PDA

View Full Version : [Truyện dài] Truyện kể Hâykê (khuyết danh)



mr_zell
14-11-2008, 08:53 AM
Tác phẩm được đánh máy và up tại hai địa chỉ:
- Wordpress (http://lazycatmoon.wordpress.com/series/truy%E1%BB%87n-k%E1%BB%83-hayke/)
- JPN

The Tale of the Heike
Heike Monogatari
Volume 1
Book 1-6
Translated by: Hiroshi Kitagawa, Bruce T.Tsuchida
With a foreword by Edward Seidensticker
University of Tokyo Press
Supported by the Toyota foundation
Japan – Tokyo

Truyện kể Hâykê (Nhật Bản)
Tập I (Cuốn 1 đến cuốn 6)
Nhà xuất bản Khoa học xã hội Việt Nam
Hà Nội – 1989



LỜI NÓI ĐẦU


Truyện về dòng họ Hâykê xảy ra vào nửa cuối thế kỷ 12, vào đỉnh cao của những cuộc loạn lạc, đã chấm dứt quyền bá chủ của dòng họ Fugiwara và thời đại Hâyan, các phe phái trong triều đình tìm cách có tiếng nói của mình thông qua các bộ tộc quân sự ở các tỉnh, và lúc này họ bắt đầu hiểu rằng người chiến thắng thực sự ơhair là bộ tộc mạnh nhất. Hai cuốn sử biên niên ngắn hơn trước đó là cuốn Truyện kể về Hôghên và Truyện kể về Hâygi, đã mô tả những cuộc xung đột vũ trang vào năm 1156 và 1159, từ những cuộc xung đột đó, bộ tộc Taira, hay còn gọi là Hâykê, đã toàn thắng. Năm 1167 Taira Kiyômôri, tộc trưởng, trở thành Tể tướng. Năm 1181 Kiyômôri chết. Sau đó dòng họ Hâykê sa sút nhanh chóng, và đến năm 1185, bộ tộc này đã bị bộ tộc Minamôtô, hay còn gọi là Ghêngi, tiêu diệt gần sạch ở trận Đan-nô-u-ra.

Câu chuyện về niềm vinh quang ngắn ngủi, sớm nở tối tàn của dòng họ Hâykê giống như một câu chuyện răn dạy bất tuyệt về tính phù du của sự vật, về bài học rút ra từ tiếng chuông của đền thờ Ghiôn và từ sắc thắm của những bông hoa bồ đề trong đoạn mở đầu rất nổi tiếng của truyện kể Hâykê. Không có một thập truyện nào lại kích thích được trí tưởng tượng của người Nhật bằng những truyền thuyết và sự kiện về Ghempây (chữ ghép của hai dòng họ Gheengi và Hâykê). Đây là nguồn quan trọng duy nhất cho các vở kịch Nô, các nhân vật Ghempây nổi bật trong các sân khấu Kabuki múa rối, cũng như trong phim ảnh, và trong những năm sau một nhà viết tiểu thuyết nổi tiếng kể lại cốt truyện này đã được làm phong phúc thêm qua nhiều thế kỷ, đã làm cho số lượng xuất bản của một tờ tuần báo lên vài lần, và như dân gian thường nói, tăng giá giấy một cách giả tạo.

Truyện về dòng họ Hâykê, liên quan chủ yếu tới việc sụp đổ của dòng họ Hâykê. Một vài mẩu chuyện trước thời kỳ đó (như cái chết của hoàng đế Nôgiô trong Cuốn 1 chẳng hạn) tiếp theo ngay việc dòng họ Hâykê chuẩn bị lên nắm quyền, nhưng phần lớn câu chuyện đề cập tới ba hoặc bốn năm trước khi Kiyômôri qua đời và quãng thời gian giữa sự kiện đó, cùng trận Đan-nô-u-ra. Cuốn sách cuối cùng, Cuốn 12, kết thúc bằng việc xử tử hình Rôkudai, người cháu nội đích tôn của Kiyômôri và cũng là người tộc trưởng cuối cùng của bộ tộc Hâykê, vào khoảng những năm cuối cùng của thế kỷ 12; và một cuốn phụ bản mô tả những năm cuối cùng của hoàng hậu Kênrâymôn-In của triều đại Hâykê và kết thúc bằng cái chết của bà năm 1191, theo như gia phả của dòng họ Hâykê. Nhưng thật ra, nhiều người cho rằng đó là năm 1213.

Về nguồn gốc tác giả và việc soạn cốt truyện Hâykê, tất cả hầu như vẫn còn là một điều bí ẩn, chỉ sau trận Đan-nô-u-ra một thế kỷ rưỡi mới có một bài miêu tả rõ ràng nhất, và ít nhất là một thế kỷ sau sự kiện ấy mới có người soạn ra cốt truyện này. Chính trong 226 chi tiết nhỏ đã dựng nên “Những bài tiểu luận viết khi nhàn rỗi” của Yôsida Kênđô, những chi tiết đó được tập hợp vào khoảng những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 14. Kênđô cho chúng ta biết rằng một quan chức nhỏ tên là Yukinaga đã được sự bảo trợ của Gichin, một nhà sư nổi tiếng cuối thời kỳ Hâyan, đầu thời kỳ Kamakura, và theo lệnh của nhà sư này mà ông ta dựng lại truyện Hâykê, rồi dạy lại cho một nhà sư mù tên là Sôbưchư, có thể là nhà sư này đã kể truyền miệng lại cho nhiều người.

Về niên đại cũng có vẻ chưa chính xác. Có một bằng chứng có tính tư liệu là một viên quan tên là Yukinaga sống ở thế kỷ 13. Và hình như những câu chuyện về các cuộc chiến tranh Ghem-pây xảy ra lòng vòng trong những thập kỷ sau trận Đan-nô-u-ra. Vậy theo Kênkô đã mô tả vắn tắt thì đâu là quá trình thực sự xảy ra sự việc? Ở đây có vẻ như có một lý do bắt buộc nào đó phải chấp nhận sự mô tả của Kênkô như là một sự gần đúng lờ mờ với thực tế. Lịch sử của triều đại Hâykê ghi trong văn bản thì cực kỳ phức tạp, mà điều phức tạp oái oăm nhất là giải quyết mối quan hệ giữa truyền miệng với tài liệu ghi chép sử. Rất có thể là, một bản viết tay thực tế là ghi lại những điều một nhà sư mù nhớ lại, và ông ta trở thành người tiền bối tinh thần và nghệ sĩ của những nhà sư mù khác, mà trong những thế kỷ còn lại của nước Nhật trước thời hiện đại, vẫn kiếm sống bằng nghề kể chuyện; và cũng rất có thể là vào khoảng đầu thế kỷ 13.

Chắc chắn là ít nhất có hai trường dạy thơ ca Hâykê (nếu có thể gọi như vậy) đã xuất hiện vào nửa cuối thế kỷ 14, và một người mù kể chuyện Hâykê tên là Kakuichi, cai quản một trong hai trường đó và chết năm 1371, đã cống hiến những năm cuối đời viết ra một bản cuối cùng cho hậu thế. Bản của Kakuichi, mặc dù không còn tồn tại, đã trở thành bản mẫu cho các bản được lưu truyền rộng rãi hơn trong các thế kỷ gần đây, kể cả bản mà chúng ta dùng để dịch này. Việc sử dụng các câu chuyện về hoàng hậu Kênrâymôn-In làm phụ bản là đặc điểm của các văn bản của Kakuichi. Vấn đề là, khi nào và tại sao nó lại tách khỏi Cuốn 12, cuốn này ngắn hơn nhiều so với độ dài trung bình của các cuốn khác, là một điều đã được tranh cãi nhiều, nhưng chưa có kết quả cuối cùng.

Chương đầu tiên mở đầu bằng tiếng chuông rung ở Ấn Độ, và chương cuối cùng, trong đó có cái chết của hoàng hậu Kênrâymôn-In, lại mở đầu bằng tiếng chuông bên ngoài Kyôtô. Giữa hai chương đó là một câu chuyện ngụ ngôn dài về cái có sinh có tử của muôn loài, lời sấm truyền của Phật mà người Nhật rất thích. Một cảm giác ngọt ngào – buồn tẻ của sự bất lực đã bao trùm tất cả, mà tôn giáo cũng như những người mộ đạo Phật hiện nay, cho rằng chúng ta chẳng làm được gì mấy cho bản thân và hãy nên tin vào một thế lực huyền bí.

Gắn với cái đó là thuyết nhân quả, Kiyômôri, con người của những chương đầu, đã tỏ ra ngạo nghễ và độc ác, hắn có tội với cả bộ tộc mình. Nếu tác giả, hoặc các tác giả, có thiện cảm hay đồng tình với dòng họ Hâykê hơn là với dòng họ Ghêngi, thì họ cũng không có thiện cảm với Kiyômôri, nguyên nhân của toàn bộ thảm họa. Không có gì đáng ngạc nhiên khi một câu chuyện được kể để mua vui và để người kể chuyện kiếm miếng ăn, thì câu chuyện đó sẽ được tô vẽ thêm rất nhiều, và không ở đâu việc tô vẽ thêm thắt lại rõ nét hơn là trong việc kể lại chuyện Kiyômôri. Ông ta không thể là người đáng yêu, nhưng ông ta sẽ không xuất hiện trong chuyện Hâykê này nếu không được coi là một nhà chính khách. Hầu hết những công trình của ông ta nổi bật nhất là việc rời kinh đô trong Cuốn 5, đã gợi mở những khát vọng lớn lao vượt qua biển cả vươn ra thế giới bên ngoài. Yôritômô, tộc trưởng bộ tộc Ghêngi, đã rút về những căn cứ vở phía đông nước Nhật một khi ông ta đã dành thắng lợi hoàn toàn. Dù sao mục đích của câu chuyện này cũng không phải là nhằm đánh giá lịch sử một cách vô tư, mà là nhằm gây cảm xúc và giải trí.

Câu chuyện dài này có thể chia làm ba phần, tập trung vào Kiyômôri, vào Yôsinaka của dòng họ Ghêngi, người đã buộc dòng họ Hâykê phải rời bỏ kinh đô và đích thân mình chiếm lấy; và cuối cùng là kể về Yôsichưnê, thiên tài quân sự của dòng họ Ghêngi, người đã hoàn thành việc tiêu diệt dòng họ Hâykê. Nên, với cách nhìn A-rít-xtôt, người ta xem xét câu chuyện dài này để tìm ra phần mở đầu, phần giữa và phần kết, thì đỉnh cao của chuyện là việc dòng họ Hâykê sơ tán khỏi kinh đô, trong những chương kết thúc của Cuốn 7.

Hình thức của Truyện kể Hâykê có thể được mô tả theo một cách khác. Về mặt cấu trúc, nó có một sự giống nhau nhất định với lịch sử của các triều đại Trung Hoa, trong đó lý giải liên tục về các triều đại mà nó đề cập, được bổ sung bằng những chương phụ mà người ta dễ nhận thấy nhất qua tiểu sử của các chính khách nổi tiếng. Sự khác nhau cơ bản là cả hai phương pháp đều quyện vào nhau trong Truyện kể Hâykê. Nằm trong các sự kiện của câu chuyện dài này là các chuyện kể về cuộc đời của các nhân vật nổi tiếng, hay những sự kiện trong cuộc đời của họ, thường là về những phần buồn thảm hay bi kịch trong cuộc đời của họ.

Kể từ đời Minh Trị, khi người Nhật bắt đầu viết về lịch sử văn học của họ, có một xu hướng khá mạnh muốn nhấn mạnh những phẩm chất mang tính “anh hùng ca” của Truyện kể Hâykê. Ở một mức độ, những lời khẳng định đó đã có một cách nhìn thụ động, nếu không nói là giả tạo, về những phẩm chất này. Bởi vì mỗi nền văn học đều có những bản anh hùng ca của nó. Văn học Nhật Bản cũng vậy, cũng cần có một hay nhiều bản anh hùng ca. Cho nên dù vào thế kỷ thứ 7, thứ 8, thơ ca có nở rộ phát triển, nhưng cũng không thể tìm trong những bài này có cái gì gần gũi với bản anh hùng ca. Bởi vậy, phải tìm ở những thế kỷ sau mới thấy những bản hùng ca. Còn có thể tìm ở đâu hơn là trong một loạt các sự kiện chiến tranh trong toàn bộ lịch sử của Nhật Bản?

Người ta không phủ nhận rằng câu chuyện về triều đại Hâykê có tính biên niên sử (theo cách gọi của lịch sử học Trung Hoa gọi là “Biên niên sử cơ bản”) không có tầm cỡ của nó trong hầu hết văn học Nhật Bản. Những trận chiến đấu có ở mọi nơi, tiếng vang của nó lớn hơn là bản thân tầm cỡ của những cuộc chiến đó, bởi vì quân số của các lực lượng đối địch mà người ta xác định được đôi khi không dễ dàng được chấp nhận. Vì mục đích lớn hơn trong bất cứ sự kiện nào, những đám mây chết chóc được tụ họp lại từ một thảm bại pha chút khôi hài của trận chiến sông Fugi, từ đó người cháu nội của Kiyômôri xuất hiện như là một trong những viên chỉ huy ngớ ngẩn trong lịch sử quân sự, cho mãi đến những cảnh khủng khiếp cuối cùng của trận Đan-nô-u-ra.

Thế nhưng, chính những giai thoại ngoài lề, có ít tính anh hùng ca hơn, đáng buồn thay lại mang tính trữ tình, thì lại được người ta nhớ dai nhất. Một mớ những giai thoại như vậy tập trung quanh việc dùng họ Hâykê rời bỏ kinh thành: như chuyện ấu chúa, con trai của Hoàng hậu Kênrâymôn-In rời khỏi thành lại bị quan phò tá Fugiwara bỏ quên; Kôrêmôri, nhà chỉ huy ngớ ngẩn ở trận sông Fugi, chào tạm biệt vợ con; Munêmôri, trong những chương đầu, một người không hoàn toàn tử tế lại phóng thích một số chư hầu thần phục mình và gia đình họ, và đưa họ về quê ở các tỉnh miền đôngl Tađanôri tự đưa mình vào cõi chết và hy vọng rằng một vài bài thơ của mình sẽ cứu sống mình (và điều đó chứng minh rằng, có lẽ, đối với những chiến binh thì cái trữ tình cũng quan trọng như chất anh hùng ca vậy); Chưnêmaxa để lại cây sáo được giải cho sư thầy chùa Ninnai, hy vọng rằng, vào một ngày hạnh phúc hơn, sẽ đến nhận lại; và Xađayôsi, một môn hạ của nhà Hâykê, đã đào mồ lấy xương cốt của chủ mình, sợ rằng dòng họ Ghêngi sẽ làm ô uế.

Những câu chuyện tương tự của những kẻ chiến bại đã tô đậm cốt truyện dễ nhớ đến nỗi đã trở thành một phần dân ca Nhật Bản. Những chuyện này nhiều đến nỗi người ta có cảm giác rằng, cách chắc chắn nhất để người Nhật ngưỡng mộ và quý mến lại phải bị đại bại. Nhưng có lẽ dễ nhớ nhất vẫn là những câu chuyện về những người đàn bà sầu não: Ghiô và địch thủ đáng yêu của bà là Hôtôkê, Kôgô và Yôkêbuê và Tômôe v.v.., tất cả đều đã than khóc nỉ non và trót lầm lỡ yêu những người đàn ông có nhiều tham vọng.

“Trữ tình” là một trong những từ ngữ khó nắm bắt nhất trong lịch sử văn học và phê bình văn học; nhưng ai cũng biết việc sử dụng khác nhau của trữ tình, có vẻ như sẽ nhấn mạnh được tính khúc chiết và việc truyền đạt cảm xúc. Thật lý tưởng nếu nó có thể nhấn mạnh cảm xúc trước việc thiếu tình tiết và nét đặc sắc; nhưng hầu hết đều công nhận rằng những bài dân ca là một thể loại trữ tình. Những giai thoại về những chiến binh bại trận và những người đàn bà sầu não trong Truyện kể Hâykê tự nó cũng cho thấy rất giống các bài dân ca. Dù những giai thoại này ngắn gọn, dù ít nhiều có thể mang những tình tiết rung động lòng người, nhưng nó vẫn không có được đặc tính riêng mà mối quan tâm chính của người kể thường chỉ là truyền đạt cảm xúc và lòng thương hại. Những từ như “anh hùng ca” hoặc “mang tính anh hùng ca” không phải là bị bỏ quên trong khi tìm cách đánh giá chất văn học của tác phẩm Hâykê. Nếu coi đây là một thiên anh hùng ca thì lại không ổn. Mà cái hay nhất của tác phẩm thì lại không tách rời khỏi truyền thống trữ tình, nét đặc trưng của toàn bộ nền văn học Nhật Bản.


Edward Seidensticker.


LỜI TỰA CỦA NGƯỜI DỊCH


(từ bản tiếng Nhật sang tiếng Anh)


Truyện kể Hâykê là một trong những tác phẩm văn xuôi cổ điển lớn nhất của văn học Nhật Bản và được coi là lớn thứ hai, chỉ đứng sau Truyện kể Ghêngi. Tuy nhiên đặc điểm của hai cuốn này hoàn toàn khác nhau. Truyện kể Ghêngi là một cuốn tiểu thuyết được viết ra vào đầu thế kỷ 11, tác giả là một nữ quan triều đình, bà Muraxaki Sikibu (978-1016), trên cơ sở những điều đã trải qua trong triều Hayan (791-1185), bà đã sáng tác một tác phẩm hư cấu trữ tình. Truyện kể Hâykê thì ngược lại, là một bản hùng ca của thế kỷ 13, dựa trên những sự kiện lịch sử có thật. Đây là một tác phẩm do nam giới soạn ra và được các nhà sư mù kể lại trong khi hát rong và đệm bằng những điệu nhạc của cây đàn tì bà (1). Các nhà sư mù chơi đàn tì bà đã đi lang thang khắp các nẻo đường đất nước kể lại chuyện này ở mọi nơi, trong phố xá, nơi chùa chiền, đền thờ miếu mạo, hoặc bất cứ nơi nào có khán giả. Truyện kể Hâykê là một tác phẩm truyền miệng được đánh giá thông qua chất lượng âm nhạc, tác động có tính chất kịch, và những lời giáo huấn của đức Phật. Truyền thống văn truyền miệng này được tiếp nối cho tới cuối thời kỳ Êđô (1600-1868) và nó tự biến mất trước dòng thác của nền văn minh hiện đại.

Cơ sở lịch sử của câu chuyện

Những cuộc chiến tranh giữa hai dòng họ Ghêngi và Hâykê vào nửa cuối thế kỷ 12 đã đánh dấu một chương cách mạng về nghệ thuật sân khấu trong lịch sử Nhật Bản (1). Đó là một thời kỳ hỗn loạn khi mà các ông vua trị vì đất nước chỉ là những kẻ bù nhìn. Từ thế kỷ 8, quyền cai trị thực sự nằm trong tay các triều thần thuộc dòng họ Fugiwara. Địa vị chính trị cao mà họ khôn khéo đạt được là bằng cách gả con gái của dòng họ mình cho những người thuộc hoàng tộc. Quyền lực của dòng họ Fugiwara tuy nhiên vẫn phải dựa vào sức mạnh kinh tế của những của cải mà họ có được trong cả nước. Khi mà ảnh hưởng của họ ở các tỉnh yếu dần đi thì sự vinh hiển của họ cũng dần phai nhạt. Để thiết lập lại quyền lực, họ đưa quân ra trấn giữ những vùng này. Cánh quân sự làm phó cho các viên quan cai trị địa phương và bắt đầu xuất hiện một lớp quý tộc cấp tỉnh trong thế kỷ 10.

Một số nhà quân sự trên thực tế xuất thân từ dòng dõi quyền quý, đã tuyên bố rằng họ vốn thuộc dòng dõi các đời vua. Kết quả là số lượng các hoàng thân tăng lên không ngừng, cho nên ngân quỹ quốc gia khó có thể chịu được gánh nặng này. Để tìm ra cách gỡ, các vị hoàng thân được trao các chức vụ cai trị cấp tỉnh và đặt lại tên của dòng họ, ví dụ như Minamôtô hoặc Taira (hay từ này đọc theo âm Hán là “Ghêngi” và “Hâykê”). Hai dòng họ Ghêngi và Hâykê đã trở thành những cánh quân thực sự hùng mạnh và có vai trò quan trọng ngày càng tăng trong chính phủ trung ương, dòng họ Ghêngi thì liên kết với gia đình Fugiwara, còn dòng họ Hâykê thì đi với các hoàng đế đã thoái vị.

Với việc chính quyền trung ương đang trong tình trạng lộn xộn, và nhằm ngăn cản việc thống trị của gia đình Fugiwara, hoàng đế Sirakawa (1053-1129), sau khi thoái vị năm 1086, đã biến cung điện của mình thành một trung tâm quyền lực thực sự, bất chấp là hoàng đế Hôrikawa vẫn còn đang trị vì. Tiền lệ này do Sirakawa đặt ra đã được các vị vua sau đó tiếp tục, Tôba (1103-1156) và Gô-Sirakawa (1127-1192). Nhằm liên kết với các thế lực tăng lữ hùng mạnh để được Phật tổ phù hộ cho nhiều hơn, những vị vua này sau khi thoái vị đã khoác áo nhà sư và trở thành các Tọa quan Thượng hoàng. Chế độ cai trị hai cực này đã gây ra sự tranh cãi bên trong hoàng tộc giữa hoàng đế đương nhiệm và hoàng đế đã thoái vị. Vào thế kỷ 12, ba thế lực nắm giữ ruộng đất – gia đình hoàng tộc, gia đình Fugiwara và các giới tăng lữ - đã sa vào các cuộc đụng độ về lợi ích. Đó là thời điểm để cánh quân sự nổi lên. Vào lúc đó, Kiyômôri, tộc trưởng của Hâykê từ năm 1153 tới 1181, đã xuất hiện nổi bật nhất.

Năm 1150, cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa hoàng đế đã thoái vị Xutôku và hoàng đế đang trị vì là Go-Sirakawa đã kết thúc bằng cuộc loạn Hôghên, và tạo chỗ đứng cho Kiyômôri can thiệp vũ trang vào các công việc triều đình, có lợi cho hoàng đế Gô-Sirakawa. Kiyômôri và Gô-Sirakawa đã thắng. Bên bại trận là Tamêyôsi của dòng họ Ghêngi, ông này đã bị xử tử hình sau cuộc loạn, do đó quyền lực của dòng họ Ghêngi bị giảm đi rất nhiều trong triều đình. Trong cuộc loạn này, con trai của Tamêyôsi là Yôsitômô là người duy nhất trong dòng họ Ghêngi đứng về phía Kiyômôri. Khi đất nước thanh bình, y không hài lòng về mức thưởng không tương xứng với công lao của mình. Năm 1159, Yôsitômô đã nổi loạn, gọi là cuộc loạn Hâygi, để chống lại Kiyômôri. Kiyômôri lại toàn thắng, và giành toàn bộ quyền hành trong triều đình Gô-Sirakawa, người này đã thoái vị nhường ngôi cho Nigiô năm 1158 và trở thành Tọa quan Thượng hoàng năm 1169. Bước tiến nhanh của Kiyômôri tới quyền lực, được mô tả trong những chương đầu của Truyện kể Hâykê, thật là sửng sốt.

Kiyômôri là người đầu tiên của giới võ sĩ đạo thành đạt về quyền lực. Giống như những nhà quý tộc của gia đình Fugiwara, ông tìm cách tăng uy thế và vinh hiển của gia đình bằng cách chiếm những vị trí cao trong triều đình và gả các con gái cho gia đình hoàng tộc và gia đình Fugiwara. Ông trở thành Tể tướng và các con trở thành các quan thượng thư, mười sáu người thân tộc trở thành những nhà quý tộc cấp cao, ba mươi người trở thành các quan chức triều đình và rất nhiều người khác được cử cai trị các tỉnh và cầm đầu các đội thị vệ. Vinh quang của ông đạt tới tột đỉnh năm 1178, khi mà cháu ông, cậu bé Antôku được đưa lên ngôi vua.

Năm 1180, ngọn cờ chống đối đầu tiên chống lại dòng họ Hâykê đã được Yôrimaxa, một tướng cũ của dòng họ Ghêngi, giương lên. Mặc dù cuộc nổi dậy chưa chín muồi này không thành công, nhưng sự dũng cảm của Yôrimaxa đã khích lệ nhiều chiến tướng khác của dòng họ Ghêngi tổ chức lại lực lượng của mình ở những tỉnh phía đông Nhật Bản. Năm 1181, khi Kiyômôri chết, dòng họ Hâykê càng lâm vào thế phòng thủ trước dòng họ Ghêngi, và năm 1183, dòng họ Hâykê buộc phải từ bỏ Kyôtô (là kinh đô và là nơi đóng các sở chỉ huy của họ) và chạy về các tỉnh phía tây. Năm 1185, tại trận Đan-nô-u-ra, dòng họ Hâykê chấm dứt thời vàng son của mình.

Những chủ đề của Truyện kể Hâykê

Truyện kể Hâykê nói về một giai đoạn chín mươi năm từ 1131 tới 1221. Tuy vậy, nó tập trung chủ yếu vào giai đoạn mười tám năm, từ khi Kiyômôri đảm nhận chực vụ tể tương năm 1167, cho tới lúc các lực lượng của gia đình Hâykê bị tan rã tại trận chiến Đan-nô-u-ra.

Bố cục của truyện này hài hòa như một bản giao hưởng, bởi lời mở đầu (Cuốn 1, chương I, dòng 1 – 25) là khúc dạo đầu và lời bạc là khúc kết. Mặc dù bố cục cân đối, lời mở đầu và lời bạt có tương ứng với nhau, song chương kết của Cuốn 12 đã được đưa ra mà không có một kết luận dứt khoát. Cách làm trên là do sự hiểu biết có tính chất triết học và ảnh hưởng của đạo Phật đối với tác phẩm, còn cách dưới là do bắt nguồn từ sự diễn tả có tính chất lịch sử và hùng ca.

Bản dịch này coi lời bạt là một phần riêng, bởi lẽ nó không có vai trò nào khác hơn là kết thúc tác phẩm bằng một lời kết cao siêu bằng âm nhạc. Tiếng Nhật dùng trong lời bạt là Quan Thỉnh, tên một cuộc lễ, để cho phép một nhà sư được dạy những học thuyết cao siêu nhất (Cuốn 2, Chương XII). Lễ này được tổ chức cho các nhà sư chơi đàn tỳ bà sau khi họ đã hết sức thành thạo 188 chương của Truyện kể Hâykê, được một vị trưởng sư cho vinh dự đọc 11 chương đặc biệt; những chương này bao gồm cả lời mở đầu và lời bạt. Tuy nhiên trong tất cả các chương; thì những chương của lời bạt là quý nhất, và chỉ có thể giao cho những nhà sư chơi đàn tỳ bà nào có tài năng xuất chúng đọc mà thôi.
Phần chính của truyện được sắp xếp theo trật tự niên đại: tất cả các cuốn, trừ Cuốn 1 và Cuốn 12, đều được bắt đầu bằng ngày, tháng. Do kỹ thuật sắp xếp này, các sự kiện của Truyện kể Hâykê gắn bó với nhau chặt chẽ, song người đọc lại có thể gặp khó khăn trong việc theo dõi những nhân vật chính. Có lẽ không cần phải có sợi chỉ xuyên suốt trong truyện, bởi vì ngay cả những nhân vật quan trọng như Kiyômôri, Yôsinaka và Yôsichưnê cũng chỉ xuất hiện khi có liên quan tới những sự kiện lớn mà thôi.

Tác giả của truyện này hình như rất quan tâm tới số phận của dòng họ Hâykê. Thế nhưng Kiyômôri thì lại không để ý tới điều đó, trong khi con trai lớn của ông, Sighêmôri, có khả năng là đã nhận ra điều này. Kiyômôri ở đỉnh cao của danh vọng và quyền lực, đã ngạo mạn tới nỗi không nhìn thấy được cái thảm họa sẽ đổ lên đầu gia đình mình. Thật mỉa mai là, cái ngày tận số mà Sighêmôri đã tiên đoán được, thì lại được con và cháu của ông là Kôrêmôri và Rôkưđai chấp nhận, biết vậy mà họ vẫn cứ tiếp tục đi tới ngày sụp đổ của mình. Số phận nhà Hâykê là chủ đề chính của truyện này.

Tômômôri, em trai của Sighêmôri, cũng đã tiên đoán được. Mặc dù là một nhân vật thứ yếu, ông lại gắn rất chặt với chủ đề chính. Cả Sighêmôri lẫn Tômômôri đều nhận thức được số phận không tránh khỏi của gia đình mình. Tuy nhiên, Sighêmôri thì sẵn sàng phục tùng số mệnh, còn Tômômôri, là một chiến binh dũng cảm, thì chống tới cùng, cho tới trận Đan-nô-u-ra, ông nói rằng: “Đến bây giờ thì chẳng còn gì trên đời này mà ta không biết. Hãy cho ta kết thúc cuộc đời ở đây” (Cuốn 11, Chương XI). Đây là một câu nói khúc chiết và gây ấn tượng mạnh mặc dù Tômômôri không nói rõ là ông đã biết những gì. Tuy nhiên có thể đó là một sự chuyển tiếp từ một xã hội quý tộc sang một xã hội do các võ sĩ trị vì, hoặc giả là những bước thăng trầm bi thảm và hài hước của sự chuyển tiếp, hoặc là số phận đã quy định cho dòng họ Hâykê, hoặc giả đó là sự chấp nhận và phục tùng cuối cùng của ông đối với số phận ấy. Những điều mà ông biết là những điều mà toàn bộ truyện này có ý định nói tới.

Từ đỉnh cao của niềm vinh quang, người em rể của Kiyômôri đã ngạo nghễ tuyên bố: “Nếu ai không phải là người của dòng họ Hâykê thì người đó không phải là con người” (Cuốn 1, Chương IV). Bất chấp lời huênh hoang đó, dòng họ Hâykê vẫn cứ gặp phải một loạt thất bại ê chề. Những con sóng của ngọn triều xuống đã cuốn họ đi không thương tiếc tới nơi thảm họa. Bởi vậy, truyện này có thể được coi là một khúc bi tráng; thất bại đã được tiếng chuông chùa khua rung trong phần giáo đầu, tiên đoán, và được tiếng chuông chùa trong phần kết xót thương.

Chủ đề thứ hai là việc xuất hiện một giai cấp mới. Truyện này đã mô tả các võ sĩ dòng họ Ghêngi hoàn toàn khác với những quan chức của dòng họ Hâykê. Điển hình nhất trong các võ sĩ này là Yôsinaka, nổi tiếng về lòng can đảm và quyết tâm. Truyện này đã mô tả một cách sinh động lòng dũng cảm của ông và tạo ra một trong những đoạn hài hước hiếm có của câu truyện. Sau khi thắng Tọa quan Thượng hoàng Gô-Sirakawa một trận (Cuốn 8, Chương XI), Yôsinaka tuyên bố: : ”Nếu ta muốn, ta có thể trở thành hoàng đế hoặc Toạn quan Thượng hoàng. Thế những, làm hoàng đế thì ta phải thay đổi kiểu tóc thành kiểu trẻ con. Như thế thì ta không thích. Nếu làm Tọa quan Thượng hoàng thì ta lại phải gọt trọc đầu như hòa thượng. Điều đó thì ta lại ghét. Thế thì thử hỏi trở thành hoàng đế hay Tọa quan Thượng hoàng làm cái gì?”. Không để ý tới truyền thống và quyền lực, Yôsinaka là mẫu mực của các võ sĩ ở các tỉnh, vượt ra ngoài những quy định xã giao của xã hội triều đình.

Các võ sĩ dòng họ Ghêngi mà Yôsichưnê là mẫu mực, đại diện cho một giai cấp mới. Đó là những mối quan hệ dễ gây xúc động mạnh mẽ, gắn bó Yôsichưnê với những người dưới quyền ông và sau này trở thành cơ sở cho những nguyên tắc đối xử giữa các võ sĩ đạo.

Cuộc chiến giữa Môritôsi của dòng họ Hâykê, với Nôrichưna của dòng họ Ghêngi ở Ichi-nô-tani (cuốn 9, Chương XIII), cho thấy rằng luật võ sĩ đạo vẫn còn phát triển cho tới thời kỳ của Truyện kể Hâykê. Đối với một người lính ở tỉnh như Nôrichưna để được mọi người kính trọng, thì việc giết một đối phương ghê gớm và cắt được thủ cấp của hắn là rất quan trọng: cái đầu lâu ấy bảo đảm cho anh ta nhận được sự ngưỡng mộ không cùng. Nôrichưna không có ý thức hổ thẹn trọng việc lừa Môritôsi bằng một cái mẹo vặt, đó là giả vờ thân thiện với đối thủ rồi ra tay giết hắn.

Khi dòng họ Hâykê bỏ chạy về Kiusiu, hy vọng được tăng viện từ những người thân thuộc mà họ đã có quan hệ tốt đẹp, thì họ nhận ra rằng bạn đã biến thành thù (Cuốn 8, Chương IV). Bungô, một lãnh tụ địa phương đã từ chối không đáp lại những mệnh lệnh của dòng họ Hâykê, với lời bình như sau: “Thời xưa là thời xưa, còn thời nay là thời nay”.

Người ta đọc thấy chỗ này hoặc chỗ khác trong Truyện kể Hâykê cuộc đụng độ giữa chuẩn mực đạo đức cũ và mới. Mặc dù Kiyômôri là người đầu tiên trong giới võ sĩ đạo kiểm soát được chính quyền, nhưng ông đã dẫn dắt bộ tộc mình tới sự đổ vỡ, do việc liên kết gia đình mình với giai cấp quý tộc đang suy đồi. Trong truyện, ông bị coi là người đã xúc phạm tới luật của triều đình, cũng như của nhà Phật, mặc dù ông luôn coi mình là bầy tôi trung thành của triều đình và là một tín đồ Phật giáo ngoan đạo. Dòng họ Hâykê là dòng họ quý tộc triều đình cuối cùng, trong khi dòng họ Ghêngi là những người lãnh đạo của một giai cấp mới, võ sĩ đạo, những người hăm hở tìm kiếm một trật tự mới.

---

(1) Thứ đàn bốn hoặc năm dây này được truyền từ Ba Tư qua Trung Quốc và Triều Tiên vào Nhật Bản. Một trong những chiếc đàn tỳ bà cổ nhất được giữ ở điện Sôxô, nhà kho của hoàng gia ở Nara, có hình con lạc đà.]

(còn tiếp)

mr_zell
14-11-2008, 03:57 PM
Thuyết A-di-đà

Cùng với việc trỗi dậy của một giai cấp mới, xuất hiện một nhu cầu cần có một tôn giáo quần chúng hơn nữa. Những giáo phái lớn lâu nay gắn bó với chính quyền triều đình và giai cấp quý tộc. Các chùa chiền ngày càng giầu có lên nhờ có thêm nhiều đất canh điền, và để bảo vệ của cải, họ tổ chức đội quân tăng lữ riêng của mình. Các giáo phái được tổ chức thành những thực thể hành chính riêng biệt, với những cơ cấu thứ bậc nghiêm ngặt. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà sư đã từ bỏ những trật tự tăng lữ đã được thiết lập từ trước. Một số người làm ẩn sĩ, những người khác đi vào dân chúng để truyền đạo. Trong số những nhà sư này, người xuất sắc nhất là Hônên (1135 – 1231), người sáng lập phái Tịnh Độ, năm 1175 ông đã bắt đầu truyền giảng một con đường đơn giản hơn cho sự giải thoát.

Nguyên lý của giáo phái mới thành lập của ông là: người ta có thể trở thành Phật bằng việc tái sinh trong cõi Tịnh Độ của Phật A-di-đà. Thuyết này đầu tiên được các triết gia Ấn Độ đề xướng trong thế kỷ 2 hoặc 3 và được các nhà sư Trung Quốc hệ thống hóa lại trong thế kỷ 7. Ở Nhật Bản trong khoảng thời gian vài trăm năm, thuyết này đã được đúc kết lại cho tinh hơn.

Lịch sử tóm tắt của thuyết A-di-đà có thể trình bày sơ qua như sau: Ngày xửa ngày xưa, có một ông vua Ấn Độ đã từ bỏ ngôi báu và cắt tóc đi tu, lấy pháp danh là Đàm Ma Ca. Từ đó ông đã phát ra một loại bốn mươi tám điều nguyện, nguyện rằng ông sẽ phối hợp tất cả những cái tinh túy nhất của cõi Phật để tạo ra cõi Tịnh Độ của mình. Trong điều nguyện thứ 18, Đàm Ma Ca hứa sẽ đưa tất cả những người chết về cõi Tịnh Độ nếu họ tỏ lòng tin và cầu nguyện ông. Sau khi đã phát nguyện, ông trở lại sống khổ hạnh và đã làm được vô vàn việc tốt, cho tới khi cuối cùng ông đạt thành chính quả và trở thành Phật A-di-đà. Điều nguyện của ông do đó đã được hoàn thành. Cõi Tịnh Độ của ông đã được thiết lập ở phía Tây, ở một nơi nào đó bên ngoài cõi đời này.

Hônên, lúc đầu là một người theo đạo Phật chính thống ở chùa Ênryakư trên núi Hiây đã đi tới kết luận là con người trong “những ngày cuối cùng của cõi đời này” chỉ có thể được giải thoát nếu biết tin vào những lời giáo huấn của Kinh A-di-đà. Muốn được giải thoát, không cứ phải hiểu biết sâu sắc những lời dạy của Phật, mà chính là phải tin. Kinh A-di-đà nói rằng, những kẻ xấu cũng có thể được giải thoát. Thậm chí những người ngu muội, nếu có đức tin mãnh liệt, còn dễ được giải thoát hơn là những người thông thái mà tỏ ra nghi ngờ. Muốn được giải thoát, thì phải niệm Phật Nam mô A-di-đà Phật. Đạo Phật của Hônên không đòi hỏi phải có chùa chiền, sư sãi hay lễ bái gì, do đó được rất nhiều người trong quần chúng nhân dân theo.

Ảnh hưởng của đạo Phật

Thuyết nghiệp chướng của triết lý đạo Phật quán xuyến trong suốt Truyện kể Hâykê này. Việc sụp đổ của dòng họ Hâykê được coi như sự trừng phạt những việc xấu xa của Kiyômôri. Cách nhìn nhận cuộc đời của Phật giáo cũng được nhấn mạnh trong cả lời mở đầu cũng như lời bạt. Tuy nhiên, ta sẽ lầm nếu như cho rằng Truyện kể Hâykê là tác phẩm có ý định truyền bá đạo Phật.

Về vấn đề này, nhà phê bình nổi tiếng Kôbayasi Hiđêô đã trình bày quan điểm độc đáo của ông về truyện Hâykê: “Giai điệu buồn bã ngọt ngào của Truyện kể Hâykê là một cách diễn đạt làm cho người đọc bối rối. Sẽ thích hợp hơn nếu coi Truyện kể Hâykê là một dải âm thanh giao hưởng sôi nổi trong một dàn đồng ca nhỏ hơn. Cái kiểu buồn bã ngọt ngào này không bắt nguồn từ đạo Phật, mà là sự “tinh khiết” đáng kinh ngạc của đặc tính anh hùng ca. Về thi hứng của những người soạn ra truyện này, những người không phải là những kẻ chán đời, cũng không phải là những người bi quan, thì đạo Phật chẳng qua chỉ là một cái khuôn mẫu để dựa vào đó mà sáng tác (2)

Kôbayasi không thấy trong truyện này những người quá tinh vi, được nặn ra một cách giả tạo. Cái mà ông nhìn thấy là những người trong sáng và sống thật với máu, mồ hôi, nước mắt và nụ cười của họ. Những bắp thịt nổi cuồn cuộn và những con ngựa tung vó trong ánh mặt trời chói lóa. Đối với ông, các võ sĩ là những người hành động, họ không bận tâm với những phúc tạp về tâm lý như những người hiện đại. Sự phân tích của ông về Truyện kể Hâykê không có tính chất học thuật, nhưng trực tiếp và theo cảm giác. Ông quy cái “giai điệu buồn bã ngọt ngào” của truyện vào những quy luật của thiên nhiên, những quy luật chi phối tất cả những người bình thường. Theo ông, đạo Phật là một trong những nguyên tắc đạo đức ngự trị thời đại mà cốt truyện này được thảo ra. Cần phải ghi nhận rằng đạo Phật được trình bày ở đây không phải là đạo Phật lý thuyết, mà là đạo Phật thực hành, qua những lời nói và hành động của những người xuất hiện trong tác phẩm.

Khái niệm về tính phù du trong đoạn mở đầu không phải là ảnh hưởng duy nhất của đạo Phật đối với tác phẩm. Bởi lẽ đoạn mở đầu được dừng lại với việc lên án thói nghênh ngang của Kiyômôri, con mắt phê phán của tác giả đã nhìn thẳng vào dục vọng và thói tham lam vô độ của Kiyômôri. Theo đạo Phật, những cái này là nguồn gốc của đau thương. Những ai không chịu thức tỉnh trước sự thật cay đắng này, thì sau khi chết sẽ phải xuống địa ngục. Tuy nhiên, những người trong gia đình Hâykê đã nhìn thấy trước những đòn tra tấn khủng khiếp dưới địa ngục trong khi họ vẫn còn đang sống.

Những kẻ âm mưu lật đổ ở Sisi-nô-iani cũng bị thôi thúc bởi những dọc vọng như thể của Kiyômôri. Âm mưu của họ bị lộ, và Narichika, Xaiđô và Sunkan đã phải chịu cực hình trước khi chết. Thế nhưng đây chỉ là những cực hình nhẹ hơn so với những cực hình chờ đợi dòng họ Hâykê. Còn con người đức độ Sighêmôri, người tha thiết tìm kiếm thế giới bên kia, thì đã chết trong khi dòng họ Hâykê vẫn còn hưng thịnh. Không hiểu tí gì về địa ngục sắp tới, Kiyômôri đã cho thải hồi rất nhiều quan thượng thư và các quan lại khác trong triều đình, nắm toàn bộ quyền bính của triều đình Gô-Sirakawa, giam lỏng hoàng đế trong lâu đài biệt lập ở Tôba, giết chết hoàng thân Môchihitô và Yôrimaxa, và đốt các chùa Kôfuku. Tôđai và Mii-Đêra. Không còn thần phật nào có thể cứu được cõi đời này. Bám lấy tham vọng quyền lực và cam chịu lửa thiêu của địa ngục, Kiyômôri đã chết một cách đau đớn. Từ đó về sau, những cực hình của địa ngục đã đến với gia đình Hâykê với một nhịp độ nhanh hơn. Trong chương của lời bạt, Kênrâymôn-In, con gái của Kiyômôri đã nói tới tất cả những điều đau khổ mà bà đã chứng kiến và trải qua Lục đạo (Con đường qua Sáu cửa ải). “Nam mô A-di-đà Phật”, tiếng tụng kinh của bà trở thành một tiếng kêu thét từ chốn sâu thẳm của đêm đen.

Đạo Phật bao trùm trong truyện rõ ràng là cách diễn giải của Hônên về niềm tin ở cõi Tịnh Độ. Hoàn toàn ngược lại với tín người thời đầu đời Hâyan cho rằng thiên đường có thể tồn tại trên trái đất, niềm tin xuyên suốt những thời kỳ sôi động của Truyện kể Hâykê là: niềm hy vọng duy nhất của con người nằm ở bên ngoài cõi đời này, ở cõi Tịnh Độ.

Những nguồn gốc của văn bản Truyện kể Hâykê

Là một tác phẩm văn học truyền miệng, có nhiều tác giả, các mẩu chuyện trong truyện này là những mảnh chắp vá rời rạc, thiếu sự thống nhất, mà ta vẫn gặp trong văn miêu tả hoặc hùng ca. Một số huyền thoại và truyền thuyết tạo nên cái nền móng làm phong phú và hỗ trợ thêm cho cốt truyện. Việc kể chuyện dĩ nhiên là phải có nhắc đi nhắc lại, cũng như bất cứ một sự trình bày bằng miệng nào phải có, nhằm gây ấn tượng cho người nghe. Tóm lại, Truyện kể Hâykê có thể được so sánh như một sản phẩm thêu ren, trong đó những sự kiện lịch sử chạy theo chiều dọc, còn những đoạn trữ tình thì chạy theo chiều ngang. Sản phẩm cuối cùng là một sự cân đối đáng khâm phục giữa những chiến công vàng son của những võ sĩ dũng cảm và những âm điệu nhẹ nhàng của thuyết lý đạo Phật và thế giới bên kia.

Một trong những hình dáng đầu tiên về nhà sư chơi đàn tì bà có thể tìm thấy được trong Cuốn sách về Akasi, trong Truyện kể Ghêngi, cuốn sách này mô tả cha của Nàng Akasi đã bắt chước nhà sư chơi đàn tỳ bà để mua vui cho hoàng tử Ghêngi. Những sự mô tả như vậy đã chứng minh rằng các nhà sư chơi đàn tỳ bà đã sống ở hồi đầu thời kỳ Hây-an. Được các chùa chiền, đền miếu thuê làm nhạc công, và có địa vị thấp kém là kẻ hầu hạ, có lý họ bị yêu cầu hát, có đàn và sáo trúc đệm theo, để xưng tụng Phật thánh. Nhiệm vụ thứ hai của họ là giải trí cho đám khán giả với những câu chuyện tôn giáo. Bị mù, các nhà sư tỳ bà được người ta tin là họ có pháp thuật, và họ được sử dụng như những người trung gian để nói chuyện với các võ sĩ đã chết trận.

Trong một thời kỳ hoảng vài chục năm, có thể là vào khoảng từ 1180 đến 1230, một số nhà thông thái đã tìm đến núi Hiây làm nơi ẩn náu. Họ đã sống ở đó dưới sự bảo trợ của vị Tăng thống sơn môn Thiên thai là Gichin (hoặc Gi-ên, 1155-1225), một nhà thơ rất thông sách thánh hiền. Trong số họ, có những nhà sư khất thực, ca sĩ Phật ca và các nhạc công. Một số là những nhà quý tộc và võ sĩ đã từ bỏ thế giới trần tục. Núi Hiây do đó là nơi tụ tập người tứ xứ, cũng như là một trung tâm nghiên cứu Phật giáo. Cũng có thể là với sự giúp đỡ của các nhà sư tỳ bà mà một số trong những người này đã sáng tác ra những câu chuyện dựa trên những điều họ đã trải qua.

Trong cuốn “Những bài tiểu luận viết khi nhàn rỗi”, viết khoảng năm 1320, Yôsiđa Kênkô cho tác giả của Truyện kể Hâykê là nhà sư Yukinaga, điều này đã được giới học giả chấp nhận. Sau đây là ý kiến của ông:

“Trong thời hoàng đế thoái vị Gô-Tôba (1180-1239), nguyên tỉnh trưởng tỉnh Sinanô là Yukinaga đã nổi tiếng về học vấn của mình. Tuy nhiên khi hoàng đế yêu cầu ông đọc bài thơ Thất đức vũ (“Điệu múa về bảy đức”) của Bạch Cư Dị, thì ông quên mất hai đức, và thế là ông bị gán cho cái biệt hiệu là “viên quan Năm Đức hàm lục phẩm”. Xấu hổ vì tính hay quên của mình, ông bỏ học và đi tu. Vì Hòa thượng Gichin mến chuộng những người dù thân phận thấp hèn, nhưng có một tài năng nghệ thuật nào đó, nên ông đã giúp đỡ nhà sư Yukinaga.

Yukinaga đã soạn ra Truyện kể Hâykê và dạy cho một người mù tên là Sôbưchư để ngâm ngợi. Yukinaga đặc biệt đã viết rất hay về những cái có liên quan tới núi Hiây. Cũng do ông biết được nhiều về những sự kiện có liên quan đến Yôsichưnê nên ông cũng nhắc nhiều đến người này. Có thể là do ông biết quá ít về Nôriyôri, nên ông đã không đưa nhân vật này vào trong suốt tác phẩm. Còn những điều liên quan đến các võ sĩ và các nghề bắn cung, cưỡi ngựa thì Sôbưchư, dân gốc ở các tỉnh miền đông, đã học được ở các võ sĩ này rất nhiều và kể lại cho Yukinaga để viết ra. Cách mà Sôbưchư hát và kể chuyện đã được truyền lại cho các nhà sư tỳ bà ngày nay”. (3)

Có những tư liệu cho biết là Yukinaga rất giỏi Hán văn. Do chỗ Truyện kể Hâykê là một trong những ví dụ thành công nhất của phong cách viết hỗn hợp chữ Nhật và chữ Hán, cho nên nói Yukinaga là tác giả là có lý nhất. Hơn nữa, việc Kênkô nhắc đến sự giúp đỡ của Gichin đối vớiYukinaga là cũng có lý: Gichin là thành viên của chi Kugiô, của dòng họ Fugiwara, đối với gia đình này thì Yukinaga cũng như cha ông là Yukitaka vốn là môn hạ trước khi đi tu. Hơn thế nữa, sự mô tả nhiều về một nhân vật thứ yếu như Yukitaka (Cuốn 3, Chương XVII) cho chúng ta tin rằng Yukinaga đang trả nghĩa cha mình.

Mặc dù cái văn bản mà Kênkô nhắc đến ngày nay không còn nữa. Tiến sĩ Tômikura Tôkugirô, một trong những học giả nổi tiếng nhất nghiên cứu về Truyện kể Hâykê, cho rằng có thể đã có nguyên bản gồm 6 cuốn, mà sau này trên cơ sở đó người ta đã phát triền thành 12 cuốn như hiện nay, để thích hợp cho các nhà sư tỳ bà kể lại. Người ta cho rằng đã có vài lần sửa lại tác phẩm này trong khoảng thời gian hơn 159 năm giữa lúc soạn Truyện kể Hâykê lần đầu và văn bản của Kakuichi năm 1371 mà ngày nay được chấp nhận là hình thức có căn cứ xác thực nhất. Những lần sửa lại này là những sự kết hợp giữa văn bản viết và văn bản được truyền miệng. Văn bản của Kakuichi trở thành văn bản chuẩn bởi lẽ nó là sự kếp hợp nhuần nhuyễn nhất của cả hai dạng viết và nói. Nó cũng có được sự cân đối giữa những mẩu chuyện về tôn giáo được ưa thích ở kinh đô và những câu chuyện chiến đấu khá phổ biến trong các tỉnh.

Người ta bàn luận nhiều về việc trước khi soạn thảo nguyên bản Truyện kể Hâykê, các nhà sư tỳ bà đã kể câu chuyện này chưa, nhưng đến nay chưa có kết luận nào. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò cốt tử của các nhà sư tỳ bà trong việc soạn ra những văn bản truyền miệng. Chắc chắn là họ rất cần phải thu thập tư liệu thông qua lời kể của những người thực sự đã tham gia vào các sự kiện đã được mô tả. Thế nhưng, cũng không thể xem nhẹ sự đóng góp của những người có học. Dù cho tác giả gốc là ai chăng nữa thì ông ta ắt phải là một nhà tri thức có học vấn cao, có khả năng sắp xếp và tập hợp một đống chuyện kể lại để sáng tạo ra một bản hùng ca đồ sộ như thế (4)

Nghe nói Kakuichi sinh ở tỉnh Harima, phía tây của Oxaka ngày nay, sau khi bị hỏng mắt lúc tuổi mới trung niên, ông quay sang ngâm nga Truyện kể Hâykê để kiếm sống. Ông tới Kyôtô, nơi trung tâm của các nhà sư tỳ bà, trong thập kỷ 1350 – 1360. Sau khi ông qua đời, thời đại vàng son của những người hát truyện Hâykê bắt đầu.

Có tất cả 6 văn bản viết tay mang tên Kakuichi. Văn bản nói chung được chấp nhận là văn bản cuối cùng hiện đang nằm trong thư viện của Trường đại học Ryukôkư ở Kyôtô. Ở cuối văn bản viết tay này có một câu ghi bằng chứ Hán nói rằng, vào ngày rằm tháng ba âm lịch năm 1371, ba tháng trước khi qua đời, Kakuichi đã đọc cho người ta chép truyện Hâykê của ông và truyền lại cho môn đệ của mình là Tâyichi.

Văn bản mà tôi đã dùng để dịch là văn bản trong cuốn Hâykê monogatari, tập thượng, tập hạ (do Takaghi Ichinôxưkê và những người khác biên tập). Đây là một văn bản chuẩn mực, có phê phán, dựa trên những công trình nghiên cứu gần đây nhất về truyện Hâykê của Kakuichi.

Một số đoạn của truyện Hâykê vẫn còn được người Nhật kể lại. Họ thích tác phẩm này không phải chỉ vì nội dung, mà còn vì giai điệu của ngôn ngữ. Tiếng Nhật là một ngôn ngữ âm tiết tính, và có thể chuyển thành thơ khi đặt nó thành những đơn vị có 12 âm tiết, chia thành đoạn 7:5 hoặc 5:7, các đơn vị theo luật thơ và những biến điệu dài hoặc ngắn, thường được những người kể chuyện Hâykê sử dụng. Đó là lý do chủ yếu người ta dùng văn bản này để ngâm kể.

Cùng với Truyện kể Hâykê có nhịp điệu, còn có 97 bài thơ ngắn, gọi là Hòa ca (thơ Nhật) (5), hoặc đoản ca (thơ ngắn). Hòa ca gồm có năm dòng, sắp xếp theo thứ tự 5-7-5-7-7 âm tiết. Có từ thế kỷ 8 đến nay, nó vẫn là dạng cơ bản của thơ Nhật Bản. Để giữ lại đoạn nhịp điệu của bản gốc, tôi đã cố gắng chuyển mỗi hòa ca sang tiếng Anh thành một dạng tương đương, tức là một đơn vị 31 âm tiết, chia thành các cụm từ 5-7-5-7-7. Tôi hy vọng rằng cách làm này sẽ tái tạo lại được cái đẹp trữ tình của những văn bản cổ.

Các tín ngưỡng và phong tục

Các nguyên tắc đạo đức và những sự mê tín

Những nguyên tắc đạo đức chủ yếu thịnh hành thời của truyện Hâykê, bắt nguồn là Thần đạo, đạo Phật và đạo Khổng. Trong ba đạo này, chỉ có Thần đạo là đạo của Nhật. Thần đạo thiếu nhiều yếu tổ của những tôn giáo phức tạp hơn. Đạo này không có chuẩn mực về đạo đức hoặc kinh kệ. Nó chỉ đòi hỏi người ta phải thờ cúng tổ tiên và các thần, những vị thần này, cũng như các thần trong thần thoại Hi Lạp, đại diện cho những lực lượng và hiện tượng của thiên nhiên. Vị thần tối cao của Thần đạo là Nữ thần mặt trời Amatêraxư, bởi lẽ chính bà đã cho con trai là Ninigi nô Mikôtô từ trên trời xuống hạ giới để trị vì. Đứa chắt nội lớn nhất của ông này là Gimmu, hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản. Tín ngưỡng chính của Thần đạo là: dân Nhật là con cháu của các đấng thần linh. Cho rằng người ta bẩm sinh là người tốt, cho nên cũng chẳng cần có những triết lý cao siêu phức tạp làm gì. Về bản chất, người Nhật rất lạc quan, chấp nhận cuộc sống như nó vốn thế và sung sướng bày tỏ lòng biết ơn của họ đối với sự hào phóng của cuộc sống. Đạo Phật, ngược hẳn lại với Thần đạo, nhấn mạnh cái u sầu của thế giới hiện tại và bác bỏ những lạc thú nhất thời. Nó nhấn mạnh cái nghiệp chướng và khích lệ người ta tìm kiếm sự giác ngộ bằng cách từ bỏ cõi trần tục.

Có lẽ khó có thể hiểu được tại sao và làm thế nào mà thần đạo của địa phương và đạo Phật du nhập lại có thể song song tồn tại ở Nhật Bản. Đạo Phật tuy được du nhập từ Trung Quốc và Triều Tiên, song không có ý định gạt bỏ những tín ngưỡng địa phương. Khi tự điều chỉnh cho dễ hòa hợp với các tín ngưỡng địa phương, đạo Phật đã khích lệ niềm tin rằng các vị thần của Thần đạo là hóa thân của các vị Phật và Bồ Tát. Tính chất nhị nguyên đó tồn tại được là nhờ ở tính đơn giản cực kỳ của Thần đạo. Bởi lẽ, nếu thần đạo là một tôn giáo phát triển có triết lý sâu sắc, thì đạo Phật, khi đã được triều đình chính thức công nhận, có thể đã thấy cần thiết phải lấn át Thần đạo. Mâu thuẫn ban đầu giữa Thần đạo và đạo Phật không phải là do sự đụng độ về các nguyên lý, mà là do sự thù địch về chính trị giữa những người ủng hộ hai tôn giáo này. Vào thời điểm của truyện Hâykê thì hai tôn giáo này đang tương hợp với nhau.

Một học thuyết lớn khác đã được du nhập từ Trung Quốc vào Nhật Bản, là đạo Khổng. Ở đây một lần nữa, lại cũng không có sự đụng độ với các tín ngưỡng địa phương, bởi Nhật Bản có truyền thống dễ tha thứ và dễ thích nghi. Chẳng những thế, đạo Khổng còn củng cố Thần đạo, tạo cơ sở tri thức cho đạo này, bằng cách nhấn mạnh việc thờ cúng tổ tiên và sự hiếu thảo trong gia đình. Thực vậy, đạo Khổng đã đóng vai trò rất quan trọng trong nền giáo dục, bởi lẽ vào thời kỳ của truyện Hâykê, việc học hành chính thức có nghĩa là học các tác phẩm kinh điển của Khổng giáo. Trong truyện Hâykê chẳng hạn, ảnh hưởng to lớn của đạo Khổng tới cách suy nghĩ của người Nhật đã được thể hiện hùng hồn trong lời nói tha thiết của Sighêmôri thuyết phục cha là Kiyômôri phải trung thành hơn đối với địch thủ đáng gờm của ông là Tọa quan Thượng hoàng (Cuốn 2, Chương VI). Đoạn đối đáp này cho thấy rõ sự thống nhất tế nhị giữa các tín ngưỡng địa phương với các học thuyết ngoại lai lúc bấy giờ.

Vào lúc này, Nhật Bản dựa nhiều vào những mê tín hơn là những tôn giáo chính thức. Ngoài những tập tục mê tín dị đoan của Thần đạo và đạo Phật, có rất nhiều mê tín khác gắn với ma quỷ ở tại địa phương, bắt nguồn trực tiếp từ văn hóa dân gian của địa phương. Những mê tín dị đoan sẽ được giải thích thêm trong các chú thích khi trong truyện có nói tới.

Những nguyên lý của Trung Quốc về thuyết nhị nguyên âm dương và năm yếu tố của thuyết ấy do tầm quan trọng của nó, sẽ được giải thích vắn tắt ở đây. Khi những nguyên lý này được đưa vào Nhật Bản trong thời Nara (710-781) đã giúp cho việc nhận biết và giải thích vũ trụ, cùng việc xây dựng các thuyết về chiêm tinh. Sau này, trong đời Hâyan, những nguyên lý này đã là cơ sở cho một hệ thống lịch mới. Người dân cũng bắt đầu quan tâm đến ý niệm về một trật tự thần bí kiểm soát những công việc của con người bằng việc hòa hợp những nguyên lý phổ biến về âm (giống cái, tối, lạnh. thụ động, đất, nước, mặt trăng) và dương (giống đực, sáng, chủ động, trời, lửa, mặt trời). Cùng với những sự bói toán thờ cúng của địa phương, tín ngưỡng âm dương đã trở nên phổ biến tới mức triều đình đã phải lập ra Ban Bói toán, các pháp sư âm dương của ban này chịu trách nhiệm đoán điềm gở và điềm lành.

Cũng như đạo Phật và đạo Khổng, thuyết âm dương được đồng hóa vào văn hóa Nhật Bản mà không xung đột gì với các tín ngưỡng địa phương, và vào thời kỳ của truyện Hâykê, nó không còn xa lại gì với người Nhật. Hệ thống lịch âm dương dựa trên cơ sở của một chu kỳ 60 cặp (anh-em) hợp thành từ năm yếu tố (mộc, hỏa, thổ, kim, thủy), và 12 giờ, tính theo các con vật (tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất và hợi). Đây là một cách chính xác và thuận tiện để chỉ ngày cũng nghư năm. Ví dụ, ngày đầu tiên trong năm đầu tiên của một chu kỳ 60 được gọi là giáp tí (“mộc, anh, chuột”), ngày thứ hai gọi là ất tí (“mộc, em, chuột”), vân vân (*). Chu kỳ 60 này được áp dụng vào các công việc của con người cũng như các sự kiện, và việc giả thích một cách hợp lý và huyền bí của chu kỳ có thể tạo điều kiện tiên đoán những sự kiện trong tương lai. Theo cách đó, có những hướng may và không may, có những ngày may và những ngày rủi. Do vậy, đi theo hướng xấu và làm gì trong ngày đen, là điều kiêng kỵ. Sinh đẻ, cưới xin, đi xa, ma chay, vân vân, đều bị hệ thống này chi phối. Bởi thế, ngay cả công việc quốc gia nước sôi lửa bỏng cũng phải đình hoãn lại nếu hệ thống âm dương này không cho phép.

Tất nhiên có những điều kiêng kỵ bắt nguồn từ những lý do khác, có quá nhiều những thứ đã được đề cập tới ở truyện này. Thực vậy. thế giới của Truyện kể Hâykê dày đặc những điều kiêng kỵ và những vật siêu nhiên (6). Người ta thường nói đến chuyện bị ma quỷ bắt và cho đó là lý do ốm đau và chết chóc. Một số những điều kiêng kỵ và mê tín này ngày nay vẫn còn tồn tại ở Nhật Bản. Ví dụ, người ta xem có một số ngày lành có thể làm lễ cưới hỏi, còn một số ngày khác thì người ta thường rất tránh; hướng đông – bắc là hướng xấu; người ta tin rằng một số vị thần của Thần đạo là những con cáo có thể đáp ứng những ai cầu lộc; và vân vân.

Phẩm hàm quý tộc và chức danh trong triều

Dưới đây xin giải thích về hệ thống cai trị vào thời Truyện kể Hâykê. Bộ luật Taikô (Đại Bảo, tên gọi của thời kỳ năm 701 – 704) là cái khuôn khổ luật pháp và hành chính mà trên lý thuyết là có hiệu lực trong suốt thời Hâyan. Giai cấp quý tộc bao gồm hoàng tộc và những người làm việc cho họ. Do sinh ra trong gia đình quyền quý, quý tộc có đặc quyền được nắm những chức vụ trọng yếu trong chính quyền. Ưu tiên nhất là một số ít gia đình gần gũi nhất với hoàng tộc: họ được ban các hàm nhất phẩm, nhị phẩm và tam phẩm. Bộ phận chính của giai cấp quý tộc gồm các quan chức hàm tứ phẩm và ngũ phẩm. Dưới hàm lục phẩm thì sự ưu ái giảm đi nhanh chóng. Mỗi hàm lại có bậc chánh và bậc tòng. Ban đầu các chức vụ trong triều đình mang theo trách nhiệm nói rõ trong các chức danh của họ, nhưng bởi vì phẩm hàm và chức danh ngày càng trở nên cha truyền con nối, thì các chức danh chẳng còn ý nghĩa gì mấy.

Chính quyền trung ương dưới thời hoàng đế được chia thành hai cơ quan chủ yếu: Ban Lễ tiết và Đại hội đồng Nhà nước. Ban Lễ tiết chịu trách nhiệm trông nom các nghi lễ Thần đạo và nắm các đền thờ cũng như việc tổ chức các ngày lễ hội. Đại hội đồng Nhà nước thì trông nom tất cả các công việc cai trị đất nước.

Tể tướng là một chức danh danh dự, dành cho người thầy dạy đạo đức cho nhà vua. Khi không có ai đủ tiêu chuẩn thì vị trí này được bỏ trống. Tả Thượng thư hoặc Hữu Thượng thư là viên quan cai trị chính, chức năng gần giống như thủ tướng thời nay. Với sự giúp đỡ của các vị ủy viên Hội đồng và quan lại của Tả bộ và Hữu bộ, các quan thượng thư nắm 8 cơ quan sau đây: Cơ quan Trung ương, Giáo dục, Cơ quan theo dõi Quý tộc, Cơ quan các công việc dân sự (chủ yếu là đất đai, dân số và thuế khóa), Chiến tranh, Tư pháp, Ngân khố và các công việc của Hoàng gia. Do việc quản lý mang tính cha truyền con nối của các nhà quý tộc, hầu hết các cơ quan này trở nên hữu danh vô thực trong thế kỷ 9. Kết quả là, lại có thêm một số cơ quan mới được lập ra – Ban Lưu trữ, Ban Thanh tra Cảnh sát và Cơ quan kiểm tra tài chính. Các quan thủ thư có nhiệm vụ giữ gìn những tài liệu giấy tờ bí mật ở Cung vua, nên dần dần đã nắm quyền kiểm soát cả các công việc hành pháp và lập pháp của Cơ quan Trung ương. Các thanh tra cảnh sát được giao nhiệm vụ bắt bớ những kẻ chống đối, đã nhanh chóng trở thành một thế lực mạnh, đủ để nắm giữ những công việc tư pháp và quân sự. Các quan chức kiểm tra tài chính được trao nhiệm vụ kiểm tra các tài khoản của các tỉnh trưởng, nhưng họ đã lấn át chức năng của những người thường xuyên theo dõi thu chi của triều đình. Trong các tác phẩm văn học thời Hâyan, các nhà quý tộc và võ sĩ được nhắc tới với các phẩm hàm và chức tước thay cho tên gọi của họ. Song để tránh nhầm lẫn, tôi đã làm khác đi một chút là dùng họ của những người này cộng với chức danh đã được đơn giản hóa, để cho dễ đọc và rõ ràng.

Chức danh của phụ nữ

Chế độ đa thê được chấp nhận dưới triều Hâyan, và vì thế có tục lệ là một hoàng đế sẽ có một hoàng hậu, các cung phi và cung nữ. Những người này không phải chịu trách nhiệm gì trong triều đình. Ban đầu hoàng hậu là người vợ cả của vua, nhưng càng về sau, trong triều Hâyan vị trí thực sự của Hoàng hậu càng sút kém, mà một cung phi được vua yêu nhất sẽ dành được địa vị cao hơn hoàng hậu. Các phụ nữ khác trong triều, gọi là các nội tì, được chia làm ba bậc. Bậc cao nhất gọi là Đại Nội tì. Con gái của những nhà quý tộc cấp cao thì được hàm nhị phẩm hoặc tam phẩm triều đình. Chức danh tôn kính của cựu hoàng hậu, hoặc của quận chúa dòng dõi hoàng tộc, được gọi là Nữ viện (Mẫu hậu), và sau tên riêng của những người này có thêm chữ - in, ví dụ như bà Bifukumôn-In hay Kênrâymôn-In.

Cấp bậc và chức danh của tăng lữ

Cấp bậc và chức danh tương ứng với cấp bậc và chức danh của các quan chức dân sự đã được triều đình phong cho các nhà sư tùy theo trình độ học vấn, đức độ và pháp thuật. Nhưng đến cuối đời Hâyan, thì các cấp bậc và chức vụ đó chỉ còn tính chất danh dự mà thôi chứ không còn chức năng hành chính nữa:

Cấp bậc/Chức danh/Địa vị trong triều đình

Bậc nhất: Pháp ấn [Con dấu của Pháp luật nhà Phật]
- Đại tăng chính
- Tăng chính
- Quyền tăng chính
Hàm tam phẩm

Bậc nhì: Pháp nhãn [Con mắt của Pháp luật nhà Phật]
Hàm tứ phẩm

Ngoài những cấp bậc và chức danh này, một số cao tăng được kính trọng mang những tên gọi đáng kính, như Thánh Nhân hoặc Đại Sư, ví dụ như Hônên Thánh nhân, hoặc Sinran Thánh nhân. Đại sư thường được triều đình truy phong sau khi chết. A-già-lê nghĩa đen là “thầy”, được dành cho các bậc cao tăng của hai tông phái Thiên thai và Chân ngôn.

Quần áo
Các nhà quý tộc mặc đồ lụa, còn thường dân mặc vải bông hoặc vải gai. Quần áo của họ không khác bộ Kimônô ngày nay là bao, có điều là họ mặc rộng hơn. Các nữ quan mặc nhiều lớp kimônô sặc sỡ, thường pha nhiều màu và nhiều thứ vải khác nhau. Cách ăn mặc của các quan và võ sĩ sẽ nói rõ trong phần Phụ lục.

Giáp trụ và vũ khí
Giáp trụ chiến trận được làm từ những mảnh thép hoặc da nhỏ hình chữ nhật, khâu với nhau bằng chỉ màu hoặc dây da, để chúng xếp lại như hình vẩy cá. Nói chung có hai loại, Yoroi (áo giáp có vai) và haramaki (áo giáo không vai). Giáp trụ của tướng được coi là của thần linh trao cho. Bởi thế, một bộ giáp trụ được gia đình hoàng tộc giữ gìn qua nhiều năm, cho tới khi nó được trao lại cho Xađamôri, cháu sáu đời của hoàng đế Kammu (737-806). Về sau, bộ áo giáp này được truyền lại, cùng với một thanh kiếm, cho người con cả của dòng họ Hâykê. Mũ giáp gồm có hai phần, phần làm như chiếc gáo bằng sắt hoặc bằng da vừa đầu người và phần thứ hai che cổ.

Mặc dù người ta không biết rõ ngành luyện kim đã phát triển ở Nhật Bản vào lúc nào và như thế nào, song kỹ thuật đúc kiếm dưới triều Hây an đã vượt xa bất cứ kỹ thuật của nước nào khác thời đó. Kiếm được coi là thiêng liêng, cho nên trước khi rèn và tôi kiếm, người luyện kiếm phải làm lễ tẩy uế, và khi làm phải mặc bộ cà sa trắng của nhà sư. Thanh kiếm cũng tượng trưng cho danh dự của nhà võ sĩ. Câu liêm dùng để giật chân đối phương thường do bộ binh sử dụng.

Lương thực thực phẩm
Gạo là lương thực chủ yếu. Gạo được trộn lẫn với bột mì, kê và rau, nấu thành cháo đặc. Lương thực phụ là rau, cá, cua, ốc, rong biển và chim chóc. Những loài cá người ta thích nhất là cá chép, cá hồi, cá vện và cá péc-ca. Loài chim được người ta thích là gà lôi và sếu. Đường được lấy ra từ quả khô. Các gia vị khác là muối, tương, hạt tiêu, gừng và tương hạt cải. Dầu ăn thì có dầu vừng và dầu lạc. Mỗi ngày ăn hai bữa, buổi sáng vào 10 giờ và buổi chiều vào 4 giờ. Rượu mạnh chủ yếu là rượu xakê. Tục lệ uống chè chỉ phổ biến từ thời kỳ đầu của triều đại Kamakura (1185-1333).

Kiến trúc
Những nguyên tắc kiến trúc thời đó về cơ bản giống như những ngôi nhà truyền thống của người Nhật ngày nay. Một ngôi nhà chủ yếu chỉ có một phòng, được ngăn làm hai phần bằng cửa gỗ lùa, màn che, thảm che hoặc rèm. Mái nhà của nhà quý tộc được lợp bằng vỏ cây bách, còn của thường dân thì lợp bằng rơm rạ, cỏ hoặc gỗ. Đồ dùng bên trong thì cũng đơn giản: Chiếu rơm chỉ trải lên chỗ sàn nhà dùng để ngồi.

Nhà cửa của một người quý tộc bắt chước cung điện của vua chúa, gồm có 6 gian sang trọng, có lối riêng ra hành lang. Trong sân nhà có một mảnh vườn: có núi non bộ sắp xếp hài hòa với cây cối, cỏ hoa cho có vẻ như cảnh sắc thiên nhiên thật. Có nhà riêng cho đám vệ sĩ và tay chân thân tín, tường cao bao bọc xung quanh và cổng ngõ chắc chắn để phòng vệ.

Nhà của các võ sĩ đạo cũng tương tự như nhà của giới quý tộc.

Giờ
Một ngày 24 tiếng được chia thành 12 giờ, mỗi giờ hai tiếng, mỗi giờ do một con vật cầm tinh.

Lịch
Cho đến năm 602, Nhật Bản vẫn chưa có lịch, năm đó một nhà sư Triều Tiên tên là Kanrôkư đã đưa hệ thống lịch Trung Quốc vào Nhật. Sau đó, năm 861, Nhật Bản lại theo một thứ lịch khác của Trung Quốc, do nhà Đường đặt ra vào năm 822. Lịch này dựa vào sự tròn khuyết của mặt trăng, một tháng gồm 29 hoặc 30 ngày và một năm có 354 ngày. Để khắc phục chỗ chênh nhau này, lịch này cứ 2 năm lại thêm một tháng nhuận, hoặc tám năm thêm ba tháng nhuận. Trên thực tế, lịch nhà Đường sớm hơn lịch ngày nay khoảng 1 tháng, bởi thế trong truyện, một vài chỗ có vẻ như giải thích sai năm tháng, niên đại, ví dụ hoa tàn và lá xanh vào cuối tháng ba âm lịch.

Tuổi tác được tính theo truyền thống của người Nhật tức là khi vừa ra đời đứa bé đã được tính là lên một tuổi và mỗi ngày Tết lại thêm một tuổi.

-----
(2): Trích từ “Heike monogatari” trong tập Kobayshi Hideo Shù (Tập các bài viết của Kôbayasi Hiđêô).
(3) Trích từ Hôjôki Tsurezuregusa (Nhật Bản cổ điển văn học đại hệ, 30) tr 271-272 , Tokyo: Iwanami. 1153.
(4) Để biết qua về sự điền biên các văn bản Truyện kể Hâykê xin mời đọc giả tham khảo bài tiểu luận “Điền biên văn bản của Truyện kể Hâykê” của Kenneth D. Butler.
(*) Chú thích của người dịch tiếng Việt: người Nhật gọi năm Giáp là Mộc anh, Ất là Một em, Bình là Hỏa anh, Đinh là Hỏa em, Mậu là Thổ anh, Kỷ là Thổ em, v..v…
(5) Muốn biết thêm về thơ Hòa ca của Nhật, xin mời độc giả tham khảo cuốn Giới thiệu thơ ca cung đình Nhật của Earl Miner (Stanford: Stanford University Press, 1968).
(6) Muốn tìm hiểu thêm về tôn giáo và mê tín trong thời Hâyan, xin mời độc giả tham khảo cuốn The World of the Shining Prince của Ivan Morris, tr. 103-152. Harmondsworth: Penguin Books Ltd 1969.

Acmagiro
15-11-2008, 09:34 AM
Không ngờ thời buổi này mà còn có Hâykê sao. Truyện này ai dịch vậy bạn, dịch từ nguyên bản hay qua thứ tiếng khác? Sao click vào 3 link trên mà cũng chỉ có phần giới thiệu thế?


Chuông Đền Ghiôn (1) rung lên ngân trong trái tim của mỗi người luôn nhắc ta rằng cuộc đời tất cả chỉ là phù du (2). Những bông hoa héo tàn của những cây bồ đề (3) đặt bên chiếc giường nơi đức Phật nhập Niết bàn đã làm nhân chứng cho một chân lý: đời có thịnh, ắt có suy. Quả vậy, niềm kiêu hãnh cũng có ngày tàn, bởi vì nó chỉ thoảng qua như giấc mộng đêm xuân. Người dũng cảm, kẻ kiêu hùng, rồi cuối cùng cũng về với cát bụi.

Đoạn mở đầu của truyện Heikei này là một bài thơ, nói về lẽ vô thường của cuộc đời, thường được các nhà sư mù gãy đàn Tỳ bà mà ngâm nga rằng

Gion shoja no kane no koe (lắng nghe tiếng chuông tịnh xá Kỳ Viên)
Shogyo mujo no hibiki ari (Ta nghe tiếng ngân mọi lẽ đều vô thường)
Sara soju no hana no iro (Đây màu hoa Xa La đôi cũng nói lên rằng)
Josha hissui no kotowari wo arawasu (Ở đời thịnh giả tất suy là cái lẽ đương nhiên)
Ogoreru hito mo hisashi karazu (Kẻ mạnh cũng chẳng khéo giữ dài lâu)
Tada Haru no yo no yume no gotosi (Chỉ như một giấc mộng đêm xuân)
Takeki mono mo tui ni horobinu (Cổ lai cường giả giai tuyệt diệt)
Hitoe ni kaze no mae ni tiri ni onaji (Chỉ như hạt bụi trước gió)

Có thể bản dịch này là từ tiếng Anh, rõ ràng có thể thấy được sự "loss in translation" Khi trải qua nhiều thứ tiếng như thế. Chỉ cần nghe "Tịnh xá Kỳ Viên" là người VN hiểu ngay, hoặc như cây Xa La đôi (cây nơi Phật nhập Niết bàn) thì người đọc cũng cảm nhận trực tiếp được. Bản dịch từ tiếng Anh không giữ được cái thần khí này, dịch thành "đền" tạo cho người đọc cảm giác xa lạ với Phật giáo.
Tuy nhiên, dịch cả một trường thiên đại thuyết văn học thế này quả thật kỳ công. Xin chân thành cảm ơn dịch giả và người đánh máy, đây là một đóng góp cực kỳ to lớn trong việc phổ biến văn học cổ điển ngoại lai ở VN.

Dưới đây là nguyên bản tiếng Nhật của Heike monogatari, ai có hứng thú thì đọc.

http://etext.virginia.edu/japanese/heike/heike.html

mr_zell
17-11-2008, 03:26 PM
CUỐN MỘT


“Những bông hoa héo tàn của những cây bồ đề… đã làm chứng cho một chân lý”


(trích Cuốn 1, chương 1, trang 45)


CHƯƠNG I
Đền Ghiôn


Chuông Đền Ghiôn (1) rung lên ngân trong trái tim của mỗi người luôn nhắc ta rằng cuộc đời tất cả chỉ là phù du (2). Những bông hoa héo tàn của những cây bồ đề (3) đặt bên chiếc giường nơi đức Phật nhập Niết bàn đã làm nhân chứng cho một chân lý: đời có thịnh, ắt có suy. Quả vậy, niềm kiêu hãnh cũng có ngày tàn, bởi vì nó chỉ thoảng qua như giấc mộng đêm xuân. Người dũng cảm, kẻ kiêu hùng, rồi cuối cùng cũng về với cát bụi.

Xem lại các triều đại Trung Quốc ngày xưa, chúng ta thấy các nhân vật như Triệu Cao (4) đời Tần, Vương Mãng (5) đời Hán, Chu Nghị (6) đời Lương và An Lộc Sơn (7) đời Đường. Những người này đều sớm tiêu tan sự nghiệp vì đã sa vào lưới ăn chơi sa đọa và không đi theo bước chân của các bậc tiền bối. Họ đã xao nhãng những lễ nghi truyền thống và phép trị nước bằng luân lý đạo đức, không đếm xỉa gì đến tình trạng bất yên ngày càng tăng trong nước cũng như những mối lo âu của dân chúng.

Trở lại nước ta, chúng ta thấy có Maxakađô (8) đời Sôhây, Xumitômô (9) đời Tênghiô, Yôsichika (10) đời Kôoa, và Nôbuyôri (11) đời Hâygi. Tất cả bọn họ mỗi người mỗi kiểu đều kiêu hùng, dũng cảm. Nhưng trên tất cả những người này, gần đây là lãnh chúa Kiyômôri của dòng họ Taira, được gọi là Nhập đạo của Rôcưhara, là tể tướng và là cận thần của Hoàng đế, thật không có bút nào tả xiết được thói kiêu ngạo vô tiền khoáng hậu của ông.

Về lai lịch gốc gác, ông là người thừa kế tước vị quan cận thần của Hoàng đế, nguyên soái đại lãnh chúa Tađamôri, là cháu nội của Maxamôri, tuần phủ tỉnh Xanưki. Còn Maxamôri là dòng dõi 9 đời của ông hoàng mang dòng máu Kazưrahara, giữ chức quan thị thần lo việc lễ nghi và đứng hàng thứ 5 trong số những người kế ngôi Hoàng đế Kammu. Con trai của ông hoàng Kazưrahara, hoàng thân Takami, sống ở xa triều đình và khi chết không có một chức tước nào. Bởi vậy con trai của Takami là ông hoàng Takamachi chấp nhận làm dân thường. Ông được đặt lại lại họ của mình là Taira và được cử làm quan cai trị vùng Kazưxa. Con trai của ông là Yôsimôchi đã làm tổng binh ở nhiều tỉnh, từ đó cũng đổi tên là Kưnika, và sáu đời tiếp theo, từ Kưnika đến Maxamôri, tất cả đều làm tuần phủ. Tên tuổi của họ không nằm trog danh sách những người được vào chầu cung vua.

---
Chú thích
1. Đền Ghiôn là tu viện Giêtavana, do một người giàu có tên Anathapindaka xây dựng ở Xravaxti, Ấn Độ, để tưởng nhớ Phật Thích Ca.
2. Đoạn cuối trích từ một đoạn kinh Phật, là câu thơ tứ tuyệt:
Kiếp người tất cả chỉ phù du bèo bọt
Thuyết luân hồi quy luật hóa sinh
Khỏi kiếp luân hồi ai siêu thoát
Hạnh phúc phiêu diêu cõi Niết Bàn
Theo cuốn sách Phật Ghiôn Zukyô, có một gian nhà gọi là Vô thường, dành cho các nhà sư ốm yếu bệnh tật ở. Bốn góc phòng treo bốn cái chuông và khi có nhà sư nào sắp tịch thì bốn cái chuông lại rung vang lên bốn câu thơ trên. Có nghĩa là lúc đó, những nhà sư sắp chết có thể sẽ quên hết những nỗi đau khổ của trần thế để đi vào cõi Niết Bàn.
3. Kinh Niết bàn đã mô tả chi tiết chảnh đức Phật nhập Niết bàn: Giường của Phật làm bằng bảy loại đá quý, mỗi góc đặt hai cây bồ đề. Tán của tám cây đều rủ vào giữa giường và khi Phật nhập Niết bàn thì lá cây chuyển sang màu trắng.
4. Một viên hoạn quan thần thế phò tá hai đời hoàng đế thứ nhất và thứ hai nhà Tần (221-207 Trước công nguyên), sau đó truất ngôi của hoàng đế đời thứ hai, gây ra cảnh hỗn loạn trong nước. Triệu Cao lại bị đời hoàng đế thứ ba nhà Tần giết chết.
5. Giết vua Lưu Bang nhà Hán để cướp ngôi vào năm 8 sau Công nguyên và lập nên triều đại nhà Tần (*)
6. Một cận thần có thế lực đời Vũ đế, triều Lương (316-436 sau Công nguyên).
7. Khởi nghĩa chống vua Huyền Tông, đời Đường (618-907 sau Công nguyên).
8. Nổi dậy ở Đông Nhật Bản năm 935 và tàn sát giới quý tộc, quan lại ở kinh đô.
9. Xấp xỉ cùng thời gian với Maxakađô, Xumitômô khởi nghĩa ở bờ biến phía Tây Nhật Bản
10. Người con thứ hai của Yôsiyê, dòng Minamôtô, có ảnh hưởng lớn ở Kyusyu. Vì không phục tùng chính quyền trung ương, bị đày đi Ôki. Nhưng đã trốn thoát và nổi loạn ở tỉnh Izumô. Bị Maxamôri đòng Taira đánh bại năm 1105.
11. Xúi giục dòng họ Hâygi khởi nghĩa năm 1159.
12. Nhập đạo là tên gọi người cư sĩ đạo Phật.
13. Một vùng nằm ở phía đông nam Kyôtô, nơi dòng họ Hâykê đặt các cung điện chỉ huy của mình.
14. Hoàng đế thứ 50, Kammu (781-806) lập đô ở Kyôtô năm 794. Kinh đô mới này xây theo kiểu kinh đô Tràng An của nhà Đường ở Trung Hoa. Từ thời đó đến thời Minh Trị duy tân năm 1868, Kyôtô là nơi ở của các hoàng đế Nhật.

---
(*) Chú thích của người dịch bản tiếng Việt: Chỗ này có lẽ người dịch bản tiếng Anh chú thích sai.

mr_zell
27-11-2008, 12:18 PM
CHƯƠNG II



Âm mưu ám sát trong triều



Khi Tađamôri làm tuần phủ tỉnh Bizên, để kiếm cách làm quen với Thượng hoàng Tôba (1), ông đã xây ngôi chùa Tôkưgiôgiu. Tại chùa này, ông xây điện chính dài 33 kên (2), trong đó đặt 1001 pho tượng Phật. Lễ khánh thành được tổ chức vào ngày 13 tháng 3 nguyên niên thời Tênsô (1131). Để thưởng công cho lòng mộ đạo này, lúc đầu Thượng hoàng định ban cho ông thêm một quận nữa, nhưng sau vì chức tuần phủ tỉnh Tagima còn khuyết, ông được bổ vào chức ấy. Ngoài ra, Thượng hoàng còn thi ân cho ông được vào tuần kiến (3). Lúc đó, Tađamôri 36 tuổi và đây là dịp đầu tiên được vào cung vua. Các quan lại quý tộc khác ghen tỵ với ông và họ âm mưu ám hại ông vào đêm cuối cùng của tiệc Bạch y vũ (4) mừng vụ gặt, tổ chức ở cung vua, nhằm vào ngày 23 tháng Chạp năm ấy.

Khi Tađamôri biết được âm mưu này, ông phòng bị cẩn thận và nói rằng: “Ta không phải là phường văn quan, mà sinh ra từ một dòng dõi võ quan. Thật là hổ thẹn cho dòng máu tổ tiên nếu như ta sa vào tay chúng và chết nhục nhã như thế. Ngạn ngữ có câu rằng, kẻ nào càng sống được lâu thì càng phò tá cho thiên tử được nhiều”.

Khi vào cung vua, Tađamôri nhét vào trong áo lễ phục một thanh đoản kiếm cố tình để lộ cho người ta thấy. Có một lúc giả như lơ đễnh, ông rút thanh kiếm ra đưa lên ngang đầu và dưới ánh lửa, sắc kiếm sáng loáng, tương phản với màu tóc đen nhánh. Mọi ánh mặt ngầm dõi theo hành động ấy.

Gần đấy, Iêxađa, thuộc hạ của ông ngồi trịnh trọng trong sân rồng. Iêxađa là đội trưởng đội thị vệ Tả cung, hắn là con trai của Xuêphuxa và cháu trai của Xađamichư dòng họ Taira, trợ tá của viên quan coi việc sửa chữa cung điện cũng là dòng dõi họ Taira. Iêxađa mặc một bộ giáp trụ mỏng có riềm các ngù bằng lụa, bên ngoài khoác bộ đồ săn màu xanh nhạt, bên người đeo một thanh kiếm và một bao cung tên. Viên quan trông coi việc lưu trữ của triều đình nghi ngờ viên tỳ tướng của Tađamôri, ra lệnh cho một trong những tên lính đi theo hắn đến gần Iêxađa.
“Mày là ai? Thằng kia, cái thằng mặc bộ đồ đi săn kia, thằng ngồi cạnh ống máng, gần dây rung chuông kia. Thằng thích khách kia, đứng dậy”.

Vẫn giữ tư thế ngồi một cách trịnh trọng và chăm chú, Iêxađa đáp rằng: “Tôi được bảo rằng, chủ tôi ngài tuần phủ Bizên sẽ bị người ta hãm hại đêm nay. Tôi phải ngồi đây chờ để được nhìn tận mắt xem chủ tôi sẽ bị hại như thế nào. Tôi không thể rời khỏi đây”. Thế là vì không nắm chắc, những kẻ âm mưu ám sát đành phải dẹp bỏ kế hoạch của mình đêm ấy. Nhưng khi Tađamôri, theo lệnh của Thượng Hoàng ra nhảy múa, thì giới quý tộc lại ứng khẩu lời hát mới thay cho bài ca của điệu nhảy để trêu ông, hát rằng:: “Rượu xakê của tỉnh Izê chua như dấm” (5).

Đường đường chính chính thì phải công nhận rằng gia đình Hâykê là con cháu của Hoàng đế Kammu. Thế nhưng đã lâu họ không lai vãng đến kinh đô và chỉ chúi vào công việc ở tỉnh, cho nên chẳng ai ở triều đình biết họ. Vì gia đình Hâykê sống lâu ở tỉnh Izê, cho nên Tađamôri mới bị xỏ xiên bằng kiểu chơi chữ giữa rượu xakê và dấm (6). Hơn nữa, Tađamôri lại có đôi mắt lác thành ra kiểu chơi chữ ấy lại cũng hợp.

Không biết trút nỗi giận vào đâu, Tađamôri phải bỏ về trước khi cuộc vui chấm dứt. Trước khi rời điện Sisin (7), ông gọi một cung nữ tới và trước mặt bá quan văn võ, rút thanh đoản kiếm trao cho cô. Iêxađa ra đón ông và hỏi ngay: “Thưa chúa công, có chuyện gì vậy?”

“Không có chuyện gì đặc biệt cả”. Tađamôri vừa trả lời vừa cố nén cơn giận đang bùng lên. Ông e rằng nếu để cho Iêxađa biết sự thật thì hắn sẽ nhảy vào cung điện mà làm loạn lên.
Trò vui trong dịp lễ hội hàng năm ở triều đình gồm một số bài hát và điệu múa kích động lòng người, như điệu “giấy trắng”, “giấy đỏ”, “cây bút lông” hoặc “cây bút Tômôê” (8). Một thời đã lâu, có một lãnh chúa tên là Xuênaka, Phó Tỉnh trưởng Đazai (9). Nước da của ông đen đến nỗi người ta gọi ông là Hắc bì Tuần phủ. Sau này khi ông được bổ làm quan coi sóc việc lưu trữ của triều đình, ông được lệnh ra nhảy nhân một cuộc hội lễ của triều đình. Với ông, đám khán giả cũng không tha, cũng thêm thắt vào bài ca để hát lỡm ông: “Ôi, cái đầu (11) của lão da đen, đen làm sao! Kẻ nào đã bôi ông ta đen đến thế?”

Khi quan cựu tể tướng Tađamaxa, còn được gọi là Kaxan-nô-In, còn là một đứa trẻ mồ côi cha, lên 10 (bố ông là Phó quan Hội đồng hoàng gia Tađamunê), ông đã được gia đình Phó quan Hội đồng khác là Iênari nhận làm con nuôi. Lúc đó Iênari cai trị tỉnh Harima, và ông đã làm hư hỏng đứa con nuôi vì đã nuông chiều nó một cách mù quáng. Tađamasa cũng bị trêu chọc trong một dịp hội lễ: “Gạo Harima, đuôi ngựa, hay là átpêra đã đánh cho mày bóng loáng đến thế?” (12)

Khi Tađamôri bị xỏ xiên như thế, nhiều người nói rằng: “Cứ cho là không có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra vì những lời xỏ xiên khiêu khích đó, nhưng khó mà nói được rằng chuyện gì có thể xảy ra trong những lúc loạn lạc này, khi mà người ta đã quên đi những phép tắc đạo đức của nhà Phật” (13)

Lúc lễ hội kết thúc, như mọi người đã dự kiến, đám quý tộc đồng thanh tâu lên Thượng Hoàng: “Theo lệ của triều đình, khi một người được phép tham dự lễ hội chính thức, chỉ được phép mang thanh gươm dùng cho cuộc lễ cũng như khi ra vào cung cấm, thì phải cực kỳ tôn trọng phép vua. Nhưng thần tử Tađamôri thì ngược lại, mang theo vệ sỹ và tên vệ sỹ đó lại mặc quần áo của người đi săn. Thần tử Tađamôri đã biện bạch cho sự có mặt của tên vệ sỹ này bằng cách nói dối rằng hắn là truyền nhân của mình và cho phép hắn túc trực ở sân rồng. Tệ hơn nữa, Tađamôri còn đeo gươm khi ngồi lẫn lộn với chúng thần ở trong cung điện. Tội này lại càng nghiêm trọng vừa không theo phép vua, lệ nước, vừa tỏ ra ngông nghênh, láo xược, trước nay trong lịch sử chưa bao giờ có ai dám thế -- thật là tội này chồng chất lên tội kia. Bởi vậy chúng thần xin tâu phải trị tội hắn, phải bêu riếu tên tuổi của hắn, và vĩnh viễn bãi chức hắn và cho đuổi về quê quán”.

Thượng Hoàng vô cùng ngạc nhiên và cho triệu Tađamôri đến để tra hỏi. Tađamôri tâu rằng: “Muôn tâu Thượng Hoàng, trước hết thần không biết tí gì về việc tên đệ tử của thần đã ngồi chờ ngoài sân rồng. Thế nhưng, có tin đồn là người ta có âm mưu ám hại thần, nên tên gia nô cũ của hạ thần có lẽ biết được chuyện này. Hắn đã bí mật theo thần, chắc là muốn cứu thần khỏi một cái chết nhục nhã . Việc hắn làm, thần không biết, nên không ngăn được. Thần xin tuân theo ý muốn của Thượng Hoàng, nếu Người muốn trừng trị hắn, hạ thần sẽ cho bắt hắn và đưa hắn đến đây để Người trị tội. Kế đó, về chuyện thanh kiếm, thần đã đưa nó cho một cung nữ và bây giờ kẻ hèn mọn dám tâu xin lượng bề trên cho hỏi lại, thần xin chờ sự phán quyết của đức Thượng Hoàng sau khi Người đã cứu xét.”

Thượng Hoàng chấp nhận lời thỉnh nguyện của Tađamôri, truyền cho mang thanh kiếm tới và rút ra xem. Té ra vỏ kiếm phủ lớp sơn mài màu đen, còn lưỡi kiếm làm bằng gỗ có tráng lớp bạc bên ngoài (14).

Thượng Hoàng liền phán rằng: “Tađamôri, để tự vệ khỏi bị tấn công bất ngờ mà ngươi chỉ mang một thanh kiếm gỗ làm giống như cây kiếm sắc. Dự tính của người thật đáng khen ngợi. Một người theo nghề binh nghiệp có quyền cư xử như vậy. Hơn thế nữa, đối với tên để tử của ngươi túc trực ở sân rồng, đó là hành động của một đệ tử trung thành, phù hợp với tập tục của ta. Tađamôri, ngươi vô tội”.

Thế là trái với sự mong đợi của giới quý tộc, Thượng Hoàng không những không trừng phạt mà còn khen ngợi Tađamôri.
---

Chú thích:
1. Đời vua thứ 74 (1107-1123). Năm 1123, ông nhường ngôi cho con là Xuiôkư, và năm 1129, khi ông nội ông là Sirakaoa chết, ông lại ra nắm quyền bính với tư cách Hoàng đế ở ẩn. Năm 1141, ông buộc Xuiôkư phải nhường ngôi cho Kônôê, đứa con của một cung phi mà ông sủng ái, tên là Biphukumôn-In. Năm 1155, khi Kônôê chết, Tôba đưa một người con khác là Gô-Sirakawa lên ngôi, làm Xutôku bất mãn, dẫn đến cuộc nổi loạn Hôghên, năm 1156. Lòng tham của cải của Tôba khiến các quan tuần phủ các tỉnh chán ngán, quay lưng lại triều đình và tìm chốn nương náu dưới lá cờ của dòng Ghêngi và dòng Hâykê.
2. Một kên thật ra dài khoảng 2m. Nhưng khi nói về căn điện thờ này, thì một kên là khoảng cách giữa hai cây cột.
3. Quý tộc từ ngũ phẩm trở lên và những người hầu hạ trong cung vua có hàm lục phẩm thì được phép ra vào điện Tịnh Lương, nơi ở của Hoàng đế trong hoàng cung.
4. Triều đình thường mừng vụ gặt mới trong vài ngày với nhiều trò vui, như hát dân ca và múa bạch y và (xem đầu chương VI) theo các điệu imayô (thơ 4 câu 12 vần), bugaku, xaibara, v..v..
5. Đây là cách dịch của một lối chơi chữ còn có nghĩa là một người thuộc dòng Hâykê ở Ixê (tức là Tađamôri) là người mắt lác.
6. Rượu xakê và dấm đều là đặc sản của tỉnh Ixê.
7. “Tử nội điện” (Nội điện màn tím), thường dùng cho những dịp quan trọng như lễ đăng quang, dịp tết năm mới v..v..
8. Đây là tên những bài hát mà giới quý tộc, quan lại hát trước mặt vua. Một số văn bản về truyện Hâykê cho biết rằng trong những điệu múa theo những bài hát này thì tay áo và tà áo của vũ nữ quay cuồng mỗi lúc một nhanh đến nỗi trong những vũ nữ lúc đầu như những tờ giấy trắng bay phấp phới, sau đó giống như giấy tím sẫm, rồi lại giống như cây bút vẽ có tô điểm hoa văn tônôê, tức là có hai nét phẩy, nét lên, nét xuống, quấn lấy nhau.
9. Một trung tâm đặc biệt của chính quyền đặt ở Đazai, nằm trong đất liền, cách vịnh Hakata chỉ vài dặm, phía Bắc Kyusyu, kiểm soát cả 9 tỉnh ở vùng Kyusyu (Cửu châu).
10-11. Cả hai từ này đều được dùng bằng chữ đầu, có nghĩa là “người đứng đầu” hoặc “cái đầu”.
12. Gạo Harima nổi tiếng ở Nhật. Khi thổi cơm, nó óng ánh như bạc. Atpêra là một loại cây có lá ráp. Những lá này dùng làm giấy ráp để đánh bóng.
13. Theo thuyết nhà Phật, đức tin Phật giáo trải qua ba giai đoạn, mỗi giai đoạn trải qua một ngàn năm. Sau ba giai đoạn này, đạo Phật sẽ mất đi. Vào thời kỳ viết truyện kể Hâykê này, người ta tin rằng đã đến giai đoạn cuối. Do đó, người ta chấp nhận sự lộn xộn trong xã hội, vì cho là do đạo Phật đang chết đi. Vì vậy lúc này có sự hỗn loạn về tinh thần cũng như về chính trị.
14. Phủ lớp ngân nhũ và quang dầu ra ngoài.


CHƯƠNG III
Cá rô biển


Con cái của Tađamôri đều được phong chức Phó Tổng binh của triều đình. Mỗi khi có vinh dự vào cung vua, họ đều được đám quý tộc săn đón làm thân. Một lần, Tađamôri từ tỉnh Bizên về kinh đô, Thượng Hoàng Tôba hỏi ông: “Bãi biển Akasi thế nào?”

Tađamôri đáp bằng một khổ thơ làm Thượng Hoàng rất cảm động:

Khi vầng dương chưa mọc
Trăng treo như một tảng đá sáng
Sóng vỗ về bờ cát
Trên lưng ngựa đến Akasi
Tôi chỉ nhìn thấy thế (1)

Về sau bài thơ này được đưa vào tập Kim Dược thư (2).

Người đàn bà mà Tôđamôri yêu quý nhất lại nằm trong đám thị tỳ của chính Thượng Hoàng. Bởi vậy mỗi lần vào triều, ông thường năng lui tới thăm cô. Một hôm, ông để lại trong phòng cô một chiếc quạt, có vẽ hình mặt trăng ở góc, thế là bạn bè cô đều cười mà hỏi: “Chị nguyệt này từ đâu tới đấy? Bọn mình chịu không thể biết từ đâu tới”.

Đáp lại, cô viết một bài thơ và bài thơ này càng làm cho Tađamôri thêm yêu cô sâu sắc:

Ánh trăng như ánh bạc
Lách qua (3) những áng mây
Bạn hỏi để trêu cười
Không khi nào mình kể
Bí mật của vầng trăng

Người đàn bà này sinh cho Tađamôri một đứa con trai, đặt tên là Tađanôri, sau này làm Tuần phủ tỉnh Xachưma. Tục ngữ có câu: “Chồng nào vợ nấy”. Thực vậy, Tađamôri và “vợ” mình luôn ý hợp tâm đầu, đều yêu cái đẹp và thơ ca.

Tađamôri rút cục leo lên đến chức Đại nguyên soái. Khi ông mất vào năm 58 tuổi, ngày rằm tháng giêng năm Nimpyô thứ 3 (1153), thì Kiyômôri, con trai cả của ông, đảm nhận tất cả công việc gia đình.

Khi quan tả bộ thượng thư nổi tiếng tên là Yôrinaga (4) dấy binh chống lại nhà vua (5), vào tháng bảy năm Hôghên nguyên niên (1156), Kiyômôri phò tá nhà vua dẹp loạn. Nhà vua thưởng công lao to lớn của ông ngoài chiến trường bằng cách phong cho ông từ Tuần phủ tỉnh Aki sang làm Tuần phủ tỉnh Harima giàu có, rồi sau lại cử ông làm Tuần phủ tỉnh Đazai vào năm Hôghên thứ 3 (1158).

Vào tháng hai năm Hâygi nguyên niên (1159), khi lãnh chúa Nôbuyôri dấy binh nổi loạn (6), Kiyômôri lại một lần nữa chứng tỏ lòng trung thành với nhà vua, dập tắt cuộc nổi loạn. Và năm sau, để tưởng thưởng cho công lao dẹp loạn liên tiếp của ông, nhà vua thăng cho ông lên hàng chính tam phẩm. Kiyômôri tiếp tục leo lên những nấc thang vinh hiển, ông liên tiếp được cử vào Hội đồng triều đình, chánh quan cảnh sát hoàng gia. Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng triều đình và lên chức Thượng thư. Chưa hết, nhảy qua hai bậc Tả bộ, Hữu bộ thượng thư, từ thượng thư lên thẳng chức Tể tướng, và được hàm tông nhất phẩm triều đình. Tuy nhiên, chức tổng tư lệnh quyền uy và vinh dự nhất không đến tay ông. Nhưng dù cho không có chức đó, ông cũng đã có quyền tháp tùng trong đám cận thần, thủ túc của nhà vua. Hơn thế nữa, khi ra vào cung điện, ông không phải xuống xe (xe do bò hoặc người kéo). Thực ra, mặc dù ông không chính thức là quan nhiếp chính (7), nhưng quyền hành thì cũng chẳng kém gì.

Trước đây chức Tể tướng thường được trao cho ai có khả năng bảo ban nhà vua và là người mẫu mực cho thiên hạ noi theo, người đó phải trị được nước, giảng được đạo lý và có đức, có tài hô gió gọi mưa (8). Trong trường hợp không có ai đáp ứng đủ những yêu cầu này, thì chức đó để trống. Vì thế, trước kia đôi khi người ta gọi chức tể tướng là “chức vị để trống”.

Cho dù Kiyômôri có đủ điều kiện để nắm được vị trí khó khăn đó hay không, ông cũng đã nắm trong tay cả trời đất, và có ai trên đất Nhật dám động tới ông?

Tục truyền rằng, do sự phù hộ đặc biệt của Đền Kumanô mà gia đình Hâykê được giàu có và vinh hiển. Câu chuyện là như thế này. Lúc mới chỉ là tuần phủ ở Aki, Kiyômôri từ bãi biển Anô, tỉnh Ixê, đã đi thuyền đường biển tới Kumanô. Dọc đường, có một con cá rô biển rất lớn nhảy lên thuyền. Vị sơn tu làm nhiệm vụ dẫn đường cho Kiyômôri phán rằng: “Đây là dấu hiệu đặc biệt của thần linh Đền Kumanô. Hãy ăn thịt con cá ngay, chớ chậm trễ”.
Kiyômôri cũng nói: “Ngày trước, một con cá trắng như con này cũng nhảy vào thuyền của vua Vũ nhà Chu. Trường hợp này cũng giống như thế, ta cho rằng điều này báo trước cho ta một vận may lớn”. Và thế là mặc dù cả gia đình bộ hạ đang trên đường đi lễ ở Đền Kumanô và do đó theo quy định của mười điều giới nhà Phật, không được ăn thịt cá, họ vẫn ăn thịt con cá ấy. Như điềm báo trước này, vận may luôn luôn mỉm cười với Kiyômôri và cuối cùng ông ta đã nắm được chức Tể tướng. Con cháu ông cũng ăn nên làm ra. Họ leo lên những chức vụ cao của triều đình còn nhanh hơn rồng vàng từ mặt biển giận dữ vượt lên chín tầng mây. Điều này thực sự làm Kiyômôri thỏa mãn bởi vì chưa hết một đời người mà ông đã làm nên những điều mà tổ tiên cả chín đời không làm nổi.

---
Chú thích:

1. Akasi tiếng Nhật có nghĩa là “sáng”, đó cũng là tên một thành phố ở huyện Hyôgô ngày nay.

2. Bộ Hợp tuyển thứ năm của hoàng gia, do Tôsiyôri thuộc dòng họ Minamôtô, soạn năm 1127, còn gọi là Xuân lôi.

3. “Lách qua” tiếng Nhật đọc thành tađa-môri kitaru, để khéo léo nói về chính Tađamôri.

4. Fugiwara Yôrinaga (1120-1156). Cha ông là Tađazanê, về hưu ở Ugi, một thị trấn nhỏ tỉnh Yamasirô, sau khi phò tá nhà vua ở các chức vụ chủ tịch Hội đồng triều đình (1105) và quan nhiếp chính (1108). Vì vậy, Yôrinaga được gọi là Tả bộ Thượng thư xứ Ugi. Quan Tả bộ thượng thư được phép đứng bên trái vua trong các cuộc lễ. Có một thời quan Tả bộ Thượng thư được xếp thứ hai trong số ba quan thượng thư chủ yếu, thấp hơn Tể tướng và cao hơn quan Hữu bộ Thượng thư, và cùng với hai người này điều khiển công việc triều đình và xem xét các quyết định của tòa án. Thêm vào đó, ông có nhiệm vụ đặc biệt kiểm tra các công việc có liên quan tới hoàng cung.

5. Gọi là cuộc loạn Hôghên. Tháng 7 năm 1155, khi Hoàng đế Kônôê chết lúc 17 tuổi, Thượng Hoàng Tôba đưa một trong những người con của mình là Gô-Sirakawa lên ngôi. Điều này làm cho Xutakư (anh của Gô-Siragawa, vốn làm vua, nhưng đã thoái vị) hết sức bất mãn, vì ông này hy vọng rằng con trai mình là Nighêhitô phải được kế ngôi. Ngay sau khi Tôba chết (tháng 7-1156), Xutôkư được Tả bộ Thượng thư Yôrinaga và Tamêyôsi của dòng họ Ghêngi ủng hộ, đã âm mưu phế bỏ Gô-Sirakawa. Đứng về phía Gô-Sirakawa có anh của Yorinaga là Tađamachi, con trai của Tamêyôsi là Yôsitômô và Kiyômôri, những người này ban đêm bất ngờ tấn công vào cung của Xutôkư và đánh bại đội quân của ông hoàng này. Xutôkư bị đi lưu đầy ở tỉnh Xanuki. Sighêkitô phải đi tu. Còn những người không thuộc dòng dõi quý tộc đã nổi lên, đặc biệt là Kiyômôri của dòng họ Hâykê.

6. Gọi là cuộc loạn Hâygi. Trong suốt thời kỳ cuộc khởi nghĩa Hôghên, Yôsitômô là người duy nhất trong gia đình Ghêngi liên kết với Kiyômôri. Hắn đã giết nhiều người trong gia đình, kể cả cha đẻ của hắn là Tamêyôsi. Khi dẹp loạn xong, Yôsitômô trở nên bất mãn vì thấy hắn được quá ít so với Kiyômôri. Năm 1158, Gô-Sirakawa nhường ngôi cho con là Nigiô, nhưng vẫn nắm quyền ở triều đình. Với sự giúp đỡ của Sinzây, cận thần của Hoàng đế Gô-Sirakawa, Yôsitômô hy vọng gả con gái mình cho con trai của Sinzây để thắt chặt mối liên hệ với Sinzây. Nhưng Sinzây từ chối và lại chọn con gái của Kiyômôri. Khi đó, chánh quan cảnh sát Fugiwara Nôbuyôri, một người con dòng cháu giống, lại ghen tức với Sinzây, kẻ xuất thân hèn kém mà lại vượt mặt mình ở triều đình, cho nên đã câu kết với Yôsitômô, lừa lúc Kiyômôri vắng mặt ở kinh đô để đi lễ ở Kumanô đã đốt cháy cung điện của Gô-Sirakawa. Ông này và con trai là vua đương kim Nigiô bị quản thúc ở trong cung điện của Nigiô. Sinzây bị bắt và bị đánh chết. Kiyômôri vội vã trở về kinh đô và dẹp được Yôsitômô và Nôbuyôri. Yôsitômô phải chạy về Ôwari và bị một tỳ tướng giết chết. Con trai hắn là Yôritômô bị đày đi tỉnh Izư, còn Nôbuyôri thì bị chém đầu.

7. Nhiếp chính và quan bạch là hai chức quan nhiếp chính của nhà vua. Nhiếp chính thì giúp nhà vua nhỏ tuổi, còn quan bạch thì giúp nhà vua đã trưởng thành. Cả hai chức này đều cao hơn tể tướng.

8. Có nghĩa là đức độ cao cả của ông có thể ảnh hưởng đến cả trời đất, có thể làm trời nắng hay mưa, ấm hay lạnh, giông bão hay lặng gió.

9. Tên gọi chung cho ba ngôi đền lớn ở Kumanô, phía đông nam tỉnh Kii: Hônzu (đền chính), Singu (đền mới) và Nachi (trên núi Nachi). Kumanô được dùng để thờ các thần của Thần đạo hồi triều đại Nara (710-794). Bởi vì người ta tin rằng các vị thần của Thần đạo là hóa thân của chư Phật và bồ tát, cho nên ngày càng có nhiều người đến cúng lễ ở đền này, kể từ cuối thời Hâyan trở đi.

10. Mười điều giới của đạo Phật là: sát sinh, trộm cắp, dâm dục, nói dối, nói tục, vu cáo, lập lờ nước đôi, tham, sân, si. Kiyômôri và tùy tùng đã phạm điều giới đầu tiên khi họ giết thịt con cá.


CHƯƠNG III
Cá rô biển


Con cái của Tađamôri đều được phong chức Phó Tổng binh của triều đình. Mỗi khi có vinh dự vào cung vua, họ đều được đám quý tộc săn đón làm thân. Một lần, Tađamôri từ tỉnh Bizên về kinh đô, Thượng Hoàng Tôba hỏi ông: “Bãi biển Akasi thế nào?”

Tađamôri đáp bằng một khổ thơ làm Thượng Hoàng rất cảm động:

Khi vầng dương chưa mọc
Trăng treo như một tảng đá sáng
Sóng vỗ về bờ cát
Trên lưng ngựa đến Akasi
Tôi chỉ nhìn thấy thế (1)

Về sau bài thơ này được đưa vào tập Kim Dược thư (2).

Người đàn bà mà Tôđamôri yêu quý nhất lại nằm trong đám thị tỳ của chính Thượng Hoàng. Bởi vậy mỗi lần vào triều, ông thường năng lui tới thăm cô. Một hôm, ông để lại trong phòng cô một chiếc quạt, có vẽ hình mặt trăng ở góc, thế là bạn bè cô đều cười mà hỏi: “Chị nguyệt này từ đâu tới đấy? Bọn mình chịu không thể biết từ đâu tới”.

Đáp lại, cô viết một bài thơ và bài thơ này càng làm cho Tađamôri thêm yêu cô sâu sắc:

Ánh trăng như ánh bạc
Lách qua (3) những áng mây
Bạn hỏi để trêu cười
Không khi nào mình kể
Bí mật của vầng trăng

Người đàn bà này sinh cho Tađamôri một đứa con trai, đặt tên là Tađanôri, sau này làm Tuần phủ tỉnh Xachưma. Tục ngữ có câu: “Chồng nào vợ nấy”. Thực vậy, Tađamôri và “vợ” mình luôn ý hợp tâm đầu, đều yêu cái đẹp và thơ ca.

Tađamôri rút cục leo lên đến chức Đại nguyên soái. Khi ông mất vào năm 58 tuổi, ngày rằm tháng giêng năm Nimpyô thứ 3 (1153), thì Kiyômôri, con trai cả của ông, đảm nhận tất cả công việc gia đình.

Khi quan tả bộ thượng thư nổi tiếng tên là Yôrinaga (4) dấy binh chống lại nhà vua (5), vào tháng bảy năm Hôghên nguyên niên (1156), Kiyômôri phò tá nhà vua dẹp loạn. Nhà vua thưởng công lao to lớn của ông ngoài chiến trường bằng cách phong cho ông từ Tuần phủ tỉnh Aki sang làm Tuần phủ tỉnh Harima giàu có, rồi sau lại cử ông làm Tuần phủ tỉnh Đazai vào năm Hôghên thứ 3 (1158).

Vào tháng hai năm Hâygi nguyên niên (1159), khi lãnh chúa Nôbuyôri dấy binh nổi loạn (6), Kiyômôri lại một lần nữa chứng tỏ lòng trung thành với nhà vua, dập tắt cuộc nổi loạn. Và năm sau, để tưởng thưởng cho công lao dẹp loạn liên tiếp của ông, nhà vua thăng cho ông lên hàng chính tam phẩm. Kiyômôri tiếp tục leo lên những nấc thang vinh hiển, ông liên tiếp được cử vào Hội đồng triều đình, chánh quan cảnh sát hoàng gia. Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng triều đình và lên chức Thượng thư. Chưa hết, nhảy qua hai bậc Tả bộ, Hữu bộ thượng thư, từ thượng thư lên thẳng chức Tể tướng, và được hàm tông nhất phẩm triều đình. Tuy nhiên, chức tổng tư lệnh quyền uy và vinh dự nhất không đến tay ông. Nhưng dù cho không có chức đó, ông cũng đã có quyền tháp tùng trong đám cận thần, thủ túc của nhà vua. Hơn thế nữa, khi ra vào cung điện, ông không phải xuống xe (xe do bò hoặc người kéo). Thực ra, mặc dù ông không chính thức là quan nhiếp chính (7), nhưng quyền hành thì cũng chẳng kém gì.

Trước đây chức Tể tướng thường được trao cho ai có khả năng bảo ban nhà vua và là người mẫu mực cho thiên hạ noi theo, người đó phải trị được nước, giảng được đạo lý và có đức, có tài hô gió gọi mưa (8). Trong trường hợp không có ai đáp ứng đủ những yêu cầu này, thì chức đó để trống. Vì thế, trước kia đôi khi người ta gọi chức tể tướng là “chức vị để trống”.

Cho dù Kiyômôri có đủ điều kiện để nắm được vị trí khó khăn đó hay không, ông cũng đã nắm trong tay cả trời đất, và có ai trên đất Nhật dám động tới ông?

Tục truyền rằng, do sự phù hộ đặc biệt của Đền Kumanô mà gia đình Hâykê được giàu có và vinh hiển. Câu chuyện là như thế này. Lúc mới chỉ là tuần phủ ở Aki, Kiyômôri từ bãi biển Anô, tỉnh Ixê, đã đi thuyền đường biển tới Kumanô. Dọc đường, có một con cá rô biển rất lớn nhảy lên thuyền. Vị sơn tu làm nhiệm vụ dẫn đường cho Kiyômôri phán rằng: “Đây là dấu hiệu đặc biệt của thần linh Đền Kumanô. Hãy ăn thịt con cá ngay, chớ chậm trễ”.
Kiyômôri cũng nói: “Ngày trước, một con cá trắng như con này cũng nhảy vào thuyền của vua Vũ nhà Chu. Trường hợp này cũng giống như thế, ta cho rằng điều này báo trước cho ta một vận may lớn”. Và thế là mặc dù cả gia đình bộ hạ đang trên đường đi lễ ở Đền Kumanô và do đó theo quy định của mười điều giới nhà Phật, không được ăn thịt cá, họ vẫn ăn thịt con cá ấy. Như điềm báo trước này, vận may luôn luôn mỉm cười với Kiyômôri và cuối cùng ông ta đã nắm được chức Tể tướng. Con cháu ông cũng ăn nên làm ra. Họ leo lên những chức vụ cao của triều đình còn nhanh hơn rồng vàng từ mặt biển giận dữ vượt lên chín tầng mây. Điều này thực sự làm Kiyômôri thỏa mãn bởi vì chưa hết một đời người mà ông đã làm nên những điều mà tổ tiên cả chín đời không làm nổi.

---
Chú thích:

1. Akasi tiếng Nhật có nghĩa là “sáng”, đó cũng là tên một thành phố ở huyện Hyôgô ngày nay.

2. Bộ Hợp tuyển thứ năm của hoàng gia, do Tôsiyôri thuộc dòng họ Minamôtô, soạn năm 1127, còn gọi là Xuân lôi.

3. “Lách qua” tiếng Nhật đọc thành tađa-môri kitaru, để khéo léo nói về chính Tađamôri.

4. Fugiwara Yôrinaga (1120-1156). Cha ông là Tađazanê, về hưu ở Ugi, một thị trấn nhỏ tỉnh Yamasirô, sau khi phò tá nhà vua ở các chức vụ chủ tịch Hội đồng triều đình (1105) và quan nhiếp chính (1108). Vì vậy, Yôrinaga được gọi là Tả bộ Thượng thư xứ Ugi. Quan Tả bộ thượng thư được phép đứng bên trái vua trong các cuộc lễ. Có một thời quan Tả bộ Thượng thư được xếp thứ hai trong số ba quan thượng thư chủ yếu, thấp hơn Tể tướng và cao hơn quan Hữu bộ Thượng thư, và cùng với hai người này điều khiển công việc triều đình và xem xét các quyết định của tòa án. Thêm vào đó, ông có nhiệm vụ đặc biệt kiểm tra các công việc có liên quan tới hoàng cung.

5. Gọi là cuộc loạn Hôghên. Tháng 7 năm 1155, khi Hoàng đế Kônôê chết lúc 17 tuổi, Thượng Hoàng Tôba đưa một trong những người con của mình là Gô-Sirakawa lên ngôi. Điều này làm cho Xutakư (anh của Gô-Siragawa, vốn làm vua, nhưng đã thoái vị) hết sức bất mãn, vì ông này hy vọng rằng con trai mình là Nighêhitô phải được kế ngôi. Ngay sau khi Tôba chết (tháng 7-1156), Xutôkư được Tả bộ Thượng thư Yôrinaga và Tamêyôsi của dòng họ Ghêngi ủng hộ, đã âm mưu phế bỏ Gô-Sirakawa. Đứng về phía Gô-Sirakawa có anh của Yorinaga là Tađamachi, con trai của Tamêyôsi là Yôsitômô và Kiyômôri, những người này ban đêm bất ngờ tấn công vào cung của Xutôkư và đánh bại đội quân của ông hoàng này. Xutôkư bị đi lưu đầy ở tỉnh Xanuki. Sighêkitô phải đi tu. Còn những người không thuộc dòng dõi quý tộc đã nổi lên, đặc biệt là Kiyômôri của dòng họ Hâykê.

6. Gọi là cuộc loạn Hâygi. Trong suốt thời kỳ cuộc khởi nghĩa Hôghên, Yôsitômô là người duy nhất trong gia đình Ghêngi liên kết với Kiyômôri. Hắn đã giết nhiều người trong gia đình, kể cả cha đẻ của hắn là Tamêyôsi. Khi dẹp loạn xong, Yôsitômô trở nên bất mãn vì thấy hắn được quá ít so với Kiyômôri. Năm 1158, Gô-Sirakawa nhường ngôi cho con là Nigiô, nhưng vẫn nắm quyền ở triều đình. Với sự giúp đỡ của Sinzây, cận thần của Hoàng đế Gô-Sirakawa, Yôsitômô hy vọng gả con gái mình cho con trai của Sinzây để thắt chặt mối liên hệ với Sinzây. Nhưng Sinzây từ chối và lại chọn con gái của Kiyômôri. Khi đó, chánh quan cảnh sát Fugiwara Nôbuyôri, một người con dòng cháu giống, lại ghen tức với Sinzây, kẻ xuất thân hèn kém mà lại vượt mặt mình ở triều đình, cho nên đã câu kết với Yôsitômô, lừa lúc Kiyômôri vắng mặt ở kinh đô để đi lễ ở Kumanô đã đốt cháy cung điện của Gô-Sirakawa. Ông này và con trai là vua đương kim Nigiô bị quản thúc ở trong cung điện của Nigiô. Sinzây bị bắt và bị đánh chết. Kiyômôri vội vã trở về kinh đô và dẹp được Yôsitômô và Nôbuyôri. Yôsitômô phải chạy về Ôwari và bị một tỳ tướng giết chết. Con trai hắn là Yôritômô bị đày đi tỉnh Izư, còn Nôbuyôri thì bị chém đầu.

7. Nhiếp chính và quan bạch là hai chức quan nhiếp chính của nhà vua. Nhiếp chính thì giúp nhà vua nhỏ tuổi, còn quan bạch thì giúp nhà vua đã trưởng thành. Cả hai chức này đều cao hơn tể tướng.

8. Có nghĩa là đức độ cao cả của ông có thể ảnh hưởng đến cả trời đất, có thể làm trời nắng hay mưa, ấm hay lạnh, giông bão hay lặng gió.

9. Tên gọi chung cho ba ngôi đền lớn ở Kumanô, phía đông nam tỉnh Kii: Hônzu (đền chính), Singu (đền mới) và Nachi (trên núi Nachi). Kumanô được dùng để thờ các thần của Thần đạo hồi triều đại Nara (710-794). Bởi vì người ta tin rằng các vị thần của Thần đạo là hóa thân của chư Phật và bồ tát, cho nên ngày càng có nhiều người đến cúng lễ ở đền này, kể từ cuối thời Hâyan trở đi.

10. Mười điều giới của đạo Phật là: sát sinh, trộm cắp, dâm dục, nói dối, nói tục, vu cáo, lập lờ nước đôi, tham, sân, si. Kiyômôri và tùy tùng đã phạm điều giới đầu tiên khi họ giết thịt con cá.

mr_zell
09-02-2009, 11:13 AM
CHƯƠNG IV
Những cậu bé tóc cắt chấm vai


Thế là vào ngày 11 tháng 11, năm Nin-an thứ 3 (1168), lãnh chúa Kiyômôri bước vào tuổi 51. Lúc này ông lâm bệnh nặng; để cầu Phật cho mình sống lâu hơn, ông đi tu và lấy pháp danh là Giôkai (Tịnh Hải). Nhờ thế mà sức khỏe ông hồi phục ngay và sống nốt được quãng đời còn lại. Đối với mọi người, ông thể hiện quyền lực tối thượng như thể trận cuồng phong bắt mọi cỏ cây phải rạp mình run sợ. Thuộc hạ coi ông như thánh sống. Ngay như nếu có người thuộc dòng máu vương giả, chức tể tướng đối với anh ta là chuyện không phải xa xôi, thì cũng không hòng hy vọng có những quyền lực như những người trong gia đình Kiyômôri. Anh ta không thể sánh được với họ trên bước đường vinh hoa phú quý. Chính vì thế mà Tôkitađa, ủy viên Hội đồng hoàng gia, em rể của Kiyômôri, đã có lần kiêu hãnh tuyên bố: “Nếu ai không mang trong mình dòng máu Hâykê, thì người đó không thể được gọi là con người”.

Cho nên tất cả mọi người đều cố hết sức để có quan hệ họ hàng với dòng họ Hâykê. Bất cứ một kiểu ăn mặc vùng Rôkuhara nào cũng đều có thể trở thành mốt của cả nước, dù nó có là cách quấn áo kimônô, hay cách vấn vành khăn choàng đầu.

Dưới bất cứ chế độ nào, dù đức vua hay hoàng đế có tài ba đến đâu, dù ông chủ tịch Hội đồng cố vấn có cai trị tài giỏi đến đâu chăng nữa, thì lúc nào cũng có những người cằn nhằn, đổ tội cho giới cầm quyền, mỗi khi họ nghèo khổ hoặc bị dồn vào bước đường cùng. Thế nhưng trong thời kỳ cai trị của vị Tể tướng Hòa thượng, không ai nghe thấy một lời than phiền nào cả, bởi vì Kiyômôri đã tạo được một hệ thống do thám đặc biệt. Ông tuyển mộ 300 cậu bé tuổi từ 14 đến 16, tóc cắt ngắn chấm vai, theo kiểu kaburô, và mặc áo choàng màu đỏ chóe. Bọn trẻ được thuê làm nghề do thám lùng sục trong thành phố. Hễ ai nói xấu nhà Hâykê, nếu họ gặp may thì chỉ vì không ai nghe thấy. Thế nhưng, nếu họ không gặp may, thì chỉ cần qua báo cáo của tên do thám, nhà cầm quyền sẽ sục ngay đến nhà anh ta, tịch thu gia sản và bắt giải về Rôkuhara ngay. Cho nên, dù người dân có nghĩ gì trong đầu, cũng chẳng dám nói ra. Chỉ cần trông thấy bọn do thám tóc ngắn của lãnh chúa Kiyômôri từ xa, là tất cả ngựa xe đang đi trên đường cũng phải đổi hướng mà tránh mặt chúng. Còn bọn thám tử kia thì ra vào cung cấm như ở nhà chúng vậy. Các quan chức triều đình cũng không dám nhìn chúng mỗi khi chúng đi qua.


CHƯƠNG V
Gặt hái vinh quang


Không chỉ riêng Kiyômôri mà cả dòng họ của ông đều kiếm được quá nhiều lợi lộc. Con trai cả của ông là Sighêmôri được cử làm Tả đại tướng (1) và quốc vụ khanh; con trai thứ hai là Munêmôri được cử làm Hữu đại tướng và phó chủ tịch Hội đồng cố vấn; con trai thứ ba là Tômômôri là trung tướng, hàm tam phẩm; cháu đích tôn là Kôrêmôri được làm thiếu tướng, hàm tứ phẩm. Cả thảy hơn sáu chục tuần phủ, tri huyện, tổng binh, mười sáu viên quý tộc và hơn ba chục quan lại triều đình, là người của dòng họ Hâykê. Dường như cả thiên họ chỉ do dòng họ này cai trị.

Từ lâu trước đó, vào năm thứ năm đời Ginki (728), khi hoàng cung còn đặt ở Nara, Hoàng đế Sômu (2) đã nêu một tiền lệ cho họ Hâykê bằng việc cắt cử người nhà làm đại tướng quân cấm vệ trung ương, về sau đến năm thứ 4, đời Đaiđô (809), đổi lại gọi là quân cấm vệ Hoàng gia. Và từ đó, có một vài trường hợp, anh em trong một gia đình cùng nắm các chức vụ Tả bộ lẫn Hữu bộ. Dưới triều Hoàng đế Môntôkư (3) nhà vua bên tả thì có Yôsifuxa làm Tả đại tướng và Hữu Thượng thư, bên hữu có Yôsixưkê làm Hữu đại tướng kiêm ủy viên Hội đồng. Cả hai đều là con trai của Fuyuchưgu, Tả thượng thư, thuộc dòng họ Fugiwara. Còn Hoàng đế Sugiakư (4) thì bên trái có Sanêyôri và bên phải là Môrôxưkê. Cả hai đều là con trai của quan nhiếp chính Tađahira. Dưới triều Hoàng đế Gô-Sirakawa-Râyzây (5) thì hai người con của quan nhiếp chính Michinaga là Nôrimichi và Yôrimunê chia nhau Tả Hữu. Thời Hoàng đế Nigiô (6), thì hai con trai của Tađamichi là Môtôfuxa và Kanêzanê cũng vậy. Tất cả những người này đều là dòng dõi quí tộc thượng đẳng, cho nên có leo đến chức vụ cao thì dù sao cũng an tâm và được bảo đảm hơn. Nhưng chưa thấy có trường hợp nào là con dân thường cả. Còn bây giờ, con trai của một người trước đây đã bị các giới quý tộc và quan lại triều đình khinh thị, nay được phép ra vào cung điện trong bộ quần áo dân thường, dù rằng quần áo được may bằng những thứ gấm, thứ lụa đắt tiền, óng ánh. Có anh em nắm giữ cương vị Tả Hữu, Kiyômôri trở thành vị tể tướng quyền lực vô biên. Tuy thời đại chúng ta đang sống có tiến xa thế nào đi chăng nữa, thì tất cả những điều này đối với chúng ta cũng thực là kỳ lạ.

Ngoài con trai ra, Kiyômôri còn có tám con gái. Các cô cũng được có đặc quyền và kết hôn với những vị quý tộc có tước vị cao. Một cô đã hứa gả cho quan Phó Chủ tịch Hội đồng hoàng gia là Lãnh chúa Sighênôri, mà người ta thường gọi là Xakưra-machi (7). Khi cô tròn mười tám tuổi, thì vì có cuộc nổi loạn Hâygi (8) mà lời hứa hôn bị xóa bỏ. Nhưng số cô lại đỏ hơn, cô thành phu nhân của Lãnh chúa Kanêmaxa, Tả thượng thư, lúc nào trong nhà cũng nườm nượp kẻ hầu người hạ.

Truyện rằng, Lãnh chúa Sighêgôri là nhà quý tộc rất yêu thẩm mỹ và thi ca. Do quá say mê những bông hoa anh đào nở trên núi Yôsinô, ông đã trồng cả một khu rừng anh đào và dựng một ngôi nhà gỗ giữa khu rừng ấy. Mùa xuân, căn nhà tràn ngập hương thơm hoa anh đào. Do đó vùng đất này còn được gọi là Xakưra-machi.

Hoa anh đào thường nở trong bảy ngày thì tàn. Sighênôri lấy làm tiếc cho kiếp hoa ngắn ngủi, tiếc đến nỗi ông tha thiết cầu nguyện Nữ thần Mặt trời cho kéo dài tuổi thọ của hoa. Vì ông là một lãnh chúa sáng suốt, nữ thần thương tình và loài hoa cũng cảm động, lời cầu nguyện của ông được báo ứng, từ đó trở đi cây anh đào hằng năm nỏ hoa được 20 ngày mới tàn.

Một người con gái khác của Kiyômôri lấy Hoàng đế Takakura (9) và sớm sinh ra hoàng tử, sau này trở thành thái tử kế ngôi báu. Vì thế cô này được sắc phong Thái hậu và được gọi là Kênrâymôn-In. Vì cô không những là con gái của Tể tướng, mà còn là mẹ vua, cho nên cũng chẳng cần mô tả thêm về cuộc đời của cô nữa.

Một người con gái khác kết hôn với lãnh chúa Môtôzanê, tức là trở thành phu nhân quan nhiếp chính. Trong thời hoàng đế Takakura trị vì, có một sắc luật triều đình cho cô được thay thế bà thái hậu khi bà này khó ở trong mình. Vì thế cô trở thành bà mẹ thứ hai của nhà vua và có ảnh hưởng rất lớn trong triều.

Chưa hết, một cô là phu nhân lãnh chúa Môtônichi, một cô lấy lãnh chúa Takafuxa, ủy viên Hội đồng, và một cô khác lấy lãnh chúa Nôbutaka, chánh quan lo việc sửa chữa trong hoàng cung.

Một trong những nàng hầu của Kiyômôri vốn là người phục vụ ở Đền Ichưkưsima ở tỉnh Aki. Bà ta sinh hạ được một cô con gái và sau này dâng cho Thượng Hoàng Gô-Sirakawa. Trong triều đình, cô có quyền hành như một bà chánh cung hoàng hậu.

Một người nàng hầu khác của ông tên là Tôkiwa, nữ tỳ của Thái hậu Kugiô, sinh được một cô con gái, cô này về sau làm nàng hầu lãnh chúa Kanêmaxa, Tả Thượng thư, và được phong hàm chánh nhị phẩm phu nhân.

Nước Nhật vào thời bấy giờ còn gọi là Akichư Sima, tức là “những hòn đảo đầy mùa thu” và được chia làm sáu mươi sáu tỉnh. Dòng họ Hâykê cai trị hơn ba mươi tỉnh, gần nửa nước. Trong những tỉnh này, vô vàn thái ấp, ruộng lúa, trại trồng rau là tài sản riêng của họ. Lâu đài của Kiyômôri trông giống như một vườn hoa lớn, vì quần áo của đám gia nhân có mầu sắc sặc sỡ lóa mắt. Lâu đài lúc nào cũng rộn rịp như chợ phiên, ngựa xe như nước, khách khứa ra vào tấp nhập. Vàng Dương Châu, ngọc Trịnh Châu, vải Vũ Thuận, gấm Thúc Tương, kho nào kho nấy đầy ăm ắp. Phòng hòa nhạc, phòng nhảy, đồ đạc các kiểu lạ và quý phục vụ cho việc ăn chơi, tiêu khiển, đều nhiều, đẹp và quý hơn nhiều so với cung điện của nhà vua cũng như cung điện của Thượng Hoàng.

Chú thích
1. Quân cấm vệ triều đình được chia làm hai bộ phận: Tả cấm vệ và Hữu cấm vệ. Những người chỉ huy của hai đội quân nhà có các tước vị: đại tướng, trung tướng, thiếu tướng.
2. Đời vua thứ 45 (724-749). Vào thời kỳ này đạo Phật phát đạt.
3. Đời vua thứ 55 (850-858).
4. Đời vua thứ 61 (939-946).
5. Đời vua thứ 70 (1045-1068)
6. Đời vua thứ 61 (1158-1165). Vào năm 15 tuổi, kế ngôi cha là Gô-Sirakawa. Nhưng cha con bất hòa. Nigiô muốn giành quyền lực, nhưng Gô-Sirakawa vẫn nắm tay trên.
7. Có nghĩa là “khu phố anh đào”.
8. Cuộc khởi nghĩa mà trong đó Lãnh chúa Sighêmôri là một trong những người thủ mưu.
9. Đời vua thứ 80 (1168-1180). Là con trai thứ 7 của Gô-Sirakawa, ông nối ngôi người cháu của Gô-Sirakawa là Rôkưgiô và lấy con gái của Kiyômôri là Tôkukô, sau này là Kênrâymôn-In. Ở đời vua này, vinh quang của dòng họ Hâykê lên tới tột đỉnh.

sarujun
14-10-2012, 12:47 AM
CHƯƠNG VI
Nàng Ghiô

Khi vị Tể tướng – Hòa thượng Kiyômôri đã nắm trong tay cả trời và đất, ông càng ngày càng trở nên cực đoan và lập dị. Tệ hơn nữa, ông bỏ ngoài tai mọi lời can gián, phê phán hoặc cười chê của mọi người.

Vào thời đó, có hai chị em tên là Ghiô và Ghinyô, con gái một bạch y vũ nữ tên là Tôgi – tài nghệ múa của họ nổi tiếng khắp kinh thành. Cô chị Ghiô, là người mà quan Tể tướng – Hòa thượng đem lòng yêu mến. Vì thế, cô em Ghinyô được hết thảy mọi người mến chuộng. Ngài Tể tướng còn xây cho bà Tôgi, mẹ của hai cô, một căn nhà vững chãi và cấp cho bà mỗi tháng một trăm hộc (1) gạo và một trăm quan (2) đồng. Thế là cả nhà Tôgi ngày càng giàu có và chỉ biết có những ngày hạnh phúc mà thôi.
Trên đất nước của chúng ta, cần phải nhớ rằng nguồn gốc của Bạch y vũ có từ thời Hoàng đế Tôba. Vào thời đó, hai vũ nữ Xênzai của họ Sima và Mai của họ Waka đã sáng tác ra điệu nhảy này để minh họa cho lời bài ca imayô. Ban đầu thì người ta gọi nó là “nam vũ”, bởi vì mỗi cô vũ nữ đều mặc một bộ quần áo lụa trắng, may theo kiểu quần áo quý tộc của giới mày râu, trên đầu đội một chiếc mũ cao sơn mài và cạnh sườn đeo một thanh đoản kiếm vỏ gỗ mạ bạc. Khi điệu vũ kết thúc thì chỉ còn có bộ áo lụa, chứ mũ và kiếm thì bị vỡ và gãy tơi tả. Bởi vậy điệu múa này được gọi là “Bạch y vũ”.

Khi các vũ nữ ở kinh đô nghe tin nàng Ghiô được sự sủng ái của quan tể tướng, thì một số người, mặc dù có đôi chút ganh tỵ, vẫn tỏ ra khâm phục nàng, còn một số khác thì ghen ghét khinh miệt nàng ra mặt. Những người ngưỡng mộ nàng nói rằng: “Ôi! Nàng Ghiô thực sung sướng biết bao! Ôi! Giá mình cũng được may mắn như vậy. Chắc là nàng gặp may vì nàng đã ghép thêm chữ Hán ghi (3) vào tên mình. Thế thì mình phải đặt tên mình như vậy”. Thế là họ đều ghép thêm chữ Ghi để tự đặt tên cho mình, nào là Ghi-ichi, hay Ghi-ni (4), nào là Ghi-fukư hoặc Ghi-tôkư (5).

Trong khi đó, những người khinh bỉ nàng lại nói: “Mình không thể chấp nhận được cái kiểu ghép các chữ Tàu ấy vào tên mình. Hạnh phúc chẳng qua là do kiếp trước ăn ở có đức mà thôi”. Số này dứt khoát không chịu gắn chữ Ghi vào tên của mình.

Cứ thế, ba năm trôi qua. Bỗng nhiên kinh đô xuất hiện một vũ nữ khác, múa hát rất tài. Nàng mới từ tỉnh Kaga đến, tên là Hôtôkê, hay còn gọi là bà Phật. Đồn rằng xuân xanh nàng mới độ trăng tròn. Khắp kinh đô, từ giới thượng lưu tới đám hạ dân, khi nhìn thấy nàng múa hát đều không khỏi trầm trồ khen ngợi: “Từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ, chưa bao giờ ta được xem một người múa giỏi đến thế”.

Lời đồn quả không ngoa. Rồi một ngày kia, chính bà Phật cũng tự nhủ: “Cả nước này ngưỡng mộ tài năng của ta, thế mà đáng tiếc quan Tể tướng, một người lừng lẫy như thế ở trên đời này, mà không đoái hoài gì tới ta cả. Mình chỉ là một con hát, mình cứ đến thẳng nhà ông ta mà thăm thì có gì mà xấu hổ”.

Miệng nói, chân bước, nàng liền đến thẳng lâu đài của Kiyômôri ở Tây Hachigiô. Một tên lính hầu hỏi tên nàng rồi vào bẩm với quan Tể tướng rằng: “Bẩm quan lớn, có một cô vũ nữ nổi tiếng kinh đô tên là Bà Phật tới đây xin được gặp Ngài.”

Nghe thấy thế, quan Tể tướng nổi cơn lôi đình mà rằng: “Thật rõ vớ vẩn! Cái đồ gái nhảy rơm rác ấy không biết thân biết phận, không có lệnh ta sao dám vác mặt đến đây. Con này to gan thực! Tao không thèm biết đến nó, dù nó có cái tên là Phật, hay là Thánh nào cũng vậy, nó không được phép gặp ta, một khi mà nàng Ghiô của ta còn ở đây. Tống cổ nó đi ngay”.

Bị xua đuổi tàn nhẫn, Bà Phật sắp sửa ra về, thì nàng Ghiô cố gắng làm nguôi cơn giận của ngài Tể tướng, sẽ sàng thủ thỉ: “Một người kỹ nữ đến thăm ngài khi chưa có lệnh ngài thì cũng chẳng có gì lạ lắm. Hơn nữa, cô ta còn quá trẻ nên mới nông nổi mà đến đây như thế. Xua đuổi cô ấy như thế kể ra cũng khí tàn nhẫn. Làm thế cô ấy sẽ hổ thẹn và thực là mất danh giá biết chừng nào! Cô ấy cũng cùng nghề như thiếp, và chính cái nghề ấy đã đưa thiếp lọt vào mắt tướng công. Cho nên thiếp không được phép coi khinh nàng. Thậm chí dù tướng công không muốn xem nàng múa hát, thì tướng công chỉ cần tỏ lòng ưu ái một chút với nàng và xem nàng biểu diễn một chút là cũng để nàng hàm ơn tướng công suốt đời rồi. Thiếp xin tướng công hãy bớt giận mà vui vẻ gọi nàng lại”.

Quan Tể tướng thở dài mà rằng: “Thôi được, vì nàng tha thiết khẩn nài, ta cho phép cô ta được ra mắt ta một lúc, rồi phải đi ngay”.

Thế là một tên lính hầu được lệnh gọi Bà Phật lại. Lúc Bà Phật vừa mới trèo lên xe, tai vẫn còn ù vì những lời xua đuổi tàn nhẫn của Kiyômôri thì được lệnh trở lại gặp ông. Quan Tể tướng bước ra đón nàng và nói: “Theo lệ, việc ngươi đến thăm ta hôm nay là không được phép, có được là vì ta nể lời khẩn nài của nàng Ghiô – mà có trời mới biết trong đầu nàng nghĩ gì. Bây giờ ngươi đã ở đây, ta cũng có thể thử nghe giọng ngươi. Trước hết hãy hát ta nghe một bài imâyô”.

“Thưa quan lớn, xin vâng”. Bà Phật đáp rồi hát:

“Buổi gặp gỡ lần đầu khiến em xiết bao vui sướng
Như cây thông non sẽ thọ ngàn năm
Em lặn ngụp trong chàng như sếu kia múa vui, ca hát
Trên tiên đảo linh quy, trên thánh địa của hiền nhân."

Bà Phật hát bài này ba lần, giọng hay đến nỗi những người nghe đều ngơ ngẩn như bị bùa mê. Quan Tể tướng cũng thán phục và nói: “Nàng hát hay như thế chắc là múa cũng giỏi. Hãy múa cho ta xem. Hãy gọi người đánh trống”.

Bà Phật là một cô gái đẹp lạ thường, đẹp từ khuôn trăng đầy đặn, suối tóc dày óng ả, đẹp cả giọng nói, điệu cười. Nàng đã cất giọng hát, tiếng nàng ngân vang như không bao giờ dứt. Người xem đã bị điệu múa của nàng chinh phục. Và mọi người lại càng bị chinh phục khi quan Tể tướng cất tiếng khen ngợi nàng và tỏ ra yêu thích nàng hơn Ghiô.

“Bẩm tướng công, thế này là thế nào ạ?” Bà Phật thắc mắc: “Em chẳng qua chỉ là kẻ qua đường, có ưu ái lắm cũng chỉ là một người khách không mời mà tới. Lúc đầu ngài cho đuổi em đi, sau nhờ có phu nhân Ghiô xin hộ mà quan lớn cho gọi em lại. Nếu em mà ở lại đây thì phu nhân Ghiô làm sao chịu đựng được cảnh này. Em cũng không thể chịu được cảnh ấy. Em kính xin quan lớn lượng cả mà cho em đi”.

Bà Phật tha thiết van nài nhưng quan Tể tướng vẫn khăng khăng một mực: “Lệnh của ta là nàng không bao giờ được rời khỏi nơi đây. Nếu vì Ghiô mà ngươi không muốn ở đây thì Ghiô sẽ phải đi”.

Bà Phật kêu thốt lên: “Trời ơi, bẩm quan lớn, sao Người lại làm như vậy. Thậm chí cả hai chúng em cùng ở đây theo lệnh ngài thì Phu nhân Ghiô cũng đã tan nát lòng rồi, huống hồ ngài lại đuổi phu nhân đi để cho em thay chỗ thì phu nhân làm sao còn chịu nổi. Nếu sau này quan lớn có lòng đoái thương tới em thì quan lớn cứ gọi cho em, em sẽ vâng lời, còn hôm nay xin quan lớn đèn giời soi xét cho em được xin đi.”

“Nàng sẽ không bao giờ được đi đâu cả. Đuổi Ghiô đi!”

Quan Tể tướng nói vậy, rồi ba lần sai người đến phòng Ghiô đuổi nàng ra khỏi lâu đài.
Nàng Ghiô lâu nay cũng đã lường trước sẽ có ngày có chuyện, nhưng nàng không ngờ số phận mình lại biến đổi đột ngột như sớm nắng, chiều mưa như thế. Cho nên khi nghe được cái lệnh phũ phàng nằng nặc ấy của Kiyômôri, nàng quyết định cứ tuân theo, sau khi dọn dẹp phòng mình cho thật tinh tươm gọn gàng.

Hai người giữa đường giữa chợ vô tình gặp nhau đôi khi còn có tình cảm gắn bó. Hai kẻ không quen biết cùng trú cơn mưa rào dưới một tán cây, hoặc cùng uống chung một dòng suối nhỏ, khi chia tay nhau còn có một chút tình. Đằng này nàng Ghiô dù sao thì cũng đã từng chung sống với Kiyômôri ba năm tròn thì tình cảm còn sâu đậm hơn biết bao nhiêu. Lệ nàng cứ tuôn trào.

Khi không còn được sủng ái nữa thì quyến luyến cũng chẳng ích gì, nàng dành những phút giây cuối cùng để lại một kỷ niệm. Vừa khóc, nàng vừa đề một bài thơ vào tờ giấy trên khung cửa lùa:

Cỏ kia trên đồng nội
Mọc lên rồi tàn lụi
Cỏ nào cũng vậy thôi
Muôn loài đều phải đợi
Mùa thu, trả kiếp đời.

Viết xong, nàng trèo lên chiếc xe của mình và được đưa trở về nhà mẹ. Đến nhà, nàng ngã sóng xoài ra trước cửa, chỉ còn biết khóc nức nở. Thấy thế, cả mẹ và em gái cùng kêu lên: “Sao? Có chuyện gì thế?”

Nhưng nàng Ghiô chẳng buồn đáp lại. Mẹ và em đành phải hỏi các cô hầu gái mới biết chuyện gì đã xảy ra.

Từ đó, chẳng còn cái khoản trợ cấp hằng tháng 100 hộc gạo và 100 quan đồng của Kiyômôri gửi cho mẹ nàng Ghiô. Thay vào đó, những ai bà con với Bà Phật lại bắt đầu trở nên giàu có. Giới mày râu khắp kinh thành thượng lưu cũng như hạ tiện lại cười thầm rằng: “Nàng Ghiô bị quan Tể tướng gạt bỏ, thì cánh ta lại đến thăm nàng xin nàng ban phát tình yêu”. Thế là bọn họ liên tiếp gửi thư từ và cho người đến bắn tin cho nàng. Nhưng nàng Ghiô chẳng còn muốn nhìn một ai, chẳng thiết vui thú với ai và cũng chẳng trả lời một ai. Nghĩ mà càng đau, càng buồn, nàng càng xót xa cho thân phận mình.

Cái năm ấy trôi qua. Vào một ngày đầu xuân năm sau, một người hầu của Kiyômôri mang đến cho nàng Ghiô một mẩu thư cộc lốc như sau: “Từ đó đến nay ngươi ra sao? Bà Phật chẳng biết làm gì để giết thời giờ nhàn rỗi, ngươi hãy đến lâu đài của ta hát múa giải sầu cho nàng.”

Nàng Ghiô chẳng đáp lại cái lệnh này. Thế là nàng lại tiếp ngay được lệnh triệu lần thứ hai: “Tại sao ngươi không trả lời ta? Như thế có nghĩa là người không định đến lâu đài của ta có phải không? Nếu quả đúng như thế, ngươi phải trình rõ cho ta hay vì sao ngươi không đến. Nếu không, ta sẽ có cách trị ngươi”.

Khi nghe được chuyện này, mẹ nàng Ghiô vô cùng khiếp sợ, không biết cách nào cho thoát. Nước mắt lưng tròng, bà van lạy con: “Con ơi, con phải trả lời quan Tể tướng chứ. Mẹ xin con, con viết cái gì cũng được. Thà con từ chối còn hơn là con không viết gì cả, lại bị Người trừng phạt”.

“Nếu con có phải đi đến nơi ấy, con có thể nói thật lòng mình. Nhưng vì con không muốn đi nên con chẳng biết trả lời thế nào với ông ta. Nếu con không vâng lệnh ông ấy lần này, chắc chắn con sẽ bị trừng phạt vì ông ấy đã nói là có cách trị con. Điều đó có nghĩa là con sẽ bị đuổi khỏi kinh đô tới một nơi xa xôi hẻo lánh, hoặc con sẽ bị chết. Nhưng con chẳng thiết sống nữa. Bị đuổi đi, con cũng chẳng sợ. Con chỉ còn sợ mỗi một điều là phải giáp mặt với ông ta, cái con người đã ruồng bỏ con”.

Nàng Ghiô trả lời mẹ như thế và vẫn cố tình trì hoãn việc trả lời Kiyômôri. Nhưng mẹ nàng, bà Tôgi lại khuyên nàng: “Chừng nào mà mẹ con ta còn sống dưới gầm trời này dưới quyền của Tể tướng, thì sẽ chẳng ai dám chống lệnh ngài, dù là lệnh gì chăng nữa. Chuyện của con chẳng phải là tấn thảm kịch đầu tiên của đàn ông và đàn bà, giữa “chồng và vợ” khi dứt tình với nhau. Có những cặp thề thốt chung thủy với nhau đến hàng ngàn vạn năm, ấy thế mà trong nháy mắt đã bỏ nhau. Lại có những người, tuy chỉ giữa đường gặp nhau mà lại sống với nhau hạnh phúc đến lúc đầu bạc răng long. Con đã được quan Tể tướng yêu thương chiều chuộng suốt ba năm trời, như thế cũng là điều hiếm hoi và đặc biệt trong cuộc đời hoa nguyệt của Ngài. Mẹ chẳng nghĩ, chúng ta sẽ chết nếu bất tuân lệnh ngài. Nhưng chắc chắn là sẽ bị đuổi khỏi kinh đô. Mà nếu quả như thế thì có thể con cũng chẳng ngại gì khi sống với đất đá và cây rừng, vì con còn trẻ. Nhưng còn mẹ, nay đã già rồi, cứ nghĩ đến cái nỗi khổ cực nơi rừng thiêng nước độc là mẹ cũng đủ tan nát cõi lòng vì tuyệt vọng. Con ơi, con hãy cho mẹ sống nốt quãng đời tàn ở chốn kinh thành này. Mẹ nghĩ, đây là chữ hiếu mà con phải nghĩ đến mà báo đáp cho mẹ, dù con có còn sống hay con có từ bỏ cõi trần này cũng vậy”.

Mặc dù thật là khó xử khi nàng Ghiô phải bước chân đến lâu đài của Kiyômôri trong tình cảnh éo le như vậy, nhưng nàng chẳng thể chối từ lời cầu xin của mẹ. Thế là bước chân ra đi, lệ cứ tuôn trào. Nỗi ô nhục này thật quá sức chịu đựng. Đi một mình thì thật là bẽ bàng, cho nên em gái Ghinyô và hai cô bạn vũ nữ khác đã phải đi cùng. Bốn cô gái trèo lên xe và thẳng hướng tới Tây Hachigiô.

Ở lâu đài của quan Tể tướng, người ta đã sắp sẵn một chỗ ngồi cho nàng Ghiô thấp và cách xa căn phòng chính mà xưa kia nàng vẫn thường ngồi. Nàng Ghiô thở dài và than rằng: “Đối xử như vậy sao? Bị quan Tể tướng đuổi đi không thương xót, nay lại cho ngồi một chỗ thấp hèn như thế này thì tôi làm sao chịu nổi”.

Lòng tràn đầy cay đắng, nàng Ghiô lấy ống tay áo kimônô che mặt để người xem khỏi nhìn thấy đôi mắt đẫm lệ của mình. Nhưng vẫn có thể nhìn thấy nước mắt nàng tuôn rơi qua kẽ hở của hai ống tay. Bà Phật nhìn thấy thế lòng những cảm thông với nàng Ghiô, liền thưa với quan Tể tướng: “Sao Tướng công lại để nàng ngồi như thế? Chỗ thiếp đang ngồi trước đây là của nàng Ghiô. Em chắc Tướng công phải cho phép nàng ngồi chỗ này. Nếu không được thế, Tướng công cho em được đổi chỗ vì em muốn đến thăm nàng”.

“Đây chẳng phải lỗi của em”. Tể tướng – Hòa thượng trả lời và lệnh của ông nghiêm tới nỗi Bà Phật không dám đả động tới nữa.

Chẳng hề bận tâm, quan Tể tướng – Hòa thượng liền hét vào mặt nàng Ghiô: “Nào, cô lâu nay ra sao? Phu nhân Bà Phật chẳng biết làm gì để giải sầu, cô hãy hát cho phu nhân nghe một bài imayô”.

Bởi vì đã quyết định đến đây, nên Ghiô chẳng nề hà làm bất cứ chuyện gì mà Tể tướng ra lệnh. Cố nén những giọt nước mắt khỏi trào ra, nàng hát:

Đức phật trước kia cũng đã làm người
Nên mỗi chúng ta đều có phần của Phật.
Nay con tạo xoay vần tuy kẻ sang người mọn
Đều cháu con Người, buồn bã có làm chi

Nàng Ghiô hát lại hai lần. Các ông hoàng, lãnh chúa, thị thần và các võ sỹ của dòng họ Hâykê tất thảy đều xúc động vì lời hát và động lòng trắc ẩn mà khóc. Quan Tể tướng cũng bị xúc động mà nói rằng: “Cô hát hay lắm, đáp được lòng mong đợi của ta hôm nay. Ta cũng muốn xem cô múa, nhưng không thể được vì hôm nay ta có quá nhiều việc phải làm. Từ nay, cô có thể đến đây lúc nào cũng được, dù ta có lệnh hay không, để múa hát mua vui cho Bà Phật”.

Nàng Ghiô không đáp lời nào vì nàng đang nghẹn ngào nước mắt. Thế rồi nàng bỏ đi.
“Ta đã vâng lời mẹ ta mà tới đó, nhưng trời ơi! Chọc lại vết thương lòng sao mà cay đắng thế! Chừng nào ta còn sống trên cõi đời này ta còn phải nghe những lời khinh miệt tàn nhẫn của y. Chỉ còn cách đâm đầu xuống sông mà chết”.

Nàng Ghiô khóc than số phận éo le của mình và cô em gái Ghinyô cũng chia sẻ với nàng: “Nếu chị tự vẫn thì em cũng theo chị”.

Những câu nói này làm đau lòng bà mẹ vô cùng, vì bà chẳng biết cách nào thoát khỏi tình cảnh này. Bà vừa khóc vừa khuyên nhủ nàng Ghiô: “Con ơi, chính mẹ mới đáng trách vì đã bắt con phải tới chốn ấy mà không lường hết được sự tình. Nhưng con chỉ khóc than thì còn được, chứ nếu con mà tự vẫn thì em con nó lại theo con. Mẹ mà mất cả hai con thì đời mẹ còn có gì khi mà mẹ chẳng còn sống được bao lâu nữa. Mẹ cũng sẽ phải tự vẫn. Thế là chính con sẽ phạm tội giết mẹ và sẽ bị người đời lên án là đã phạm một trong Năm trọng tội (6) của đạo Phật. Sau tất cả những chuyện này, cõi đời bây giờ chỉ còn là chỗ trú chân tạm bợ. Sống cực nhục hay sung sướng cũng chẳng khác nhau gì, vì cũng chỉ là tạm bợ thôi. Mẹ chỉ lo rằng, sau khi chết, mẹ sẽ phải lang thang trong bóng đêm của thế giới bên kia. Cho nên, dù ở cõi đời này ta có sống cực nhục như thế nào chăng nữa, thì mẹ sẽ còn cực nhục hơn nếu bắt buộc phải bước trên con đường dẫn tới địa ngục”.

Lời cầu xin diễm lệ này của mẹ làm nàng Ghiô xúc động, nàng nói: “Mẹ ơi, mẹ nói phải lắm. Đúng, con sẽ mắc phải một trọng tội. Thế thì trong tình cảnh này con phải từ bỏ ý định tự sát thôi. Nhưng nếu giây phút nào con còn sống ở kinh đô, thì con không thể tránh được những nỗi đau khổ khác. Con xin mẹ hãy để cho con đi”.

Thế là mới hai mươi mốt tuổi, nàng Ghiô đã cắt tóc đi tu, về ở ẩn trong một túp lều tồi tàn sâu trong dãy núi Xaga. Ở đó, nàng đã đâng mình cho cửa Phật. Em gái nàng cũng đi theo chị: “Nếu chị tôi tự vẫn tôi cũng còn theo nữa là. Vả lại còn có ai chán cái cuộc sống trần tục này hơn tôi?”

Thế là mưới mười chín tuổi, Ghinyô cũng cắt tóc đi tu, cũng ở ẩn với chị, ngày đêm chỉ nghĩ đến chốn cực lạc. Ôi thật đáng thương làm sao số phận trớ trêu của cô gái trẻ!

Bà Tôgi, mẹ của hai cô gái thấy hai con đi cả cũng tự nhủ mình: “Khi cô gái út cũng đã thành ni cô thì cái thân già này còn luyến tiếc mớ tọc hạc này làm gì?” Nói vậy, rồi bà cũng cạo đầu và cùng ở ẩn với hai cô con gái vào lúc ở tuổi năm mươi lăm, ngày ngày tụng kinh niệm Phật, cầu nguyện cho kiếp sau được nhiều may mắn.

Mùa xuân đã trôi qua, những câu lá vốn xanh tươi nay đang úa tàn, những ngọn gió đầu tiên của mùa thu đang thổi tới, đôi sao Chức nữ và Ngưu lang (7) đang bơi qua dải Ngân hà đến gặp nhau trên trời, mùa cầu nguyện cho những ước vọng của con người, mùa mà ba ni cô ngắm vầng thái dương đang khuất dần sau rặng núi và nhận ra những điều mà họ đã nghe thấy: Phần đất nằm ở phía tây nơi mặt trời lặn chính là Thiên đường (8). Ở chốn ấy, rồi một ngày nào đó họ sẽ được tái sinh và sẽ sống một cuộc đời không phải lo lắng và không vướng phải chút bụi trần nào. Trong lòng họ lại trào lên những kỷ niệm đau buồn cũ, họ lại khóc, nước mắt tuôn mãi không dừng.
Trời đã tối dần, khi ba mẹ con kéo kín tấm liếp che cửa, đốt một ngọn lửa nhỏ trong nhà chuẩn bị tụng kinh buổi tối, thì bỗng có tiếng gõ cửa. Họ hoảng hốt và nói với nhau: “Lại một điều bất hạnh nào nữa đây? Đức tin của ta còn mỏng nên ma quỷ còn tới để ngăn trở ta đạt thành chính quả. Còn ai vào đây nữa tới thăm túp lều hẻo lánh này trong đêm, vì lâu nay cả ban ngày cũng có ai tới thăm đâu? Cái liếp tre mỏng manh này thì ngăn được ai, dù ta có khóa thì nó vẫn phá dễ như bỡn. Tốt hơn hết là cứ mở cửa ra cho nó vào còn hơn là đóng chặt. Nếu ta đón tiếp tử tế mà nó vẫn chẳng động tâm mà đòi mạng sống của cả ba mẹ con ta, thì chỉ còn mỗi cách là luôn mồm cầu nguyện “Nam mô A di đà Phật” (9) đặt tất cả lòng tin của chúng ta vào cánh tay của Đức Phật, Người mà chúng ta lâu nay vẫn cầu nguyện. May ra lời cầu của chúng ta thấu đến tai Người, Người sẽ dẫn chúng ta cùng lên chốn cực lạc. Nào, hãy đừng sao nhãng việc cầu nguyện dù chỉ là phút giây”.

Nói vậy, để người nọ trấn an người kia, họ liền mở cánh liếp tre, trước mặt họ không phải ma quỷ nào mà chính là Bà Phật. Cả ba cùng thốt lên:

“Bà Phật, trời ơi, đây là giấc mơ hay là ma quỷ?”


Người khách trả lời: “Dù rằng đến xin lỗi bây giờ là quá muộn, nhưng cũng còn hơn không. Tôi phải đến xin lỗi nàng nếu không tôi sẽ bị cho rằng thiếu chữ tình và thiếu hiểu biết. Đứng trước chị đây là một kẻ trước đây đã từng là khách không mời, bị quan Tể tướng đuổi đi, rồi cho gọi lại, chỉ vì chị đã tha thiết cầu xin cho. Tôi lấy làm hổ thẹn khi nói ra điều này, vì thân phận một người đàn bà nhu nhược, dù muốn, nhưng lực bất tòng tâm. Tôi đã không thể chọi lại được với quan Tể tướng. Sống ở lâu đài của ông ấy mà tôi có được ngày nào sung sướng, chỉ làm bung xung cho ông ấy mà thôi. Khi tôi nhìn thấy chị bị buộc phải rời bỏ lâu đài, tôi đã hiểu rằng tôi không thể bao giờ sung sướng, thậm chí có sống trong ngọc ngà nhung lụa, bởi lẽ tôi biết rằng, một ngày kia số phận của tôi cũng như thế. Thế rồi tôi nhìn thấy bài thơ của chị trên cánh cửa, đọc lên tôi hiểu rằng đó là chân lý, không thể chối cãi được:

Cỏ kia trên đồng nội
Mọc lên rồi tàn lụi
Cỏ nào cũng vậy thôi
Muôn loài đều phải đợi
Mùa thu, trả kiếp đời.

Thế rồi, lần cuối, khi chị bị triệu đến lâu đài, bài ca mà chị hát ứng tác như lưỡi dao đâm vào trái tim tôi, cảnh tỉnh tôi rằng tôi đã làm điều xằng bậy. Tôi đã cố tìm nơi ở của chị và khi được biết là cả ba mẹ con chị đã quy y và về sống ẩn dật ở một nơi hẻo lánh, thì quả là tôi có ghen tỵ. Nhưng khi tôi xin quan Tể tướng để đi thăm chị, ông ấy chẳng thèm nói nửa lời. Từ trong tâm khảm lúc này tôi nhận ra rằng tất cả những cái vinh quang, hào nhoáng trên cõi đời trôi nổi và phù do này chỉ là những giấc mơ hão huyền mà thôi. Thực thế, chúng ta giàu sang phú quý mà làm gì? Làm một người trần thế đã là khó, từ chốn bụi trần mà thức tỉnh và lắng nghe lời phán truyền của đức Phật lại càng khó hơn nhiều. Nếu tôi đã một lần sa xuống địa ngục thì tôi khó có thể đứng lên mà vươn tới thiên đường, dù cho có sống ngàn vạn năm trong bóng đêm của địa ngục đi chăng nữa. Do đó mà tôi phải từ bỏ tuổi xuân. Chết già hay chết trẻ chẳng qua cũng chỉ do tạo hóa quyết định, chẳng có chút ý nghĩa gì. Chỉ có điều này là quan trọng, đó chính là lúc ta sắp trút hơi thở cuối cùng, cái chết đến mà thôi. Cuộc đời chúng ta thực ra cũng chỉ như kiếp con ruồi, cũng chỉ ngắn như tia chớp đêm giông. Tôi đã cảm nhận được điều đáng buồn này rằng sự sướng vui ngắn ngủi chẳng giúp gì được cho ta ở thế giới bên kia, cho nên tôi đã trốn khỏi lâi đài quan Tể tướng sáng hôm nay. Chuyện tất cả là như thế. Cho nên tôi đã đến đây để tìm chị”.

Nói đến đây, Bà Phật kéo chiếc khăn phủ đầu, để lộ ra chiếc đầu ni cô đã được gọt nhẵn.

Bà Phật nói tiếp: “Tôi đến đây sau khi đã gọt đi mái tóc dày của mình, tôi xin chị hãy quên đi những lỗi lầm quá khứ của tôi. Nếu chị cho phép, tôi mong được chia sẻ với chị cuộc sống tu hành để rồi nay mai tôi có thể cùng với chị tái sinh dưới cành lá sen nơi đất Phật. Nếu chị vẫn còn thù hận tôi mà từ chối, tôi sẽ để cho đôi chân tôi muốn đưa tôi đi đâu thì đi, tôi chỉ còn biết niệm “Nam mô A di đà Phật”, lấy thảm rêu làm chiếu, rễ thông làm gối mà ngủ qua đêm, cho tới khi nhắm mắt xuôi tay. Cứ kiên trì thành tâm kêu tới đức Phật, tôi hy vọng rằng cuối cùng sẽ được chết một cách thanh thản và thiêng liêng”.

Nghẹn ngào nước mắt, Bà Phật van xin nàng Ghiô tha thứ. Đến lượt mình, nàng Ghiô cũng phải cố kìm những giọt lệ mà nói: “Ngay cả trong mơ ta cũng chẳng bao giờ nghĩ rằng ngươi lại suy ngẫm sâu sắc số phận của ta như vậy. Mặc dù ta đã nhận thấy cuộc sống trần thế chỉ là thứ rác trôi sông và đã chấp nhận số phận đau thương của mình, nhưng ta vẫn căm ghét và thỉnh thoảng vẫn nguyền rủa ngươi. Bởi vì ta không thể chết một cái chết thiêng liêng được trong khi trong lòng ta vẫn còn thù giận một ai, ta sợ rằng sau khi ngươi đã phá hoại cuộc đời của ta rồi, thì ngươi cũng sẽ có thể bóp nát mọi hy vọng của ta vào kiếp sau. Nhưng lúc này nhìn thấy đầu ngươi đã gọt thì trong lòng ta chẳng còn đọng lại một chút nào thù hận hoặc tị hiềm. Bây giờ ta có thể hướng tới một cái chết thanh thản, đó chính là cái cảm giác làm cho ta sung sướng. Khi ba mẹ con ta lánh khỏi chốn bụi trần, người đời cho rằng đó là điều lạ và chưa từng có. Chúng ta cũng nghĩ như vậy. Nhưng bây giờ thì không, bởi vì ít nhất chúng ta cũng có lý do để ghê tởm cả cõi đời này lẫn bản thân chúng ta. Nhưng so với việc cô quy y, thì việc làm của chúng ta chẳng thấm vào đâu. Cô không oán giận ai, không thắc mắc gì ai. Trẻ như cô, năm nay mới mười bảy tuổi đầu mà cái tâm của cô đã chín như thế, dám từ bỏ những khoái lạc ngắn ngủi mà chọn con đường dẫn tới cõi Tịnh độ. Ta tin rằng quyết định sâu sắc của cô là đúng với lời dạy tối thượng của Phật Tổ. Mô Phật, sự hiện diện đức độ và tấm gương của cô thực đáng ngợi ca. Thôi, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho buổi trùng phùng này”.

Thế là từ đó bốn ni cô cùng sống một cuộc đời ẩn dật, sớm tối dâng hương hoa trước bàn thờ Phật. Họ đã một lòng tâm niệm hướng về nơi Tịnh độ, kiên định đến nỗi sau này cả bốn người dần dần đã đạt được tâm nguyện của mình là tới được cõi Niết bàn. Bởi thế trong cuốn sổ tử ở chùa Chôgôđô (do đức Tọa quan Hoàng đế Gô-Shirakawa xây dựng), tên của cả bốn người Ghiô, Ghinyô, Bà Phật và Tôghi đều được viết riêng để đặc biệt hương khói. Thực ra, cuộc đời của bốn người đều đượm nét sầu khổ siêu phàm và đạo Phật vẫn thường gọi là awarê (10).

---

Chú thích:
1. 1 bộc = 126 lít
2. 1 quan = 3,75kg
3. Ghiô có nghĩa là “cô gái nghệ sỹ”. Một số bản khác dùng chữ Ghi bằng chữ Hán “nghi” (lễ). Nhưng ở đây vì cô Ghiô được các kỹ nữ tôn thờ như bà tổ trong nghề, cho nên chữ Ghi ở đây được dùng bằng chữ “kỹ” (nghệ thuật).
4. Nghĩa là “Kỹ Nhất” hoặc “Kỹ Nhị”.
5. Nghĩa là “Kỹ Phúc” hoặc “Kỹ Đức”.
6. Năm trọng tội là: giết cha, giết mẹ, giết La-hán, làm tổn thương tượng Phật, và tội gây chia rẽ trong tăng giới. Theo đạo Phật, thì “pháp” (đnarma) (tức là luật của đạo Phật) là cái duy trì bản tính của mình và trở thành chuẩn mực cho mọi thứ.
7. Trẻ em Nhật đón ngày gặp nhau giữa hai ngôi sao Ngưu lang và Chức nữ vào ngày 7 tháng 7 âm lịch. Lễ này gọi là Thất tịch.
8. Cõi Tịnh độ của Phật Di đà là cõi Tây thiên.
9. Luôn luôn tâm niệm như vậy, thì người tín đồ sẽ được Phật phù hộ và được về cõi Tịnh độ của Phật Di đà.
10. Thật khó có thể định nghĩa một cách hoàn chỉnh từ này trong một cuốn sách. Nói ngắn gọn thì Awarê bắt nguồn từ hai chữ “A! Warê”, đây là câu cảm thán được sử dụng từ trước thời kỳ Hâyan. Đầu thời kỳ Hâyan (thế kỷ thứ 9) câu này biến thành một danh từ dể chỉ một kiểu cảm xúc nào đó. Xúc cảm này bao giờ cũng có những yếu tố cơ bản như nhau, tuy có thể được thể hiện trong những hoàn cảnh khác nhau. Có thể hiểu Awarê như sau: xúc cảm sâu sắc của một cá nhân trước một cái đẹp thoáng qua, có thể đó là một con người, một sự kiện, một vật tự nhiên hoặc một tác phẩm nghệ thuật. Awarê còn có thể gọi là một cảm xúc khác thường, bởi vì nó không chỉ gồm cái buồn, cái vui mà cả cái cảm xúc sâu sắc nữa.


_Nguồn: vnthuquan (http://vnthuquan.net/diendan/tm.aspx?m=405525&mpage=1&key=&&AspxAutoDetectCookieSupport=1#405525)_