PDA

View Full Version : Bài viết của giám đốc hãng mỹ phẩm Shiseido



Kasumi
30-01-2009, 10:58 AM
Toàn cầu hóa và văn hóa

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, thế giới ngày càng trở nên nhỏ bé. Chỉ trong tích tắc, thông tin được truyền đi khắp thế giới, thông tin liên lạc trở nên dễ dàng hơn, đồng thời, hiện tượng tiêu chuẩn hóa quốc tế cũng diễn ra mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực. Một yêu cầu cấp thiết là phải có những tiêu chuẩn toàn cầu để bảo vệ những giá trị không gì thay thế được như nhân quyền, môi trường. Đã đến lúc cần phải có một thước đo chung trong bối cảnh thị trường ngày càng không có biên giới.

Tuy nhiên, hiện nay có cảm giác là toàn cầu hóa đang áp đặt những tiêu chuẩn cứng nhắc,và hệ quả là những giá trị văn hóa hình thành ở mỗi khu vực bị lãng quên dẫn đến diệt vong. Khi đã mất đi những tập quán và giá trị văn hóa đặc thù đã ăn sâu vào lịch sử và truyền thống để đổi lấy một thứ duy nhất đó là sự tiện lợi, liệu có thể nói chúng ta đang được hưởng sự sung túc và hạnh phúc thực sự không.

Kể từ khi hãng Shiseido được sáng lập vào năm 1872, từ trước chiến tranh chúng tôi đã xúc tiến toàn cầu hóa kinh doanh của mình theo như lời mà vị chủ tịch đầu tiên của hãng đã để lại: Nhãn hiệu phải được biết đến trên toàn thế giới.Hiện nay sản phẩm của chúng tôi đã có mặt ở 70 nước và khu vực trên thế giới.

Một trong số đó là Trung Quốc, nơi chúng tôi đã có quan hệ được trên 20 năm. Khi triển khai hoạt động kinh doanh ở TQ, chúng tôi không coi TQ là nơi sản xuất có ưu thế về giá nhân công rẻ. Chúng tôi theo đuổi một phương châm là cần phải cung cấp cho các khách hàng TQ sản phẩm có chất lượng tốt nhất, góp phần vào việc nâng cao đời sống văn hóa. Chính vì vậy, cho đến khi công ti liên doanh đi vào hoạt động năm 93, thì trong 10 năm, từ năm 83 chúng tôi đã hợp tác với thành phố Bắc kinh để chế tạo mĩ phẩm, và chúng tôi đã duy trì được quan hệ tốt đẹp lâu dài.

Chúng tôi đã không áp dụng phương pháp đem những sản phẩm đã được yêu thích ở Âu Mĩ và Nhật sang TQ mà chúng tôi đã kiên trì tìm hiểu đặc điểm làn da của phụ nữ Trung Quốc, thị hiếu của họ để phát triển riêng một loại sản phẩm trong nước cao cấp trong khả năng tiêu dùng của phụ nữ TQ. Cuối cùng, một nhãn hiệu mĩ phẩm dành riêng cho TQ là Opre đã được bán ra thị trường vào năm 94 và hiện nay đã mở rộng ra 400 cửa hàng trên khắp TQ, trở thành nhãn hiệu được yêu thích trong nước.

Có thể chia sản phẩm hàng hóa thành hai loại: văn minh và văn hóa. Sản phảm văn minh có thể dễ dàng giải thích bằng tính năng, độ tiện lợi, còn sản phẩm văn hóa tác động vào trái tim, cảm nhận của con người. Mĩ phẩm được xếp vào loại sau. Không tồn tại thước đo chung như tốc độ hay kích thước. Thế nào là đẹp, thế nào là dễ chịu, điều đó đã ăn sâu vào văn hóa và tập quán của từng nơi mà không thể đánh giá bằng thước đo chung cho toàn thế giới.

Trong việc toàn cầu hóa những sản phẩm mang tính văn hóa như mĩ phẩm không thể chỉ áp dụng những tiêu chuẩn chung của toàn thế giới mà điều cực kì quan trọng là phải tôn trọng đặc tính riêng về văn hóa và quan niệm của từng vùng. Việc đưa ra nhãn hiệu Opre riêng cho Trung Quốc chính là một ví dụ.

Thế kỉ 21 không phải là thế kỉ của kinh tế mà là thế kỉ của văn hóa. Những sản phẩn hay dịch vụ mang tính văn hóa chắc chắn sẽ có vị trí ngày càng quan trọng. Quá trình toàn cầu hóa mà chúng ta hướng tới trước hết phải tôn trọng văn hóa và quan niệm giá trị của từng vùng, trên cơ sở đó cùng với những tiêu chuẩn toàn cầu để tạo ra những giá trị mới. Tư duy này không chỉ giới hạn trong việc quốc tế hóa nhãn hiệu hay hoạt động kinh doanh mà cũng có thể nói cho việc điều hành quản lí công ti.

Mặt khác cũng là toàn cầu hóa nhưng có nhiều trường hợp những giá trị văn hóa quan niệm được nâng niu coi trọng ở nơi này lan tỏa sang các khu vực khác một cách tự nhiên mà không dựa trên một tiêu chuẩn quốc tế có sẵn nào.Ví dụ phim hoạt hình của Nhật, món ăn Nhật đang đuợc yêu thích trên toàn thế giới hay gần đây bà Mathai, người đoạt giải Nobel hòa bình đã dùng một từ tiếng Nhật để nói về vấn đề bảo vệ môi trường là Mottainai ( lãng phí ).

Chúng ta hoan nghênh toàn cầu hóa tôn trọng những tập quán giá trị văn hóa của địa phương, làm cho nó được chấp nhận trên toàn thế giới như môt giá trị mới. Ở Nhật Bản có rất nhiều những phong tục, từ ngữ đẹp được truyền lại từ xa xưa. Ví dụ từ okagesama thực sự là một một lời nói hay diễn tả lòng biết ơn, tình cảm thân thiết với người xung quanh. Chúng ta hãy gìn giữ những nét đẹp văn hóa từ xa xưa này của Nhật Bản mà gần đây có vẻ chính chúng ta đang lãng quên và hãy nhân rộng ra thế giới.

Xét cho cùng, quốc tế hóa một doanh nghiệp có thực sự đem lại kết quả hay không phụ thuộc rất lớn vào những điều cơ bản trong quan hệ giữa con người với con gnười, quốc gia với quốc gia. Điều quan trọng là hãy giữ gìn bản sắc của chính mình, thừa nhận, tôn trọng giúp đỡ người khác, không phải biến thế giới này thành một mà hãy chấp nhận những giá trị lịch sử, văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc, tôn trọng nhau và đón nhận nhau.

Để làm được điều đó, hãy nhìn nhau bằng ánh mắt thân thiện, sự cống hiến mới là điều căn bản. “ niềm vui của những người xung quanh cũng là niềm vui của mình, sống có ích cho cộng đồng”. Điều quan trọng là làm sao để những giá trị đa dạng phong phú cùng tồn tại từ một cộng đồng nhỏ cho đến một đất nước hay trên phạm vi toàn cầu.

MK dịch từ tiếng Nhật
Theo Aikido Yuki Shudokan