể là một hoạt động thường ngày của họ chứ không hề thấy phiền hà khi phải tắm ở bên ngoài chứ không phải ở nhà mình.
(nếu bài viết này đã được 1 JPM post thì gomen minna san :run:)
thong tin nhat ban

yUkj_nO_hAnA
15-01-2008, 12:46 PM
http://baodulich.com/phpthumb.php?gd=2&src=upload/news/_1135906939_.jpg&w=110Khỏa thân, đắm mình trong suối nước nóng ở Nhật Bản, bạn sẽ hòa vào thiên nhiên, tìm thấy sự tương giao của nội tâm và phong cảnh. Giữa thiên nhiên cân đối giao hoà, cả thân xác và tâm hồn con người được gột rửa, đi vào cõi riêng với cảm giác lâng lâng khó tả.

http://baodulich.com/upload/news/8(29).jpgSuối nước nóng và đất nước Nhật Bản có mối tương quan mật thiết với nhau, người Nhật xem suối nước nóng như là “quê hương tâm hồn” của mình. Vẻ đẹp của những con suối cũng đã được mô tả thật lãng mạn trong tác phẩm “Xứ tuyết” (đoạt giải Nobel Văn học năm 1968) và “Vũ nữ Izu” của văn hào Nhật Bản Kawabata Yasunari. Du khách sẽ tìm được cảm giác yên bình khi thả mình vào làn nước ấm trong khí trời mùa đông lạnh lẽo, như lời nhà văn đã từng miêu tả.

Ngâm mình trong nước cũng cần có phương pháp:

Đầu tiên là “lâm thuỷ”. Khi đã cởi bỏ hết y phục, bạn sẽ có một chút cảm giác khó chịu, nhưng bạn đừng do dự hay dừng lại, hãy khoác lên mình một chiếc khăn tắm đi đến hồ nước nóng, để khăn lại trên bờ và xuống nước. Động tác đầu tiên bạn cần nhớ trước khi xuống tắm là dùng nước nóng trong hồ xối nhẹ lên trên phần ngực và bụng. Động tác này có ý nghĩa rất quan trọng về phương diện y học.

Hồ nước nóng ở đây có nhiệt độ khá cao, khoảng 42oC (có khi lên đến 45oC) nên người chưa quen sẽ có cảm giác như bị bỏng. Vì vậy, tiếp xúc với nước thật chậm theo trình tự từ đầu ngón chân đến hông, ngực, vai là yêu cầu cần thiết để bảo đảm an toàn cho cơ thể. Một điều quan trọng nữa là không được để nước ngập quá vai vì như thế áp lực nước sẽ đè nặng lên phổi và tim. Đối với người có bệnh tim mạch và người cao huyết áp thì càng phải chú ý.

Thời gian tắm cũng tuỳ theo nhiệt độ của suối nước. Nếu ở khoảng 43oC-45oC thì thời gian tắm là 5-10 phút/lần. Nếu dưới 40oC thì 20-30 phút/lần.

Tắm trong hồ lần đầu tiên xong, du khách sẽ lên gội đầu và tắm lại toàn thân bằng xà phòng. Sau đó lại xuống hồ nước nóng ngâm mình một lần nữa theo cách thức tương tự để cơ thể ấm lên. Cuối cùng tắm lại sạch toàn thân một lần nữa. Như vậy là một buổi thư giãn onsen hoàn chỉnh, du khách rũ bỏ được những cảm giác nặng nề, thay vào đó là một tinh thần sảng khoái và một cơ thể khoẻ mạnh.

http://baodulich.com/upload/news/9(14).jpgMột số điểm du lịch suối nước nóng nổi tiếng ở Nhật:

Noboribetsu Onsen ở Hokkaido.

Kusatsu Onsen ở Gunma

Yuzawa Onsen ở Niigata

Hanamaki Onsen ở Iwate

Kinugawa Onsen ở Tochigi

Dogo Onsen ở Ehime

Nyuto Onsen ở Akita.

(*) Một liệu pháp ngâm mình trong nước nóng của Nhật Bản.

TTO

yUkj_nO_hAnA
15-01-2008, 12:51 PM
Nhật Bản là một trong những quốc gia có nhiều núi lửa nhất trên thế giới, và vì lẽ đó, Nhật Bản có rất nhiều suối nước nóng, tiếng Nhật gọi là onsen. Ở Nhật Bản khi nói “đi chơi xa”, người ta thường liên tưởng tới những khu nghỉ có suối nước nóng. Tới bất kỳ đại lý du lịch nào cũng thấy có rất nhiều quảng cảo về khu nghỉ suối nước nóng, và hiệu sách nào cũng có đầy những cuốn hướng dẫn về các onsen nổi tiếng. Trên truyền hình thường xuyên có các chương trình kéo dài với tựa đề như “chuyến du hành tới những suối nước nóng ít người biết tới”, hoặc “dạo chơi những vùng nước còn ẩn giấu”
Thói quen tắm suối nước nóng ra đời như thế nào và tại sao được người Nhật ưa thích đến vậy? Thời xưa, Nhật Bản là một nước nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa, và công việc nhà nông kết thúc với vụ gặt vào mùa thu. Lúa đã đưa về nhà thì người nông dân có thể nghỉ ngơi cho tới mùa xuân năm sau. Sau hơn 6 tháng lao động vất vả, một trong những cách để xua đi sự mệt nhọc là tìm đến các khu vực có suối nước nóng, mang theo đồ nấu ăn, và thư giãn trong làn nước ấm.
Sự phổ biến của thói quen tắm onsen được mô tả trong tài liệu lịch sử địa phương, gọi là fudoki. Fudoki của Izumo, nay là tỉnh Shimane, viết rằng, suối nước nóng Tama-tsukuri thu hút nhiều du khách vì ở đây “tắm một lần da dẻ mịn màng, tắm hai lần bệnh tật tiêu tan, hiệu quả rõ ràng từ thời ông cha”.
Tùy địa điểm của onsen mà trong nước có những khoáng chất khác nhau. Có những onsen rất nổi tiếng vì chữa được một số bệnh. Năm 1874, chính phủ Nhật bắt đầu tiến hành nghiên cứu hóa học đối với các suối nước nóng, và đến năm 1931, việc nghiên cứu trở nên có hệ thống. Sau Thế chiến 2, các bệnh viên suối nước nóng của nhà nước được thành lập và đi bất cứ nơi đâu trên toàn quốc cũng có thể được chữa bệnh bằng phương pháp này. Hiện tại, tắm onsen được sử dụng để chữa các bệnh như thấp khớp kinh niên, đau dây thần kinh, các bệnh về gan, túi mật, cao huyết áp, liệt nửa người, v,v… Ngoài ra cũng dùng để chữa trị các vết thương ngoài da và phục hồi chức năng sau khi phẫu thuật.
Ở Nhật Bản có đến hơn 20.000 suối nước nóng thiên nhiên. Nhưng theo Luật về suối nước nóng ban hành năm 1948, chỉ những nơi nào đáp ứng đủ những điều kiện nhất định về nhiệt độ và thành phần khoáng chất mới được coi là onsen. Chiểu theo luật này, tính đến năm 1990, toàn Nhật Bản có 2.300 onsen. Kể từ năm 1954, bộ y tế phúc lợi đã công nhận 64 suối nước nóng có khả năng chữa bệnh. Có thể kể tên một số onsen nổi tiếng nhất là Kusatsu ở tỉnh Gunma, các onsen ở khu vực quần dảo Izu ở tỉnh Shizuoka, Hakone ở tỉnh Kanagawa, Beppu ở tỉnh Oita. Nhiệt độ nước tại các onsen thường từ 40 đến 60oC, có nơi thậm chí nóng tới hơn 90oC, đủ để luộc trứng.
Suối nước nóng Dogo ở xứ Iyo (nay là tỉnh Ehime) được coi là suối nước nóng lâu đời nhất ở Nhật Bản. Tương truyền rằng, đây là nơi một số vị hoàng đế trong truyền thuyết và những hoàng đế trong thời kỳ đầu lịch sử thường đến tắm. Các nhà sư đã xây dựng onsen này thành nơi chữa bệnh, và tắm suối nước nóng còn là một phần trong lễ tẩy trần của Phật giáo.
Ở Nhật Bản, cách tắm suối nước nóng cũng là một yếu tố quan trọng nên có rất nhiều kiểu bồn và bể, tùy theo khu vực. Bồn hinoki làm bằng gỗ cây bách, bồn iwa buro làm bằng đá tảng và đá cuội, bồn awaburo sục nước từ đáy bồn. Bồn tắm ngoài trời roten buro có lẽ là loại hấp dẫn nhất. Người tắm ngâm mình vào nước nóng trong khi gió lạnh mơn man trên mặt. Xung quanh là thiên nhiên hữu tình và không có âm thanh nào khác ngoài tiếng nước chảy cùng tiếng gió vi vu, tạo cảm giác hòa mình với trời đất và hoàn toàn tách biệt với cuộc sống sôi động hàng ngày. Càng thú hơn nếu đi tắm onsen vào mùa đông để cảm nhận sự khoan khoái khi trầm mình trong nước nóng giữa không gian đầy tuyết trắng.
Onsen chủ yếu là để tắm nhưng ở một số nơi, sức nóng thoát ra được dùng để sưởi ấm các căn phòng, nấu ăn, ủ rượu sake hoặc làm miso. Có những suối nước nóng đạt nhiệt độ cao tới mức hiện nay được sử dụng làm nguồn năng lượng cho các trạm phát điện. Vào năm 1990, trên toàn Nhật Bản có 12 nhà máy địa nhiệt điện, sản xuất tổng cộng gần 270.000 KW. Tuy nhà nước khuyến khích nhưng địa nhiệt điện chiếm tỉ lệ tương đối thấp và bị hạn chế do mối lo ngại về môi trường và du lịch.
Trước kia, mọi người thường nghỉ tại các khu có suối nước nóng khoảng vài tuần, có khi vài tháng. Sau đó, các nông dân trở về nhà và lại bắt đầu công việc nhà nông từ mùa xuân. Ngày nay, hầu hết người Nhật làm việc trong các ngành sản xuất chế tạo, dịch vụ, v.v… nên bận bịu quanh năm và nói chung không thể đi nghỉ quá lâu. Tuy nhiên, tắm onsen vẫn là cái thú mà nhiều người muốn được thưởng thức mỗi khi có thể tranh thủ vài ngày rảnh rỗi
(theo toiyeunhatban)

taka
29-01-2008, 11:24 PM
bài của bạn khá đầy đủ nhưng nếu có nhìu hình ảnh hơn thì sẽ r ất hấp dẫn