PDA

View Full Version : Vài lời tâm sự của 1 hoạ sĩ TT VN



Cốm
08-01-2009, 02:39 PM
Vài lời tâm sự rất thật và thẳng thắn của hoạ sĩ Hùng Lân

Một vài bạn trẻ có gởi thư cho tôi, chân thành cũng có mà cộc lốc cũng có, nói chung xoáy vào ba điều như sau:

- Chê truyện tranh VN bây giờ dở quá, không thích hợp với lứa tuổi 16, 17 của các bạn ấy.

- Tôn sùng và bắt chước manga & anime gần như y khuôn, coi đó là thần tượng của mình.

- Thất vọng vì các bản vẽ của các bạn không được NXB chấp nhận.

Từ 3 ý kiến này, tôi xin mạn phép đưa ra một vài nhận xét cũng như vài phương hướng để chúng ta đi vào thực tiễn sáng tác, vì chúng ta nói quá nhiều rồi, báo chí cũng lắm mà pho-rum cũng vô số. Thôi thì xin phép các bạn vậy, tôi xin đi thẳng vào vấn đề.

Trước hết là các bạn chê truyện tranh VN bây giờ dở quá, vừa không hấp dẫn, vẽ lại xấu chứ không đẹp và kỹ như truyện Nhật, đơn cử như truyện Cô Tiên Xanh chẳng hạn, nội dung thì giáo dục tầm thường và chán ngắt, hình vẽ thì đơn giản, không cách điệu… Tôi là người vẽ truyện CTX đây mà, nghe cũng xót ruột lắm, và da mặt cũng phải dày thêm 5 phân nữa mới dám viết những dòng này. Tuy nhiên tôi không buồn đâu, vì tôi đang lắng nghe các bạn đây.


Các bạn cũng biết đấy, CTX đã phát hành hơn 200 tập, một con số không phải dễ dàng gì thực hiện ngày một ngày hai được, do đó CTX không phải do một mình tôi vẽ, mà còn có 3 họa sĩ khác nữa, đó là Họa sĩ Kim Khánh, Nguyệt Minh và Phan Mi. Tôi là người mới vẽ sau này, thời gian ba năm trở lại đây mà thôi. Để tạo ra một cuốn truyện tranh, cần phải có kịch bản, mà ở VN ta không phải cứ thích viết gì, vẽ gì là cũng được các NXB chấp nhận ngay đâu, ít nhất trong đó phải có một yếu tố giáo dục nào đó, do vậy mà các truyện CTX có người viết kịch bản riêng, họa sĩ chỉ vẽ theo các kịch bản NXB đã duyệt, nhiều khi cũng không ưng ý lắm, nhưng cũng phải vẽ vì đã duyệt rồi. Điều đáng nói là đối với lứa tuổi như các bạn thì CTX không thích hợp là phải rồi, vì đối tượng chủ yếu của CTX là thiếu nhi, mà đối với thiếu nhi thì nói chuyện giáo dục không thừa đâu các bạn ạ, ngay đối với các thanh thiếu niên như các bạn vậy, có bạn ăn nói còn chưa biết lễ phép là gì thì đừng nên cho việc giáo dục là nhàm chán, là rẻ tiền…

Có nhiều công việc lắm lúc mình không ưng ý nhưng vẫn phải làm, vì đó là cuộc sống, còn không thì phải bỏ nghề thôi, đã đam mê thì phải chấp nhận gánh gồng, chê cái này chê cái nọ thì quá dễ, nhưng để làm ra nó thì không dễ đâu các bạn ạ, tuy CTX không được hay, vẽ không được đẹp, nhưng những người thực hiện chúng tôi vẫn tự hào là cứ mỗi cuốn truyện được phát hành, chúng tôi mang đến cho các em thiếu nhi một gương sáng, một điều tốt, thế là tạm đủ, còn kẻ khen người chê, đó là chuyện bình thường.

Vâng, để có những cuốn truyện tranh VN hay, vẽ đẹp, cốt truyện súc tích, cao siêu, hấp dẫn, vừa mang tính giáo dục và vừa không nhàm chán, điều ấy không chỉ ngày một ngày hai mà làm được đâu, mà chúng ta cần phải có một bước đột phá mới được. Như tôi đã nói ở các bài viết trước, bước đột phá ở đây có nghĩa là có một cơ chế thông thoáng, có một thị trường rộng mở và có một môi trường cho các họa sĩ có thể làm việc và sống được, nghĩa là bãi bỏ những xuất bản phí linh tinh để dành đấy mà tăng tiền nhuận bút cho các họa sĩ, vì không ai có thể nuốt “không khí” mà làm nghệ thuật được, họa sĩ cũng cần có thù lao tương xứng để sống và sáng tác.

Muốn vậy, chúng ta không chỉ hô hào hoặc viết vài trăm bài viết trên forum là xong đâu, mà chúng ta cần phải xắn tay áo vào làm. Có bạn bảo rằng, hãy nghe chúng tôi nói để biết chúng tôi muốn gì, muốn đọc gì, muốn xem gì. v.v. và v.v. người lớn các người đừng áp đặt mà hãy làm cái này cái nọ cho chúng tôi, đáp ứng điều này điều kia cho chúng tôi… Xin thưa với các bạn, tôi muốn trích ra đây câu nói của Tổng thống Hoa Kỳ John Kennedy ngày xưa là “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho bạn, mà hãy tự hỏi rằng, bạn đã làm gì cho tổ quốc?”.

Các bạn đặt câu hỏi đó với tôi thì tôi cũng đành chịu, vì tôi cũng như các bạn, chỉ là một họa sĩ bình thường mà thôi, nếu như tôi là Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa Thông Tin hoặc Giám Đốc một Nhà Xuất Bản nào đó thì đó là chuyện khác, tôi sẽ tự quyết định các phương hướng để phát triển dựa vào kinh nghiệm và thị hiếu người đọc, còn như bây giờ, tôi muốn đáp ứng cũng có được đâu? Đã mấy lần tôi đưa ra những kế hoạch, những cốt truyện mới để phát triển truyện tranh VN, cho thiếu nhi và cho thanh thiếu niên, kể cả truyện tranh dành cho người lớn nữa, nhưng các NXB họ có chú tâm tới đâu, tôi đành phải xếp xó vậy, không những tôi mà rất nhiều họa sĩ tâm huyết khác cũng chịu chung số phận như tôi, rất nhiều người đã chuyển nghề khác và số họa sĩ thực sự còn cầm bút vẽ sáng tác ở VN hiện nay hình như chỉ đếm được trên dưới mười người. Vâng, trên dưới mười người cho hơn 80 triệu dân, quả là một con số đáng buồn?!!

Nếu vậy chẳng lẽ làm nghề họa sĩ truyện tranh không sống nổi ở Việt Nam ư? Theo tôi biết thì hầu hết các họa sĩ truyện tranh ở VN đều giao bản thảo cho các đối tác tư nhân liên kết với các Nhà Xuất Bản, đối tác ấy bỏ tiền ra in ấn và phát hành toàn bộ, lời lãi do họ chịu nên nhuận bút do họ quyết định là phải rồi, NXB chỉ có hình thức là biên tập và thu tiền xuất bản phí, thế là xong! Còn việc tiền nhuận bút là bao nhiêu ư? điều đó tùy thuộc vào thị trường quyết định cuốn truyện ấy bán có chạy hay không thì mới biết là số lượng in nhiều hay ít, nhuận bút cũng tùy thuộc vào các yếu tố này. Ở Tây Âu hay là Mỹ, một cuốn truyện tranh màu 64 trang có tiền nhuận bút thừa cho tác giả sống trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Ở Nhật Bản một cuốn truyện tranh khổ nhỏ 100 trang cũng có tiền nhuận bút cho tác giả đủ sống trong 6 tháng. Còn ở Việt Nam, tiền nhuận bút cho một cuốn truyện khổ nhỏ 100 trang như thế giỏi lắm chỉ đủ sống trong vòng 1 tháng là may lắm. Vâng, 100 trang, nghĩa là mỗi ngày bạn phải hoàn thành 4 trang vẽ, kể cả soạn kịch bản, phân cảnh, vẽ tay trên giấy can, chụp đưa vào vi tính và dùng đồ họa vi tính để xử lý từng hình, từng trang, rồi in ấn chế bản ra từng trang một, liên tục từ ngày này qua ngày khác trong suốt một tháng ròng, và bạn cũng không được phép bệnh, vì bệnh thì sẽ trễ hạn giao cho Nhà Xuất Bản ngay, tuy căng thẳng như thế nhưng tiền nhuận bút chỉ để đủ cho bạn cầm cự sống mà thôi. Tôi nghĩ đó chính là câu trả lời vì sao mà đội ngũ họa sĩ vẽ truyện tranh VN không nhiều là vậy.


Ngoài ra, trong việc sáng tác và xuất bản truyện tranh VN, không phải có nhiệt tình và tài năng là đủ đâu, mà còn chịu những khắc nghiệt do thị trường đưa tới nữa. Cách đây mấy năm, nếu các bạn theo dõi thì sẽ nhớ là có một tuyển tập truyện tranh màu rất đẹp, không hề thua kém truyện tranh nước ngoài, nội dung rất hay và in màu trên giấy láng do Họa sĩ Văn Minh thực hiện mang tên là Cọ Non, nói chung là rất tuyệt vời về nội dung và hình thức, thế mà ra chỉ được vài số là chết yểu, thật vô cùng đáng tiếc! Ngay cả những người trong nghề như chúng tôi cũng phải tiếc thay cho anh Văn Minh và nhiệt huyết của anh. Tôi chỉ đưa ra một thí dụ đó thôi để các bạn biết thế nào là tính khắc nghiệt của thị trường, một vài bài viết không thể nào nói hết được.


Những nguyên nhân đó đã làm nhụt chí và đã làm cho giới họa sĩ truyện tranh hầu hết bỏ nghề đi làm việc khác. Mười lăm năm trước đây, đội ngũ họa sĩ chúng ta có khá nhiều nhưng ngày nay Văn Minh đã chuyển nghề khác, Nguyễn Trung Tín tập trung cho việc giảng dạy, Hoàng Tường chuyển sang vẽ mỹ thuật, Đức Lâm chuyển sang biên dịch, Duy Hải chuyển sang nghề in lụa, Kim Mai Trúc Thanh, Lâm Quốc Trung, Lê Minh hầu hết đã có tuổi và đã ngưng sáng tác, số còn lại quay sang việc xuất bản truyện copy. Điều đáng mừng là còn Họa sĩ trẻ Lê Linh với bộ Thần Đồng Đất Việt với sự hà hơi tiếp sức của Cty Phan Thị nên sẽ đứng vững được, Nguyễn Tiến Sỹ với bộ truyện Dzom cũng thế, anh còn rất trẻ để sát cánh cùng truyện tranh VN, tạo ra những tập truyện hay và ưng ý.


Trong tình hình như thế, chúng ta cũng nhận thấy để vực dậy nền truyện tranh hiện nay không phải là dễ dàng gì, vì hơn mười năm nay, nói chính xác là từ khi bộ truyện Đôrêmôn xuất hiện ở VN và hàng loạt truyện Nhật Bản xuất hiện sau nó, giới trẻ đã có một cách nhìn khác, ham muốn hơn và đòi hỏi nhiều hơn.


Thành thật mà nói, đây chính là sự thất bại của giới họa sĩ vẽ truyện tranh của chúng tôi, vì trong thời điểm này, các họa sĩ không biết nắm tay nhau hợp sức lại để sáng tạo và phát triển, hầu cạnh tranh với cơn lốc manga anime, mà lại xé lẻ và manh mún, rất đông họa sĩ không thèm cầm bút vẽ nữa mà lại chuyển sang photocopy truyện Nhật rồi đem in, không ít người phất lên nhanh chóng và sắm xe hơi lia lịa, mạnh ai nấy làm vì không cần vẽ mà lại có tiền nhiều và nhanh, chỉ cần dịch lời, photo và viết lời là xong, thậm chí có họa sĩ không thèm cầm bút kim viết lời nữa kìa, họ bỏ tiền ra thuê người khác viết, và họ cho đó là thị trường, là thức thời, là biết làm ăn. Ngay chính các Nhà Xuất Bản cũng tiếp tay cho họ, cứ việc copy và xuất bản thoải mái, không vẽ nên hoàn thành bản thảo copy rất nhanh, kịp phát hành và lợi nhuận nhiều, ai mà chẳng ham?


Tình trạng ấy kéo dài hơn mười năm nay và cả đến tận bây giờ, quãng thời gian mười năm ấy đủ để đào tạo mấy thế hệ họa sĩ truyện tranh, thế mà chẳng ai quan tâm, chẳng ai nhắc nhở, chỉ còn một số rất ít vẫn chấp nhận cầm bút vẽ truyện tranh VN, đối trọng với cả một rừng truyện tranh nước ngoài, thế mà những cuốn truyện tranh VN ấy vẫn sống và sống cho đến tận hôm nay, bộ truyện CTX là một ví dụ. Rất nhiều người chê bai nó, nhưng phải hiểu rõ quá trình phấn đấu thì mới thông cảm được tâm huyết của những người thực hiện, nhiều người chê bai hết sức thậm tệ là vẽ xấu, là giáo dục tầm thường, nhưng tôi xin được hỏi, nếu quả tình truyện CTX tệ như thế thì làm sao nó vẫn tồn tại đến hơn 200 tập như bây giờ, người đọc không ngu dại gì cứ bỏ tiền ra mua những cuốn truyện dở như thế năm này qua năm khác, và cho đến tận hôm nay, cứ đều đặn 2 tuần phát hành một cuốn.


Thậm chí có nhà báo nọ viết rằng Truyện tranh là thế giới của sự cách điệu mà truyện CTX lại bê nguyên xi như ngoài đời đưa vào, xin thưa với anh là làm nghệ thuật thì phải trăm hoa đua nở, có truyện vẽ theo cách điệu, có truyện vẽ theo tả thực mới phong phú được chứ, chẳng lẽ cuốn nào cũng phải cách điệu cả sao? Đó có khi không phải là lỗi của họa sĩ, mà có thể là họ phải làm theo yêu cầu của đối tác và của NXB. Nhà báo ấy còn chê rằng trong lúc truyện tranh Nhật Bản vẽ áo quần kiểu này sang kiểu nọ rất đẹp, hậu cảnh thì đưa tới vùng Ai Cập huyền bí xa xôi, tới những lâu đài bí ẩn, còn truyện tranh CTX thì cứ quanh đi quẩn lại cảnh thôn quê đường làng, cảnh lớp học, đường phố , ngõ hẻm, trang phục thì nghèo nàn, cứ áo quần xanh trắng, khăn quàng trên vai chán ngắt, vậy xin hỏi anh là kịch bản truyện như vậy chẳng lẽ chúng tôi vẽ theo kiểu anime mới đúng ý anh ư? Hay là làm vậy thì người khác lại cho rằng chúng tôi khùng? Còn đâu là những cậu bé nghèo hiếu thảo, còn đâu là những học sinh ngoan giúp bạn vượt khó? Thiếu nhi ở VN đi học không vẽ khăn quàng thì vẽ gì đây? gặt lúa chăn trâu mà không vẽ thôn quê đường làng thì vẽ gì đây? chẳng lẽ vẽ cảnh chăn trâu trên phố phường Tokyo hay trong lòng kim tự tháp Ai Cập? Rất may là dưới bao lời chê bai đả kích của những người cực đoan, bộ truyện này vẫn được các bạn nhỏ tuổi dành cho sự ưu ái và đón nhận nên mới sống đến ngày hôm nay, và chúng tôi tin rằng, nó vẫn còn sống thêm một thời gian dài nữa, vì thiết nghĩ giáo dục không bao giờ thừa. Bộ truyện này của đối tác tư nhân liên kết bỏ tiền ra làm chứ có phải được Nhà nước bù lỗ đâu? Nếu nó không được các vị phụ huynh và các cháu thiếu nhi đón nhận mua về, thì chắc hẳn đối tác ấy sập tiệm từ lâu rồi.


Có người lại bảo sao truyện của chúng ta vẽ xấu và không kỹ bằng Nhật Bản? Điều đó rất đúng, vì ở Nhật Bản, để thực hiện một cuốn truyện tranh, họ thường có một nhóm khoảng 7, 8 người hoạt động trong những điều kiện tối ưu, người chuyên viết kịch bản, người chuyên phân cảnh, người phác bằng bút chì, người chuyên viết chữ, người chuyên vẽ bút mực, người chuyên vẽ chi tiết, người chuyên tô màu, người chuyên về đổ tram và xử lý bằng vi tính, có vậy mới nhanh và đẹp được, còn ở VN chúng ta có ai đỡ đầu đâu mà lập nhóm? Họa sĩ thường phải tự mình thực hiện, tiền nhuận bút có đủ đâu mà thuê thêm người? để vẽ một cuốn có chất lượng như Nhật Bản, một họa sĩ cần phải làm 3 tháng mới xong, tiền nhuận bút chỉ đủ cho anh ta sống 1 tháng, còn 2 tháng kia ngồi nuốt không khí mà vẽ à? trong lúc cần phải hoàn thành nhanh cho kịp thời gian thì làm sao mà vẽ cho kỹ được? Do đó mà các họa sĩ phải liệu cơm gắp mắm, cố hoàn thành cho kịp giao bản thảo để phát hành cho nên chất lượng không được như Nhật Bản là đúng rồi.


Chúng ta biết phê phán, biết chê bai, sao chúng ta không thử bắt tay viết kịch bản cho hay hơn, cho giáo dục cao siêu hơn, cho hấp dẫn hơn đi, sao chúng ta không cầm lấy bút vẽ sáng tạo ra nhiều nhân vật hay đẹp để đưa đến tay người đọc những bộ truyện hay và hấp dẫn đi? Tóm lại, nói thì hay lắm, nhưng làm thì chỉ là một con số không to tướng.


Cũng từ thời điểm đó giới trẻ VN bắt đầu đam mê truyện Nhật Bản, thấy đẹp nên bắt chước vẽ theo, rất nhiều bạn cũng tập tành vẽ theo nét vẽ đó, không thể nào trách họ mê truyện nước ngoài được, vì truyện tranh VN chúng ta không có để mà đáp ứng cho họ, nhưng từ chỗ đam mê bắt chước, các bạn trẻ lại lên giọng kẻ cả, phê phán đòi hỏi xã hội phải làm cái này cái nọ cho họ, phải đáp ứng cho họ những bộ truyện này truyện kia để thích hợp với lứa tuổi của họ, không vừa ý thì họ lên án, chống đối, chê trách. Tôi không đồng ý về những thái độ này, vì các bạn ấy chỉ biết khinh miệt mà không biết xây dựng, các bạn nói nhiều lắm, nhưng chính các bạn đã đưa ra được một đề tài nào mới, một nhân vật nào mới hoặc một kịch bản nào mới chưa? hay là chỉ biết đưa lên mạng những hình ảnh bắt chước anime manga của Nhật Bản rồi lại tự phong cho mình là trào lưu hiện tại, là đã tìm ra thần tượng của giới trẻ, v.v và v.v…


Năm này qua năm khác, lối vẽ ấy đã nhập tâm trong óc, hễ cầm bút lên phác thảo là giống như lối vẽ Nhật Bản. Người xưa có nói: “Trong nghệ thuật, bắt chước chính là tự giết mình”. Quả thật một số đông bạn trẻ có đưa cho tôi xem một vài trang vẽ của mình, tôi cố tìm ra một nhân vật nào đó khác với manga anime để thể hiện sự sáng tạo của bạn ấy nhưng hầu như không có. Mà nói thật, bắt chước thì làm sao đẹp bằng nguyên bản truyện Nhật được. Điều đáng bắt chước anime và manga đó là học hỏi cách dựng hình nhân vật, cách phân cảnh sao cho sinh động và hấp dẫn, cách ứng dụng đồ họa vi tính làm nền, đổ tram vào tranh vẽ… thì chúng ta không học, chúng ta cứ bắt chước vẽ mắt cho to, cho long lanh như họ, miệng mím nhỏ lại hoặc há toác ra mười hình như một, điều đó có lợi gì đâu? Chắc chắn họ vẽ đẹp hơn ta rồi. Do đó mà có một vài bạn trẻ sau khi vẽ được đôi ba chục trang đưa tới Nhà Xuất Bản, NXB thấy giống truyện Nhật quá, mà lại không đẹp và hay bằng truyện Nhật, do đó ai dại gì bỏ tiền ra đầu tư in ấn nên từ chối, NXB không nhận nên tác giả sinh ra buồn lòng và cho rằng xã hội không ưu ái đến “tài năng” của mình, và thế là lại đả kích truyện tranh VN tiếp. Những việc làm như thế này chắc chắn không có lợi cho sự phát triển truyện tranh VN cũng như cho chính tác giả trẻ ấy.


Vậy thì theo chúng tôi, bạn hãy nhìn vào thực tại mà sáng tác ra cái mới, cho dù chưa hay nhưng là của mình, dần dần rồi cũng sẽ đẹp và hay thôi, tôi nghĩ nếu cố gắng thì các bạn trẻ ấy sẽ thành công. Xin các bạn trẻ hãy nhớ rằng, để tạo nên lối vẽ Anime Manga, các họa sĩ Nhật Bản phải bỏ ra hằng chục năm mới có được như ngày hôm nay, chúng ta cần học hỏi họ chứ đừng nên bắt chước y khuôn theo họ, vì bắt chước thì không thể nào bằng họ rồi, mà chúng ta lại bị đánh mất chính mình nữa.


Một điều tôi muốn nhắn nhủ các bạn trẻ là hãy nói ít lại và dành thời gian cầm bút vẽ nhiều hơn đi, và quan trọng hơn là hãy biết khiêm tốn học hỏi, chớ vội khoe khoang và chê bai người này người khác mà hãy tìm học cái hay trong họ, ngay chính tôi đây, tôi đã có hơn 500 đầu truyện tranh được xuất bản, đầu đã hai thứ tóc, thế mà tôi vẫn phải ráng học, học từ anime manga, học từ những ý tưởng ngây ngô mới lạ của các em nhỏ, học từ những bức tranh vẽ chệch choạc của các bạn trẻ để tìm ra cái hay cái mới. Không muộn đâu các bạn ạ! Tôi tin rằng với niềm say mê và tin vào khả năng của mình, các bạn sẽ thành công, vực dậy được thị trường truyện tranh VN hiện nay, và biết đâu sau này sẽ có một lối vẽ mang đậm phong cách riêng cho VN mình như anime của Nhật vậy, phải không các bạn?

Nguồn:http://www.hunglandesign.com/?cat=1

flyingtiger^
29-01-2009, 01:22 PM
Bác Hùng Lân có nhiều nhận xét rất thực tế.

Theo tớ thì có lẽ người Việt Nam và văn hóa Việt Nam hiện nay thích hợp cho viêc sáng tác những truyện tương tự như Xì Trum hơn là truyện mang phong cách manga. Đơn giản bởi vì tính bi kịch là chủ đạo trong manga ko có một vị trí đặc biệt và có tác động sâu xa trong tâm hồn người Việt như ở trong con người Nhật Bản.

Otoumi
21-02-2009, 02:43 AM
Thực ra cũng khó mà nói về nền tt của vn, chưa định hình được phong cách cụ thể. mà cứ mỗi lần có một tác phẩm mới là bị đem ra soi mói và so sánh, đồng hóa là chuyện đương nhiên vì bản thân mình chưa có một cái gì khẳng định chắc chắn hết mà! Những họa sỹ bây giờ toàn là lớp trẻ, nhiệt huyết có đầy nhưng kinh nghiệm và kịch bản cho một tác phẩm hay thì chưa có. Đầu tư chưa đúng mức nên lúc nào cũng như là cầm chừng, không đi lên cũng chẳng đi xuống! Trường lớp đào tạo thì cũng có một vài nơi nhưng ai cũng nói học được thì chẳng bao nhiêu, toàn là tự mình làm lấy hết! những người lớn có kinh nghiệm họ cũng dư biết rằng không thể 1 sớm 1 chiều mà làm nên được một nên văn hóa riêng cả... tôi vẫn mong có điều gì thay đổi, trước hết phải từ cái tư duy hơn là tay nghề! Mong nền TTVN sẽ sớm có đột phá hơn!

flyingtiger^
22-02-2009, 12:39 AM
Thực ra cũng khó mà nói về nền tt của vn, chưa định hình được phong cách cụ thể. mà cứ mỗi lần có một tác phẩm mới là bị đem ra soi mói và so sánh, đồng hóa là chuyện đương nhiên vì bản thân mình chưa có một cái gì khẳng định chắc chắn hết mà! Những họa sỹ bây giờ toàn là lớp trẻ, nhiệt huyết có đầy nhưng kinh nghiệm và kịch bản cho một tác phẩm hay thì chưa có. Đầu tư chưa đúng mức nên lúc nào cũng như là cầm chừng, không đi lên cũng chẳng đi xuống! Trường lớp đào tạo thì cũng có một vài nơi nhưng ai cũng nói học được thì chẳng bao nhiêu, toàn là tự mình làm lấy hết! những người lớn có kinh nghiệm họ cũng dư biết rằng không thể 1 sớm 1 chiều mà làm nên được một nên văn hóa riêng cả... tôi vẫn mong có điều gì thay đổi, trước hết phải từ cái tư duy hơn là tay nghề! Mong nền TTVN sẽ sớm có đột phá hơn!
Bạn nói đúng lắm. Vả chăng với tình hình nước ta bây giờ, truyện tranh cũng như ngành công nghiệp giải trí ko phải là một trong những vấn đề cần được ưu tiên.