PDA

View Full Version : Giàu mà vẫn thiếu



Kasumi
06-03-2008, 11:35 PM
Nhật Bản - quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nhưng lại không sản xuất đủ thực phẩm cho người dân là một sự thật đáng ngạc nhiên. Chỉ sản xuất được 39% lượng thực phẩm cần thiết, xếp thứ 124 thế giới về an ninh lương thực, quốc gia này đang chứng minh mặt trái của sự phát triển kinh tế.

Kinh tế phát triển cũng là lúc nhiều nông dân đua nhau bán đất canh tác cho các nhà phát triển địa ốc.

Khu nhà chọc trời ở khu Shinjuku - Tokyo có giá bất động sản cao nhất thế giới. Nông dân không có đất để sản xuất, đất ở bất cứ nơi nào cũng vô cùng đắt. Dân số Nhật Bản hiện nay là 128 triệu người nhưng phần lớn lại tập trung ở các thành phố lớn như Tokyo chứ không làm nghề nông như trước đây.

Lực lượng sản xuất lương thực, thực phẩm ngày càng giảm lại chịu áp lực nặng nề bởi tình trạng dân số lão hóa, theo tính toán năm 1990, cứ 6 người Nhật ở tuổi lao động nuôi một người già thì đến 2025, tỷ lệ này sẽ là 2 trên 1 do đó Nhật Bản buộc phải chấp nhận nhập khẩu 61% lượng lương thực thực phẩm cần thiết.

Một trong những lý do khiến nước Nhật thiếu thực phẩm nữa là vì người Nhật thay đổi khẩu vị ăn uống. Trước kia đồ ăn của họ đơn giản vô cùng, chỉ có cá và cơm. Đến nay người Nhật ăn nhiều đồ ăn tây, giàu mỡ, đạm và chủ yếu chỉ được nhập khẩu.

Để khắc phục tình trạng trên, chính phủ Nhật Bản đang cố gắng khuyến khích người dân mua bán, sử dụng các mặt hàng sản xuất ở Nhật và quay lại với thực phẩm truyền thống.

Tuy nhiên, thực tế rất khó để điều đó được thực hiện vì người tiêu dùng Nhật Bản ngày càng khó tính. Trong khi đó, sản lượng gạo, khoai tây và rau quả sản xuất trong nước chỉ vừa đủ tiêu thụ. Lúa mỳ, ngũ cốc, thức ăn cho vật nuôi hoàn toàn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Lượng cá thịt sản xuất trong nước cũng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu của người dân.

Minh Nguyên
NhanDan