PDA

View Full Version : Tìm hiểu văn hoá Nhật Bản qua môn võ Aikido



Kasumi
04-03-2006, 04:00 PM
http://img467.imageshack.us/img467/5857/1135784795aikido226jy.jpg


Hiểu được một nền văn hoá của dân tộc khác có điều kiện tự nhiên, địa lý, khí hậu, lịch sử, phong tục tập quán khác so với dân tộc mình là một điều không hề đơn giản. Thông qua môn võ đạo Aikido của Nhật Bản, bạn sẽ có cơ hội để biết thêm được về lịch sử của Nhật, hiểu được suy nghĩ, tư duy của người Nhật qua cách thể hiện trong việc hành lễ; qua võ phục Hakama và cách gấp của nó; qua cách sử dụng võ thuật trong đó có kiếm gỗ.

Aikido là môn võ hiện đại được sáng lập bởi tổ sư Ueshiba Morihei (1883 - 1969) trên cơ sở nghiên cứu sâu sắc võ thuật truyền thống Nhật Bản, kết hợp với việc tu dưỡng tinh thần một cách nghiêm ngặt. Aikido không dùng để đánh nhau, hay để trấn áp đối thủ bằng sức mạnh. Nó là môn võ dùng để chế ngự bạo lực của đối thủ với kỹ thuật được sinh ra từ thân pháp của nhập thân và xoay chuyển, nên nó không gây sát thương đến sinh mệnh của đối thủ. Vì thế, có thể nói nó là môn võ xứng đáng với thời đại ngày nay, thời đại kêu gọi sự tôn trọng sinh mạng con người. Đó cùng là nguyên nhân mà Aikido được gọi là môn võ “hoà”.

Aikido không phải là môn võ cạnh tranh, nó không cần sự đua tranh thắng hay thua, mạnh hay yếu với kẻ khác. Điều cốt yếu nhất của Aikido là tinh thần mong mỏi hoàn thiện mình và sự miệt mài tập luyện cùng nhau trau dồi các kỹ năng.

Aikido không chỉ đơn thuần là các kỹ thuật đấu võ. Mà nó chú trọng vào việc “tiếp nhận qui tắc và sự vận động của tự nhiên vào tinh thần, cơ thể mình, thể hiện cảm giác hợp nhất giữa con người với vũ trụ ngay trên cơ thể mình.” Mặt khác, Aikido cũng rất coi trọng chữ “ái”, tức là lòng yêu thương của con người đối với vạn vật trong vũ trụ. Quá trình luyện tập lấy việc theo dõi sự luyện thành của tâm, thân, trên cơ sở trau dồi tập luyện cùng bạn đồng môn làm mục đích, vì vậy bất cứ ai cũng có thể tập luyện được. Tập luyện lâu dài không chỉ tốt cho sức khoẻ mà ngay trong sinh hoạt thường ngày, dù làm bất cứ công việc gì, sự tự tin, nỗ lực một cách tích cực sẽ dần dần được bồi đắp trong bạn một cách tự nhiên. Hơn nữa, tại võ đường, tất cả mọi người đều không có sự phân biệt quốc tịch, chức vụ, tuổi tác, và giới tính, nên đây cũng là nơi tốt nhất để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Quá trình luyện tập Aikido sẽ không bao giờ kết thúc Việc duy trì liên tục nguồn sinh lực là cần thiết và nó sẽ trở thành tài sản quý báu cho chính bản thân ta.

Sự truyền bá Aikido ở nước ngoài được bắt đầu từ những năm 1950, và cho đến nay nó đã có mặt trên 70 quốc gia. Vậy là phương pháp rèn luyện tâm, thân, vượt qua mọi biên giới, chủng tộc đã được công nhận trên thế giới với 1.500.000 người đang tham gia tập luyện.

Để lấy tư liệu viết bài này, chúng tôi đã gặp gỡ, trò chuyện cùng ông Horizoe Katsumi là võ sư 7 đẳng huyền đai của Bộ Tư pháp Nhật Bản. Ông may mắn được thọ giáo môn võ Aikido từ chính tổ sư UESHIBA Morihel - người sáng lập ra môn võ này. Horizoe Katsumi cũng chính là Giám đốc đầu tiên của Trung tâm Hợp tác Nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản. Do những thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và giao lưu văn hoá tại Việt Nam nên năm 2000, ông đã được Chính phủ Nhật Bản giao cho trọng trách này. Với tư cách là một hoạt động giao lưu văn hoá của Trung tâm hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản, Horizoe Katsumi cho rằng, các học sinh Việt Nam tiến bộ rất nhanh. Sự trẻ trung, khoẻ khoắn của các bạn thanh niên Việt Nam chính là niềm vui, niềm hạnh phúc và là động lực để ông tiếp tục làm việc, cống hiến cho sự đào tạo nhân tài của Việt Nam.

Horizoe Katsumi bắt đầu luyện tập kiếm đạo - môn võ truyền thống của Nhật Bản từ khi còn rất nhỏ. Mới 5 tuổi cha ông đã tử trận ở cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, không cam chịu hoàn cảnh không được nhận sự dạy dỗ từ cha, Horizoe Katsumi đã quyết tâm tu rèn bản thân. Horizoe Katsumi nhớ lại: “Năm 20 tuổi, tôi được xem động tác kiếm của Aikido khi gặp gỡ sư phụ UESHIBA Morihei. Chính điều đó đã làm tôi cảm kích trước các động tác kiếm đạo của Aikido. Cho đến nay, tôi đã từng thắng nhiều lần ở các cuộc thi kiếm đạo. Ngay trong CLB kiếm đạo ở trường đại học, tôi cũng luôn đứng vào hàng ngũ thủ lĩnh, nhưng tôi đã cảm thấy thể thao kiếm đạo, dần dần tách rời với bản chất của võ đạo vì nó quá câu nệ vào sự thắng thua. Những năm đầu thập niên 80, tôi đã từng được chứng kiến sư phụ UESHIBA Morihei với vóc dáng nhỏ bé, chiều cao chưa đến 1m50 mà lại có thể ném bay sang phải hay sang trái những người đàn ông có chiều cao cỡ 1m80 như ném một đứa trẻ con. Tôi nhận thấy trên gương mặt ông là một nụ cười nhu hoà, ánh mắt ông ánh lên sự tinh anh, và tôi cũng cảm nhận được sự tôn nghiêm và thông thái toả ra từ con người ông. Tôi đã đi vòng quanh thế giới và giúp bè bạn năm châu hiểu thêm về văn hoá Nhật Bản qua Aikido.”

Phóng viên đã được võ sư Horizoe Katsumi hướng dẫn một vài động tác của Hiệp khí đạo Aikido và khi chạm vào cơ thể Horizoe Katsumi, anh đã thốt lên như chạm phải... đá. Ở tuổi 63, Horizoe Katsumi có thể lực và sự trẻ trung của một người trên 40 tuổi.


Tuấn Anh (Theo TTVN)