PDA

View Full Version : Những cô dâu ngoại kiều xứ Phù Tang



Kasumi
01-07-2008, 09:11 PM
Nguồn: toiyeunhatban.wordpress.com

Những cuộc hôn nhân với phụ nữ nước ngoài - đặc biệt giữa các cô gái châu Á và những người đàn ông nông thôn nhiều tuổi - đang tăng lên tại Nhật Bản. Xu hướng kể trên khiến người ta phải có cái nhìn mới đối với các đạo luật và thái độ lâu nay ở Xứ Anh Đào về vấn đề này…

Nông thôn Nhật Bản lâu nay vốn bài ngoại nhưng hiện đang vật lộn trong cơn sốt thách thức những truyền thống bao đời. Tại nhiều vùng rừng núi ở Nhật, thứ “hàng hóa” được lùng tìm nhiều nhất hiện nay là một cô dâu người nước ngoài.

“Khi tôi 35 tuổi, tôi bắt đầu cố gắng lập gia đình. Tôi cố gắng 10 năm trời nhưng không thể kiếm được vợ”, ông Igarashi Eibi, một chủ cửa hàng cho biết như vậy. Gìờ đây, ở tuổi 51, ông vấp phải thực tế phũ phàng: không một người phụ nữ Nhật Bản hiện đại nào muốn sống cùng ông và bà mẹ ông tại cái vùng Tadami hẻo lánh và cổ lỗ, dân số chỉ có chưa đầy 6000 người mà vẫn trên đà giảm sút. “Tôi tự nhủ rằng nếu không lấy được một cô vợ từ Thái Lan thì tôi sẽ sống một mình nốt quãng đời còn lại”. Với suy nghĩ ấy, ông Igarashi sang Thái Lan và kiếm được tới 2 cô dâu Thái. Ông bỏ ra tới 23.000 đôla để cưới cô đầu tiên nhưng rồi cô này không chịu sang Nhật Bản, thậm chí sau khi ông đã tặng gia đình cô đủ thứ quà cáp, khiến ông bị mất mặt với làng xóm và đâm ra buồn chán một thời gian. Quyết tâm “thử vận mệnh” lần cuối, ông sang Thái Lan lần thứ hai và chọn được cô Mui 20 tuổi trong số 30 cô mà công ty môi giới hôn nhân giới thiệu.

Sáu năm sau, cô Mui không còn phàn nàn về cái lạnh ở Tadami nữa. Cô học nấu món ăn Nhật Bản đủ để làm hài lòng bà mẹ chồng sống chung, lấy bằng lái xe và sinh được 2 cô con gái.

Trường hợp gia đình ông Igarashi là một trong những trường hợp thành công ở xứ tuyết Tadami nhỏ bé. Bên cạnh đó, trong 8 cô dâu ngoại kiều tới đây, 2 cô đã li dị còn cuộc hôn nhân của 1 cô khác, theo như lời hàng xóm, thì đang trục trặc. Tại đây, còn khoảng hơn 100 gã trai độc thân “ngoài băm” đang sục sôi ý muốn cưới vợ nhưng tới nay, không mấy người đủ sức đưa về một cô dâu Nhật.

Các cuộc hôn nhân giữa đàn ông Nhật Bản và phụ nữ nước ngoài - điển hình là giữa những cô gái trẻ Philippin, Thái Lan, Trung Quốc nghèo khổ, li dị hoặc góa chồng với những nguời đàn ông Nhật cao tuổi hơn nhiều - bắt đầu tăng mạnh vào cuối thập niên 80. Thời gian 5 năm gần đây đột ngột có nhiều cô dâu từ Trung Hoa lục địa. Các cô Nhật kiều ở Peru và Braxin cũng là đối tượng hấp dẫn đối với những chàng “quá lứa” muốn con mình giống người Nhật

Theo Bộ Tư pháp Nhật Bản, trong năm 1995 có gần 245.000 người nước ngoài, kể cả trẻ em, sống tại Nhật theo thị thực cấp cho gia đình trong khi con số này vào năm 1990 là 130.000 người. Theo Bộ Y tế-Phúc lợi, trong năm 1995 có hơn 19.500 đàn ông Nhật lập gia đình với các phụ nữ Triều Tiên, Trung Quốc, Philippin, Thái Lan, Braxin hoặc Pêru. Hơn 1,7% trẻ sinh ra trong năm 95 có bố mẹ là người nước ngoài. Con số này quá nhỏ so với nước Mỹ nhiều người nhập cư song là khá lớn đối với đảo quốc Nhật Bản vì họ từng cấm người nước ngoài nhập cảnh suốt hơn 200 năm, cấm các cuộc hôn nhân với người nước ngoài cho đến năm 1873 và hiện vẫn có tư tưởng đồng nhất về sắc tộc và văn hóa.

Sự gia tăng dần của các cô dâu nước ngoài và những đứa con lai đang buộc Nhật Bản phải xem xét lại các đạo luật cũng như thái độ của mình - không chỉ ở thủ đô Tokyo hoặc các thành phố lớn mà cả những làng quê nơi 30 năm trước, nhiều người dân không hề nhìn thấy người nước ngoài nào, trừ phi trên truyền hình.

Một số nhà phê bình coi các cuộc hôn nhân sắp xếp nói trên là hậu quả của việc nâng cao vị trí của phụ nữ Nhật Bản. Ngày nay, hàng triệu các cô gái xứ Anh Đào thà độc thân suốt đời còn hơn sắm vai trò buồn tẻ của một cô dâu thôn quê. “Người ta muốn lấy vợ chủ yếu là để có thêm lao động. Cho nên không một phụ nữ Nhật Bản nào muốn sắm cái vai như vậy”, đó là ý kiến của bà Kawahara Takiko, người đã chứng kiến khoảng 60 cô dâu nước ngoài, hầu hết là người Trung Quốc, đến cái thị xã nông nghiệp của bà ở tỉnh Yamagata, ”Phụ nữ Nhật Bản có những lựa chọn tốt hơn”.

Nhưng đàn ông Nhật Bản thì không có nhiều khả năng mà chọn lựa, nhất là khi họ là con cả trong các gia đình nông thôn. Họ có bổn phận phải tiếp tục dòng dõi của gia đình và chăm sóc cha mẹ già - và điêu này có nghĩa là tìm một cô vợ để thực thi bổn phận đó của họ.

Một cô dâu không hề nghĩ đến mình mà chỉ nghĩ đến người khác, tiếng Nhật gọi là o-yome-san, là người phải dậy sớm nhất nhà và đi ngủ muộn nhất. Trong khoảng thời gian kể từ khi ngủ dậy đến khi đi ngủ, cô phải làm việc trong nhà và ngoài đồng, phục vụ bố mẹ chồng cũng như đấng phu quân, nuôi dạy con cái, chăm sóc phần mộ tổ tiên của gia đình chồng. Còn những ý kiến riêng thì… nên giữ cho bản thân mà thôi. Tại những vùng tư tưởng còn bảo thủ, người ta gọi cô là o-yome-san cho tới khi bà mẹ chồng tạ thế. Có những gia đình mà cụ nội vẫn còn sống nên bà nội 60 tuổi vẫn là o-yome-san, và cụ nội vẫn chỉ đạo cả gia đình tuy tuổi đã ngót nghét chín mươi hoặc hơn.

Trong nhiều gia đình nông dân, nhiều bà mẹ không quên thời kỳ làm dâu đầy gian khó nên muốn con gái có một cuộc sống tốt hơn. Khi kiếm vợ cho con trai thì các bà vẫn chọn các o-yome-san nhưng lại muốn con gái lấy một ông chồng làm công ăn lương trên thành phố.

Katsunuwa là một vùng trồng nho chỉ cách Tokyo chừng 80 cây số nhưng 250 chàng độc thân tại đây không tài nào quyến rũ được các cô gái Nhật. Hai năm qua, thị trấn này mời các phụ nữ đơn chiếc đến du lịch, ngắm cảnh lá vàng rơi vào mùa thu với mục đích chính là cho họ làm quen với các chàng Romeo ở đây. Nhưng kiểu xe duyên đó hầu như không hiệu quả.

Do tình hình này, Nhật Bản đang thừa khoảng 2,5 triệu đàn ông độc thân tuổi từ 30 đến 59, trong khi các cô gái Nhật - với bằng cấp đại học, nghề nghiệp tốt hơn và tinh thần thích độc lập - quyết định lập gia đình muộn hoặc là “không thèm mắc vào kìm kẹp”. Trong thời gian 10 năm từ 1985 đến 1995, tỉ lệ phụ nữ chưa lập gia đình trong độ tuổi dưới 30 từ 20% tăng vọt lên 50%, còn tỉ lệ phụ nữ độc thân trên 30 tuổi là 20%.

Xưa kia các cô gái 25 tuổi chưa chồng ở Nhật được gọi là “bánh ga-tô Noel”, có nghĩa là có nguy cơ bị ế sau khi mùa Giáng sinh chấm dứt. Giờ đây, các tạp chí của phụ nữ đều khuyên, các cô không cần vội lấy chồng, thời điểm tốt nhất để lập gia đình là khi các cô gái thực sự muốn điều đó.

Nhưng Mui, cô con gái đầu của một gia đình 6 con nghèo khó ở Chiang Mai, miền bắc Thái Lan, đã đồng ý lấy ông Igarashi. “Tôi nghe nói về núi Phú Sĩ, tôi muốn được ngắm hoa đào nở và những thứ khác mà ở Thái Lan không có,” cô nói. Dường như Mui đã tự điều chỉnh phù hợp với vai trò o-yome-san. Ông chồng thì thừa nhận cố gắng rất nhiều để thích nghi với những phong tục hoàn tòan khác của vợ vì sợ cô… bỏ ông mà đi. Nhưng điều quan trọng hơn là mẹ ông Igarashi hài lòng về cô con dâu ngoại quốc.

Trong khi đó, cuộc sống gia đình đối với Luo Ling lại không suôn sẻ lắm. Luo, 25 tuổi, vốn là dân Bắc Kinh. Vị phu quân người Nhật đầu tiên của cô chết vì ung thư phổi sau 3 tháng kể từ khi cưới. Cô bỏ đứa con đang mang trong bụng và chấp nhận lời cầu hôn của một trong 4 người Nhật Bản bắt đầu tán tỉnh cô ngay sau lễ tang. Hiện người ta gọi cô bằng một cái tên Nhật. Hàng ngày cô phải chăm sóc bà mẹ chồng nằm liệt giường và ông bố chồng ốm yếu nhưng cả hai không hài lòng về cô. Chồng cô muốn có con ngay nhưng cô bí mật làm cho không thể mang bầu vì chưa rõ cuộc hôn nhân này có kéo dài hay không. Cô tâm sự “Chẳng hiểu ông xã nhà tôi nghĩ gì. Trở ngại về ngôn ngữ khiến chúng tôi không thể gần nhau”.

Hồi ở Trung Quốc, Nhật Bản trong suy nghĩ của Luo Ling là những tòa nhà chọc trời, là máy Walkman của Sony và tiền yen dư thừa. Nay ông chồng của cô không thuộc loại “thoáng” cho lắm nên mỗi tháng chỉ đưa cho cô khoảng 100 đôla tiêu vặt. Để kiếm thêm tiền, cô bắt đầu nhận lắp đồ điện tử tại nhà. “Tôi đã chọn cuộc sống này nên tôi phải cố gắng thu xếp. Nhưng nói thật, nhiều khi tôi muốn về nước”, đó là phát biểu của cô gái này.

Các cô dâu nước ngoài còn phải chịu sức ép khủng khiếp về việc phải mau chóng sinh con. Kawabata Mayumi, một nhà họat động xã hội người Nhật kể lại: “Một phụ nữ Triều Tiên nói với tôi rằng, sáng nào bà mẹ chồng cũng hỏi: ‘Tối qua thế nào?’”

Nhiều người cho rằng việc người Nhật lấy vợ nước ngoài là một hình thức bóc lột. Không ít cô dâu đã trốn chạy khỏi những gia đình ngược đãi quá đáng. Số khác thì nêu lên những mặt trái của các cuộc hôn nhân với người nước ngoài qua việc nhiều phụ nữ chỉ mong vào được thị trường lao động bất hợp pháp lớn nhất và quyến rũ nhất thế giới là Nhật Bản. Một số “cô dâu” trả tiền cho các ông chồng để có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, số khác thì đá bay các đức lang quân ngay khi đặt chân lên đất Nhật.

Dù sao, sự xuất hiện của các cô dâu người nước ngoài cũng đang mang đến những đổi thay cho cuộc sống tại một số vùng nông thôn. Các cô dâu người Thái Lan tại làng Tadami thường dựng quầy hàng ăn dân tộc mỗi khi làng có hội, các cô dâu người Hoa ở một số thị xã thì hay được mời đi dạy nấu ăn. Một vùng có hơn 1000 cô dâu người nước ngoài đã bắt đầu chương trình giáo dục văn hóa quốc tế cho cư dân địa phương, một phần để những đứa trẻ con các bà mẹ ngoại kiều này không bị chúng bạn trong lớp trêu chọc. Những thị trấn này trở nên quốc tế hóa, nhiều người trong đời chưa từng mua từ điển thì nay mua những cuốn sách hội thoại tiếng Trung. Tại vài ngôi làng nhỏ, thậm chí các bà cụ 80, 90 tuổi cũng nói “ni hao” (xin chào). Trong một số gia đình, các bà mẹ chồng không còn đối xử với các cô dâu người nước ngoài như o-yome-san nữa.

Hoshi Aiko, 36 tuổi, một phụ nữ người Hoa gốc Triều Tiên, lập gia đình với một thợ mộc ở Tadami cách đây 2 năm cho biết, cô đang cố trở thành người Nhật. “Tôi muốn học tiếng Nhật, học các phong tục ở đây và là một người vợ tốt”, cô nói. Vì Hoshi phải đi làm nên khi về nhà, bà mẹ chồng 77 tuổi không cho cô nhúng tay vào việc bếp núc, dọn dẹp hay giặt giũ. Hoshi tâm sự: “Cô con gái duy nhất của mẹ chồng tôi đã cưới một anh chàng người Mỹ và sang Mỹ sinh sống. Mẹ chồng tôi nói, muốn tôi trở thành con gái của bà”.