PDA

View Full Version : [Giới thiệu] Những cuốn sách bị giới phê bình ghét nhất



Cốm
29-06-2008, 04:21 PM
Những cuốn sách bị giới phê bình ghét nhất

Thanh Huyền

Dù được xếp vào hạng tác phẩm kinh điển trong kho tàng văn học nhân loại, nhưng trong mắt một số nhà văn, nhà phê bình, những tiểu thuyết như "Tội ác và trừng phạt" - Dostoevsky, "Những đứa trẻ nửa đêm" - Salman Rushdie, "Cuốn sổ vàng" - Doris Lessing… lại là những cuốn sách không thể đọc nổi.

Timesonline vừa tổ chức khảo sát ý kiến của một số nhà phê bình văn học về cuốn sách mà họ ghét nhất. Dưới đây là một số kết quả cụ thể.

Peter Kemp, Biên tập viên tờ The Sunday Times:

Dostoevsky luôn khiến tôi phải đầu hàng. Ngay cả khi một mình ở nước ngoài, không có bất cứ thứ gì đọc ngoài The Idiot (Chàng ngốc), tôi cũng không thể kiên nhẫn đi đến được trang cuối. Robert Louis Stevenson từng nhận xét một cách đầy ngưỡng mộ rằng về Tội ác và trừng phạt rằng: “Nó gần như rút hết sinh lực của tôi. Tôi như vừa trải qua một trận ốm”. Bỏ qua sự ngưỡng mộ, thì đó chính là cảm giác mà tôi nhận được từ chứng cuồng loạn, ảo giác và những cơn sốt mà nhân vật của Dostoevsky tác động đến.

Ian Rankin, tiểu thuyết gia:

http://evan.com.vn/News/doi-song-van-nghe/2008/06/3B9ADF31/0099578514.jpg
Bìa cuốn "Những đứa trẻ nửa đêm".

Tôi không muốn nhấn nó xuống bùn nhưng tôi đã thử "nghiền" Midnight’s Children (Những đứa trẻ nửa đêm) vài lần và chưa bao giờ đọc quá được 10 trang đầu. Tôi cũng không biết tại sao, nhưng tình trạng này kéo dài đã vài năm nay rồi. Bây giờ, có lẽ tôi nên thử lần nữa chăng. Tôi thích No Country for Old Men của Cormac McCarthy nhưng bạn bè của tác giả mách với tôi rằng Blood Meridian mới là kiệt tác của ông. Tôi bèn đọc nó và cũng không chịu nổi quá nửa cuốn. Chỉ là vì tôi thấy nó không hấp dẫn. Tôi cũng không thể đọc hết The Road của ông. Một cuốn nữa mà tôi cũng rất ghét là Ancient Evenings của Norman Mailer. Khi còn học văn học Mỹ tại đại học, tôi được biết Mailer là nhà văn hàng đầu. Nhưng tôi phải đầu hàng ở trang 600 của cuốn sách vì quá mệt mỏi với những dòng viết về các pharaohs và chuyện quan hệ qua hậu môn…

India Knight, nhà văn:

Ben Okri đoạt giải Booker với cuốn The Famished Road (Con đường đói khát). Nhưng đã ai đọc hết cuốn sách này chưa? Liệu câu văn của ông có thể được coi là thú vị?...

Stephen Amidon, tiểu thuyết gia - nhà phê bình:

The Waves của Virginia Woolf hội tụ tất cả những gì không nên có ở một cuốn tiểu thuyết. Sau thành công của Mrs Dalloway và To the Lighthouse, với cuốn sách này, Woolf sa vào bãi lầy của những thứ không thể nào đọc nổi.

Christopher Hart, tiểu thuyết gia - nhà phê bình:

St Mawr của DH Lawrence. Chính xác hơn là bất cứ cuốn nào của Lawrence. St Mawr là cuốn tôi cố đọc gần đây nhất. Cuốn sách chỉ dài chừng 100 trang nên tôi nghĩ mình sẽ không phải chịu đựng quá nhiều. Nhưng tôi đã nhầm. Lawrence là nhà văn tẻ nhạt, không có một chút hài hước nào, một tác giả hiểu biết rất thô sơ về nhân vật, nội tâm và động cơ của chúng nhưng vẫn kiên nhẫn kể cho độc giả nghe bằng những chi tiết chán ngắt. Những nhà văn vĩ đại, từ Homer, Jane Austen đến Cormac McCarthy chỉ kể những gì nhân vật nói và làm. Phần còn lại là công việc của độc giả. Nhưng Lawrence thì nghĩ, độc giả là những người quá đần độn.

Bryan Appleyard, nhà văn:

The Awkward Age của Henry James: Cuốn sách này đánh dấu sự chấm hết cho James và là bằng cớ để tôi tin rằng, ông chưa bao giờ là một nhà văn tài năng. FR Leavis gọi The Awkward Age là “một trong những thành tựu chính của James”. Leavis điên rồi.


http://evan.com.vn/News/doi-song-van-nghe/2008/06/3B9ADF31/acuonsovang.jpg
Là nhà văn đoạt giải Nobel nhưng "Cuốn sổ vàng" của Doris Lessing vẫn bị ghét.

Simon Jenkins, nhà bình luận:

Tôi không nhớ đã bao nhiêu lần tôi mang theo Tội ác và trừng phạt để đọc trong các kỳ nghỉ hè chỉ để giận dữ ném nó vào bể bơi.

Mark Ravenhill, nhà viết kịch:

Khi còn là một đứa trẻ, tôi yêu Dickens và đọc ngấu nghiến mọi cuốn sách của ông. Nhưng khi lớn lên, tôi cảm thấy không thể chịu nổi phong cách và sự thể hiện tình cảm ủy mị trong tác phẩm của ông. Đã sống qua quá nửa cuộc đời và được đọc những nhà văn bậc thày như Tolstoy, tôi nhận ra, Dickens chỉ là một gã rao hàng trên đường phố. Cuốn duy nhất của ông tôi còn đọc là The Pickwick Papers. Những thứ khác, với tôi, đều quá cầu kỳ, kiểu cách.

Susannah Herbert, biên tập viên The Sunday Times:

The Golden Notebook (Cuốn sổ vàng) của Doris Lessing: Cuốn sách có tính tự truyện cao và thể hiện sự chán ngắt ở mức độ không hề thấp.

DJ Taylor, nhà văn:

Lady Chatterley’s Lover của DH Lawrence: Ông nội tôi có một bản copy cuốn sách bìa mềm do Penguin xuất bản. Ngay từ hồi mới lớn, tôi đã phải cười phá lên trước những tưởng tượng của nhân vật Connie Chatterley về các hành vi tình dục.

Cuốn sách làm xôn xao châu Âu

H.T.

"Feuchtgebiete" (Đầm lầy) là cuốn sách đầu tay của Charlotte Roche. Với độc giả hâm mộ truyện tình ái, tác phẩm được coi là sự khám phá về tình dục, sự sạch sẽ và tính nữ. Với giới phê bình, nó chẳng qua chỉ là sản phẩm thô lậu, một tiểu thuyết khiêu dâm được tiếp thị thông minh.

Bất luận độc giả nghĩ gì, cuốn sách cũng đã tiêu thụ được 500.000 bản tại Đức và sắp sửa đổ bộ vào các hiệu sách ở Anh. Feuchtgebiete vượt mặt tác phẩm ăn khách A Thousand Splendid Suns của Khaled Hosseini để chiếm vị trí đầu bảng trong danh sách bán chạy nhất của trang bán hàng trực tuyến Amazon. Charlotte Roche trở thành trung tâm của các cuộc tranh luận xung quanh những câu chuyện cô kể về việc sử dụng chất tẩy rửa đối với thân thể, về thủ dâm và những trang viết miêu tả chi tiết các bộ phân sinh dục.

Các tạp chí Pháp dấy lên cuộc bút chiến quanh chủ đề "Văn chương và những điều cấm kỵ". Báo chí Thụy Điển tỏ ra lo ngại về sự suy đồi đạo đức. Tờ Der Spiegel của Đức tóm tắt thông điệp của cuốn sách trong một câu ngắn gọn: "Bốc mùi, thế mới là tôi". Câu này được rút ra từ sự lười nhác trong chuyện vệ sinh thân thể của nhân vật chính. Sau 7 tuần có mặt trong danh sách best-seller, cuộc bàn cãi về cuốn sách dường như vẫn chưa có dấu hiệu mệt mỏi.

http://evan.com.vn/News/doi-song-van-nghe/2008/05/3B9ADEBD/aSS500_.jpg

Bản thân Roche không hề thấy phiền lòng khi cuốn tiểu thuyết bị dán mác là "sách khiêu dâm". "Tôi đáng bị như thế", cô nói trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Granta. "Tôi muốn viết về thân thể người phụ nữ một cách hài hước, khêu gợi và mang tính giải trí. Nhưng nó ý nghĩa hơn là chuyện khiêu dâm. Tôi muốn giới thiệu về người phụ nữ một cách đầy đủ. Cơ thể họ không phải chỉ là một cuộc trưng bày sự gợi cảm. Họ cũng ốm đau, cũng chảy máu, cũng phải đi toilet... Nếu bạn yêu và từng lên giường với họ, bạn cũng phải chung sống với những khía cạnh đời thường thô tục của con người họ".

Theo tiến sĩ Claudia Neusüss tại Đại học Humboldt ở Berlin, một trong những nguyên nhân khiến Feuchtgebiete ăn khách vì nó trở thành đối trọng của những chương trình truyền hình như Next Top Model do siêu mẫu Heidi Klum dẫn dắt.

http://evan.com.vn/News/doi-song-van-nghe/2008/05/3B9ADEBD/1210593020735a.jpg
Nhà văn Charlotte Roche.

"Những cô gái trẻ phải đối diện với những áp lực rất lớn như: tạo dựng sự nghiệp, xinh đẹp, có cơ thể hoàn hảo, có đời sống tình dục phong phú trước khi sinh đứa con đầu tiên. Và cuốn sách chỉ cho họ cách thức đối xử với cơ thể của mình", Neusüss nói.

Neusüss cho biết, bà bị thuyết phục bởi sự hài hước và sự tinh tế được miêu tả trong cuốn sách. "Tôi nghĩ, tác giả hoàn toàn được tự do để viết vệ sự thủ dâm, về chuyện giường chiếu hay bất cứ đề tài gì mà con người không dám thảo luận công khai. Mọi người thích nói chuyện, thích viết về những đề tài đó. Ngay cả tôi, tôi cũng có cách nhìn khác hơn về cơ thể mình khi đọc Feuchtgebiete", Neusüss nói.

Đối với một số người khác, cuốn sách là tuyên ngôn mới về nữ quyền. Tiến sĩ, nhà văn, nhà báo Ulla Egbringhoff phát biểu: "Những phụ nữ trẻ bây giờ là ai? Họ cần gì. Họ muốn có cái gì đó hoàn toàn mới. Charlotte Roche có lẽ đã khỏa lấp những khoảng thiếu hụt đó".

(Nguồn: Granta)