PDA

View Full Version : Xung quanh vấn đề làm ngoài giờ của công nhân Nhật



Kasumi
25-06-2008, 07:54 PM
Nhật Bản có thuật ngữ “karoshi”, có nghĩa là “làm đến chết”. Trong những thành phố lớn như Tokyo hay Osaka, công nhân bắt đầu ngày làm việc rất sớm và đến tận tối mịt mới về. Điều bất công tồn tại bấy lâu nay là họ lại không được tính thêm lương ngoài giờ mà phải chấp nhận đây là việc “tự nguyện”.


http://www.sggp.org.vn/dataimages/original/2008/6/images251676_S5a.jpg
Người lao động Nhật Bản thường phải làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về nhà.

“Tình nguyện” làm thêm giờ

Làm thêm giờ “một cách tình nguyện” từ lâu đã trở thành một điều quen thuộc đối với các công nhân Nhật Bản. Có công nhân có lúc làm thêm đến 80 giờ/tháng mà không nhận thêm phụ cấp nào cả. Lương nhân công trong các nhà máy Nhật Bản, ngay cả những công ty thành công nhất, dường như chẳng thay đổi trong một thập niên nay. Và, những năm Nhật Bản tái cơ cấu nền kinh tế tụt dốc một thời gian dài, công nhân có ít quyền hơn và lương thấp hơn thế hệ trước đó.

Đối mặt với cạnh tranh lương thấp từ Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác, lo sợ thất nghiệp, công nhân làm việc trong các nhà máy ở Nhật Bản không dám đấu tranh để đòi hỏi công bằng hơn cho sức lao động của mình. Không có gì ngạc nhiên khi một cuộc điều tra do Trung tâm năng suất Nhật Bản vì Phát triển Kinh tế - Xã hội thực hiện mùa hè năm ngoái cho thấy, 80% công nhân cho biết sẽ hủy cuộc hẹn nếu sếp yêu cầu làm thêm giờ.

Trong khi đó, một cuộc điều tra của Liên đoàn hiệp hộ thương mại Nhật Bản cho thấy 2/3 công nhân nam được hỏi nói rằng, họ làm ngoài giờ hơn 20 giờ/tháng nhưng không được trả thêm lương. Sự bất công trong việc trả lương cho công nhân ở Nhật giờ đang thay đổi. Toyota và McDonald’s nằm trong số các công ty dẫn đầu cuộc cải tổ trong các chính sách làm thêm giờ.

Phải trả tiền cho người làm thêm giờ

Từ tháng 6 này, Toyota bắt đầu trả thêm lương ngoài giờ cho 40.000 công nhân làm việc trong các nhà máy của mình tham gia chương trình kiểm soát chất lượng ngoài giờ. Những giờ làm thêm này từ trước đến nay được xem là “tình nguyện”.

Quyết định trên được đưa ra sau khi một tòa án ở Nagoya ra phán quyết liên quan đến một công nhân của Toyota 30 tuổi bị đột tử năm 2002, sau khi ngoài giờ làm việc chính đã “tình nguyện” làm thêm hơn 100 giờ/tháng mà không có thêm một khoản phụ cấp nào.

Tòa án đã không đồng ý với ý kiến của Văn phòng Giám sát tiêu chuẩn lao động thành phố Toyoda (nơi Toyota đặt trụ sở chính) rằng, Toyota không có trách nhiệm phải bồi thường cho công nhân kể trên vì công việc của anh là “tình nguyện”.

Tương tự, McDonald’s Holdings, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh lớn nhất Nhật Bản, thông báo hồi tháng 5 rằng sẽ bắt đầu trả thêm tiền làm ngoài giờ cho các quản lý nhà hàng của họ. Giống trường hợp của Toyota, quyết định của McDonald’s đưa ra sau khi có một phiên tòa.

Hồi tháng giêng, Tòa án khu vực Tokyo cho rằng công ty đã sai phạm trong việc tạo ra những vị trí quản lý giả mạo để tránh trả tiền làm thêm giờ cho nhân công. Theo luật lao động Nhật Bản, các công ty không phải trả tiền cho các nhà quản lý và người giám sát. Tòa án thấy rằng nhiều “nhà quản lý” của McDonald’s thực sự không phải làm công việc quản lý mà chỉ là những nhân công bình thường. Sự kiện rùm beng lên, và McDonald’s không muốn hình ảnh của mình bị xấu đi trước công chúng, đã phải thay đổi chính sách để trả lương ngoài giờ cho các “nhà quản lý” của họ.

Từ phát pháo ban đầu của Toyota và McDonald, nhiều công ty khác ở Nhật Bản đã bắt đầu xem xét lại chính sách trả lương của mình. Hồi tháng 3, Seven-Eleven Japan bắt đầu trả tiền làm thêm giờ cho hơn 500 “quản lý” tại các cửa hàng của họ. Aoyama Trading, nhà bán lẻ quần áo nam lớn nhất của Nhật Bản, đã trả tiền làm thêm giờ cho hơn 900 quản lý cửa hàng từ tháng 4.

Nhiều công nhân chưa dám nhận có làm thêm giờ

Một thách thức lớn hơn đối với các công ty cố gắng trả lương ngoài giờ cho công nhân làm thêm giờ là thuyết phục họ báo chính xác tổng số giờ họ đã làm. Bất chấp tỷ lệ thất nghiệp thấp của Nhật Bản, nhiều công nhân lo sợ bị thải hồi đã né tránh trả lời chính xác số giờ mình đã làm. Điều này ngày càng trầm trọng hơn ở Nhật Bản. Và vì thế, không có gì là lạ khi một công nhân Nhật Bản có thể làm một công việc tại một công ty cho đến hết đời.

Năm ngoái, nhà sản xuất cà phê Key Coffee đã thất bại khi muốn trả 20 triệu USD hay 1,15 triệu giờ làm việc ngoài giờ cho 1.000 trong số 1.100 nhân viên của họ bởi vì những nhân viên này đã không chịu khai báo lại số giờ làm việc của họ. Nằm trong chính sách cải tổ tiền lương của mình, McDonald’s lập ra một ban giám sát theo dõi số giờ làm việc của người lao động của mình để giúp họ tự tin hơn khi báo chính xác số giờ họ đã làm việc cho công ty.

Thay đổi trong chính sách tiền lương, tính thêm phụ cấp làm thêm giờ là một tín hiệu đáng mừng ở Nhật Bản. Tuy nhiên, điều này cũng đang gây không ít lo lắng. Các nhà phân tích e rằng những thay đổi có thể làm tổn thương các ngành kinh doanh vào thời điểm nền kinh tế Nhật Bản đang phát triển chậm dần và lạm phát gia tăng, chịu sức ép từ kinh tế khó khăn của thế giới.

Trong lĩnh vực thức ăn nhanh, động thái của McDonald’s chắc chắn ảnh hưởng đến các đối thủ. Theo cuộc điều tra của Nikkei Marketing Journal, bất chấp phiên tòa của McDonald’s, hầu hết 70% những người điều hành cửa hàng vẫn còn xem các nhân viên làm việc cho họ là những “quản lý” và lờ đi việc trả lương ngoài giờ vì nếu họ buộc phải theo như McDonald’s, công ty sẽ phải tăng chi phí nhân công vào thời điểm lạm phát thực phẩm đang tăng cao.

ĐỨC ANH (Theo Bussiness Week)
SGGP