PDA

View Full Version : [Giới Thiệu] Cách dùng đũa- Nét đẹp trong văn hoá ẩm thực của người Nhật



Nelvil
28-11-2008, 10:26 PM
Nhận xét về văn hoá ăn, có nhà nghiên cứu đã nói: Phương Đông ăn kiểu chim, phương Tây ăn kiểu thú”. Ấy là nói về việc đa số người Phương Tây sử dụng dao, thìa, dĩa… để cắt xé thức ăn (giống như các loài thú thường hay dùng móng vuốt để xé nhỏ con mồi) trong khi đó người Phương Đông thường sử dụng đũa để gắp và và thức ăn (giống như các loài chim dùng mỏ của nó). Vì thế trong ăn uống, người Phương Tây có văn hoá dùng thìa dĩa thì người Phương Đông có văn hoá dùng đũa.


Như các nước thuộc nền văn hoá Phương Đông, người Nhật Bản cũng thường sử dụng đũa để và và gắp thức ăn trong các bữa ăn hàng ngày. Tuy vậy ở mỗi nước văn hoá dùng đũa lại có những nét chung và riêng. Ở Nhật Bản, đũa cũng có thể làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như tre, gỗ, sừng, sắt... nhưng ở mỗi chất liệu, đôi đũa lại mang trong mình một giá trị khác.


Xa xưa, đôi đũa bằng ngà voi chắc chắn có giá trị hơn so với đôi đũa gỗ, tre... đôi đũa sắt chỉ là sản phẩm xuất hiện khi trình độ kỹ thuật của con người có một bước "nhảy vọt" đáng kể. Trong quá trình giao lưu văn hóa với người Trung Quốc, các nhà buôn, các sư sãi đã du nhập đũa vào Nhật Bản. Người Nhật bắt đầu sử dụng đũa trong cung đình sau đó lan ra các gia đình quan lại giàu có vào khoảng thời gian từ năm 710 đến 794 (Thời kỳ Nara trong lịch sử Nhật Bản).


Đũa trong cung đình Nhật Bản lúc đó có sự phân biệt đẳng cấp rõ ràng. Đũa của vua và những người thuộc hoàng tộc thì ngắn. Đũa của các quan lại dài hơn. Khoảng thời gian từ 1185 trở đi, đũa được dùng phổ biến trong đời sống nhân dân Nhật Bản nhưng quan niệm đũa dài, ngắn trong dân gian thì ngược lại với cung đình. Đũa của cha mẹ phải dài hơn đũa của con cái. Đũa của chồng dài hơn đũa của vợ đũa của anh dài hơn đũa của em.

Thời xưa muốn chứng tỏ mình thuộc tầng lớp "quyền quý", vua, quan và những người giàu có thường dùng đũa một lần sau đó đem vứt đi và dần dần tục lệ này cũng trở nên phổ biến trong đời sống người thường dân. Cũng từ 1185 trở đi, mỗi năm vào thời điểm cấy lúa (mùa xuân) và dịp thu hoạch lúa (mùa thu) người dân Nhật lại có phong tục thay đũa mới. Họ quyết định lấy ngày 4- 8 làm "ngày hội đũa" trên toàn quốc.


Số 4 trong tiếng Nhật phát âm là Si (Shi), số 8 phát âm là Hachi (Hachi) mà HaShi lại là đôi đũa nên ngày 4-8 được gọi là ngày hội đũa. Ngày nay, ở Nhật Bản trưng bày rất nhiều loại đũa bằng các chất liệu, màu sắc khác nhau. Ở không ít gia đình có tục lệ thay đổi đũa mới trong ngày hội đũa.



So với đũa Trung Quốc, Việt Nam... đũa Nhật Bản làm bằng gỗ, ngắn hơn và dễ sử dụng hơn. Theo quan điểm của Richard Bowring (người Anh), một nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Nhật Bản cho rằng: "Đũa Trung Quốc dài và hơi to quá nên khó sử dụng".


Dưới con mắt người Nhật, đôi đũa có giá trị hơn khi nó trở thành chủ đề thẩm mỹ học gắn nhiều với phong tục, tập quán. Ở Nhật Bản, một món ăn truyền thống, nổi tiếng là món Sashimi sẽ dễ bị hỏng nếu như người Nhật sử dụng các dụng cụ ăn bằng kim loại như dao, dĩa... theo kiểu người phương Tây.


Trên bàn ăn người Nhật dùng một đôi đũa chung để gắp thức ăn vào bát của riêng mình. Nếu không có đôi đũa chung, họ phải trở đầu đũa ăn của mình để gắp thức ăn sau đó trở lại đầu đũa cũ để ăn. Đây không đơn thuần là vấn đề vệ sinh mà còn gắn với phong tục: trong tang lễ Nhật Bản, người thân phải dùng đũa gắp xương ngừơi đã khuất sau khi hỏa táng và chuyền cho nhau.

Ngoài ra, họ còn tránh dùng đũa gắp thức ăn đã bị rơi, không cắm đũa vào bát cơm vì nó gợi lên hình ảnh chết chóc. Điều thú vị hơn cả là người đi cắm trại, đi picnic nhất thiết không được quên tục lệ: đôi đũa dùng xong phải bẻ đôi tránh ma quỷ tận dụng những đôi đũa đó làm điều xấu, điều ác.


Người Nhật ngày nay cũng như người Trung Quốc, người Việt Nam ăn xong sẽ rửa sạch đũa để dùng lại. Ở mỗi gia đình, mỗi ngừơi có một đôi đũa riêng, khách đến nhà sau khi dùng xong bữa thì đũa của họ ăn gia chủ sẽ vứt đi - biểu hiển sự trong sạch của người dân xứ sở Mặt trời mọc.


Người Nhật Bản rất cầu kỳ trong ăn uống, trong việc chế biến, nấu nướng các món ăn cũng như sử dụng các vật dụng ăn uống. Nếu bạn thực sự muốn tìm hiểu nét văn hoá đặc sắc này của Nhật thì bạn có thể đến các nhà hàng Nhật Bản, nơi đó có những món ăn đẹp mắt, độc đáo đựng trong những chiếc bát, chiếc đĩa… rất xinh xắn có nguồn gốc “made in Japan” đấy.



Xin đọc kĩ nội quy box ẩm thực trước khi post bài!!!

lanhchanh
09-05-2011, 12:08 AM
Đũa được dùng rộng rãi tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam.
Tại Nhật, đôi đũa không đơn thuần là đồ dùng trên bàn ăn, mà nó đã trở thành một nét văn hóa trong ẩm thực và đời sống tâm linh.

Tập quán ăn uống đã tạo ra những dụng cụ tương xứng.
Đôi đũa là vật dụng tiện lợi trong các bữa ăn của mỗi gia đình người Nhật với thực phẩm chính là cơm, cá và rau.
Họ đã hình thành nên một thế giới đũa phong phú.

Đũa được chia ra làm nhiều loại với nhiều kiểu dáng, thích hợp cho từng mục đích sử dụng.
Đôi đũa tre dài gọi là saibashi, dùng trong nhà bếp khi chế biến các món ăn nóng, chẳng hạn như món luộc hoặc món xào.
Đũa moribashi có đầu thon, nhọn, rất thích hợp để các đầu bếp sử dụng khi sắp xếp món ăn một cách thẩm mỹ tinh tế, chẳng hạn như món sashimi.

Đũa là vật dụng tất yếu trong mỗi gia đình người Nhật, được ví như cánh tay trung gian đắc lực đưa cơm và thức ăn vào miệng.
Tại Nhật, người ta có những quan niệm đặc biệt trong cách dùng đũa.

Mỗi thành viên trong gia đình đều có một đôi đũa riêng, phù hợp vai vế.
Chẳng hạn, đũa của chồng dài hơn của vợ, đũa của bố mẹ dài hơn của con cái.
Trên bàn ăn bao giờ cũng có những đôi đũa chung để gắp thức ăn.

Ngoài tính năng là dụng cụ trong nhà bếp, đũa còn hiện diện trong các nghi lễ.
Người Nhật đã dùng đến hình ảnh của chiếc đũa để so sánh với đời người khi nói rằng : “Khởi đầu trong một đôi đũa, kết thúc cũng trong một đôi đũa”. Đôi đũa luôn là một trong những đồ lễ quan trọng trong nhiều nghi lễ khác nhau. Trong lễ mừng đầy tháng của các cháu bé, theo phong tục, người ta dùng đũa gắp thức ăn đưa vào miệng chúng nhằm cầu mong cho bé mau lớn, khỏe mạnh.

Đôi đũa Haramibashi có phần thân đũa phình to, hai đầu thon, nhọn, được dùng để cầu nguyện cho sự thịnh vượng của con cháu.

Đũa Yanagibashi được sử dụng vào dịp mừng năm mới và một số ngày lễ khác. Đũa này được làm từ thân cây liễu, một loại cây dẻo dai, khó bẻ gãy. Trong ngày đó, người ta sử dụng đũa Yanagibashi làm vật cúng với hàm ý đề cao sự rắn chắc. Đũa có hai đầu thon, nhỏ. Theo quan niệm của người Nhật, một trong hai đầu đũa do thần thánh sử dụng, đầu còn lại dành cho con người. Đôi đũa thể hiện sự dung hòa giữa con người và thần thánh, đũa của sự sống.

Một buổi lễ quan trọng khác ở Nhật cũng có sự hiện diện của đôi đũa, đó là lễ “Ostukimi” hay còn gọi là lễ ngắm trăng, diễn ra vào ngày rằm tháng 8 hàng năm. Thời điểm này là vào mùa thu, mặt trăng tròn và sáng nhất trong năm. Trong ngày lễ, ngoài bánh dango, một loại bánh bao của Nhật, người ta còn dâng lên mặt trăng cơm và đôi đũa để tỏ lòng với ơn trên về một vụ mùa bội thu.