PDA

View Full Version : Nhật báo (Shimbun)



Kasumi
01-07-2008, 09:28 PM
Nguồn: toiyeunhatban.wordpress.com

Báo in của Nhật mới có lịch sử gần 150 năm nhưng đã phát triển vô cùng mạnh mẽ và đóng vai trò to lớn trong cuộc sống. Số lượng báo tính theo dân số của Nhật Bản hiện cao nhất thế giới.

Tờ báo hiện đại đầu tiên của Nhật Bản là tờ “Quảng cáo và danh mục vận tải biển Nagasaki”. Đây là một tờ báo tiếng Anh, của ông A.W. Hansard người Anh, phát hành 2 số mỗi tuần bắt đầu từ năm 1861 tại Nagasaki. Năm 1862, chính quyền tướng quân Tokugawa bắt đầu ấn hành Kampan Batabiya shimbun - là bản dịch và biên tập lại của tờ Javasche Courant, cơ quan của chính phủ Hà Lan tại Inđônêxia. Tuy nhiên, trên hai tờ báo này chỉ có tin nước ngoài. Những tờ báo đăng tin trong nước ra đời năm 1868 tại Edo (nay là Tokyo), Osaka, Kyoto và Nagasaki. Tờ Chugai shimbun, một hình mẫu cho các tờ báo sau này, vừa đăng tải tin quốc nội, vừa dịch lại các báo của nước ngoài.

Nhật báo tiếng Nhật đầu tiên là tờ Yokohama mainichi shimbun, xuất hiện năm 1871. Tờ Tokyo nichinichi shimbun (tiền thân của tờ Mainichi shimbun), Yubin hochi shimbun (tiền thân của tờ Hochi shimbun), và tờ nhật báo địa phương lâu đời nhất còn hoạt động, tờ Kochu shimbun (tiền thân của tờ Yamanashi nichinichi shimbun) đều bắt đầu vào năm 1872.

Hầu hết các tờ báo trong thời kỳ đó được coi là các “diễn đàn chính trị” vì đều kêu gọi thành lập quốc hội, đồng thời đăng tải chính kiến của Phong trào tự do và dân quyền (Jiyu Minken Undo). Nhưng sau khi quốc hội đã được thành lập, các tờ báo này gần như trở thành cơ quan phát ngôn của các đảng mới thành lập và được gọi là oshimbun (báo lớn). Koshimbun (báo nhỏ) là những tờ báo được đông đảo độc giả ưa chuộng, đăng tải các tin tức địa phương, những bài viết về các chủ đề hấp dẫn và truyện ngắn. Tờ Yomiuri shimbun ra đời năm 1874 là một ví dụ về loại này.

Khoảng năm 1880, những nhật báo theo quan điểm đưa tin khách quan nở rộ, một phần vì sức ép mạnh mẽ của chính phủ khiến các tờ báo lớn bị sụp đổ. Tờ Asahi shimbun xuất hiện năm 1879 ở Osaka, còn tờ Jiji shimpo vào năm 1882 tại Tokyo. Vào thập niên 90 của thế kỷ 19, chỉ số phát hành của các báo tăng vọt nhờ sử dụng rộng rãi máy in quay, trong khi mức độ phát triển của quảng cáo đã biến các tờ báo của Nhật thành những công ty kinh doanh quy mô lớn.


http://toiyeunhatban.files.wordpress.com/2007/10/docbaonhat.jpg?w=500&h=337

Khi trận động đất Tokyo vào năm 1923 phá hủy gần như toàn bộ thủ đô, chỉ sau một đêm, hai tờ báo có trụ sở tại Osaka là Asahi và Mainichi trở thành 2 tờ báo quốc gia lớn nhất, hầu như thống trị toàn bộ ngành xuất bản báo chí của Nhật Bản. Hoạt động định hướng ý kiến độc giả của các tờ nhật báo dần dần giảm đi vì các báo quay sang chú trọng đến lợi nhuận và phải đáp ứng nhu cầu của đông đảo độc giả. Sức ép của chính quyền và giới quân sự cũng làm cho chính sách biên tập của các báo bị yếu đi.

Báo chí bị đặt hoàn toàn dưới quyền kiểm soát của chính phủ từ khi nổ ra chiến tranh Nhật-Trung năm 1937 cho tới khi kết thúc Thế chiến 2 vào năm 1945. Báo in bị hạn chế và nhiều báo bị buộc phải hợp nhất với nhau. Số lượng nhật báo giảm từ 848 tờ năm 1939 xuống còn 54 tờ vào năm 1942.

Các báo được tự do cạnh tranh trở lại sau khi những quy định thời chiến cũng như các nguyên tắc kiểm soát báo in bị bãi bỏ vào năm 1951. Kiểu cùng một tờ báo ra cả số sáng và tối cũng được phục hồi sau thời gian bị đình chỉ, và các tờ báo lớn bắt đầu ra ấn bản tại địa phương.

Khi các tạp chí tuần, truyện tranh và truyền hình trở nên phổ biến, các nhật báo bắt đầu tập trung vào việc đưa tin và quảng cáo. Nhưng cũng như ở những nước khác, tiến bộ về phát thanh và truyền hình khiến báo in không sánh kịp về việc đưa tin nhanh nên buộc phải quay sang các bài viết chi tiết và bình luận tin tức. Vào cuối những năm 70 và trong thập niên 80, hoạt động của các báo Nhật Bản trở nên hiệu quả hơn nhờ sử dụng thông tin vệ tinh và vi tính hóa toàn bộ các khâu, từ đưa tin đến biên tập, chế bản và in ấn.

Theo thống kê năm 1994, ở Nhật có 122 tờ báo ngày với tổng số phát hành hơn 53 triệu bản, tính trung bình 581 bản/1000 dân, cao nhất thế giới. Chỉ số phát hành của các tờ báo hàng đầu lớn hơn rất nhiều so với những tờ nổi tiếng của Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Trung Quốc. 5 tờ nhật báo lớn tính thứ tự theo chỉ số phát hành là Yomiuri shimbun, Asahi shimbun, Mainichi shimbun, Nihon keizai shimbun và Sankei shimbun. Tờ Yomiuri trong năm 96 phát hành trung bình mỗi ngày 10.153.000 bản, tờ Asahi là 8.349.000 bản, tờ Mainichi là 3.950.000 bản.

Một đặc điểm độc đáo trong ngành báo chí Nhật Bản là mạng lưới đưa báo đến tận nhà, vốn là sáng kiến của tờ Hochi shimbun từ năm 1903. 92,9% số báo ở Nhật Bản được bán thông qua mạng lưới này, chỉ có 6,6% bán tại các quầy báo và 0,5% gửi qua bưu điện hoặc các hình thức khác. Trên toàn quốc có hơn 23.000 đại lý đưa báo với khoảng 480.000 nhân viên và 75.000 trong số này là các thanh thiếu niên từ 12 đến 18 tuổi.