PDA

View Full Version : Bí quyết của "cha đẻ” mèo Kitty



Kasumi
17-03-2008, 01:36 PM
Mèo Kitty năm nay đã bước sang tuổi 34. Dù không còn “trẻ trung” gì, các sản phẩm mang hình mèo vẫn đem về 44,3 tỉ yen (430 triệu USD) tính từ tháng 3 đến tháng 9-2007, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.


http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=248394
“Ông dễ thương” và những “đứa con” của mình

“Hello Kitty” thành công vì cô mèo có vẻ mặt trong sáng dễ thương biểu trưng cho một nền văn hóa mà “cha đẻ” của nó, ông Shintaro Tsuji, đã dành nửa thế kỷ để quảng bá, thậm chí xuất khẩu ra ngoài nước Nhật: văn hóa nuôi dưỡng và gìn giữ tình bạn thông qua việc tặng quà.

“Bí quyết” mà Shintaro Tsuji muốn chia sẻ là “người ta ai cũng muốn nhìn vào những gì ấm áp, dễ thương, trang nhã hay độc chiêu”. Ngoài Kitty, công ty Sanrio của ông đã tạo ra tổng cộng 450 sản phẩm mang hình nhân vật, trong đó có năm “nhân vật” tồn tại nhưng cô mèo được ưa chuộng hơn cả. Báo chí Nhật gọi Tsuji là “ông dễ thương”, còn văn hóa thông qua mèo Kitty được đặt là “văn hóa dễ thương”.

Một người đàn ông mạnh mẽ như Shintaro Tsuji lại trở thành chủ nhân của những “nhân vật” xinh xắn quả là chuyện lạ kỳ. Tsuji sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng lại thiếu thốn tình cảm vì mất cha mẹ từ năm lên 13 tuổi. Những người bà con lãnh nhiệm vụ trông nom ông nhưng họ đã làm việc đó khiên cưỡng và thô bạo.

Để có thể đến gần mọi người, cậu thiếu niên vốn giàu tình cảm suy nghĩ: “Hay mình tặng quà cho mọi người (để thể hiện tình cảm)?”. Cậu nhớ lại ngày còn học mẫu giáo ở một ngôi trường dành cho con em người nước ngoài. Người Nhật không có tập quán tổ chức và tặng quà sinh nhật nhưng giáo viên trường ấy lại mừng ngày sinh và tặng quà cho từng học sinh trong lớp. Trước khi trân trọng tặng quà cho những người bà con, cậu lại nhớ đến tâm trạng vui vẻ khi đón nhận những gói quà ngày xưa. Ngày nay khi tuổi đã cao, Shintaro Tsuji mạnh dạn khẳng định đã luôn luôn đưa triết lý về “sự giao tiếp” vào công việc kinh doanh.

Shintaro Tsuji làm công chức trong 11 năm nhưng ông không cảm thấy vui và sẵn sàng bỏ việc cho dù còn thêm sáu năm mới đủ chuẩn lĩnh lương hưu. Lăn xả vào kinh doanh với nhiều loại hình khác nhau, cuối cùng ông và vài người bạn trụ lại ở công việc bán tách, đĩa... in hình minh họa của một số họa sĩ. Sản phẩm thử nghiệm đầu tiên là hình những trái dâu tươi mọng, in trên quần áo, bát đĩa... được chào đón nồng nhiệt. Người Nhật bắt đầu tập trao quà cho nhau bằng những món đồ xinh xắn. Vào khoảng năm 1972, Công ty Sanrio tuyển dụng 20 nhà thiết kế và cho khảo sát con thú nào được yêu thích nhất. Dựa vào kết quả thăm dò “chó, mèo và gấu”, các nhà thiết kế đã tạo ra thỏ Honey, mèo Kitty và gấu Koro. Trong bộ ba này, Kitty vượt lên, nổi bật.

Ngoài giờ quản lý công ty, chủ tịch Shintaro Tsuji chìm đắm trong thế giới văn học. Tsuji là tác giả của nhiều truyện thiếu nhi đã được Sanrio chuyển thể thành phim hoạt hình như Hành trình đến xứ Tiên, Hoàng tử Biển và Đứa bé lửa... Trong quyển mới nhất tựa Những chuyện thần tiên của Biển cả ra mắt năm 1996, ông kể về một cậu bé sau cái chết của người mẹ yêu dấu đã tái hợp cùng bà nhờ một con rùa biển dẫn đường.

Khi được hỏi “bí mật của một tình bạn thật sự”, “ông dễ thương” chia sẻ bí quyết “dễ thương” của mình: “Quan hệ giữa con người với nhau rất khó khăn. Chìa khóa là phải biết kiên nhẫn và hi sinh. Để có thể sống yên lành, bạn phải chịu khó. Tôi may mắn vì tôi có thể viết để thải stress ra ngoài. Nếu bạn có một nỗi đam mê nào như vậy, điều đó rất hữu ích”.

THỦY TÙNG
TOL