PDA

View Full Version : Nước Nhật cool



Kasumi
08-03-2008, 09:39 PM
Sau khi đã “mua cả thế giới”, đã “nhận chìm” cả hành tinh bằng những sản phẩm công nghiệp (xe hơi, đồ điện tử...), giờ đây nước Nhật lại bắt đầu cuộc chinh phục thứ hai bằng cách xuất khẩu những sản phẩm văn hóa được giới trẻ phương Tây cho là rất “cool” (tuyệt! Hết ý!) Và “nước Nhật cool” đang muốn gì?


http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=248289
Hello Kitty trong ngày lễ tạ ơn tại New York 22-11-2007

“Hiện tượng Nhật Bản” tập 2 này lần đầu tiên được Douglas McGray, một người Mỹ, đề cập. Trong một bài viết đăng trên tờ Foreign Policy (Chính sách ngoại giao) năm 2002, ông ta đã lưu ý: mặc dù trải qua một thập niên suy thoái kinh tế nhưng “trong những năm 1990, nước Nhật đã trở thành một cường quốc văn hóa khi xuất khẩu những truyện tranh manga, trò chơi video và hoạt hình của họ ra khắp thế giới”.

Những “biểu tượng văn hóa đại chúng” này giờ đây đã đi vào cuộc sống thường ngày của giới trẻ khắp thế giới.

Cơn sốt Nhật Bản

Ở Mỹ, thị trường hoạt hình Nhật Bản tạo ra khoảng 4,35 tỉ USD, còn truyện hoạt hình chiếm 50% các chương trình dành cho thiếu nhi được phát trên các kênh truyền hình Mỹ. Tương tự như ở Pháp, thị trường trò chơi video đã lên đến 1,9 tỉ euro vào năm 2006. Như nhà nghiên cứu Nhật Bản Ichiya Nakamura nhấn mạnh nếu như “những năm 1990 bị thống trị bởi văn hóa Mỹ thì giờ đây châu Á nói chung và nước Nhật nói riêng lại đang thu hút toàn thế giới”.

Những bộ phim châu Á lấy đề tài Nhật Bản đang gia tăng như phim The last Samourai của Edward Zwick năm 2004, Kill Bill (2003) của Quentin Tarantino rất đậm nét văn hóa manga, hay năm 2006 là bộ phim Memoirs of a geisha (Hồi ức của một kiều nữ) của Rob Marshall.

Trong lĩnh vực điện ảnh, Nhật cũng đã giành chiến thắng nhờ những bộ phim hoạt hình được thừa nhận rộng rãi trên thế giới. Le voyage de Chihiro (Chuyến du hành của Chihiro) của đạo diễn nổi tiếng Hayao Miyazaki đã được trao giải Gấu vàng tại Berlin năm 2002, lần đầu tiên trong lịch sử của “nước Nhật hoạt hình”. Ba năm sau, Miyazaki còn được trao giải Sư tử vàng tại Venise cho 30 năm sáng tạo nghệ thuật của ông.

Ở Pháp, cơn sốt Nhật Bản diễn ra chủ yếu ở hai thị trường: ẩm thực và truyện tranh manga. Nhưng chính cái thế giới của những truyện tranh manga mới làm người Pháp say mê bởi nước Pháp được xem là thị trường đứng hàng thứ hai, chỉ sau Nhật Bản và Mỹ trong lĩnh vực này (xét về mức độ thâm nhập và số lượng). Được ước tính vào khoảng 76,9 triệu euro năm 2006, thị trường này lại đang tăng trưởng mạnh (+20,3%) với số lượng bán ra tăng 21,8% năm 2006, đạt mức 11 triệu đơn vị sản phẩm bán ra.

Quán cà phê manga đầu tiên cũng đã xuất hiện ở Pháp vào tháng bảy vừa qua. Ở đây, khách có thể đọc tự do hơn 8.000 truyện manga với giá cả thật “bèo”: chỉ 3-4 euro/giờ, còn thức uống thì tùy thích và miễn phí. Do ham thích truyện tranh manga, Vicent, 30 tuổi, đã có mặt tại quán cà phê manga đều đặn 4-5 lần/tuần và chi tiêu cho quán này 200-400 euro/tháng. Tự coi mình là một otaku (một fan của truyện tranh manga và truyện hoạt hình...), anh thấy đây là “một không gian thỏa thích tự do”. Vicent không phải là một trường hợp cá biệt bởi có đến 75.000 Vicent như thế đã đến tham quan Japan Expo, một salon chuyên nghiệp dành riêng cho thế giới manga, tranh hoạt hình và trò chơi video vào tháng 7-2007 tại Nhật.

Tại sao “sốt”?


http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=248290
Tòa lâu đài trên trời, một bộ phim hoạt hình của Hayao Miyazaki

Theo Jonathan Landfriend, 28 tuổi, một diễn giả chuyên về truyện tranh manga, sức thu hút của các BD (băng hoạt hình) Nhật Bản đối với công chúng phương Tây là do nhiều yếu tố.

Thứ nhất do “tính hiện thực của manga” khi nó vẽ lên cái xã hội có mặt bạo lực, huyễn hoặc, siêu thực, ở đó mẫu người siêu nhân không tồn tại. “Những nhân vật của manga chỉ là những con người bình thường và thường là những con người thất bại”.

Yếu tố khác: “Giá bán lại thấp hơn giá của một BD truyền thống nhờ chi phí sản xuất thấp do các truyện tranh manga được in bằng loại giấy tái sinh”. Cuối cùng là “tranh vẽ trong các truyện manga động và ít tính qui ước hơn so với tranh hoạt hình của Pháp - Bỉ, có nhiều hành động hơn. Đọc một truyện tranh manga giống như xem một bộ phim”.

Một khác biệt nữa với BD của phương Tây là “nội dung câu chuyện diễn ra tự do. Nó diễn tiến theo sự đưa đẩy của câu chuyện. Các tác giả viết truyện tranh manga không bao giờ biết trước kết thúc của câu chuyện như thế nào”.

“Hiệu ứng boomerang”

Nhà báo Pháp Anne Garrigue, một chuyên gia về châu Á, từng sống tại Nhật Bản, Hàn Quốc và hiện đang sống tại Trung Quốc. Trong cuốn sách L'Asie en nous (Châu Á ở nơi chúng ta) xuất bản năm 2004, ông cho rằng sự thành công của những sáng tạo này của Nhật Bản là do “tính chất cực kỳ hiện đại và phong phú của nó. Chúng độc nhất vô nhị trên thế giới”.

Cũng trong cuốn sách này, Anne Garrigue viết: “Người Nhật cực giỏi trong hấp thụ văn hóa của nước khác, tiêu hóa, rồi chuyển hóa nó thành một sản phẩm lai rất độc đáo”. Sự lai hóa này được các chuyên gia tiếp thị gọi là “hiệu ứng boomerang”, nghĩa là lấy cảm hứng từ nước ngoài (thường là từ phương Tây) để tạo ra một sản phẩm riêng của mình mang nhãn hiệu “made in Japan”, để cuối cùng bán ngược lại cho... nước ngoài!

Một thí dụ điển hình cho cách thức “lai hóa” này của người Nhật là việc họ tạo nên chú mèo nhỏ Hello Kitty màu hồng và trắng, không có miệng, biểu tượng cho tính chất kawaii Nhật Bản (xinh xinh, nhỏ nhắn, dễ thương) do Hãng Sanrio chế tạo năm 1974. Hello Kitty đã đem về cho nước Nhật 700 triệu euro.

Được coi là một sản phẩm “made in Japan” nhưng thật ra nguyên mẫu của Hello Kitty là một chú mèo Anh sống ở ngoại ô London cùng người chị song sinh của nó. Bởi thế, như Douglas McGreay, trong bài viết mang tựa đề Japan's gross national cool (Tổng sản lượng quốc gia cool của Nhật Bản) đã viết rằng cái “made in Japan” đã nhường chỗ cho cái “made of Japan” khi nó mang những giá trị của một nước Nhật ở thời kỳ mà người ta gọi là “Japan cool”.

Bằng chứng là sự thành công toàn cầu của Pokémon, những con quái vật nhỏ bé sinh ra từ một trò chơi video. Những cuộc phiêu lưu của Pokémon đã được phát trên truyền hình của 68 quốc gia, được chiếu tại 45 quốc gia, được dịch ra 25 ngôn ngữ, và nó đã đem về cho nước Nhật 1.000 tỉ yen (tương đương 61 tỉ euro) và hơn gấp đôi tại nước ngoài.

“Công nghiệp nội dung”

Tại châu Âu, Mỹ và cả châu Á, truyện hoạt hình, truyện tranh manga, trò chơi video... đã trở thành những đại sứ của nước Nhật. Chúng đang tạo thành một chiến lược trong chính sách kinh tế của Chính phủ Nhật đang muốn dựa trên “quyền lực mềm” này để mở rộng ảnh hưởng của mình ra nước ngoài.

Tsutomu Sugiura, giám đốc Viện Nghiên cứu Marubeni, nhấn mạnh: chủ nghĩa Nhật Bản của thế kỷ 19 cổ vũ cho sự phát triển của văn hóa truyền thống (như kịch kabuki, kịch nô, nghệ thuật cắm hoa ikebana, zen, võ thuật...) đã nhường chỗ cho “nước Nhật cool” của thế kỷ 21 với thứ văn hóa đại chúng dựa trên truyện manga và tranh hoạt hình.

Thật vậy, Chính phủ Nhật đã xây dựng hẳn một chiến lược kinh tế dựa trên sự sáng tạo nội dung và phát triển tài sản trí tuệ. Theo một báo cáo của MITI (Bộ Kinh tế - thương mại và công nghiệp Nhật Bản), “công nghiệp nội dung” này được xác định như một ngành “công nghiệp dẫn đầu”, đã tạo nên ngay trong lòng nước Nhật năm 2005 một thị trường khổng lồ ước tính khoảng 13.700 tỉ yen (tương đương 84 tỉ euro), trong đó 5.879 tỉ yen thuộc khu vực xuất bản sách và báo chí, 4.833 tỉ thuộc lĩnh vực hình ảnh (DVD, truyền hình) và 1.914 tỉ thuộc lĩnh vực trò chơi video.

Năm 2007, MITI đã tổ chức festival quốc tế về công nghiệp nội dung (CoFesta) với tham vọng đạt được 17.000 tỉ yen (105 tỉ euro) vào năm 2010 nhờ phát triển những kỹ thuật băng thông rộng trên Internet, điện ảnh kỹ thuật số và TIC (các công nghệ thông tin và truyền thông).

Một câu hỏi đang được đặt ra ở các nước: “Japan cool” chỉ là một trào lưu mang tính thời thượng hay là một cơn sóng ngầm? Không ai có thể tiên đoán nổi điều này, nhưng các chuyên gia đều thống nhất cho rằng làn sóng này cùng với sự hồi phục kinh tế của Nhật Bản và sự thức tỉnh của châu Á, chắn chắn sẽ không dừng lại quá sớm.



http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=248291

“Phải mất gần 50 năm để kẻ bại trận năm 1945 trở thành một cường quốc tài chính số 1 thế giới, và là cường quốc công nghiệp đứng hàng thứ hai của hành tinh. Sự phát triển kinh tế vượt bậc của đất nước mặt trời mọc đã làm đảo lộn các bản đồ địa - chính trị thế giới.

Bằng sự hi sinh quên mình, bằng lao động cật lực cũng như sự kiên trì và tài năng sáng tạo, nước Nhật đã tích lũy những nguồn tài sản khổng lồ để giờ đây đang tung ra mở rộng ảnh hưởng của mình khắp thế giới: đầu tư trực tiếp, các xí nghiệp phi địa phương hóa, kiểm soát các xí nghiệp nước ngoài, kinh doanh bất động sản, mua lâu đài và các bức danh họa... Từng bước, nước Nhật đang mua cả thế giới. Tham vọng của nó sẽ còn đi đến đâu?”.

(Trích trong Nước Nhật mua cả thế giới, phát hành tháng 4-1991 của tác giả - nhà báo Pháp Pierre Antoine - Donnet)

TRUNG NGUYỄN (Theo La Revue)
TTO