PDA

View Full Version : [Truyện ngắn] Có Một Mùa Lá Rụng



Lilac
09-04-2009, 10:37 PM
http://img410.imageshack.us/img410/3548/5bfc.jpg

Dẫu biết đang là mùa bàng rụng lá nhưng Vân chưa bao giờ nghĩ lá có thể nhiều đến thế. Cô chợt cảm thấy thương người bảo vệ tên Dư, chắc anh phải thức dậy thật sớm để quét dọn…




CÓ MỘT MÙA LÁ RỤNG

http://img410.imageshack.us/img410/356/vnn1350993.jpg

Vân đi loanh quanh trong sân trường. Tối nay, cô có giờ phụ đạo học sinh kém. Song đã bảy giờ mà lớp vẫn vắng tanh. Chiều nay có 1 trận bóng đá giao hữu giữa hai trường nên chắc các cô cậu học trò đến trễ. Đành phải đợi thôi.

Cả khoảng sân rộng mênh mông đầy ắp lá bàng rụng. Những cơn gió thổi qua cuốn những đám lá khô bay xào xạc. Dẫu biết đang là mùa bàng rụng lá nhưng Vân chưa bao giờ nghĩ lá có thể nhiều đến thế.

Mỗi buổi sáng đến trường, Vân chỉ thấy những khoảng sân đã được quét dọn sạch sẽ. Cô chợt cảm thấy thương người bảo vệ tên Dư, chắc anh phải thức dậy thật sớm mới có thể quét dọn sạch thảm lá khổng lồ này. Cô quay người, bước về phía căn nhà nhỏ của Dư phía sau dãy phòng học.


***

Hai cánh cửa gỗ mở toang. Căn phòng nhỏ đơn sơ nhưng gọn ghẽ, không thấy chủ nhân, Vân dợm người định quay ra, nhưng bị dãy sách xếp gọn gàng trên chiếc bàn gỗ hình chữ nhật cũ kỹ níu chân lại.

Những quyển sách dày cộp, xếp thành hàng, phần gáy quay ra ngoài: “Thép đã tôi thế đấy” của Nikolai Alexeevich, “Nhật ký người điên” của Lỗ Tấn, “Ruồi trâu” của Eten Lilian Voinistso… Vân ngẩn người “Chẳng lẽ một thương binh, một người bảo vệ lại là chủ nhân của những quyển sách quý giá này?”

Lòng Vân chợt nao nao. Người bảo vệ có gương mặt rất khó đoán tuổi này luôn gợi trong cô một hình bóng quen thuộc. Cả cái tên cũng na ná, chỉ khác nhau một dấu móc.


***

Năm ấy, khi Vân đang học lớp 12, đoàn giáo sinh của trường ĐH Sư Phạm về trường thực tập. Người được cô hiệu trưởng đưa về làm chủ nhiệm lớp Vân là thầy giáo Phạm Hoàng Du.

Thầy Du có đôi mắt to, hàng lông mi dài như con gái. Mái tóc xoăn bồng bềnh hay xoã xuống trán khiến thỉnh thoảng thầy phải đưa tay vuốt lên. Cử chỉ tự nhiên và duyên dáng đến nỗi đôi khi cả lớp cứ ngồi ngây ra nhìn, quên cả chép bài.

Thầy Du dạy môn Văn, môn Vân ghét nhất. Song, thật kỳ lạ, chỉ ngay trong buổi lên lớp đầu tiên, bằng giọng nói ấm áp, truyền cảm, thầy Du đã tạo nên luồng sinh khí mới. Những bài thơ được thầy đọc bằng chất giọng ngân nga, đầy biểu cảm, gieo vào lòng Vân một cảm xúc khác lạ, êm dịu và da diết.

Khác với cách giảng khô như ngói của thầy Toàn, thầy Du thường đưa ra nhiều ví dụ trích dẫn từ các tác phẩm văn học nổi tiếng. Nhờ vậy, Vân có thể hình dung ngay vẻ đẹp của những câu thơ, những bài văn mà trước đó dù đọc đi đọc lại cả chục lần, ra rả như cuốc kêu mùa hạ, Vân cũng chẳng thể thuộc.

Thầy Du đã biến những giờ học buồn tẻ thành những buổi bình văn xôi động và hấp dẫn. Từ đó, Vân luôn ngóng chờ tiết Văn. Mỗi khi học bài, Vân thường thấy khuôn mặt thanh tú, đôi mắt sâu có hàng mi dài của thầy Du hiện ra trước mắt. Mỗi khi vô tình bắt gặp ánh mắt của thầy, trái tim Vân đập rộn rã.

Lần đầu tiên, Vân được điểm 7, rồi điểm 8 môn Văn. Thầy Du hay phê vào bài của Vân bằng những con chữ nắn nót “Sáng tạo, súc tích” hoặc “Bài viết giàu cảm xúc, tiến bộ rõ rệt!”. Vân đọc đi đọc lại những dòng chữ ấy đến thuộc lòng. Hình ảnh thầy như dòng suối trong mát ngọt lành, thấm đẫm tâm hồn của cô gái mười tám.

Nhưng chỉ mơ mộng thế thôi chứ Vân không bao giờ hy vọng được thầy để ý . Con gái trong lớp Vân nhiều đứa đẹp, có lẽ vì thế mà chúng mạnh dạn hơn Vân. Giờ ra chơi, cả bọn vây quanh thầy Du, vừa hỏi han đủ chuyện vừa trêu chọc khiến thầy giáo trẻ đỏ mặt.

Vân chỉ đứng từ xa nhìn Du bằng ánh mắt buồn rầu. Song, dường như Du hiểu, nên đôi lúc, trong giờ học, Vân bắt gặp Du nhìn về phía mình. Dù chỉ thoáng qua nhưng cô vẫn cảm nhận được sự dịu dàng trong ánh nhìn đăm đắm làm cả người cô chợt nóng ran.

Những bài giảng sinh động của thầy Du chỉ kéo dài trong hai tháng. Chiến tranh biên giới nổ ra. Nhóm giáo sinh của Du được lệnh quay trở lại trường. Hôm chia tay lớp, Du đọc bài thơ “Đợi anh về” của Ximônốp qua lời dịch của Tố Hữu.

Giọng anh trầm bổng, dạt dào cảm xúc:

“Em ơi, đợi anh về
Đợi anh về, em nhé
Mưa có rơi dầm dề
Ngày có dài lê thê
Em ơi, em cứ đợi.”
Dù ánh mắt Du lướt qua từng gương mặt trong lớp, Vân vẫn có cảm tưởng đó là những lời anh muốn nói với cô, riêng một mình cô.

Mấy hôm sau, thầy Du ra chiến trường. Vân bỏ 1 buổi học, đạp xe hơn mười cây số dưới trời mưa đến nơi tập kết. Du nhận ra Vân ngay trong số hàng trăm khuôn mặt. Anh rụt rè cầm tay cô.

Mưa lạnh mà bàn tay anh nóng hổi. Ánh nhìn của anh cũng bỏng rát, nhưng anh chỉ nói: “Ráng học giỏi nghen Vân, thỉnh thoảng viết thư cho anh kể chuyện lớp, chuyện trường và chuyện của Vân nữa.”

Vân gật đầu. Cả khuôn mặt nhạt nhoà trong nước mưa và nước mắt. Chiếc xe nguỵ trang bằng những cành lá loà xoà chuyển bánh, Du nhoài người ra cửa xe, gào lên: “Vân, đợi anh nhé!”

Vân gạt nước mưa lẫn nước mắt, vừa gật đầu vừa hét: “Vâng, em sẽ đợi anh, bao lâu em cũng đợi.”


***

Ngay hè năm đó, Vân thi đậu vào trường ĐH Sư Phạm và sẽ trở thành đồng nghiệp của anh. Nhưng Du không về như đã hứa. Đồng đội báo tin anh hy sinh trong một đợt pháo kích, không tìm thấy xác. Vân ốm liệt giường trong suốt một tháng liền.

Trong những cơn mê, Vân thấy anh đứng trên một đỉnh núi cao, có rất nhiều hoa lau trắng như bông, lắc lư vẫy gọi. Mắt anh nhìn đâu đó xa xăm, không để ý Vân đứng bên dưới gào thét tên anh.

Nơi đó, những buổi chiều hoàng hôn cháy đỏ, loang mãi một khoảng trời bao la của biên giới, hệt như trong bài thơ “Màu hoa đỏ” mà Vân đang học.


***

Mỗi khi đối diện với người bảo vệ, Vân thường có cảm giác bối rối rất lạ. Cảm giác đó có lẽ do cô không biết xưng hô với anh thế nào.
Thoạt nhìn, Dư có vẻ già. Nước da xanh tái và đen sạm khiến anh có vẻ khắc khổ. Thỉnh thoảng, bất ngờ gặp nhau, Vân chào anh với vẻ lễ phép và kính trọng đối với một cựu chiến binh.

Những cuộc chạm trán ấy luôn để lại trong lòng Vân cảm giác khó tả, nửa thương xót, nửa khâm phục. Vân không biết trước đây khuôn mặt Dư thế nào nhưng giờ đây, nó là kết quả của một cuộc giải phẩu thẩm mỹ vụng về.

Khuôn mặt bị biến dạng, méo mó. Đó là lý do khiến giọng anh hơi ngọng nghịu. Mi mắt trái cũng bị lớp sẹo lồi kéo sụp, chắn hết tầm nhìn. Song đôi khi, Vân lại có cảm giác Dư còn trẻ bởi vì trên khuôn mặt dị dạng, nổi bật con mắt phải lành lặn có hàng mi cong và dài.

Một con mắt đen, rất trong và sáng, chứng tỏ chủ nhân của nó chưa già. Tuy vậy, chẳng bao giờ Dư nhìn thẳng vào mặt người đối thoại. Anh biết rõ sự phản cảm trên khuôn mặt khuyết tật của mình.

Vân chỉ nghe mọi người nói Dư hiền lành, chăm chỉ và rất tốt bụng. Anh góp hết tiền lương bảo vệ của mình cho quỹ hỗ trợ học sinh nghèo của trường với lý do tiền trợ cấp thương tật cũng đủ chi tiêu.



***

“Chắc các em học sinh đang chờ”, Vân tự nhủ và quay ra. Bỗng mắt cô chạm phải bức ảnh dán trên quyển sổ để ngỏ trên bàn. Cô cầm lên và sững sờ. Đây là bức ảnh cô chụp năm lớp 12, khi chuẩn bị làm hồ sơ thi đại học.

Dù bức ảnh đã bị ố đôi chỗ, Vân vẫn nhận ra mình trong chiếc áo sơ mi trắng, cổ lá sen. Ánh mắt Vân khi đó như đang cười trong khi miệng mím lại, cố làm ra vẻ nghiêm nghị. Đây chính là tấm ảnh cô đã gửi Du ngày đó.

Khi vẫn đang ngỡ ngàng, Vân nghe có tiếng động nhẹ. Vân vội quay lại và nhìn thấy Dư, dường như đã đứng sau cô tự bao giờ. Trái với dự đoán của Vân, khuôn mặt Dư khá bình thản. Anh chỉ tay vào chiếc ghế duy nhất trong phòng: “Mời cô giáo Vân ngồi, nhân tiện, tôi cũng có chuyện muốn nói.”

Vân ngơ ngác nhìn Dư rồi lại nhìn tấm hình, lắp bắp: “Anh...anh…là…là…”. Dư khập khiễng bước lại góc nhà, rót một ly nước từ cái ấm nhôm méo mó và đặt trước mặt Vân: “Mời cô giáo uống nước!”

Vân run run bưng cốc nước, uống ừng ực. Vẻ từ tốn của Dư khiến cô bình tĩnh hơn. Lần đầu tiên, cô nhìn thẳng mặt Dư. Ở đó, hàng lông mày đen nhánh, đẹp như vẽ đang nhíu lại trên con mắt còn nguyên vẹn.

Tiếng cô bật ra thảng thốt: “Anh Du, có phải anh là Du?”. Dư không trả lời. Anh với tay cầm quyển sổ. Vân căng người chờ đợi. Thời gian như ngưng lại. Mấy giây sau, Dư ngẩng lên, chậm rãi lắc đầu: “Không, tôi chỉ là bạn của Du.”

Vân giật mình, ngả người ra sau. Hai mắt cô mở to, long lanh nước. Tựa hồ như những lời nói của Dư đã cất khỏi vai cô một tảng đá vô hình nặng trĩu. Cô hất đầu về phía quyển sổ: “Thế còn…”

Dư chậm rãi đáp: “Chúng tôi thân nhau ngay khi được chuyển về một tiểu đội.” Dư im lặng, hai tay vần vò quyển sổ. Giọng Dư chợt trầm hẳn: “Anh ấy yêu cô lắm!”

Vân đưa mắt nhìn cái bóng của Dư in trên tường. Cả cái bóng cũng méo mó với một bờ vai nghiêng sang bên trái. Trong Vân lại cồn lên cảm giác thương xót. Dư nói tiếp: “Trước khi nhắm mắt, Du nhờ tôi tìm cô, trao lại quyển sổ này.”

Ánh mắt Vân dữ dội: “Vậy tại sao anh giữ nó bấy lâu?”. Dư cúi xuống, lôi từ trong túi quần bao thuốc lá nhàu nát, rút một điếu. Du không bao giờ hút thuốc. Anh rất dị ứng với mùi thuốc lá.

Rít một hơi dài, đưa tay lên xua làn khói mỏng, Dư nói: “Tôi nghĩ cô Vân đã có gia đình. Có lẽ tôi không cần làm thế nữa.”

Vân thở dài, Dư có lý, phải mất ba năm, cùng với tình yêu chân thành và đầy bao dung của Thắng, chồng Vân bây giờ, nỗi đau mất Du mới tạm nguôi ngoai. Cô cất những kỷ niệm về anh vào một góc rất sâu trong ký ức.

Dư ngẩng lên, một tia sáng loé lên trong con mắt lành lặn: “Thôi, coi như tôi hoàn thành nhiệm vụ, nhân đây cho tôi nói lời tạm biệt cô Vân. Tôi sắp chuyển công tác.”

Vân ngơ ngác: “Anh Dư đi đâu?”. Dư cười hiền lành: “Tôi có người bạn ở quê rủ về dạy học. Dạy miễn phí cho trẻ em nghèo ấy mà!”

Vừa khi ấy, có tiếng lao xao gọi tên Vân ngoài sân, rồi một cái đầu thò vào: “A, cô giáo ở đây, chúng con đang đợi cô ạ.”

Vân gật đầu, khoát tay. Quay sang Dư, Vân dịu dàng: “Trước khi đi, mời anh lại nhà ăn với vợ chồng em bữa cơm nhé!”. Dư gật đầu: “Vân cứ lên lớp đi, chuyện đó tính sau.”

Đợi đến khi Vân khuất hẳn, Dư khập khiễng quay vào. Hai bàn tay anh run rẩy bám vào thành ghế. Từ trong con mắt lành lặn, một giọt nước trong vắt ứa ra….
.
.
.

Trần Thị Giao Thuỷ (Báo TTGĐ)