PDA

View Full Version : [Giới thiệu] Vũ Trọng Phụng-Không chỉ là "SỐ ĐỎ"



Crazycrazy Matsuri
15-11-2008, 01:29 AM
Học sinh hiện nay đã có dịp làm quen với nhà văn Vũ Trọng Phụng qua tác phẩm "Số đỏ", tuy đây là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông nhưng chỉ phản ánh được phần nào nào tài năng và phong cách của ông. Chúng ta sẽ tìm hiểu về ông kỹ hơn qua topic này^^
*Tiểu sử*:
Vũ Trọng Phụng (20 tháng 10, 1912 - 12 tháng 10, 1939) là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng. Ông được xem như một trong những gương mặt quan trọng nhất của văn học Việt Nam thế kỷ 20. Một số tác phẩm của ông được đưa vào chương trình văn học nhà trường (như "Số đỏ")
Vũ Trọng Phụng quê ở làng Hảo, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên nhưng ông sinh ra, lớn lên và mất tại Hà Nội. Cha mất vì bệnh lao khi ông mới được 7 tháng tuổi, Vũ Trọng Phụng được bà mẹ tần tảo nuôi cho ăn học. Sau khi đỗ bẳng tiểu học, 16 tuổi Vũ Trọng Phụng phải thôi học để đi làm kiếm sống. Sau hai tháng làm thư kí đánh máy cho hãng buôn Goddard, ông bị đuổi và thất nghiệp. Ít lâu sau, ông đánh máy chữ cho Nhà in Viễn Đông nhưng hai năm sau lại bị đuổi. Từ đó chuyển hẳn sang làm báo, viết văn chuyên nghiệp.
Năm 1930, Vũ Trọng Phụng đã có bài đăng trên tờ Ngọ Báo. Bắt đầu ông viết một số truyện ngắn, nhưng không được chú ý. Năm 1931, ông viết vở kịch Không một tiếng vang, thì bắt đầu gây được sự quan tâm của bạn đọc. Năm 1934, Vũ Trọng Phụng mới cho ra mắt cuốn tiểu thuyết tâm lý đầu tay Dứt tình đăng trên tờ Hải Phòng tuần báo.
Năm 1936, ngòi bút tiểu thuyết của ông nở rộ, chỉ trong vòng một năm, bốn cuốn tiểu thuyết lần lượt xuất hiện trên các báo, thu hút sự chú ý của công chúng. Cả bốn tiểu thuyết Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê và Làm đĩ đều hiện thực, đi sâu vào các vấn đề xã hội. Trong đó Số đỏ xuất sắc hơn cả, được xem như tác phẩm lớn nhất của Vũ Trọng Phụng, một vài nhân vật, câu nói trong Số đỏ đã đi vào ngôn ngữ đời sống hằng ngày.
Là một nhà báo, Vũ Trọng Phụng đã viết nhiều phóng sự nổi tiếng. Với phóng sự đầu tay Cạm bẫy người (1933) đăng báo Nhật Tân dưới bút danh Thiên Hư, Vũ Trọng Phụng đã gây được sự chú ý của dư luận đương thời. Năm 1934, báo Nhật Tân cho đăng Kỹ nghệ lấy Tây. Với hai phóng sự đó, Vũ Đình Chí và Vũ Bằng đã cho ông là một trong hàng vài ba "nhà văn mở đầu cho nghề phóng sự của nước ta". Những phóng sự tiếp theo như Cơm thầy cơm cô, Lục xì đã góp phần tạo nên danh hiệu "ông vua phóng sự của đất Bắc" cho Vũ Trọng Phụng.
Những tiểu thuyết và phóng sự của ông cũng nhận được nhiều ý kiến phản bác. Từ năm 1936 đến khi Vũ Trọng Phụng qua đời năm 1939, đã nổ ra cuộc tranh luận xung quanh vấn đề "Dâm hay không Dâm" trong các tiểu thuyết, phóng sự của ông.
Cả đời Vũ Trọng Phụng sống trong nghèo khổ. Vì còn bà nội và mẹ già nên dù lao động cật lực, ngòi bút của ông vẫn không đủ nuôi gia đình. Tuy viết về nhiều các tệ nạn, thói ăn chơi nhưng Vũ Trọng Phụng là một người đạo đức và sống rất kham khổ. Khoảng năm 1938, ông bị lao phổi, nhưng không có tiền chữa bệnh. Nghe theo lời thầy thuốc, ông hút thuốc phiện để kéo dài cuộc đời mình. Những ngày cuối đời, trên giường bệnh ông từng phải thốt lên với Vũ Bằng: "Nếu mỗi ngày tôi có một miếng bít tết để ăn thì đâu có phải chết non như thế này".
Ngày 12 tháng 10 năm 1939, ông chết trong một căn nhà tồi tàn ở Ngã Tư Sở Hà Nội, khi mới 27 tuổi.
*Tác phẩm*:
Kịch:
Không một tiếng vang (1931)
Giết mẹ (1936) - dịch theo Lucrèce Borgia của Victor Hugo
Phóng sự:
Cạm bẫy người (1933), bút danh Thiên Hư - Báo Nhật Tân; viết về nạn cờ bạc bịp ở Hà Nội
Kĩ nghệ lấy Tây (1934) - Báo Nhật Tân; viết về cái nghề lấy Tây để nuôi thân
Dân biểu và Dân biểu (1935)
Cơm thầy cơm cô (1936); viết về cảnh đời những người đi ở
Lục xì (1937) - báo Tương Lai; viết về lục xì, cơ quan y tế chuyên khám và chữa bệnh cho phụ nữ làm nghề mại dâm trong thời Pháp thuộc
Tiểu thuyết:
Dứt tình (1934), còn có tên khác là Bởi không duyên kiếp - Hải Phòng tuần báo
Giông tố (1936), khi đăng trên Hà Nội báo có tên Thị Mịch.
Vỡ đê (1936) - Báo Tương Lai
Số đỏ (1936) - Hà Nội báo
Trúng số độc đắc (1938)
Làm đĩ (1936) - Tạp chí Sông Hương
Quý phái (1938-1939)
Lấy nhau vì tình (1942) - NXB Minh Phượng Hà Nội
Truyện ngắn:
Ăn mừng
Bà lão lòa
Bệnh Lao chữa bằng mồm
Bộ răng vàng
Bụng Trẻ Con
Cái ghen đàn ông
Chống nạng lên đường
Con người điêu trá
Cuộc vui ít có
Đi săn khỉ
Đời là một cuộc chiến đấu
Gương... tống tiền
Hồ sê líu hồ líu sê sàng
Lấy vợ xấu
Lòng tự ái
Máu mê
Một cái chết
Một con chó hay chim chuột
Một đồng bạc
Người có quyền
Sao mày không vỡ, nắp ơi
Tết ăn mày
Tình là dây oan
Tự do
Từ lý thuyết đến thực hành
Để đọc các tác phẩm các mem có thể vào
http://10vn.com/story/22566123/Vu-Trong-Phung.html
Sau đây là 1 truyện ngắn trích từ trang trên:
CUỘC VUI ÍT CÓ
Tôi ở chơi nhà một người bạn ở làng này đã trọn năm hôm, sợ phiền nhiễu mãi người anh em không tiện nên buổi trưa hôm ấy đã định tâm xin phép "xách khăn gói" lên đường.
Giữa lúc khách xin ra đi, chủ nhất định giữ lại, chưa ngã ngũ ra sao, chợt thấy chó sủa vang lên với tiếng người nhà quát chó ầm ĩ. Rồi một người đã đứng tuổi, mặt đỏ bừng nhiệt khí của thần rượu, bước vào. Bạn tôi quay ra tiếp khách, tôi cũng phải giữ lễ, lại ngồi xuống ghế, lặng im.
Đây, câu chuyện của hai bên:
- Gớm, ông anh bận gì mà cho nó sang mời năm bảy lượt cũng chửa chịu sang cho.
- Tôi đã xin đến chiều sang mà lại...
Ông khách đó tức khắc hiểu ý, quay lại phía tôi mà rằng :
- Hay là nhân tiện chẳng mấy khi ngài về, mời ngài dời gót ngọc lại tệ xá xơi chén rượu nhạt mừng cho ông tôi thì chúng tôi lấy làm hân hạnh quá. Thế nào? Ông anh bảo thế có tiện không ?
Tôi chưa biết đáp ra sao, cũng chưa hiểu đầu đuôi thế nào,bạn tôi đã đỡ lời hộ:
- Vâng, để tôi xin nói với anh tôi. Nhưng dù sao cũng xin cho đến bữa chiều ...
Ông kia ra ý rất hài lòng:
- -Vâng, thì đến chiều. Miễn các ông anh nhận lời cho là đủ. Thật là may quá ! Thôi, thế tôi xin phép ...
- Kìa, hãy ngồi chơi uống chén nước đã ...
- Thôi, tôi phải về thu xế cho bọn khách ấy trổ tài cống hiến chư vị trong làng đây !
- Cái gì ? Bọn khách nào trổ tài?
- Kìa, thế ông anh chưa biết à? Bọn khách làm trò quỉ thuật mà lại...
- Thế à? Lôi ở đâu về thế? Sao bảo hát chèo ?
- Không, hát chèo sợ tẻ và thường quá. Nhân tiện có bọn khách đang kiếm ăn ở phủ nên tôi thuê về nhà làm trò cho thêm vui. Này , ôi chà ! Họ lắm cái giỏi lắm!
- Thích nhỉ! Thế thì nhất! Nhưng bao giò? Họ đã về chưa?
- Rồi! Đang sắp sửa đấy ... Hay là mời hai ông anh cùng sang một thể ?
- Thôi được, bác cứ về. Dăm phút nữa thì chúng tôi đi.
Khi ông ta đi rồi, bạn tôi mới " giới thiệu vắng mặt " đó là ông thủ quĩ, nhà đang có việc mừng vì ông bố ăn khao bảy mươi.
Tôi chưa kịp trách bạn tôi sao đã vội nhận trước khi biết ý tôi thế nào, bạn tôi đã nói chặn :
- Nhận cũng phải. Người ta là người trung hậu tử tế, mình phải nể lời. Vả lại ... có ngại gì ? Trước lạ thì sau quen !...
Rồi bạn tôi ra với lấy cái khăn trên mắc áo
oOo
Gần khắp mặt già trẻ lớn bé trong làng tề tựu cả ở sân nhà ông thủ quĩ để chờ sẵn cuộc cầu vui cho mắt.
Các cụ ngồi đạo mạo trên những bộ ghế trải chiếu cạp điều, người lớn với trẻ con đứng thành một ô vuông, mấy chú khách thì đang soạn mọi thứ đồ dùng, thỉnh thoảng lại khoan tay lục hòm để võ về vuốt ve một con bú rù (*) và một con chó.
Đến lúc đồ lề đã bày ra la liệt đâu đấy rồi, ông thủ quĩ ra giữa sân, đứng cạnh một chú khách cởi trần trùng trục, đầu trọc lốc, hai mắt nhỏ tí như mắt lươn nhưng bắp thịt ở ngực với tay nổi như những khúc rắn quấn khắp người , rồi ông lên tiếng :
- Thưa các cụ, các ông, các bà đã có lòng yêu đến mừng cho cụ tôi, tôi thật cảm tạ lắm. Đáng lẻ chúng tôi xin hiến các cụ với các quan viên hàng xã một buổi tối xem hát chèo, nhưng vì nghĩ rằng chèo là sự thường và sợ tẻ nên tôi phải mời mấy chú này về trổ tài ở đây. Những chú này có võ nghệ, có nhiều thuật rất tài tình, lại có nội công nữa. Một chú sẽ cầm thiết côn đập vào ngực mình cho mà xem. Rồi chú ta lại lấy dao nhọn đâm vào cánh tay nữa. Xong chú ấy sẽ hiến thụ thuốc cao để rịt đòn... Các chú sẽ trổ tài về võ nghệ và nội công ( ông quay hỏi chú khách ), có phải nội công không ?
Chú kia gật đầu :
- Nội koòng, nội koòng, pải !
Một cụ râu ba chòm phán :
- Nếu đích là nội công thì mới thật là giỏi chứ nếu quỉ thuật là có khóe riêng rồi, là không giỏi...
Một cụ khác, có ria mép, thêm :
- Nội công hay không nhưng nếu sau phải lấy thuốc cao rịt thì cũng chẳng có gì là phi thường.
Ông thủ quĩ hơi có ý bất mãn :
- Nếu các cụ không tin những nhời tôi tiến dẫn thì cứ việc xem xét cho kỹ lưỡng mọi vật dụng đi. Đây, thiết côn, đây dao, với thuốc cao nữa này... Tôi xin cam đoan cuộc này là một cuộc vui ít có.
Một cụ cao niên hơn cả đỡ lời :
- Đây chỉ có cụ Tỳ, cụ Phế là hai vị danh sư thì mới đủ tư cách...
Bọn người làng cũng vội :
- Chính thế, nhân tiện hai cụ xem hộ cả thuốc cao cho chúng con.
Cụ lang Phế, cụ lang Tỳ - hai cụ hoài nghi lúc nãy - cùng vội vàng xuống ghế ton ton ra khám xét ngay.
Cụ lang Phế cầm cái thiết côn :
- Cái này không rỗng ruột đấy chứ? À, không.
Cụ lang Tỳ bĩu môi:
- Không, đã chắc là không à ?
- Con dao này có lò xo ở chuôi không ? À , không thật.
- Phải khám cho kỹ vào chứ !
- Thuốc cao đây à ? Dễ thường không phải ...
- Đưa tôi xem nào ! Chả thuốc cao thì còn là ...
Cụ Phế thấy ông đồng nghiệp khó chịu, phát gắt :
- Cụ làm gì lối thế? Cụ coi tôi là thằng ngu ư? Dễ thường chỉ một mình cụ biết nghề thuốc !
- Thế này mà bảo là không phải thuốc cao!
- Thôi, tôi chịu ông rồi mà!... Ở vùng này chỉ có một ông biết nghề thuốc!
- Biết hay không biết mặc xác tôi ! Anh không phải cà ...
- Thì việc gì anh phải khoe giỏi? Đám ma nhà chị hai Vòm lăn đường mẹ mới ngày hôm kia ... Anh bốc thuốc tài hơn tôi thật chứ lại ! ....
- A! a!... Nhưng bà cụ mẹ chị ta thọ đã ngoài sáu mươi rồi. Anh muốn đổ tại tôi ư? Thôi , sao anh không nhắc đến chuyện con đĩ Chắt anh bốc có hai thang mà lăn ra chết?
- Hai thang? Hai thang? Đứa nào ngoa ngôn thì giời đánh nhé ? Ai bảo nó sốt lại đi ăn chuối tiêu vào !... Hai thang à? Thế anh chỉ bán có một gói thuốc đau bụng mà thàng nhiêu Toét suýt bỏ mạng thì sao? Thế mà cũng đòi là lang? Lang thế mấy lúc mà tù mọt gông! Lang băm ấy à!
- Lang băm? Có lẽ! ... nhưng không làm đọa thai người ta nào thì thôi!
- À! Anh này to gan nhỉ? Nói nốt đi, nói nốt đi xem nào?
- Chứ lại sợ à? Sẽ nói tại tòa sứ cho mà xem...
- Này không phải dọa... Quan tỉnh sẽ trói anh lại có ngày. Dễ không có người đau mắt nhờ anh đánh mộng rồi nổ con ngươi ra đấy ư?
- Số nó mù thì ai biết làm thế nào ? Anh có muốn tôi nói rõ tên thằng bé sài suyễn mà anh cứ bốc mãi thuốc chữa dạ dày không ?
- Anh là thằng khốn nạn nhé. Cả nhà chánh hội Bầu mắc ghẻ ruồi mà anh dám nấu cho nó thuốc timla anh quên rồi à?
( Cả nhà chánh hội Bầu kéo nhau ra về)
- Thế còn nhà trưởng Toe thì sao? Nó hôi nách mà chữa mãi bằng lá ô nhĩ trong sáu tháng trời à?
( Trưởng Toe đẩy ba người, đỏ mặt chạy)
- Sáu tháng? Thế trong hai năm sao anh không chữa cho tan cái hạch ở háng cô Thoa đi?
( Cô Thoa trước khi chạy, kêu to : Đồ khốn nạn!)
- Anh có muốn tôi kể đến cái mụ góa chồng mà ngày nào anh cũng lại đốt ngải cứu ở mông đít không ?
- Anh không sợ tôi réo tên con bé mới mười lăm tuổi mắc bệnh đau tức mà anh cứ lấy rượu thuốc để xoa vú nó à? Lang gì? Dê già thì có!...
Người xem bỏ chạy gần hết. Chỉ còn hai anh giai làng tuổi còn lấc cấc, bò lăn ra giữa sân không dậy được, vì cười...
Chú khách giơ hai tay lên giời :
- Tỉu nà ma cái lổ phồ! Ngổ ti về cái nội koòng!...
Trong mấy chục năm giời, thật chỉ có độc một lần này tôi xem được một "cuộc vui ít có".

Bài viết có sử dụng tư liệu của wikipedia và 10vn.com