PDA

View Full Version : [Giới thiệu] Quán trọ Hoa Diên Vỹ - Yoko Ogawa



Hải Phong
21-01-2009, 09:50 PM
http://i58.photobucket.com/albums/g254/gavanglamlong/b2a1.jpg


Yoko Ogawa - nhà văn nữ nổi tiếng người Nhật từng được nhà văn Kenzaburō Ōe ca ngợi là "người có khả năng miêu tả những chuyển động tâm lý tinh tế nhất của con người trong những dòng văn dịu dàng mà sắc sảo". Ogawa đã giành được nhiều giải thưởng văn học có uy tín như giải thưởng Akutagawa, giải thưởng Yomiuri, giải thưởng Tanizaki... Đồng thời, tác phẩm của bà cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, có tác phẩm đã được dựng thành phim.
Nhã Nam vừa xuất bản hai cuốn sách của bà Quán trọ Hoa diên vỹ (tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất) và Nhật ký mang thai (được trao giải thưởng Akutagawa)... Dưới đây là một trích đoạn từ tác phẩm Quán trọ Hoa diên vỹ:



* * *



"Vừa thoáng nhìn nghiêng tôi đã nhận ra ngay. Lúc ấy tôi đang mua thuốc đánh răng ở hiệu tạp hóa. Tối đó tôi không nhìn được kỹ khuôn mặt người đàn ông, nhưng tôi nhận ra đường nét cơ thể người đang đứng dưới ánh đèn mờ của hiệu tạp hóa và bàn tay ấy. Người đàn ông đó đang lựa xà phòng giặt.
Người đàn ông phân vân một lúc lâu. Ông ta cầm lên tất cả các loại xà phòng giặt, soi nhãn mác và giá cả. Ông bỏ một bịch vào giỏ, nhưng sau đó chợt nhận ra gì đó, liền xem lại hướng dẫn rồi đặt trở về chỗ cũ. Ông chỉ chăm chăm vào chỗ xà phòng giặt. Cuối cùng thứ ông chọn là hàng rẻ nhất.
Tôi không hiểu nổi sao mình lại nảy ra ý định theo sau người đàn ông đó. Không phải vì tôi hiếu kỳ về chuyện xảy ra ở Hoa Diên Vỹ. Chỉ là, câu nói mà người đàn ông thốt ra vẫn còn vang vọng bên tai tôi. Dư âm của mệnh lệnh ấy khiến tôi bị hút lại gần ông ta.
Rời khỏi tiệm tạp hóa, người đàn ông vào một hiệu thuốc. Ông đưa ra một tờ giấy, hình như là đơn thuốc, rồi nhận lấy hai gói thuốc. Ông cho hai gói ấy vào túi áo khoác, rồi lại hướng về tiệm văn phòng phẩm cách đó hai cửa hiệu. Tôi đứng dựa vào cột đèn đường, len lén nhìn vào bên trong. Ông ta trao đổi rất lâu với người chủ tiệm, hình như đang nhờ sửa một cái bút máy, Ông tháo rời cả cái bút, rồi vừa chỉ vào từng bộ phận, ông ta hăng hái đặt vấn đề. Người chủ tiệm bối rối ra mặt, nhưng người đàn ông không quan tâm mà vẫn cứ thao thao. Tôi muốn nghe xem ông ta nói gì, nhưng tiếng nói không vọng đến chỗ tôi. Tôi chỉ thấy cuối cùng người chủ tiệm cũng miễn cưỡng gật đầu.
Sau đó người đàn ông đi dọc bờ biển về hướng Đông. Trời nóng vậy mà ông ta mặc áo vest thắt cà vạt nghiêm chỉnh, lưng duỗi thẳng, và cứ rảo bước về phía trước. Tay trái ông xách túi ni lông đựng xà phòng giặt. Túi áo khoác phồng lên vì hai gói thuốc. Thỉnh thoảng túi xà phòng của ông đụng phải những người đi ngược chiều, nhưng chẳng ai thèm ngoái nhìn. Chỉ có mình tôi đang nhìn ông ta. Cảm thấy như vậy càng khiến tôi bị cuốn vào cuộc chơi kỳ lạ này.
Phía trước đồng hồ hoa trên quảng trường có một cậu con trai trạc tuổi tôi đang chơi phong cầm. Không biết có phải vì nhạc cụ cũ quá, hay là do kỹ thuật chơi đàn của cậu ta mà tôi chỉ nghe được một giai điệu yếu ớt buồn buồn.
Người đàn ông dừng lại, lắng nghe một hồi lâu. Mọi người chỉ thoáng nhìn rồi lập tức lướt qua. Tôi đứng hơi xa một chút. Không vỗ tay, cũng chẳng yêu cầu gì, người đàn ông đứng lặng trong tiếng phong cầm. Cậu thiếu niên tiếp tục chơi. Sau lưng họ kim đồng hồ hoa đang dịch chuyển. Người đàn ông ném một đồng xu vào hộp đàn. Có tiếng keng nhè nhẹ. Cậu thiếu niên cúi người cảm ơn, nhưng người đàn ông không hề thay đổi nét mặt, ông im lặng quay lưng bước đi. Tôi cảm giác khuôn mặt cậu thiếu niên ấy có nét gì đó giống với bức tượng nơi đài phun nước ở sân trong.
Mình định bám theo ông ta đến đâu nữa đây? Những đồ mẹ dặn chỉ mới mua được có thuốc đánh răng. Tôi đâm lo lắng. Thế nào mẹ tôi cũng cáu là lúc khách sắp đến mà còn lề mề. Nhưng tôi không thể rời mắt khỏi lưng người đàn ông.
Người đàn ông đi vào phòng chờ trên bến du thuyền. Bây giờ ông ta định đi du thuyền chăng? - tôi nghĩ. Bên trong đầy các gia đình có trẻ con và các cặp tình nhân. Tàu đi một vòng quanh đảo F bé tẹo ngoài khơi, đỗ lại cầu cảng ở đó một lát, rồi quay lại trong khoảng ba mươi phút. Từ giờ đến chuyến sau vẫn còn hai mươi lăm phút nữa.


* * *



Đọc tiếp trích đọan tại đây (http://blog.360.yahoo.com/blog-.ESzTxo_c6f6ddMjiAQqOwcE?p=2578#comments).

Nguồn: Nhã Nam blog