PDA

View Full Version : Chân dung và tiểu sử các võ sĩ đạo thời chiến quốc



Nelvil
14-09-2008, 11:43 AM
Xin post 1 bài viết về các anh hùng của Nhật Bản thời xưa để chúng ta biết rõ thêm về lịch sử Nhật Bản. Nguồn lấy từ Wikipedia. Pics do tui làm

1.Nobunaga Oda (23/6/1534 - 21/6/1582)
http://farm4.static.flickr.com/3231/2855167156_7b88ab84e6_m.jpg

-Là một daimyo trong thời kỳ Sengoku của lịch sử Nhật Bản. Ông là người có có công rất lớn trong việc thống nhất Nhật Bản, chấm dứt thời kỳ chiến loạn kéo dài trên khắp cả nước.

-Oda Nobunaga là con trai của Oda Nobuhide, một daimyo nhỏ làm thuộc hạ cho các daimyo lớn và được trao cho quyền cai trị một vùng đất nhỏ tại tỉnh Owari. Do chơi bời lêu lổng, không chịu tuân theo các quy tắc ứng xử của giới võ sĩ lúc đó, nên Nobunaga không được lòng cha. Khi cha qua đời năm 1551, em trai Nobunaga mới là người được chọn nối nghiệp. Nobunaga đã thuê một đội quân để đánh úp em mình và tự mình thành người kế thừa các đặc quyền của dòng họ Oda.
-Trước hết, Nobunaga xây dựng quân đội của mình không phải từ những nông dân trong lãnh địa của mình, mà từ những kẻ du thủ du thực chiến đấu vì tiền. Nói cách khác, ông sử dụng lính đánh thuê. Các daimyo khác đều dùng nông dân trong lãnh địa của mình làm quân lính của mình. Họ trung thành với chủ, có kỷ luật, hiểu nhau, có kỹ năng chiến đấu tốt vì được chủ huấn luyện suốt thời gian dài. Song vì là nông dân, nên vào các thời điểm sản xuất nông nghiệp là họ rời bỏ chiến trướng về làm công việc của nhà nông.
-Trái với các daimyo khác vốn chỉ sử dụng những võ sĩ có lai lịch rõ ràng làm thuộc hạ, Oda Nobunaga không câu nệ lai lịch khi dùng người, miễn là họ có thực tài. Điều này cho phép ông chiêu mộ dưới trướng của mình hoặc liên minh được với nhiều anh hùng song lai lịch không rõ ràng trong đó có Toyotomi Hideyoshi và Tokugawa Ieyasu, hai người mà sau này đã hoàn thành sự nghiệp thống nhất thiên hạ của Nobunaga và đều trở thành những shogun.
Tuy nhiên, cách dùng người như thế này cũng đem lại một số bất lợi cho ông đó là ông bị thuộc hạ phản bội không ít lần. Đặc biệt, sự phản bội của một số thuộc hạ thân tín đã dẫn đến cái chết của ông năm 1582 tại chùa Honnō.

Dám đối đầu với cả các thế lực tôn giáo
Oda Nobunaga không ngại các thế lực tôn giáo có vũ trang. Chùa Enryaku của Thiên thai tông trên núi Hiei gần Kyoto trở thành một tổ chức có vũ trang đông đảo và không chịu tuân lệnh ông. Năm 1571, ông đã cho đốt chùa và giết các nhà sư-chiến binh cùng gia đình của họ (các nhà tu hành Phật giáo ở Nhật Bản được phép lấy vợ và có con) tổng cộng lên đến hơn 2 vạn người. Chủ trương này thể hiện tham vọng của ông muốn tiêu diệt triệt để mọi thế lực cản trở sự thống nhất Nhật Bản. Nhưng cũng vì chủ trương này, mà ông trở thành kẻ thù của các thế lực tôn giáo có vũ trang. Cái chết của ông năm 1582 có sự tham gia của các thế lực này.

Có tính cách và đầu óc của một doanh nhân
Giới thương nhân Nhật Bản thời đó thường tham gia các nghiệp đoàn và thường phải chịu nhiều khoản thuế để được yên ổn làm ăn. Oda Nobunaga, tại các vùng đất mình chiếm được, đã xóa bỏ các nghiệp đoàn này và cắt giảm nhiều loại thuế. Nói theo lý luận kinh tế học, thì ông đã thực hiện một chính sách tự do hóa kinh tế, giải điều tiết kinh tế phần nào giống với chính sách của chủ nghĩa tự do kinh tế sau này.
Chính sách trên đã thúc đẩy kinh tế Nhật Bản phát triển theo hướng thị trường. Năng lực sản xuất tăng lên. Giá cả hàng hóa giảm đi cho phép quân đội của Nobunaga đáp ứng quân nhu được tốt hơn. Kinh tế thị trường tự do còn giúp Nobunaga bán được dễ dàng hơn các sản vật từ những vùng mà ông kiểm soát, nên ông có ngân sách quân sự dồi dào hơn. Đấy cũng là những yếu tố giúp cho sự nghiệp quân sự của ông thành công.

Bền chí
Oda Nobunaga không phải là người tinh thông binh pháp và không phải là tướng chiến trường giỏi. Nhưng ông rất kiên trì. Có những vùng đất mà ông tới đánh nhiều lần không được, song ông vẫn không bỏ cuộc. Tuy nhiên, những cuộc đối đầu dai dẳng của ông cuối cùng cũng làm đối phương kiệt quệ và chịu thất bại.

Thống nhất Nhật Bản
Trận Okehazama
Trận Okehazama năm 1560 là trận đánh lớn đầu tiên bên ngoài Owari của Oda Nobunaga. Trong trận này, Nobunaga có ít quân hơn hơn đối phương của mình là Imagawa Yoshimoto, nhưng ông lại là người rõ tình hình thời tiết của vùng này hơn đối phương. Nobunaga đã chờ cho khi có mưa dông mới thúc quân đánh úp vào trung quân của Imagawa. Do đang hành quân trên một tuyến đường hẹp, nên quân của Imagawa bị dàn mỏng, tiền quân và hậu quân cách xa nhau, lại thêm trời mưa nên càng khó liên lạc ứng cứu cho nhau, nên đã rối loạn và bị thua. Trận này làm cho Oda Nobunaga trở nên nổi tiếng.

Tuy nhiên, đây cũng là trận hiếm hoi trong các chiến dịch của Oda Nobunaga mà lối đánh úp được sử dụng và quân số của Nobunaga lại ít hơn đối phương. Đại bộ phận các trận khác, Nobunaga đều huy động quân số đông hơn đối phương, và đương nhiên khó có thể dùng lối đánh bất ngờ được nữa.

[sửa] "Thiên hạ bố võ"

Sau một số thắng lợi quân sự khác tại Mino, năm 1567, Oda Nobunaga để lộ tham vọng muốn chiếm toàn Nhật Bản qua việc tuyên bố khẩu hiệu Tenka fubu (Hán-Việt: Thiên hạ bố võ, nghĩa là "rải võ sĩ khắp thiên hạ"). Cùng thời gian này, ông đã liên kết được với daimyo ở Omi bằng cách gả chị gái mình cho người này. Thế lực của ông tăng lên đáng kể.
Năm 1568, Ashikaga Yoshiaki của dòng họ mạc phủ Ashikaga đã yêu cầu Oda Nobunaga đem quân vào Kyoto để đánh các đối thủ của mình. Nobunaga đã nhân cơ hội danh chính ngôn thuận này mà tiến đánh Kyoto. Sau khi thành công, Nobunaga đã có những hành động lộng hành, khiến cho Ashikaga Yoshiaki, lúc này đã thành shogun, trở thành đối địch với mình. Ashikaga đã liên minh với các daimyo khác chống lại Nobunaga. Ngay cả người anh rể là daimyo xứ Omi cũng quay sang phe chống lại Nobunaga.

Các chiến dịch khác
Năm 1570, Oda Nobunaga và Tokugawa Ieyasu đã cùng nhau tiến hành chiến dịch Anegawa ở gần hồ Biwa vùng Omi đánh bại lực lượng của Azai Nagamasa (anh rể của Nobugata) và Asakura Yoshikage.

Năm 1571, Nobunaga cho tấn công chùa Enryaku, tổng hành dinh của phái Thiên thai tông, đốt chùa, giết hơn 2 vạn người.

Trong thời kỳ từ 1571 đến 1574, Nobunaga tiến hành ba chiến dịch chống lại lực lượng Ikkō-Ikki. Đây là một cuộc nổi dậy mà thành phần tham gia gồm nông dân, các tín đồ tôn giáo, các nhà sư-chiến binh và một số quý tộc địa phương. Lực lượng này là một trong những đối thủ khó khăn nhất của Nobunaga, đương đầu với ông suốt 11 năm trời. Trong hai chiến dịch đầu tiên, Nobunaga là kẻ thua cuộc. Sang chiến dịch thứ ba, ông đã bao vây được lực lượng này tại chùa Ganshō và phóng hỏa đốt cháy họ, giết chết khoảng 2 vạn người. Tuy nhiên, đối phương chưa hoàn toàn bị tiêu diệt.

Năm 1572, Nobunaga cử Tokugawa Ieyasu làm tiên phong đến Mikata ga Hara đánh bại lực lượng của Takeda Shingen, con hổ xứ Kai. Bản thân ông cũng đem quân đi tiếp viện. Nhưng Takeda là người chiến thắng rực rỡ.

Năm 1573, Nobunaga tiến hành chiến dịch quân sự tại thành Hikida ở Omi, đánh bại lực lượng của Asakura Yoshikage. Khi Asakura rút quân về cố thủ tại thành Ichi, Nobunaga truy kích, đánh bại đối phương, phá hủy thành lũy. Cũng trong năm này, ông tiêu diệt hoàn toàn lực lượng của anh rể mình tại thành Odani, ở Owari.

Năm 1574, Nobunaga cho quân đào đường hầm để từ ngoài đánh vào trong thành Itami, lấy được thành này.

Năm 1575, Nobunaga và Tokugawa đẩy lùi được lực lượng của Takeda Shingen đến đánh thành Nagashino ở Migawa.

Năm 1576, Nobunaga mở chiến dịch Mitsuji tấn công lực lượng Ikkō-Ikki, nhưng thất bại. Nobunaga bị thương vào chân trái và bị mất một thuộc tướng. Quân đội của ông bị đối phương bao vây. Đến tháng Tám, ông mở chiến dịch phá vây ở Kizugawaguchi và giành được thắng lợi.
Năm 1577, Nobunaga đánh thành Shigisan. Đối thủ của ông là Matsunaga Hisahide bị thua trận và được hưởng seppuku. Con trai Matsunaga dùng dao đâm vào cổ rồi nhảy từ trên thành xuống tự sát cùng với đầu của cha mình.
Cũng trong năm 1577, Nobunaga cử Shibata Katsuie đem 5 vạn quân đi đánh 3 vạn quân của Uesugi Kenshin. Trận đánh lớn diễn ra bên bờ sông Tedorigawa. Quân của Nobunaga thua trận.

Năm 1581, quân của Nobunaga phá thành Hijiyama ở Iga.

Năm 1582, quân của Nobunaga đánh thắng quân của Takeda Shingen, đẩy lùi quân của Takeda khỏi núi Tenmoku. Cũng trong năm này, vào khoảng tháng Năm, Sáu, quân của Nobunaga đẩy lùi được quân của Uesugi Kenshin khỏi Uzu ở Etchu, chiếm được thành Matsukura.

Tai họa tại chùa Honnō

Tháng 6/1582, Oda Nobunaga đang ở đỉnh cao của thắng lợi. Đối đầu với ông lúc này chỉ còn vài ba lãnh địa. Do đó, ông có phần chủ quan, cử các thuộc tướng của mình đi khắp nơi để củng cố sự cai trị của mình. Ông cũng để đồng minh của mình là Tokugawa Ieyasu tới Kansai để tiếp quản đất đai của lãnh địa Takeda. Ngày 21/6, Nobunaga đi chơi ở chùa Honnō ở Kyoto mà không có quân đội đủ mạnh bảo vệ. Thuộc tướng của ông là Akechi Mitsuhide lúc trước được cử đi hỗ trợ Toyotomi Hideyoshi bất ngờ ập tới tấn công chùa, bao vây Nobunaga bên trong và phóng hỏa. Nobunaga tự sát theo nghi thức seppuku. Người ta không tìm ra thi thể của ông trong đống tro tàn của chùa Honnō-ji. Con trai trưởng của Nobunaga là Nobutada sau đó cũng bị Akechi tấn công và đã phải tự sát. Mộ của Nobunaga vẫn được lập trên núi Koya.

2.Mitsuhide Samanosuke Akechi (1528-2/7/1582) (Onimusha nè^^)
http://farm4.static.flickr.com/3254/2854333389_70d647b1db_m.jpg
-Là con trai của Akechi Mitsukuni ở tỉnh Mino, Akechi Mitsuhide trước theo phò nhà Saito ở tỉnh Mino rồi sau theo nhà Asakura ở tỉnh Echizen khi nhà Saito bị Oda Nobunaga diệt. Năm 1566, vì Asakura Yoshikage cuối cùng ko thể giúp Shogun-lang-thang Ashikaga Yoshiaki nên Akechi Mitsuhide theo phò Yoshiaki, trở thành hộ vệ-người truyền tin cho Yoshiaki. Sau khi Yoshiaki được Oda Nobunaga chấp nhận hỗ trợ thì Akechi Mitsuhide hiển nhiên thành một tướng dưới trướng Nobunaga, nhanh chóng chứng tỏ tài năng lãnh đạo của mình và được Nobunaga trọng dụng.
-Là tướng thân cận nhất và giỏi nhất của Oda Nobunaga (và cả Toyotomi Hideyoshi) nhưng lại phản bội ông. Vào tháng 6 năm 1582, trong lúc chiến tranh với gia tộc Mori (daimyo của những tỉnh từ Kina cho tới mũi miền Tây đảo Honshu) chưa chấm dứt, lợi dụng thời cơ, Akechi đã dẫn quân về và vây chùa Honnō tại Kyoto, nơi mà Oda đã không ngờ lại có sự phản bội này. Oda cùng vợ là No đã thực hiện seppuku. Nhưng chiến thắng đó không kéo dài lâu. Ngay khi nghe tin, Toyotomi lập tức làm hòa với gia đình Mori với lợi thế thuộc về ông rồi lập tức kéo quân về Kyoto và tiêu diệt Akechi cùng toàn bộ quân của ông.

Thân thế
Là con trai của Akechi Mitsukuni ở tỉnh Mino, Akechi Mitsuhide trước theo phò nhà Saito ở tỉnh Mino rồi sau theo nhà Asakura ở tỉnh Echizen khi nhà Saito bị Oda Nobunaga diệt. Năm 1566, vì Asakura Yoshikage cuối cùng ko thể giúp Shogun-lang-thang Ashikaga Yoshiaki nên Akechi Mitsuhide theo phò Yoshiaki, trở thành hộ vệ-người truyền tin cho Yoshiaki. Sau khi Yoshiaki được Oda Nobunaga chấp nhận hỗ trợ thì Akechi Mitsuhide hiển nhiên thành một tướng dưới trướng Nobunaga, nhanh chóng chứng tỏ tài năng lãnh đạo của mình và được Nobunaga trọng dụng.

Chiến tích
-Năm 1577, khi tuyên chiến với nhà Mori và mở chiến dịch xâm lược vùng Chugoku, Oda Nobunaga lệnh 2 đại tướng đắc lực của mình là Akechi Mitsuhide và Hashiba (hay Toyotomi) Hideyoshi lãnh đạo 2 cánh quân chủ lực. Akechi được giao cánh quân phía bắc, tiến theo bờ biển bắc của vùng Chugoku, chiếm tỉnh Tamba và Tango. Đồng thời một sự kiện được cho là nảy mối hiềm khích giữa Mitsuhide và Nobunaga diễn ra: sau khi Mitsuhide thuyết phục nhà Hatano tỉnh Tamba đầu hàng và đưa 2 thủ lĩnh của họ về kinh đô Kyoto, Nobunaga bỗng ra lệnh chém 2 người! Nhà Hatano giận dữ vì sự tráo trở này, làm cách nào đó bắt được mẹ của Akechi Mitsuhide và hành hạ bà ta đến chết! (nhưng dường như điều đó có vẻ hơi bất thường nên ta có thể coi đó như là một sử liệu để tham khảo hơn là sự thật) Có vẻ như Nobunaga ko thích đại tướng đắc lực của mình vì tài làm thơ của Mitsuhide và đặc biệt còn công khai chỉ trích nhiều lần, có lẽ vì chiến dịch xâm lược khu bắc Chugoku ko thành công của Mitsuhide, hoặc là Mitsuhide vốn thù Nobunaga từ khi Nobunaga tiêu diệt chủ nhân cũ của mình là nhà Asakura ở tỉnh Echizen; nhưng có thể chắc chắn một điều là 2 người ko thể ưa gì nhau được.

Năm 1582, Hashiba Hideyoshi cầu viện binh khi phải đối diện với toàn quân nhà Mori. Oda Nobunaga lập tức lệnh cho tất cả các tướng lĩnh của vùng cận kinh đô Kyoto cất bản bộ binh đi viện trợ Hideyoshi, trong đó có 10000 quân của Akechi Mitsuhide. Cuộc chuyển binh làm cho 2000 quân hộ vệ thường trực của Nobunaga chỉ còn 100 người. Và ngày 20 tháng 6 năm 1582, khi Nobunaga đang ở chùa Honno-ji, Akechi Mitsuhide đem binh bao vây và giết chết Nobunaga! Sau đó, Mitsuhide lập tức giết hết tất cả họ hàng của Nobunaga trong phạm vi cho phép, thậm chí đốt hạ thành Azuchi, rồi tự lập làm Shogun! Điều đó có lẽ ko đem lại tiếng tốt gì nên ko có gia tộc nào ở kinh đô ủng hộ Mitsuhide cả. Ko may cho Mitsuhide, trông mong cuối cùng của Mitsuhide, là nhà Mori sẽ giữ chân được Hashiba Hideyoshi đủ lâu cho mình củng cố thế lực, tan thành may khói khi người mang tin cái chết của Nobunaga đến tỉnh Bitchu và bị Hideyoshi bắt được. Hideyoshi hành quân mau chóng về Kyoto sau khi hòa đàm với Mori Terumoto và 2 bên gặp nhau tại Yamazaki ngày 2 tháng 7 năm 1582. Akechi Mitsuhide đại bại và bỏ chạy nhưng bị giặc cướp bắt được, đánh đến chết, trở thành Shogun-13-ngày!

Đánh giá sự nghiệp
-Có lẽ Akechi Mitsuhide sẽ trở thành 1 trong những người nổi tiếng nhất của lịch sử Nhật Bản nếu ko phản phúc vào cuối cùng. Với tài năng cả trong quân sự và chính trị, Mitsuhide hoàn toàn có thể đối chọi với Toyotomi Hideyoshi và thậm chí cả với Tokugawa Ieyasu, lập nên một trang sử riêng vẻ vang cho mình. Nhưng cuối cùng, Mitsuhide qua đời trong cảnh trốn chạy, với tư thế một phản thần, để lại một bí mật lớn về nguyên nhân chính xác tại sao lại tấn công Nobunaga cũng như Mitsuhide đã định làm gì sau đó!.

3.Hideyoshi Toyotomi (2/2/1936-18/09/1598)
http://farm4.static.flickr.com/3035/2854333573_1b46203aa4_m.jpg
-là một daimyo của thời kỳ Sengoku, người đã thống nhất Nhật Bản. Ông kế thừa vị lãnh chúa quá cố của mình, Oda Nobunaga, và là người đã kết thúc thời kỳ Sengoku. Thời kỳ nắm quyền của ông thường được gọi là thời kỳ Momoyama, theo tên lâu đài của ông. Ông nổi tiếng với những di sản văn hóa của mình, bao gồm đặc quyền mang vũ khí của tầng lớp samurai. Toyotomi Hideyoshi thường được coi là người thứ hai thống nhất Nhật Bản.

Tuổi trẻ
Có rất ít thông tin về Hideyoshi trước năm 1570, khi ông bắt đầu được nhắc đến trong những thư tịch còn sót lại. Tự truyện của ông bắt đầu năm 1577 nhưng Hideyoshi hiếm khi nói về quá khứ của mình. Theo lời truyền miệng dân gian, ông được sinh ở nơi ngày nay là Nakamura-ku, Nagoya (vào thời điểm đó là Huyện Aichi, tỉnh Owari), và là quê hương của gia tộc Oda. Ông không thuộc dòng dõi samurai mà là con trai của một nông dân tên là Yaemon[1]. Ông không có họ. Thay vào đó, tên thời thơ ấu của ông là Hiyoshi-maru ("Tặng phẩm của Mặt trời"), mặc dù có thể đó chỉ là một trong các dị bản về ông.

Trong thời thơ ấu, Hideyoshi có biệt danh "Saru", nghĩa là "khỉ" vì ông hay nghịch dại và leo cây. Khi trưởng thành và giành được những thứ bậc cao hơn, cho phép ông có thể đổi tên của mình.
Theo Maeda Toshiie và nhà truyền giáo châu Âu Luis Frois, Hideyoshi là một người sáu ngón (polydactyly), với 2 ngón cái trên bàn tay phải. Ông không cắt bỏ ngón cái thừa ra như những người Nhật khác trong thời kỳ đó thường làm.

Nhiều huyền thoại cho rằng Hideyoshi đã được gửi đến chùa khi còn nhỏ, nhưng ông không chịu đi tu mà dấn thân chu du thiên hạ. Dưới cái tên Kinoshita Tōkichirō, ông đầu tiên về trướng của gia tộc Imagawa như một nô bộc của lãnh chúa địa phương Matsushita Kahei. Ông đi suốt quãng đường đến lãnh địa của Imagawa Yoshimoto, daimyo của tỉnh Suruga, và phục vụ ở đó một thời gian để tránh phải trả khoản tiền Matsushita Yukitsuna nhờ giữ hộ.

Vươn lên nắm quyền
-Khoảng năm 1557 ông trở về Owari với gia tộc Oda, giờ đây do Oda Nobunaga lãnh đạo, với thân phận một người hầu thấp bé, ông trở thành người mang dép cho Nobunaga và lần đầu lập công trong trận Okehazama năm 1560 khi Nobunaga tiêu diệt Yoshimoto để trở thành lãnh chúa mạnh nhất thời Sengoku. Theo người ghi chép tiểu sử cho ông, Hideyoshi phụ trách giám sát việc sửa chữa lâu đài Kiyosu dù có ý kiến cho rằng việc này "chưa rõ ràng"[2], và có thể ông chỉ là người quản lý nhà bếp khi đó. Năm 1561, Hideyoshi kết hôn với Nene. Ông tiến hành việc sủa chữa lâu đài Sunomata cùng với người em Toyotomi Hidenaga và mấy tên cướp Hachisuka Masakatsu và Maeno Nagayasu. Công sức của Hideyoshi được đền đáp xứng đáng vì Sunomata nằm trên đất của kẻ địch. Theo các chuyện kể lại, ông xây dựng một pháo đài ở Sunomata[2] và khám phá ra con đường bí mật vào núi Inaba, một trong các nguyên nhân sau đó khiến nhiều binh lính đồn trú của địch phải đầu hàng.

Hideyoshi là một nhà thương thuyết tài ba. Năm 1564, bằng cách hối lộ, ông thuyết phục được một số lượng lớn lãnh chúa ở Mino rời bỏ gia tộc Saito. Hideyoshi tiếp cận rất nhiều samurai nhà Saito bao gồm cả chiến lược gia của nhà Saito là Takenaka Hanbei, thuyết phục họ quy thuận Nobunaga, . Chiến thắng dễ dàng của Nobunaga ở lâu đài Inabayama năm 1567 phần lớn là nhờ công của Hideyoshi, bất chấp xuất thân nông dân của mình, Hideyoshi sau đó trở thành một trong những tướng quân sáng giá nhất của Nobunaga, cuối cùng lấy tên là Hashiba Hideyoshi. Họ mới của ông bao gồm hai chữ của một trong hai người tin cẩn nhất của Oda là Niwa Nagahide và Shibata Katsuie.

Hideyoshi lãnh đạo quân đội trong trận Anegawa năm 1570, lúc đó Oda Nobunaga liên minh mà sau này là kẻ thù tương Tokugawa Ieyasu (người cuối cùng hạ bệ con trai của Hideyoshi và thống trị Nhật Bản), vây hãm hai pháo đài của nhà Azai và nhà Asakura[3]. Năm 1573, sau chiến dịch thắng lợi trước hai nhà Azai và Asakura, Nobunaga bổ nhiệm Hideyoshi làm daimyo của ba quận phía Bắc tỉnh Ōmi. Ban đầu đóng trại ở đại bản doanh cũ của nhà Azai ở Odani, Hideyoshi sau đó chuyển về Kunitomo, và đổi tên thành phố là Nagahama để tỏ lòng kính trọng với Nobunaga. Hideyoshi sau đó chuyển đến cảng Imahama bên hồ Biwa. Từ đây ông bắt đầu xây dựng lâu đài Imahama và kiểm soát công xưởng sản xuất súng hỏa mai Kunitomo gần đó, vốn được hai nhà Azai và Asakura khởi công vài năm trước. Dưới sự quản lý của Hideyoshi, sản lượng của nhà máy tăng nhanh chóng[4].

Sau vụ ám sát Oda Nobunaga và con trưởng Nobutada năm 1582 bởi tay Akechi Mitsuhide, Hideyoshi tiêu diệt Akechi trong trận Yamazaki.

Trong hội nghị quyết định người kế thừa Nobunaga, Hideyoshi gạt qua ứng cử viên hiển nhiên là Oda Nobutaka và cùng với đại tướng của gia tộc Oda, Shibata Katsuie, ủng hộ người con còn trẻ của Nobutada, Oda Hidenobu[5]. Có được sự ủng hộ của hai trưởng lão nhà Oda, Niwa Nagahide và Ikeda Tsuneoki, Hideyoshi đặt Hidenobu lên ngôi, cùng với ảnh hưởng của chính ông ta lên toàn gia tộc Oda. Căng thẳng nhanh chóng leo thang giữa Hideyoshi và Katsuie, và trong trận Shizugatake năm sau đó, Hideyoshi tiêu diệt quân đội của Katsuie[6] và từ đó tập trung quyền lực trong tay mình, kiểm soát gần như mọi hoạt động của nhà Oda.
Năm 1583, Hideyoshi bắt đầu xây dựng lâu đài Osaka. Xây dựng trên nền ngôi đền Ishiyama Honganji vốn bị Nobunaga san phẳng[7], lâu đài sau này sẽ trờ thành pháo đài cuối cùng của gia tộc Toyotomi sau cái chết của Hideyoshi.
Người con khác của Nobunaga, Oda Nobukatsu, vẫn giữ mối thù với Hideyoshi. Ông liên minh với Tokugawa Ieyasu, và hai bên giao tranh bất phân thắng bại trận Komaki và Nagakute. Nó cuối cùng dẫn đến một sự bế tắc, mặc dù lực lượng của Hideyoshi bị tổn thất nặng nề[6]. Cuối cùng, Hashiba kí hòa ước với Nobukatsu, kế thúc nguyên cớ cuộc chiến giữa hai nhà Tokugawa và Hashiba. Hideyoshi gửi đến cho Tokugawa Ieyasu chị gái và mẹ làm con tin. Ieyasu cuối cùng đồng ý trở thành chư hầu của Hideyoshi.

Đỉnh cao quyền lực
Hideyoshi tìm kiếm danh hiệu shogun để thực sự được coi là người nắm quyền thống trị Nhật Bản. Tuy nhiên Hoàng đế không ban cho ông tước hiệu đó. Ông yêu cầu shogun cuối cùng của Muromachi, Ashikaga Yoshiaki, nhận ông làm con nuôi, nhưng bị từ chối. Không thể trở thành shogun, năm 1585 ông nhận lấy vị tri còn đầy thanh thế hơn là Nhiếp chính quan (kampaku)[8]. Năm 1586, Hideyoshi chính thức được triều đình ban tên Toyotomi[8]. Ông xây dựng một lâu đài to lớn, Jurakudai, năm 1587 và điều khiển Hoàng đế Go-Yozei năm sau đó[9].

Sau đó, Hideyoshi khuất phục tỉnh Kii[10] và chinh phục Shikoku của gia tộc Chōsokabe[11]. Ông cũng dành quyền kiểm soát tỉnh Etchū[12] và xâm lăng Kyūshū[13]. Năm 1587, Hideyoshi trục xuất người truyền đạo Thiên chúa khỏi Kyūshū để áp đặt sự thống trị lớn hơn đối với các daimyo Kirishitan (người Nhật theo Thiên chúa giáo)[14]. Tuy nhiên, vì ông vẫn giao thương với châu Âu, những người theo Thiên chúa giáo riêng lẻ được lờ đi. Năm 1588, Hideyoshi cấm nông dân bình thường sở hữu vũ khí và bắt đầu cuộc săn lùng kiếm để sung công vũ khí[15]. Kiếm được nấu chảy để đúc tượng Phật. Biện pháp này ngăn ngừa rất hiệu quả sự phản ứng của nông dân và đảm bảo sự ổn định lớn hơn đặc biệt là từ các daimyo tự do. Cuộc vây hãm Odawara chống lại gia tộc Hậu Hōjō ở đồng bằng Kantō[16] tiêu diệt những kẻ chống đối cuối cùng của Hideyoshi. Chiến thắng của ông đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ Sengoku.
Tháng 2 năm 1591, Hideyoshi ra lệnh cho Sen no Rikyū phải tự sát[17]. Rikyū đã từng là một thuộc hạ tin cẩn và là bậc thầy trà đạo dưới thời cả Hideyoshi lẫn Nobunaga. Dưới sự bảo trợ của Hideyoshi, Rikyū tạo ra những thay đổi quan trọng trong mỹ học của trà đạo, ảnh hưởng đến rất nhiều khía cạnh của văn hóa Nhật Bản. Kể cả sau khi ra lệnh buộc Rikyū phải tự sát, Hideyoshi vẫn tiến hành nhiều công trình xây dựng dựa trên những tiêu chuẩn về cái đẹp do Rikyū đề xướng.

Sự ổn định của triều đại Toyotomi sau cái chết của Hideyoshi bị đặt một dấu hỏi lớn sau cái chết của người con trai độc nhất mới 3 tuổi của ông, Tsurumatsu, tháng 9 năm 1591. Khi người anh cùng cha khác mẹ Hidenaga qua đời ít lâu sau người con trai, Hideyoshi chọn cháu trai Hidetsugu làm người kế vị, nhận Hidetsugu làm con nuôi vào tháng 1 năm 1592. Hideyoshi rời bỏ chức vụ kampaku rồi nhận tước hiệu taikō (Nhiếp chính về hưu). Hidetsugu được ban tước hiệu kampaku.

Suy sụp và qua đời
Sức khỏe của ông bắt đầu xuống dốc, nhưng vẫn khao khát hoàn thành vài việc nữa để làm vững chắc di sản của mình, Hideyoshi kế thừa giấc mộng xâm lược Trung Hoa mà Oda Nobunaga đã ấp ủ và phát động hai cuộc xâm lược Triều Tiên. Mặc dù định xâm chiếm nhà Minh[18], quân đội Nhật Bản không thể tiến xa hơn bán đảo Triều Tiên. Hideyoshi đã giao thiệp với người Triều Tiên từ năm 1587 yêu cầu một con đường tiến quân đến Trung Hoa. Người Triều Tiên ban đầu từ chối đàm phán thực chất, và vào tháng 4 và tháng 7 năm 1591, khước từ đòi hỏi cho phép quân Nhật hành quân qua Triều Tiên. Tháng 8, Hideyoshi ra lệnh chuẩn bị xuất chinh.

Trong chiến dịch đầu tiên, quân đội Nhật Bản ban đầu thắng như chẻ tre. Khoảng tháng 5 năm 1592, Seoul bị chiếm, và chỉ trong vòng 4 tháng, quân đội của Hideyoshi đã tiến đến Mãn Châu Lý và chiếm được hầu hết Triều Tiên. Tuy nhiên, không thành công như trên đất liền, thuỷ quân dưói sự chỉ huy của Đô đốc Lý Thuấn Thần sớm phản công lại hạm đội của Nhật, cắt đường tiếp tế và bóp nghẹt cuộc xâm lược Triều Tiên. Năm 1593. Hoàng đế nhà Minh là Vạn Lịch gửi quân dưới sự chỉ huy của tổng binh Lý Như Tùng (李如松) để ngăn chặn kế hoạch xâm lược Trung Quốc và tái chiếm lại bán đảo Triều Tiên. Quân đội Trung Quốc và Triều Tiên đánh bật quân Nhật khỏi Seoul và Bình Nhưỡng. Cuộc chiến rơi vào thế giằng co, và sau khi đi đến hiệp nghị đình chiến, quân Nhật rút về Nhật Bản.

Sau khi con trai thứ hai của Hideyoshi, Toyotomi Hideyori, ra đời năm 1593 làm vấn đề kế vị tiềm ẩn nhiều rắc rối. Để tránh điều đó, Hideyoshi lưu đày cháu trai và người thừa kế của mình là Hidetsugu đến núi Kōya và sau đó buộc anh phải tự sát vào tháng 8 năm 1595. Các thành viên khác trong gia đình của Hidetsugu không chịu nhìn lấy tấm gương này sau đó bị thảm sát ở Kyoto, bao gồm 31 phụ nữ và vài trẻ nhỏ.
Sau vài năm đàm phán tan vỡ, vì lòng ganh tỵ của cả đôi bên khi báo cáo với chủ nhân của mình rằng phía bên kia đã đầu hàng, Hideyoshi phát động cuộc xâm lược Triều Tiên thứ hai năm 1597, nhưng không thành công lắm. Lính Nhật giậm chân tại tỉnh Gyeongsang. Vào tháng 6 năm 1598, chiến dịch ngừng lại và chỉ còn khoảng 60.000 quân dưới sự chỉ huy của tộc trưởng gia tộc Shimazu, Shimazu Yoshihiro và con trai Shimazu Tadatsune. Lực lượng còn lại đã dũng mãnh đẩy lui một vài đợt tấn công của quân đội Trung Hoa ở Suncheon và Sacheon khi nhà Minh đang chuẩn bị cho trận công phá cuối cùng.
Toyotomi Hideyoshi qua đời tháng 9 năm 1598. Cái chết của ông được Ngũ Đại Lão giữ bí mật tuyệt đối để bảo toàn sĩ khí ba quân. Mãi đến cuối tháng 10, họ mới ban chiếu yêu cầu các chỉ huy quân đội Nhật lui binh. Trong trận đại chiến cuối cùng, trận Noryang, đội liên hợp thuỷ quân Minh-Triều dưới sự chỉ huy của Đô đốc Lý Thuấn Thần và Chen Lin chặn đường rút của quân Nhật. Quân Nhật bị tổn thất nặng nề trong khi Đô đốc Triều Tiên Lý Thuấn Thần tử trận. Quân Nhật đột phá thành công và rút đến Busan với cái giá phải trả là 200 tàu bị đánh chìm và 100 chiếc bị bắt, theo số liệu của Triều Tiên.
-Sau thất bại tại Triều Tiên, quân đội của Hideyoshi không thể xâm lược đựơc Trung Hoa. Thay vì dùng để củng cố địa vị của mình, những cuộc viễn chinh làm suy giảm nghiêm trọng ngân khố của gia tộc Hideyoshi, các chư hầu của ông bất mãn vì thất bại, và các gia tộc trung thành với Hideyoshi bị yếu đi. Giấc mộng Đế quốc Nhật Bản trên toàn cõi Á Châu chấm dứt trong tay Hideyoshi. Chính quyền Tokugawa không chỉ ngăn chặn các cuộc viễn chinh vào đại lục mà còn đóng cửa với toàn thế giới. Chỉ đến cuối thế kỷ 19 khi Nhật Bản lại mở cuộc chiến chống Trung Quốc qua ngả Triều Tiên, gần giống cách đội quân xâm lược của Hideyoshi đã sử dụng.
Sau cái chết của ông, những thành viên khác của hội đồng 5 vị nhiếp chính không ngăn nổi tham vọng của Tokugawa Ieyasu. Hai trong số những vị tướng hàng đầu của Hideyoshi, Katō Kiyomasa và Fukushima Masanori ban đầu cương quyết chống lại Ieyasu, nhưng sau đó họ quay sang tranh giành quyền lực với Ishida Mitsunari, quản gia của lãnh địa Toyotomi. Người này ít được các tướng kính trọng, và hai vị tướng kia đã ngả sang phe của Tokugawa Ieyasu. Người con trai còn bé của Hideyoshi và là người thừa kế chính thống Hideyori mất đi quyền lực mà cha mình từng nắm giữ, và Tokugawa Ieyasu được phong là shogun sau trận Sekigahara.

4.Yukimura Sanada (1567-3/6/1615)
http://farm4.static.flickr.com/3284/2854335519_e7c7c6bdcc_m.jpg
-tên đầy đủ là Sanada Saemon-no-suke Yukimura, còn được gọi là Sanada Nobushige. Cha là daimyo Sanada Masayuki, em của Sanada Nobuyuki. Ông lấy Akihime con gái của Otani Yoshitsugu. Ông có 2 con trai là Daisuke (Yukimura) và Daihachi (Morinobu)cùng nhiều con gái. Ông được Shimazu Tadatsune mệnh danh là "anh hùng số 1 của Nhật Bản".
-Năm 1575,ông tham gia trận Nagashino về phe của Takeda Katsuyori chống lại liên minh Oda-Tokugawa. Quân Takeda Katsuyori bao vây thành Nagashino, nhưng cuối cùng trận công thành thất bại.
Năm 1582, khi liên minh Oda-Tokugawa đập tan dòng họ Takeda, Yukimura ban đầu đi theo Oda Nobunaga nhưng sau sự kiện chùa Honnō, ông đi theo Toyotomi Hideyoshi và rất được ông này trọng dụng. Hideyoshi luôn coi Yukimura như một người thuộc dòng họ Toyotomi (Toyotomi Saemon-no-suke Nobushige).
Năm 1600, khi quân Tokugawa Ieyasu tấn công Uesugi Kagekatsu, dòng họ Sanada cũng tham gia vào trận chiến. Lí do cho đến nay vẫn còn là ẩn số, nhưng có nhiều khả năng Masayuki muốn phô trương uy danh của dòng họ Sanada hoặc là trong thời gian đó Tokugawa Ieyasu đã nghi ngờ sự trung thành của dòng họ Sanada. Nhưng sau này khi Ishida Mitsunari chống lại Ieyasu, Masayuki và Yukimura đã đi theo quân đội phía tây của Mitsunari, còn Nobuyuki thì lại tham gia quân đội phía đông của Tokugawa.
Khi Tokugawa Hidetada đem quân từ Nakasendo tấn công thành Ueda, Yukimura cùng với cha mình đã tử thủ ở thành Ueda. Chỉ với 2000 quân, Yukimura đã đẩy lùi 40.000 quân của Hidetada. Thành Ueda phòng thủ thành công, điều này đã khiến cho Hidetada mất tập trung và sau này không kịp tới tiếp viện được ở trận Sekigahara. Chính điều này đã khiến cho dòng họ Tokugawa rơi vào sự nguy hiểm.
Trong trận Sekigahara, Masayuki và Yukimura bị quân Tokugawa bắt được, nhưng chỉ bị lưu đầy ra Kudoyama thuộc vùng Kii. Masayuki mất tại đây. Mười hai năm sau, quan hệ giữa hai gia tộc Toyotomi và Tokugawa trở nên căng thẳng. Khi trốn thoát khỏi Kudoyama, Yukimura đã tham gia quân của Toyotomi Hideyori ở Osaka theo lời kêu gọi đề chuẩn bị cho chiến tranh với dòng họ Tokugawa.
Trong thời gian thành Osaka bị vây hãm, Yukimura với 6.000 tay súng hỏa mai đã lập chiến tuyến phòng thủ ở phía nam thành Osaka. Có một câu chuyện kể rằng, khi quân của Yukimura đang giáp chiến với quân đội của Tokugawa, ông đã một mình một ngựa tiến tới trước trướng của Tokugawa.
Nhưng với quân số lớn hơn, quân Tokugawa đã đập tan chiến tuyến phòng thủ nảy và bắt được Yukimura. Cuốn "Cuộc sống của Shogun Tokugawa Ieyasu" có kể lại rằng, khi bị bắt, Yukimura đã la lớn: ta là Sanada Yukimura, và ai cũng biết chỉ có ta mới có thể chiến đấu với ngươi đến hơi thở cuối cùng, rối ông chấp nhận bị giết, có người nói ông đã chiến đấu tới chết. Sanada Yukimura được chôn cất tại Osaka.

5.Mitsunari Ishida (1560-6/11/1600)
http://farm4.static.flickr.com/3246/2855168852_d7a994e0cf_m.jpg
-là một daimyo đồng thời là một nhà chỉ huy quân sự của Nhật Bản thời kỳ Azuchi-Momoyama. Ông từng là thuộc hạ của Oda Nobunaga, Toyotomi Hideyoshi và Toyotomi Hideyori. Trong chính quyền Toyotomi, Ishida giữ chức lãnh đạo quan tòa.
-Hồi còn nhỏ, ông tên là Sikichi. Ông sinh phía nam tỉnh Omi và là con thứ hai của Ishida Masatsugu là người hầu cận cho dòng họ Azai, gia đình Ishida đã không còn phục vụ khi dòng họ Azai bại trận 1573. Theo truyền thuyết, ông là một thầy tu trước khi gập Toyotomi Hideyoshi, nhưng tính xác thực vẫn là một hoài nghi từ thời kì Edo cho tới nay.
-Ishida gặp Toyotomi khi ông còn trẻ và sau khi Toyotomi trở thành lãnh chúa Nagahama. Khi Toyotomi tham chiến trong chiến dịch vùng Chugoku, Mitsunari đã giúp chủ nhân của mình tấn công thành Tottori và thành Takamatsu.(hiện nay là Okayama). Sau khi Toyotomi có được quyền lực, Ishida được biết đến với tài quản lý tài chính bởi ông là người hiểu biết và có kĩ năng tính toán. Trong những năm 1585, ông được cử trông nom vùng Sakai cùng anh của của ông là Ishida Masazuki. Ông còn được bổ nhiệm là một trong năm bugyo hoặc được bổ nhiệm những chức vụ quan trong trong chính quyền Toyotomi. Toyotomi Hideyoshi cho ông làm daimyo của Sawayama thuộc tỉnh Omi, lãnh 500.000 koku/năm. Sawayama được biết đến như một thành trì vững chắc nhất thời kì đó.
Sau cái chết của Toyotomi Hideyoshi, ông đã chiến đấu với quân của Tokugawa Ieyasu để lên nắm quyền lực thay cho Hideyoshi Hashiba. Ông lãnh đạo binh lính ở phía tây và trở thành nỗi ám ảnh ở Sekihara nhưng cuối cùng bị đánh bại và chặt đầu.
Ishida có 3 con trai (Shigeie, Shigenari,Sakichi) và 3 con gái(chỉ biết được con gái út là Tatsuko).

6.Tokugawa Ieyasu (31/01/1543-1/6/1616)
http://farm4.static.flickr.com/3219/2855168058_b4c62333cd_m.jpg
-là người sáng lập và shogun đầu tiên của Mạc phủ Tokugawa, Nhật Bản, nắm quyền từ sau trận Sekigahara năm 1600 cho đến Minh Trị Duy Tân năm 1868. Ieyasu nắm quyền từ năm 1600, nhận danh hiệu shogun năm 1603, thoái vị năm 1605, nhưng vẫn nắm quyền cho đến lúc chết vào năm 1616.

1543–1556
Tokugawa Ieyasu sinh ngày 31 tháng 1 năm 1543 ở tỉnh Mikawa. Tên gốc của ông là Matsudaira Takechiyo (Tùng Bình Trúc Thiên Đại), ông là con trai của Matsudaira Hirotada, daimyo của Mikawa, và O-Dai-no-kata (於大の方) (Ư Đại Phương), con gái của quý tộc samurai láng giềng, Mizuno Tadamasa (水野忠政)(Thủy Dã Trung Chính). Kỳ quặc là cha và mẹ ông là con riêng của cha mẹ nhau. Họ mới chỉ mới khoảng 17 và 15 tuổi, khi Ieyasu được sinh ra. Hai năm sau, O-Dai-no-kata bị gửi trả lại gia đình và hai người không bao giờ gặp lại nhau. Cả hai đều tái giá và Ieyashu có đến 11 anh chị em cùng cha khác mẹ hay cùng mẹ khác cha.

Gia đình Matsudaira bị chia rẽ: một bên muốn làm chư hầu của gia tộc Imagawa, trong khi một bên thích gia tộc Oda. Kết quả là phần lớn thời thơ ấu của Ieyasu sống trong nguy hiểm vì cuộc chiến của gia đình Oda và Imagawa. Mối thù của gia đình là nguyên nhân cái chết của cha Hirotada (ông nội của Takechiyo), Matsudaira Kiyoyasu (松平清康) (Tùng Bình Thanh Khang). Không giống như cha và phần lớn thành viên trong gia đình, cha của Ieyasu, Hirotada, có cảm tình với nhà Imagawa.

Năm 1548, khi nhà Oda tiến đánh Mikawa, Hirotada cầu cứu Imagawa Yoshimoto, người đứng đầu gia tộc Imagawa, để đẩy lui quân xâm lược. Yoshimoto đồng ý trợ giúp với điều kiện Hirotada gửi con trai mình là Ieyasu (Takechiyo) đến Sumpu làm con tin. Hirotada đồng ý. Oda Nobuhide, lãnh đạo gia tộc Oda, biết được thỏa thuận này và bắt cóc Ieyasu khi ông cùng đoàn tùy tùng đang trên đường đến Sumpu, khi ấy Ieyasu mới 6 tuổi.
Nobuhide đe dọa xử tử Ieyasu trừ khi cha cậu cắt đứt mọi liên hệ với gia tộc Imagawa. Hirotada trả lời rằng hy sinh con trai của chính mình sẽ thể hiện được sự nghiêm túc trong hiệp ước với nhà Imagawa. Bất chấp lời từ chối này, Nobuhide không giết Ieyasu mà thay vào đó giữ ông 3 năm ở đền Manshoji ở Nagoya.
Năm 1549, khi 24 tuổi, Hirotada qua đời. Cùng lúc đó, Oda Nobuhide chết vì bệnh dịch. Cái chết là một đòn nặng đối với gia tộc Oda. Quân đội dưới quyền chỉ huy của Imagawa Sessai vây hãm lâu đài nơi Oda Nobuhiro, con trường của Nobuhide và người lãnh đạo mới của gia tộc Oda, đang sống. Khi lâu đài sắp thất thủ, Imagawa Sessai yêu cầu trao đổi với Oda Nobunaga (con trai thú hai của Oda Nobuhide). Yêu cầu của Sessai để rút quân là Ieyasu phải được trao cho nhà Imagawa. Nobunaga đồng ý và vì vậy Ieyasu (khi ấy 9 tuổi) được đưa đến Sumpu làm con tin. Ở đó ông sống khá thoải mái và trở thành một đồng minh tiềm năng của nhà Imagawa cho đến khi 15 tuổi.

Vươn đến quyền lực (1556–1584)
-Năm 1556, Ieyasu đến tuổi trưởng thành, và theo truyền thống, đổi tên là Matsudaira Jirōsaburō Motonobu, (Tùng Bình Thứ Lang Tam Lang Nguyên Tín). Một năm sau, ở tuổi 16 (theo cách tính tuổi ở Đông Á), ông cưới vợ và lại đổi tên thành Matsudaira Kurandonosuke Motoyasu (松平蔵人佐元康). Được trở lại quê hương Mikawa, nhà Imagawa ra lệnh cho ông phải nhiều lần giao chiến với gia tộc Oda. Ieyasu thắng trận đầu và sau đó tiếp viện thành công cho một đồn tiền tiêu trong một cuộc tấn công đêm táo bạo.

Năm 1560, lãnh đạo nhà Oda được chuyển giao cho minh chủ Oda Nobunaga. Yoshimoto, dẫn đầu một đạo quân lớn nhà Imagawa (có lẽ lên đến 20.000 người) và sau đó tấn công lãnh địa nhà Oda. Ieyasu cùng với quân đội Mikawa chiếm được một pháo đài tiền tiêu và ở lại phòng thủ vị trí đó. Kết quả là, Ieyasu và quân đội của ông không tham trận Okehazama, nơi Yoshimoto bị Oda Nobunaga giết bằng một cuộc tấn công bất ngờ.
Sau cái chết của Yoshimoto, Ieyasu quyết định liên minh với nhà Oda. Một mật ước được ký vì vợ và con nhỏ của Ieyasu, Nobuyasu đang bị giữ làm con tin ở Sampu bởi nhà Imagawa. Năm 1561, Ieyasu công khai cắt đứt quan hệ với nhà Imagawa và chiếm pháo đài Kaminojo. Ieyasu sau đó có thể đổi vợ con chủ lâu đài Kaminojo lấy vợ con mình.
Vài năm sau, Ieyasu tiến hành cải tổ gia tộc Matsudaira và bình định vùng Mikawa. Ông cũng úy lạo những chư hầu quan trọng của mình bằng cách thưởng cho họ đất đai và lâu đài ở Mikawa. Họ là: Honda Tadakatsu, Ishikawa Kazumasa, Koriki Kiyonaga, Hattori Hanzō, Sakai Tadatsugu và Sakakibara Yasumasa.
Ieyasu tiêu diệt quân đội của Mikawa Monto trong tỉnh Mikawa. Nhà Monto là một nhóm nhà sư hiếu chiến, làm chủ tỉnh Kaga và có nhiều ngôi đền ở khắp mọi nơi ở Nhật Bản. Họ từ chối tuân lệnh Ieyasu, vì vậy ông tiến đánh họ, tiêu diệt quân đội và san phẳng các ngôi đền. Trong một trận đánh, Ieyasu suýt chết vì chúng một viên đạn xuyên qua giáp. Cả quân đội Mikawa của Ieyasu và quân đội Monto đều sử dụng vũ khí với loại thuốc súng mới mà người Bồ Đào Nha đã mang đến Nhật Bản 20 năm trước.
Năm 1567, Ieyasu lại đổi tên, họ mới của ông là Tokugawa và tên là Ieyasu. Với việc này, ông khẳng định mình là hậu duệ của nhà Minamoto. Không có bằng chứng nào được phát hiện để khẳng định lời tuyên bố là hậu duệ của Thiên Hoàng Seiwa (Thiên Hoàng thứ 56 của Nhật) là đúng.
Ieyasu vẫn liên minh với Oda Nobunaga và binh lính Mikawa của ông cũng góp mặt trong đội quân đánh chiếm Kyoto năm 1568 của Oda Nobunaga. Cùng lúc đó, Ieyasu cũng mở rộng lãnh địa của mình. Ông và Takeda Shingen, tộc trưởng gia tộc Takeda, liên minh với mục đích đánh chiếm lãnh địa nhà Imagawa. Năm 1570, quân đội của Ieyasu chiếm được tỉnh Suruga (bao gồm cả Sumpu, thủ phủ nhà Imagawa).
Ieyasu chấm dứt sự liên minh với Takeda và nương nhờ kẻ thù cũ của mình, Imagawa Ujizane; ông cũng liên minh với Uesugi Kenshin nhà Uesugi—kẻ địch của nhà Takeda. Năm sau đó, Ieyasu dẫn 5.000 quân của mình trợ giúp Nobunaga trong trận Anegawa chống lại nhà Azai và nhà Asakura.
Tháng 10 năm 1571, Takeda Shingen, giờ liên minh với gia tộc Hōjō, tấn công Tōtōmi, đất của Tokugawa. Ieyasu xin Nobunaga tiếp viện, rồi được gửi 3000 quân. Đầu năm 1572 hai đội quân chạm trán trong trận Mikatagahara. Quân đội của Takeda, dưới sự chỉ huy tài tình của Shingen, giáng những đòn như búa bổ vào quân Ieyasu khiến nó nhanh chóng tan vỡ. Ieyasu chạy thoát với chỉ 5 người đến lâu đài gần đó. Đây là đại bại của Ieyasu, nhưng Shingen không thể tận dụng được chiến thắng của mình vì Ieyasu nhanh chóng tập hợp được một đội quân mới và tránh không giao chiến với Shingen trên chiến trường.
May mắn mỉm cười với Ieyasu một năm sau đó khi Takeda Shingen chết trong một cuộc bao vây đầu năm 1573. Shingen được người con trai bất tài của mình Takeda Katsuyori kế tục. Năm 1575, quân đội nhà Takeda tấm công lâu đài Nagashino ở tỉnh Mikawa. Ieyasu được Nobunaga trọ giúp nhiệt tình bằng việc Nobunaga đích thân dẫn đầu đại quân (khoảng 30.000 người). Liên quân Oda-Tokugawa đại thắng trong trận Nagashino ngày 28 tháng 6, 1575, mặc dù Takeda Katsuyori sống sót và chạy được về tỉnh Kai.
Trong vòng 7 năm sau đó, Ieyasu và Kaysuyori đánh nhiều trận lẻ tẻ. Quân đội của Ieyasu đã dành được quyền kiểm soát tỉnh Suruga khỏi tay gia tộc Takeda.
Năm 1579, vợ Ieyasu và con trai cả của ông, Matsudaira Nobuyasu, bị buộc tội âm mưu ám sát Nobunaga. Vợ của Ieyasu bị xử tử và Nobuyasu bị buộc phải tự sát theo hình thức seppuku. Ieyasu sau đó chọn người con thứ ba và là người con mà ông có cảm tình nhất, Tokugawa Hidetada, làm người thừa kế, vì con trai thứ hai của ông đã được một thế lực đang lên nhận làm con nuôi: Toyotomi Hideyoshi, người chủ tương lai của toàn Nhật Bản.
Cuộc chiến với gia tộc Takeda kết thúc năm 1582 khi liên quân Oda-Tokugawa tấn công và chiếm được tỉnh Kai. Takeda Katsuyori, cũng như người con trưởng Takeda Nobukatsu, bị đánh bại trong trận Temmokuzan rồi dau đó mổ bụng tự sát.
Cuối năm 1582, Ieyasu ở gần Osaka, cách xa lãnh địa của mình khi ông được biết Nobunaga đã bị Akechi Mitsuhide ám sát. Ieyasu trở về được Mikawa, tránh được quân đội của Mitsuhide dọc đường, khi họ cố gắng tìm và giết ông. Một tuần sau đó, ông đến được Mikawa, quân đội của Ieyasu tiến đánh Mitsuhide để trả thù. Nhưng họ đã quá muộn, Hideyoshi đã tự mình đánh bại và giết Akechi Mitsuhide trong trận Yamazaki.
Cái chết của Nobunaga nghĩa là những tỉnh do chư hầu của Nobunaga thống trị, đã có thể xâm chiếm được. Người quản lý tình Kai mắc sai lầm khi giết một sĩ quan phụ cần của Ieyasu. Ieyasu ngây lập tức tiến đánh và giành quyền kiểm soát tỉnh Kai. Hōjō Ujimasa, tộc trường gia tộc Hōjō phản ứng bằng cách điều một đội quân rất nhiều tới Shinano và sau đó tiến vào tỉnh Kai. Quân đội của Ieyasu không giao chiến với đại quân nhà Hōjō, sau vài cuộc thương thảo, Ieyasu và nhà Hōjō đồng ý thỏa hiệp rằng Ieyasu sẽ kiểm soát hai tỉnh Kai và Shimano, trong khi Hōjō kiểm soát tỉnh Kazusa (cũng như một phần nhỏ tỉnh Kai và tỉnh Shimano).
Cùng lúc đó (1583) cuộc chiến tranh giành quyền thống trị toàn Nhật Bản nổ ra giữa Toyotomi Hideyoshi và Shibata Katsuie. Ieyasu không can dự vào cuộc giao tranh này, tạo ra danh tiếng về cả sự thận trọng lẫn thông thái. Hideyoshi đánh bại Katsuie trong trận Shizugatake — với chiến thắng này, Hideyoshi trở thành daimyo duy nhất và hùng mạnh nhất trên toàn Nhật Bản.........

Shogun Ieyasu (1603–1605)
Năm 1603, Tokugawa Ieyasu nhận tước hiệu shogun từ Thiên Hoàng Go-Yozei[6]. Ieyasu lúc đó 60 tuổi. Ông sống lâu hơn tất cả những người vĩ đại cùng thời với mình: Nobunaga, Hideyoshi, Shingen. Ông trở thành shogun và dành những năm tháng còn lại của đời mình để tạo ra và cũng cố Mạc Phủ Tokugawa, chính quyền shogun thứ ba (sau Mạc Phủ Minamoto và Ashikaga). Ông tuyên bố mình là hậu duệ của gia tộc Minamoto theo chi gia đình Nitta {còn tranh luận}. Nực cười là hậu duệ của Ieyasu lại kết hôn với các gia tộc Taira và Fujiwara. Mạc phủ Tokugawa sẽ thống trị Nhật Bản trong vòng 250 năm tiếp theo.
Theo truyền thống của Nhật Bản, Ieyasu rút lui khỏi vị trí shogun vào năm 1605. Người kế vị ông là người con trai, Tokugawa Hidetada. Điều này được thực hiện, một phần là để tránh phải đến các sự kiện mang tính nghi thức, và một phần là khiến cho kẻ thù khó phán đoán được trung tâm quyền lực nằm ở đâu. Việc Ieyasu thoái vị không có ảnh hưởng gì đến thực quyền của ông; nhưng Hidetada tuy vậy vẫn giữ vị trí đứng đấu chính quyền Mạc Phủ


7.Hanzo Hattori (1541 – 1596)
http://farm4.static.flickr.com/3256/2855168576_4b53e3bab0_m.jpg
-tên thật là Hattori Masanari hoặc Hattori Masashige (đều viết bằng kanji là 服部 正成) là một võ tướng của xứ Mikawa no kuni vào cuối thời kỳ Sengoku đầu thời kỳ Azuchi-Momoyama.
Ông là một trong 16 võ tướng đã có công giúp Tokugawa Ieyasu lên ngôi. Trong đội quân của Tokugawa, ông là người chỉ huy lực lượng đặc công (ninja). Ông có biệt danh là Oni-Hanzo (quỷ Hanzō) vì sự tàn ác mà ông gây ra. Khi mạc phủ Tokugawa cho xây thành Edo, ông và con trai được cử làm chỉ huy lực lượng hộ vệ tại cửa thành phía Tây. Cửa này về sau được gọi là cửa Hanzō (Hanzō-mon)
Ông hay có mặt trong những bộ truyện tranh và những tiểu thuyết giả tưởng.
-Ông là con trai của Hattori Yasunaga, một ninja nổi tiếng và là người cầm đầu phái Iga (một phái ninja rất nổi tiếng của Nhật Bản). Hanzō sinh ra và nổi tiếng ở Mikawa, nhưng ông thường về Iga, nơi ở của gia đình Hanzo. Ông là một kiếm sĩ, nhà chiến thuật và cũng là một giáo sĩ. Đây chính vì Iga và Koga là hai vùng sản sinh ra thuật Ninjutsu và đã có hơn 70 tổ chức truyền những kỹ thuật này tại địa phương. Trên núi có những học viện lớn để dạy võ thuật. Onmyodo, một phương pháp bói toán của Trung Quốc, được Abe no Seimei truyền bá rộng rãi ở Kyoto. Làng Yagyu, nằm ở biên giới giữa Kyoto và Nara, là nơi có trường dạy kiếm. Chùa Hôzo-in tại Nara có một trường dạy đánh giáo, Hozoin-ryu. Tất cả các kỹ thuật cần thiết cho Ninjutsu đều có thể tìm thấy trong chu vi 45 dặm từ Iga. Hanzō, tham gia trận chiến đầu tiên lúc 16 tuổi, đã tham gia các trận đánh như trận ở Anegawa và Mitakagawa. Nhưng sau khi Oda Nobunaga chết vào năm 1582, Hanzō mới có những đóng góp lớn cho gia tộc Tokugawa.
Hanzō chết vào năm 1596 ở tuổi 55. Tuy nhiên, có nhiều truyền thuyết nói rằng Hanzō bị Fuuma Kotaro giết chết trong chiến trường. Con trai Hanzō cũng có tên là Masanari, nhưng được viết bằng kanji khác. Con trai của Hanzō được phong tước "Iwami-no-Kami", và cùng người của mình, đã trở thành lính bảo vệ cho lâu đài Edo. Con trai Hanzō cũng đã trở thành thành viên của bang phái Iga.
Tới ngày nay, Hanzō vẫn yên nghỉ tại chùa Sainen (西念寺, ở Shinjuku). Những ngôi chùa khác cũng vẫn còn giữ bộ áo giáp và cây giáo ưa thích của ông.

8.Shingen Takeda (1521–1573)
http://farm4.static.flickr.com/3098/2855168432_8805e7e03e_m.jpg
-là một lãnh chúa (daimyo) của vùng Kai và vùng Shinano trong thời Chiến Quốc của Nhật Bản.
-Takeda Shingen là con trai cả của Takeda Nobutora, một vị lãnh chúa và quân sư tài ba của vùng Kai. Ông đã đóng góp rất lớn trong việc quản lý lãnh địa và đuợc mọi người tôn trọng ngay khi tuổi còn khá nhỏ. Tuy nhiên, sau đó ông lại nổi lên chống lại cha mình và chiếm quyền quản lý dòng họ Takeda. Lý do cuộc đảo chính này đến nay vẫn rõ ràng nhưng nhiều người cho rằng đó là do Takeda Nobutora dự định cho người con trai thứ là Takeda Nobushige làm người kế vị chính thức. Kết quả là Takeda Nobutora bị ép buộc thoái vị (Takeda Nobutora không bị giết hay bị bắt mổ bụng tự sát, đây là một của đảo chính không đổ máu). Imagawa Yoshimoto đã giúp Takeda Shingen trọng cuộc đảo chính này và hai dòng họ Imagawa, Takeda đã liên kết với nhau sau đó.
Mục tiêu đầu tiên của Shingen sau khi lên ngôi là chinh phục vùng Shinano. Một số lãnh chúa lớn ở vùng Shinano lập tức đưa quân đến Kai nhằm vô hiệu hoá Shingen trước khi ông kịp chiêu quân đánh Shinano. Tuy nhiên, kế hoạch đánh bại Shingen ở Fuchu của các lãnh chúa đó đã thất bại khi họ bị quân của Shingen tấn công bất ngờ ở Sezawa. Shingen nắm lấy cơ hội và đẩy nhanh cuộc tấn công khi quân vùng Shinano còn chưa kịp hoàng hồn. Trong năm đó, ông tiến quân vào Shinano chinh phạt Suwa rồi tiến vào trung tâm Shinano đánh bại Tozawa Yorichika và Takato Yoritsugu. Nhưng Shingen bị chặn lại ở Uehara bởi quân của Murakami Yoshioki. Cuối cùng, Shingen cũng đánh bại được dòng họ Murakami. Murakami Yoshioki buộc phải chạy sang cầu cứu dòng họ Uesugi.
Sau khi chinh phục được Shinano, Shingen đối mặt với Uesugi Kenshin của vùng Echigo. Cuộc đụng độ giữa hai người đã trở nên huyền thoại, gặp nhau năm lần trên chiến trường Kawanakajima (1554, 1555, 1557, 1561, 1564). Tuy nhiên những cuộc đụng độ này chỉ là các cuộc chiến nhỏ, không bên nào nghĩ đến một trận quyết chiến cuối cùng. Cuộc đụng độ lớn nhất là lần thứ tư, quân của Kenshin xông thẳng vào quân của Shingen, tạo ra một con đường thẳng đến chỗ Shingen và hai người đụng độ mặt đối mặt. Truyền thuyết kể rằng Kenshin tấn công Shingen với thanh kiếm của mình, trong khi Shingen đỡ đòn bằng cây quạt sắt (tessen). Hai bên thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến này, đặc biệt là Shingen đã bị mất hai tướng là Yamamoto Kansuke và người em của mình, Takeda Nobushige. Đến 1564, Shingen hoàn toàn chinh phục vùng Shinano và chiếm một số lâu đài của Uesugi. Shingen giữ vững các vùng đất của mình và cho xây dựng đập trên sông Fuji, một trong những hoạt động phát triển nông nghiệp lớn nhất thời bấy giờ.
Sau khi Imagawa Yoshimoto bị Oda Nobunaga đánh bại, Shingen tấn công quân Imagawa đang bị tổn thất nặng nề. Ông liên minh với Tokugawa Ieyasu tấn công các vùng đất của quân Imagawa. Nhưng sau khi hoàn tất cuộc chinh phạt, Shingen tấn công ngay đồng minh Tokugawa của mình.
Vận mệnh của toàn Nhật Bản đặt vào tay Shingen, khi ở tuổi 49 là lãnh chúa duy nhất có khả năng ngăn chặn cuộc tiến quân của Oda Nobunaga đến thủ đô của Nhật lúc bấy giờ. Ông chặn quân Tokugawa năm 1572 và bắt được Futamata. Ở Mikata-ga-hara, Takeda Shingen dễ dàng chặn liên quân Nobunaga và Tokugawa. Sau khi đánh bại Tokugawa Ieyasu, cuộc tiến quân của Shingen bị ngưng lại do một số vấn đề đối nội. Nhưng ông tiếp tục cuộc hành quân vào năm 1573 và bất ngờ qua đời ngày 13 tháng 5 năm 1573.

9.Uesugi Kenshin (18/2/1530 - 19/4/1578)
http://farm4.static.flickr.com/3114/2854334321_d8e88edd3b_m.jpg
-là một daimyo làm chủ tỉnh Echigo trong thời kỳ Sengoku ở Nhật Bản.
Ông là một trong những lãnh chúa hùng mạnh vào thời kỳ Sengoku, nổi tiếng vì lòng dũng cảm trong chiến trận, sự kình địch huyền thoại với Takeda Shingen, sự tinh thông binh pháp và niềm tin vào thần chiến tranh - Bishamonten. Thực tế, rất nhiều thuộc hạ và những người khác tin rằng ông chính là biểu tượng của Bishamonten, và gọi Kenshin là thần chiến tranh. Nhiều nhà lịch sử tin rằng Kenshin là một phụ nữ.

10.Nagamasa Azai (1545-28/8/1573)
http://farm4.static.flickr.com/3225/2855168712_f2b849a32e_m.jpg
-là con trai của Azai Hisamasa, một daimyo vùng Omi. Nagamasa đã có nhiều chiến tích trên chiến trường cùng Rokkaku Yoshitaka và Saito Katsuoki. Những trận đánh tiêu biểu mà Nagamasa đã tham gia là trận Anegawa và trận vây hãm thành Odani.
Ông lấy em gái Oda Nobunaga là Oichi, nhưng lại liên minh với gia tộc Asakura và các thầy tu ở núi Hiei. Ông đã từng đánh bại Nobunaga và Tokugawa Ieyasu trong trận Anegawa (1570).
1573, khi Oda Nobunaga vây hãm thành Odani, Nagamasa không hi vọng vào một chiến thắng, ông đã chọn seppuku để đổi lấy mạng sống cho con gái của ông và đã thuyết phục Oichi quay về với gia tộc Oda cùng với những người con của nàng.
Ba người con gái của ông sau này đã trở nên nổi tiếng.

11.Oichi Nobunaga
http://farm4.static.flickr.com/3195/2854333883_c6f925ec43_m.jpg
-Oichi là một người phụ nữ nổi tiếng vì sắc đẹp của mình và có thật trong lịch sử. Cô là em của Nobunaga. Do thoả thuận để phát triển lực lượng của mình, Oda đã sắp xếp cho em gái cưới Nagamasa. Sau này khi Nagamasa và Nobunaga phá vỡ thoả thuận, Nagamasa đã liên hiệp với các lực lượng chống đối Nobunaga. Dự tính sẽ đánh vào phía của Nobunaga nhưng Oichi lại gửi một tấm bùa may mắn cho Nobunaga nhằm báo tin cho anh trai mình, vì thế tình thế đã đảo ngược. Trong lúc Nobunaga tiến đánh vào lâu đài Odani, Nagamasa thú nhật mình thật lòng yêu Oichi và thả Oichi ra về với Nobunaga, Nagamasa cùng con trai tự sát. Oichi sau đó sống tại lâu đài của Oda.
Oichi có 3 người con gái với Nagamasa nhưng trong game, 3 người con đó lại là con riêng của chồng.................

12.No
http://farm4.static.flickr.com/3139/2854333613_8dbd3ec1c5_m.jpg
- Là vợ của NObunaga Oda, chỉ bít vậy thui ^^

Ren Shuyamaru
14-09-2008, 11:53 AM
Đề nghị bạn ghi rõ nguồn hoặc xuất xứ bài viết :)

Nelvil
14-09-2008, 11:54 AM
Đề nghị bạn ghi rõ nguồn hoặc xuất xứ bài viết :)

Ghi trên cùng ấy bạn à:crybaby:

Ren Shuyamaru
14-09-2008, 12:13 PM
Vậy còn tiếp không bạn, hy vọng bạn sẽ post tiếp chủ đề hấp dẫn này :)

Nelvil
14-09-2008, 12:51 PM
Vậy còn tiếp không bạn, hy vọng bạn sẽ post tiếp chủ đề hấp dẫn này :)

Còn thì còn nhưng mà những ngươi ấy cũng không nổi tiếng lắm trong vấn đề quân sự nên tiểu sử ngắn hoặc những người đó nổi tiếng trong vấn đề khác như nghệ thuật, sáng lập...
Nếu rảnh tui sẽ post lên luôn cho đủ bộ nhé

Ren Shuyamaru
14-09-2008, 01:07 PM
Được thế thì còn j bằng, mình sẽ có tư liệu để post lên trang News tại : www.japanest.com :)

Nelvil
14-09-2008, 05:17 PM
Xin bổ sung tiếp những anh hùng khác của Nhật Bản theo nguyện vọng của Nanahara Shuya ^^

13.Tadakatsu Heihachi Honda (1/1/1548-1610)
http://koeiwarriors.co.uk/artworks/wo2/ac/tadakatsus.jpg
-là một tướng quân người Nhật (và sau đó là một daimyo) từ thời Hậu Sengoku cho đến đầu thời kỳ Edo, phục vụ cho Tokugawa Ieyasu.

Tiểu sử
-Quê ở tỉnh Mikawa, Japan, ông sống trong thời Azuchi-Momoyama và thời kỳ Edo. Ieyasu đề bạt ông từ daimyo của vùng Ōtaki han (100 000 koku) đến daimyo của vùng Kuwana han (150 000 koku) như một phần thưởng cho công trạng của ông.[1] Thêm nữa, con trai ông là Honda Tadatomo trở thành daimyo của Ōtaki.[2] Năm 1609, ông cáo quan, và người con trai khác của ông là Tadamasa kế nhiệm ở Kuwana. Cháu nội ông, Tadatoki, cưới cháu nội của Tokugawa Ieyasu, Senhime. Bất chấp những năm tháng phục vụ trung thành, Tadakatsu trở nên ngày càng xa rời chế độ Tokugawa (Mạc phủ) vốn từ một chế độ chính trị quân sự chuyển thành dân sự. Đó là một điều tất yếu được chia sẻ cùng nhiều chiến binh khác vào thời ấy, những người không thể chịu được sự thay đổi từ cuộc đời hỗn loạn của những cuộc chiến thời Sengoku đến những năm tháng hòa bình của triều đại Tokugawa.

Ông là một chiến binh ghê gớm với danh tiếng lớn, được rất nhiều lãnh chúa ca ngợi, kể cả minh chu Ieyasu mà ông phục vụ. Oda Nobunaga, người có tiếng là không thích khen thuộc hạ, gọi ông là “Samurai trong những Samurai”. Hơn nữa, Toyotomi Hideyoshi viết rằng Samurai giỏi nhất là "Honda Tadakatsu ở miền Đông và Tachibana Muneshige ở miền Tây". Thậm chí Takeda Shingen còn ca ngợi rằng “Ông là báu vật Tokugawa Ieyasu".

Thời làm tướng quân
Honda Tadakatsu nói chung được coi là tướng quân giỏi nhất của Tokugawa Ieyasu, và ông chiến đấu trong hầu hết các chận triến quan trọng của chủ nhân mình. Ông nổi danh qua trận Anegawa (1570), cùng với đồng minh của Tokugawa, Oda Nobunaga tiêu diệt quân đội dưới tay nhà Azai và nhà Asakura. Tadakatsu cũng chiến đấu trong trận thua lớn nhất của Tokugawa, trận Mikatagahara (1572), ông chỉ huy cánh trái, đối mặt với cánh quân dưới quyền chỉ huy của một vị tướng nổi danh hơn của dòng họ Takeda, Naito Masatoyo. Mặc dù thất bại, Honda Tadakatsu là một trong những vị tướng của Tokugawa hiện diện để đòi báo thù trong trận Nagashino (1575). Honda chỉ huy một đội lính cầm súng hỏa mai khi liên quân Oda-Tokugawa tiêu diệt quân đội của Takeda Katsuyori, một phần là nhờ vào tài năng sử dụng nhưng khẩu súng hỏa mai có hạng, khi họ bắn hàng loạt theo cách xoay vòng Một người bắn trong khi người còn lại nạp đạn và người khác đang thông nòng. Điều này cho phép các tay sùng hỏa mai bắn liên tục, tiêu diệt quân đội của Takeda. Đây là ví dụ đầu tiên về chiến thuật hiệu quả cao mà thế giới từng chứng kiến.

Honda Tadakatsu tham dự trận Sekigahara (1600), nới lực lượng của Tokugawa Ieyasu tiên diệt liên minh các daimyo miền Tây dưới sự chỉ huy của Ishida Mitsunari, cho phép Tokugawa nắm quyền kiểm soát toàn bộ đất nước, khép lại thời kỳ Sengoku.

Tadakatsu dường như là một nhân vật đa màu sắc, có rất nhiều câu chuyện đã được thêu dệt về ông – thường là trong tất cả các trận chiến đã tham dư, ông chưa bao giờ bị thương. Giáp chụp đầu của ông, nổi tiếng với việc trang trí bằng những gạc hươu, đảm bảo là ông luôn là người dễ nhận diện trên chiến trường. Con ngựa của ông tên là Mikuniguro. Kỹ năng chiến đấu của ông vĩ đại đến mức vũ khí mà ông chọn, ngọn giáo tên là Tonbo-Giri (hay Tình Linh Thiết-Cắt Chuồn Chuồn, cái tên ra đời từ truyền thuyết rằng ngọn giáo sắc đến nỗi, một con chuồn chuồn đã bị cắt đôi khi nó đậu lên lưỡi giáo, nổi tiếng là một trong "Ba ngọn giáo vĩ đại của Nhật Bản".

14. Kotaro Fuma
http://farm4.static.flickr.com/3136/2854932385_4ecb6d3927_m.jpg
-là người kế tục chưởng môn thứ 1 phái Ninja Fūma trong thời Sengoku của Nhật Bản.

Mỗi chưởng môn tiếp theo sau của phái phải kế tục tên của người sáng lập phái, làm khó phân biệt được từng cá nhân trong phái. Người nổi tiếng nhất trong số này, Fūma Kotarou, là đời thứ 5. Ông phục vụ dưới thời lãnh chúa thành Odawara là Houjou Ujimasa và Houjou Ujinao.
Phái này phục vụ cho dòng Houjou tại thành Odawara. Họ nổi tiếng bởi nghệ thuật cưỡi ngựa, khiến người ta đoán họ là hậu duệ dân du mục.
Một trong những trận đánh nổi tiếng của Kotarou là vào năm 1581 khi quân Takeda đặt doanh trại bắt ngang dòng sông Osegawa. Từ vị trí quân Houjou trong thành Ukishimagahara, các ninja Fūma vượt qua dòng sông và tấn công doanh trại quân Takeda nhiều lần và gây hỗn loạn thành công doanh trại.
Truyền thuyết nói rằng vào năm 1596, Kotarou bị Hattori Hanzou, 1 ninja phái Iga phục vụ dòng họ Tokugawa bắt được. Người ta tin rằng ông phải chịu trách nhiệm về cái chết của Hanzou bởi vì đã lùa Hanzou vào trong 1 con suối nhỏ đầy dầu, quân của Kotarou phóng hỏa dòng suối giết chết Hanzou khi tàu của Kotarou đã cách 1 khoảng rất an toàn. Khi các tướng quân dòng Tokugawa đã có được sức mạnh tuyệt đối, phái Fūma trở thành 1 băng cướp biển tấn công dây chuyền các kho quân sự của quân Tokugawa.
Cùng với sự sụp đổ của dòng Houjou, phái Fūma vô chủ và Kotarou trở thành 1 băng trộm cắp. Kết cục họ bị bắt và bị trừng phạt năm 1603 theo chính sách dòng Tokugawa.

15.Sakon Shima
http://farm4.static.flickr.com/3183/2855766814_a1d72f9ab9_m.jpg
-là một samurai làm việc dưới trướng của Tsutsui, sau đó chuyển sang phục vụ cho Ishida Mitsunari.
-Tại trận chiến Sekigahara, Shima là một trong những tướng lĩnh cấp cao trong hàng ngũ Ishida, điều khiển đơn vị 1.000 người. Một số nguồn nói rằng Shima đã dẫn đầu những người lính hỏa mai. Vào đầu cuộc chiến, ông bị thương do hỏa hoạn từ quân đội phía Tokugawa Ieyasu, và có thể rút lui ngay sau đó. Không có thông tin gì về việc ông đã hy sinh ở chiến trường hay đã trốn thoát, nhưng nhiều nguồn tin cho rằng ông đã chết vì bị thương một thời gian ngắn sau đó. Xác của ông không được tìm thấy, cho thấy có thể ông đã trốn thoát khỏi chiến trường và chết đâu đó gần Sekigahara, hoặc sống cuộc đời ronin.

16.Yohishiro Shimazu (21/8/1535-30/8/1619)
http://farm4.static.flickr.com/3104/2855766720_755a33f3c7_m.jpg
-là một daimyo của vùng Satsuma, một danh tướng trong hai thời kỳ Azuchi-Momoyama và Sengoku. Ông con trai thứ hai của Shimazu Takahisa và em trai của Shimazu Yoshihisa. Dân gian vẫn tin rằng ông đã trở thành tộc trưởng thứ 17 của gia tộc Shimazu sau Yoshihisa, nhưng thực ra ông vẫn để Yoshihisa giữ vị rí của mình.
-Ông là một viên tướng tài giỏi và đã đánh bại gia tộc Ito trong trận Kigasakihara năm 1572, một trong rất nhiều chiến thắng của ông. Ông góp công lớn trong việc thống nhất Kyūshū. Năm 1587, giao chiến với quân đội của Toyotomi Hideyoshi đang cố bình định Kyūshū, Yoshihiro vẫn chủ chiến kể cả khi anh mình và tộc trưởng Yoshihisa đã đầu hàng. Sau khi Yoshihisa liên tục yêu cầu ông đầu hàng, cuối cùng Yoshihiro tuân theo. Sau khi Yoshihisa đi tu, nhiều người ten rằng ông trở thành tộc trưởng nhưng quyền lực thực tế vẫn nằm trong tay Yoshihisa.
Ông là một tướng quân nhiệt thành và tài giỏi của Hideyoshi. Trong cả hai năm 1592 và 1597 trong Cuộc chiến bảy năm, Yoshihiro đã đến bán đảo Triều Tiên và đã đánh thắng nhiều trận. Năm 1597, cùng với Todo Takatora, Katō Yoshiaki và Konishi Yukinaga, Yoshihiro đánh bại hải quân của Won Kyun, giết Won Kyun tại trận. Tại trận Sacheon (泗川) (Tứ Xuyên) năm 1598, chỉ có 7 nghìn quân trong tay Yoshihiro vẫn đánh bại quân nhà Minh đông tới 37.000 người và diệt vài ngàn lính địch tại trận. Quân Shimazu dưới tay Yoshihiro được quân Minh gọi là "Oni-Shimazu (đại ý là-Những con quỷ Shimazu hay Những con quái vật Shimazu)". Trong trận chiến cuối, trận Noryang, hạm đội 500 thuyền của Yoshihiro hoàn toàn bị đánh tan tác bởi liên minh hải quân Triều Tiên/Minh dưới sự chỉ huy của Lý Thuấn Thần và Chen Lin. Kết thúc trận chiến, 200 trên 500 thuyền Nhật bị chìm. Đây là thất bại lớn nhất của Yoshihiro trong chiến dịch chinh phục Triều Tiên.
Trong trận Sekigahara năm 1600, Yoshihiro đáng lẽ đã về phe của Tokugawa Ieyasu. Khi Ieyasu yêu cầu, ông đã đem 1500 quân dưới trướng đến thành Fushimi để giúp Torii Mototada nhưng người này không chịu mở cửa thành cho ông vào vì không nhận được thông báo gì của Ieaysu. Tức giận, ông về phe của Ishida Mitsunari. Nhưng Yoshihiro cũng không hợp với Mitsunari, người không nghe bất kể một kế hoạch nào của Yoshihiro bao gồm một cuộc đột kích bất ngờ vào ban đêm trước ngày nổ ra trận chiến chính. Trong ngày giao chiến, Yoshihiro và 1.500 quân của mình đơn giản chỉ giữ vị trí của mình mà không tham chiến. Sau khi phần còn lại của quân Mitsunari bị quét sạch, Yoshihiro bị bao vây bởi 30.000 quân. Bị áp đảo về số lượng, Yoshihiro cố xông thẳng đến Ieyasu nhưng sau khi Shimazu Toyohisa yêu cầu ông đừng tự giết mình trong một trận chiến vô nghĩa. Yoshihiro sau đó đánh xuyên qua quân của Ieyasu để tìm đường thoát. Bằng cách tổ chức quân của mình vừa đánh vừa rút theo kiểu Sutegakari(捨て懸かり), phần lớn số người chết để giữ vị trí của mình và đẩy lùi các cuộc tấn công, trung quân vẫn chiến đấu. Toyohisa và phần lớn quân đội bị giết, nhưng cuộc đột kích và rút lui đã thành công và làm Ii Naomasa bị trọng thương. Sau khi đánh bại quân đuổi theo, ông đưa vợ mình ở Sumiyoshi, tỉnh Settsu và trở về tỉnh Satsuma bằng thuyền.
Sau khi biết được vì sao Yoshihiro làm như vậy trong trận chiến, Ieyasu cho phép gia tộc Shimazu giữ lại lãnh địa của mình và để con trai của Yoshihiro, Shimazu Tadatsune, kế vị ông. Yoshihiro an hưởng tuổi già ở Sakurajima và bắt đầu dạy những thế hệ trẻ của gia tộc. Ông mất năm 1619 và vài thuộc hạ đã kề vai sát cánh cùng ông trong chiến đấu đều tự sát theo ông.

Vai trò của Yoshihiro rất quan trọng đối với gia tộc Shimazu và cả Ieyasu lẫn Hideyoshi đều cố chia rẽ gia tộc bằng cách đối xử với Yoshihiro rất tốt trong khi lạnh nhạt với Yoshihisa, nhưng không thành công. Ông là một tín đồ đạo Phật sùng đạo, ông đã xây dựng một đài tưởng niệm cho quân địch trong Cuộc chiến bảy năm.

17.Nene (1546-1624)
http://farm4.static.flickr.com/3265/2854932495_6162aefa41_m.jpg
-là một phụ nữ quý tộc trong thời đại Sengoku và thời đại Edo trong Lịch sử Nhật Bản, nổi tiếng vì sắc đẹp, thông minh, và việc bà kết hôn Toyotomi Hideyoshi.
-Bà sinh năm 1546, con gái của Sugihara Sadatoshi. Khoảng năm 1561, bà cưới Toyotomi Hideyoshi, người sau này sẽ trở thành một trong ba người thống nhất vĩ đại của Nhật Bản. Nene là một trong những người được ông sủng ái. Đó là một cuộc hôn nhân hạnh phúc, mặc dù nó do cha mẹ sắp đặt và cả hai vẫn còn chưa thành niên. Sau khi Hideyoshi nhậm chức Kampaku năm 1585, Nene nhận tước hiệu "Kita no mandokoro".

Là vợ của Hideyoshi, Nene nổi tiếng vì là người ông hay tâm tình trò chuyện nhất. Vì bà là con gái của samurai, bà có quan hệ họ hàng với vài thuộc hạ của Hideyoshi. Trong đó có Sugihara Ietsugu (bác của Nene), Kinoshita Iesada (anh của Nene), và Asano Nagamasa (anh họ của Nene). Asano sau này sẽ giữ một vị trí quan trọng trong triều đình khi Hideyoshi lên năm quyền.

Mặc dù Nene không sinh người con nào cho Hideyoshi (có lẽ bà là người vô sinh), bà được biết đến là một người phụ nữ thông minh và đôi khi, khuyên Hideyoshi về công việc chính sự qua các lá thư. Khi Hideyoshi được ban một thái ấp rộng lớn ở tỉnh Ōmi sau khi gia tộc Azai và gia tộc Asakura bị đánh bại, ông miễn thuế ở sở chỉ huy của mình ở Nagahama, nhưng sau đó bội ước không cho dân chúng được hưởng ưu đãi thuế đắc biệt. Nene, tuy vậy, phản đối quyết định thứ hai của Hideyoshi, và kết quả là, Hideyoshi hủy bỏ nó và lại giảm thuế cho nhân dân. Dịp khác, Nên lại đưa ra lời khuyên cho Hideyoshi về các sự vụ với dân chúng. Có một câu chuyện được ghi lại rằng Hideyoshi thường xuyên viết thư cho Nene về những việc mà ông làm đã đến đâu. Hideyoshi làm việc này sau cuộc xâm lược lãnh địa của Sassa Narimasa ở vùng Hokuriku và sau chiến dịch đánh nhà Shimazu, và có lẽ trong suốt sự nghiệp của ông.
Khi Hideyoshi thống nhất Nhật Bản, Nene thường đi dự tiệc cùng ông. Nene lịch sự và nhã nhặn với khách của mình mọi lúc mọi nơi, và khi Nhật Hoàng Go-Yozei cùng đoàn tùy tùng, đến dinh thự Kyotite của Hideyoshi năm 1588, Nene tự động tặng rất nhiều quà cho khách của Hideyoshi. Nene lo lắng cho Hideyoshi kể cả khi ông đang trên giường bệnh. Cuối cùng, khi Hideyoshi đang hấp hối, bà thậm chí khẩn cầu triều đình tiến hành cúng lễ và nhảy múa để cầu cho Hideyoshi chóng hồi phục.
Mặc dù được sủng ái, Nene vẫn cạnh tranh với những người phụ nữ khác của Hideyoshi để được ông chú ý đến. Trong bức thư do Oda Nobunaga gửi cho Nene, Oda Nobunaga cũng lưu ý về việc Hideyoshi đôi khi không hài lòng với Nene. Trong khi tình yêu giữa Nene và Hideyoshi là đến từ cả hai bên, Hideyoshi vẫn có vài thê thiếp vì Nene không sinh được cho ông đứa con nào.
Có những tin đồn (dù chưa được kiểm chứng) rằng trong chiến dịch Sekigahara, Nene đã đứng về phía nhàgia tộc Tokugawa. Các tin đòn khác cho rằng trước khi bà kết hôn với Hideyoshi, Maeda Toshiie, một chư hầu của cà Oda và Toyotomi, từng say đắm bà.

Sau khi Hideyoshi chết năm 1598, Nene quyết định đi tu. Bà lấy pháp danh là Kōdai-in và dựng chùa Kōdai-ji ở Kyoto. Nơi đó trở thành mộ của chống bà, mẹ của ông và sau đó là Toyotomi Hideyori. Trong cuộc chiến dành quyền lực giữa Toyotomi Hideyori và Tokugawa Ieyasu, bà đứng về phía Ieyasu.

18.Okuni Izumo (1572?-?)
http://farm4.static.flickr.com/3227/2854932587_ef066d52d4_m.jpg
-là người đã sáng tạo ra nghệ thuật kabuki. Người ta cho rằng bà là một miko ở Xuất Vân Đại Xã, người sáng tạo ra điệu múa truyền thống ở Kyoto.
-Okuni lớn lên ở gần đền Izumo, nơi cha bà làm thợ mộc, và vài người trong gia đình cũng làm việc ở đó. Cuối cùng Okuni cũng vào đền với tư cách một miko, bà nổi tiếng không chỉ vì múa đẹp, diễn giỏi mà còn cả sắc đẹp của mình nữa. Theo phong tục thời kỳ đó, pháp sư, ‘'miko và những người khác luôn muốn cống hiến cho đền thờ, và được gửi tới Kyoto để biểu diễn các điệu múa và bài hát linh thiêng.
Trong những màn trình diễn ở Kyoto, bà nổi danh về những sự cách tân của mình: điệu múa nembutsu, để ngợi ca Phật A Di Đà, thường được biết đến vì vẻ đẹp đầy nhục cảm và có những ám chỉ bóng gió về tình dục. Giữa nó và những điệu múa và vở kịch, bà thu được rất nhiều sự chú ý và bắt đầu cuốn hút được lượng khán giả rất lớn đến xem mình biểu diễn. Cuối cùng, bà bị gọi lại đền thờ, nhưng bà không quan tâm, mặc dù vẫn đều đặn gửi tiền về.

Sáng tạo ra Kabuki
-Khoảng năm 1603, Okuni thành lập một gánh hát ở Shijōgawara, sông Kamo. Tập hợp những người vô gia cư hay có địa vị xã hội thấp, những kẻ đã bị gán cho cái tên kabukimono (từ kabuku nghĩa là "dựa vào hướng nào đó", và mono, "người"), bà hướng dẫn cho họ cách diễn xuất, múa, hát; một cách tự nhiên, bà gọi đoàn kịch của mình là kabuki. Những buổi biểu diễn kabuki đầu tiên gồm có múa và hát mà không có cốt truyện chính, thường bị coi rẻ vì sự lòe loẹt và chối tai, nhưng công bằng mà nói thì cũng đáng tán dương về vẻ đẹp và sự sặc sỡ.
Mặc dù bà yêu cầu các nam diễn viên đóng vai nữ và ngược lại nhưng chính bà lại đóng vai của cả hai phái. Đặc biệt, bà nổi tiếng nhất với vai samurai và cha sứ.
Rút cục, với sự tài trợ của Ujisato Sanzaburō, người ủng hộ Okuni về phương diện tài chính cũng như nghệ thuật, kabuki chính thức trở thành một môn kịch. Về mặt cá nhân, người ta nói rằng, Sanzaburō là người tình của Okuni, mặc dù họ không kết hôn. Sau khi ông chết, bà lại tiếp tục mà không có ông, tiếp tục kết hợp giữa kịch nghệ với âm nhạc và các điệu múa. Sau cùng, sự nổi tiếng của bà và đoàn kịch kabuki đã lan rộng khắp nước Nhật.
Những năm sau đó
-Okuni nghỉ hưu năm 1610, sau đó bà biến mất. Có rất nhiều người đã bắt chước kịch kabuki. Đặc biệt, nhà chứa còn tổ chức các buổi diễn này để làm vui thích những vị khách giàu có, cũng như tiếp nhận những gái điếm có tài múa hát và diễn xuất. Cuối cùng, vì sự phản đối kịch liệt của công chúng, shogun Tokugawa Ieyasu cấm phụ nữ diễn xuất kabuki, một quy tắc vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Có vài thuyết về năm bà qua đời, có người nói năm 1613, số khác lại cho rằng con số 1658 mới chính xác.
Năm 2003 một tượng đài được dựng lên để tôn vinh bà, trên đường Kawabata, ở phía Bắc Shijō Ōhashi, gần bờ sông Kamo ở Kyoto.

19.Mushashi Miyamoto (1584-1645)
http://farm4.static.flickr.com/3068/2864391909_340150ba0b_m.jpg
là kiếm sĩ đã sáng lập trường phái Hyōhō Niten Ichi-ryū (兵法二天一流, Binh pháp nhị thiên nhất lưu; còn gọi là 二刀一, nitōichi, Nhị đao nhất) sử dụng song kiếm. Được đánh giá là "kiếm sĩ trong thiên hạ" của Nhật Bản thời tiền Tokugawa, Miyamoto Musashi đã trải qua một cuộc đời của một samurai chưa từng thất bại trước bất cứ đối thủ nào.

Tiểu sử
Musashi sinh trưởng vào thế kỷ 17 trong thời đại Sengoku (1482-1558), thời đại của những cuộc nội chiến liên miên trên đất nước Nhật Bản. Thuở nhỏ chàng mang tên Shinmen Takezō và sau được Takuan Shoho, một thiền sư lỗi lạc của Nhật Bản, đổi âm đọc Takezō thành Musashi theo âm Hán tự của chữ 武蔵).

Những năm đầu đời Takezō bị cả làng xa lánh như thể cậu là đứa con của quỷ, tất cả là vì bản tính hoang dã và thích phá phách của mình. Takezō đã bỏ nhà ra đi khi mới 17 tuổi cùng một người bạn, đó chính là Honiden Matahachi. Takezō gia nhập vào đội quân của Toyotomi, cậu cùng người bạn thân nhất của mình tham gia vào trận chiến nổi tiếng Sekigahara chống lại bè đảng của Tokugawa. Tuy nhiên trong trận đánh này quân của Tokugawa đã hoàn toàn thắng lợi, mở đàu cho một triều đại mới kéo dài gần 300 năm.
Takezō và Matahachi đã may mắn sống sót trong trận đánh này, về sau đã thề rằng sẽ làm được những điều vĩ đại trong cuộc đời mình. Nhưng sau đó họ buộc phải đi theo những con đường khác nhau.

Bị săn đuổi, Takezō trở thành tội phạm, anh phải thay đổi họ tên để tránh một cái chết ô nhục. Trên chặng đường dài ấy, từ một kẻ lạnh lùng, hoang dã, Takezō đã trưởng thành, thay đổi để trở thành một Miyamoto Musashi, kiếm sĩ nổi danh và thành công nhất của Nhật Bản với những trận đấu chưa hề chịu thất bại, và đặc biệt là trận đối đầu sinh tử với Sasaki Kojiro, một kiếm sĩ có biệt danh Ganryū (Ngạn Liễu), với thanh kiếm mang tên "cây sào phơi" và những tuyệt chiêu được luyện thành khi chém đôi chim nhạn đang bay và chẻ dọc những cành dương liễu trên đảo Ganryūshima.
(Những điều nói trên đây chỉ là tiểu thuyết của Yoshikawa Eiji thôi, đời thực của ông không như vậy. Takezo chỉ là cái tên tưởng tượng do Yoshikawa nghĩ ra mà thôi)

Nghệ thuật
Miyamoto Musashi còn được biết đến là tác giả của cuốn sách bàn về kiếm đạo Gorin no sho (五輪書, Ngũ luân thư), và là một bậc thầy về nghệ thuật chạm khắc tượng gỗ cũng như hội họa thủy mặc.

20.Chōsokabe Motochika (1538-11/7/1599)
http://upload.wikimedia.org/wikipedia/vi/thumb/0/06/Chosokabe.jpg/180px-Chosokabe.jpg

là một daimyo trong thời Senkoku ở Nhật Bản. Ông là tộc trưởng thứ 21 của gia tộc Chōsokabe ở tỉnh Tosa (nay là quận Kōchi). Ông là con trai và người thừa tự của Chōsokabe Kunichika và mẹ ông là con gái của gia tộc Saitō ở tỉnh Mino.

Năm 1575, Motochika chiến thắng trong trận Watarigawa, nắm quyền kiểm soát tỉnh Tosa. Trong một thập kỷ sau đó, ông mở rộng quyền lực của mình ra toàn đảo Shikoku. Tuy nhiên, năm 1585, Hashiba (sau đó là Toyotomi) Hideyoshi xâm lược hòn đảo này với quân số lên đến 100,000 người, do Ukita Hideie, Kobayakawa Takakage, Kikkawa Motonaga, Hashiba Hidenaga, và Hashiba Hidetsugu chỉ huy. Motochika đầu hàng, và bị mất các tỉnh Awa, Sanuki, và tỉnh Iyo; Hideyoshi cho phép ông giữ lại tỉnh Tosa.
Dưới quyền Hideyoshi, Motochika và con trai mình Nobuchika tham gia vào cuộc xâm lược đảo láng giềng Kyūshū, nhưng Nobuchika tử trận. Năm 1590, Motochika chỉ huy thủy quân trong cuộc vây hãm Odawara, và cũng chiến đấu trong lần xâm lược Triều Tiên năm 1592.
Motochika mất năm 1599 hưởng thợ 61 tuổi tại dinh thự ở Fushimi.

21.Maeda Toshiie (15 tháng 1, 1539 - 27 tháng 4, 1599)
http://koeiwarriors.co.uk/artworks/wo2/ac/toshiies.jpg

là một trong những tướng quân quan trọng của Oda Nobunaga từ thời kỳ Sengoku vào thế kỷ 16 cho đến thời kỳ Azuchi-Momoyama. Cha ông tên là Maeda Toshimasa. Ông là người thứ 4 trong số 7 anh em trai. Tên thời thơ ấu của ông là "Inuchiyo" (犬千代) (Khuyển Thiên Đại). Vũ khí yêu thích của ông là yari (một loại giáo của Nhật) và ông được biết đến với tên gọi "Yari no Mataza" (槍の又左) (Thương Hựu Tả), Matazaemon (又左衛門) (Hựu Tả Vệ Môn) trở thành tên gọi thông thường của ông. Chức vụ lớn nhất của ông trong triều là Dainagon (大納言) (Đại Nạp Ngôn).

Tuổi trẻ
Toshiie sinh ra ở tỉnh Owari, là con trai thứ 4 của Maeda Toshimasa, người cai quản lâu đài Arako. Toshiie phục vụ Oda Nobunaga từ nhỏ và lòng trung thành của ông đã được tưởng thưởng bằng việc để ông làm tộc trưởng của gia tộc Maeda, một điều bất bình thường với người con trai thứ tư khi mà tất cả các anh của ông đều không phạm lỗi gì nặng nề. Giống như Nobunaga, Toshiie cũng đã từng phạm tội, thường ăn mặc kì cục theo kiểu kabukimono. Người ta tin rằng ông là bạn thưở thiếu thời của Kinoshita Tokichiro (sau này là Toyotomi Hideyoshi). Cũng như Hideyoshi với cái tên Saru, 猴 hay "hầu," Toshiie được Nobunaga gọi là Inu, 犬 hay "khuyển". Theo dân gian thì chó và khỉ không bao giờ kết thân với nhau, Toshiie thường được miêu tả là kín đáo và lạnh lùng, ngượi lại với vẻ hoạt bát và dễ chịu và lắm mồm của Hideyoshi.

Đời binh nghiệp
Toshiie khởi nghiệp với việc gia nhập akahoro-shū (赤母衣衆) (Xích Mẫu Y Chúng), đơn vị dưới quyền chỉ huy của riêng Oda Nobunaga. Ông sau đó trở thành một sĩ quan bộ binh (ashigaru taishō 足軽大将) trong quân đội nhà Oda. Trong đời binh nghiệp của mình, Toshiie làm quen với rất nhiều nhân vật quan trọng, như Hashiba Hideyoshi, Sassa Narimasa, Akechi Mitsuhide, Takayama Ukon, và những người khác. Ông cũng đối địch với vài người như Mitsuhide, người sau này ám sát Nobunaga; Toshiie cũng là một kẻ thù truyền kiếp của Tokugawa Ieyasu. Sau khi đánh bại nhà Asakura, Maeda chiến đấu dưới trướng của Shibata Katsuie trong vùng Hokuriku. Ông cuối cùng được thưởng một han (lãnh địa) (Lãnh địa Kaga) kéo dài sang Noto và [tỉnh [Kaga]]. Bất chấp diện tích nhỏ bé, Kaga là một tỉnh giáu có và mỗi năm nộp thuế 1 triệu koku (百万石) (Bách Vạn Thạch) (đơn vị tính lượng gạo của Nhật); do đó, nó được đặt biệt danh là Kaga Hyaku-man-goku (加賀百万石) (Gia Hạ Bách Vạn Thạch).

Toshiie hưởng lợi từ một nhóm các chư hầu chủ chốt. Vài người, như Murai Nagayori và Okumura Nagatomi, là những thuộc hạ trung thành của nhà Maeda.

Sau khi Nobunaga bị ám sát ở chùa Honnō-ji (本能寺) (Bản Năng tự) bởi Akechi Mitsuhide và thất bại sau đó của Misuhide trước Hideyoshi, ông chiến đấu với Hideyoshi dưới sự chỉ huy của Shibata trong trận Shizugatake. Sau khi Shibata bị tiêu diệt, Toshiie về dưới trướng Hideyoshi và trở thành một trong những tướng quân quan trọng nhất của ông. Sau đó một thời gian, ông bị buộc phải giao chiến với một người bạn của mình, Sassa Narimasa. Narimasa không phải là đối thủ của Toshiie và nhanh chóng bị đánh bại, theo đó là thắng lợi của Maeda trong trận lâu đài Suemori. Trước khi chết năm 1598, Hideyoshi bổ nhiệm Toshiie vào Hội đồng 5 vị nguyên lão để trợ giúp Toyotomi Hideyori cho đến khi Hideyori đủ tuổi tự mình chấp chính. Tuy nhiên, chính Toshiie cũng không đủ sức khỏe, và chỉ có thể trợ giúp cho Hideyori đúng một năm rồi mất.
Toshiie được con trai Toshinaga kế tục.

22.Maede Keiji(1543 — 1612)
http://koeiwarriors.co.uk/artworks/wo2/ac/keijis.jpg

là một samurai từ thời đại Sengoku cho đến đầu thời đại Edo. Toshimasu sinh ra trong gia tộc Takigawa ở Owari, là con trai của Takigawa Kazumasu. Ông được nhận làm con nuôi của Maeda Toshihisa, anh trai của Maeda Toshiie. Toshimasu phục vụ cho Oda Nobunaga cùng với chú mình. Ban đầu, Toshimasu là người thừa kế vị trí đứng đầu gia tộc Maeda; tuy nhiên, sau khi Oda Nobunaga thay thế vị trí đứng đầu gia tộc Maeda của Toshihisa bằng Toshiie, ông cũng mất luôn vị trí này. Có lẽ vì mất quyền thừa kế, Toshimasu nổi tiếng là bất hòa với chú mình.[cần dẫn nguồn]

Toshimasu cưỡi con ngựa huyền thoại Matsukaze. Người ta nói rằng con ngựa to lớn một cách kỳ lạ và có sức mạnh phi thường. Có lẽ vì thế, con ngựa mới chở nổi thân hình to lớn của Toshimasu.

Khi ở Kyoto, Toshimasu gặp và kết bạn với Naoe Kanetsugu, karō của Uesugi Kagekatsu. Hai người trở thành bạn thân. Kết quả là, Toshimasu đồng ý tham gia cùng Kanetsugu trong lần tiến đánh nhà Aizu của gia tộc Uesugi. Trong khi rút lui sau thật bại, Keiji được giao nhiệm vụ chỉ huy hậu quân. Cưỡi trên mình con Matsukaze xông vào trận đánh, vung thanh giáo hai ngạnh, ông đã làm nên một kỳ công tuyệt vời. Nhờ một phần vào sự dũng mãnh của Toshimasu, quân đội nhà Uesugi mới có thể rút lui nguyên vẹn.

Sau đó, Toshimasu trở về kinh đô và dành thời gian cho hội họa và văn chương. Keiji bị ghét từ chiến dịch Kyushu của Toyotomi vì tính cách hoang dã của ông. Khi Tokugawa giao tranh với gia tộc Uesugi năm 1600, ông lại một lần nữa sát cánh cùng quân đội nhà Uesugi. Trong trận đánh với nhà Mogami, ông đột phá qua phòng tuyến quân địch với chỉ tám kị binh, và phá tan đội hình của họ.[cần dẫn nguồn] Sau khi gia tộc Uesugi chuyển đến Lãnh địa Yonezawa, Toshimasu vẫn ở với họ, với vai trò một thuộc hạ.
Áo giáp của Keiji vẫn còn đến ngày nay ở Bảo tàng Miyasaka.

23.Shibata Katsuie (1530-1583)
http://koeiwarriors.co.uk/artworks/wo2/ac/katsuies.jpg

còn có tên là Gonroku (権六), là một dũng tướng của Oda Nobunaga và đã theo quân của Oda từ hồi còn trẻ cho tới khi Oda mất vào năm 1582.

Katsuie sinh ra trong gia tộc Shibata, chi thứ của gia tộc Shiba (là hậu duệ của gia tộc Ashikaga, và là chủ cũ của gia tộc Oda). Lưu ý sự khác nhau giữ Shibata (柴田, Sài Điền?), Shiba (斯波, Tư Ba?), và gia tộc Shibata ở Echigo (新発田, Tư Ba Điền?).


Lúc đầu, ông ủng hộ Oda Nobukatsu (em trai của Nobunaga) và Hayashi Michikatsu chống lại Nobunaga. Nhưng sau đó ông thua ở trận Ino và ông sang đầu quân cho Nobunaga. Sau việc này, Nobunaga đã chém đầu người em của mình và tha cho Shibata và Hayashi. Shibata đã cho Nobunaga thấy sự trung thành của mình, ông là chìa khóa giúp cho Nobunaga mở rộng thuộc địa.

Shibata đã theo Nobunaga đánh trận Okehazama (1560)chống lại Imagawa và trong trận chiến của Oda với Saito ở Mino(1561-1563). Năm 1567, Shibata đã di chuyển quân mình tới Settsu đánh bại quân đồng minh Miyoshi và Matsunaga để bảo toàn lực lượng quân ở Kyoto. Năm 1573, Shibata bị Rokkaku Yoshikata với 4000 quân bao vây thành Chokoji (nằm ở phía tây nam Omi). Mặc dù chỉ có 400 quân lính trong tay nhưng ông đã chiến thắng và làm cho quân của Rokkaku phải rút lui. Ông được đặt cho biệt danh là "Oni Katsuie" (Katsuie quỷ)

Năm 1573, Shibata đã cưới Oichi, em của Oda Nobunaga. Năm 1575, ông đã nắm được vùng Echizen và thành Kita-no-sho. Năm 1576, được sự giúp đỡ của Toshiie Maeda và Sassa Narimasa, ông đã chiếm được vùng phía bắc và vùng Kaga. Một năm sau, Uesugi Kenshin đem quân đi chinh phạt Oda. Oda bị đánh bại buộc phải chạy về Omi. Shibata đã tham gia trận chiến ở Tedorigawa vào năm đó. Năm 1578, Kenshin chết, nhà Uesugi xảy ra cuộc chiến nội bộ để tranh giành quyền lực và khi Uesugi Kagekatsu lên ngôi thì tất cả con đường tới Etchu đều bị Shibata chiếm lại. Vào năm 1582, sau cái chết của Oda Nobunaga ở chùa Honno do bị Akechi Mitsuhide làm phản, Shibata theo Oda Nobutaka (con trai thứ ba của Nobunaga) và Takigawa Kazumasa chống lại Toyotomi Hideyoshi. Tuy nhiên, lãnh địa của ông bị tuyết trắng mùa đông bao phủ, làm hạn chế khả năng của ông. Cả hai đồng minh của ông đều bị đánh bại khi Katsuie chiến đấu với cả băng giá lẫn Uesugi. Quân đội của ông, dưới sự lãnh đạo của Sakuma Morimasa, bao vâyNakagawa Kiyohide ở Shizugatake, trong một động thái tiến đến trận Shizugatake. Sakuma không tuân theo lệnh của Shibata là chỉ thử khả năng phòng ngự của quân địch và bị đánh bại bởi quân tiếp viện của Toyotomi Hideyoshi. Ông rút đến lâu đài Kitanoshō nhưng vì quân đội đã bị tiêu diệt, Katsuie không còn lựa chọn nào khác ngoài đầu hàng. Katsuei mổ bụng tự sát (seppuku) và phóng hỏa cả tòa lâu đài. Ông van nài Oichi hãy mang con gái của họ ra đi, nhưng bà quyết định tự vẫn theo ông, trong khi để con gái của mình chạy thoát. Thậm chí, Katsuie trong trận này còn chưa cầm đến một ngọn giáo.

Bài thơ làm khi ông tự sát:

Tiêu bản:Nihongo2

Natsu no yo no
yumeji hakanaki
ato no na wo
kumoi ni ageyo
yamahototogisu

"Giấc mộng chóng qua, trong đêm mùa thu! Hỡi bầy chim rừng, mang tên ta lên tới trời xanh."



Phù mệt we' Shuya ơi:huwet::stress:

Acmagiro
16-09-2008, 12:51 PM
Mấy cái thông tin này do các chú mê game Samurai Warrior của hãng Koei viết ra :d
Tuy wikipedia là nguồn kiến thức nhưng vì nó mở nên cũng cần phải coi lại tính chính xác của nó.

Những bài viết này rõ ràng được dịch từ tiếng Anh của các chú ngoại quốc chơi game đây mà :d
Họ chẳng phải những nhà nghiên cứu nên chỉ xem đây như một thứ kiến thức bổ sung cho vui.

PihoNaga
16-09-2008, 05:24 PM
Cũng hay mà. Wikipedia nếu sai chắc cũng sai có 10% thôi, trang web lớn trên thế giới mà.

longsasha
17-09-2008, 10:53 AM
Đọc mà cứ nhớ đến hồi mình chơi Samurai Warrior 2, hay quá, thank bạn AyakaKomatsu nha

Acmagiro
20-09-2008, 12:18 PM
Cũng hay mà. Wikipedia nếu sai chắc cũng sai có 10% thôi, trang web lớn trên thế giới mà.

Nếu nói Wikipedia tiếng Việt không sai nhiều thì cứ vào đây mà coi những lỗi củ chuối của nó :aaa:

http://japanest.com/forum/showthread.php?t=16875

PihoNaga
24-09-2008, 09:01 PM
thì tui có nói ko sai đâu, chỉ nói là sai 10% thôi mà, giống như Chung Tử Đơn là đệ tử của HNG đó:give_up:

lionpiho
29-09-2008, 12:21 PM
hay, chơi WO mãi mà giờ mới biết mấy ông này ngày xưa hùng tráng thế:aaa:

PihoNaga
15-10-2008, 08:14 PM
No vợ của NOBUNAGA sao mà tiểu sử ít vậy bạn tại theo mình bik NO có quá khứ hơi bị dữ đó bạn thử len gôgle ma tim có đó

darkness90
19-09-2009, 08:46 PM
có musashi mà ko có kojiro ah'?????

bam baby
19-09-2009, 10:20 PM
bài viết hay nhưng để mấy cái hình game có vẻ hơi phản cảm (nhận xét chủ quan của mình) :-p

Kid A
19-09-2009, 11:38 PM
game này ngày xưa cày như điên như khùng, lấy hết endings của từng đứa... còn nhớ lấy con yukimura lên 99 tầng giết lữu bố :hehe: lữu bố nhé !
Bảng item của mình cũng gần full...

1 giai đoạn sau nó ra fiên bản plus, là bản con okuni... nhưng chỉ mới ra ver JP... mình thì chơi US. Thành ra bày đặt chơi lại bản JP... và kể từ ngày đầu tiên train lại JP, mất cục memory :(( trong đó còn 1 đống game :(( buồn lắm~~~

sweetsin
11-11-2009, 12:12 PM
Ko có topic hỏi đáp >"<, chỉ có cái này là gần nhất với cái mình muốn hỏi.
Hiện mình đang cần tìm 1 số tư liệu đáng tin cậy = tiếng Anh hoặc Việt về "Samurai"
Các võ tướng này cũng là Samurai ~_~! Nên mạn phép đưa câu hỏi vào đây :be_eaten:
Mình cần tài liệu để trả lời 1 số câu hỏi :
- Samurai dc dùng chính thức vào thời nào, xuất xứ của từ Samurai.
- Samurai là cái gì?
- Làm sao để trở thành / dc công nhận là 1 Samurai?
- Giá trị / nhiệm vụ của 1 Samurai là cái gì.
- Tinh thần Samurai Nhật Bản là gì :-?
- Ảnh hưởng của tinh thần này lên văn hóa / nghệ thuật của Nhậ Bản đương đại.
Ai có thông tin hay tài liệu gì thì pm mình nhé. Thanks trước :loi::loi:

tuan9
15-11-2009, 09:55 PM
2.Mitsuhide Samanosuke Akechi (1528-2/7/1582) (Onimusha nè^^)
Người viết nhầm lẫn rồi Samanosuke không phải là Mitsuhide Akechi đâu mà chỉ là cháu của ông ta(gọi Mitsuhide bằng chú), tên đầy đủ của Samanosuke là Hidemitsu Samanosuke Akechi (Hidemitsu chứ không phải Mitsuhide), nhiều bạn khi chơi game không nắm rõ cốt truyện mà lại không đọc kỹ tên nhân vật nữa nên mới nhầm lẫn Mitsuhide và Samanosuke là một .

madsheep
14-07-2012, 02:32 PM
Mặc dù nguồn Wiki ko hoàn toàn tin cậy 100% nhưng thk bạn vì bài viết rất hay này :D

kenrus1910
14-11-2012, 04:07 PM
hồi trước chơi mà chả hiểu mấy về tiểu sử nhân vật. đọc cái này mới vỡ ra được nhiều :)