PDA

View Full Version : Bí quyết sống lâu nhất thế giới của người Nhật ở đâu?



Kasumi
04-03-2006, 04:06 PM
Nhật hiện đang là nước có tuổi thọ cao nhất thế giới. Ở trong nước Nhật, người dân ở hòn đảo Amami nằm giữa Okinawa và Kyushu, thuộc về tỉnh Kagoshima, có tuổi thọ cao nhất Nhật bản. Nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài Nhật bản đã phân tích những nguyên nhân dẫn đến người Nhật có tuổi thọ cao nhất thế giới, và Amami là một tâm điểm nghiên cứu. Các nhà khoa học nhận thấy rằng có những điều mà đến nay vẫn chưa được khám phá rõ ràng đó là sự giàu các chất khoáng trong không khí và nước mà người dân hòn đảo thở và dùng hàng ngày, cùng với lượng hải sản, rong biển, đường nâu được tiêu thụ nhiều, có thể là những nhân tố quan trọng nâng cao tuổi thọ. Ngoài ra, một cuộc sống lành mạnh cũng đóng góp một phần không nhỏ.

Phụ nữ Nhật lại đứng đầu thế giới về tuổi thọ

Theo số liệu gần đây nhất của Bộ Sức khỏe, Lao động và Phúc lợi xã hội (năm 2002), nam giới Nhật bản có tuổi thọ trung bình là 78.32 năm, và nữ giới là 85.23. Điều đó có nghĩa là nam giới đã được tăng lên 0.25 năm và nữ giới là 0.30 năm so với năm 2001 và là lần đầu tiên tuổi thọ của nữ giới vượt qua 85 tuổi. So sánh trên thế giới, đàn ông Hong Kong có tuổi thọ cao nhất thế giới (78.4), tiếp theo là Nhật, và Iceland (78.1) (số liệu năm 2001). Phụ nữ Nhật có tuổi thọ cao nhất thế giới, tiếp theo là Hong Kong (84.6) và Switzerland (82.6) (số liệu năm 2000).

Theo kết quả nghiên cứu về di truyền, thì người Nhật không hề có điều gì đặc biệt khác với mọi người trên thế giới. Tuổi thọ của người Nhật tăng cao nhờ có mức sống tốt, phòng chống bệnh tật hiệu quả, có những tiến bộ vượt bậc trong y học, sự giảm bớt tai nạn và không có chiến tranh. Những nước kinh tế đã phát triển có tuổi thọ gấp đôi tuổi thọ của họ trong thế kỉ 18, khi mà mọi người có tuổi thọ trung bình từ 35-40. Người Nhật không hề vượt ngưỡng tuổi thọ quá 50 tuổi cho đến tận sau khi Chiến tranh Thế giới II kết thúc. Cho đến năm 1980, đàn ông Nhật đứng thứ hai sau Iceland về tuổi thọ, và phụ nữ Nhật có tuổi thọ cao nhất thế giới.

Tuổi thọ của cả nam giới và nữ giới Nhật tăng đều trong tất cả 47 tỉnh của Nhật tính từ năm 1975-2000. Trong thời gian đó, các tỉnh Nagano, Fukui, Kanagawa, Shizuoka và Gifu có tuổi thọ nam giới cao nhất. Tỉnh Okinawa có tuổi thọ nữ giới cao nhất Nhật bản trong suốt thời kì trên. Từ 1975-1995, tuổi thọ nam giới ở Okinawa chiếm vị trí số 1, nhưng đến năm 2000 đã bị sụt giảm đi 0.42 tuổi và đã bị rớt hạng.

Chất khoáng, cá, và kiểu sống là chìa khóa của tuổi thọ

Tại đảo Amami, mọi người đều biết đến bà Hongo Kamato, người đã thọ 116 tuổi và đã được ghi và cuốn sổ Guinness là người sống lâu nhất thế giới hiện đang còn sống, trước đó là Izumu Shigechiyo, người đã mất năm 1986 và thọ 120 năm 237 ngày. Trung bình có 10.7 người thọ trên 100 tuổi trong 100,000 dân Nhật, thì ở tỉnh Kagoshima có 21.52 người, ở tỉnh Okinawa là 31.9 người, và ở hòn đảo Amami là 56.7 người (số liệu thống kê tính từ năm 1998-2002).

Năm ngoái (2003), tỉnh Kagoshima đã tiến hành một cuộc nghiên cứu về các nhân tố dẫn đến tuổi thọ cao của người dân trong tỉnh. Những yếu tố về môi trường thiên nhiên như bờ biển và lượng nắng, các kiểu sống khác nhau của con người như chế độ dinh dưỡng, và môi trường xã hội gồm vai trò của người già trong cộng đồng địa phương.

Nghiên cứu trên đã khám phá ra rằng, hòn đảo Amami đã có những điều kiện đặc biệt liên quan đến tuổi thọ cao nhất trong Nhật: (1) vì Amami bao quanh bởi đại dương và có gió rất mạnh, tại đây lại có một số ngọn núi cao đã ngăn gió lại khiến cho rất nhiều chất khoáng từ biển đã được đưa vào không khí ở mọi vùng của hòn đảo, (2) người dân hàng ngày tiêu thụ 97.1 g hải sản, trên mức trung bình của người Nhật trên toàn quốc là 92g, trong đó phần lớn mọi người ở đây lại tiêu thụ một lượng lớn rong biển và đường nâu và cả hai loại này đều rất giàu các chất khoáng, (3) nước uống trên đảo có hàm lượng khoáng cao, trung bình là 92g / lít so với mức trung bình trên toàn Nhật là 52.8 g. Ngoài ra người dân ở Amami luôn có lòng yêu thương chăm sóc con cháu rât đặc biệt, người cao tuổi thường chăm chỉ vận động, đi bộ nhiều, với nhiều hoạt động khác trong cuộc sống dẫn đến tuổi thọ cao.

Đến tận trước khi mất, bà Hongo ở đảo Amami có một kiểu sống rất lạ. Bà ngủ liền trong 2 ngày và sau đó thức không ngủ trong 2 ngày. Bà thường uống loại rượu Shochu (loại rượu truyền thống của Nhật làm từ đường nâu, loại đường được biết đến giảm xơ cứng mạch máu), cũng như hay ăn đường nâu. Những người dân ở đảo Amami cũng hay sử dụng đồ uống giống như bà. Trong những năm tới, có lẽ người dân ở Amami lại chiếm kỉ lục về số người cao tuổi nhiều nhất Nhật bản.

Bkduan
(Dịch và tổng hợp)
vysak.com

Taichi
04-03-2006, 04:36 PM
uhm...hum bữa coi TV, thấy ng` ta nói là do ăn rau là chủ yếu nên người ta mới sống lâu như vậy.hình như cũng có gạo trong đó.thank Ka for good news.

Kasumi
14-05-2007, 07:01 PM
Bí mật trường thọ của người Nhật Bản


http://img207.imageshack.us/img207/1/imageviewkk2.jpg (http://imageshack.us)
Cụ bà Yone Minagawa, 114 tuổi

Nhật Bản chưa từng trở thành nền kinh tế số 1 thế giới, Tuy nhiên, có một điều mà đất nước hoa anh đào tự hào có thể vượt trội tất cả các nước: đó là tuổi thọ của người dân.

Kể từ năm 1947, Bộ Y tế Nhật Bản bắt đầu ghi lại số liệu tuổi thọ của người dân nước này. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2004, người Nhật Bản là người dân sống thọ nhất thế giới với tuổi thọ trung bình là 81,9 tuổi.

Và khi xã hội Nhật Bản đang già đi nhanh chóng, không khó để tìm ra những người có thể làm chứng cho vị thế quán quân về tuổi thọ của Nhật Bản: Hơn 1/5 trong số 126 triệu dân Nhật Bản sống đến năm 65 tuổi hoặc già hơn. Trong số những người này, đáng kinh ngạc là hơn 1 triệu người ở tuổi 90 hoặc hơn. Tính trên toàn dân số Nhật Bản, cứ 10.000 dân thì có 14,09 người sống đến trăm tuổi.

Đầu năm nay, cụ bà Yone Minagawa, 114 tuổi, người cao tuổi nhất Nhật Bản đã được công nhận là người cao tuổi nhất thế giới.

Không chỉ có thế. “Tuổi thọ mạnh khoẻ” của Nhật Bản - một chỉ số của WHO dùng để đo số năm mà người ta có khả năng đáp ứng những nhu cầu hàng ngày như ăn, mặc và tự đi toa lét (gọi tắt là HALE) - cũng đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu với mức năm trung bình đạt 75 năm.

Chế độ ăn ít chất béo

Vậy thì bí mật của người Nhật Bản là gì? Hay bí mật đó nằm trong gen? “Không phải thế”, đó là khẳng định của Ichiro Tsuji, giáo sư Sức khoẻ Công cộng trường Graduate School of Medicine thuộc Đại học Tohoku. GS. Tsuji nghiên cứu về sự lão hóa và đã tham gia cuộc khảo sát toàn quốc năm 1998 về những người từ 80 - 85 tuổi.

Theo ông Tsuji, trước chiến tranh, người Nhật Bản sống đoản thọ hơn nhiều so với người phương Tây. Nhưng chỉ trong 20 năm gần đây, họ đã trở thành người sống thọ nhất trên thế giới.

GS. Tsuji cho rằng sự trường thọ của người Nhật Bản là do chế độ ăn lành mạnh, ít chất béo vốn là điều tiêu biểu ở nước Nhật. Chính điều này khiến tỷ lệ các ca đau tim và đột qụy ở Nhật Bản thấp hơn nhiều so với các nước khác. GS. Tsuji cũng đề cập đến hệ thống bảo hiểm y tế công cộng phổ biến ở Nhật Bản đã cho phép tất cả mọi người được chăm sóc sức khỏe với chi phí tương đối rẻ, rồi hệ thống thoát nước thải được cải thiện sau chiến tranh cũng mang lại rất nhiều lợi ích.

GS. Tsuji cho biết khi đi vào điều tra cụ thể hơn, người ta phát hiện thấy các ông bà già cao tuổi thường có "12 thói quen" sau:

* Ăn ba bữa mỗi ngày vào những thời điểm không đổi.
* Nhai kỹ thức ăn.
* Ăn nhiều chất xơ từ rau và hoa quả.
* Uống trà thường xuyên.
* Không hút thuốc.
* Có bác sĩ tại gia.
* Độc lập.
* Tham gia những hoạt động giúp thay đổi tâm trạng.
* Đọc báo.
* Xem tivi.
* Thường xuyên đi ra ngoài.
* Thức dậy và ngủ dậy vào những giờ không đổi.

Xét trên toàn cầu, nước có tuổi thọ cao liền sau Nhật Bản là Monaco (trung bình người dân sống đến năm 81,2 tuổi, trong đó số năm sống mạnh khoẻ là 72,9 năm).

Tiếp theo là San Marino với tuổi thọ trung bình của người dân là 80,6 tuổi, số năm sống mạnh khoẻ là 73,4 năm.

Ở Australia, tính trung bình, người dân sống đến năm 80,4 tuổi, số năm sống mạnh khoẻ là 72,6.

Tuổi thọ trung bình của dân Pháp là 79,8 tuổi (xếp hạng 25) với số năm sống mạnh khoẻ là 70,6.

Tuổi thọ trung bình của dân Mỹ là 77,3 tuổi (xếp hạng 27) với số năm sống mạnh khoẻ là 69,3 năm.

Tuy nhiên, GS. Tsuji cũng cảnh báo rằng tương lai của tuổi thọ ở Nhật Bản thì không sáng sủa lắm. Trên thực tế, số liệu thống kê trong năm 2005 mà Bộ Y tế Nhật Bản thông báo mới đây cho thấy phụ nữ Nhật Bản vẫn có tuổi thọ cao nhất thế giới nhưng tuổi thọ của nam giới nước này chỉ xếp hạng 4 trên thế giới. Lần đầu tiên trong 32 năm qua, đất nước mặt trời mọc không còn nằm trong top 3 nước cao nhất trên thế giới xét về tuổi thọ của nam giới. Tính chung cả hai giới, tuổi thọ của người Nhật giảm lần đầu tiên trong 6 năm gần đây.

Thay đổi về xã hội: Yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe

GS. Tsuji chỉ ra rằng số lượng người hút thuốc tăng mạnh trong giai đoạn sau chiến tranh và thói quen ăn uống đã thay đổi đáng kể khi người dân Nhật Bản ăn nhiều hơn lượng thức ăn có lượng chất béo cao như thịt. Ngày nay, hơn một nửa đàn ông Nhật Bản hút thuốc - chiếm mức cao nhất trong các nước phát triển, cao gấp đôi so với tỷ lệ ở Mỹ.

Tuy nhiên, có lẽ sự thay đổi về xã hội có nguy cơ lớn nhất ảnh hưởng đến triển vọng sức khoẻ của người dân Nhật là sự biến mất của những mạng lưới cộng đồng. Với xu hướng chuyển từ gia đình nhiều thế hệ sang gia đình hạt nhân (gia đình chỉ có cha mẹ và các con), người già ngày càng bị tước mất cảm giác an toàn, được bảo vệ.

Hậu quả là, mặc dù không có con số thống kê chính thức, vẫn có nhiều ca người già bị chết bởi “cô đơn” trong ngôi nhà của họ, đặc biệt là trong các thành phố. Chính cụ bà Yone Minagawa cũng tổ chức sinh nhật lần thứ 114 của mình vào ngày 4-1-2007 tại một nhà dưỡng lão ở thị trấn Fukuchi (tỉnh Fukuoka, Nhật Bản).

Ngoài ra, GS. Tsuji cũng nhấn mạnh rằng truyền thống văn hóa lâu đời của Nhật Bản là tôn trọng người già "đang lụi tàn nhanh chóng". Ông nói rằng nếu cứ theo đà này, người Nhật Bản có thể không tiếp tục chiếm mức tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới trong tương lai.

THƯƠNG VŨ (Tổng hợp)
TTOL

Kasumi
04-01-2012, 05:05 AM
Chế độ ăn uống khoa học, thường xuyên thực hành các phép dưỡng sinh là bí quyết giúp người dân Nhật có tuổi thọ cao nhất thế giới.

Bên cạnh chế độ ăn uống khoa học, thường xuyên thực hành các phép dưỡng sinh cũng là bí quyết giúp người dân ở đất nước này sở hữu kỷ lục đó.

Theo các nhà khoa học thuộc hội Dinh dưỡng Tokyo (Nhật), bí quyết sống khoẻ của người Nhật là sự tổng hoà của nhiều yếu tố: chế độ ăn uống, khí hậu, lối sống, vận động thể lực và cuộc sống tinh thần ổn định. Một yếu tố quan trọng khác là tâm trí thảnh thơi, không bị căng thẳng trước cuộc sống hàng ngày.

Trong cuốn Cẩm nang sống khoẻ của người Nhật do hội này xuất bản đã trích giới thiệu một số động tác dưỡng sinh để mọi người thực hành hàng ngày. Động tác tuy đơn giản nhưng hiệu quả thì rất kỳ diệu, nếu thường xuyên tập luyện.


http://giadinh.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2009/08/25/nhat.jpg

Ngủ dậy nên uống một cốc nước

Khi ngủ các cơ phận của con người ít hoạt động hay hoạt động chậm lại, chức năng cũng giảm đi nhiều. Khi ngủ dậy buổi sáng, cơ thể đã bắt đầu hoạt động trở lại. Nước được uống vào lúc này sẽ được dạ dày hấp thụ một cách trọn vẹn và đầy đủ, truyền vào máu để cung cấp đủ chất dịch cho hoạt động cơ thể.

Trước khi dùng trà buổi sáng cũng nên uống một ly nước lạnh. Nước uống nên pha thêm vào một chút muối và nên là nước sôi để nguội. Có thể bắt đầu uống 250ml, sau tăng lên từ 500 – 1.000ml.

Xoa mặt và cổ

Dùng khăn mặt nhúng vào nước lạnh (mùa hè) hay nước ấm (mùa đông) để tuần tự kỳ cọ, xát mạnh vào những cơ phận trên mặt và trên cổ, cho đến khi da ửng đỏ lên. Thời gian trong khoảng từ ba đến năm phút. Xoa bóp cổ có thể kích thích tuyến giáp trạng, thúc đẩy kích thích tố. Xoa bóp mặt cải thiện tuần hoàn máu huyết, giảm các vết nhăn trên da mặt.

Tẩm quất đầu và cổ

Nắm tay thành quả đấm tẩm vào trán 50 cái, cổ 50 cái sẽ giúp não bộ hoạt động minh mẫn hơn.

Tắm nước lạnh, tắm nước ấm

Khi tắm, trước tiên dùng xà phòng xoa thành bọt, sau đó chà xát và xối nước lạnh. Người nam xối từ bụng đến tinh hoàn. Người nữ xối từ bụng xuống âm hộ. Xối lạnh bộ phận đó mục đích là kích thích hoạt động cơ năng này được tốt. Nếu mỗi ngày tắm xối hai hay ba lần thì hiệu quả rất cao.

Ấn đùi non

Khi tắm dùng ngón cái ấn đùi non khoảng 50 cái. Khi mệt sẽ cảm thấy hơi đau nhưng ấn mười mấy cái là hết đau. Phương pháp này không những giúp loại trừ mệt nhọc ở đôi chân, mà còn có thể tăng cường ham muốn tình dục.

Ấn bụng

Trước khi ngủ, đan ngón tay vào nhau, dùng lòng bàn tay (trừ hai ngón cái) ấn lên bụng, đặc biệt vùng chung quanh rốn, ấn lên bụng non. Làm từ trên xuống, mỗi tối khoảng từ 5 đến 10 lần. Phương pháp này làm khoẻ nội tạng, có tác dụng nâng cao chức năng dạ dày. Người yếu dạ dày có thể làm thêm mấy lần.

10 bài học sức khỏe của người Nhật

Bớt ăn thịt, ăn nhiều rau
Bớt ăn mặn, ăn nhiều chất chua
Bớt ăn đường, ăn nhiều hoa quả
Bớt ăn chất bột, uống nhiều sữa
Bớt mặc nhiều quần áo, tắm nhiều lần
Bớt đi xe, năng đi bộ
Bớt phiền muộn, ngủ nhiều hơn
Bớt nóng giận, cười nhiều hơn
Bớt nói, làm nhiều hơn
Bớt ham muốn, chia sẻ nhiều hơn


Những bài học trên có tác dụng rất lớn đối với những người bị tăng huyết áp, bệnh tim mạch, ung thư dạ dày, viêm gan…


Theo giadinh.vcmedia.vn

Kasumi
10-04-2012, 11:28 AM
Bí quyết ăn uống của người Nhật

Ai cũng biết, người dân Nhật Bản có tuổi thọ cao nhất thế giới mà phần lớn bí quyết nằm ở chế độ ăn uống lành mạnh. Những công thức để sống thọ dưới đây đúc kết từ Nhật Bản có thể không mới nhưng vấn đề ở chỗ, họ đã thực hành theo cả đời để sống lâu và khỏe mạnh.



http://www.anninhthudo.vn/Uploaded/sonhm/2012_04_09/nguoi-Nhat.jpg
Bữa ăn thường ngày của một gia đình người Nhật

1. Thành phần nguyên liệu nổi bật nhất trong căn bếp của người Nhật là một số thực phẩm đơn giản nhưng là cơ sở cho các bữa ăn hàng ngày: Cá, rau biển, rau quả, đậu nành, gạo, trái cây, trà xanh.

2. Người Nhật thích nấu ăn tại nhà. Bữa ăn truyền thống của họ gồm một bát cơm, cá nướng, rau luộc, súp đậu hũ, trái cây tráng miệng và trà xanh. Người Nhật tiêu thụ gần 10% thực phẩm cá của thế giới, mặc dù dân số của họ chỉ chiếm 2%, cụ thể hóa thì mỗi người dân Nhật ăn cá gấp 5 lần so với người dân khác trên thế giới. Hàm lượng acid béo omega-3 được bổ sung hàng ngày là lý do giải thích tại sao họ lại sống lâu và khỏe mạnh đến thế. Chưa kể người Nhật cũng tiêu thụ rau cải, súp lơ xanh, cải bắp, cải xoăn… gấp 5 lần người Mỹ.

3. Bí quyết nấu ăn cơ bản của người Nhật là sử dụng đồ tươi và đúng lúc. Theo Naomi Moriyama - tác giả cuốn sách “Phụ nữ Nhật không già và béo” thì siêu thị Nhật Bản luôn cung cấp đồ tươi. Thực phẩm đóng gói không chỉ đề ngày mà đề giờ, bởi những người nội trợ ở nước này chọn mua cá, thịt, rau, hoặc chuẩn bị bữa ăn khi thực phẩm chỉ vừa được đóng gói nửa giờ trước trong ngày hôm đó.

4. Khẩu phần ăn của người Nhật nhỏ và ăn thành nhiều bữa. Từ thời thơ ấu, họ đã được dạy phải ăn chậm, thưởng thức từng miếng trong khi đĩa thức ăn có kích thước nhỏ (so với Mỹ thì đĩa thức ăn này chỉ bằng 1/3). Cách trình bày thức ăn đã nấu chín tại nhà cũng tuân theo nguyên tắc: Không bao giờ đắp đầy, mỗi món phục vụ riêng, thường là vừa đủ, mang vẻ đẹp tự nhiên và tốt nhất là đồ tươi.

5. Cách chế biến thức ăn thường là nấu chín nhẹ nhàng với các kỹ thuật như hấp, áp chảo, xào, hầm hoặc nướng nhanh. Các đầu bếp Nhật Bản thích sử dụng dầu tốt cho trái tim và nước dùng là hương vị theo mùa. Và quan trọng là bữa ăn đủ để cảm thấy hài lòng nhưng không quá no.

6. Người Nhật ăn cơm hàng ngày, đó là biểu hiện khác biệt rõ nét nhất giữa người phương Đông và phương Tây. Thường xuyên dùng bột mì tinh chế chính là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh béo phì ở các nước phương Tây.

7. Tại Nhật Bản, bữa sáng được coi là bữa ăn quan trọng nhất và lớn nhất trong ngày. Bữa ăn này có thể bao gồm một số món nhỏ như cơm, súp đậu hũ và hành lá, lá rong biển, trứng tráng hoặc một miếng cá, trà xanh…

8. Món tráng miệng có vị ngọt ít phổ biến. Điều đó không có nghĩa là người Nhật không thích sô-cô-la, bánh ngọt, kem… Thay vào đó, họ hiểu điểm dừng khi “thả” cho sự thèm ăn và tránh những tổn hại nếu ăn quá nhiều.

9. Người Nhật có ý thức và được khuyến khích thưởng thức nhiều dạng thực phẩm mà không cần quan tâm đến chế độ ăn kiêng hay thừa cân béo phì. Tuy nhiên, việc tiêu thụ đồ ăn nhanh trong thanh niên Nhật Bản ngày nay bắt đầu gia tăng.

10. Tập thể dục là trào lưu phổ biến ở Nhật Bản. Theo một câu chuyện đăng trên tạp chí TIME năm 2004 “Làm thế nào để sống đến trăm tuổi”, người Nhật có sức khỏe tốt và thể trạng tuyệt vời, những con người ưa hoạt động này kết hợp nhiều bài tập thể dục ngẫu nhiên mỗi ngày. Họ đã tạo ra một môi trường khuyến khích đi xe đạp, đi bộ, đi bộ đường dài và nói chung là hoạt động liên tục.


Yến Chi (Theo Care2)
ANTĐ