PDA

View Full Version : [Truyện ngắn] Thầy Mori - Akutagawa Ryunosuke



Shouri Yumi
09-05-2009, 10:20 PM
Thầy Mori

Nguyên tác: Mori Sensei
Tác giả: Akutagawa Ryunosuke
Người dịch: Lê Ngọc Thảo

Vào một buổi chiều cuối năm, dưới hàng liễu trụi lá dọc theo con đường mà người đời thường gọi là liên phố (đường nối hai phố lớn) Koshiben[1], tôi và bạn tôi, một nhà phê bình văn học, đang rảo bước về phía cầu Kanda[2]. Hai bên chúng tôi, có những người mà xưa kia nhà văn Shimazaki Toson đã phải than thở rằng “hãy ngẩng đầu lên mà đi”, đang lê bước lang thang trong ánh hoàng hôn còn lan tỏa đó đây. Chắc họ là những công chức cấp thấp, không hẹn, nhưng có những ưu tư giống nhau, dẫu có muốn quên đi, cũng không thể nào quên được. Hai đứa chúng tôi vai kề vai, lẹ bước. Chúng tôi đã không trao đổi với nhau một lời nào cho đến khi qua khỏi trạm xe điện Ote. Nhìn đám người với dáng lạnh cóng đang đứng chờ xe điện dưới cây cột đỏ phía bên kia đường, anh bạn phê bình gia của tôi bất ngờ rùng mình, lẩm bẩm như nói một mình.

  -Lại nhớ ra chuyện của thầy Mori rồi.

  -Thầy Mori là ai vậy.

-Thầy tôi thuở trung học đấy. Tôi chưa nói với anh chuyện đó lần nào à.

Thay vì trả lời, tôi yên lặng kéo vành nón xuống. Dưới đây là câu chuyện mà anh bạn của tôi lúc đó vừa đi vừa kể lại cho tôi nghe về kỉ niệm của thầy Mori đó.


Cách đây chừng hai mươi năm về trước, chuyện khi tôi còn học lớp chín trong một trường trung học công lập. Một giáo viên trẻ tên Adachi dạy tiếng Anh ở lớp tôi, bất ngờ qua đời trong kì nghỉ đông vì bị sưng phổi cấp tính chuyển từ bịnh cúm sang. Quá đột ngột, nên đây có lẽ là cách đối phó bất đắc dĩ vì không đủ thời gian để tìm thầy thay thế thích đáng, trường trung học tôi đã tạm mướn thầy Môri, một ông thầy già lúc ấy đang làm giáo viên Anh văn ở một trường trung học tư thục, đến dạy những giờ mà thầy Adachi dạy từ trước đến nay.

  Tôi thấy thầy Mori lần đầu tiên vào buổi chiều khi thầy nhậm chức. Lòng hiếu kì khi đón thầy mới đã đè nặng lên chúng tôi nên khác hẳn với thường lệ, chúng tôi đã lẵng lặng chờ đợi giờ học bắt đầu từ lúc nghe tiếng giày của thầy khua vang ở hành lang. Tiếng giày nầy dừng lại bên ngoài phòng học lạnh lẽo khuất bóng mặt trời của chúng tôi, rồi cánh cửa mở ra. Ngay trong khi tôi đang nói chuyện đây, cảnh tượng lúc đó còn lần lượt hiện ra trong mắt tôi. Thầy Mori mở cửa bước vào, trước nhất, thân thể lùn tịt của thầy đã khiến tôi liên tưởng đến một người nhện mà tôi thường thấy trong trò nhảy múa biểu diễn khi có cúng đình. Nhưng cái đầu sói bóng láng trơn tru của thầy, phải nói là đẹp mới đúng, đã cướp mất hình dáng ảm đạm có từ cảm tưởng nói trên. Cái đầu ấy chỉ còn một số tóc muối tiêu sắp rụng bám ở phía sau, phần lớn nó giống như cái trứng đà điểu vẽ trong sách giáo khoa vạn vật. Sau hết, cái làm cho phong thái của thầy vượt xa những người thường chính là chiếc áo đuôi én kỳ lạ của thầy. Chiếc áo xưa cũ, bạc màu biến thành xanh sẫm khiến người ta suýt quên đi sự thật là trước kia nó đã có màu đen. Tôi vẫn còn nhớ rõ trên cái cổ áo khá dơ của thầy có thắt một cà vạt tím rực rỡ, nghiêm trang, giống y như con bướm đêm đang dang cánh. Vì vậy, chẳng có gì lạ khi thầy vừa vào lớp, những tiếng xì xào như cố nín cười đã bất ngờ nổi lên ở góc nầy, góc nọ trong lớp.

Tay cầm cuốn sách và sổ điểm danh, thầy Mori bước lên bục giảng cao hơn sàn một bậc, với thái độ thản nhiên như chẳng để ý gì đến học trò. Sau khi đáp lễ cúi đầu chào của bọn tôi, thầy đã nở nụ cười trông thật dễ dãi, thân thiện trên gương mặt tròn trịa xanh mét, rồi eo éo gọi.

  -Các em.

  Trong ba năm qua, các thầy ở trường trung học nầy chưa có lần nào gọi bọn tôi bằng tiếng “các em”. Cho nên tiếng “các em” của thầy Mori bất ngờ đã làm cho cả bọn tôi mở cặp mắt kinh ngạc. Đồng thời, bọn tôi cũng nghĩ rằng khi đã mở miệng gọi “các em” chắc sau đó sẽ có một buổi diễn thuyết to lớn về một việc gì đó, như phương châm dạy học chẳng hạn, nên bọn tôi đã nén hơi chờ đợi.

Nhưng thầy Mori chỉ nói “các em” xong rồi cứ nhìn quanh phòng học mà không mở miệng thêm một tiếng nào. Nụ cười thanh thản thoáng hiện lên trên gương mặt xệ thịt, nhưng những bắp thịt quanh miệng thầy lại cứ nhạy cảm giựt giựt. Ngoài ra, còn có ánh mắt áy náy cứ đi đi lại lại không ngừng trong đôi mắt trong vắt giống như mắt gia súc của thầy. Tuy không ra miệng được, nhưng thầy có một điều gì đó như muốn van lơn với cả bọn tôi, nhưng đó là điều gì, tiếc thay chắc chính thầy, thầy cũng không biết rõ.

  -Các em.

Thầy Mori cứ lập đi lập lại cùng một điệu nầy. Rồi sau đó, như để bắt đúng tiếng vang của tiếng “các em”, thầy đã hết sức hấp tấp thêm vào.

-Từ đây, thầy sẽ dạy “Choice Reader” (những bài đọc chọn lọc) cho các em.

Bọn tôi càng cảm thấy hồi hộp vì lòng hiếu kì nên lần lần im lặng ra, say sưa nhìn theo gương mặt của thầy. Nhưng vừa nói xong như thế, thầy lại nhìn quanh phòng học với đôi mắt như van lơn, cuối cùng, bất ngờ thầy ngồi bệt xuống ghế giống như bị sút lò so. Thầy đến bên cạnh cuốn “Choice Reader” đã mở, lật sổ điểm danh ra nhìn. Có lẽ không cần phải nói, cách chấm dứt chào hỏi quá đường đột nầy đã làm cho bọn tôi thất vọng biết bao, có lẽ phải nói là hơn cả thất vọng, việc nầy đã khiến bọn tôi cảm thấy hết sức khôi hài.

Nhưng may mắn thay, trước khi bọn tôi bật cười, từ sổ điểm danh, thầy đã ngẩng đôi mắt giống như mắt gia súc của mình lên, gọi ngay tên một người trong lớp bằng cách thêm tiếng “anh” ở đầu tên. Dĩ nhiên thầy ra dấu hãy đứng lên, đọc và dịch đi. Người học trò đứng dậy, đọc và dịch tỉ mỉ một đoạn văn trong bài Robinson Crusoe gì đó, theo cách thức cẩn thận đặc biệt của học sinh trung học vùng Tokyo. Thầy Mori thỉnh thoảng đưa tay lên sờ chiếc cà vạt tím, kĩ lưỡng sửa từng chữ một, từ những chỗ dịch sai đến những chỗ có phát âm hơi khác. Cách phát âm có chỗ kiểu cách lạ lùng nhưng đại khái vừa chính xác, vừa rõ ràng, hình như thầy rất hay về phương diện nầy.

Nhưng khi người học trò ngồi xuống và thầy bắt đầu đọc và dịch lại đoạn văn vừa rồi, bọn tôi ở mọi nơi trong lớp lại bắt đầu tủm tỉm cười. Vì, thầy đã đạt được đến chỗ tinh diệu trong cách phát âm, nhưng đến khi dịch nghĩa, số tiếng Nhật thầy biết rất ít, đến độ không thể nghĩ được thầy là người Nhật. Hoặc dẫu có biết, đến lúc dịch thì bất ngờ không nhớ ra được. Tỉ dụ, dẫu chỉ dịch một dòng chữ “Cuối cùng, Robinson Crusoe đã quyết định nuôi một con … nuôi con gì đây, ừ, con thú lạ đó, … có rất nhiều ở sở thú, … gọi là con gì đây, … cái con thường đóng kịch, … ừ, các em cũng biết phải không, con, cái mặt nó đỏ, … con gì, ờ, con khỉ? Đúng rồi, đúng rồi, con khỉ. Nuôi con khỉ đó”.

Ngay như chữ con khỉ mà còn như thế nầy, đến những chữ khác hơi phức tạp một chút, nếu không đi ngẩn ngơ quanh quẩn nhiều lần thì không dễ gì gặp đúng chữ dịch. Mỗi lần như vậy, thầy Mori hết sức lúng túng, vừa đưa tay lên cổ họng, như sắp kéo đứt chiếc cà vạt tím ra, vừa ngẩng gương mặt bối rối lên, dồn dập đưa ánh mắt sang phía bọn tôi. Đôi lúc thầy đè hai tay lên cái đầu hói, vừa úp mặt lên bàn, bí đường như không còn mặt mũi nào nữa. Thân thể của thầy lúc bình thường đã nhỏ, trong những lúc như vậy, cái thân thể nhỏ đó lại giống như bong bóng bị xì hơi, yếu đuối bẹp xẹp, ngay như hai chân từ ghế thòng xuống của thầy cũng bị thấy như nổi lơ lửng trên không. Điều đó làm cho bọn tôi thích thú, khúc khích cười. Rồi thầy đọc, dịch tới lui hai ba lần như thế, tiếng cười cũng lần lần trở nên mạnh dạn hơn, và cuối cùng bùng lên một cách lộ liễu từ ngay những hàng ghế phía trước. Những tiếng cười như thế nầy của bọn tôi đã làm cho thầy Mori hiền lương, khổ sở biết bao. … Giờ đây, ngay chính tôi, khi nhớ tới những tiếng cười bạc bẽo nầy, nhiều lần, tự dưng tôi cũng muốn bịt tai tôi lại.

Dẫu vậy thầy Mori vẫn dũng cảm tiếp tục đọc, dịch cho đến khi tiếng còi báo hiệu giờ nghỉ vang dội. Và sau khi đọc xong đoạn cuối, thầy đáp lễ cúi đầu chào của bọn tôi với thái độ thản nhiên như lúc ban đầu, rồi thủng thẳng đi ra như hoàn toàn quên hết những đấu tranh đáng thương từ nãy giờ. Tiếng đóng mở nấp bàn cố gây ồn ào, tiếng cười của bọn tôi như giông tố gào lên đuổi theo sau thầy, lại còn có đứa nhảy lên bục giảng, biểu diễn cho xem dáng điệu, giọng nói của thầy Mori … Ôi, chắc tôi phải nhớ lại cái sự thật là chính mình, với phù hiệu trưởng lớp có năm sáu đứa học sinh vây quanh, tôi đã ra vẻ đắc ý chỉ trích những chỗ dịch sai của thầy. Và, những chỗ dịch sai đó? Thật ra, lúc đó, thật sự có dịch sai hay không, tôi cũng không biết rõ, thế mà tôi cũng vẫn ra oai.



Vào giờ nghỉ trưa ba bốn ngày sau, năm sáu đứa bọn tôi tập hợp ở bãi cát có trang bị dụng cụ thể dục. Cùng phơi lưng đồng phục may bằng vải thô trong ánh nắng mùa đông ấm áp, bọn tôi đã rộn rã trò chuyện với nhau về những tin vặt liên quan đến kỳ thi cuối năm sắp tới. Ở đó có thầy Tanpa, nặng khoảng bảy mươi kí, nãy giờ vẫn đu người dưới cây xà ngang cùng với đám học trò. Bỗng thầy hô lớn lên “một, hai”, rồi nhảy xuống trên mặt cát. Mình mặc áo gi-lê, đầu đội mũ vận động, thầy hiện ra trong bọn tôi.

  -Sao? Thầy Mori lần nầy, thế nào?

Thầy Tanpa cũng là thầy dạy tiếng Anh ở lớp cùng bật với chúng tôi. Thầy nổi tiếng thích thể thao, lại còn ngâm thơ hay, nên bọn hào kiệt vốn ghét tiếng Anh như những tuyển thủ nhu đạo hoặc kiếm đạo cũng nể thầy lắm. Khi được thầy hỏi như thế, một người trong đám hào kiệt đó vừa vo găng tay, vừa rụt rè trả lời, thật không hợp với dáng dấp của anh ta một chút nào.

  -Dạ, không... Ai cũng nói dạy không được hay lắm.

Thấy vậy, thầy Tanpa vừa lấy khăn tay phủi cát dính quần, vừa cười với vẻ tự đắc.

  -Dở hơn mầy à.

  -Đâu, dĩ nhiên là hơn tui rồi.

  -Vậy, có chuyện gì đáng phàn nàn đâu.

Anh chàng hào kiệt lấy tay găng gãi đầu, rụt rè rút lui đi mất. Kế đến, một anh cùng lớp giỏi Anh văn đưa tay sửa lại cặp kính cận nặng độ của mình, ra giọng người lớn không hợp tuổi mình một chút nào, nói chống lại.

-Nhưng, thầy ơi, bọn tui hầu hết đều định dự thi trường cao đẳng, cho nên bọn tui muốn được thầy giỏi, hơn tất cả các thầy khác, dạy.

  Thầy Tanpa vẫn thản nhiên, cười với vẻ oai vệ.

-Có gì đâu. Chỉ một kỳ học thôi, học ai cũng được, có sao đâu.

  -Vậy, thầy Mori chỉ dạy có một kỳ thôi à?

Thầy Tanpa như bị thọt trúng chỗ yếu với câu hỏi nầy. Thầy là người thành thạo việc đời, nên đã cố ý không trả lời câu hỏi đó. Thầy lột mũ vận động xuống, lấy tay phủi mạnh bụi cát trên cái đầu ngắn tóc của thầy, rồi bất ngờ nhìn bọn tôi một lượt, khéo léo đổi câu chuyện sang hướng khác.

-Ừ, thầy Mori là người khá xưa cho nên hơi khác với bọn mình. Hồi sáng nầy khi lên xe điện, tôi thấy thầy đang đứng ở ngay chính giữa xe. Khi sắp đến chỗ đổi xe, thầy Mori bỗng lên tiếng gọi “anh lơ ơi, anh lơ ơi”. Tôi cảm thấy kỳ cục, thật không biết phải làm sao. Ừ, phải nói là thầy có vẻ hơi khác người đấy.

Không cần phải đợi thầy Tanpa nói, liên quan đến phương diện nầy, thầy Mori có rất nhiều chuyện đã làm cho con mắt bọn tôi kinh ngạc.

-Có lúc trời mưa, thầy Mori mình mặc đồ Âu mà chân lại mang guốc đến trường.

-Cái bọc khăn mù-soa trắng, lúc nào cũng treo tòn ten ở lưng thầy, chắc là cơm xách tay của thấy đó chớ gì.

-Nhìn tay thầy nắm dây treo trong xe điện, thấy găng tay bằng chỉ len của thầy đầy lỗ hỏng.

Bọn tôi vây quanh thầy Tanpa, bốn phía sùi bọt mép nói những chuyện nhảm nhí, nhức tai. Nhưng, có lẽ thầy Tanpa đã bị câu vào cuộc, nên khi bọn tôi lớn tiếng ồn ào ra, không biết từ lúc nào, thầy đã để nón thể thao lên đầu ngón tay vừa quay vừa ra giọng vui vẻ.

  -Hơn nữa chứ, còn cái nón đó là đồ xưa đấy …

Bất ngờ thầy đã nhẹ miệng. Đúng vào lúc đó, không biết nghĩ gì, thầy Mori, với tấm thân nhỏ bé của mình, đã lẳng lặng hiện ra trước cửa vào khu phòng học 2 tầng, cách khoảng mười bước ở phía đối diện với sân chơi thể dục dụng cụ. Đầu thầy đội cái nón chóp cũ, tay thầy cứ đưa lên sửa đi sửa lại chiếc cà vạt tím quen thuộc với vẻ thành thạo lắm. Trước cửa vào có một đám sáu bảy học sinh giống như trẻ nít, có lẽ là học sinh lớp bảy, đang chơi trò nhảy ngựa gì đó, khi thấy dáng thầy, chúng đã đua nhau chạy đến, trịnh trọng cúi đầu chào thầy. Thầy Mori đứng lại trong ánh nắng chiếu trên thềm đá ở cửa vào, thầy vừa nhấc cái nón chóp lên, vừa mĩm cười đáp lễ. Nhìn cảnh tượng nầy, tất cả bọn tôi vì cảm thấy mắc cở, nên đã yên lặng một hồi lâu, và những tiếng cười ròn rã cũng đã biến mất. Lúc đó, thầy Tanpa biết đã lỡ lời nên hết sức lúng túng và hổ thẹn. Thầy đã lè cái lưỡi nói lỡ “cái nón đó là đồ xưa đấy” ra rồi nhanh nhẹn đội nón tập thể dục lại, bỗng nhiên thầy đổi hướng, treo cái thân mập mang áo gi-lê lên xà ngang, rồi hô lớn lên “Một, …”. Thầy vươn hai chân thẳng lên trời cao theo kiểu “con tôm búng”, khi thầy hô to lên “Hai, …” chân thầy đã xé bầu trời xanh mùa đông một cách tuyệt diệu, rồi thầy nhẹ nhàng luồn chân lên trên xà ngang. Cách dấu ngượng nghịu hết sức khôi hài của thầy Tanpa đã đủ lý do làm cả bọn tôi không nín cười được. Sau khi cố ngậm miệng trong phút chốc, bọn học trò ở sân tập thể dục dụng cụ đã ngưỡng mặt lên nhìn thầy Tanpa trên xà ngang, rồi vỗ tay, la rộ lên giống y như lúc ủng hộ bóng chày.

Dĩ nhiên tôi cũng đã hoan hô cùng với mọi người. Nhưng trong lúc hoan hô, có lẽ do bản năng, dần dần tôi bắt đầu cảm thấy chán ghét cái thầy Tanpa trên xà ngang. Nói như vậy, không có nghĩa là tôi đã cảm thấy thương hại thầy Mori đâu. Bằng chứng là cái vỗ tay dập dồn của tôi cho thầy Tanpa lúc đó, đồng thời nó cũng gián tiếp bày tỏ những tình cảm không tốt của bọn tôi đối với thầy Mori. Bây giờ dùng đầu mà nghĩ, thì có thể giải thích được rằng lòng dạ của bọn tôi lúc đó đã khinh miệt thầy Tanpa về mặt đạo đức, đồng thời cũng đã khinh miệt thầy Mori về mặt học vấn. Hoặc là cũng có thể nghĩ được rằng sự khinh miệt đối với thầy Mori càng trơ trẽn ra khi được thêm thắt một lời chứng minh cần thiết qua câu nói “cái nón đó là đồ xưa đấy” của thầy Tanpa. Cho nên tôi vừa hoan hô vừa nhướng vai lên đưa mắt nhìn cửa vào khu phòng học với vẻ đắc ý. Ở đó, vẫn như trước, thầy Mori giống như một con ruồi mùa đông ham tắm nắng cứ đứng mãi trên bậc thang đá một mình chăm chú nhìn bọn học sinh năm lớp bảy ngây thơ đùa giởn. Cái nón chóp và chiếc cà vạt màu tím … thật ra đó cũng là đối tượng cười diễu của tôi lúc đó … cái quang cảnh ***g vào trong một thoáng mắt, không biết tại sao bây giờ nghĩ lại, cũng không thế nào quên được.

__________________________


[1] Liên phố Koshiben: phố có nhiều công chức cấp thấp (ngày xưa những công chức nầy thường mang theo cơm xách treo ở lưng để ăn trưa (Koshi: lưng, ben (bento): cơm xách).

[2] Kanda: một khu vực gần ga Tokyo, nơi có rất nhiều tiệm sách bán sách cũ.

Shouri Yumi
09-05-2009, 10:23 PM
Cách ăn mặc và thực lực học vấn của thầy Mori lúc nhậm chức đã làm chúng tôi có cảm giác khinh miệt thầy, cái cảm giác đó cuối cùng đã lan rộng ra toàn cấp học từ lúc có chuyện sơ ý (?) của thầy Tanpa. Rồi lại có chuyện vào một buổi sáng cách đó không đầy một tuần. Ngày hôm ấy, tuyết từ đêm qua vẫn tiếp tục rơi, toàn bộ mái nhà lợp thêm bên ngoài cửa sổ để làm nơi tập thể dục lúc trời mưa đã bị tuyết đóng không còn thấy màu ngói nữa, nhưng trong phòng học, ánh lửa than đá trong lò sưởi vẫn bùng lên đỏ hồng, tuyết đóng trên mặt kiếng cửa sổ tan vội, không đủ thì giờ để chiếu lơ lửng những ánh sáng phản xạ xanh nhạt. Vừa xếp đặt chỗ ghế trước lò sưởi, thầy Mori vẫn như mọi khi, cố lớn giọng eo éo, say sưa giảng bài “Some of life” (Một vài cuộc sống) trong cuốn sách “Choice Reader”. Dĩ nhiên không có ai nghiêm trang lắng tai nghe thầy dạy. Không những thế, những người như anh bạn tuyển thủ nhu đạo ngồi bên cạnh tôi, anh ta đã mở truyện võ hiệp để ở dưới sách tập đọc, và đã đọc tiểu thuyết mạo hiểm của Oshikawa Shunro từ nãy giờ.

Tình trạng nầy cứ thế kéo dài đâu được hai ba mươi phút. Đương lúc đó, bỗng thầy Mori từ ghế bật người lên, bắt đầu nói chuyện đời, nhân lúc dạy một bài thơ của Longfellow[3]. Đầu đuôi của câu chuyện như thế nào tôi không nhớ rõ, nhưng có lẽ không phải là chuyện bàn luận mà hình như là cảm tưởng của thầy xoay quanh cuộc sống. Lý do là vì thầy đã nói với giọng điệu hối hả, hai tay không ngừng đưa lên kéo xuống giống y như một con chim bị trụi tuột lông.

-Các em chưa có ai biết chuyện đời cả. Phải không nhỉ. Mà dẫu có muốn biết đi nữa, cũng không làm sao biết được. Thế là các em hạnh phúc đó. Lớn lên như thầy đây, nhất định sẽ biết chuyện đời. Biết được thì thấy có nhiều chuyện khổ lắm. Phải rồi. Nhiều chuyện khổ lắm. Coi vậy chớ thầy đây cũng có hai con. Ờ, phải cho tụi nó ăn học. Cho ăn học … ờ … cho ăn học … học phí? Ờ phải rồi, cần phải trả học phí. Ừ, hén. Cho nên chuyện khổ cũng nhiều lắm đấy…

Tôi còn nhớ mang máng có những câu nói như thế. Than khổ trước mặt bọn học sinh trung học chưa biết gì cả … dẫu không có ý muốn than, nhưng đúng là thầy đã than. Chuyện tâm tình của thầy, đương nhiên bọn tôi làm sao mà hiểu được. Thay vì hiểu cho thầy, bọn tôi cứ để ý đến khía cạnh khôi hài của việc than khổ, và cả bọn tôi đã bắt đầu cười khúc khích trong lúc thầy đang kể lể. Chỉ có một điều là những tiếng cười đã không bật rộ lên như mọi khi, vì cách ăn mặc có vẻ nghèo nàn và nét mặt phát ra cái giọng nói eo éo của thầy, chính nó là biểu hiện của cuộc sống đầy khó khăn, đã làm nẩy sinh trong lòng chúng tôi đôi chút thương hại đối với thầy. Nhưng tiếng cười của bọn tôi đã không lớn thêm ra, thay vào đó, một lúc sau, anh tuyển thủ nhu đạo cạnh bên tôi bỗng nhiên bỏ rơi thế giới võ hiệp, hùng hỗ đứng lên như một con cọp. Tưởng là chuyện gì, té ra anh ta đã nói.

-Thưa thầy! Bọn tui đến đây để được thầy dạy học tiếng Anh. Cho nên nếu thầy không dạy cho bọn tui thì thầy không cần phải vô trong lớp. Nếu thầy cứ tiếp tục chuyện thầy nói nãy giờ thì tui xin đi ra ngoài chỗ tập thể dục.

Vừa nói thế, cậu học trò nầy đã cố làm ra mặt khó chịu, rồi ngồi bịt xuống ghế. Tôi chưa có lần nào thấy được gương mặt kỳ dị của thầy Mori như lúc đó. Thầy như bị sét đánh, miệng há hốc ra không ngậm lại được. Thầy cứng người lên bên cạnh lò sưởi, lườm lườm nhìn gương mặt bực bội của cậu học trò trong một hai phút. Nhưng, cuối cùng, trong cặp mắt giống như mắt gia súc của thầy, nét mặt như van lơn một điều gì đó đã lóe lên như suýt bị kim đâm, bỗng thầy lật đật đưa tay lên chiếc cà vạt tím thường lệ, rồi cúi cái đầu hói của mình xuống hai ba lần.

-Đúng rồi, thầy bậy thật. Thầy bậy thật, cho thầy xin lỗi. Ừ, các em đến đây để học tiếng Anh. Thế mà thầy không dạy tiếng Anh cho các em, thầy bậy thật. Cho thầy xin lỗi. Ừ. Cho thầy xin lỗi.

Thầy ra mặt cười như muốn khóc, cứ nói đi nói lại như vậy không biết bao nhiêu lần. Ánh lửa hồng từ miệng lò sưởi rọi nghiêng hình dáng của thầy, càng làm nổi bật những chỗ cọ rách ở vai và lưng áo của thầy. Cái đầu hói của thầy mỗi lần cúi xuống là mỗi lần phát ra màu đồng đỏ láng bóng rực rỡ. Nó càng lúc càng giống như cái trứng đà điểu.

Nhưng cái cảnh tượng đáng thương nầy, lúc đó đối với tôi, nó chỉ là một hình ảnh bộc lộ cái bản tính hạ cấp của thầy. Thầy Mori đã làm cả chuyện lấy lòng học trò để cố tránh nguy cơ bị mất việc làm. Cho nên có thể nói rằng thầy dạy học chỉ vì cuộc sống bắt buộc chớ nhất định không phải vì thầy thích việc dạy học. Tuy mập mờ không rõ nhưng tôi đã thỏa thich với những đánh giá như thế đó, giờ đây không chỉ khinh miệt cách ăn mặc và trình độ học tập, mà tôi còn cảm thấy khinh miệt cả cái phẩm cách của thầy. Tôi đã chống cùi chỏ lên trên sách “Choice Reader” rồi đặt hàm lên hai bàn tay đó, đổ những tiếng cười xấc xược lên đầu thầy Mori đứng im lìm trước lò sưởi cháy nóng, như đang bị nướng cả tinh thần lẫn thể xác. Dĩ nhiên đây không phải là điều chỉ có ở một mình tôi. Anh tuyển thủ nhu đạo, người bắt bí thầy đã quay lại nhìn sang phía tôi một chút, anh ta hé miệng cười với vẻ xảo quyệt khi thầy Mori biến sắc mặt và nói lời xin lỗi, liền sau đó anh ta lại bắt đầu học hỏi quyển tiểu thuyết mạo hiểm của Oshikawa Shunro để ở dưới sách tập đọc.

Cho đến khi kèn thổi báo hiệu giờ nghỉ đến, thầy Mori của chúng ta đầu óc như rối bù hơn bất cứ lúc nào, thầy vùi đầu dịch bài thơ đáng thương của Longfellow. “Life is real, life is earnest” (Đời là hiện thực, đời là nghiêm túc). Thầy Mori vừa lớn giọng đọc những dòng chữ đó, vừa không ngừng van lơn một cái gì đó không biết. Gương mặt tròn trịa của thầy xanh mét đầy mồ hôi. Trong tai tôi bây giờ vẫn còn văng vẳng cái giọng eo éo nghẹt thở đó. Hằng triệu tiếng than của những người đau khổ ẩn trong cái giọng eo éo đó đã quá thảm khốc vượt qua mức có thể kích thích màng nhỉ bọn tôi lúc đó. Cho nên trong giờ học nầy, vì quá uể oải nên nhiều đứa trong bọn kể cả tôi, đã mở miệng ngáp không một chút do dự. Nhưng thầy Mori vẫn giữ cái thân nhỏ bé của mình thẳng đứng trước lò sưởi, mặc cho đám tuyết bên ngoài trượt nhẹ trên tấm kính cửa sổ, thầy cứ vung tay đưa cuốn sách tập đọc lên lên xuống xuống, với cái đà giống như sợi dây thiều ở trong đầu bỗng nhiên bị đứt dây. Thầy lớn tiếng tiếp tục gào thét. “Life is real, life is earnest … Life is real, life is earnest”.


Với những việc xảy ra như thế đó, thời gian mướn dạy trong một kỳ học trôi qua, bọn tôi không còn được thấy bóng dáng của thầy Mori nữa. Thời gian không còn thấy thầy chỉ làm cho bọn tôi vui sướng, nhất định không có một ai cảm thấy hối tiếc. Không chỉ có thế, có thể nói là bọn tôi đã lãnh đạm đối với thầy, đến nỗi bọn tôi cũng chẳng thấy vui gì về sự ra đi của thầy. Như tôi đây, bảy tám năm qua, từ trung học cơ sở lên phổ thông, từ phổ thông lên đại học, lần lần trở thành người lớn, tôi hoàn toàn không còn một chút tiếc thương nào ở trong lòng. Hầu như tôi đã quên mất, ngay cả chuyện tôi đã có một ông thầy như vậy.

Rồi vào mùa thu năm tôi tốt nghiệp đại học … chuyện một đêm vừa tạnh mưa, đầu tháng 12, khi mà sương mù thường dầy đậm ra trong trời chiều và những hàng liễu và những hàng ngô đồng dọc đường đầy lá vàng úa. Tôi kiên nhẫn rảo quanh tìm kiếm sách cũ trong những tiệm sách ở Kanda, và cuối cùng tôi đã tìm ra được một vài quyển sách tiếng Đức hiếm hoi từ khi chiến tranh Âu châu bắt đầu. Vừa đi tôi vừa dựng cổ áo khoác lên để chặn cái không khí lành lạnh cuối thu, và khi tình cờ đi ngang qua trước tiệm Nakanishi, không biết sao tôi cảm thấy thèm thức uống nóng và thèm nghe tiếng cười nói vui tươi của mọi người, bất chợt, tôi đã vào một tiệm cà phê ở gần đó một mình tôi.

Nhưng, vào rồi mới biết, tiệm cà phê nầy tuy hẹp, nhưng lại trống trơn, không một bóng khách. Trên những chiếc bàn lát cẩm thạch xếp thành dãy, chỉ có những hộp đựng đường mạ bạc lạnh lẽo phản chiếu ánh đèn. Như bị ai đó lường gạt, tôi đã đến ngồi xuống ở một cái bàn trước tấm gương lấp trong vách tường, lòng buồn rười rượi. Khi anh bồi đến, tôi đặt cà phê rồi như nhớ ra, tôi lấy xì gà ra hút, nhưng phải quẹt diêm quẹt không biết mấy lần, tôi mới châm được lửa. Chẳng bao lâu một tách cà phê bốc khói hiện ra trên bàn, nhưng, tấm lòng đã một lần thất vọng thì không dễ gì sảng khoái được, giống như sương mù đang rớt xuống ở bên ngoài. Cuốn sách vừa mua từ tiệm sách cũ lại là một sách triết học in chữ nhỏ, tuy đây là những luận văn nổi tiếng nhưng đọc một trang như vậy cũng đủ khổ. Bất đắc dĩ, tôi đã dựa đầu lên lưng ghế, vừa uống cà phê Brasil xong lại đổi sang uống cà phê Havana, ánh mắt lưng chừng không biết nhìn đâu của tôi, đang lạc đường trong tấm gương trước mũi.

Trong tấm gương, đầu tiên là mặt bên hông của những bậc thang lên lầu 2, kế đến là bức tường ở phía đối diện, rồi cánh cửa sơn trắng, tấm giấy quảng cáo buổi nghe nhạc treo trên tường, tất cả đang được phản chiếu rõ ràng, lạnh lẽo, giống như tôi đang nhìn một phần cảnh trong sân khấu. Không, còn có những cái khác, một cái bàn lát cẩm thạch, một chậu trồng cây lá kim, một bóng đèn lòng thòng từ trần nhà xuống. Cũng có một cái lò sưởi bằng sành to lớn xài khí đốt. Trước lò sưởi, ba bốn anh bồi đang quây quần nói chuyện gì đó với nhau không ngớt. Tôi đã lần lượt kiểm điểm những hình ảnh trong tấm gương như thế đó, và … khi mắt tôi đến nơi những anh bồi đang quây quần trước lò sưởi, hình dáng của một ông khách ngồi đối diện mặt bàn, đang bị bọn họ vây quanh, đã làm tôi sửng sốt. Từ nãy giờ tôi đã không để ý, có lẽ vì bị lẫn lộn với những anh bồi xung quanh, vô ý thức tôi cứ nghĩ đó là anh đầu bếp hay một người nào đó của tiệm cà phê. Nhưng, lúc đó tôi sửng sốt không phải chỉ vì tôi nghĩ rằng không có một ông khách nào, té ra lại có. Mặc dầu từ hướng nầy tôi chỉ thấy được một phần hình dáng của ông khách chiếu trong tấm gương, nhưng cái đầu hói giống như cái trứng đà điểu đó, cái áo khoác bạc màu cũ rích đó, cái màu sắc ngàn năm của chiếc cà vạt tím đó, không cần phải nói, ông khách đó chính là thầy Mori.

  Vừa nhìn thấy thầy, bỗng chốc trong đầu tôi đã hiện ra khoảng thời gian 7,8 năm cách biệt giữa tôi và thầy. Khoảng thời gian từ một anh trưởng lớp trung học học “Choice reader” đến tôi bây giờ, một người đang im lìm thả khói thuốc xì gà từ mũi ra … đối với tôi khoảng thời gian nầy nghĩ sao cũng không thể nói là ngắn được. Dòng chảy của thời gian mặc dầu đã đẩy trôi mọi vật, nhưng có lẽ đã không làm được gì đối với thầy Mori, con người đã vượt qua mọi thời đại. Bây giờ trong tiệm cà phê đêm nay, thầy đã ngồi cùng bàn với những anh bồi, đúng là ông thầy đã dạy bài tập đọc trong phòng học lạnh lẽo không có ánh sáng mặt trời chiều rọi tới, giống hệt như xưa. Cái đầu hói cũng không có gì thay đổi. Chiếc cà vạt tím cũng y hệt như vậy. Và cái giọng eo éo đó … À phải rồi, ngay bây giờ thầy vẫn lớn tiếng ra giọng eo éo, chắc thầy đang bận rộn giải thích điều gì đó cho đám bồi. Bất chợt tôi mĩm cười, không biết lúc nào, tôi đã quên cái cảm giác nặng nề trong lòng, tôi cố lắng tai nghe tiếng nói của thầy.

-Đây nè, tĩnh từ ở đây, chi phối danh từ nầy. Napoleon là tên người, cho nên đó là danh từ. Hiểu chứ. Nhìn phía sau danh từ ở đó … ừ, phía sau liền sau đó, chữ nầy, có biết không? Ờ, mầy nói thử coi.

  -Quan hệ … Quan hệ danh từ.

  Một anh bồi vừa lắp bắp vừa trả lời như thế.

-Hả, quan hệ danh từ? Không có tiếng quan hệ danh từ. Quan hệ … ừ … quan hệ đại danh từ? Ờ, đúng rồi, quan hệ đại danh từ nhen. Đại danh từ, chữ đó, nó thay thế cho danh từ Napoleon. Đại danh từ được viết là “tiếng thay thế cho danh từ” đó nhen.

Từ cách nói chuyện như thế nầy mà nói, chắc là thầy Mori đang dạy tiếng Anh cho những anh bồi. Thế nên tôi đã kéo ghế sang một bên và từ một vị trí khác tôi lại nhìn vào tấm gương. Đúng là trên bàn có một quyển sách đang được lật ra, có lẽ là sách tập đọc. Thầy Mori đưa tay chỉ tới chỉ lui một trang trong sách, say sưa giảng nghĩa không biết đến chừng nào mới hết. Ở điểm nầy thầy vẫn giống hệt như xưa. Chỉ có khác một chỗ, những anh bồi đứng xung quanh, khác hẵn với bọn học trò ngày xưa, anh nào cũng long lanh ánh mắt, vai chen vai, im lặng lắng nghe những lời giảng nghĩa dồn dập của thầy.

Nhìn quang cảnh trong tấm gương một chập, dần dần tình cảm nồng nàn đối với thầy Mori bắt đầu nổi lên trong ý thức của tôi. Phiêu bạt đó đây, rồi mình cũng đã đến nơi nầy, lâu lắm mới được gặp lại thầy. Nhưng có lẽ thầy không nhớ mình đâu, một người chỉ gặp mặt thầy trong phòng học và chỉ trong một kỳ học ngắn ngủi. Cho dẫu thầy có nhớ ra được, … khi tôi triền miên nhớ lại những giọng cười đầy ác ý của bọn tôi đã trút lên người thầy thời đó, sau cùng tôi đã nghĩ lại rằng nếu mình còn có ý kính trọng thầy thì tốt hơn không nên ra mặt gặp thầy. Vì thế nhân lúc cà phê vừa hết, tôi dụi bỏ điếu xì gà đã cháy ngắn, rồi rón rén đứng lên khỏi bàn. Tuy tôi định đứng lên thật êm nhưng rốt cuộc tôi cũng đã làm thầy mất chú tâm. Khi tôi vừa rời khỏi ghế, đúng vào lúc ấy thầy đã quay lại phía tôi một lần, vẫn với cái gương mặt tròn trịa xanh mét, vẫn với cái cỗ áo khá dơ, và với chiếc cà vạt màu tím đó. Đúng lúc đó, cặp mắt trông giống như gia súc của thầy và ánh mắt của tôi đã gặp nhau trong tấm gương trong phút chốc. Nhưng trong ánh mắt của thầy, như tôi đã đoán trước, không có một hình ảnh nào nổi lên cho thấy như thầy đã gặp được lại người xưa. Ở đó, vật ngời lên chỉ là một ánh mắt đau thương, như lúc nào cũng van lơn một điều gì đó.

Mắt tôi vẫn nhìn xuống, tay nhận phiếu, tôi yên lặng đến quầy tính tiền ở cửa vào tiệm cà phê. Anh bồi chánh, chảy tóc rẽ hai đẹp đẽ, đang đợi khách ở quầy tính tiền với cái vẻ chán phèo.

-Ở đó có người đang dạy tiếng Anh. Tiệm cà phê mướn dạy đấy à.

Tôi vừa đưa tiền ra trả, vừa hỏi như thế. Anh bồi chánh nhìn những người qua lại trước cửa, với gương mặt chán ngấy, anh đã trả lời cho tôi.

-Đâu, không có ai nhờ ông ấy cả. Mỗi đêm ông ấy đến, dạy như thế đó. Nói gì đi nữa, tiếng Anh của ông ấy cũ rích, nên không có chỗ nào mướn ông dạy, đại khái, ông ta đến đây để giết thì giờ đó. Với một tách cà phê, ông ta ngồi ở đó suốt đêm, nên thật tình mà nói, cũng chẳng muốn cảm ơn một chút nào.

Khi nghe chuyện nầy, bất ngờ trong trí tưởng tượng của tôi đã nổi lên ánh mắt như muốn van lơn một điều gì đó không ai có thể biết được của thầy Mori. Thầy Mori ơi, thầy Mori. Bây giờ đây, lần đầu tiên tôi thoáng hình dung được cá tính kiên cường của thầy. Nếu ai đó sinh ra để trở thành nhà giáo, thì đúng người đó là thầy Mori. Đối với thầy, việc dạy tiếng Anh cũng giống như chuyện hô hấp không thể ngừng được dầu chỉ trong chốc lát. Nếu bị bắt buộc ngừng lại, năng lượng dồi dào của thầy sẽ bị héo hon tức khắc, giống như một cây trồng bị mất nước. Cho nên sự thích thú trong việc dạy tiếng Anh đã thúc đẩy thầy mỗi tối, một mình lặn lội ra quán, để nhăm nhi một tách cà phê. Dĩ nhiên đó không phải là việc có tính cách thảnh thơi, bị những người như anh bồi chánh xem như để giết thời gian. Thế mà, ngày xưa bọn tôi đã nghi ngờ tánh ngay thật của thầy, nhạo báng cho đó là vì cuộc sống, bây giờ nghĩ lại, đúng đây là một sai lầm đáng xấu hổ. Dẫu là giết thời gian, hay là vì cuộc sống, những suy nghĩ không tốt của mọi người chắc đã làm thầy Mori đau khổ khôn cùng. Bẩm sinh, dẫu trong đau khổ, thầy luôn luôn giữ được thái độ thảnh thơi, vẫn với chiếc cà vạt tím và cái nón chóp cũ mèm trên thân, dũng cảm hơn cả Don Quijote, thầy kiên cường tiếp tục dạy đọc, dịch. Nhưng, đôi lúc, một tia lóe như để van lơn sự đồng tình … có lẽ của tất cả mọi người thầy gặp, hay … của đám học trò thầy dạy … dẫu đau thương cũng vẫn cứ trú ngụ trong cặp mắt của thầy.

Trong khoảnh khắc, tôi đã nghĩ như thế và tôi đã lấp mặt vào trong cổ áo khoác rồi đi ra ngoài với mối cảm động không biết nên khóc hay nên cười. Phía sau tôi, nhờ không có khách nên thầy Mori, vẫn lớn giọng eo éo như mọi khi, say sưa dạy tiếng Anh cho bọn bồi dưới ánh đèn sáng choang lành lạnh.

-Chữ nầy thay thế cho danh từ, nên nó là đại danh từ. Nhen. Đại danh từ. Hiểu rồi chứ …


_________________________________
[3] Henry Wadsworth Longfellow (1807-1882): thi sĩ người Mỹ.



Hết