PDA

View Full Version : [Giới thiệu] All about Japanese food



Acmagiro
26-04-2008, 11:17 AM
Ở Việt Nam thì ẩm thực Nhật Bản không được nhiều người biết đến, ngoại trừ những món quá quen thuộc như Sushi và Tempura. Nhưng sự nổi tiếng này không hẳn là bắt nguồn từ sự thận thuộc đối với người Việt mà là một ảnh hưởng từ phía phương Tây. Không riêng gì ẩm thực nói riêng mà toàn bộ nền văn hóa Nhật Bản nói chung đều rất xa lạ với người Việt, nhưng lại không xa lạ với người phương Tây và người Việt biết được Nhật Bản qua ngã phương Tây đó. Trong mấy thập kỷ gần đây thì món ăn Nhật đã bắt đầu có được chỗ đứng vững chắc giữa lòng các nước phương Tây.

Phải thừa nhận rằng ẩm thực Nhật Bản không hợp với số đông, vì nó không chuộng những vị đậm, béo ngậy dễ làm mê lòng người như ẩm thực Trung Hoa hay Pháp quốc. Không dùng nhiều gia vị, cốt thưởng thức cái "tươi sống", tức là cái chất nguyên thủy của thực phẩm chưa qua biến đổi là một đặc trưng của ẩm thực Nhật Bản. Vì vậy nhiều người cảm thấy không quen, lạc miệng và khó ăn. Nhiều người Việt cho rằng món ăn Nhật giống như món ăn kiêng của người bệnh, vì nó không có mùi vị gì đặc biệt hoặc lạ thường để kích thích vị giác của họ. Đúng như vậy, tránh kính thích quá mạnh cũng là một đặc điểm của phong cách ăn uống Nhật. Người Nhật không thích vị cay, không chuộng những vị quá mức như quá ngọt hoặc quá mặn. Đối với người Việt thì có thể món này là vừa miệng nhưng đối với người Nhật nó vượt quá ngưỡng cho phép của họ. Do vậy người Nhật rất chú trọng đến sự tinh tế của mùi vị, chỉ cần sai biệt một tí chút cũng đủ để họ cảm nhận được.
Người ta thường mô tả món ăn Nhật là những thứ nhạt nhẽo khó vừa miệng, nhưng người nào đã vượt qua được cửa ải này thì cũng đều say mê nó hết. Một điểm khó nữa trong cách ăn uống của người Nhật là thường ăn những thứ đồ lên men. Người Tây phương thường than phiền rằng họ không hiểu tại sao người Nhật lại có thể bình thản mà ăn những thứ mốc meo được như thế. Vâng, đúng là trong ẩm thực Nhật có rất nhiều món lên men, như Nattou, một số loại đậu phụ, rau cải muối,.... và chúng chiếm một vị trí rất quan trọng trong bữa ăn hàng ngày. Nhưng nếu xét kỹ thì tất cả chúng ta đều ăn đồ thối, bất cứ dân tộc nào cũng có những món lên men, khó ngửi đối với dân tộc khác. Đối với người Việt thì đó là các loại mắm, đối với người Tây phương là những món làm từ sữa lên men, như phó mát chẳng hạn. Nên chúng ta cần phải có cái nhìn rộng rãi hơn về mặt này. Ăn thử một món ăn của nước bạn cũng là hình thức bày tỏ sự kính trọng, hữu hảo của mình đối với một văn hóa lạ.

http://www.news-package.com/t/wanosiki/0608/607252204.jpg

Nhưng dù có vừa miệng hay không thì bất cứ ai cũng đều thừa nhận một số đặc điểm của ẩm thực Nhật. Đầu tiên là "ăn bằng mắt". Nhật là một dân tộc có yêu cầu thẩm mỹ cao nên đến món ăn cũng không dừng lại ở ngon miệng, no bụng mà còn phải đẹp nữa. Món ăn khi dọn ra thường được sắp xếp rất hài hòa và đẹp mắt. Nếu ai đã từng tiếp xúc với món ăn Nhật thì đều có thể dễ dàng hiểu được điều này và thừa nhận rằng về hình thức thì món ăn Nhật xứng đáng dẫn đầu trong làng ẩm thực Thế giới. Nét đẹp của nó không bắt nguồn từ sự phồn thịnh, đầy đủ, rượu thịt ê hề như ở phương Tây mà là từ sự đơn giản và hài hòa giữa màu sắc của món ăn mà bàn tay người đã khéo léo sắp đặt. Những người biết cắm hoa sẽ dễ dàng hiểu được điều này. Không cần phải có những loại hoa cầu kỳ cố định nào, mà nghệ nhân chỉ cần dùng bất cứ thứ gì lọt vào tay mình, như ngọn cỏ, cọng rơm cũng đều có thể biến nó thành một bình hoa nghệ thuật được. Điểm đặc biệt ở ẩm thực Nhật Bản cũng giống như vậy, nó thể hiện hết bốn chữ "u, nhàn, thanh, nhã". Nói cách khác, tuy ít kích thích về vị giác nhưng món ăn Nhật lại có sức hút với thị giác rất mạnh.
http://www.bi-raku.com/shokuhinn/rjgj003.files/gj003-1.jpg

Một điểm nữa mà ai cũng phải thừa nhận rằng món ăn Nhật rất tốt cho sức khỏe. Không phải ngẫu nhiên khi đất nước này lại có được nhiều người cao tuổi nhất Thế giới. Tuổi thọ bình quân cao hơn những nước khác. Theo truyền thống, người Nhật không ăn thịt (nhất là thịt bò), trừ thịt chim và gà, ăn nhiều rau cải và cá nên không bị mắc những chứng bệnh tim mạch như phương Tây. Không sử dụng nhiều gia vị, không ăn vị quá kích thích cũng là một cách giữ gìn sức khỏe. Nhưng cũng chính vì thế mà thể trạng người Nhật thường thấp, lùn. Mãi đến thời Minh Trị, do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây mà người ta mới bắt đầu ăn thịt, uống sữa. Qua nhiều thế hệ thì chiều cao đã được cải thiện nhưng cũng từ đó xuất hiện những thói quen "xấu" (theo quan điểm người xưa) trong ăn uống. Đến gần đây thì lối ăn uống truyền thống mới được nhìn nhận lại và cùng tồn tại song song với lối ăn uống kiểu Tây Âu.
Người Nhật thích ăn đồ tươi sống, gần với cái thiên nhiên nguyên thủy nhất, do đó khâu tuyển chọn thực phẩm cũng rất gắt gao. Nguyên liệu phải đạt rất nhiều tiêu chuẩn mới được phép chế biến. Đầu bếp phải học nghề rất lâu và có bằng của nhà nước cấp mới được phép hành nghề. Do đó không cần phải lo ngại về mặt sức khỏe khi ăn những thứ tươi sống ở Nhật. Khâu kiểm soát chất lượng thực phẩm của Nhật được thừa nhận là hàng đầu Thế giới. Một điểm nữa trong lối ăn uống thể hiện đậm chất văn hóa, tính cách của người Nhật là ăn đúng lúc, đúng thời, mùa nào thức ấy. Đây cũng là một cách để cảm nhận thiên nhiên, sự thay đổi của khí tiết tốt nhất. Còn gì bằng khi cảm nhận được sự thay đổi này tác động vào cơ thể con người rõ rệt như vậy. Có lẽ khí hậu Việt Nam không phân chia rõ rệt như ở Nhật nên người Việt cũng ít chú trọng vào mặt này như ở Nhật.


(To be cont.)

Trong khi tìm hiểu về văn hóa ẩm thực của hai nước Nhật, Việt thì tôi nhận thấy có một số điểm chung như đều yêu thích các loại dưa cải muối, đều sử dụng cùng một loại thực phẩm (có nguồn gốc từ Trung Hoa) nhưng cũng có những điểm dị biệt. Loạt bài viết này sẽ đề cập đến những cái chung và riêng đó.
Đầu tiên trong những cái chung nhất có lẽ là món đậu phụ. Đây là loại thực phẩm được yêu thích ở nhiều quốc gia châu Ấ và đóng một vai trò quan trọng ẩm thực hàng ngày của các dân tộc này.

Đậu phụ (tiếng miền Nam gọi là đậu hũ, tàu hũ, có nơi ở miền Trung gọi là đậu khuôn), tiếng Nhật là Toufu (hay đơn giản hơn là Tofu), là loại thực phẩm được chế biến chủ yếu từ đậu nành và thường không có mùi vị gì đặc biệt, dễ nấu nướng và chế biến. Nói cách khác thì đây là một loại thực phẩm có vị thanh nên dễ ăn đối với nhiều người. Từ này được viết theo Hán tự là 豆腐, về mặt chiết tự thì 豆 (tou) nghĩa là đậu, 腐 (fu) nghĩa là thối rửa, mục nát.

Nguồn gốc

Toufu là món ăn có nguồn gốc từ Trung Hoa và theo sách "Honzou Koumoku" (本草綱目-sách tạp học đầy đủ nhất trong lịch sử Trung Hoa) được biên tập từ thế kỷ 16 thì món này có liên quan đến Lưu An (Ryuan) thời tiền Hán, thế kỷ thứ hai trước công nguyên. Nhưng người ta cũng cho rằng vào thời điểm đó chưa có đậu nành, nguyên liệu làm ra món Toufu này. Toufu được truyền đến Nhật vào thời Heian qua các sứ giả mà nước này gửi sang đại lục để học tập tinh hoa văn hóa. Từ "Fu" (腐) trong Toufu ban đầu mang nghĩa là làm cho thịt lên men trong nhà kín. sau chuyển sang nghĩa chỉ những thứ mềm nhưng có tính đàn hồi ngoài ý nghĩa là mục nát thối rửa. Nhưng ở Nhật người ta không thích dùng từ thối rửa (腐) trong thực phẩm nên cũng có chỗ ghi là "đậu phú" (豆冨, 豆富). Tiểu thuyết gia Izumi Kyoka nổi tiếng thời Minh Trị vốn yêu thích Toufu nhưng lại mắc chứng bệnh ghét dơ bẩn nên ông còn viết từ này là "đậu phủ" (豆府). Tuy viết khác nhau nhưng tất cả đều được phát âm là Toufu trong tiếng Nhật.

Ở Nhật Toufu là loại thực phẩm phổ thông và thường được nấu chung với canh Miso, canh Kasujiru (một loại canh nấu với bã rượu và những món khác) và các món lẩu. Ở Trung Quốc thì chủng loại đậu phụ còn phong phú hơn ở Nhật rất nhiều và được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Món này cũng rất quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam, Đại Hàn, Campodia, Thái, Miến Điện và Nam Dương. Hiện nay ở Mỹ cũng có nhiều người thích đậu phụ hơn trước và được bán trong các cửa hàng thực phẩm, người ta dùng chữ La Tinh "Tofu" để biểu ký cho loại thực phẩm này. Tofu đã trở thành một từ quốc tế để chỉ món đậu này. Ở Trung Quốc thì đậu phụ cũng là đề tài quen thuộc trong văn học, chẳng hạn như tác phẩm cổ điển "Tiếu phủ" vào thế kỷ thứ 2 tập hợp các truyện cười liên quan đến món đậu phụ rất phong phú.


Cách chế biến

Tùy theo cách chế biến mà đậu phụ được phân làm hai loại chính là đậu phụ tươi (không qua xử lý công nghiệp) và đậu phụ được xử lý. Trong loại đậu phụ tươi cũng còn chia làm nhiều loại nữa.

+ Đậu phụ tươi

Đậu nành sau khi ngâm nước cho mềm được xay cùng với nước, người ta vắt ra được chất dịch là sữa đậu nành (Tounyuh), chất xơ (bã) còn lại sau khi vắt được gọi là tiếng Nhật gọi là Okara, một món ăn giàu dinh dưỡng.

Trong lúc chế biến sữa đậu nành, nếu lọc sữa sau khi gia nhiệt được gọi là phương pháp "vắt nấu" (Nisibori) còn nếu lọc trước khi gia nhiệt được gọi là "vắt sống" (nama sibori). Trong lúc sữa đậu nành còn nóng, người ta cho chất làm đông (Nigari) vào làm cho các phân tử protein kết nối với nhau theo dạng mắc xích khiến sữa đông đặc lại như bánh Flan. Từ sau bước này trở đi, tùy theo cách làm mà người ta có được hai loại khác nhau là "đậu phụ lụa" (Kinugosi toufu-絹ごし豆腐) và "đậu phụ vải thô" (Momen doufu-木綿豆腐).
Đậu phụ lụa bề mặt nhẵn trơn như vải lụa, chứa rất nhiều nước nên dễ vỡ và không thể gắp bằng đũa được. Người ta dùng thìa để ăn loại đậu phụ này như một món tráng miệng, đôi khi còn ăn kèm với dưa muối hoặc tương ớt. Ở Nhật người ta còn làm loại đậu phụ này bằng đậu xanh nên sản phẩm có màu xanh. Trong những năm gần đây tại Việt Nam cũng đã thấy xuất hiện loại đậu phụ lụa này, được bán theo khối và đắt tiền hơn đậu phụ "vải thô".

http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/4/49/TofuWithSoySauceAndCarrot.jpg/280px-TofuWithSoySauceAndCarrot.jpg

Một miếng đậu phụ lụa.

Trái lại, đậu phụ vải thô được rút đi nhiều nước do xử lý ép, cứng hơn và có tính đàn hồi khi chạm nhẹ vào nó. Trên bề mặt loại này có in hằn hoa văn của miếng vải dùng để vắt nó, đây là một điểm rất đặc trưng. Loại đậu phụ này phổ biến ở Việt Nam từ trước đến nay và người ta dễ dàng gắp nó bằng đũa. Loại này thường được dùng để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Về mặt dinh dưỡng thì đậu phụ lụa chứa rất nhiều nước nên ít đạm và khoáng chất hơn đậu phụ vải thô, ít năng lượng hơn nhưng lại giàu vitamin B1 và B2 hơn.
Ngoài ra còn có cách chế biến theo kiểu công nghiệp là làm lạnh sữa đậu này rồi đổ vào khuôn nhựa chung với chất làm đông nên cứng hơn hai loại đậu phụ trên. Loại này được gọi là đậu phụ cứng (Juten doufu -充填豆腐) và có độ cứng như miếng thịt đã nấu chín. Loại này vượt trội các loại trên ở mặt bảo quản, có thể kéo dài cả tháng.
Các loại đậu phụ tươi này được bán trong nước hoặc được giữ trong môi trường ẩm. Tại Việt Nam thì nó được cắt làm từng thỏi nhỏ, có nơi còn cắt nhỏ thành những khối lập phương cạnh chừng 2cm và được rán vàng bề mặt.
Hiện nay ở Nhật do máy móc phát triển nên năng suất sản xuất đậu phụ được nâng cao chỉ với một lượng nhỏ nguyên liệu nên giá thành giảm đáng kể. Ngày xưa thì các cửa hàng đậu phụ sản xuất và bán trong ngày. Và do đậu mềm nên để không bị vỡ, người ta cho vào chậu nước khi bán. Ngày nay thì đậu phụ sản xuất theo phương pháp công nghiệp được đóng thành gói nhỏ khi bán. Hiện nay tại Việt Nam cũng thấy loại đậu phụ này, được đóng trong túi nylon, trên bề mặt ghi là đậu phụ Nhật nhưng lại không thấy ghi rõ nơi sản xuất, giá cả cũng đắt hơn các loại khác và trông hợp vệ sinh hơn.

+ Đậu phụ được xử lý

Có rất nhiều loại đậu phụ được xử lý, có lẽ là bắt nguồn từ nhu cầu bảo quản được lâu trước khi tủ lạnh ra đời. Trong số này có thể kể đến loại lên men gồm có chao của Việt Nam và đậu phụ thối của Trung Quốc, đậu phụ sấy đông ở âm 30 độ C của Nhật (Kouya Doufu),....Những loại đậu phụ này sẽ được đề cập sau.

Phụ phẩm từ Toufu

Trong quá trình chế biến đậu phụ người ta thu được hai loại phụ phẩm ăn được là bã đậu (Okara) và phù chúc (Yuba).

+ Okara: sau khi ngâm nước đậu nành, quết nhỏ, cho vào nồi nấu rồi vắt nước (sữa đậu) đi ta được chất bã còn lại là Okara. Bã đậu Okara chứa ít chất béo, nhiều chất xơ, chứa đạm, calcium và sắt. Nó chứa khoảng 80% nước, 8~15% chất béo và 17% lượng đạm so với đậu nành banh đầu. Ở Nhật người ta thường chế biến Okara thành món gọi là Unohana, trong đó bã đậu được nấu với nước tương, rượu ngọt Mirin, cà rốt và nấm rơm. Ở tây Phương người ta còn dùng nó trong các món ăn chay.

+ Yuba: khi nấu sữa đậu nành thì một lớp màng gồm chất đạm và chất béo nổi lên trên mặt nước theo hiện tượng Ramsden được gọi là Yuba (湯葉). Tiếng Việt gọi là phù chúc, tàu hũ ky và đây là một loại thực phẩm giàu chất đạm được dùng trong ăn chay. Yuba chứa khoảng 50-55% chất đạm, 24-26% chất béo, 9% nước và 12% carbohydrate. Ở Nhật Yuba được dùng chủ yếu trong các món chay và được du nhập vào đất nước này từ Trung Hoa khoảng 1200 năm trước khi nhà sư Saichou mang từ đại lục về cùng với kinh điển Phật giáo và trà. Yuba lần đầu tiên xuất hiện trong văn tự là một bài đồng dao dưới chân núi Hiei, ngọn núi phát tích của Phật giáo Nhật Bản. Bọn trẻ con hát rằng "ông sư trên núi ăn gì mà sống? Ông ăn phù chúc và dưa muối mà sống". Món Yuba được truyền từ ngôi chùa Enryakuji phái Tendai trên núi Hiei (ngày nay thuộc tỉnh Shiga) đến các thị trấn buôn bán quanh chùa chiền ở các vùng như Kyoto, Oumi và Nikkou. Ở Kyoto người ta viết là 湯葉 nhưng ở Nikkou lại viết là 湯波, đọc cùng âm. Ở Nhật người ta chia làm hai loại là Yuba sống và Yuba sấy khô. Ngoài các món chay thì Yuba sống còn được dùng trong món ăn thường ngày, hoặc ăn chung với cá sống sashimi. Ở Việt Nam người ta thường bán Yuba sấy khô dưới dạng tấm.

http://www.sakai-ki.co.jp/izakaya/img/page1/c_yuba.jpg

Một tấm Yuba.

Về mặt hóa học

Sự kết đông của đậu phụ là do các phân tử đạm được chất làm đông biến thành dạng gel. Vì vậy cấu tạo của đậu phụ là các phân tử đạm được cấu kết với nhau theo dạng mắc lưới và ngậm nhiều phân tử nước.
Nói một cách tổng quát thì có hai trường hợp kết đông của đậu phụ là do ion Magnesium (hoặc ion calcium) kết nối gốc R-COOH hình thành nên dạng gel và trường hợp acid (giấm) làm biến chất phân tử đạm hình thành nên dạng gel.
Chất kết đông trong trường hợp đầu là thạch cao (thành phần chủ yếu là CaSO4), muối Magne (MgCl2), muối calci (CaCl2) và magnesium sulfate (MgSO4). Chất kết đông trong trường hợp sau là gluconolactone, chất này dần dần chuyển hóa thành acid hữu cơ gluco và có độ an toàn rất cao.

Ở Trung Quốc và Việt Nam thì người ta tán nhỏ thạch cao rồi hòa vào nước làm chất kết đông cho đậu phụ, nhưng ở Nhật theo cách truyền thống thì người ta dùng một chất bột (hoặc chất dịch) gọi là Nigari khi làm muối làm chất kết đông. Khi làm muối, người ta lấy hết muối từ nước biển ra chỉ còn lại dung dịch chứa các khoáng chất như muối calci, muối magne và đây chính là Nigari. Hiện tại ở Nhật khi biến sữa đậu nành thành đậu phụ thì người ta dùng chất kết đông là CaSO4 và acid gluco là chủ yếu. Một số nhà máy chế biến ở Trung Quốc và Đại Hàn cũng theo phương pháp này.
Như vậy, nếu nghi ngại tính an toàn của đậu phụ có thạch cao thì ta có thể dùng chất kết đông là Nigari bằng cách nấu nước biển.

Chất được gọi chung là Nigari có thành phần chủ yếu là muối Magne và ngày xưa nó là phụ phẩm khi làm muối tại các ruộng muối. Ngày nay thì người ta sản xuất muối Magne theo phương pháp công nghiệp có độ tinh khiết rất cao hoặc lấy chủ yếu từ các mỏ muối. Thực tế nếu lấy ở ruộng muối thì không được nhiều lắm. Và cũng nên chú ý rằng một số nhà sản xuất đậu phụ ở Nhật dùng từ Nigari để chỉ chung cho tất cả các loại chất kết đông.
Ở Nhật trước đệ nhị Thế chiến thì chủ yếu người ta vẫn dùng Nigari làm chất kết đông nhưng rồi nó bị liệt vào loại mặt hàng bị quản lý nên rất khó mua. Từ đó người ta chuyển sang dùng CaSO4 (tên dân gian là Sumashiko) cũng có tác dụng kết đông tương tự nhưng có thể mua dễ dàng hơn nhiều. CaSO4 so với muối Magne, thành phần chủ yếu của Nigari thì dễ gây đông hơn nên sau chiến tranh nó được sử dụng rộng rãi cùng với máy móc. Mãi đến nửa sau năm 1980 thì mùi vị của loại đậu phụ truyền thống được làm đông bằng Nigari mới được nhìn nhận lại và gần đây loại đậu phụ Nigari này đã được bày bán rộng rãi trở lại ở các siêu thị.

Phương pháp chế biến cổ điển

Từ thời Edo, đậu phụ đã là món ăn quen thuộc đối với người bình dân đến nỗi nó trở thành đề tài cho những câu chuyện hài kịch Rakugo và năm 1782 có một quyển sách tên là "Toufu hyakuchin" được xuất bản ghi chép 100 cách chế biến đậu phụ. Thời đó cách chế biến còn đơn sơ, chỉ cần có kinh nghiệm thì bất cứ ai cũng có thể làm được cả. Từ thời Taishou cho đến trước chiến tranh thì trong mỗi thành phố ở Nhật đều có nhà nhà làm đậu phụ. Thỉnh thoảng cũng gặp trường hợp giống Miso là cả làng xóm đều làm đậu phụ chung với nhau. Người ta ngâm nguyên liệu đậu nành trong nước khoảng 12 giờ , đến sáng hôm sau thì bỏ đậu vào cối mà quết cùng với nước cho đến khi đậu nhuyễn thành dạng kem. Đậu nành được quết nhuyễn thành dạng kem này được gọi là "Go" (呉). Tiếp theo người ta cho Go vào nồi, thêm nước để điều chỉnh nồng độ rồi đốt trực tiếp trên lửa. Lúc này do tác dụng của chất Saponin mà Go nổi nhiều bọt, người ta trộn vôi vào dầu ăn rắc vào để làm chất tiêu bọt. Sau khi Go đã chín tới thì mới dùng vải lọc lấy sữa đậu ra thùng gỗ, trong khi sữa còn chưa nguội thì thêm Ningari vào với liều lượng thích hợp để làm chất kết đông và dùng một thanh gỗ để khuấy đều (một loạt thao tác sau khi thêm Nigari vào được gọi là "yose" -寄せ và đó là những động tác chứng tỏ tay nghề cao thấp của người thợ). Độ đậm nhạt của sữa đậu cũng như nhiệt độ của nó, liều lượng của Nigari và các thao tác yose thích hợp sẽ làm sữa đông lại mà vẫn chứa nước, thành đậu phụ. Lúc này người ta phá vỡ đậu rồi cho vào khuôn có lót vải, đậy nắp và đè vật nặng lên trên để rút bớt nước mà hình thành nên loại đậu phụ vải thô như đã nói trên.
Mãi cho đến bây giờ thì cách làm truyền thống này cũng còn sót lại ở các vùng núi cao và đảo xa của nước Nhật.

Acmagiro
28-04-2008, 10:24 AM
Các loại đậu phụ khác

Ngoài các loại đậu phụ thông thường thì tại Nhật còn có nhiều loại đậu phụ khác.
Nhìn chung chúng được phân loại vào các mục dưới đây.

+ Đậu phụ mềm: sữa đậu được hóa đông trong trạng thái chứa nước nên rất mềm. Chúng gồm có Oboro doufu, Yose doufu và một loại đậu phụ ở Okinawa.

+ Đậu phụ cứng: chúng được chế biến theo phương pháp khác thường, như sử dụng sữa đậu nành đậm đặc, sử dụng nước biển thay vì Nigari và nhiều phương pháp khác và bảo quản được lâu. Chúng được sản xuất ở các địa phương giao thông bất tiện, nhiều tuyết, vùng sâu vùng xa của nước Nhật và có đủ độ cứng để có thể buộc dây thừng vào mà mang đi.

+ Loại ít nước: là Shima doufu ở Okinawa. Nó được chế biến theo phương pháp "vắt sống" (nama shibori- xem ở trên), cho Nigari vào hòa tan trong khi sữa đậu còn ở trạng thái lỏng và dùng vật nặng đặt lên trên trong thời gian dài nên kết quả là đậu phụ ít ngậm nước và cứng.

+ Sữa đậu đậm đặc: được sản xuất ở các tỉnh Tokushima, Ishikawa. Toyama, Kumamoto.

+ Loại sử dụng nước biển: đậu phụ đá ở Yamaguchi, đậu phụ triều ở Nagasaki, Okinawa.

+ Loại sấy khô: những loại này được rút nước bằng muối rồi sấy khô hay nướng giòn nên có thể bảo quản được lâu.

Dinh dưỡng

Đậu phụ được chế biến từ đậu nành nên giàu đạm thực vật, ít calori nên thường được các nước Âu Mỹ sử dụng như một loại thực phẩm ăn kiêng. Đậu nành được gọi là "thịt của đồng ruộng" vì nó chứa nhiều đạm vượt cả thịt cá, protein của nó còn rất cân bằng về mặt acid amino cần thiết cho cơ thể. Năm 1837, một học giả người Úc khi nghiên cứu đậu nành Nhật Bản và đậu nành Trung Quốc phát hiện rằng loại hạt này chứa nhiều đạm hơn cả thịt cá khiến giới học giả Tây Âu vô cùng ngạc nhiên. Trong 100g đậu này thì có 35.3 g chất đạm và thuộc loại cao nhất trong giới thực vật. Trong khi đó thì cá chỉ chứa 20.7g thịt lợn 19.3g và thịt bò 16g. Như thế đủ thấy giá trị dinh dưỡng của đậu này. Có lẽ đây là loại cây hiệu quả nhất trong giới thực vật vì người ta không hề bỏ đi thứ gì của nó cả.

Đậu phụ lụa và đậu phụ vải thô

Cái tên đậu phụ lụa và đậu phụ vải thô không chỉ bắt nguồn từ sự khác nhau giữa hai loại bề mặt của chúng mà còn bắt nguồn từ cảm giác khi cho vào miệng. Chính công đoạn sản xuất khác nhau đã sinh ra sự khác nhau này.

+ Đậu phụ vải thô: cho chất kết đông vào sữa đậu đến khi đông lại rồi lại phá vỡ nó, ép dưới áp lực để rút bớt nước cho đến khi đông lại lần nữa.
+ Đậu phụ lụa: sử dụng sữa đậu đậm đặc hơn trường hợp đậu phụ vải thô, cho chất kết đông vào rồi để tự nhiên như thế.

Hai loại đậu phụ này không chỉ khác nhau về mặt xúc giác mà còn khác nhau về mặt dinh dưỡng nữa. Đậu phụ vải thô do được ép chặt nên hàm lượng dinh dưỡng, chất đạm, chất khoáng đều nhiều hơn đậu phụ lụa. Nhưng cũng do quá trình rút nước mà vitamin B và Kali đều bị trôi theo nước nên đậu phụ lụa chứa nhiều những chất này hơn. Khi chế biến món ăn thì đậu phụ vải thô được sử dụng nhiều hơn do có độ cứng thích hợp để chiên xào nấu nướng.

Nước và đậu phụ

Đậu phụ chứa 90% là nước nên người ta nói nước chính là sinh mệnh của đậu phụ. Ngày xưa đậu phụ Kyoto nổi tiếng khắp nước Nhật vì ở đây có nguồn nước mềm (nước chứa ít magne và calci) thích hợp nhất cho việc làm đậu phụ. Thời Minh Trị có những người sành ăn đã mang nước từ Kyoto đến tận Tokyo để làm đậu. Ngày xưa con suối trong chùa bạc Ginkakuji và giếng nước ở các đền thờ ở Kyoto thường được tôn thờ là nguồn nước thần thánh vì là nguồn nước mềm, dễ uống và làm đậu phụ thì không gì bằng. Trái lại, để sản xuất rượu Sake thì người ta cần loại nước cứng vì khoáng chất trong nước đẩy nhanh quá trình lên men của rượu.

Thành phần chủ yếu của đậu phụ là nước, chính nó mang lại sự mềm mại cho đậu. Trong đậu phụ lụa thì nước chiếm 89.4%, đậu phụ vải thô chứa 86.8% nên nói 90% thành phần của đậu là nước cũng không có gì là quá. Thế thì sẽ có người hỏi rằng nước...nằm chỗ nào trong miếng đậu, vì họ thấy đó là một thỏi ở thể rắn mà. Nếu dùng kính hiển vi quan sát miếng đậu thì sẽ thấy những mắt lưới nhỏ li ti, đó chính là đạm trong đậu phụ. Những hạt đạm này nối với nhau tạo thành dạng mắc lưới như miếng bọt biển. Đôi chỗ trong mạng lưới này còn có cả chất béo. Ngoài nước ra thì trong đậu phụ còn có 6.8~5.0% đạm và 5.0~3.3% chất béo. Thế thì nước nằm ở đâu? Phân tử nước được giữ ngay trong mắc lưới này giống như miếng bọt biển.
Ở Trung Quốc có cả loại đậu phụ cứng và mềm nhưng vì mục đích xào nấu nhiều nên đậu phụ chứa ít nước và cứng hơn ở Nhật. Đậu phụ Việt Nam chủ yếu cũng là dạng chứa ít nước như đậu phụ Trung Quốc.

Đậu phụ cứng

Đậu phụ thường mềm, nhưng ở Nhật còn có nhiều loại cứng có thể làm đau răng khi ăn. Những loại này không thấy có ở Việt Nam.
Nổi tiếng nhất có lẽ là loại đậu phụ Kouya (Kouya doufu) được các nhà sư trên núi Kouya (ngọn núi phát tích của phái Phật giáo Chân ngôn tại Nhật) làm ra và ngày xưa nó được gọi là "đậu phụ đóng băng" (Koori doufu- 凍り豆腐 ; shimi doufu -凍み豆腐). Ngày xưa các vị sư ủ đậu ngoài trời vào mùa đông làm nó khô và đông cứng lại. Sau đó phương pháp này lan truyền khắp nước Nhật và thịnh hành ở miền đông bắc là nơi có mùa đông khắc nghiệt hơn những nơi khác.
Theo cách làm truyền thống thì đậu phụ được rút nước, cắt thành những miếng nhỏ rồi để ngoài trời lạnh. Ban đêm đậu phụ đóng băng, ban ngày thì băng tan và quá trình này lặp đi lặp lại cho đến khi đậu phụ hoàn toàn mất hết nước. Khi nước đóng băng thì bên trong tạo thành vô số kết tinh, khi tan chảy thì để lại nhiều lỗ trống bên trong nên đậu phụ Kouya có tính hút nước như miếng bọt biển. Loại đậu phụ này có thể giữ được trong 6 tháng và trước khi ăn thường được ngâm nước. Ngày nay người ta sản xuất theo phương pháp hiện đại trong phòng lạnh để khi đậu đóng băng thì không tan chảy nữa. Đậu phụ được đóng băng trong mấy ngày liền, sau đó giải băng rồi mới làm khô.
Ngoài loại đậu phụ Kouya này thì còn có nhiều loại đậu phụ cứng khác và tựu trung đều có truyền thuyết rằng nó được các nhà tu hành dạy cho dân gian cả.


Đậu phụ và cách bảo quản

Đậu phụ tươi càng để lâu càng mất phong vị do đó bốn giờ sau khi làm ra là thời điểm đậu ngon nhất. Nếu kéo dài đến tám giờ thì hương vị bắt đầu mất dần nên tốt nhất là buổi sáng làm ra thì dùng ngay trong buổi trưa. Nhưng điều kiện sống không cho phép như vậy nên đậu phụ cần được bảo quản đúng cách.

Nếu mua hôm nay, ngày mai mới dùng được thì nên cho đậu vào trong nước sạch rồi giữ ở ngăn dưới chứa rau quả của tủ lạnh. Không nên để đậu đông đá và cũng tránh để mùi từ các loại thực phẩm dây sang.
Trường hợp muốn giữ đậu trong hai ngày thì trước khi làm lạnh nên nhúng qua nước nóng. Khi nước gần sôi thì dùng vải bọc gói đậu lại rồi cho vào, đến khi nước nổi bọt thì lấy ra, làm lạnh bằng nước. Như thế sẽ không lo đậu bị nát nữa.


Hai cách vắt đậu

Đậu nành chứa nhiều đạm là nguồn cung cấp dinh dưỡng chủ yếu ở nhiều nước châu Á ngày xưa. Thời đó con người vì lý do tôn giáo, tin tưởng hay vì chăn nuôi kém phát triển mà ít hoặc không ăn thịt. Do đó đậu nành đóng vai trò chủ lực trong việc cung cấp dinh dưỡng hàng ngày. Nhưng đậu này sống có mùi hăng đặc trưng và có nhiều chất xơ không tiêu hóa được. Đậu phụ chính là chìa khóa giải quyết vấn đề này vì qua xử lý nó đã mất đi những nhược điểm này.
Đầu tiên là ngâm đậu trong nước cho nở ra rồi đem giả nhuyễn, nấu chín rồi lọc. Lúc này ta được sữa đậu nành, chất bã còn lại là Okara. Sau đó cho chất kết đông vào sữa đậu để hình thành nên đậu phụ như đã nói trên.
Trong khi giả đậu thì những tổ chức thô trong đậu bị phá hủy, khi lọc qua vải thì đã loại được chất xơ không cần thiết nên sản phẩm lúc này rất tốt cho tiêu hóa. Người ta cho rằng khi ăn đậu phụ thì hiệu suất hấp thụ chất đạm là 95% , nghĩa là rất cao so với nhiều loại thực phẩm khác và ít lãng phí. Trong quá trình gia nhiệt thì mùi hăng cố hữu của đậu nành cũng mất đi.
Theo các văn kiện thời Edo thì đậu phụ được sản xuất theo phương pháp vắt gia nhiệt (kanetsu shibori, hay còn gọi là vắt nấu, tham khảo ở mục chế biến), tức là gia nhiệt trước khi làm sữa đậu nành. Cùng thời gian đó ở Trung Hoa người ta sản xuất theo phương pháp vắt sống (nama shibori) tức là gia nhiệt sau khi vắt sữa đậu. Trong hai phương pháp thì kiểu vắt gia nhiệt ít lãng phí chất đạm hơn và hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa chất dầu trong đậu bị oxy hóa nhanh chóng khi giã đậu.

Lịch sử đậu phụ ở Nhật

+ Đậu phụ là một trong những món ăn cơ bản của người Nhật vào giữa thời Edo nhưng trước đó thì món ăn này là một thứ xa xỉ, nhất là đối với tầng lớp bình dân nên không phải lúc nào cũng ăn được. Chỉ trong những dịp lễ lạc, ngày Tết, lễ tang, lễ cưới, Vu Lan thì đậu phụ mới xuất hiện trên bàn ăn. Cùng với đậu phụ, rượu, gạo trắng, nấm shiitake và nhiều món ăn mà ngày nay người ta thấy bình thường khác chỉ xuất hiện trong những dịp đặc biệt này. Tướng quân Tokugawa Ieyasu và con trai ông ta là Hidetada đã ra lệnh cấm sản xuất bún (udon), mì soba và đậu phụ ở các thôn làng và cấm luôn người dân không được ăn những thứ này. Đến thời Tướng quân Iemitsu thì ra lệnh cấm sản xuất đậu phụ nghiêm ngặt vì cho rằng đó là thứ hàng xa xỉ, nhưng trong buổi ăn sáng của ông ta luôn có mặt đủ các loại đậu phụ. Mãi đến giữa thời Edo thì đậu phụ mới được phổ biến rộng rãi trong dân chúng, nhưng cũng chỉ là ở các đô thị lớn như Kyoto, Osaka và Edo mà thôi.

+ Trong các nhà hàng Trung Hoa người ta hay nấu một món gọi là đậu phụ Ma Bà (Maba doufu). Món này được thịnh hành ở Nhật là nhờ công lao của ông Trần Dân, cha của đầu bếp trứ danh Trần Kiến Nhất. Đậu phụ Ma Bà ra đời cách đây hơn 100 năm vào cuối thời nhà Thanh ở Trung Hoa. Ngày đó ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên có người con gái tên là Chao Chao. Cô này mặt rổ hoa nhưng lại có duyên thu hút nam giới, đến năm 17 tuổi thì kết hôn, chuyển về sống ở ngoại ô Thành Đô. Lúc ấy hai bên nhà cô có hiệu đậu phụ và hiệu thịt dê. Hai vợ chồng sống rất hòa thuận nhưng được 10 năm thì chồng mất, Chao Chao ở vậy đến già. Sinh kế của Chao Chao lúc này chính là những món ăn do mình làm ra. Vì hai bên nhà là hàng đậu phụ và hàng thịt dê nên không thiếu nguyên liệu, món ăn của Chao Chao làm ra nổi tiếng đến mức không ai ở Thành Đô là không biết cả và thực khách thường là những người phu gánh dầu ở đây. Khi nói đến đậu phụ Ma Bà thì nhiều người thường nghĩ rằng đó là món đậu do bà họ Ma làm ra, nhưng kỳ thực là không phải. Chữ "Ma" mang nghĩa là khuôn mặt rổ hoa, "Bà" mang nghĩa là bà cô vóc dáng thô kệch. Mặc dù lúc còn sống thì Chao Chao gọi món đậu của mình là thịt dê nhưng sau khi bà mất thì mọi người vẫn thường nhớ đến món đậu do bà mặt rổ hoa làm, nên gọi là đậu phụ Ma Bà.
Đậu phụ khi nấu với dầu vốn có nhiều Vitamin E sẽ có tác dụng chống oxy hóa. Nó cũng tăng cường tác dụng chống oxy hóa của hành, tỏi, ớt, gừng nên món đậu phụ Ma Bà sử dụng những nguyên liệu này có thể là một món ăn chống lão hóa lý tưởng. Nó còn được xem là một món ăn ngừa ung thư.

+ Mỗi năm nước Nhật tiêu thụ khoảng 490 vạn tấn đậu nành nhưng trong nước chỉ trồng được 15 vạn tấn mà thôi, số còn lại phải nhập khẩu từ Mỹ, Brasil và Canada. Trong số đó thì lượng đậu nành nhập khẩu từ Mỹ chiếm 90%. Ở Mỹ người ta trồng đậu nành chủ yếu để ép lấy dầu nên đã có thời kỳ hàm lượng đạm trong đậu Mỹ không cao bằng đậu Nhật. Nhưng ngày nay, qua nhiều lần cải tạo giống cho phù hợp với nhu cầu ăn uống chứ không chỉ để lấy dầu nữa nên hàm lượng đạm cũng đã được cải thiện. Có một thực tế là những sản phẩm truyền thống của Nhật như Nattou, tương Miso, nước chấm Shouyu phần lớn được sản xuất từ nguồn đậu nành nhập từ Mỹ.
Ngày nay ở hầu hết các hàng đậu phụ trong toàn nước Nhật thì người ta sử dụng loại đậu nành trộn giữa đậu trong nước và đậu Mỹ. Đậu nành Mỹ kém về mặt hương vị nhưng giá thành rẻ, trong khi đó đậu Nhật do sản lượng không đủ nên giá rất đắt. 60Kg đậu nành Mỹ có giá 4800 En thì đậu Nhật lên đến 7000 En. Phẩm chất và giá thành là một vấn đề rất khó cho hàng đậu phụ, nên họ thường trộn giữa hai loại này với nhau.
Nhưng ở Âu Mỹ thì người ta chỉ mới chính thức trồng đậu nành vào khoảng 100 năm trước. Có lẽ người Tây phương đầu tiên có duyên gặp gỡ với đậu nành chính là một nhà thực vật học người Đức vào thế kỷ 17 khi nhìn thấy đậu nành Nhật. Tướng Perry đến Nhật vào cuối thời Edo, khi trở về Mỹ có mang theo nhiều chủng loại đậu nành. Và như vậy đậu nành được sang Mỹ ngày nay lại giúp duy trì cho cả một nền ẩm thực truyền thống của Nhật.

+ Trong ẩm thực Nhật Bản có món canh Kenchin được nấu từ các loại rau củ trộn với đậu phụ dầm nát. Trong những ngày đông lạnh giá thì không còn gì bằng khi ăn một bát canh Kenchin nghi ngút. Nhưng khởi thủy của cách nấu món này chỉ là một sự ngẫu nhiên mà thôi. Số là ngày xưa có ngôi chùa ở Kamakura tên là Kenchou. Một hôm nhà chùa phải làm pháp sự cho một đám tang, nhưng không ngờ rằng khách đến quá đông nên các vị hỏa đầu sư lúng túng vì số đậu phụ dùng để nấu không đủ. Trong tình huống cấp bách đó có một vị sư đã nghĩ ra cách dầm nhỏ đậu phụ rồi trộn với các loại rau củ, như thế là nấu được nhiều canh. Món canh ra đời trong hoàn cảnh như vậy được gọi là canh Kenchou, sau lan rộng trong dân gian và được gọi trại đi thành canh Kenchin.
Ở xứ sở của đậu phụ là Trung Quốc cũng có món ăn tương tự như Kenchin nhưng không phải là canh mà là món rán. Người ta cũng dầm nhỏ đậu phụ, trộn chung các loại rau củ rồi dùng tấm phù chúc (Yuba) quấn lại rồi đem rán. Cách làm này có phần tương đồng với món chả giò (có nơi gọi là chả ram, nem Sài Gòn, nem rán) ở Việt Nam.

http://www.ajitokokoro.co.jp/goods/img/kenchinjiru18.jpg

Một bát canh Kenchin

+ Giữa thời Edo ở Nhật có vị học giả Nho học là Ogyu Sorai lưu danh mãi đến muôn đời sau. Phụ thân của Ogyu vốn là thầy thuốc của Tướng quân Tokugawa Tsunayoshi nhưng bị Tướng quân lệnh cho phải về ở ẩn ở miền Chiba, mãi 13 năm sau mới được trở về Edo. Trong lúc này Ogyu chẳng có thu nhập gì cả mà sống rất bần hàn trong một căn gác xép trên tầng hai của một hàng đậu phụ. Mỗi ngày ông đều nhận được bả đậu (Okara) thừa của hàng đậu phụ mà ăn thay cơm qua cơn đói. Trong 6 năm liên tục như vậy Ogyu sống chung bần hàn với bã đậu mà chuyên tâm vào sách vở thánh hiền. Mãi đến sau này sách của Ogyu viết ra mới lọt vào mắt của vị lãnh chúa Yanagisawa Yoshiyasu và ông được chúa vời đến phụng sự mình, bổng lộc đến năm trăm học. Sau này vị học giả này còn được Tướng quân Tsunayoshi mời đến giảng giải đạo Nho. Tuy đã xuất thế lập thân nhưng Ogyu không quên ơn cũ của những người đã cưu mang mình những ngày cơ hàn. Ông ban thưởng rất hậu cho hàng đậu, tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc. Mỗi năm hàng đậu nhận được số gạo hoặc số tiền đủ để nuôi được hai võ sĩ hạ cấp sống trong năm, đối với hàng đậu phụ thì đây là một sự trả ơn rất lớn. Ở Trung Quốc thời Tống cũng có một vị quan thanh liêm không kém gì Ogyu sống bằng đậu phụ. Thời đó người ta thường ăn thịt dê, nhưng vị quan phó tri sự huyện Thanh Dương kia đã tập cho mình thói quen ăn đậu phụ hàng ngày thay cho thịt dê. Người dân huyện Thanh Dương biết chuyện mới gọi món đậu phụ là "tiểu thừa dương", nghĩa là món dê của phó tri sự. Ở Trung Quốc đậu phụ còn có cái tên khác là tiểu thừa dương chính là bắt nguồn từ điển tích này.
Như vậy có thể thấy rõ giá trị dinh dưỡng của đậu phụ như thế nào. Đối với những kẻ nghèo hèn thì nó là thứ bù đắp cho sự thiếu hụt dinh dưỡng trong bữa ăn của họ. Vì vậy khi ăn đậu phụ hãy nên tỏ chút lòng biết ơn đối với thiên nhiên, vì nó đã cưu mang không biết bao người.

Acmagiro
04-05-2008, 08:36 AM
+ Ngày nay ở quận Taito của thủ đô Tokyo có một quán bán các loại đậu phụ chế biến tên là Sasa no Yuki vốn là một hiệu kinh doanh bắt đầu từ thời Edo cách đây mấy trăm năm. Quán này hoạt động từ niên hiệu Genroku (1688~1754) và là nơi đầu tiên trên nước Nhật bán đậu phụ lụa. Ngày đó ở Edo món đậu phụ "Sasa no Yuki kinugoshi" rất nổi tiếng. Tên quán là Sasa no Yuki (tuyết trên cỏ) có lẽ bắt nguồn từ một bài ca mà các vị hoàng tộc ngâm khi đến đến đây thưởng thức món đậu phụ với nước sốt ankake. Cũng cùng thời Edo ở phía đông của cây cầu Ryogokubashi ở hạ lưu sông Sumida có hai cửa hiệu đậu phụ Awayuki (tuyết mỏng đầu xuân). Đậu phụ Awayuki này không sử dụng Nigari làm chất kết đông nên khi vừa cho vào miệng là nó tan ra như lớp tuyết mỏng đầu xuân nên mới có tên như vậy. Ngày nay vẫn còn lưu truyền nhiều chuyện rằng hai hàng đậu phụ này làm ăn phát đạt vì vụ báo thù của 47 võ sĩ thành Akou (một câu chuyện không chỉ đi vào văn học Nhật mà còn nổi tiếng khắp nơi trên Thế giới, rằng có 47 Samurai đã chịu nhiều gian nan để báo thù cho chủ, xong rồi họ mổ bụng tập thể để tạ tội). Lúc đó sau khi 47 võ sĩ này giết chết Kira Kouzuke Nosuke báo thù cho chủ thì rút về chùa Sengakuji, dân chúng hai bên đường đổ ra ngập đường để reo hò cổ vũ. Trong số đó có rất nhiều kẻ hiếu kỳ từ những nơi khác kéo đến tràn ngập đường phố nên hàng đậu phụ ở đấy bán chạy như tôm tươi.

Thời Edo giới bình dân rất chuộng loại đậu phụ Dengaku. Đó là thỏi đậu phụ nướng hình chữ nhật, trên rưới nước tương đỏ và xiên que khi ăn, rất giống với cách làm của những chiếc xe đẩy bán "cá viên chiên" (gọi là cá nhưng nhiều xe chỉ bán đậu phụ xiên và loại này được rán trong dầu chứ không nướng trên lửa như Dengaku) ngày nay ở Việt Nam.

http://www.tatetofu.com/image/PA280156.JPG
http://www.murata-brg.co.jp/images/ibrowser/uploads/oden.jpg
Dengaku

Ngày nay ở khu nam Senju, quận Arakawa thủ đô Tokyo có tám hàng trà bán Dengaku trong phần đất của đền thờ Mazaki Inari. Trong số đó thì có hàng Kasshiya là nổi tiếng hơn cả vì tác giả của Nansou Satomi Hakkenden (một tác phẩm cổ điển rất dài và nổi tiếng, kể về tám con chó hiệp sĩ) là Takizawa Bakin cũng thường đến đây ăn món đậu phụ Dengaku này.
Ngày xưa ở khu phố Geisha Yoshiwara có hiệu đậu phụ Yamaya rất nổi tiếng, đến nỗi trở thành một thứ đặc sản của vùng này. Đậu phụ mềm nên rất được những người già răng yếu ưa chuộng. Những vị khách lớn tuổi đến khu Geisha này thường chọn đậu phụ như một món ăn tiêu khiển. Hiệu đậu phụ Sasa no Yuki nói trên cũng gần với khu Yoshiwara này nên có rất nhiều khách trên đường từ làng chơi trở về.
Những chuyện này cho thấy ngay từ mấy trăm năm trước, đậu phụ đã có một chỗ đứng như thế nào trong xã hội Nhật Bản, nó không chỉ là một món ăn thường nhật mà còn được chế biến thành một loại xa xỉ phẩm ăn chơi.

+ Thời Edo có món đậu phụ Gion rất nổi tiếng ở kinh đô Kyoto. Đây là món đậu do hai quán trà trước đền thờ Yasaka bán ra. Đậu phụ được cắt mỏng, xiên que, nướng vàng hai mặt rồi tẩm trong nước tương Miso. Hai quán trà này nằm hai bên tả hữu cổng vào đền thờ Yasaka, đằng đông là quán Nakamuraya, đằng tây là Fujiya và khách đến viếng đền đều đến mua đậu phụ này. Món đậu phụ Dengaku bình thường được xiên bằng một cây que, nướng trên lò than nhưng hai quán trà này lại xiên bằng hai que như kiểu nướng lươn Kabayaki.

http://img01.hamazo.tv/usr/kanzin/%E5%91%B3%E5%99%8C%E7%94%B0%E6%A5%BD.jpg

Đậu phụ nướng xong rồi tẩm với tương trắng chính là phong vị của vùng kinh đô này, Khách thập phương đến thấy kiểu nướng xiên hai que rất lạ và đặt tên cho món này là đậu phụ Gion. Quán Fujiya đằng tây đến thời Minh Trị thì đóng cửa nhưng quán Nakamuraya đổi tên thành Nakamura rou và vẫn kinh doanh đến ngày nay.
Nói về món ăn được chế biến từ đậu phụ thì ngày xưa ở Kyoto nổi tiếng hơn ở Edo. Trong số đó có món đậu phụ nấu nước sôi (Yudoufu) của chùa Nanzenju dòng Lâm Tế rất được du khách từ phương xa đến kinh đô ưa chuộng. Người ta lót rong biển dưới đáy nồi lẩu, cho đầy nước vào rồi đun. Có thể thêm những nguyên liệu khác như củ cải trắng, nhưng người ta cho rằng nếu thêm những thứ có vị nặng vào sẽ làm hỏng mất nồi lẩu. Món này thường được ăn trong những ngày đông lạnh giá và nguồn nước để nấu đóng vai trò quyết định chất lượng của nó. Nguồn nước ở Kyoto từ ngàn xưa đã nổi tiếng là tinh khiết nên Yudoufu ở đây vẫn nổi tiếng hơn cả.

http://www.tepore.com/homechef/twa_ni11/wa_ni11p.jpg

Yudoufu

Acmagiro
25-05-2008, 10:56 AM
+ Đối với các nhà sư tu hành không được ăn thịt thì đậu phụ đóng một vai trò quan trọng như là nguồn cung cấp chất đạm thiết yếu hàng ngày. Nguyên liệu chủ yếu để nấu món ăn chay cho các nhà sư là ngoài cái loại nấm, rau củ ra thì các sản phẩm chế biến từ đậu nành như đậu phụ, Yuba vẫn chiếm đa số. Món ăn chay trong tiếng Nhật gọi là "Shoujin Ryouri", nghĩa là món ăn Shoujin. Shoujin, hay âm Hán Việt đọc là tinh tấn, ban đầu là một thuật ngữ nhà Phật, chỉ sự tu hành nỗ lực hết sức, không suy chuyển. Các nhà sư phải bảo vệ nghiêm ngặt giới luật cấm sát sanh của nhà Phật nên không những trong cuộc sống hàng ngày mà ngay cả bữa ăn cũng phải tinh tấn, khổ hạnh, không ăn thịt cá để thân tâm được trong sạch.
Món ăn chay ngày nay ở Nhật được hình thành từ cái nền cơ bản thời Kamakura (1185~1333) do ông tổ của phái Thiền Soutou (Tào Động ) là Dougen (Đạo Nguyên) sau khi du học ở Trung Quốc về truyền bá khắp nước Nhật, biến đổi bữa ăn của Thiền sư Nhật cho phù hợp với phong thổ của đất nước. Sư dạy rằng ăn uống hay nấu ăn hay mọi điều nhỏ nhặt khác cũng đều là tu hành cả.

Trái với sư Dougen, cùng thời có sư Shinran (Thân Loan) là khai tổ phái niệm Phật Joudo Shinshu (Tịnh độ chân tông) cho phép đệ tử ăn thịt cá (về việc này thì người đọc không nên vội vàng quàng lấy ác cảm ngay đối với phái này. Vì đạo Phật cốt tùy duyện nghiệp chúng sanh mà chuyển hóa. Khi nghiên cứu sâu về phái niệm Phật này thì sẽ hiểu được ) nhưng sư cũng khuyến khích không ăn thịt trong ngày giỗ của người thân, vì thế mà món ăn chay lan rộng trong dân chúng vào ngày cúng giỗ. Nhưng có lẽ cũng một phần là do bữa ăn hàng ngày của người bình dân Nhật ngày xưa cơ bản cũng đã rất gần với món chay lắm rồi. Họ không ăn thịt, chỉ có rau củ, đậu phụ và những người có điều kiện mới ăn cá.

Trong thời Edo có nhà sư tên là Ingen (Ẩn Nguyên) từ nhà Minh bên Tàu sang Nhật hoằng dương Phật pháp, được tướng quân Tokugawa Tsunayoshi ban cho đất để xây dựng một ngôi chùa theo kiến trúc nhà Minh ở Uji, Kyoto. Sư đặt tên chùa là Oubakusan Manpukuji (Hoàng Bá Sơn Vạn Phúc Tự). Vạn Phúc Tự vốn là tên thiền viện của sư trên núi Hoàng Bá ở huyện Phúc Thanh, tỉnh Phúc Kiến bên Tàu, sau sư sang Nhật cũng đặt tên ngôi chùa mới là Vạn Phúc Tự. Tại đây sư truyền dạy món ăn chay kiểu Tàu và sau này nó nổi tiếng đến độ lan rộng khắp nước Nhật và trở thành một đại biểu cho ẩm thực đất kinh đô. Trong tiếng Nhật có hai từ chỉ món ăn chay, thứ nhất là "Shoujin Ryouri" của các Thiền sư Nhật và tiếp theo là "Fucha Ryouri" được tiếp nhận từ bên Tàu. Sư Ingen chính là người có công truyền bá Fucha Ryouri khắp nước Nhật.
Trong tập sách giới thiệu món ăn chay (Shoujin Ryouri Kondateshu) xuất bản thời Edo thì đậu phụ chiếm 9 phần thực đơn trong sách. Trong số đó thì đậu phục cứng Kouya được sử dụng nhiều. Trong 92 món thì Yuba xuất hiện trong 90 món, như thế cũng đủ thấy đậu phụ và những sản phẩm của nó là bất khả khuyết đối với món ăn chay như thế nào. Cho đến ngày nay cũng vậy, nếu bỏ đậu phụ đi thì có thể nói rằng hệ thống ẩm thực chay sụp đổ hoàn toàn.

+ Ngày nay trên Thế giới, số người ăn chay tập trung chủ yếu vào các loại rau củ, đậu phụ và cốc vật đang có khuynh hướng tăng dần. Ở Mỹ thì ban đầu là những người ăn chay, sau đó là những người mắc các chứng bệnh do ăn uống, vận động không thích hợp như béo phì, ung thư, bệnh động mạch bắt đầu chú ý tới nền ẩm thực Nhật Bản vốn ít Cholesterol nhưng lại giàu dinh dưỡng. Trong số đó thì đậu phụ, nguồn cung cấp đạm tốt cho cơ thể rất được ưa chuộng. Nó được gọi là "thịt không xương", "thịt của đồng ruộng". Khoảng 300g đậu phụ thì cơ thể hấp thụ được 19.8g đạm còn ở thịt lợn là 8g. Chính vì lượng đạm vượt trội và không cholesterol mà nó được nhiều người ăn kiêng chú ý. Số người đến với đậu phụ như là một loại thực phẩm tự nhiên trong khi đi tìm loại thực phẩm không thêm chất phụ gia như màu, chất bảo quản ngày càng gia tăng nhanh chóng.
Ở Mỹ thì đậu phụ là món không thể thiếu trong thực đơn của các nhà hàng thực phẩm tự nhiên. Món được yêu thích là đậu phụ dầm nát cho giống thịt nóng hổi được gọi là TOFU. Từ này vốn từ tiếng Nhật, giờ trở thành một danh từ chung lan rộng ở các nước phương Tây. Ngoài ra đậu phụ còn được dùng thay thịt trong nhiều món khác như Curry, nước sốt mỳ Spaghetti, Tofu Sandwich, Tofu Burger cho thấy sự phong phú và đa dạng của nó. Không những thế, Tofu còn xuất hiện trong những món tráng miệng như Ice Cream, Cheese Cake và nhận được nhiều lời tán thưởng.
Năm 1975 quyển sách "The book of Tofu" được xuất bản ở Mỹ và bán hết 10 vạn bản, đến hiện nay vẫn còn được ưa chuộng. Sách này giới thiệu công thức nấu 255 món ăn từ đậu phụ, từ những món khai vị cho đến món chính và tráng miệng. Đương thời, khi phát hành thì tờ báo New York Times đã bình luận rằng đậu phụ đã làm cho phương Tây mở mắt một cách kinh ngạc. Sức mạnh của đậu phụ đã làm nên cuộc cách mạng trong thói quen ăn uống của người Tây Âu.
Và Tofu Mỹ có đặc trưng là ít nước hơn đậu phụ Nhật nên cứng hơn.

^Natalie^
09-06-2008, 01:15 AM
Đời sống ẩm thực Nhật Bản

Nghệ thuật ăn uống ở Nhật Bản là sự kết hợp nhuần nhuyễn của món ăn có hương vị truyền thống và pha chút phong cách phương Tây. Cơm là loại lương thực chiếm ưu thế trong mọi bữa ăn của người dân Nhật, bên cạnh đó, rất nhiều loại mì cũng được yêu thích, như mì Udon hay Soba. Một bữa tối thường thấy ở một gia đình Nhật luôn gồm có một bát cơm, kèm với rau như rau bina, củ cải hoặc dưa góp. Rong biển sấy ("nori") có thể được dùng để cuộn cơm hoặc dùng để ăn không. Đậu phụ, làm từ đậu nành, có thể được dùng ở một trong rất nhiều dạng của món này – lạnh, nóng, trong súp, ăn không, sấy khô hoặc có thể dùng như món tráng miệng.

Trong những dịp đặc biệt, một người có thể ra ngoài ăn tại một nhà hàng sushi. Ở đó, ai cũng sẽ có rất nhiều thức ăn để lựa chọn: sushi, gồm cá sống (rất nhiều loại) và cơm; sashimi, đây là món cá sống, không kèm cơm; teppan, cá được luộc trong xì dầu; hoặc lươn. Bữa ăn sẽ hiện ra vừa ngon mắt và ngon miệng, bởi về thức ăn, Nhật Bản coi "hương vị và hình thức món ăn chính là một biểu tượng cho nền văn hóa và tính cách con người Nhật Bản".

Cho bữa trưa, một người dân Nhật có thể đến những cửa hàng ăn nhanh. Cửa hàng McDonald và KFC có mặt ở khặp mọi ngơi, dù rằng đã được chế biến một chút cho phù hợp với khẩu vị người Nhật. Ở các cửa hàng McDonald, có thể gọi một chiếc bánh burger với sushi bên cạnh, hoặc với một bát súp miso rất bổ dưỡng. Cửa hàng bán pizza địa phương có thể làm gấp một chiếc pizza phomat với trang trí bên trên – thường thì rất tốt để cho một ai đó có thể gọi được okonomiyaki, một loại bánh kếp nướng với rau, thịt, tôm và nhiều thứ khác được kẹp bên trong.

Ở một nơi mà thời tiết có thể trở nên nóng nực, đồ uống có mặt ở khắp mọi chốn. Đây quả là một thiên đường thực sự cho những ai nghiền café – miễn là họ không cảm thấy phiền lòng bởi chiếc tách nhỏ xíu và giá tiền đắt đỏ. Cũng như vậy, máy bán đồ uống tự động xuất hiện ở mọi nơi, với rất nhiều sự lựa chọn như Coca-cola, Pocari Sweat và nhiều hãng trà khác nhau. Bên cạnh đó, kissaten, hay những cửa hàng café, cũng nổi tiếng không kém. Ở đây, khách hàng có thể có một trải nghiệm tuyệt vời với những phục vụ bàn chu đáo, âm nhạc êm đềm, bàn ghế sạch đẹp và quan trọng là café tuyệt hảo. Những cửa hàng này được ưa chuộng tới mức, "Kissaten e ikimasen ka?", nghĩa là "Chúng ta đi uống café chứ?” đã trở thành gần như một câu khẩu hiểu cho mọi người Nhật. Tại các buổi tiệc của công ty, các nhà doanh nhân thường được phục vụ bia châu Âu và rượu Sake. Được làm từ gạo, Sake là một thức uống nổi tiếng bởi độ cồn cao. Đặc biệt hơn, có cả một tập tục văn hóa được gắn với loại rượu này. Đó là khi uống Sake, mọi người luôn phải rót Sake cho người khác, không bao giờ được tự rót cho mình, nhưng nếu dốc cạn chai thì chỉ được rót vào chén riêng của mình.

Các nhãn hiệu rượu Sake khác nhau:

http://img400.imageshack.us/img400/8553/sakelabelmontageso3.jpg

Các loại thức ăn khác:
Gyoza: một loại bánh bao của Nhật, thường được chiên lên. Bắt nguồn từ Trung Quốc.

http://img455.imageshack.us/img455/2315/gyozarz6.jpg

Natto: đậu nành lên men với mùi vị rất đậm và đặc biệt. Trông có vẻ khá khó ăn nhưng được ưa thích bởi nhiều người.

http://img400.imageshack.us/img400/8341/nattoad6.jpg
Sukiyaki: thịt bò thái mỏng, rau, và thường là đậu phụ được nấu cùng nhau. Có thể được nhúng vào trứng sống để tăng thêm mùi vị.

http://img400.imageshack.us/img400/3280/sukiyakiiv7.jpg

Tenpura: cá, rau, tôm và một vài thức tương tự được chiên kỹ trong bột bánh Tenpura đặc biệt.

http://img407.imageshack.us/img407/9725/tenpurafz4.gif

Yakitori: Thịt gà nướng được cắt thành những miếng nhỏ và xiên vào que.

http://img187.imageshack.us/img187/3803/yakitoriwb2.jpg

Thanks to: library.thinkquest.org & các nguồn khác
V- trans: Kem @ IVF

@Source : Kem@IVF

phatkent
28-10-2010, 01:03 AM
cái này có vẻ ăn đc chứ mấy món kiểu như susi ý ăn sống nuốt tươi nhìn thì đẹp nhưng nghĩ đến cho vào mồm thì:((

hannayun
07-04-2014, 02:17 AM
cái này có vẻ ăn đc chứ mấy món kiểu như susi ý ăn sống nuốt tươi nhìn thì đẹp nhưng nghĩ đến cho vào mồm thì:((

Chưa ăn sushi thì nghĩ vậy thôi chứ ăn rồi thì thấy nó cũng ko kinh dị lắm đâu bạn ^^ ng Nhật họ cũng chọn những loại thực phẩm đặc biệt làm sushi, khi đưa miếng sushi vào miệng và nhai chầm chậm ban đầu sẽ thấy vị mặn của nước tương (vì mình chấm miếng sushi vào mà) rồi cảm giác mát mát của miếng cá, nhai thì thấy vị ngọt nhẹ của thịt cá trộn lẫn với cơm (cũng đã được xử lí bằng cách trộn dấm) nên ko có mùi tanh hay khó ăn.
Mình ko phải fan của sushi và ko ưa gì đồ sống nhưng ăn thử thấy cũng ko đến nỗi nào :D