PDA

View Full Version : Nhật Bản và nền công nghiệp robot ấn tượng



Kasumi
25-06-2008, 10:01 PM
Trong nhiều năm trở lại đây, ngành công nghiệp robot Nhật Bản ngày một phát triển mạnh mẽ. Các thế hệ robot thông minh phục vụ trong các ngành công nghiệp sản xuất, giải trí, điều khiển hệ thống... lần lượt được ra đời và ứng dụng hiệu quả trong đời sống sản xuất, sinh hoạt thường nhật của con người. Câu hỏi được đặt ra là tại sao người Nhật lại say mê, hứng thú với những con robot đến như vậy?

Đủ các thể loại robot


http://www.sggp.org.vn/dataimages/original/2008/6/images252340_x5a.jpg
“Cún cưng” AIBO được trẻ em yêu thích.

Trung tuần tháng 6 vừa qua, một công ty của Nhật có tên gọi là Sega Toys đã cho ra mắt dòng sản phẩm robot “bạn gái”, cao 38 cm có tên gọi là EMA (Eternal Maiden Actualization-tạm dịch Trinh nữ). EMA chính thức được tung ra thị trường vào tháng 9 tới với giá 175 USD/sản phẩm.

Thị trường mà Sega Toys nhắm đến là những người đàn ông độc thân, cần có bạn gái để chia sẻ tình cảm. Minako Sakanoue, người phát ngôn của Sega, cho biết EMA “rất đáng yêu và mặc dù không phải là con người, “cô ấy” có khả năng thể hiện như một người bạn gái thực sự”. EMA có thể hát, nhảy múa và gửi tặng bạn trai của mình một nụ hôn nồng cháy. Đây lại là một bước tiến nữa trong chiến lược “đưa robot đến với mọi nhà” của các công ty sản xuất robot tại Nhật Bản.

Trải qua nhiều thời kỳ phát triển, robot của Nhật Bản có thể được phân thành 9 loại như sau. Thứ nhất, robot giải trí có vóc dáng giống người (Humanoid). Tiêu biểu cho loại robot này là Asimo được Hãng Honda sản xuất. Asimo có thể đi lại thậm chí cả chạy với tốc độ 6 km/giờ, có thể thực hiện những câu chào hỏi đơn giản. Trong dòng sản phẩm này, có phân nhánh phát triển đến mức độ cao hơn là robot giống y hệt con người từ vóc dáng đến cử chỉ, hành động (Android).

Một trong những robot đại diện cho dòng sản phẩm này là Actroid, một robot có bề ngoài như một cô gái được giới thiệu tại Hội chợ Expo 2005 tại Nhật Bản. Thứ hai, đó là dòng robot động vật. Với việc AIBO-một chú chó robot-xuất hiện, người tiêu dùng Nhật Bản đã được biết đến “một giống thú cưng” mới không phải mất công cho ăn hay dọn vệ sinh.

Thứ ba là các robot phục vụ cho công tác xã hội như robot trông coi bệnh nhân, dọn vệ sinh nơi công cộng... Thứ tư là robot an ninh, bảo vệ như Guardrobo D1 được sản xuất bởi Công ty Sohgon hay Banryu của Sanyo hợp tác với TMSUK. Thứ năm là các robot sử dụng trong gia đình. Thứ sáu là các loại robot có khả năng di động cao. Thứ bảy là robot cứu hộ. Thứ tám là robot thiết kế như người phục vụ trong công nghiệp và cuối cùng là robot công nghiệp.

Những lý do người Nhật yêu robot

Có thể nói, trong vài thập niên qua, việc sử dụng robot trong sản xuất tại “xứ sở hoa anh đào” đã đem lại nhiều hiệu quả về kinh tế và xã hội như: tăng năng suất, cải tiến chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguồn vật liệu, giảm thiểu tai nạn lao động... Những hiệu quả kinh tế và xã hội xuất phát từ thực tế là robot công nghiệp rất đa dạng và linh hoạt, hoạt động như con người.

Chắc không nhiều người biết nền công nghiệp robot Nhật Bản được bắt đầu từ cuối những năm 1960 bằng việc nhập khẩu công nghệ tiên tiến của Mỹ. Trong thời điểm nền kinh tế phát triển nhanh như vũ bão và thiếu lao động lành nghề, robot xuất hiện có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của Nhật Bản.

Năm 1968, Công ty Công nghiệp nặng Kawasaki đã đặt nền móng đầu tiên cho ngành công nghiệp robot Nhật Bản bằng việc cho sản xuất những robot đầu tiên dựa trên công nghệ của Mỹ. Cùng vào năm đó, Công ty Ishikawajima-Harima và Công ty Điện tử Yasukawa bắt đầu bán các hệ thống robot dựa trên kỹ thuật của Nhật Bản. Ba năm sau, hội nghị robot công nghiệp đầu tiên được tổ chức, với sự tham dự của 35 công ty. Tiếp những năm sau đó, 10.000 hệ thống robot đã được sản xuất mỗi năm.


http://www.sggp.org.vn/dataimages/original/2008/6/images252342_x5b.jpg
Các robot lắp ráp trong một nhà máy sản xuất ô tô.

Bất ngờ là ở chỗ từ một nước nhập khẩu công nghệ, Nhật Bản đã vươn lên trở thành cường quốc số 1 trong lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật cao này. Một trong những lý do chính là Chính phủ Nhật Bản rất chú trọng khuyến khích phổ biến sử dụng, nghiên cứu và phát triển robot, nhất là từ những năm 80.

Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách, biện pháp hỗ trợ như lập cơ cấu cho vay dài hạn với lãi suất thấp để khuyến khích đầu tư vào các thiết bị tiết kiệm nhân lực, lập một cơ cấu thuế để khuyến khích đầu tư vào thiết bị hiện đại trong các công ty vừa và nhỏ, trợ cấp đặc biệt cho những công ty vừa và nhỏ sử dụng robot công nghiệp để đảm bảo an toàn lao động...

Ngoài ra, một vài lý do khác cũng ảnh hưởng đến việc sử dụng rộng rãi robot trong sản xuất. Thứ nhất, là tình trạng thiếu nhân công trầm trọng vào những năm 60 - thập niên mà nước Nhật có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhưng lại thiếu lao động lành nghề. Thứ hai, cuộc khủng hoảng dầu lửa đầu tiên vào tháng 10-1973 khiến Nhật phải hạ thấp mức tăng trưởng kinh tế.

Để đối phó với tình trạng lạm phát, các công ty phải cải tiến mạnh mẽ để nâng sản lượng. Do đó, các công ty đã đầu tư nhiều hơn vào máy móc tự động. Thứ ba, tỷ lệ tăng của lực lượng lao động ở Nhật Bản thấp, và điều này cũng làm tăng nhu cầu phải nâng cao sản lượng để đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm.

Ngoài ra yêu cầu đòi hỏi phải ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh tật do nghề nghiệp vất vả, nguy hiểm ngày càng cao nên các công ty phải tăng cường sử dụng robot công nghiệp... Ngoài việc đưa robot vào sản xuất công nghiệp, các công ty Nhật Bản đang tham vọng đưa khoảng 30.000 robot đến với các gia đình Nhật Bản trong vòng 5 năm tới.

Theo điều tra mới nhất được đưa ra, khoảng 20% dân số Nhật có độ tuổi trung bình trên 65. Và những người già cao tuổi cần người chăm sóc lại là thị trường hấp dẫn để các nhà sản xuất tiếp tục phát triển các robot thông minh.

ĐỖ CAO (Tổng hợp)
SGGP