PDA

View Full Version : Rừng đang bị mục



Kasumi
04-03-2006, 04:10 PM
Để cứu lấy những khu rừng đang bị hủy hoại, chính phủ Nhật đang kêu gọi… khai thác gỗ rừng nhiều hơn.

Gần đây ở Nhật xảy ra một hiện tượng bất thường. Một người đàn ông 61 tuổi ở Nagano đã bị một con gấu từ trong rừng đi ra tấn công và giết chết trong khi ông đang đi dạo cùng với con chó cưng. Tại Toyama, các nhà thiên văn đã buộc phải đóng cửa một trạm quan sát cho đến khi gấu rừng đi vào giấc ngủ đông. Một nông dân sống gần thành phố Sendai cho biết toàn bộ củ cải, bông cải do ông trồng đã bị đám khỉ rừng đến ăn hết sạch. Nai rừng cũng đã gậm nhấm hết lá cây ở vùng ngoại ô Tokyo. Hiện tượng này nói lên điều gì?

Phá rừng không bằng cưa máy

Theo ông Takeshi Maeda, một thượng nghị sĩ đồng thời là chuyên gia đất đai, các khu rừng của Nhật đang bị mục dần. Ông giải thích: Trong những thập kỷ gần đây, các công ty sản xuất gỗ ở Nhật đã tàn phá rừng, nhưng không phải bằng cưa máy hay xe ủi. Các công ty này đã nhập khẩu hầu hết lượng gỗ mà họ cần và bỏ bê trong nhiều năm các khu rừng từng được chăm sóc cẩn thận.

Ông Takeshi nói rõ thêm: Rừng ở Nhật không được khai thác đã bị trả về trạng thái tự nhiên, và dẫn đến thảm họa như ngày nay. Trên cây rừng quả dại mọc đầy. Mà đây lại là thức ăn của thú rừng. Mỗi khi có bão quét, nguồn cung ứng thức ăn bị gián đoạn và thú rừng phải rời khỏi rừng, đe dọa đến nông dân và người dân sống ở các vùng ngoại ô gần rừng.

Và như vậy, trong khi cả thế giới đang phải giải quyết vấn nạn khai thác rừng bừa bãi, thì Nhật lại gặp vấn đề ngược lại.

Hơn nữa, người Nhật từng chung sống thuận hòa với thiên nhiên và rừng suốt nhiều thế kỷ. Một số khu rừng trên cao nguyên được giữ nguyên trạng thái tự nhiên để bảo tồn các loại cây lá to và cây thông; trong khi số khác được con người trồng thêm vào đó cây sồi, hạt dẻ và những loại cây khác. Theo truyền thống "ki no bunka" - văn hóa gỗ của Nhật, người ta chỉ được khai thác một cách chọn lọc những cây đã đủ tuổi. Những cây đủ tuổi sẽ được dùng làm than, một số thì được các nghệ nhân sử dụng để xây dựng các ngôi nhà gỗ.

Nhưng trong thế chiến II, nhu cầu sử dụng gỗ của quân đội Nhật tăng mạnh, dẫn đến việc khai thác rừng tràn lan. Sau chiến tranh, tình trạng khai thác không được kiểm soát này vẫn kéo dài do nhu cầu xây dựng nhà ở tăng cao. Do muốn nhanh chóng phục hồi rừng, những người chủ đất hầu như chỉ trồng cây tuyết tùng mọc nhanh, và trồng chúng san sát với nhau.

Giờ đây, 40% diện tích rừng ở Nhật bao phủ bởi cây tuyết tùng và cây bách do những người nông dân - chủ đất trồng từ những năm 50 của thế kỷ trước. Vì khi các loại cây này chưa kịp trưởng thành - tức là vào những năm 1960 - 1970, các công ty trong ngành xây dựng Nhật, với sự khuyến khích của chính phủ, đã nhập khẩu gỗ từ Mỹ và Canada.

Không chăm sóc rừng

Hiển nhiên, những người trồng rừng đơn lẻ ở Nhật không thể cạnh tranh nổi với các công ty gỗ hùng mạnh nước ngoài. Vì thế họ đã bỏ mặc, không chăm sóc những khu rừng tuyết tùng và cây bách của mình. Cục Lâm nghiệp Nhật ước tính hiện nay có đến 80% rừng trồng cần phải được chăm sóc.

Một người trồng rừng là ông Nabuyoshi Matsuki cho biết ông từng được khuyến khích trồng hàng trăm cây tuyết tùng con trên một khoảnh đất nhỏ. Ông nói: "Hầu hết số cây trên đúng ra phải đốn sau hai thập kỷ nhưng chúng đã bị lãng quên, và sống èo uột ở đó".

Theo các chuyên gia, điều mà các khu rừng ở Nhật đang cần là sự dang tay cứu giúp của công nghiệp gỗ. Mikito Sakata, phát ngôn viên của Cục Lâm nghiệp Nhật, cho biết: "Điều đang gây ra các khó khăn là rừng trồng không thể nào trở thành rừng hoang tự nhiên được. Chúng cần bàn tay của con người để có thể phát triển một cách lành mạnh".

Trong thực tế, hiện nay tại Nhật đang có một phong trào môi trường quảng bá cho việc sử dụng gỗ nội địa, ngay cả khi chúng đắt hơn gỗ nhập khẩu. Tại một phiên họp quốc hội gần đây, Thủ tướng Junichiro Koizumi đã gợi ý, đề nghị sử dụng gỗ Nhật thay cho bê tông làm hàng rào bảo vệ trên những con đường cao tốc. Cục Lâm nghiệp Nhật cũng bắt đầu quảng bá việc sử dụng gỗ rừng trồng trong trường học, và tại các công trình công cộng khác thay cho gỗ nhập khẩu.

Nhưng sự thay đổi trên đòi hỏi phải có những chiến dịch giáo dục nhằm làm cho người dân thay đổi thói quen sử dụng gỗ; lâu nay họ chỉ sử dụng gỗ nhập khẩu hoặc hay tiết kiệm những vật dụng bằng gỗ. Vì thế, chẳng hạn, các chuyên gia đang cố gắng thuyết phục người Nhật rằng sử dụng đũa dùng một lần rồi bỏ sẽ không gây hại đến môi trường nếu loại đũa đó được làm từ gỗ rừng trồng.

Ngọc Trung (Thời báo Kinh tế Sài gòn)
vysa.jp