PDA

View Full Version : Phật giáo ở Nhật Bản



BioShock
09-11-2005, 07:36 PM
Ngày xưa, khi một người Nhật ra đời, cha mẹ đưa anh ta vào đền thờ Thần Đạo (Shinto) để hiến anh ta cho Kami (các Thần). Thần Mặt Trời (Amaterasu) tức là Thiên Chiếu Đại Nhân Thần được tôn sùng hơn tất cả, vì vào buổi tạo lập Hòn đảo trời tức là xứ Mặt Trời, Thần Amaterasu được Thần Izanagi (từ trên trời hạ giới) trao chuỗi ngọc và quyền lực trị vì xứ này cùng cai quản tất cả các Kami.

Người Nhật đi lễ ở đền vào dịp năm mới, các ngày lễ, lễ cưới cũng tổ chức theo nghi thức Thần đạo. Thần đạo có nghĩa là: "Con đường của các thần linh", đây là tín ngưỡng bản địa của dân Nhật, đây không phải là một tín ngưỡng có thể chế tổ chức mà bao gồm các truyền thống của các gia tộc thống trị cùng các tín ngưỡng đa dạng, vì vậy mà dân Nhật có tính đặc trưng là sẵn lòng cùng một lúc theo nhiều tôn giáo; đi lễ thì đền Thần đạo; lễ cưới hỏi thì coi ngày tốt xấu theo đạo giáo (Lão giáo); trong quan hệ gia đình, cha mẹ, thân thích theo nề nếp chữ Hiếu Khổng giáo; quan hệ xã hội, làm ăn, ở trường học theo sự tôn kính, trung thành của Khổng giáo; khi nhớ ơn cha mẹ tổ tiên thì cầu khẩn Phật. Dầu là theo Thần đạo, nhưng trong cuộc sống tinh thần gắn liền với nhân sinh quan Phật giáo và mục đích cứu cánh là sự giải thoát, bình an trong cõi Niết bàn.

Quá trình Phật giáo xâm nhập vào vương quốc Nhật Bản ở thế kỷ thứ bốn TL. Từ Trung Quốc, Triều Tiên do người di dân và thương nhân, chính xác không biết thời gian nào. Nhưng vào năm 552 TL theo văn bản Nihon Shoki thì vua xứ Triều Tiên gởi quà cho Hoàng Đế Kimmei trong đó có một tượng Phật và mấy cuốn sách kinh Phật. Ông vua Triều Tiên còn gởi kèm một bức thư như sau:

" Những điều của Đức Phật nói vượt trên tất cả những giáo huấn khác. Lời lẽ khó hiểu và khó nắm bắt, đến cả Chu Công thông thái và đức Khổng Tử cũng chưa hiểu sâu. Nhưng những lời này sẽ mang lại lợi ích không lường và hạnh phúc, giúp người ta an lạc và tiến đến giác ngộ tối thượng. Những lời kỳ diệu này cũng như có được một kho báu đưa đến cho ta mọi thứ, bởi vì khi cầu xin Đức Phật lúc cầu nguyện sẽ được như ý. Do vậy, từ Ấn Độ ở Phương Tây xa xôi đến Triều Tiên ở phương Đông mọi người đều đón nhận những lời này với lòng tôn kính nhất…".

Nhật Hoàng bỗng lâm vào một tình thế khó xử, bởi người Nhật vốn luôn quan niệm Amaterasu và các Kami là những thế lực thiêng liêng mang lại tất cả những lợi ích và ơn phúc cho thế giới này. Họ chưa bao giờ thấy Kami trong tư thế tọa thiền nhắm mắt an nhiên tự tại, bởi từ xưa người Nhật không có vẽ hình, tạc tượng các thần linh. Và cho đến lúc ấy họ chưa thể hiểu được các kinh văn huyền bí kia (kinh Phật giáo).

Hoàng đế Kimmei rất thích các món quà này nhưng ông không quyết định được phải làm thế nào, và ông hỏi ý kiến ba cận thần của mình. Ông bảo: "Ta chưa hề thấy một gương mặt nào cao quí như gương mặt Đức Phật đây, liệu ta có nên thờ không?"

Soga no Iname cảm nhận được sự ưu việt nên đáp: "Sao ta có thể từ chối thờ Đức Phật, bởi các nước phía Tây không trừ nước nào đã tôn thờ Ngài".

Nhưng hai người kia vốn dòng dõi gia đình các tư tế Mononobe và Nakatomi lại nhìn thấy trong việc này có một mối nguy tiềm tàng. Hai ông bác lại rằng: "Theo tập quán, các Hoàng đế Nhật phải thờ các Kami Nhật Bản, nay thờ một Kami ngoại lai thì có thể khiến các Kami quốc gia nổi cơn thịnh nộ".

Nhật Hoàng Kimmei chọn cách dung hòa, đưa tượng Phật cho đại thần Soga bảo mang về thờ riêng để thử nghiệm. Soga hài lòng mang tượng Phật về thờ trong nhà, thực hành theo lời Phật dạy. Một thời gian ngắn sau, một bệnh dịch lan tràn trong đất nước, hai đại thần Mononobe và Nakatomi tâu với Nhật Hoàng rằng tai họa là do Hoàng đế đã không nghe lời khuyên của họ, bây giờ chỉ có thể cứu vãn tình thế bằng cách quẳng bức tượng Phật đi. Nhật Hoàng bèn lệnh cho đem ném bức tượng xuống một con kênh, và vậy là một đám cháy bắt đầu xảy ra quét sạch nhà đại sảnh trong Hoàng cung.

BioShock
09-11-2005, 07:37 PM
Sang năm sau dân chúng kể rằng nghe tiếng tụng kinh Phật như tiếng sấm vang từ ngoài biển cùng với một vầng sáng lớn như hào quang. Cho người đi kiểm tra thì thấy một khúc gỗ long não phát sáng trôi nổi trên mặt nước. Nhật Hoàng ra lệnh cho tạc một pho tượng Phật bằng khúc gỗ ấy.

Từ đó, ngày càng có nhiều tượng Phật cùng kinh sách đem đến từ Triều Tiên. Rồi các nhà Sư đến giảng dạy Phật pháp, hành thiền, xây dựng Chùa, tạo tượng Phật. Gia đình Soga nhiệt tình hộ trì Phật pháp, đứa con trai là Soga no Umako hộ đạo không mệt mỏi bằng cách truyền bá kinh sách nhà Phật, giúp các vị Sư trong việc hoằng pháp. Dần dà những lời giáo huấn của vị "Kami ngoại lai" này đã có chỗ đứng vững chắc trong các gia tộc lớn của Nhật, và đó là điều rất quan trọng vì mọi việc điều hành đất nước đều do các gia tộc lớn quyết định.

Những lời dạy của Đức Phật, những điều hiếu hạnh trong kinh sách Phật giáo làm thỏa mãn con người Nhật, từ đó Phật giáo được phát triển mạnh trong lòng người Nhật, sức hấp dẫn của Phật giáo trong nhân gian tăng lên mạnh mẽ.

Thái tử Shotoku, khi lên ngôi Hoàng đế (573-621) là một trong những vị Hoàng đế đem sự phồn vinh sáng láng nhất trong lịch sử Nhật Bản. Hoàng đế Shotoku mặc dầu vẫn tiếp tục thờ cúng Kami theo truyền thống, nhưng tạo sự chuyển biến tích cực cho Phật giáo, bằng cách ra một sắc chỉ, lệnh cho các quan trong triều phải tỏ lòng tôn kính hết mực với các Kami của trời và đất (trong đó có Đức Phật). Shotoku nghiên cứu Phật giáo, Khổng giáo, hiểu biết sâu sắc cả hai.

Năm 604 Shotoku ban hành Hiến pháp có 17 điều nổi tiếng, trong đó có điều quan trọng nhất là: "Các ngươi cần phải thành thực tôn kính Tam Bảo là Phật, Pháp, Tăng, chốn qui y sau hết của muôn loài và đã được hết thảy mọi người tôn kính".

Thái tử Shotoku đặc biệt gắn bó với Phật giáo, thậm chí còn thuyết Pháp. Bởi vậy trong lịch sử ông được tôn vinh là người lập nên Phật giáo ở Nhật Bản, ông đặt nền tảng văn hóa, quan hệ mật thiết cả Thần giáo, Phật giáo, Khổng giáo và người Nhật từ đó đã sống trong truyền thống tín ngưỡng như vậy.

Năm 725 Nhật Hoàng Shomu muốn xây một ngôi chùa thật lớn ở kinh đô Nara làm trung tâm Phật giáo cho cả nước. Nhật Hoàng muốn chắc chắn, sai pháp sư Gyogi (người quan hệ mật thiết của Thần đạo rất có uy tín), đi cầu thần Amaterasu ở đền lớn Ise.

Liệu ông tổ Thần Mặt Trời của đế chế sẽ nghĩ sao về: "Đức phật vị thần Mặt Trời ngoại lai này?".

Nhưng thật tuyêt! Sau khi Gyogi thành tâm cầu hỏi, đồng lên và đại thần uy nghi phán truyền rằng:

"Phật Gotama thực sự là một hiện thân của Kami và có thể thờ cúng như với Kami mặt trời Amaterasu". Giờ đây được sự phù hộ của Đức Phật thật là quan trọng nên Nhật Hoàng đã cho xây dựng ngôi chùa lớn, đồng thời sử dụng Gyogi cùng với Tăng Ni đi quyên góp tiền để dựng một tượng Đại Nhật Phật (Vairocana) đồ sộ ở đây. Từ đó Nhật Hoàng cho phép xây dựng chùa chiền ở khắp nơi để có chỗ Sư sãi cầu nguyện cho sự thịnh vượng của quốc gia Phù Tang này.

Bây giờ nhìn qua lễ Vu Lan Bồn ở Nhật, ở Nhật gọi là "Lễ Bon", viết tắt chức "Urabon", cũng còn viết là "Urambon". Trước thế chiến thứ hai, "Lễ Vu Lan Bồn" là ngày lễ công lập, công sở và trường học đóng cửa, nhân công được nghỉ việc ăn lương. Hai ngày lễ quan trọng nhất trong năm là ngày Tết Nguyên Đán và ngày Vu Lan Bồn, nước Nhật ngày nay sinh hoạt làm việc theo dương Lịch, nhưng các chùa và người dân vẫn còn giữ âm lịch. Trong hai ngày lễ lớn này, theo tập tục những người đi làm ăn xa gia đình phải trở về nhà sum họp và dâng lễ cúng tổ tiên. Vì vậy mà hai dịp lễ này các phương tiện chuyên chở đi lại đông đúc, riêng dịp Lễ Vu Lan từ cuối tháng sáu đến giữa tháng bảy xe cộ tấp nập kèn kẹt.

Cho đến ngày nay, đặc biệt ở vùng quê, dân chúng chuẩn bị Lễ Vu Lan Bon từ ngày mồng một tháng bảy. Trong mỗi cư gia Nhật đều có bàn thờ Phật gọi là Budsusan. Đầu tháng 7 người ta đặt trước bàn thờ Phật một chiếc bàn vong Shorydana, trên bàn vong đặt bài vị để đón tiếp hương linh Cửu huyền quá vãng. Ngày mồng bảy gọi là ngày Nanoka Bon, trưởng tộc hay gia chủ và người thân đi thăm mồ mã, quét dọn, làm cỏ, làm lễ tại ngôi mộ gia tiên. Ngày 13 gọi là ngày "đón vong hồn" (Mukac Bon), ngoài mộ và trên bàn vong chưng đầy hoa đẹp gọi là Bonbana, trên lối đi nhiều nơi còn treo ***g đèn ở mỗi khúc rẽ, mỗi cư gia tứ bề thắp đèn ***g để vong linh khỏi lạc đường, chiều đến thì đốt đèn ngoài cửa nhà để tiếp đón vong hồn. Lửa này giữ cho đến ngày 16, gọi là ngày "tiễn đưa vong hồn" (Okuri Bon). Tại vài địa phương lại còn có tục lệ nhảy múa Vu Lan gọi là Bon Odori, chào mừng tổ tiên trở lại nhà sum họp với con cháu. Sau thế chiến thứ 2, phát triển du lịch, ngưòi ta phục hưng lại điệu múa Bon Odori kỹ lưỡng, đẹp đẽ và trọng thể để phục vụ các điểm du lịch.

Giữa thế kỷ thứ mười chín, Minh Trị Thiên Hoàng thấy các nước Âu Mỹ văn minh tiến bộ hơn bèn gấp rút công cuộc duy tân và kỹ nghệ hóa đất nước, vì vậy các lễ hội đình đám phải giản dị hóa, lễ hội Urabon và Sagaki-e cũng rút gọn lại.

Nhưng nước Nhật ngày nay đã văn minh, tiến bộ và phú cường, cuộc sống không còn khó khăn, nên hiện tại có khuynh hướng trở lại với đời sống tinh thần và tôn giáo. Ta hãy nghe giáo sư Kenneth Chen dạy tại Đại học Princeton, nói về Lễ Vu Lan ngày nay tại Nhật. Theo quyển Buddhism, The Light of Asia nhà xuất bản Barron, New York, Hoa kỳ in năm 1978; trang 263 ghi như sau: Vào ngày 13 tháng 7 âm lịch, bắt đầu lễ, người ta đi viếng, chưng hoa quả, thắp đèn đốt hương trên mộ, ở tại nhà cũng thắp đèn trước cổng, hàm ý dẫn đường cho vong hồn biết lối trở lại nhà để sum họp cùng con cháu và hưởng phẩm vật cúng dường. Trong mỗi gia đình, chưng dọn bàn thờ, dâng cúng hoa đẹp, quả tươi và thức ăn mà người Nhật thường dùng, trên bàn, trên chiếu giữa nhà, các món ăn như: mì sợi, chè kê, canh bí ngô, canh dưa gang, cá hấp, riêng ngày 13 có cùng món chè xôi nước đặc biệt để đón các vong hồn mới về. Ngày 14 ngoài các món ăn thường lệ, có cúng chè khoai và cá hấp trộn mè. Ngày 15 ngoài việc cúng tổ tiên trong nhà, trước sân bày cúng hoa quả thực phẩm cho các cô hồn bị phiêu bạt đói khát không người cúng quảy, gọi là cúng "Segaki-e". Ngày 15 này cũng là ngày "cúng tiễn ông bà", ngoài những thức ăn thường ngày, còn có thêm cơm đùm lá sen, chè bột lọc bọc nhân đậu. Cũng có trường hợp ngày 16 là ngày giỗ một người nào trong gia đình, thì để đến ngày 16 làm cúng giỗ đồng thời cúng đưa tiễn luôn. Mỗi ngày, hương đèn trên bàn thờ không để lụi, thỉnh thoảng châm thêm trà nước hương hoa. Tại các làng xóm gần sông rạch và hồ biển, thường có người chết vì sông nước, thì đặt thêm thực phẩm, thắp đèn trên những chiếc bè, thuyền bé tí hon thả trôi trên dòng nước để cúng. Nhìn cảnh thắp đèn trên cổng nhà, ánh sáng bập bùng le lói trên các bè thuyền tí hon dưới sông trôi xa theo ngọn nước, theo làn gió người ta cảm khái nghĩ tưởng đến tổ tiên ông bà đã khuất, ý niệm nhớ ơn và báo ân đến với tất cả mọi người, ngày lễ "Vu Lan Báo Hiếu" thật sự đã gắn liền người sống hiện tại với người đã ra đi vào cõi hư vô*.

Nguồn: Nội san Vu Lan Khánh Hòa

Golden Bear
10-11-2005, 04:20 AM
Thanks for the interesting article.

Thần đạo là một điểm đặc sắc mà chỉ có Nhật mới có. Tuy có nhiều điểm yếu (một phần lý do dẫn đến CTTG2) nhưng dù sao đi nữa nó cũng là phần hồn của người Nhật. Một điều mà GB cảm thấy thú vị là dù đạo Phật gần như thống lĩnh khu vực châu á, ở Nhật đạo Phật vẫn rất yếu so với Thần đạo. Cả hai có rất nhiều điểm tương đồng ....

BioShock
10-11-2005, 05:09 PM
Nhưng theo em biết thì có nhiều người Nhật không theo một giáo phái nào cả >< cho dù theo em thì nó rất tuyệt, mình mà tin tưởng cái đạo giáo thì sẽ có nơi quay về khi mất chứ ^^

osmir
14-11-2005, 12:30 AM
Nói đến Phật giáo ở Nhật Bản là ta có thể nhớ ngay đến chuyện đồng tính luyến ái giữa các nhà sư và chú tiểu với nhau...

Đồng tính luyến ái trong truyền thống Phật giáo Nhật Bản Dharmachari Jñanavira - “Tạp chí Phật giáo phương Tây” (“Western Buddhist Review”) Số 3, 2000

“Lạc thú cũng phải được học như bổn phận vậy” Ruth Benedict

Từ đầu lịch sử tới nay, tín ngưỡng bản địa Nhật Bản, đạo Shinto, đã giữ một ý thức hệ tích cực đối với tình dục, đặc biệt với vai trò của tình dục trong việc duy trì nòi giống. Tới tận bây giờ người ta vẫn có thể chứng kiến những ngày hội làng có những dương vật tạc bằng gỗ khổng lồ được đem ra khỏi điện thờ và rước quanh ruộng đồng để cầu xin sự mầu mỡ. Khác với huyền thoại trong Đạo Thiên chúa, khi mà sự ý thức về giới tính của con người cũng đánh dấu sự sa ngã của họ, dẫn đến việc họ bị đuổi khỏi Thiên đường, thì trong thần thoại Nhật Bản, hai vị tổ thần của dân tộc Nhật, izanagi và izanami đã tỏ ra rất tò mò và thích thử nghiệm về tình dục. Mặc dù đạo Shinto không có một hệ thống thần học và lý luận về tình dục, nhưng khi bàn luận về tình dục thì bao giờ cũng coi đó là một điều tốt, một “con đường/đạo” (do) xuất phát từ tổ tiên.

Sự nhập môn của Phật giáo ở thế kỷ thứ bảy là thử thách đầu tiên đối với tín ngưỡng nguyên thủy của Nhật Bản. Chính vì để phân biệt với Phật giáo, hay "đạo của Phật", nên các tín ngưỡng bản địa đã được gọi là Shinto, hay "đạo của thần thánh”. Tất nhiên, ta không thể định nghĩa một cách nhìn duy nhất của Phật giáo đối với tình dục, bởi Phật giáo luôn biến đổi qua những văn hóa và thời đại khác nhau, tiếp nhận và định nghĩa lại những yếu tố của những văn hoá mà nó du nhập vào. Tuy nhiên, cũng giống như trong Thiên chúa giáo, người ta có thể nêu ra một số đường nét và đặc điểm chung đúng cho mọi thời kỳ và có thể làm nền tảng cho một sự tổng quát hoá. Trước hết, Phật giáo thời kỳ đầu chia ra hai cách sống thích hợp cho người theo đạo: là tu sĩ và là cư sĩ. Tu sĩ không được phép sinh hoạt tình dục, còn cư sĩ thì tuân theo năm giới, trong đó giới thứ ba là không được tà dâm. Khác với sách xưng tội ở thời kỳ Trung Cổ của Thiên chúa giáo, các văn bản Phật giáo không giải thích tỉ mỉ và rõ ràng thế nào là “đúng” và thế nào là “sai”. Cũng giống như trong những lĩnh vực khác, khoái lạc tình dục nên được giữ đúng mực. “Hành động đem lại khổ đau và sầu não trong tương lai là hành động không nên làm. Hành động đem lại niềm vui và hạnh phúc là hành động nên làm” (Dhammapada). Thay vì gán cho một hành động bản chất tốt (punna) hay xấu (paapa), Phật giáo dùng mục đích của nó để đánh giá hành động ấy là khôn ngoan (kusala) hay không khôn ngoan (akusala). Đánh giá một mục đích là khôn ngoan hay không không phải dựa vào một danh sách có sẵn của một vị Chúa Trời, mà dựa vào khả năng giảm đi hay tăng lên dục vọng của nó. Trong Phật giáo, dục vọng là một vấn đề, không phải vì nó mang tính xấu, mà bởi vì nó tạo ra vướng mắc, và qua đó, khổ đau.

Về cơ bản Phật giáo không đề cao việc duy trì nòi giống, bởi qua đó chúng sinh chỉ một lần nữa đầu thai vào thế giới trần tục (samsara) mà thôi. Điều này xung khắc với những văn hoá gốc của Đông Á, những văn hoá mà, dưới ảnh hưởng của Đạo Khổng, coi việc nối dõi tông đường như một nghĩa vụ đối với tổ tiên. Nhưng, mặc dù Phật giáo không coi trọng việc duy trì nòi giống và chưa bao giờ đề cập đến chủ đề này một cách cụ thể, Phật giáo Mahayana đã sử dụng những hình tượng mạnh mẽ xung quanh hành động làm tình như một công cụ. Từ thế kỷ thứ năm, ở bắc Ấn Độ, nhiều Phật phái đã sử dụng những hình ảnh tình dục để truyền tải giáo lý, ví dụ như về sự đồng nhất (non-differentiation) giữa samsara và nirvana (niết bàn). Những vị Phật và Bồ tát nam được diễn tả trong lúc đang giao hợp với partner nữ của mình. Tu sĩ và cư sĩ đôi khi vượt qua ranh giới của sự tượng trưng và đưa tình dục vào trong nghi lễ của mình. Nhưng cũng giống như những bài tập mang tính tình dục–yoga của Đạo Giáo chỉ có mục đích kéo dài tuổi thọ, những thực hành nói trên không dụng ý dẫn đến việc xuất tinh mà là để chuyển hóa năng lượng tình dục sang năng lượng tâm linh. Giáo phái Shingon của Phật giáo Nhật Bản, do Kuukai(774-835)sáng lập, đã xây dựng nên một dạng Tantra riêng của mình gọi là Tachikawa Ryu. Giáo phái này dậy rằng sự quên đi bản thân trong khi làm tình có thể dẫn đến giác ngộ. Quá trình phát triển này nói lên một khác nhau cơ bản giữa quan niệm về tình dục của Phật giáo và của Thiên chúa giáo. LaFleur nhận xét: “Ở châu Âu có lẽ không có một điều gì tương tự như việc Phật giáo Nhật Bản sử dụng tình dục như một hình tượng tôn giáo, thậm chí coi chính nó như một hành vi tôn giáo”. Điều nổi bật là có một số xu hướng trong Phật giáo Nhật Bản coi tình dục như một chuyện tính cực, tách khỏi nhiệm vụ sinh sản của nó. Việc tách tình dục ra khỏi nhiệm vụ duy trì nòi giống đã cho phép tình dục trở thành một biểu tượng tôn giáo và được nâng lên khỏi phạm trù gia đình.

Ở Nhật Bản, ảnh hưởng của những hình tượng tình dục Tantric mô tả sự giao hợp giữa nam và nữ thực ra là không đáng kể. Quan trọng hơn là ảnh hưởng của những hình tượng cảm dục đồng giới và thậm chí tình dục đồng giới trong những tổ chức Phật giáo nam, nơi mà những chú tiểu đẹp được coi như hiện thân của nguyên tắc nữ giới. Việc Đạo Phật cho phép thậm chí tu sĩ cũng có những sinh hoạt tình dục đồng tính được thể hiện rõ qua huyền thoại nổi tiếng về người sáng lập trường phái Shingon, Kooboo Daishi (Kuukai), người đã nhập môn tình dục đồng giới vào Nhật sau khi đi tu học ở Trung Quốc về vào đầu thế kỷ thứ chín. Huyền thoại này nổi tiếng tới mức thậm chí Gaspar Vilela, một nhà du hành Bồ Đào Nha cũng nghe đến. Ghi chép vào năm 1571, ông phàn nàn về thói nghiện “kê gian” (sodomy) của những tu sĩ tại núi Hiei. Những ghi chép của những người truyền đạo Jesuit chứa đầy những ca thán về sự hiện diện khắp nơi của ham mê tình dục đồng tính trong chùa chiền Nhật Bản. Điều làm những nhà truyền đạo bực dọc là xem ra những thói quen này được chấp nhận rất rộng rãi. Cha cố Francis Cabral ghi lại trong một bức thư viết năm 1596 rằng “sự ghê tởm của da thịt” và những “thói quen ma quỷ” được “coi là danh giá tại Nhật Bản. Các ông bố có chỗ đứng trong xã hội giao phó con trai mình cho những vị sư để được dạy những việc như vậy và đồng thời để thoả mãn dục vọng của họ. Một cha cố Jesuit khác nhận xét rằng điều “ma quỷ này” lan truyền “rộng rãi” tới mức người ta “không kinh lạ mà cũng chẳng sợ hãi”, và chỉ ra rằng tình dục đồng giới trong tu sĩ Phật giáo không phải là điều gì đặc biệt.

osmir
14-11-2005, 12:32 AM
Những tu viện Phật giáo là những cộng đồng thuần về giới tính và thường hay ở nơi hẻo lánh và núi non. Điều này đã khuyến khích sự phát triển của một dạng dục cảm đồng giới nhất định liên quan tới những chú tiểu trẻ hay chigo. Những chú tiểu ít tuổi nhất, gọi là kasshiki, có thể chỉ năm tuổi và không cạo đầu mà để “tóc dài tới vai và rất đúng thời trang”. Chúng trang điểm mặt bằng phấn và “mặc quần áo bằng tơ tằm mịn và vận đồ bên trong với nhiều mầu sặc sỡ”. Colcut chỉ ra những vấn đề trong những tu viện ở thời Muromachi (1333-1568), bị gây ra bởi quan hệ tình dục với nam thiếu niên. “Sự có mặt của nhiều trẻ em trong thiền viện có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới mức độ kỷ luật”. Kết quả là “những thiếu niên đẹp và quyến rũ trở thành trung tâm của sự ngưỡng mộ trong những buổi lễ xa hoa. Điều này xa rời sự tìm kiếm bản thể giản dị được dạy bởi các bậc Thiền sư ngày xưa”. Những người phụ trách kỷ cương trong các thiền viện vất vả trong vấn đề này, hệt như triều đình Shogun không cấm được các nhà hát kabuki ăn mặc phô trương. Các điều luật ra đời hồi đó cấm sử dụng một số loại vải hay mầu sắc nhất định đều không mấy hiệu lực.

Môi trường dục cảm đồng tính ở các nhà chùa thậm chí đã tạo ra hẳn một thể loại văn học, Chigo monogatari (chuyện chú tiểu), lấy tình yêu giữa chú tiểu và sư thầy làm đề tài. Những quan hệ dục cảm đồng tính này bắt nguồn từ cấu trúc gia đình của cuộc sống tu viện. Một trong những đề tài thông dụng của những tích này là chuyện một vị Phật, thường là Kannon, Jizoo hay Monjuschiri, hoá thân thành một chú tiểu trẻ đẹp. Chú tiểu dùng sự quyến rũ cơ thể của mình để gần gũi một vị sư già và giúp vị sư đạt được giác ngộ. Trong tích Chigo Kannon engi ở thế kỷ thứ muời bốn, Kannon biến thành một chú tiểu và trở thành người tình của một nhà sư đang khao khát có một người bạn đồng hành trong tuổi già. Sau một số năm khăng khít, chú tiểu qua đời, để lại nhà sư già tuyệt vọng. Lúc đó Kannon hiện ra, tiết lộ rằng mình chính là chú tiểu và giảng cho nhà sư về tính phù vân của vạn vật.

Một số học giả cho rằng sự ngợi ca mang tính dục cảm đồng tính đối với những chú tiểu trẻ, quyến rũ cũng ảnh hưởng đến cách thể hiện những vị Bồ tát trong tranh và tượng. Dần dần Kannon, Monjuschiri, Jizoo, cũng như những nhân vật lịch sử khác như Kuukai và Shootoku Taishi (một hoàng tử được coi là đã đem Đạo Phật vào nước Nhật) được thể hiện là những “vị thần thiếu niên”, phản ánh những chú tiểu trẻ và đẹp trong các chùa chiền.
Phản ứng của Phật giáo Nhật Bản trước môi trường dục cảm đồng tính nảy sinh khi tu sĩ và thanh thiếu niên sống chung nhau thật khác với phản ứng của Thiên chúa giáo trước những thể hiện dục cảm đồng tính trong môi trường tu viện, coi đó còn tội lỗi hơn là loạn dâm và truy phạt hết sức khắc nghiệt. Cách nhìn thoáng của Đạo Phật đối với tình dục, cũng như với những khía cạnh khác của bản chất con người, bắt nguồn từ quan niệm upaaya (các biện pháp khôn khéo). Upaaya không đánh giá bản thân các hành động, mà đánh giá mục đích và kết quả của chúng. Vì vậy, sự hấp dẫn tình dục, mặc dù trong thời kỳ đầu của Phật giáo bị coi là không trong sạch, có thể được sử dụng như một công cụ để truyền tải Đạo. Qua đó tu sĩ, mặc dù không được phép quan hệ tình dục với phụ nữ, có thể biện minh (hoặc giải thích) được cho quan hệ của mình với thiếu niên là để tạo nên một gắn bó tâm linh sâu sắc và lâu dài.

osmir
14-11-2005, 12:33 AM
Ngoài những chú tiểu đi tu để trở thành nhà sư, còn có nhiều thiếu niên khác lui tới môi trường tu viện, bởi tu viện cũng thường được dùng là trường học cho con cái của tầng lớp trên. “Những trẻ em này thường được sư thầy yêu mến. Chúng mặc quần áo đẹp đẽ, tỉa lông mày và trang điểm như con gái. Chúng là niềm tự hào của tu viện, và những đứa đẹp nhất và tài hoa nhất thì được khoe khắp trong vùng” (Frederic). Nhưng sự chiêm ngưỡng mang tính dục cảm đồng giới với một cậu bé học trò và việc cùng chăn gối với cậu là hai việc khác nhau. Vậy với mức độ nào thì cái không khí dục cảm đồng giới ở trong tu viện thực sự dẫn đến những hành động đồng tính luyến ái? Leupp dẫn ra một loạt những nguồn tư liệu văn học và nghệ thuật, chứng tỏ rằng quan hệ tình dục đồng tính giữa các sư và chú tiểu là rất phổ biến. Để dẫn chứng, ông trích một bản tuyên thệ với năm điều hứa của một tu sĩ 36 tuổi ở chùa Todaiji tại Nara, viết vào năm 1237:

Điều: Tôi hứa sẽ tu tại chùa Kasaki tới khi 41 tuổi
Điều: Đã ngủ với 95 đàn ông rồi, tôi hứa sẽ không dâm dục với quá 100 người.
Điều: Tôi sẽ không cặp kè với bất cứ cậu nào ngoài Ryou-Maru.
Điều: Tôi sẽ không giữ con trai lớn tuổi trong giường.
Điều: Tôi sẽ không làm nenja (vai người lớn trong một quan hệ đồng tính luyến ái) cho bất cứ ai trong số con trai lớn và nhỡ tuổi.

Đáng tiếc Leupp không chú giải bản tuyên thệ này dựa trên quan hệ với những bản tuyên thệ khác cũng được giữ trong chùa. Mặc dù đây có thể là một ngoại lệ (có 95 người bạn tình vào tuổi 36 thật không phải là ít, nhất là đối với một nhà sư), nhưng giọng văn của những lời hứa rõ ràng là nhẹ nhàng chứ không cực đoan. Ví dụ, nhà sư cho phép mình có thêm 5 người tình nữa, đó là ngoài quan hệ vẫn được giữ với Ryuo-Maru. Nhà sư cũng ghi thêm là những lời hứa này chỉ đúng cho kiếp này, chứ không áp dụng cho kiếp tới.

Một dẫn chứng khác là truyện tranh Chigo no sooshi, gồm một loạt năm truyện có minh hoạ, ra đời khoảng thế kỷ 14 và được giữ trong chùa Daigo-ji. Chuyện diễn giải và vẽ tỉ mỉ cảnh một chú tiểu trẻ đang được người phục vụ thoa phấn và kem trơn vào hậu môn để giúp đỡ vị trưởng chùa già làm tình. Tác giả bài viết này đã được xem một bản copy của cuộn tranh này tại Thư viện quốc gia Anh, và xem ra nó gần với những tưởng tượng dâm đãng hơn là miêu tả sự thật: có một lúc người giúp việc bị kích khích tới mức anh ta van xin chú tiểu cho phép mình làm tình trước, và chú tiểu đồng ý. Điều này không thực tế lắm, bởi trong xã hội Nhật thì sự phân biệt đẳng cấp và coi trọng tôn ti trật tự là rất lớn. Tuy nhiên, việc cuộn tranh này được giữ tại một ngôi chùa như một báu vật quốc gia (tôi khó hình dung Vatican có thể giữ một tác phẩm tương tự trong kho của mình) nói lên rằng trong ý thức hệ của phật tử Nhật Bản tình dục có một chỗ đứng khác với quan niệm của Thiên chúa giáo. Một ý thức hệ không đánh giá một hành động là “đúng” hay “sai” về bản chất, mà dựa vào hoàn cảnh và mục đích của nó. Sự khác nhau về văn hoá này được ghi chép lại qua nhiều cuộc gặp gỡ giữa những người truyền đạo Jesuit và những nhà sư Nhật, trong đó tu sĩ Nhật bị chỉ trích là có những tập tục “không thể diễn tả nổi”. Đạo đức tình dục của xã hội Nhật tiền hiện đại không đàn áp và lên án đồng tính luyến ái như ở châu Âu, nơi mà đồng tính luyến ái bị ma quỷ hoá và bị truy đuổi bởi Nhà thờ bắt đầu từ thời Aquinas.

Mặc dù việc săn đuổi sắc đẹp thiếu niên có thể là một trò tiêu khiển thông dụng của một số nhà sư Nhật thời trung cổ, nhưng trong một số văn bản, tình yêu con trai đã được bàn tới trên phương diện siêu hình (metaphysical). Shin’yuuki hay “Ghi chép của những người bạn tâm huyết”, một văn bản Phật giáo của thế kỷ 17, đưa ra lời giải thích siêu hình tường tận nhất cho tình yêu nam nam. Bản văn được viết như một sách giáo lý, trong đó một sư thầy trả lời câu hỏi của một chú tiểu về “đạo làm thiếu niên”. Trong đó, sắc đẹp của một thanh niên được coi là có một ý nghĩa siêu hình nếu như cậu bé đáp lại tình yêu do sắc đẹp của cậu mang lại ở một người lớn tuổi. Trong khi Thiên chúa giáo coi một quan hệ tình dục như vậy là mang tính quỷ Sa tăng, thì ở Nhật Bản thời đó, việc một người đàn ông cao tuổi yêu một thiếu niên được coi là một gắn bó mang tính nghiệp chướng (karma) tốt cho cả hai người. Ý niệm cơ bản ở đây là nasake, hay “đồng cảm”, một chữ quan trọng trong cả khái niệm đạo đức lẫn cái đẹp của Nhật Bản.

Nếu một thiếu niên cảm nhận được sự thành thực trong tình cảm của một người đàn ông cao tuổi hơn, và qua đồng cảm đáp lại tình cảm đó một cách không vụ lợi thì được coi là gương mẫu. Người thầy lý luận rằng thoả mãn dục vọng là cần thiết cho đời sống tình cảm và việc chống lại tình cảm còn đem lại nhiều vấn đề hơn là nghe theo tình yêu của mình.

Tuy nhiên, ta cũng không nên quên rằng những quan hệ dục tính đồng giới được tác phẩm trên ca ngợi kia chỉ xẩy ra trong một tình huống rất cụ thể: giữa một nam giới lớn tuổi và một thiếu niên trong vòng mấy năm trước khi thiếu niên trưởng thành. Sau đó, quan hệ đó sẽ mất đi tính tình dục và trở thành một quan hệ tinh thần và được coi là sẽ kéo dài vượt qua cả ranh giới của kiếp hiện tại. Ý nghĩa siêu hình của quan hệ này xuất phát từ ý thức của cả hai người về sự giới hạn thời gian của nó. Vẻ đẹp của tuổi trẻ chỉ kéo dài có vài năm và sẽ mất đi vĩnh viễn, vì vậy việc mong muốn thiết lập một quan hệ chỉ dựa trên sự hấp dẫn thể xác là vô ích. Nhưng vai trò của sự hấp dẫn thể xác trong việc làm khăng khít mối quan hệ hoàn toàn không bị phủ nhận, ngược lại, nó được coi là một điều hết sức tự nhiên. Faure có lý khi ông cho rằng quan hệ tình dục giữa sư và chú tiểu không chỉ giới hạn trong “làm tình”, mà còn đóng vai trò của một “đối thoại”. Phật giáo Nhật Bản là nơi tình yêu nam giới lộ diện rõ ràng nhất, là nơi nó đã trở thành một biểu tượng của người đàn ông lý tưởng (chứ không chỉ đơn giản là một mẫu hành động). Điều này rất gần với cái mà Foucault gọi là “kỹ thuật của bản thân” (technologies of the self), khi ông nói về quan hệ đồng tính nam giữa già và trẻ ở thời Hy Lạp cổ:

“Đó là những thực hành (practices) được suy nghĩ chín chắn và tự nguyện mà qua đó nam giới không những đặt cho mình luật ứng xử, mà còn phấn đấu chuyển đổi mình, thay đổi bản thân, và biến cuộc sống của mình thành một tác phẩm nghệ thuật [une oeuvre] mang những giá trị thẩm mỹ và đạt được những tiêu chuẩn về phong cách nhất định”

osmir
14-11-2005, 12:34 AM
Về mặt ý thức hệ và thẩm mỹ thì quan hệ giữa chú tiểu và nhà sư tuân theo những nguyên tắc nhất định, và không chỉ đơn thuần là quan hệ (đồng tính) luyến ái.

Nhiều con trai của samurai được đào tạo trong các tu viện Phật giáo. Qua đó, mô hình tình bạn vượt thế hệ và mang tính chất tình dục của Phật giáo đã ảnh hưởng đến quan hệ nam nam trong môi trường thuần giới của samurai. Điều này đặc biệt xảy ra vào thời Tokugawa (1600-1857), khi phần lớn samurai tập trung ở những thành phố lớn như Edo (Tokio bây giờ), những nơi có ít phụ nữ. Có một mảng văn học rất lớn nói đến “giá trị đạo đức quan trọng của quan hệ tình dục nam nam của những samurai”. Những tuyển tập truyện ngắn như Nanshoku ookagami của Ihara Saikaku (“Tấm gương lớn của tình yêu nam giới”), tuyển tập thơ và truyện như Iwatsutsuji của Kitamura Kigin (“Hoa Azeleas dại”) và những sách đạo đức hướng dẫn sử sự trong tình yêu nam giới như Shin’yuuki (“Ghi chép của những người bạn tâm huyết”) hay Hagakure (“Dưới bóng lá”) vẽ nên một bức tranh cụ thể về cách làm tình lý tưởng trong tình yêu nam giới thời bấy giờ.

Tương tự như sự diễn tả truyền thống của tình yêu nam nam trong chùa chiền giữa một chú tiểu trẻ và thầy của mình, những bài văn trên lãng mạn hóa tình yêu giữa một wakashu trẻ (một thiếu niên trước khi tới lễ thành niên của mình, vẫn còn tóc trước trán) và một người tình già, nenja (nghĩa đen là người nhớ đến người tình của mình). Những thiếu niên thường được miêu tả là đẹp, duyên dáng và quyến rũ, trong khi đó người tình cao tuổi thường được thể hiện là giận dữ, trung thành và dũng cảm. Mặt tình dục của những quan hệ này không được chú trọng, mà những yếu tố giáo dục và dạy giỗ được đề cao. Schalow viết “Những quan hệ này không phải chủ yếu là quan hệ tình dục, mà gồm cả những yếu tố giáo dục, chỗ dựa trong xã hội và hỗ trợ về tinh thần. Hai người cùng thề tôn trọng lý tưởng samurai. Vị trí samurai được tăng sức mạnh nhờ một quan hệ được lựa chọn kỹ càng”. Tình yêu cùng giới giữa một samurai và một thiếu niên cũng giống như tình yêu giữa chú tiểu và sư thầy ở chỗ tình dục được coi là một pha ngắn trong một quan hệ tình bạn kéo dài cả cuộc đời (sự thương mến của hai người thường được coi là số mệnh bắt nguồn từ duyên nợ của kiếp trước). Những quan hệ này không bị giấu diếm mà xảy ra công khai và phải tuân theo những quy ước nhất định.

Lịch sử của dục tính đồng giới trong Phật giáo Nhật Bản thú vị bởi nó chỉ ra rằng “giới tính” cũng như “tình dục” không phải là đặc điểm cố định của cơ thể sinh học. Hơn thế, sex và giới tính là những biến cố văn hóa phức tạp xảy ra với cơ thể, ngược lại với những thực tại “sinh học” phát sinh từ bên trong cơ thể. Nhà tâm lý học Nhật nổi tiếng Doi Takeo cho rằng sự khác biệt quan trọng nhất giữa xã hội phương Tây và xã hội Nhật Bản là ở xã hội phương Tây, quan hệ nam nữ là quan hệ được đánh giá cao nhất, trong khi đó Nhật Bản nhấn mạnh đến quan hệ nam nam cũng như nữ nữ. Ông cho rằng đàn ông phương Tây phải chứng minh rằng mình là đàn ông qua khả năng cặp đôi với phụ nữ. Trong khi đó, quan hệ với những đàn ông khác thường đi kèm với sự cẩn thận và lo lắng bởi sự gần gũi thường hay được coi là biểu hiện của đồng tính luyến ái. Chính điều này cản trở đàn ông phương Tây có những quan hệ sâu kín với người cùng giới. Doi cho rằng ở Nhật Bản “cảm giác đồng tính luyến ái” phát triển rộng rãi hơn. Đồng tính luyến ái ở đây không hiểu theo nghĩa hẹp, mà theo nghĩa “khi gắn bó về tình cảm giữa người cùng giới mạnh hơn là với người khác giới”. Sự gắn bó tình cảm mật thiết này ít khi xẩy ra giữa những người bạn bình đẳng, mà thường mang tính cách mạnh/yếu, ví dụ giữa thầy và trò, giữa thành viên cao tuổi và thành viên trẻ tuổi của một tổ chức, thậm chí giữa bố và con trai hay mẹ và con gái.

Tôi thấy ý kiến của Doi thú vị bởi những người hoạt động trong phong trào giải phóng phụ nữ và những nhà lý thuyết về giới ở phương Tây đều cho rằng “cái chết” của tình bạn nam nam trong lịch sử hiện đại và sự kỳ thị đồng tính luyến ái liên quan chặt chẽ với nhau. Doi cho rằng sự đề cao quan hệ khác giới, và cái mà Ueno Chizuko, người đấu tranh cho bình đẳng phụ nữ Nhật, gọi là “văn hoá cặp đôi” của phương Tây hiện đại, đã dẫn đến vị trí chủ đạo của quan hệ hôn nhân và sự xuống dốc của những quan hệ cùng giới. Michel Foucault cũng cho rằng trong thế giới của chúng ta quan hệ giữa người với người đã “nghèo nàn” đi bởi sự quan trọng quá mức của quan hệ gia đình:

“Chúng ta sống trong một thế giới mà luật pháp, xã hội và hiến pháp làm cho những quan hệ của chúng ta trở nên rất ít ỏi, rất nghèo nàn và rất đơn giản. Tất nhiên, chúng ta có những quan hệ cơ bản về hôn nhân và gia đình, nhưng ngoài ra còn có biết bao nhiêu những quan hệ khác nữa có thể tồn tại…”.

Talawas lược dịch

Trích từ http://ttvnol.com/

BioShock
14-11-2005, 09:16 AM
Nghe sợ sợ sao ấy hen, ko ngờ ở Nhật, phật giáo lại khác biệt với vn như thế... Cảm ơn bạn về bài viết nghen (vẫn còn nổi da gà đây T-T)

osmir
14-11-2005, 10:57 AM
Hix...x...cả mình khi viết bài này vẫn còn lạnh xương sống đây nè. Ở Nhật Bản hiện tại các nhà sư k cần phải cạo đầu, vẫn có thể có vợ con và k cần phải ăn chay. Theo quan niệm của họ chỉ cần có cái tâm trong sạch là được...và họ chỉ cần tu tại gia mà thôi

BioShock
14-11-2005, 05:38 PM
Ặc, vậy thì đâu có thành tâm gì, cái tâm của đạo Phật là ở việc ăn chay niệm Phật mừ ><

osmir
14-11-2005, 07:20 PM
Mình cũng k rõ nhưng ta cũng k nên nghĩ như thế. Thật sự thì tâm của họ mới là chính chứ. Ngày xưa tại Ấn Độ cũng có nhiều người giả làm các nhà sư, cũng ăn chay niệm Phật suốt ngày đó thôi nhưng bóc lột người khác 1 cách tàn bạo đó chứ. Chính vì thế nên Phật giáo mới bị gần như biến mất ở Ấn Độ, nơi mà nguồn gốc của Phật giáo được sinh ra. Ngày nay có thể thấy ở Ấn Độ chỉ còn đạo Hindu(Bà La Môn) tồn tại đa số mà thôi. Thật vậy nên nếu nói người Nhật Bản như thế thì cũng k đúng...Mình sẽ tìm thêm tài liệu và sẽ nói thêm về vấn đề này

Kasumi
22-11-2005, 02:37 PM
Phật giáo (PG) và Thần Ðạo (Shinto) là hai tôn giáo chính ở Nhật. Những tôn giáo nhỏ khác là Ky Tô giáo, Tin Lành giáo và Chính Thống giáo.

Phật giáo Nhật, thời kỳ hình thành (538-794)

Theo biên niên sử của Nhật Bản, PG chính thức được truyền đến Nhật từ Triều Tiên (Korea) vào năm 552 Tây lịch (có chỗ ghi nhận là năm 538). Lúc bấy giờ vua nước Bách Tế (Triều Tiên) đã gởi một phái đoàn truyền giáo đến Nhật. Phái đoàn này đã được nhà vua Nhật Bản tiếp đón một cách nồng hậu và phái đoàn đã dâng lên cho đức vua một tượng Phật bằng vàng, một vài quyển Kinh, cờ lộng, chuông, mõẨ

Tuy nhiên, PG chỉ thực sự cắm rễ và lan tỏa tại Nhật là trong thời kỳ nhiếp chánh của Hoàng Thái Hậu Suiko. Người kế vị của bà, Thánh Ðức Thái Tử (Shotoku, 574-622) được xem là sơ tổ (First Real Founder) của PGNB . Thánh Ðức Thái Tử vâng lời mẫu hậu Suiko đã cất công nghiên cứu và tuyên giảng ba bộ Kinh Ðại Thừa cho dân chúng Nhật, về sau những bài giảng này được viết thành một bộ luận rất giá trị. Sau khi lên ngôi Thái tử Shotoku đã ban hành ngay một chiếu chỉ rằng : ''Toàn dân Nhật Bản phải kính ngưỡng và thọ trì Phật Pháp''. Ông đã cho xây chùa chiền trên khắp đất nước. Một trong những ngôi chùa nổi tiếng thời ấy, nay vẫn còn là Chùa Pháp Long (Horyji). Chùa này do chính Thái tử Shotoku đứng ra xây dựng vào năm 607 và được xem là ngôi chùa gỗ có tuổi thọ lâu nhất trên thế giới.

Phật giáo Nhật, thời kỳ phát triển (Heian - Bình An, 794-1184)

Trong triều đại Nại Lương (Nara, 710-794) qua sự ủng hộ Phật Pháp của Hoàng đế Thánh Võ (Shomu, 701-756, vị vua thứ bốn mươi lăm của Nhật) PG đã trở thành quốc giáo (State religion) của xứ sở này. Năm 741, vua Thánh Võ đã ban hành một quốc lệnh rằng mỗi làng và mỗi tỉnh phải xây dựng một ngôi chùa và dân chúng phải thành tâm thọ trì Phật Pháp. Ðể làm gương cho mọi người, chính vua Thánh Võ đã đích thân xây chùa Ðông Ðại (Todai) tại kinh đô vào cuối năm 741, đây là ngôi tổ đình của tông phái Hoa Nghiêm với pho tượng Phật Tỳ Lô Xá Na (Vairocana) khổng lồ được tôn thờ bên trong chánh điện. Cũng trong thời kỳ Nara này, có sáu tông phái PG được truyền đến Nhật từ Trung Hoa và phong trào nghiên cứu và tu Phật tại Nhật đã bắt đầu.

Bảy tông phái PG đến từ Trung Hoa trong thời đại Nại Lương (Nara, 710-794) :

1. Luật Tông (Ritsu): là một trong mười ba Tông Phái PG chính của Trung Hoa. Tông này theo khuynh hướng bảo thủ giống như truyền thống ở các nước ở Nam Á, được ngài Ðạo Tuyên (Tao-hsuan, 596-667) dựa vào bộ Ðại Thừa Luật (Mahayana Vinaya) mà thành lập vào thời đại nhà Ðường. Chủ trương của tông là nghiêm trì giới luật để tiến đến Phật quả. Tông này được ngài Giám Chân (Ganjin) giới thiệu đến Nhật vào năm 754.

2. Câu Xá Tông (Kusha): Cũng là một tông phái bảo thủ, lấy Luận A Tỳ Ðạt Ma (Abhidharma) làm chỗ nương tựa chính. Ðó là một bộ luận nổi tiếng của ngài Thế Thân (Vasubandu).

3. Thành Thật Tông (Jojitsu): Tông này dựa vào giáo lý tánh không (non-substantiality) của Luận Thành Thật (Satyasiddhi) mà thành lập.

4. Tam Luận Tông (Sanron): phát xuất từ phái Trung Quán ở Ấn Ðộ, một trường phái phát triển của Ðại sư Long Thọ (Nararjuna). Giáo lý tông này cũng nhấn mạnh đến tự tánh không của vạn pháp. Như tên gọi của tông này, Tam Luận, tức là dựa vào ba bộ luận chính, Trung Quán Luận (Madhyamika), Dvadasamuka Sastra của Ngài Long Thọ, và Sala của Ngài Aryadeva.

5. Pháp Tướng Tông (Hosso): bắt nguồn từ trường phái Yoga của Ấn Ðộ, một tông phái PG phát triển có mặt từ năm 167 TL tại Ấn.

6. Tướng Tông (Hosso): bắt nguồn từ trường phái Yoga của Ấn Ðộ, một tông phái PG phát triển có mặt từ năm 167 TL tại Ấn.

7. Hoa Nghiêm Tông (Kegon): dựa vào Kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka) để lập tông. Chủ trương của phái tôn thờ và thực hành pháp hạnh của đức Phật Tỳ Lô Xá Na.

Tất cả bảy tông phái trên đều có nhiều hành giả, học giả theo đuổi học hỏi và hành trì, nhưng tầm ảnh hưởng của nó chỉ giới hạn trong giới xuất gia mà không mở rộng ra bên ngoài.

Phật giáo Nhật, thời kỳ Kiếm Thương (Kamakura, 1185-1333)

Ðây là thời kỳ khủng hoảng, vì cả nước bị đe dọa trầm trọng bởi tàn phá khốc liệt từ sự phân hóa nội bộ và bạo lực dưới những tổ chức quân sự được thành lập năm 1185 của bộ tộc Minamoto, ngoại ô Kyoto. Bầu không khí mới này đã làm cho việc tu tập và nghiên cứu Phật Ðà bị khựng lại một lúc lâu. Tuy nhiên, cuối cùng mọi việc cũng đâu vào đấy và PG vẫn tiếp tục công việc của mình.

Nếu trong triều đại Bình An (Heian, 794-1185) hai tông phái khác được vào Nhật Bản là Thiên Thai Tông (Tendai) và Chân Ngôn Tông (Shingon). Hai tông phái này có một hệ thống giáo lý sâu nhiệm và độc đáo, lập tức chinh phục và được ủng hộ một cách nhiệt thành của quần chúng Nhật, nhất là tầng lớp quý tộc, thì đầu triều đại Kiếm Thương (Kamukura, 1185-1333), hai phái khác, Nhật Liên Tông (Nichiren) và Tịnh Ðộ Tông (Jodo) cũng lần lượt xuất hiện và được truyền bá rộng rãi trên toàn nước Nhật.

(cont)

Kasumi
22-11-2005, 02:39 PM
Như vậy, cho đến thế kỷ mười ba, tất cả những tông phái (sect/shù/tsung) chính đều có mặt tại Nhật, bao gồm Thiền Tông, Tịnh Ðộ Tông, Thiên Thai Tông, Chân Ngôn Tông, Nhật Liên Tông, v.v.

1- Thiền Tông (Zen Sect): là một tông phái đặc biệt của PG Nhật. Thiền bắt nguồn từ thời Phật Thích Ca, rồi được Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma (Bodhidharma), con của vua Chí Cương, thuộc dòng Sát Ðế Lợi, nước Quốc Hương, Nam Thiên Trúc, vùng Cao nguyên Dekkan, miền Nam Ấn Ðộ. Ngài là Tổ sư thiền tông đời thứ 28 của Ấn Ðộ. Năm 480 vâng lời Thầy, Ngài đến Trung Hoa để truyền bá pháp môn thiền. Ở Trung Hoa lúc đầu Thiền bị ảnh hưởng mạnh mẽ của đạo Lão và Khổng. Thiền chỉ độc lập và nổi tiếng từ thế kỷ thứ bảy và đã trở thành một tông phái chính cho tới ngày nay tại Trung Hoa.

Thiền được giới thiệu đến Nhật vào khoảng thế kỷ thứ 9 từ Trung Hoa qua hai Thiền phái Lâm tế và Tào Ðộng, cả hai phái này đều ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng cửa Lục Tổ Huệ Năng ở thế kỷ thứ 8. Hiện nay ở Nhật có ba Thiền phái như sau :

* Thiền Lâm Tế (Rinzai Sect): do công khai sáng của thiền sư người Nhật Vinh Tây (Eisai, 1141-1215). Ngài xuất gia từ năm mười ba tuổi ở chùa An Dưỡng (Annyo) ở Kibitsu. Ngài đã tìm đường đến Trung Hoa để học đạo trong hai lần, vào những năm 1168 và 1187. Lần sau cùng Ngài về đến Nhật vào năm 1991 và thành lập chùa Shofuku ở Hakata. Ngôi chùa này được xem là thiền viện đầu tiên trên đất nước này. Năm 1215, triều đình Nhật xây dựng Chùa Kiến Nhân (Kennin-ji) tại Kyoto, Ngài được thỉnh về làm chứng minh đạo sư cho ngôi già lam này. Ngài cũng được xem là người có công trong văn hóa uống trà của Nhật, Ngài đã mang giống trà từ Trung Hoa về trồng ở Nhật. Vị thiền sư nổi tiếng của Thiền phái này về sau là ngài Bạch Ẩn (Hakui Ekaku, 1685-1786) với những tác phẩm để đời. Ngày nay ở Nhật có 14 chi phái thuộc dòng Thiền này, tuy không hợp nhất về tổ chức, nhưng vẫn theo đuổi lý tưởng ban đầu của tổ sư Vinh Tây.

* Thiền Tào Ðộng (Soto/Tsao-tung): là một trong năm Thiền phái chính của Trung Hoa và là một trong mười ba Tông phái chính của PG Nhật Bản. Ðây là một Thiền phái kiểu mẫu như để so sánh với Thiền Lâm Tế, cuối cùng nó dường như phổ biến hơn những Thiền phái khác ở Nhật. Nếu Lâm tế thích ứng với giới thượng lưu trí thức, thì Tào Ðộng lại gần gũi với tầng lớp bình dân. Thiền Tào Ðộng được Thiền sư Ðạo Nguyên (Dogen, 1200-1253) khai sáng. Ðạo Nguyên vốn là đệ tử của Ngài Vinh Tây, sau đó ông sang Trung Hoa du học và trở về Nhật Bản xây dựng Thiền phái này. Người kế thừa và làm lớn mạnh dòng thiền này là thiền sư Suzuki Shosan (1579-1653). Hiện nay ngôi già lam chính của Thiền phái này là Chùa Tổng Trì (Soji-ji) ở Yokohama do thiền sư Hành Cơ (Gyogi, 666-749) tạo dựng năm 1321.

* Thiền Hoàng Bá (Obaku sect): đây là Thiền phái thứ ba của người Nhật, có tầm ảnh hưởng ít hơn hai Thiền phái trên, do thiền sư người Trung Hoa Ẩn Nguyên (Yin-Yuan, 1592-1673) khai sáng. Sau nhiều năm tu học tại quê nhà, ông đến Nhật Bản để hoằng Pháp vào năm 1654 và tiến hành thành lập Thiền phái này tại chùa Vạn Phước (Mampuku-ji) ở tỉnh Yamato. Ông đã được vua Nhật ban cho danh hiệu là Quốc sư (Daiko-Fusho-Kokushi), ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Hiện tại có hơn 600 ngôi chùa là chi nhánh của Thiền phái này.

Nhìn chung cả ba Thiền phái trên đã phát triển mạnh ở Nhật và có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống của người dân Nhật. Cả ba đều có nhiều trường đại học, nhà xuất bản kinh sách riêng, cơ quan từ thiện... Không những thế Thiền đã ăn sâu vào tiềm thức của người Nhật, thiền đã đi vào hoa, vào trà, vào nếp sống, nếp nghĩ của người dân và cuối cùng nó nâng lên thành Ðạo, trà đạo, hoa đạo... Bản chất khiêm hạ màụ sắc bén, từ ái mà quật cường của người Nhật được cả thế giới ngưỡng mộ đều là kết quả từ sự thực nghiệm Thiền định cả.

2- Tịnh Ðộ Tông (Jodo/Pureland Sect): đây là một tông phái rất phổ biến ở các quốc gia Bắc phương PG, có nguồn gốc từ thế kỷ thứ hai Tây lịch tại Ấn Ðộ. Tông này dựa vào giáo lý của Kinh Vô Lượng Thọ (Sukhavativyuha) và Kinh A Di Ðà ( Amitabha-sutra). Cả hai bộ Kinh này đều mô tả về một cõi giới ở phía Tây, nơi những hành giả tu tập theo tông này sẽ tái sinh sau khi bỏ báo thân ở cõi Ta Bà như là một kết quả từ niềm tín tâm nơi Ðức Phật Di Ðà và tu tập nhiều thiện nghiệp. Vị Tông chủ của phái này là Ðức Phật A Di Ðà hay Ðức Phật có ánh sáng vô lượng (unlimited light Buddha). Tịnh Ðộ Tông được truyền đến Nhật Bản vào khoảng thế kỷ thứ sáu với sự thiết lập của Ngài Pháp Nhiên (Honen, 1133-1212). Ngài Pháp Nhiên đã công khai hóa pháp môn Tịnh độ vào năm 1175 ở Kyoto. Sau đó nó đã phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng thích nghi với xã hội Nhật, kết quả là có năm chi phái Tịnh Ðộ xuất hiện từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 13, bao gồm Dung Thông Niệm Phật Tông (Yùzù-nembutsu) do Ngài Lương Nhẫn (Ryonin, 1073-1132) thành lập; Ngài Thân Loan (Shinran, 1173-1263) với Tịnh Ðộ Chân Tông (Jòdo Shin); Ngài Nhất Biến (Ippen, 1239-1289) với Thời Tông (Ji sect)... Ngày nay, ở Nhật chỉ còn hai trong năm chi phái trên còn thịnh hành. Những ngôi chùa chính của tông phái này là chùa Chion ở Kyoto và Chùa Zojo ở Tokyo. Vào năm 1993, các tông phái Tịnh Ðộ này đã kết hợp để xây dựng một pho tượng A Di Ðà cao 120m. Ðây là một trong công trình Phật sự vĩ đại của Phật giáo tại Nhật ở cuối thế kỷ hai mươi này.

3- Thiên Thai Tông (Tendai-shù): còn được gọi là Pháp Hoa Tông, được Ngài Trí Khải (Chih-i, 538-597, thường được gọi là Thiên Thai Ðại Sư) dựa vào giáo lý Pháp Hoa Kinh mà lập tông tại núi Thiên Thai. Trí Khải Ðại sư là tác giả của trên ba mươi luận bản nổi tiếng như Pháp Hoa Huyền Nghĩa (Fa-hua hsuan-tsan), Pháp Hoa Văn Cú (Fa-hua Wen Chu), Ma Ha Chỉ Quán (Mo-ho-chih-kuan)... Tông này được Ngài Tối Trừng (Saicho, 767-822), truyền đến Nhật năm 805. Ngài Tối Trừng sinh năm 767 tại Omi (Nhật Bản), xuất gia năm 12 tuổi. Năm 804, Ngài được triều đình Nhật gởi sang Trung Hoa để học Phật. Ngài đã tận dụng cơ hội này để học giáo nghĩa Thiên Thai dưới sự dẫn dắt của Dòsui, học thiền với Hsiao-jan... một năm sau Ngài hồi hương và tiến hành lập tông này. Ngài viên tịch năm 822 ở tuổi 56, để lại phía sau mình một công trình nghiên cứu đồ sộ với một trăm sáu mươi tác phẩm các loại.

(cont)

Kasumi
22-11-2005, 02:40 PM
4- Nhật Liên Tông (Nichiren-shù): còn được gọi là Pháp Hoa Tông (Hokke-Sect); hay Nhật Liên Pháp Hoa Tông (Nichiren Hokke) được Ngài Nhật Liên (Nichiren, 1222-1282) thành lập. Tông này lấy tư tưởng Kinh Pháp Hoa làm chỗ nương tựa chính. Ngài Nhật Liên sinh năm 1221, con của một gia đình lao động ở Kaminato. Ngài xuất gia vào thuở thiếu thời. Lúc đầu học theo Chân Ngôn Tông, rồi Thiên Thai Tông. Cuối cùng Ngài kết luận rằng chỉ Kinh Pháp Hoa (Saddharmapundarika-Sutra/The Lotus of the Good Law) mới là cứu cánh và đưa đất nước Nhật bản ra khỏi cảnh khốn cùng. Hành giả theo tông này thường thọ trì Kinh Pháp Hoa và niệm danh hiệu Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Tông này có bốn ngôi chùa chính là chùa Bản Môn (Hommon-ji) xây dựng ở Tokyo năm 1291; chùa Diệu Hiển (Myòken-ji) xây dựng năm 1326 và chùa Bản Quốc (Honkoku-ji) xây dựng năm 1263 ở Kamakura, đến năm 1345 thì được dời về Kyoto và chùa Pháp Hoa Kinh (Hokekyò-ji) xây dựng năm 1260 ở Nakayama. Sau thế chiến thứ nhất, Tông này đã phát triển thêm nhiều tổ chức như Soka Gakkai, Rissho Koseikai, Reiyukai... đều một lòng xiển dương giáo nghĩa của Pháp Hoa Kinh. Riêng tổ chức PG Rissho Koseikai được đạo hữu Nikkyo Niwano thành lập vào tháng 3 năm 1938, đến nay vẫn được xem là một trong những tổ chức PG rất mạnh tại Nhật với hơn 6 triệu hội viên trên khắp thế giới. Năm 1997, Hội này có mở một trang nhà để phổ biến giáo lý rất phong phú, địa chỉ vào xem là: http://www.mediagalxy.co.jp/kosei/index1.html.

5- Chân Ngôn Tông (Shingon Sect): còn gọi là Mật Tông (Esoteric Sect) là một trong những TPPG chính ở Nhật, được Hoằng Pháp Ðại Sư (Kobo Daishi, 774-835) thành lập ở Nhật vào năm 806. Ngài vốn có tên là Không Hải, sinh năm 774, năm 15 tuổi đến Nara để học chữ Hán, lịch sử, văn học và Kinh điển PG. Sau khi so sánh Phật, Lão và Khổng, ông chọn Phật để theo. Ông xuất gia năm 20 tuổi với Ðại sư Gònso. Năm 22 tuổi ông thọ cụ túc giới ở chùa Ðông Ðại. Năm 31 tuổi (804) ông được Thầy gởi đi Trung Hoa để học với sư Hui-Kuo (746-805). Năm 806 Ngài trở về Nhật và tu ở núi Mahinoo, trong thời gian này có rất nhiều người tới để cầu học, trong đó có cả Ngài Tối Trừng. Năm 816 Ngài khởi công xây dựng chùa Kim Cương (Kongò-ji) tại núi Koya thuộc tỉnh lakayama để hoằng dương pháp tu này. Vị tông chủ của giáo phái này là Ðức Ðại Nhật Như Lai (Mahavairocana/Dainichi-nyorai), hành giả của giáo phái tu theo lời dạy trong bộ Ðại Nhật Kinh Sớ (Dainichi-Kyò-sho). Hiện nay Chân Ngôn Tông vẫn phát triển đều đặn và có sáu chi phái nhỏ khác nhau tồn tại ở Nhật.

Phật Giáo Nhật Bản ngày nay

Theo thống kê gần đây cho thấy có khoảng 70% dân số là tín đồ Phật giáo. PGNB được chia thành mười ba tông phái chính, có 80.000 ngôi chùa, 200.000 tăng sĩ. Có trên 20 đại học, trung học và viện nghiên cứu PG ở khắp đất nước Nhật. PG tu học vẫn được duy trì mạnh mẽ nhưng có ý kiến phê bình rằng ngày nay PG chỉ còn ảnh hưởng trên mặt tri thức hơn là đi sâu vào mặt thực hành như thuở nào. Triết thuyết của PG đã trở nên khó hiểu đối với đại đa số quần chúng và chỉ có số ít quan tâm đến đời sống tôn giáo. Tăng sĩ tụng niệm nhiều hơn tăng sĩ thuyết giảng. PG lý tưởng và đời sống tâm linh dường như đang trên đà lãng quên, cho dù kinh sách PG vẫn ấn hành đều đặn và nhiều hơn trước.

Tương lai của PG Nhật thật khó mà tiên liệu được. Ngành khoa học nghiên cứu PG đã có dấu hiệu phát triển trong những năm gần đây, nhưng nó vẫn còn những khoảng cách nhất định với tầm hiểu biết của quần chúng Phật tử. Phần lớn những nhà nghiên cứu chỉ chú trọng vào chiều sâu của triết thuyết và ngôn từ chuyên môn hơn là những ý nghĩa thật sự của nó đối với đời sống của con người.

Tuy nhiên, có dấu hiệu lạc quan và hy vọng cho sự phục hưng và phát triển PG tại Nhật vì có nhiều tổ chức PG thành lập, đặc biệt là giới cư sĩ tại gia, đã mở rộng nhiều chương trình hướng dẫn quần chúng tu học Phật. Nhiều tổ chức tôn giáo xuất hiện sau Thế chiến thứ II (1945) đều mang theo sự ảnh hưởng sâu đậm của PG. Những hoạt động truyền giáo bên ngoài Nhật Bản cũng gia tăng đáng kể, nhiều phái đoàn hoằng pháp liên tục được gởi đi hải ngoại, đặc biệt là bắc Mỹ và châu Âu. Nhiều sách báo được ấn hành trong nhiều loại ngôn ngữ khác nhau của phương Tây, các học giả Nhật Bản đã hợp tác với các nhà nghiên cứu nước ngoài để biên soạn bộ Bách Khoa Từ Ðiển PG (Buddhist Encyclopedias, ấn hành vào năm 1980). Toàn bộ Kinh sách của PG Tây Tạng đã được chuyển ngữ và được xuất bản bởi một Viện Nghiên Cứu tại Nhật và một bộ sưu tập tất cả những bài nghiên cứu giáo lý Phật Ðà được in từ nhiều quốc gia khác nhau, đã được chuyển ngữ và in tại Nhật. PG Nhật cũng hỗ trợ cho nhiều học giả và nghiên cứu sinh từ bắc và nam Mỹ, châu Âu và châu Á, đặc biệt các nước Ấn Ðộ, Trung Hoa, Tích Lan, Việt Nam... đến Nhật để học Phật. Rất nhiều tổ chức từ thiện PG được thành lập để giúp người tị nạn và các quốc gia đang phát triển ở Á châu và Phi châu. Nhìn chung PG Nhật đang chuyển mình để hòa nhập với trào lưu mới để đem lại ánh sáng và bình yên cho mọi người./.

Thích Nguyên Tạng
Chùa Quảng Ðức
Melbourne, Australia

Tổng hợp từ các tài liệu :

Masaharu Anesaki (1930) History of Japanese Religion, Kyoto.
Charles Eliot (1959) Japanese Buddhism, Tokyo.
Yoshiro Tamura (1990) Tokugawa Period Buddhism and the Path to Modernization, Dharma World, Sep/Oct 1990.
Keiichi Yanagaw (1992), Religion in Japan Today, Foreign Press Center, Tokyo.
Kodansha (1990) Kodansha Encyclopedia of Japan, Kyoto.
Kazumasa Osaka (1990-1999), Dharma World magazine, Tokyo.

(http://thongtinnhatban.net)

BioShock
25-11-2005, 11:41 AM
Cảm ơn bạn đã post thông tin rất có giá trị nghen ^^.
Yêu nước tui (Nhật Bản :P) quá đi ^^

Mùa Thu Màu Xám
24-09-2012, 05:16 PM
Một vài suy nghĩ về vai trò của Phật giáo trong nền văn hoá Nhật Bản

http://www.daophatngaynay.com/vn/thumbnail.php?file=images/2012/quy2/stbctgnb_774717808.jpg&size=article_medium

Phải nói rằng, tham gia vào việc hình thành “tinh thần Nhật Bản”, Phật giáo chỉ đóng vai trò là một thành tố, mặc dù là một thành tố không thể thiếu và có nhiều thời kì trong lịch sử Nhật Bản nó đóng vai trò là nhân tố “trội”.


Trong lịch sử của mình, dù ở bất kì dân tộc nào, tôn giáo và văn hóa với tính cách là các hình thái ý thức xã hội, một mặt luôn bị quy định bởi tổn tại xã hội và mặt khác, không ngừng liên hê, tác động với nhau. Đây là một quy luật khách quan của sự phát triển ý thức xã hội cũng như của đời sông tinh thần xã hội nói chung. Vì vậy, dẫu cho còn rất nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về vai trò của tôn giáo đối với văn hóa của nhân loại, song một thực tế khó lòng phủ nhận, đó là trong hành trang văn hóa của mình, các dân tộc sẽ thấy nghèo nàn hơn khi thiếu một số giá trị của tôn giáo. Tuy nhiên, dấu ấn của tôn giáo đến văn hóa ở mỗi dân tộc đều có những đặc thù với nhiều sắc thái đa dạng và vai trò của từng tôn giáo cũng hết sức khác nhau. Do đó, việc tìm hiểu ảnh hưởng của tôn giáo (nói chung) và từng tôn giáo (nói riêng) đến văn hóa của mỗi dân tộc không chỉ có ý nghĩa cấp thiết trong xã hội hiện đại mà còn có ý nghĩa đối với mọi thời đại.

Nhật Bản - một quốc gia hùng mạnh ở Châu Á - hiện đang là đề tài thu hút sự chú ý của nhiều người. Các nhà nghiên cứu đã tìm cách lí giải về “hiện tượng Nhật Bản” và họ đã đi đến kết luận gần giông nhau là: sở dĩ Nhật Bản thành công bởi đất nước đó đã đi lên bằng “tinh thần Nhật Bản và kĩ thuật phương Tây”. Giải pháp được lựa chọn ở đây là mở cửa để tinh hoa của văn hóa Nhật Bản đón nhận được kĩ thuật tiên tiến của phương Tây. Vì vậy, trong lúc canh tân đất nước thành công, người Nhật vẫn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc trong lúc nhiều dân tộc khác đã phải có sự trả giá không nhỏ cho sự lãng quên việc vun đắp tinh hoa văn hóa của dân tộc mình.

Phải nói rằng, tham gia vào việc hình thành “tinh thần Nhật Bản”, Phật giáo chỉ đóng vai trò là một thành tố, mặc dù là một thành tố không thể thiếu và có nhiều thời kì trong lịch sử Nhật Bản nó đóng vai trò là nhân tố “trội”. Nói như vậy, bởi trong khi đánh giá vai trò của Phật giáo đối với nền văn hóa Nhật Bản, nhiều người đã quá cường điệu vai trò của nó mà hạ thấp đi vai trò của các nhân tố khác. Vì vậy, để thấy được ảnh hưởng của Phật giáo đến văn hóa Nhật Bản không thể bỏ qua việc quay trở lại tìm hiểu kĩ hơn lịch sử du nhập, tổn tại và phát triển của tôn giáo này.

Như đã biết, Phật giáo được du nhập vào Nhật Bản vào khoảng thế kỉ V, VI[1]. Ngay từ buổi đầu của sự du nhập đã diễn ra sự giằng co quyết liệt giữa hai phái của chính thể Nhật hoàng. Một phái do Tô Ngã Đạo Mục (Soganoiname) cầm đầu chủ trương ủng hộ Phật giáo. Ông cho rằng: “Các nước phương Tây, tất thẩy đều lễ kính, chả nhẽ một mình nước Nhật Bản phong thu này chống lại”[2]. Phái khác do Vật Bộ Vĩ Dư (Momonobe Okoshi) và Trung Thần Liên (Nakatomi Muraji) cầm đầu chủ trương phản đối Phật giáo. Họ cho rằng: “Nước ta làm vương thiên hạ, xưa nay che nhờ 180 thần trời đất, xã tắc xuân hạ thu đông là việc của ta. Nay bỗng thay đổi, lễ bái phiên bang, e sẽ làm cho thần nước ta giận dữ”[3]. Sau một thời kì đấu tranh quyết liệt, khi Thái tử Thánh Đức (Shoutoku Taishi) chấp chính (còn gọi là Hoàng tử Cựu Hộ, sinh năm 574) thì tư tưởng Phật giáo đã thắng thế. Trong Hiến pháp gồm 17 điều do Thái tử Thánh Đức xây dựng, điều thứ 2 ghi rằng: “Thành kính đối với Tam bảo. Tam bảo tức là Phật, Pháp, Tăng. Đời nào người nào mà không theo pháp ấy? Người ta ít lỗi lầm tội ác, có thể dạy bảo, cải tạo. Nếu không quy y Tam bảo, lấy gì làm rõ thẳng cong”. Điều 10 của Hiến pháp lại ghi: “Dứt phẫn, bỏ sân, không giận người làm trái, người người đều có tâm, tâm ai cũng có chấp. Kia đúng thì ta sai, ta đúng thì kẻ kia sai. Ta hẳn không phải Thánh, kẻ kia hẳn không phải ngu, đều là phàm phu cả thôi. Cái lẽ phải trái, hóa có thể định? Tướng công hiền ngu, như vòng tròn không biết đâu là đầu mối. Vì vậy kẻ kia tuy sân, vẫn e ta sai. Mình ta dù có đúng, phải theo chúng cùng làm”[4]. Như vậy, nếu so sánh tư tưởng của Thái tử Thánh Đức với Trần Thái Tông ta sẽ thấy hai người có một sự nhìn nhận khá tương đồng bởi Trần Thái Tông cũng đã cho rằng Phật giáo là phương tiện để dẫn dụ bầy tôi mê hoặc, là đường tắt để tỏ lẽ tử sinh. Cả hai người đều muốn dùng Phật giáo làm phương tiện để quy tụ nhân tâm bởi hoàn cảnh lịch sử thời Trần ở Việt Nam và của Nhật thời Thánh Đức có những nhu cầu cơ bản giống nhau. Trong sách Tuỳ Đường ngũ đại Trung Nhật quan hệ sử, Dư Hiệu Tôn có nhận định: “Thái tử đề xướng Phật giáo, hiệu quả thu được nói vắn tắt là:

- Dùng giáo nghĩa Phật giáo để xây dựng tinh thần hòa bình, hoà mục, dẫn dắt lòng người từ chỗ rối loạn mà hướng tới chỗ đường ngay.

- Tiếp nhận văn hóa Phật giáo để xúc tiến sự phát triển của văn hóa Nhật Bản.

- Đương thời Nhật Bản đang dừng ở xã hội thị tộc, mỗi thị tộc chỉ sùng tín thần của thị tộc mình, hình thành hiện tượng phân biệt. Thái tử đề xướng Phật giáo, vượt lên trên tinh thần thị tộc, làm cho nhân dân tín phụng Phật giáo một cách phổ biến để từ thống nhất tín ngưỡng mà xúc tiến thống nhất quốc gia”.

Nhận định trên đây của Dư Hiệu Tôn là có cơ sở và chứng tỏ rằng, ngay từ buổi đầu, Phật giáo đã đóng vai trò như là nhân tố cố kết cư dân Nhật Bản trong một quốc gia thống nhất. Sự cố kết đó cũng là nền tảng để hình thành giá trị chung của các tộc người trong nền văn hóa đa sắc thái của người Nhật hiện đại. Trong thời kì Phi Điểu (Asuka, 552 - 645), Phật giáo là trung tâm của văn hóa. Ngoài việc xây dựng nhiều chùa chiền, hệ thống kinh bổn Phật giáo cũng được phổ biến. Tăng ni tăng nhanh. Nền chính trị đã được xây dựng trên căn bản nguyên tắc Phật giáo: không dùng binh lực trong việc đối nội, đối ngoại và lưu dưỡng sinh lực. Nhờ vậy, Nhật Bản đã rất thành công trong việc mở rộng giao lưu với Trung Hoa và Triều Tiên. Trên nền tảng đó, nhiều trí thức văn hóa khác như thiên văn, địa lí, phương thuật, lịch thư... của người Trung Hoa cũng được du nhập.

Vào thời kì Nại Lương (Nara, 645 - 794), Phật giáo đã có những cơ sở vững chắc trong xã hội. Nhìn chung nó đã để lại nhiều dấu ấn trong văn hóa mà hiện vẫn tồn tại đến tận ngày nay.

Trước hết, trong việc từ thiện, ở các chùa đã có hai phòng: Thí dược (phòng phát thuốc miễn phí) và Bi điền (phòng từ thiện xã hội), vừa là đạo trường quy vinh Tam bảo của nhân dân (nghĩa là nơi thờ phụng Tam bảo) vừa là nơi cứu tế người nghèo, là viện dưỡng lão và trẻ mồ côi, đồng thời là nơi bảo vệ sức khoẻ công cộng. Như vậy, nhà chùa đóng vai trò là cơ sở y tế và phúc lợi xã hội mà đối tượng chủ yếu là người nghèo khó và gặp bất hạnh vì bênh tật, rủi ro trong cuộc đời. Ngoài ra các tăng ni còn là những đại biểu làm công ích như đào giếng và xây cầu, đắp đê, sửa chữa đường xá, dựng nhà, phát triển thuỷ lợi. Lịch sử Phật giáo Nhật Bản còn ghi nhớ công lao của nhiều cao tăng có công lớn như Đạo Chiêu (Đoushou), Khí Pháp Quân Ni (Wakino Hiromushi), Bổ Tát Hành Cơ (Gyoukibosatsu)... Cũng giống như Việt Nam thời kì đầu, Phật giáo ở Nhật Bản là một nhà trường vừa trau rổi giáo lí vừa truyền thụ tri thức. Nhiều nhà sư đã trở thành những nhà giáo dục lớn như Khai Nguyên (Kaigen), Thạch Thượng Trạch Tự.

Dưới ảnh hưởng của Phật giáo, nền thơ ca, nghệ thuật Phật giáo cũng khá phát triển, đã để lại nhiều kiệt tác như: Phật túc thạch ca, bức tranh thêu Thiên thọ quốc tứ trường, hai bức tượng Nhật Quang và Nguyệt Quang, tranh Cát tường thiên nữ...

Còn từ thời kì Bình An (Heian, 794 - 1185) cho tới Khiếm Thương (Kamakura, 1185 - 1333), vai trò văn hóa của Phật giáo tiếp tục được duy trì. Điểm đặc biệt là giai đoạn này đã có sự dung hợp giữa Thiền tông và võ sĩ đạo, được xem như là một hỗn hợp tư tưởng giữa tinh thần Thần đạo, tư tưởng Nho gia và cốt cách Thiền tông. Điều này được khẳng định bởi trong yêu cầu về điều kiện võ sĩ có: Trung hiếu, vũ dũng, từ bi, lễ nhượng, cần kiệm, chất phác, trọng danh phận, chuộng tiết tháo, coi sống chết như nhau. Trong đó, từ bi, cần kiệm, chất phác, coi sống chết như nhau là cốt cách của Thiền tông. Cũng cần nhớ rằng, một mặt tư tưởng võ sĩ đạo góp phần hình thành chủ nghĩa quân phiệt nhưng cũng là động lực để người Nhật đứng dậy sau sự hoang tàn của thế chiến thứ II. Điều thú vị là trong thời kì Khiếm Thương, các tông phái mới của Phật giáo đã chủ trương phụ nữ cũng có thể được tín ngưỡng cứu vớt vì vậy đã góp phần làm nhạt tư tưởng trọng nam khinh nữ vốn đã tổn tại lâu đời trong đời sống người dân.

Bước sang thời kì Nam Bắc Triều và Thất Đinh (Nambokushou - Muromachi, 1333 - 1600), Thiền tông nhờ có sự quy y của triều đình và tướng quân nên rất thịnh vượng. Ngoài Thiền tông, Tịnh Độ và Nhật Liên là những tông phái mới đều có quan hệ mật thiết với dân chúng và chùa viện cũng trở thành trung tâm kinh tế. Về phương diện giáo dục, từ trước thời Nại Lương tăng lữ đã đảm nhận việc giáo dục con trẻ. Sau đó, do sự suy yếu của giáo dục nhà nước nên từ sau thời kì Khiếm Thương, chùa viện đã trở thành các trung tâm học vấn, nền giáo dục nhà chùa chủ yếu dạy tiếng Nhật và chữ Hán. Ngoài việc truyền thụ kiến thức, giáo dục nhà chùa còn chú trọng rèn luyện đời sống tinh thần, sách giáo khoa do tăng lữ biên soạn thấm đậm tư tưởng Phật giáo.

Sự tổn tại và phát triển của Phật giáo ở Nhật Bản đã dẫn đến một hệ quả là góp phần thúc đẩy giao lưu với lân bang. Nhờ đó nền nghệ thuật Nhật Bản đã có thêm một phong cách khoẻ mạnh cả trong thư pháp và hội họa.

Trong thời kì Giang Hộ (Edo, 1600 - 1868), nhìn chung Phật giáo có phần sa sút về tư tưởng và trở thành một loại Phật giáo đọc kinh. Về nhân cách, nhiều tăng ni sa sút, đặc biệt trong dòng Chân Tông đã xuất hiện phái tả đạo, lưu hành pháp môn Mật sự và pháp môn Dạ trung.

Nguyên nhân sự sa sút của Phật giáo còn do thời kì này Nho học bột phát. Các nho sinh đông dần, trở thành một thế lực ngày càng hùng mạnh. Trước bối cảnh đó, các nhân sĩ xã hội lên tiếng chỉ trích tăng ni là vô tích sự. Nhiều nơi Nho học thịnh hành như vùng Thuỷ Hộ (Mito) đã mở đầu cho việc phế Phật, huỷ hoại chùa chiền, đào thải tăng ni, phá tượng Phật đúc đại pháo. Những sự kiện này xảy ra vào năm thứ 14 (1843) niên hiệu Thiên Bảo (Tenpou). Vào cuối thời kì Giang Hộ, cũng do Nho học và Quốc học phát triển mà chủ nghĩa “tôn vương nhương di” ra đời. Nhờ đó đã khởi đầu cho phong trào khôi phục quyền lực của Thiên Hoàng (lấy lại quyền lực cho Thiên Hoàng từ tay tướng quân Tokugawa), bài trừ ngoại bang, khôi phục Thần đạo và bài xích Phật giáo.

Kể từ cuối thế kỉ XIX, nhất là từ thời kì Minh Trị Duy Tân, vai trò của Phật giáo đã có nhiều thay đổi. Sự hồi sinh của Thần đạo cũng như sự du nhập của văn minh phương Tây đã làm cho Phật giáo suy thoái nghiêm trọng. Nhiều tăng ni phẩm hạnh sa sút, đi vào con đường ăn chơi hưởng lạc. Phật giáo mang tính “giáo điều” xa rời những nhu cầu của con người và xã hội. Trước tình hình đó cùng với những yêu cầu bức bách đặt ra là phải nhanh chóng canh tân, phát triển đất nước cho kịp sự phát triển của phương Tây, Phật giáo buộc phải phát triển theo hướng tăng tính thế tục. Nhiều tăng lữ tham gia chính trị. Phật giáo dần dần hướng về hoạt động xã hội. Phái Sáng giá học hội (Soukagakai), được xem là một trong những tôn giáo mới ra đời ở Nhật (Tân tôn giáo), được thành lập vào năm 1930, xuất phát từ một tông phái Nhật Liên giáo của Phật giáo. Sáng giá học hội hoàn toàn do các cư sĩ tại gia lãnh đạo, lấy kinh Pháp Hoa làm tư tưởng trung tâm, có sức mạnh tổ chức vững chắc, tinh thần truyền giáo sôi nổi, số tín đồ tương đối đông, ảnh hưởng khá lớn đến đời sống chính trị - xã hội trong nước Nhật và có nhiều hoạt động, nhất là về văn hóa giáo dục ở nước ngoài (đặc biệt ở Mỹ). Tuy vậy, trong nước Nhật cũng có rất nhiều sự phản đối đối với Sáng giá học hội, và khả năng thống nhất với toàn bộ các tông phái của Phật giáo là không có vì các tông phái cũ có khoảng cách lớn về tư tưởng với nó. Đảng đối lập Công Minh (Komeito), hay còn gọi là Đảng Chính phủ trong sạch, được thành lập vào tháng 11 năm 1964 từ một nhánh chính trị của Sáng giá học hội.

Đây là một đảng chính trị có xu hướng thân Mỹ, có thế lực lớn thứ 3 ở Nhật Bản. Mục đích của Đảng này là xây dựng một xã hội phúc lợi theo quan niệm của chủ nghĩa nhân đạo.

Nhờ Hiệp hội Phật giáo của người Nhật ở Mỹ và sự nỗ lực của các tông phái nên trong và sau thế chiến II, Phật giáo Nhật Bản dần dần lấy lại được vị trí của mình, nhưng vẫn loay hoay để tìm ra một đường hướng phát triển. “Ở Nhật Bản hiện nay đạo Phật chiếm ưu thế với khoảng 92 triệu tín đồ tính tới cuối năm 1985”[5].

Với ưu thế là một tôn giáo có bề dầy lịch sử, có số lượng tín đồ đông đảo, lại thêm tính chất thế tục ngày càng tăng nên Phật giáo Nhật Bản có một chỗ đứng khá vững chắc trong tâm thức của người Nhật hiện đại. Một sự kiện gây chú ý của nhiều người là vào năm 1999, Đảng Cộng sản Nhật Bản đã liên minh với các tổ chức Phật giáo và giành thắng lợi lớn trong cuộc tranh cử ở các địa phương.

Hơn 1000 năm tồn tại, Phật giáo đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong văn hóa Nhật Bản (ở cả 2 dạng văn hóa vật thể và phi vật thể) và được kết tinh sâu sắc trong nhân cách con người.

Có thể nói, mọi dân tộc trên thế giới đều có các lễ hội cổ truyền và những lễ hội đó là nơi giao lưu giữa những giá trị văn hóa truyền thống, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Ở Nhật Bản lễ hội cũng mang những đặc trưng văn hóa dân tộc. Có thể thấy nhiều lễ hội bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng đã được biến đổi cho phù hợp với đặc điểm lịch sử và văn hóa của người Nhật. “Khi theo dõi từng lễ hội hàng năm, ta sẽ thấy văn hóa Nhật Bản thấm đậm màu sắc của đạo Shintô, đồng thời lại chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ đạo Phật. Ở Nhật Bản vẫn lưu truyền truyền thống hòa hợp tâm linh của con người đối với Thần, Phật và lòng cảm tạ những ưu đãi mà thiên nhiên ban tặng”[6]."

Trong các loại hình nghệ thuật như điêu khắc, kiến trúc, hội họa, ảnh hưởng của Phật giáo cũng rất sâu đậm. Dưới sự chi phối của thế giới quan, nhân sinh quan Phật giáo, văn hóa Nhật Bản đã đạt đến đỉnh cao rực rỡ vào thời kì văn hóa Asuka (552 - 645), khi nghệ thuật được hoàng gia phát triển. Bằng chứng là hàng loạt ngôi chùa được xây dựng, trong đó có chùa Pháp Long (Horyuji) được xây dựng năm 607 tại tỉnh Nara, chánh điện và tháp 5 tầng được xem như kiến trúc bằng gỗ vào loại cổ nhất tổn tại cho đến ngày nay trên thế giới. Văn hóa cuối Nara (710-794) là thời kì hoàng kim của đạo Phật và nghệ thuật tạc tượng Phật ở Nhật Bản. Nghệ thuật này phản ánh một phong cách hiện thực lớn kết hợp với sự thanh thản hiếm có. Rất nhiều chùa chiền được xây dựng, mang bóng dáng tráng lệ của lục địa, trong đó có đại sảnh chùa Todai ở Nara, nơi đặt tượng Daibutsu (Đại bụt), công trình gỗ lớn nhất thế giới.

Trong các thời kì tiếp theo, Phật giáo cũng tạo được những ảnh hưởng đáng kể của mình, làm cho phong cách nghệ thuật Nhật Bản kết tinh được tính trang nghiêm và sự uy nghi với những đặc trưng được lí tưởng hóa, giữa sự duyên dáng đầy khí lực với sự thanh thản, giữa tính thực tế và sự tao nhã. Vào thời Kamakura (1192 - 1537), sự xâm nhập của Thiền tông vào Nhật Bản đã làm cho kiến trúc chùa chiền nhiều tầng phát triển, như Chùa Vàng (Kinkakuji) và Chùa Bạc (Ginkakuji) ở Kyoto. Phật giáo đã thực hiện một sự hỗn dung với Thần đạo không chỉ trong tâm thức mà còn cả trong nghệ thuật. Bách khoa thư của Nhật Bản đã nhận định: “Có liên hệ gần gũi hơn với hội họa Phật giáo, về phong cách cũng như biểu hiện là việc diễn tả các vị thần trong Thần đạo như là các Kami (là khái niệm chỉ một thế lực thần bí tổn tại trong thế giới vô hình như những năng lực siêu phàm. Đó là những quyền lực có trong vũ trụ, con người và trong cỏ cây, sông núi). Những biểu tượng ấy miêu tả Kami dưới hình hài một vị thần khoác áo hoàng bào hoặc dưới lốt các vị thần trong Phật giáo và các tôn giáo khác mà qua họ người ta tin đó là sự hiện hữu của nhà Phật. Miếu thờ Thần đạo lúc đầu không có các tòa nhà, hoặc các biểu tượng hình người, nhưng sự tiếp xúc với sự phong phú lộng lẫy của Phật giáo đã dẫn đến những thay đổi trong nhiều khía cạnh của tín ngưỡng bản địa cũng như trong thực tiễn”[7]. Không dừng lại ở đấy, ảnh hưởng của Phật giáo còn lan tỏa vào trong lĩnh vực ẩm thực và nâng nó lên hàng một nghệ thuật với một phong cách rất đặc trưng. Nói đến Nhật Bản không ai không nhớ đến một thứ trà trở thành “Trà đạo” cực kì nổi tiếng và mang màu sắc của Thiền (làm trong sạch tâm hổn bằng cách hòa mình với thiên nhiên, tinh thần thật sự của nghi thức dùng trà là điềm tĩnh, chất phác, phong nhã và tiết kiệm tối đa các động tác... thể hiện tính thẩm mĩ của cái đơn giản khắc khổ và cái nghèo tao nhã), hoặc cội nguổn của nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản là nghi lễ dâng hoa trong các chùa chiền từ thế kỉ VI...

Như phần trước đã trình bày, ngay từ những ngày đầu các chùa viện Phật giáo đã đóng vai trò như là những cơ sở giáo dục. Cho đến năm Chiêu Hòa 42, Phật giáo Nhật Bản đã có 9 trường tiểu học, 51 trường trung học, 13 trường cao đẳng, 41 trường đại học ngắn hạn và 24 trường đại học. Còn số liệu mới đây của Tịnh Độ tông (một trong hơn 10 tông phái lớn nhất ở Nhật Bản hiện nay) đăng trong cuốn danh bạ tự viện, số phát hành năm 1998 thì riêng Tịnh Độ tông đã có tới 6 trường đại học, 4 trường đại học ngắn hạn, 16 trường cao đẳng, 10 trung học, 2 tiểu học...

Chỉ tính riêng từ năm Minh Trị 21 (Meiji, 1888) đến năm Chiêu Hòa 42 (Showa, 1967), trong 79 năm Phật giáo Nhật Bản đã cho ra đời 276 tiến sĩ văn học, (nghiên cứu Phật giáo), chỉ tính riêng sau chiến tranh thế giới II đã có tới 179 tiến sĩ. Con số thạc sĩ và học sĩ có thể phải “chở bằng xe đong bằng hộc”[8]. Về sự nghiệp xã hội, có 116 viện dưỡng lão Phật giáo, 13 viện cứu hộ, 26 viện chữa bệnh bảo hộ, 3 viện tàn phế, 16 sở thụ sản...[9] Về phương diện con người, trong tác phẩm nổi tiếng thế giới của Lee O Young Người Nhật Bản với chí hướng thu nhỏ, đã viết :”Những người Nhật đã tạo ra những vườn đá đẹp nhất làm cho mọi người trên thế giới đổng cảm sâu sắc, đã sinh ra nền văn hóa lặng lẽ thanh khiết của phòng trà, dù rằng có sự giết chóc của xã hội võ sĩ đạo đã rửa lịch sử bằng máu, nhưng họ đã tạo ra nền văn hóa rất đẹp đủ để chuộc lại những cái đó... Những người Nhật đó chẳng lẽ chỉ có thể được ghi nhớ bằng những nhãn hiệu hàng hóa điện tử trong 4 tỉ người thôi hay sao?”[10]. Cũng Lee O Young cho rằng: “tuy cũng là đạo Phật, song, trong khi phái Thiên Thai của Trung Quốc coi trọng cái “lí” (có thể hiểu là trọng những điều trừu tượng, xa rời những nhu cầu thực tế của cuộc sống) thì giáo phái Thiên Thai của Nhật Bản lại nhấn mạnh cái “sự” (có thể hiểu là trọng những nhu cầu hay hiệu quả thực tế). Trong cái thế giới không coi trọng cái “lí”, thế giới không có tư tưởng thì chỉ có “chủ nghĩa tiện nghi mới là thước đo của hành động”.

Trong điều kiện xã hội hiện nay - một xã hội mà guổng máy công nghiệp cực kì hiện đại đang đẩy con người càng ngày càng dường như xa lạ với bản chất của mình (với tính cách là một sinh vật có cảm xúc) thì tổn tại của Phật giáo càng có những hợp lí nhất định. Nó giúp con người khi bước ra khỏi một quy trình sản xuất đơn điệu và căng thẳng sẽ tìm thấy một khoảng nhỏ cảm xúc được hổi phục để rổi ngày mai, ngày kia... lại tiếp tục dấn thân vào guổng máy đó. Có lẽ vì thế, khác với người phương Tây khi công nghiệp và khoa học phát triển, niềm tin tôn giáo theo kiểu truyền thống dường như ít đậm đặc hơn thì ở người Nhật có lẽ biểu hiện lại khác: họ vẫn giữ được những tín ngưỡng cổ truyền, vẫn duy trì được nhiều lễ hội mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống. Trong từng con người Nhật Bản bên cạnh hành trang tri thức và kĩ năng lao động hiện đại, vẫn tổn tại những khác biệt rất căn bản khi họ đứng cạnh người Châu Âu hay Châu Mỹ. Để chỉ ra những ảnh hưởng của Phật giáo đến con người và xã hội Nhật Bản hiện đại là công việc còn phải tiếp tục, song, cảm nhận của chúng tôi về vấn đề này là: có được nước Nhật, có được con người Nhật Bản như ngày nay, Phật giáo đã có một phần can dự và nhờ điều đó mà mặc dù hiện đại, nước Nhật vẫn giữ được hình ảnh đẹp đẽ và hùng tráng của ngọn núi Fuji thuở xa xưa, cũng như giữ được sự cảm nhận tinh tế của con người trong đời sống tình cảm khi giao tiếp với thiên nhiên. Có lẽ vai trò của Phật giáo đối với con người và văn hóa của Nhật Bản là ở đó chăng?

NGUYỄN THỊ THUÝ ANH

NCV, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản.

Nguồn: Tạp chí Nghiên Cứu Tôn Giáo

------------

[1] Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản, số 5 (23) tháng 10-1999, tr. 46.

[2] Lịch sử Phật giáo thế giới. Tập 1, Nxb Hà Nội, 1996, tr. 495.

[3] Sđd, tr. 495.

[4] Sđd, tr. 500.

[5] Nhật Bản ngày nay. Hiệp hội quốc tế về thông tin-giáo dục, 1993, tr. 113.

[6] Nhật Bản tăng cường hiểu biết và hợp tác. Nxb Jetro, 1997 - 1998, tr. 52.

[7] Bách khoa thư Nhật Bản. Hà Nội, 1995, tr. 222.

[8] Lịch sử Phật giáo thế'giới. Tập 1, Nxb Hà Nội, 1995, tr. 639.'

[9] Sđd, tr. 640.

[10] Người Nhật với chí hướng thu nhỏ. Nxb CTQG, 1996, tr. 32.