PDA

View Full Version : Gấu - nỗi lo của nông dân Nhật Bản



Kasumi
04-03-2006, 04:14 PM
Những tiêu đề như "Gấu tấn công người" đã không còn xa lạ trên các mặt báo hàng ngày ở đất nước mặt trời mọc. Theo tờ nhật báo Kyodo News, kể từ tháng 4, chính phủ đã thống kê có ít nhất 1 người thiệt mạng và hơn 90 người bị thương do bị gấu tấn công.


Mùa thu này, những người dân ở vùng nông thôn Nhật Bản càng đối diện với nỗi kinh hoàng này hơn lúc nào hết. Trong khi dân số ngày càng giảm thì trái lại, gấu lại tăng lên thấy rõ cả về số lượng cũng như chủng loại.

Rất nhiều trường hợp thương tâm được dẫn ra như ngày 11 tháng 10 vừa qua, hai con gấu đã tấn công cụ bà Shizuko Sasai, 76 tuổi, trong lúc đang làm đồng ở Toyama, một hòn đảo trên vùng biển Nhật Bản. Một vài phút sau, hai con gấu lại tiếp tục tấn công cụ ông Masatosshi Yamazaki, 77 tuổi, khi ông đang đi dạo trên đường. Và nạn nhân cuối cùng là cụ Taku Murai, 90 tuổi, khi cụ đang ngồi hóng mát trước cửa nhà.

Trên bán đảo Shiretoko - tiếng Nhật có nghĩa là ''Tận cùng của trái đất" - bình thường là một vùng không mấy có sự hiện hữu của thú vật hoang. Bán đảo này nằm ở phía Bắc Nhật Bản và rất gần khu bảo vệ động vật tự nhiên của Nga. Giờ đây, rất nhiều người dân địa phương quả quyết chính họ đã nhìn thấy những con gấu hung tợn vào vườn phá phách mùa màng và hoa quả một cách vô tội vạ. Thậm chí, nhiều người dân đã bị gấu hành hung. Họ cho rằng những con gấu này đã vượt qua biển Okhotsk ở Nga để tới đây.

Đối với một đất nước không mấy "mặn mà" với những loài thú hoang dã như Nhật Bản thì gấu đang là một vấn nạn lớn, đặc biệt ở Shari, một làng du lịch ven biển gần Công viên Quốc gia Shiretoko. Ở đây, trong thập kỷ vừa qua, những con gấu nâu giống Ursus arctos từ chỗ chỉ có 41 con vào năm 1993 đã nhanh chóng sinh sôi nảy nở lên gấp 10 lần, tới 488 con vào năm 2003. Tới năm 2004, số lượng này có giảm đi nhưng không đáng kể: 442 con theo thống kê mới nhất, ngày 21 tháng 10. Việc săn bắn trong công viên đã bị cấm từ năm 1982. Chính điều này đã tạo cơ hội để loài gấu to và không sợ người này nhân sĩ số lên một cách đáng kể như vậy. Trên khắp đất nước Nhật, khu công viên rộng 188 dặm vuông ở phía Bắc của Hokkaido là nơi có mật độ gấu duy nhất, khoảng 1 con trên một dặm vuông.

Cứ mỗi tháng 10 về, khi những đợt gió mùa thu bắt đầu tràn ngập đất trời và các cây sồi chuyển sang một màu vàng pha đỏ thì hàng nghìn khách du lịch lại đổ về Shari để thưởng thức cảnh đẹp có một không hai. Đa phần, khách du lịch tới từ Tokyo. Có khoảng 2,3 triệu người tới Shiretoko hàng năm và Chính phủ Nhật Bản đang đề nghị UNESCO xem xét để công nhận đây là một Di sản Thế giới nhưng chính gấu làm cho tiến trình này chậm trễ hơn bao giờ hết. Tháng 7 vừa qua, một đoàn thanh tra quốc tế của UNESCO đã đụng độ phải 2 con gấu nâu lớn. Những tiếng động chát chúa hay đạn cao su không hề làm cho chúng hoảng sợ. Vài tuần trước dó, một con gấu cái dữ tợn cũng đe dọa một đoàn khách đang đi dạo gần hồ Niko. Kết quả là chính quyền đã phải ngăn cách và đóng cửa nhiều điểm hấp dẫn trong công viên nhằm bảo đảm an toàn cho khách trong cả mùa hè.

Rất nhiều bảng hiệu thông báo màu cam được dán ở khắp nơi trong vùng, từ các cửa hàng lưu niệm, bưu điện, nhà hàng cho tới các nhà vệ sinh công cộng. Trên đó thường viết: ''Đừng bao giờ tới gần gấu", "Đừng cho gấu ăn" hoặc ''Hãy kêu cứu nếu gặp phải gấu''. Ông Kazuo Toyama, kiểm lâm của Shireotoko, nói: "Chúng tôi luôn cố gắng thông báo cho người dân biết mức độ nguy hiểm của gấu và luôn mong có sự hợp tác từ phía họ, ví dụ như tìm ra những con gấu hoang từ phân của chúng trên đường chẳng hạn!''.

Cũng bởi du lịch là mạch máu chính của nền kinh tế Hokkaido, nên chính quyền đang xem xét một giải pháp, đó là xây dựng một lối đi riêng được nâng cao hơn so với mặt đất cho phép du khách có thể ung dung đi tham quan trong thế giới của loài gấu mà vẫn an toàn tối đa, nhưng đó mới chỉ là kế hoạch trên bàn giấy.

Lý do được đưa ra cho tình trạng này là bởi một loạt những trận bão gần đây đã phá hoại mùa thu hoạch quả dầu (acorn harvest), món ăn ưa thích của gấu. Hoặc mỗi khi gió to những con gấu trở nên hoảng sợ và bị kích động khiến chúng tiến tới gần khu vực sinh sống của con người. Cũng bởi rừng ở Nhật Bản ngày càng trở nên hiếm hoi những loài cây dại thân mềm và thay vào đó là những cây cổ thụ và rất nhiều đập nước được xây

dựng khiến lượng cá ở các sông hồ giảm đi đáng kể. Tất cả những điều trên đều dẫn đến tình trạng thiếu thức ăn nghiêm trọng cho loài gấu, khiến chúng tấn công con người.

Cuối tháng 11 là thời gian bắt đầu mùa ngủ đông của loài gấu. Nếu chính phủ Nhật Bản không sớm tìm ra giải pháp cho vấn nạn gấu này thì ước tính hết năm 2004, con số những người bị thương do gấu tấn công sẽ vượt quá ngưỡng 100, gấp 10 lần so với con số trung bình 11,3 của 10 năm trước đó.


Theo SGGPTB
vysa.jp