PDA

View Full Version : Ði tàu hỏa ở Nhật Bản



Kasumi
13-06-2008, 01:55 AM
Năm nay là năm thứ 135 khai thông tuyến đường sắt đầu tiên nối liền ga Simbashi (Tokyo) và ga Yokohama của Nhật Bản bằng chiếc tàu hỏa chạy hơi nước, do Anh sản xuất.

Vào thời Minh Trị (1868 - 1912) các kỹ thuật gia Anh, Mỹ, Ðức được mời đến Nhật Bản để dạy cách đặt và vận hành đường sắt. Những người học trò Nhật Bản đã học hành rất chăm chỉ để rồi những năm đầu thế kỷ 20 có được một hệ thống đường sắt hoàn chỉnh.

Ngành đường sắt Nhật Bản được cả thế giới ngưỡng mộ về khả năng quản lý và kỹ thuật cao cấp của họ.

Người ta đã thống kê, mỗi năm đường sắt Nhật Bản chuyên chở 22,65 tỷ lượt hành khách.

Nếu chia đều cho 125 triệu dân Nhật thì bình quân mỗi người Nhật đi 200 chuyến tàu mỗi năm. Gần 60% lượng hành khách đường sắt là di chuyển gần hoặc trong phạm vi trung tâm những đô thị lớn.

Ðiều ấy cho thấy, nếu không có tàu chở khách đi làm hằng ngày thì tình trạng tắc nghẽn giao thông tại các đô thị chẳng thể tránh khỏi.

Nhật Bản có một hệ thống đường sắt chằng chịt khoảng 27.000 km, gần 20.000 km trong hệ thống này trước thuộc Ðường sắt quốc doanh Nhật Bản (nhóm JR).

Ðường sắt Nhật Bản hiện nay nối liền các đảo chính: Honshu, Hokkaido, Shi-kô-ku và Kyu-shu, bằng một hệ thống 119.854 cây cầu với tổng 2.678 km chiều dài vượt sông, vượt biển, với 4.764 đường hầm qua núi qua biển, mà đường hầm Sei-kan thuộc tuyến tàu JR Tsugaru Kaikyo dài tới 53,85 km, ở sâu 148 mét dưới lòng vịnh Tsugaru, là đường hầm dài nhất trên thế giới.

Nòng cốt của hệ thống đường sắt JR là những tàu viễn hành cao tốc Shinkansen chạy trên năm tuyến chính và hai tuyến nhánh, có chiều rộng đường tiêu chuẩn quốc tế 1.435 mm. Tàu Nozomi là loại tàu chạy nhanh nhất, đạt tốc độ tới 300 km/giờ. Tàu Yamabiko thuộc tuyến Tô-hô-ku có thể đạt đến 275 km/giờ. Các tuyến JR khác chỉ rộng 1.067 mm truyền thống, cộng với địa hình ngoằn ngoèo, dốc dương ở nhiều vùng núi non khiến tốc độ các tuyến này bị hạn chế, song họ biết cải biến hệ thống cũ thành kích thước tiêu chuẩn.

Hành khách đi tàu Shinkansen từ Tokyo đến Yamagata và A-ki-ta không còn phải đổi tàu nữa. Tàu Tshu-ha-sa và Kô-ma-chi có thể chạy với tốc độ 240 - 275 km/giờ trên đường sắt Shinkansen, rồi giảm tốc về 130 km/giờ để chạy trên đường truyền thống đã được cải biến phù hợp. Tuyến Sanyo và Shinkansen và tuyến Sanyo cũ cùng chạy qua dưới eo biển Kammon và Tân Kammon để nối liền hai đảo Honchu và Kyushu. Ở phía bắc đường hầm Seikan nối liền hai đảo Honshu và Hokkaido, còn Honshu và Shikoku được nối liền bằng cầu Seto Ohashi cho cả đường sắt và đường bộ.

Ngày nay trên thế giới, máy bay và ô-tô đang giành hành khách của đường sắt. Tuy vậy đường sắt vẫn có cách khai thác những ưu thế để giành lại hành khách cho mình.

Một trong những cách ấy là khai thác tàu cao tốc trên những đoạn đường tầm trung. Kiểu tàu Nozomi chạy trên 1.069 km tuyến giữa Tokyo và Hakata chỉ trong vòng 4 giờ 49 phút. Tàu Asama chạy từ Tokyo đến Nagano chỉ mất 1 giờ 19 phút mà trước đây phải mất ba giờ.

Tàu siêu dẫn MAGLEV dùng nguyên lý sức đẩy từ tính không chạm đường ray cho tàu chạy thật êm với tốc độ cao, có thể chạy tuyến Tokyo - Osaka xuyên qua những vùng đồi núi của miền trung Nhật Bản dài 552 km, không kém tốc độ máy bay đường ngắn.

Tàu đường sắt Nhật Bản chạy đúng giờ và an toàn. Tàu Shinkansen thường chạy với tốc độ trung bình hơn 200 km/giờ nhưng chưa bao giờ gây tai nạn trầm trọng.

Ở các trung tâm đô thị, vào giờ cao điểm thì trên một tuyến cứ hai đến ba phút lại có một chuyến khởi hành. Các nhân viên đường sắt Nhật Bản nỗ lực tìm đủ mọi cách để cung cấp một phương tiện thoải mái và những dịch vụ hoàn hảo cho du khách đến những điểm du lịch, cho những người đi học, đi làm ở những thành phố lớn lúc nào cũng đúng giờ.

Hiện nay trên thế giới số lượng ô-tô đã đến mức báo động, làm gia tăng khí thải gây ô nhiễm không khí và làm trái đất nóng lên.

Thêm vào đó, trữ lượng nhiên liệu hóa thạch và dầu khí của trái đất cũng đang cạn dần, tàu điện vừa có lợi cho con người vừa không làm hại thiên nhiên.

Ðể giải quyết bài toán giao thông, chắc chắn chúng ta càng phải xây dựng nhiều đường sắt hơn nữa, mà Nhật Bản không phải là ngoại lệ.

TẠ ĐỨC MINH
NhanDan