PDA

View Full Version : Viếng chùa Nhật Bản, nhớ về quê hương



Kasumi
23-02-2008, 09:01 PM
Trong ánh nắng xuân rực rỡ, tôi viếng chùa trên đất Nhật mà trong lòng rộn lên nỗi nhớ quê hương da diết với những hình ảnh từng dòng người, từng dòng người đang nô nức đi trẩy hội chùa Hương, chùa Yên Tử…


http://www.vovnews.vn/Upload/200802171506239672183_T.Jpg
Chùa Narita

Khác với Việt Nam, những ngôi chùa của Nhật Bản thường nằm trong những khuôn viên rộng lớn, có khi là trong công viên, trong một khu vườn hay nằm trên núi, tạo cho ta một cảm giác vừa trang nghiêm vừa thơ mộng. Chùa thường có kiến trúc hình vuông hai mái, ít khi được sơn son thiếp vàng sặc sỡ mà hầu hết đều giản dị trầm mặc màu nâu nguyên thủy của gỗ. Tượng Phật uy nghi được đặt ngay chính điện. Cũng có những ngôi chùa có kiến trúc rất đặc biệt. Chùa Sanzu Sangendo ở cố đô Kyoto, ngoài bức tượng Phật trên điện chính, còn trưng bày hàng nghìn bức tượng Phật nhỏ dọc theo hành lang ngôi chùa. Du khách và tín đồ vào viếng chùa rất trật tự, xếp hàng đi lặng lẽ. Trước khi vào chùa, mỗi người lần lượt cầm một chiếc gáo nhỏ cán dài, lấy nguồn nước tinh khiết từ bể đá trong sân chùa để rửa tay, rửa mặt, vốc lên miệng một ngụm nước nhỏ với ý nghĩa gột rửa tâm hồn cho thanh khiết trước khi vào cửa Phật. Sau khi dâng hương ngoài cửa, họ tung những đồng xu vào hòm công đức rồi đứng trước khói hương, huơ tay để hương quện lên mặt, vào người cầu mong đẩy lùi được tai ương, dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và làm ăn thuận buồm xuôi gió.

Những người hành hương luôn thăm gian chính điện trước tiên, bao giờ cũng vậy, họ cởi dép guốc tiến tới trước bức tượng Phật, vái một lễ, vỗ tay thành tiếng hai lần, vái tiếp hai lễ, sau đó đứng trang nghiêm và thầm khấn trong đầu những ước nguyện của bản thân. Viếng chùa vào dịp xuân mới, người Nhật cũng thường gieo quẻ xem tướng số trong năm. Họ đút đồng xu vào những chiếc hộp gỗ xinh xắn rồi chọn quẻ lá số được ghi bằng chữ Hán dưới dạng thơ hay văn vần thú vị. Sau khi đọc xong, lá số được gấp thành hình hoa, đính lên cành cây trước cửa chùa gửi gắm số mệnh cho Đức Phật chở che. Cuối cùng khi rời cửa Phật, một lần nữa họ lại ghé tới bể nước tắm cho bức tượng Phật đặt ngay gần đó với mong muốn rửa sạch những tội lỗi thường ngày và phòng tránh được bệnh tật.

Lần đầu tiên nhìn thấy những nghi lễ lạ lẫm này, tôi vô cùng ngạc nhiên, nhưng rồi nhìn vào mắt họ tôi thấy ẩn sâu trong đó là những tâm hồn, tính cách bình dị, kín đáo luôn nguyện cầu cho một thế giới bình yên, thanh tịnh.

Vào ngày lập xuân, tại Nhật Bản cũng có rất nhiều lễ hội như lễ hội Kỷ nguyên cầu hoà bình thịnh vượng cho đất nước, lễ hội nghênh xuân cầu mùa màng bội thu, lễ hội thư pháp, lễ hội Hinamatsuri dành cho các bé gái…

Ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch, với nỗi nhớ phong tục truyền thống quê hương, tôi cũng theo chân một số Phật tử tới viếng chùa Narita- một ngôi chùa nổi tiếng của Nhật Bản nằm cách Thủ đô Tokyo 70 km….

Trước sân chùa Narita, tôi có dịp làm quen với chị Date- Masayo, Phật tử thường xuyên lễ chùa. Chị kể rằng gia đình chị có truyền thống tôn thờ đạo Phật. Cha chị là một trong những vị chủ trì tại đền Minh Trị ở trung tâm thủ đô Tokyo trong suốt 30 năm. Vào những ngày đầu xuân mới này, chị đã đi viếng rất nhiều đền chùa xung quanh thủ đô Tokyo. Chị còn cùng đoàn hành hương của những tín đồ thờ đức Phật Fudo tới tận chùa Long Quang nằm trên núi Sơn Vương thuộc đảo Kyu-syu phía cực nam của Nhật Bản. Chị mong muốn sẽ có dịp hành hương tới những ngôi chùa ở Việt Nam.

Chị Masayo nói đúng, vào thời điểm xuân sang- khi cảnh trời và lòng người trong sáng, ấm áp là thời điểm tốt đẹp nhất để cầu nguyện cho bản thân, gia đình, cộng đồng những ước muốn trong năm. Đó là nét đẹp văn hoá chung của Việt Nam, Nhật Bản và nhiều quốc gia châu Á khác… Ngày hôm nay, trong ánh nắng xuân rực rỡ, tôi viếng chùa trên đất Nhật mà trong lòng rộn lên nỗi nhớ quê hương da diết với những hình ảnh từng dòng người, từng dòng người đang nô nức đi trẩy hội chùa Hương, chùa Yên Tử rồi là hội đền Hùng- những lễ hội không chỉ mang ý nghĩa về tâm linh mà còn tràn đầy nét văn hoá sâu đậm, đặc sắc của người Việt Nam… Thiết nghĩ mỗi dân tộc đều có một nét văn hóa, một thế giới tâm linh riêng không thể trộn lẫn, nhưng tất cả họ đều tìm đến sự hòa hợp thanh tĩnh của tâm hồn giữa bộn bề cuộc sống.

Nguyễn Thu Hà từ Tokyo
VOV

fri_13th
23-02-2008, 09:42 PM
đang có bộ ảnh đợt đi viếng chùa Kawasaki dashi -ngôi chùa lớn thứ 2 nhật bản hồi đầu năm mà ngại up wa.bà con chờ ....1 ngày ko xa nhá . :))