PDA

View Full Version : Nguyên tính "thời sự" trong sách Fukuzawa



Kasumi
11-03-2008, 08:44 PM
Hình ảnh của Fukuzawa Yukichi (1835-1901) xuất hiện trên tờ tiền có mệnh giá cao nhất ở Nhật - mười ngàn yen. Tinh thần, tư tưởng của Fukuzawa lại có một thứ “mệnh giá” vô cùng vĩ đại khác, không chỉ với đất nước và thời đại ông ta sống…


http://sgtt.com.vn/HTMG/2008/0309/31239/02.jpg

Nước Nhật thời Fukuzawa vừa bước ra khỏi những tường thành hàng trăm năm của các triều phong kiến bưng bít, thiết chế xã hội tự mưng mủ, bức bối bên trong; bế quan toả cảng với thế giới bên ngoài. Một xã hội mà ở đó thân phận con người bị “quy định bởi thân phận đẳng cấp trên dưới, sang hèn”. Công cuộc Minh Trị Duy Tân đặt ra một vấn đề: nước Nhật, người Nhật sẽ mở cửa như thế nào trước thế giới?

Fukuzawa chỉ ra: làm người trong một nước chưa đủ, mà cần phải làm quốc dân một nước độc lập. “Cá nhân có độc lập thì gia đình mới độc lập. Và như thế quốc gia cũng độc lập”.

Fukuzawa nhiều lần kịch liệt chống lại Nho giáo của Khổng Tử ở nhiều khía cạnh làm nên sự trì trệ trong nhận thức xã hội. Tinh thần “thoát Á” mạnh mẽ đến nỗi, chính ông yêu cầu người Nhật phải bỏ lối học từ chương, sách vở, bỏ tư duy học để làm quan, danh lợi đề huề, trí thức phải biết nhục khi ôm khư khư cái tủ kiến thức suông, vô cảm trước những vấn đề xã hội, kể cả lứa Tây học mới nhưng lại hay bi quan yếm thế, buồn chán thế sự, lớp doanh nhân vừa vọng ngoại vừa run rẩy trước những cái bắt tay với các đối tác nước ngoài. Ông đề nghị một lối thực học. Bởi lẽ:

“Với lối học như hiện nay, chỉ tăng thêm sự lo lắng trong các bậc phụ huynh, nhà nông… những người hết lòng chăm lo việc học tập của con cái: chúng nó cứ học theo kiểu này, chắc có ngày tán gia bại sản mất!” Điều đó là đúng. Vì lối học này không thực tế, không thể áp dụng kết quả học tập vào thực tiễn cuộc sống”. Ông mong muốn thế hệ học sinh sinh viên Nhật không chỉ đọc hiểu lịch sử, văn hoá địa lý mà phải chú trọng kinh tế, đạo đức, vật lý và nhất là phải đọc các sách châu Âu được dịch qua tiếng Nhật và tốt nhất là nên đọc các sách tri thức nguyên bản tiếng Anh, Pháp, Đức… để tự tin bình đẳng tư thế với người ngoại quốc.

Một điều rất quan trọng mà Fukuzawa đề cập đó là: phải xây dựng mối quan hệ hoàn toàn bình đẳng giữa chính quyền với quốc dân. Ông chỉ ra cái sai trong quan niệm truyền thống: “Dân thì phải tuân theo sự cai trị, còn cai trị thế nào thì dân không cần biết”, “nhà nước là cha mẹ dân”. Ông chống lại tình trạng áp đặt thao túng quyền lực của nhà nước trên dân về mọi mặt: kinh tế, quân sự, chống lại tình trạng “dựa vào đẳng cấp địa vị để ra lệnh độc đoán, áp chế, mà không cần biết dân chúng nghĩ gì”. Và người dân chỉ coi mảnh đất mình đang sống là cái chốn trọ để sống qua ngày thì làm sao họ có thể độc lập tư duy hay thiết tha với vận mệnh chấn hưng đất nước?

Những trí thức tham gia chính quyền thì leo trèo, u mê với bổng lộc, chỗ ngồi, giới trí thức và báo chí thì ít dám phản biện chính phủ.

Theo ông, hiện thực ấy cho thấy khí chất trong dân đang dần bị xói mòn, một dạng “hình thái văn minh đang tiến lên, nhưng phần hồn của văn minh đang ngày càng suy giảm”.


http://sgtt.com.vn/HTMG/2008/0309/31239/01.jpg

“Có một cách để đạt tới chân lý là phải vượt qua được cuộc phản biện, phải bảo vệ được chính kiến của mình trước mọi ý kiến đối nghịch”. Phản biện không chỉ là thái độ ứng xử cần thiết với tình trạng chính phủ, xã hội mà còn với cả những giá trị tiếp thu bên ngoài vào, tránh tình trạng ngày xưa bắt chước Trung Hoa, ngày nay bắt chước một cách mù quáng vào phương Tây.

Sự độc lập của quốc dân gắn với sự độc lập tự cường của một quốc gia và sự thịnh vượng chung của thế giới. Đó phải thực sự là sự độc lập toàn diện về vật chất và tinh thần. Từ lúc đó, Fukuzawa nhìn ra việc không nên để chính phủ “chăm sóc” và điều hành triệt để nền kinh tế mà phải khuyến khích khu vực tư nhân phát triển, xây dựng tầng lớp trí thức trung lưu đô thị độc lập và có tiếng nói cải tạo xã hội.

Khuyến học là cuốn sách nổi tiếng, quan trọng trong loạt 14 cuốn sách của Fukuzawa Yukichi viết trong thời gian từ năm 1872 đến 1899, có tính tiên phong trong dòng tư tưởng Minh Trị Duy Tân ở Nhật. Tư tưởng của Fukuzawa có ảnh hưởng rất lớn đến phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục vào đầu thế kỷ trước tại Việt Nam. Và chắc chắn ngày nay đọc Khuyến học, bạn đọc Việt Nam sẽ thấy những bài học về tinh thần độc lập, tự cường của người Nhật cách đây hơn 100 năm vẫn đầy “tính thời sự” cần thiết!

Không biết nên vui hay nên buồn bởi những liên tưởng thời sự khi đọc cuốn sách này. Đây là cuốn cẩm nang giáo khoa nhất thiết phải đọc đối với mọi người ở những quốc gia trong các giai đoạn bước chuyển mình, mở cửa ra với thế giới!

Nguyễn Vĩnh Nguyên
sgtt

Ren Shuyamaru
11-03-2008, 09:37 PM
Cuốn "Phúc ông tự truyện" thì có rùi, còn cuốn "Khuyến học" lùng mãi mà chưa mua được, ai ở HN có thì share cho Shuya với :(