PDA

View Full Version : Nakamura – gạch nối sống động Việt – Nhật



Kasumi
23-02-2008, 08:59 PM
Rất nhiều báo đài, trong đó có đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK, đã đề nghị được làm phóng sự về bà Nakamura, phu nhân nhà nông học Lương Định Của, nhưng bà đều từ chối


http://www.nld.com.vn/img/4237/13-chot-CIMG4404.jpg
Bà Nakamura (giữa, hàng đầu) trong một lần viếng lăng Bác Hồ. Ảnh: C.T.V

Được biết bà Nakamura không thích tiếp phóng viên, tôi đã rất hồi hộp tiếp cận bà trong một buổi giao lưu hữu nghị Việt-Nhật vào những ngày cuối năm Đinh Hợi, nhân dịp phái đoàn thành phố Hiroshima, Nhật Bản đến thăm TPHCM. Rồi cũng không dám xin phỏng vấn, tôi đề nghị gặp bà để nghe bà kể chuyện ngày xưa. May mắn đã mỉm cười với tôi khi bà đồng ý cho tôi địa chỉ.

Trai tài gặp gái sắc

Đúng hẹn, tôi đến ngôi nhà của cố tiến sĩ Lương Định Của nằm trong một khu vực yên tĩnh ở quận 1 - TPHCM. Máy ghi âm, bảng câu hỏi đã được chuẩn bị sẵn sàng. Bà cười bảo: “Tôi biết kể chuyện gì bây giờ”. “Thì bà cứ kể cho cháu nghe chuyện ngày xưa của bà với ông là được rồi” - tôi đáp. Thấy tôi định bật máy ghi âm, bà gạt đi: “Có gì đâu mà ghi. Nếu mà cô dùng cái này thì tôi sẽ không tiếp cô nữa đâu!”. Đành bỏ chiếc máy ghi âm sang một bên, nhưng tôi cũng không thể hướng bà theo những câu hỏi đã được chuẩn bị sẵn. Bà cứ kể chuyện gì bà muốn, còn tôi được dẫn dắt đi theo câu chuyện của bà...

Ông bà quen nhau khi ông sang Nhật Bản vào năm 1940 để theo học tại khoa sinh vật thực nghiệm Trường Đại học Kyushu, Kyoto - một trường đại học danh tiếng do các giáo sư hàng đầu của Nhật giảng dạy. Lúc đó bà làm trợ lý cho các giáo sư tại trường. Bà nhớ lại: “Trước đó tôi cứ hình dung người VN đen đủi và xấu xí lắm. Đến khi gặp ông ấy mới thấy hoàn toàn không phải vậy”. Trai tài gặp gái sắc, chàng sinh viên người Việt thông minh, đẹp trai đã bị chinh phục bởi vẻ đẹp đằm thắm của người con gái Nhật Bản. Rồi bà dẫn ông về ra mắt gia đình. “Mẹ tôi ngay lần đầu gặp đã thấy quý mến nhà tôi lắm. Hai người rất hợp nhau”. Một đám cưới đơn giản được tổ chức vào năm 1945 tại Kyoto. Khi đó ông 25 tuổi, còn bà bước vào tuổi 23. “Hồi đó cả hai đều nghèo. Chúng tôi định không tổ chức làm gì, nhưng vì nhà tôi là người nước ngoài nên buộc phải có những nghi lễ chính thức. Đó là một năm buồn đối với người Nhật vì thất bại trong thế chiến thứ 2, nhưng lại là năm vui cho gia đình tôi”- bà kể. Rất tự hào, bà kể tiếp: “Nhà tôi thông minh lắm. Tiếng Nhật khó như vậy mà học có một năm rưỡi là ông ấy nói được, thậm chí còn phiên dịch được về lĩnh vực nông nghiệp, trong khi người phiên dịch chuyên nghiệp còn thấy khó. ông ấy còn nói cả tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa, tiếng Nga. Còn tôi ở đây đã hơn 50 năm rồi mà nói tiếng Việt còn chưa giỏi”. Bà nói tiếng Việt lơ lớ, thỉnh thoảng lại xen vào vài từ tiếng Nhật khiến tôi phải cố gắng để hiểu ý bà.

Thoải mái hơn khi ở Việt Nam

Năm 1952, vợ chồng ông bà cùng hai con trai về VN sinh sống tại Sài Gòn. Hai năm sau đó, cả gia đình tập kết ra Bắc và sống những ngày khó khăn ở chiến khu. Nhưng tình yêu dành cho chồng và hai người con đã giúp bà vượt qua tất cả. Trong thời gian này, ông công tác tại Viện Khảo cứu Nông lâm Trường Đại học Nông nghiệp, còn bà làm việc ở Đài Tiếng nói VN, trong vai trò phát thanh viên, phóng viên và biên tập viên. Ba người con của họ tiếp tục ra đời vào các năm 1953, 1956, 1959. Tiến sĩ Lương Định Của qua đời đột ngột sau một cơn đau tim vào năm 1975. Một năm sau, bà Nakamura cùng 5 người con (ba trai, hai gái) trở lại miền Nam sinh sống.

“Nhiều người cứ hỏi tôi tại sao không ở Nhật Bản, một đất nước phát triển hàng đầu thế giới, mà lại chọn cuộc sống ở VN. Thực ra ở VN tôi cảm thấy thoải mái hơn”- bà Nakamura tâm sự. Bà bảo ở VN, gia đình bà được quan tâm, đối xử rất tốt, từ các vị lãnh đạo như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt... cho đến những đồng nghiệp, bạn bè. Không những thế, tên tuổi của anh hùng lao động Lương Định Của luôn có một ảnh hưởng lớn lao đối với gia đình bà. Bà liên tục nhận được những lời mời từ các cơ quan, tổ chức, trường học đến tham dự các sự kiện có liên quan đến ngành nông học hoặc mang tên ông. Bà nói: “Nhiều khi cũng thấy ngại lắm vì biết là mình chỉ đến với tư cách khách mời danh dự mà chẳng làm được điều gì thiết thực. Nhưng từ chối thì lại không tiện...”.


http://www.nld.com.vn/img/4237/13-cd-CIMG4407.jpg
Cố tiến sĩ Lương Định Của và bà Nakamura lúc còn trẻ. Ảnh: C.T.V

Một người Nhật trầm lặng

Là vợ của một nhà khoa học nổi tiếng VN và thế giới nhưng bà là thế, không thích ồn ào, không thích được chú ý, và nhất là không thích tiếp xúc báo chí. Bà luôn cho rằng mình có gì đặc biệt đâu để mà lên báo đài. Anh Thắng, con trai thứ tư của bà, kể rằng nhiều báo đài, trong đó có đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK, đã đề nghị được làm phóng sự về gia đình bà, nhưng bà từ chối.

Hiện đang sống với gia đình cô con gái thứ ba, bà Nakamura rất hài lòng khi thấy con cháu thành đạt, bản thân được mọi người kính trọng. Khi nào muốn, bà lại về Nhật Bản thăm mẹ, chị gái và người con gái út - người duy nhất trong 5 anh chị em sống tại Nhật và yêu thích ẩm thực Nhật. Bà kể, hồi còn sống ông không ăn được hải sản sống và bốn người con đầu của ông bà cũng vậy.

86 tuổi, người phụ nữ Nhật Bản ấy vẫn còn rất khỏe mạnh. Nhìn bà thoăn thoắt đi lên đi xuống cầu thang lấy hình cho tôi coi, lại còn cất tiếng hát khe khẽ, tôi hiểu rằng bà rất vui khi có dịp nhắc lại chuyện xưa, một quãng đời chung sống với ông tuy ngắn ngủi, gian khổ nhưng tràn đầy hạnh phúc. Bà chính là chứng nhân của một giai đoạn lịch sử, của mối tình son sắt Việt-Nhật.

Kim Vân
NLĐ