PDA

View Full Version : [truyện ngắn] Tuyết tùng ơi (Gaup)



Kiyoko
14-09-2009, 04:59 PM
Truyện được lấy từ long tuyển của diễn đàn thăng long, chốn đã từng là nơi tụ tập của tinh anh đất kinh kỳ, hội tụ đầy đủ những gì tinh túy, trí tuệ, hào hoa, dđ...
Gaup vốn là một hải đăng công thần của chốn tinh túy ấy, đã từng cảm thán thốt lên rằng, "Long tuyển là nơi các thành viên sau khi thoải mái thể hiện tính tự phát quay về với những giây phút tự ý thức trong sâu thẳm con người....Long tuyển còn, Thăng Long còn. Thăng Long còn, anh em xa mẹ độc thân còn hi vọng !"


TUYẾT TÙNG ƠI

Buổi chiều trước khi rời Cairo để ra sân bay đi Beirut, để giết thời gian anh ngồi trên chiếc bàn gỗ nhỏ và nghe nhạc từ một chiếc cassette. Tình cờ có một bài hát hay hay, anh tua lại bài này cả tiếng đồng hồ sau đó và vẫn còn lẩm nhẩm hát khi trên đường ra sân bay, qua những khu phố Cairo buổi chiều mùa đông đông đúc và chật hẹp. Lời bài hát phảng phất trên cao đâu đó như không phải phát ra từ trong cổ anh, phảng phất như mùi hương liệu lẫn mùi cát cố hữu của thành phố nhiều ngàn năm tuổi này. Bài hát thế này:

Anh muốn gọi ngàn sao từ trời cao cùng xuống
Anh muốn sống một ngày chẳng bao giờ ngưng
Anh muốn thay đổi thế giới chỉ vì em
Muốn ôm em thật chặt trong mưa
Muốn hôn môi em cười, muốn chia sẻ nỗi đau
Chỉ cần nhìn em anh biết ngay cái gì đẹp nhất
Trong thế giới giả dối em là sự thật

Em ơi, mỗi lần em chạm vào anh
Anh thành anh hùng chân đất
Dù em có ở nơi đâu
Có anh giữ em an lành
Sẽ dâng hiến em tất cả
Nào có gì cao hơn anh?

***

Có quá nhiều thứ trên đời này cao hơn anh, như cô là một.

Hôm đó khi cô đi qua cái cửa kính xoay bước vào trong sảnh toà nhà của trường thì anh đang đứng bên một người bạn chung. Người này nhanh nhẹn giới thiệu anh và cô với nhau. Cô phải cao hơn anh đến 7 phân chứ chẳng ít. Những câu xã giao đã được trao đổi, anh hỏi lại cô:Bạn nói bạn từ đâu đến? Cô nói Libăng!, rồi cười, đúng rồi, khủng bố!Anh chẳng nghe thấy gì cả, chỉ thấy cô cười, mắt và miệng đều cười.

Anh về nhà hôm đó trong đầu chỉ nhớ lúc cô cười. Ba hôm sau anh viết thư cho cô: Nếu không phiền bạn hay ai khác, tôi muốn mời bạn ăn tối. Cô trả lời ngay: Tôi xin cảm ơn, nhưng tôi sợ sẽ phiền người khác.

Hai người thỉnh thoảng lại gặp nhau trong sảnh. Cô kém anh nửa tuổi nhưng lại học trước anh một năm. Các bạn thì thầm cô là người giỏi nhất. Anh cũng không còn để ý đến cô nữa, chỉ thấy hơi xao xuyến khi thỉnh thoảng nghĩ đến cách cô cười. Có cái gì đó trong mắt cô vừa thông hiểu vừa đằm thắm và hiểu biết. Việc ăn uống không được như ý, anh sụt cân rất nhanh. Việc học hành thì đè nặng trên vai, anh chẳng mấy khi nghĩ về cô nữa. Phải đến hai tháng sau có một đêm thứ Năm trong quán bar của trường khi cô và anh đang ngồi trên chiếc đivăng dài thì cô nói, giọng ngập ngừng: Lần nào vào New York thăm chị tôi ở đó tôi cũng kể về bạn, rằng có một bạn Việt Nam rất hay ở trường. Tuần trước chị tôi vừa mắng đùa là lần sau còn kể đi kể lại thì chị tôi cắt lưỡi. Buồn cười không? Đêm đó về anh không thể ngủ được. Lúc đó anh nghĩ anh đã bắt đầu iêu cô.

Nếu như đó là tình yêu thì đó là tình yêu chậm và buồn nhất mà anh đã từng biết đến. Mỗi ngày qua, ngoài việc học trong đầu anh chỉ còn nghĩ về cô. Nụ cười của cô, tính hài hước, cách cô chấp nhận nửa chiếc bánh mỳ ăn trưa anh đưa ra mời, hay bàn tay cô vẫy chào lúc anh đi ngang qua tất cả bỗng trở nên ngập tràn ý nghĩa. Tuy thế, anh chẳng bao giờ dám nói gì với cô cả. Một phần tại từ cô luôn toát ra mùi hương thơm của trầm. Anh thì đến từ đất nước của những người ngậm ngải tìm trầm biết giá trị của nó nhưng chẳng bao giờ dám dùng vì phải thông qua nó mà đánh đổi cuộc sống lấy miếng cơm, còn cô dòng giống người Phượng Hoàng, thuỷ tổ của thương nhân quốc tế, lớn lên với mùi hương này. Trang sức của tổ tiên cô có thể đo bằng máu của tổ tiên anh. Anh luôn sợ phải vượt qua làn ranh vô hình đấy.

Anh cứ nuôi cái tình yêu mạnh mẽ nhưng bị kiềm chế đấy bằng những phút thoáng gặp cô. Cảm giác về cô dần dần trở thành một phần quen thuộc và to lớn trong cuộc sống của anh. Cô trở thành chỗ dựa tinh thần ở gần duy nhất mà anh có. Một ngày đến lớp không gặp cô là một ngày thất bại. Một ngày anh và cô ngồi cạnh nhau lúc ăn trưa và trao đổi những câu đùa ngắn ngủi là một ngày trọng đại. Những ngày như thế khi đêm về anh ngừng học bài sớm hơn thường lệ nửa giờ và đi ngủ sớm để tự thưởng cho mình một chốc lát nghĩ về cô. Tình yêu đấy mãi về sau này cũng chưa bao giờ có hơi hướng của thể xác. Anh yêu cô như lần đầu tiên, mà cũng có thể đó là lần đầu tiên anh thật sự yêu ai.

Anh tìm thật nhiều sách viết về Libăng quê cô, về cuộc nội chiến, về Beirut và những người dân ở đó, các nhà thơ Libăng, những chiến binh vùng thung lũng Beqaa, các món ăn và đồ uống mà anh nghĩ cô quen thuộc. Anh bắt đầu đi tìm hình bóng cây tuyết tùng trên những lá cờ thế giới.

Anh vẫn loáng thoáng nghe xung quanh những câu chuyện về một ngưòi đàn ông khác, một người đã từng đi từ nơi xa đến thăm cô và gặp gỡ các bạn bè cùng học của cô. Anh chẳng hề ghen với người nọ, anh mong cô hạnh phúc và người kia may mắn. Anh biết tình yêu này của anh sẽ chẳng đi đến đâu, giữa hai người có quá nhiều điều khác biệt và chênh lệch. Cô thông minh và cần một người giỏi hơn cô, có thể nâng đỡ được cô. Anh thì lại chẳng nâng đỡ được ngay cả chính mình.

Sinh nhật cô tháng Hai anh mua tặng cô hai quyển sách, Sophie’s World vì trong đó có Libăng quê cô và một cô bé mang tên Tri Thức; Nỗi buồn chiến tranh vì trong đó có quê anh và nhiều người thân khác và một lời nhắn thầm rằng anh không chỉ là một chiến binh máu lạnh, anh cũng biết yêu thương khi gặp người đáng yêu thương.

Có một buổi chiều anh và cô đi ra hiệu sách gần trường để chọn mua album ảnh. ở chỗ giá sách du lịch họ chọn ra những quyển sách viết về đất nước của mỗi người và cho nhau xem những bức ảnh. Những ông già râu dài đánh cờ bên Hồ Hoàn Kiếm được đặt bên cạnh những cô gái Libăng tóc đen xoăn mắt huyền đang hái nho ở Byblios. Cô chỉ vào một phố nhỏ Beirut và nói nhà cô ở trên phố đó. Đêm đó về anh lập một thư mục ảnh trên mạng chỉ toàn ảnh khu phố nhà cô mà anh đã tìm được trên internet rồi gửi cho cô. Đêm sau ở New York đọc thư cô anh cười thật tươi nghe cô kể là cô đã đi tìm anh khắp nơi chỉ để cảm ơn anh về món quà đặc biệt đấy.

Tháng Năm đến và sắp đến lúc mỗi người đi một nơi. Anh cảm thấy cần phải nói gì đó với cô trước khi chia tay không biết ngày nào gặp lại. Anh nghĩ về cô từng giây từng phút và tiếc nuối một người không giống bất kỳ ai anh đã từng gặp, một tình yêu mà nếu thành hình chắc sẽ làm anh hạnh phúc nhiều. Anh biết anh có trách nhiệm phải đi những con đường mà anh không thể mang cô theo được. Mà chắc gì cô đã chịu đi theo anh? Họ hẹn nhau cùng ăn một bữa cơm chia tay đêm trước ngày anh lên đường về Hà Nội.

Kiyoko
14-09-2009, 10:46 PM
***

Tôi lên máy bay khoảng 7h tối ở Cairo lúc đó tháng Hai đang bắt đầu vào mùa bão cát. Chiếc Boeing 727 đậu ở một góc xa của sân bay, hành khách lần lượt trèo lên cầu thang máy bay, vừa đi vừa nghiêng người để tránh cát bay vào mặt.

Beirut chỉ cách Cairo khoảng một giờ bay nhưng lại sau Cairo một múi giờ. Chúng tôi bay qua sa mạc Sinai tối sẫm, rồi qua những trang trại Israel lấm tấm ánh đèn trước khi vòng ra ngoài Địa Trung Hải để hạ cánh xuống Beirut. Khi bắt đầu nhìn thấy thành phố rực rỡ đèn đêm bên dưới cũng là lúc cửa sổ máy bay thấy lất phất những giọt nước mưa. Đã sáu tháng rồi tôi mới lại được nhìn thấy mưa. Nhìn thành phố với ánh đèn nhoà đi sau làn mưa tôi cảm giác như mắt tôi cũng rơm rớm nước. Tôi đã đọc và nghĩ quá nhiều về thành phố và đất nước này, tôi đã mong được đến đây biết bao nhiêu. Đến đêm nay, sau nhiều vất vả, cuối cùng thì mơ ước cháy bỏng của một năm trước đó cũng thành hiện thực. Tôi tự nhủ là mình may mắn.

Tôi chỉ mang theo một vali nhỏ và một hộp carton đựng báo Việt Nam của sứ quán gửi cho một nhóm người Việt Nam làm công nhân ở Beirut. Sân bay Beirut đẹp và rất hiện đại, không có vẻ gì của một đất nước vừa thoát khỏi nội chiến được vài năm. Làm thủ tục xong tôi ra khỏi sân bay, ngay lập tức được chào mừng bởi bầu không khí ẩm ướt sau mưa rất giống mưa mùa hè Hà Nội. Một người bạn đi cùng máy bay sang Beirut họp với trường Đại Học Mỹ ở Beirut (AUB) cho tôi đi nhờ về cổng trường này, nằm trên phố Bliss trong khu Hamra là khu trung tâm của Beirut. Ngay đối diện cổng là một khách sạn nhỏ. Tôi thuê một phòng trên tầng 3 trông ra đường. Phòng có hai giường, bài trí đơn giản, giá khoảng 30 đôla Mỹ.

Tắm rửa xong tôi đi xuống đường. Phố Bliss là Tràng Tiền của Beirut có nhiều cửa hàng ở bên đối diện với khuôn viên của AUB. Beirut đẹp đẽ và sạch sẽ hơn tôi nghĩ với các con phố chạy dọc ngang trên sườn đồi thoai thoải, với các cửa hàng đầy ắp hàng hoá châu Âu. Phố đêm mà vẫn chật người, chủ yếu là thanh niên đi vòng vèo qua lại. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy mật độ các cô gái xinh xắn cao như ở đây, cứ 30s lại phải quay đầu ngoái lại mà nhìn.

Trước đây khi học ở Mỹ, tôi có quen một người bạn Libăng. Cô bạn này lúc đấy đã về Beirut và dạy kinh tế ở AUB. Trong thời gian tôi làm việc ở Cairo 6 tháng trước đó, chúng tôi vẫn email qua lại nhưng có phần gượng ép có lẽ do việc tôi đến Cairo gây liên tưởng đến cái sự tôi theo đuổi cô. Việc tôi đến Beirut, lại vào thời gian vài ngày trước sinh nhật cô bạn, thật sự là một việc tình cờ. Sau 6 tháng ở Cairo visa làm việc của tôi đã hết hạn tôi cần phải ra ngoài Ai Cập để lấy visa mới. Tôi không có ý định đi về tận Việt Nam để xin visa nên quyết định sẽ nhân cơ hội đó đi chơi lòng vòng một nước trong vùng. Biết rằng việc tôi sang Beirut có thể làm cô bạn của tôi không thoải mái, tôi có ý định đi Yemen hay Israel nhưng đến phút cuối chỉ có Libăng là tiện nhất. Thật là may cho tôi thích mà không dám nhận là thích từ đầu.

Lang thang trên phố lúc đó tôi thật chẳng biết mình đang ở Beirut làm gì. Tôi cũng không dám chắc là tôi có muốn gặp người bạn kia hay không, mà dù có gặp thì cũng để làm gì? Giới hạn giữa yêu thương lãng mạn và theo đuổi hư hỏng ở chỗ nào tôi cũng không biết nốt. Tôi chỉ thấy hài lòng là tôi đang ở một nơi mới, nhiều lịch sử, đẹp và vui. Ngoài ra tôi chẳng nghĩ ngợi nhiều về một tuần sắp tới.

Sau khi ăn một chiếc bánh cuộn nhân fromage dê với thịt bò là đặc sản của Libăng và uống một cốc càphê nóng bỏng, tôi đi vòng qua góc phố đến một quán càphê internet để kiểm tra email. Quán đầy chật thanh niên đang chat say sưa, trai và gái đều ăn mặc rất đẹp. Khi vào xem thư tôi thấy thư đầu tiên là của cô bạn Libăng viết về vụ ném bom của Israel xuống một trạm điện ở vùng núi cách Beirut khoảng 40km. Tôi viết thư lại ngay cho cô, thảo luận vớ vẩn về tình hình thời sự và chính trị, chủ yếu để trêu cô là chính.

***

Kiyoko
15-09-2009, 11:29 AM
***

Libăng là một đất nước hào nhoáng và những người dân thường cũng vậy. Như Việt Nam, đất nước này trước đây là thuộc địa của Pháp. Người Libăng có gốc từ người Phoenix, những thương nhân viễn dương đầu tiên của thế giới, truyền thống bán mua từ cổ xưa đến giờ vẫn còn để lại dấu ấn sâu đậm trong tính cách của người Libăng hiện đại, họ ưa mua bán và thích mời mọc khách bằng cả lời nói và vẻ bề ngoài là lượt. Trước nội chiến năm 1975, Libăng được coi là Thụy Sỹ của Trung Đông do có đặc điểm địa hình và kinh tế tương đối giống với nước kia, kinh tế Libăng cũng dựa trên nền tảng ngân hàng và kinh doanh tiền của các quốc gia Hồi giáo trong nội địa. Dân Libăng có khoảng 3 triệu người nhưng người Libăng sống ở nước ngoài có khoảng 25 triệu, làm ăn buôn bán đều khá thành đạt. Có lẽ nhờ vào những nguồn vốn và kinh nghiệm của người Libăng ở nước ngoài mà tiến trình tái thiết Libăng đã diễn ra hết sức nhanh chóng. Nội chiến giữa các phe Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo chỉ thật sự chấm dứt vào năm 1995 thế mà chỉ bốn năm sau thành phố Beirut bị tàn phá nặng nề đã lấy lại được vẻ phong lưu như trong những bức ảnh cũ hồi trung thế kỷ.

Bốn năm sau chiến tranh, Libăng vẫn còn bị coi là một nước thế giới thứ 3 và sào huyệt của khủng bố Hồi giáo. Libăng chính là quê hương của nhóm Hezballah (Vinh Danh Chúa) là một nhóm vũ trang Hồi giáo sinh ra từ lò lửa nội chiến và nhanh chóng phát triển thành một tổ chức quân dân chính với chân rết trong mọi mặt đời sống Libăng. Hezballah có cả trường đại học, ngân hàng, bệnh viện riêng và có vai trò như một chính phủ bán chính thức chuyên trách lãnh đạo thanh niên sinh viên học sinh đấu tranh đòi Israel phải rút quân ra khỏi miền nam Libăng bị chiếm đóng từ năm 1978. Israel đã đưa quân vào khu vực này để hạn chế hoạt động của tổ chức giải phóng nhân dân Palestine (PLO) khi đó đóng bản doanh ở Beirut. Beirut thời những năm 40-70 là chốn ăn chơi của mọi sắc dân Trung Đông, lính tráng và sĩ quan PLO hội họp ở những chốn nhảy múa ăn uống nhiều hơn là tại doanh trại của họ. Một chi tiết lịch sử mà ít người biết đến là vào năm 1982 lúc đỉnh cao của cuộc chiến tại đây giữa các phe phái nội địa và ngoại thuộc (PLO, Israel, vv) đã có một đoàn quân sự của Việt Nam sang Beirut với ý định trợ giúp chiến thuật chiến tranh du kích cho PLO nhưng sau việc bất thành do kỷ luật của các nhóm quân này quá lỏng lẻo, tình trạng thay đổi chỉ huy và phương thức chiến đấu diễn ra từng ngày.

Tôi đã đọc tất cả những điều trên trong hơn một năm trước khi đến Beirut. Đất nước nhỏ bé này đối với tôi vừa thân quen vừa lạ lẫm. Nhưng dù sao trong tư tưởng tôi cũng đã quen nghĩ về Libăng trong một tương quan đối kháng giữa các bên phân biệt qua sắc tộc và nhánh tôn giáo. Tôi ngồi trước màn hình máy tính trong góc khuất và tối vừa viết thư vừa ngắm nhìn những người Libăng trẻ tuổi xung quanh. Vẻ thanh bình làm tôi ngạc nhiên, mùi càphê bùi và ngậy quyện với mùi thơm nhẹ của khói thuốc lá, mùi nước hoa, mùi nhựa còn thơm mùi dầu của những chiếc máy vi tính mới để quanh phòng trang trí nền nã, những cô gái trẻ ăn mặc chải chuốt, uống rượu mùi đỏ sóng sánh trong những chiếc ly mạ vàng đế thấp, những chàng trai tóc bóng mượt mặc veste đen, sơ mi đen, râu đen tỉa gọn gàng, đi giầy đen đeo khuyên tai bạc trong ánh đèn vàng dịu chia căn phòng thành những khoảng sáng tối bất chợt xung quanh tôi là vẻ nhàn nhã và đầy đủ, sự đầy đủ sung túc không phải chỉ của những người nông dân đủ ăn hay của những tay nhà giầu thành phố mới nổi hay chơi trội mà là sự dư thừa đã biết kiềm chế ép mình vào những khuôn khổ thẩm mỹ giản đơn .

Viết thư cho cô bạn xong, tôi quay sang viết thư cho những người bạn khác ở Việt nam và ở Mỹ. Câu chào Xin chào từ Beirut mà tôi dùng làm tiêu đề của tất cả các thư đêm đó là một câu nửa mang tính tuyên ngôn, nửa là lời tuyên bố thành công và chiến thắng.

Khoảng gần nửa đêm tôi ra về. ở quầy trả tiền có một cô gái Libăng hỏi khẽ bằng tiếng Anh Cậu là người Nhật Bản à?. Tôi cũng trả lời thì thầm Không, người Việt Nam. Mắt cô gái sáng bừng lên, rồi cô gấp gáp nói, Cậu là người Việt Nam đầu tiên tôi gặp đấy, rồi cô chìa tay ra, tên tôi là Yizmina! tôi học ngành kinh tế chính trị ở AUB Tôi bắt tay cô, tự giới thiệu mình, rồi chúng tôi trao đổi mấy câu trò chuyện. Khi biết tôi còn ở Beirut một tuần nữa, cô hẹn sẽ gặp tôi ngày hôm sau ở quán café internet này để dẫn tôi đi chơi.

Tôi bước ra đường lúc đó đã khuya, trời rất lạnh. Kéo cao cổ áo khoác lên, tôi đứng lại chỗ góc đường chỉ héo hắt chút ánh sáng đèn, xa phía trước mặt là biển đêm tối đen có tiếng sóng vỗ dồn dập vào kè đá, xung quanh không một bóng người, ở đây độ ẩm cao nên hơi lạnh cũng giống Hà Nội. Phía bên trái tôi là đèn sáng vui tươi của Rue Bliss có khách sạn tôi ở, phía bên phải tôi men theo lối rẽ tối là đoạn đầu Rue Kennedy, phố nhà cô bạn quen khi trước. ở phía trái là cuộc sống tôi tuy đơn độc một mình nhưng nối dài một dải, quần áo và vali đều đã đi nhiều nơi với tôi; ở bên phải trong ấm cúng gia đình cách đó chừng 100m là một người bạn tôi rất quý mến. Tôi cầm một đồng xu trong tay, tung lên bắt lấy một vài lần rồi thật thảnh thơi tôi quay ngang đi nhanh về phía trái con đường.

*******

Kiyoko
16-09-2009, 02:37 PM
********

Tên tôi là Yizmina nhưng các bạn thân của tôi thì gọi tôi là Yizi mầu mỡ, chắc hẳn nhìn tôi mọi người đều đoán được tại sao. Từ bé tôi đã sống với ông bà ngoại và các cậu tôi ở vùng thung lũng Beqaa. Gia đình tôi gồm nhiều người luôn mang súng, các cậu tôi thường đuổi gà trong vườn bằng đạn thật. Thời ông ngoại tôi còn trẻ thì ông cũng đuổi người Thổ Nhĩ Kỳ bằng đạn thật. Cha mẹ tôi ly dị nhau trong thời nội chiến, cha tôi giờ đang làm kinh doanh ở Đức còn mẹ tôi thì đã lâu không liên lạc nên tôi chẳng biết bà ở đâu.

Tôi ở ký túc xá trong Beirut và đi học tất cả các ngày trong tuần ở đại học Mỹ, cứ hai tuần thì tôi lại ra đón xe buýt ở trạm Cola để về nhà với ông bà ngoại. Mỗi khi về nhà bao giờ tôi cũng phải mang thêm nhiều insulin để đề phòng bị ép ăn những món ăn có đường ở nhà. Bệnh béo phì làm tôi khốn đốn.

Tôi có nhiều bạn nhưng chỉ có một người bạn thân là Natalie. Natalie, 18 tuổi, là người Libăng sinh ra ở Pháp nhưng đã trở về đây sống cùng cha mẹ từ khi nội chiến kết thúc. Cô ấy nói tiếng Arập rất kém nên chúng tôi thường trò chuyện bằng tiếng Pháp chỉ đôi khi mới xen vào một vài từ tiếng Arập. Natalie năm tới mới vào đại học, trường đại học Pháp St. Joseph ở Beirut. Chúng tôi đều là người thiên chúa giáo nhưng lại hay đi chơi với các bạn Hồi giáo. Người yêu của tôi ngày trước cũng là một người Hồi Giáo, bây giờ anh ấy đang ở Mỹ đi học hay buôn bán gì đó. Chúng tôi thường chỉ liên hệ qua thư điện tử vài ngày một lần.

Natalie và tôi đều là những người quan tâm đến chính trị. Tôi là người theo phái dân chủ tự do còn Natalie là đảng viên đảng cộng sản Libăng. Các bạn của chúng tôi có cả những người bảo thủ và những người cấp tiến, có cả một người Trốtkit hay làm thơ và viết lời bài hát. Hàng tuần chúng tôi đều đi biểu tình, tuần trước thì biểu tình trước đại sứ quán Mỹ và văn phòng thường trú của CNN để phản đối CNN đưa tin sai lệch về thanh niên Libăng cực đoan. Cứ đến kỳ nghỉ học đầu mùa xuân hay cuối hè chúng tôi lại đi ô tô đến khu vực giáp ranh với vùng tạm chiếm ở miền Nam để biểu tình chống Israel. Lần trước có đến 2000 người cùng tham gia với chúng tôi, có cả các giáo sư trẻ ở trường tôi cùng đi. Chúng tôi cắm trại cách ranh giới ngăn bằng dây thép gai khoảng 50m rồi ném đá vào quân lính Israel đứng gác. Ném chán rồi chúng tôi lại bật nhạc lên nhảy múa sau đó lại ném. Đến 10h đêm mới về đến Beirut tôi và các bạn lại kiếm chút gì ăn rồi đi đến một sàn nhảy ở ngoại ô Beirut và ở đó đến sáng mới về ký túc xá để ngủ. Tôi ngủ cả ngày hôm đó luôn.

Đêm nay tôi không ngủ được nên đi ra café internet ngoài cổng trường để viết thư cho người yêu của tôi ở Mỹ. Tôi không tin nhiều lắm là anh ấy sẽ trở về Beirut. Đã mấy người Libăng chúng tôi đi ra rồi lại quay về đâu? Quán café này là chỗ tụ tập bạn bè của chúng tôi, những người phục vụ đều quen tôi cả. Tôi có chỗ riêng của mình có thể nhìn thấy cửa ra vào để biết được ngay khi Natalie đến tìm tôi. Mỗi khi Natalie đến tìm, thể nào cũng có một vụ bạo động ở đâu đó, chúng tôi lại cùng đi và đôi khi phải đóng vai y tá cấp cứu cho những người bị cảnh sát quật dùi cui vào người.

ở phía bên trái tôi trong góc khuất có một người Viễn Đông đang ngồi viết email. Từ nãy đến giờ anh ta đã gọi hai ly càphê và hút thuốc liên hồi. Tôi cũng hút thuốc nhưng không “phê” như thế. Người này trông như người Trung Quốc nhưng cũng có thể là người Nhật Bản. Biết đâu anh ta là người Nhật Bản đến đây để tham gia vào vụ biểu tình của chúng tôi sẽ diễn ra vào ngày kia? Tôi ít khi thấy người Viễn Đông ở trong nội đô Beirut, mà có thấy thì thường họ chỉ làm việc vặt trong gia đình hay quán ăn Trung Quốc, chứ không có ai dùng internet bao giờ.

Cách đây khá lâu, chắc phải từ hồi những năm 70 có một nhóm cánh tả vũ trang Nhật Bản tự xưng là Hồng Quân đã đánh bom ở sân bay Jerusalem làm chết nhiều người. Chính quyền Israel đã bắt họ lại và giam giữ trong nhiều năm từ lúc họ mới hơn 20 cho đến nay đã hơn 40 tuổi. Khi Israel trả tự do cho họ, họ đã xin tị nạn tại Libăng vì sợ rằng Nhật Bản sẽ xử họ lần nữa nếu họ trở về nhà. Người ta đã đồng ý cho họ ở lại nếu như Nhật Bản không gây sức ép với chính phủ Libăng phải đưa họ về Nhật. Quốc hội Libăng đã chấp thuận là sẽ gửi cả năm người Nhật kia về. Bọn sinh viên chúng tôi cho rằng họ làm vậy vì mục đích kinh tế mà không nghĩ đến việc những người Nhật này lúc trước đã sẵn sàng hy sinh để thay mặt chúng tôi chống lại người Israel. Tổng hội sinh viên đã kêu gọi tổ chức biểu tình thật to vào ngày kia để chống Israel và phản đối chính phủ Libăng gửi những người bạn Hồng quân Nhật bản về nước. Tôi và Natalie đã thông báo tin này cho nhiều người, chúng tôi sẽ tập trung tại một sân bóng đá rồi diễu hành đến Toà án Binh cách đó 1km. Có vẻ như phần lớn thành viên cốt cán của các nhóm chính trị sinh viên đều sẽ tham gia.

Tôi rất tò mò về người Trung Quốc hay Nhật Bản đang ngồi kia, có lẽ tôi sẽ ra chào và làm quen với anh ta. Biết đâu anh ta cũng lại là một thành viên của Hồng Quân bên Nhật Bản được phái sang để biểu tình cùng chúng tôi. Rất có thể là thế vì tóc anh ta cắt rất ngắn…mà tóc ngắn thì ở đâu cũng là dấu hiệu phản kháng. Phần lớn các bạn nam của tôi đều để tóc ngắn…..à, anh ta ra về rồi, để tôi ra đón đường và chào anh ta.

*****

Kiyoko
17-09-2009, 07:36 PM
***
Cái sự thảnh thơi của anh lúc anh buông tay ra khỏi những thứ những điều anh mong muốn và quan tâm nhất không phải là một sự thảnh thơi đáng tin cậy, bởi lẽ hậu quả của nó ngay trong lòng anh mà chính anh cũng cảm thấy được thường là sự nuối tiếc và dằn vặt đến mãi lâu sau. ý thức quá cao của anh về con người xã hội trách nhiệm, tức con người dám hy sinh, ít nhất là trong mắt mọi người, dẫn đến việc anh luôn là người đầu tiên bỏ cuộc những lúc có sự đấu tranh quyền lợi, dù rằng sự đấu tranh này đôi khi chỉ là hình thức, hay tưởng tượng, hay kể cả là ảo giác. Những điều anh càng yêu quý, anh càng đánh giá cao, anh càng mong muốn nhiều thì anh lại càng thảnh thơi mà quay lưng lại với chúng. Nhưng cũng là con người bằng xương thịt biết trông ngóng sự ấm áp, sự dịu dàng, sự tiện nghi dù là tinh thần hay vật chất, anh hay ngoảnh mặt lại hy vọng những thứ tốt đẹp kia tự đến với anh nhờ một may mắn bất thường nào đó. Thi thoảng thì thần may mắn cũng mỉm cười, khi đó thường anh đã chẳng còn quan tâm đến phần thưởng nữa. Nhưng khi không có sự may mắn nào xảy ra, anh lại là người đầu tiên quay lại săn đuổi điều cũ cho kỳ được, với một nỗ lực đáng ngạc nhiên, vượt xa ra khỏi những hạn chế của hoàn cảnh và nội lực. Chính những cuộc săn này giúp anh khám phá thêm nhiều điều mới, về bản thân anh và về thế giới, nhưng cái sự tiền hậu bất nhất của anh lại làm người xem ngơ ngẩn lạ kỳ.

Sự thảnh thơi anh nghĩ đến khi ở góc phố tối giữa Beirut đêm đó anh chọn đi về bên trái, tức là quay về với những thứ thân quen và ổn định, hoặc giả có không ổn định thì cũng quen thuộc trong thế chênh vênh, chính là biểu hiện của chính nó vào những lúc này hay lúc khác, là hệ quả trực tiếp của sự kiềm chế hoàn toàn không cần thiết những tình cảm anh dành cho cô khi cả hai còn có cơ hội ở cạnh nhau. Tuy anh không đòi hỏi tình yêu từ cô, hay ghen với người bạn trai kia của cô, hay theo đuổi cô nhưng anh lại kiên quyết đòi cô phải biết và hiểu cái sự hy sinh đấy, mà theo anh là vì điều tốt cho cả hai người. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi lúc đó, khi cả hai người đều cần sự dịu dàng mà người kia có thể mang lại, chỉ đơn giản là để làm giảm đi những áp lực to lớn hàng ngày mà cuộc sống và học hành trút lên vai họ chứ chẳng phải để cho tương lai tươi sáng hơn thêm, thì anh lại thu mình lại và tách mình ra, tuy là thảnh thơi đấy nhưng vô hình chung lại tự tạo ra cho anh những áp lực mới, mà nặng nề nhất là áp lực phải duy trì sự thảnh thơi và bình thản bề ngoài. Sự dịu dàng qua lại, sự giao hoà và kết hợp của hai tâm hồn có lẽ chẳng mấy đồng điệu nhưng chí ít cũng quý mến nhau đã có thể là một bình rượu ngon mà hai người có thể cùng chia sẻ để uống cho say, chỉ cho lúc này và ngày hôm nay thôi, rồi ngày mai nếu vui thì sắm thêm bình rượu mới. Thế mà anh lại ích kỷ giữ cái bình lại cho riêng mình với lý do rượu ngon nhưng mà say thì chẳng tốt cho ai, và để chứng minh rằng mình công tâm, anh dang tay đập vỡ cái bình làm đổ tung mấy ly rượu ngọt ít ỏi, để đến lúc này anh lại phải quỳ xuống đất mà vun vén những mảnh vỡ. Để làm gì và để cho ai?

Hai người hẹn nhau lúc 6h chiều hôm đó sẽ cùng đi bộ vào phố đi ăn. Từ sáng trời đã mưa nặng hạt, anh nhìn trời mưa không dứt lo đến thắt ruột là mọi việc sẽ không được như ý. Lúc 5h30 mưa bỗng tạnh, vài phút sau thì mặt trời ló ra và nước bắt đầu khô. Lúc 6h hai người đã đi cạnh nhau về phía phố chính Nassau, cô cao gầy đi cạnh anh…thấp gầy.

Chẳng có nhiều thứ đáng nói về bữa ăn hôm đấy, cô vẫn tự tin, duyên dáng và hài hước, chỉ có anh là căng thẳng với những ý nghĩ mà chỉ mình anh có. Lúc trả tiền, hai người giằng co nhau quyết liệt, anh cuối cùng cũng thắng nhưng một chút nước mắt cũng đã nhân cơ hội đó mà chảy ra.

ở đầu đường Nassau là phố chính của thành phố đại học nơi họ sống có một vườn hoa nhỏ với những chiếc ghế băng bằng sắt sơn xanh. Lúc ăn xong họ cùng đi bộ ra đó. Cô ngồi ăn kem còn anh thì đứng trước mặt. Anh bắt đầu nói. Anh tuyên bố với cô về những tình cảm giống tình yêu mà anh dành cho cô, những tình cảm mà trước đó anh tự hứa sẽ không công bố. Việc tuyên bố những thứ không cần tuyên bố tự thân nó vẫn còn tính không tuyên bố nhưng lại đòi hỏi phải có những lời giải thích thêm đi kèm. Anh kể với cô về Việt Nam, về gia đình và bạn bè, những điều mà trước đó anh chưa kể. Anh kể về cây xương rồng ở nhà anh ra hoa đỏ mỗi mùa hè, những quả sấu chua quặn lưỡi, anh đạp xe đi học cấp ba mùa đông rồi từ trong lớp nhìn ra sương sớm mặt hồ ngoài cửa sổ, những hạt bụi phấn hoa, những đám mây trắng tháng Tư ở Hà Nội, những đôi giày cũ đã há mõm, những quyển sách mất bìa, cái khoá cặp hỏng, cái bánh chưng mốc, những người bạn đã xa không bao giờ còn gặp lại và những ngọn lửa bị thời gian dập tắt, những ước mơ đi xa bay cao. Anh cứ nói mãi như thế, chỉ đứng mà nói và thỉnh thoảng bước đi vài bước. Cô lắng nghe chăm chú, lúc cười lúc nhăn trán. Cả tiếng sau khi anh dừng lại, cô bắt đầu kể chuyện về cô. Cô kể về người đàn ông kia, người mà cô còn chưa chắc chắn, cô không hiểu cuộc sống với người đó khi cô quay về Beirut sẽ như thế nào. Thôi thì cuộc đời xoay chuyển thế nào thì ta xoay theo như thế, mong là sẽ được vui. Cuối cùng cô nói khẽ: Wahed itneen tillatta arba, khamsa sitta sabbaa, ashareen! ()

Nghe cô nói vậy, sự thảnh thơi của anh tan biến như băng tháng Sáu. Anh thấy cảm giác đau dội ở ngực và chẳng biết phải nói gì nữa. Đã quá muộn rồi.

Họ cùng đi bộ về nhà cô. ở trước cổng anh tháo cái balo đang đeo sau lưng xuống và lục lọi hồi lâu lấy ra món quà anh đã mua cho cô từ trước. Cô cũng tháo balô đeo sau lưng xuống và lục lọi hồi lâu lấy ra món quà cô đã mua cho anh từ trước. Lúc chia tay, họ ôm lấy nhau, anh thoáng ngửi thấy mùi trầm hương trên tóc cô, anh hít vội một hơi thật sâu và khẽ rùng mình. Họ đứng như thế một lúc lâu rồi anh đẩy vai cô ra. Cô bảo: Mình chắc sẽ còn gặp nhau, chắc sẽ ở một hội nghị nào đó. Bây giờ thì đi nhé, đi đi, đừng ngoảnh đầu lại mà đi.

Anh thảnh thơi quay ngang và nhanh nhẹn bước đi sang phía trái con đường. Chỉ vài tiếng nữa thôi là anh sẽ ra sân bay lên đường về nhà với món ăn của mẹ và tiếng Việt, bạn bè và caphê pha đặc uống ngoài vườn. Đến cuối đường trước khi rẽ anh quay đầu nhìn lại, trên bệ cổng trong bóng tối sẫm xao động của cây lá, cô vẫn đang ngồi nhìn theo anh.


() Đáng ra phải nói với tôi những điều này sớm hơn thì bạn đã chẳng phải ngồi một mình mà chịu những đau khổ tình yêu --Tiếng Arập, dịch từ tiếng Anh trong.. nguyên văn..))

******

Kiyoko
19-09-2009, 12:33 PM
****
Thời những năm 50-70, phố Bliss là trung tâm ăn chơi của Beirut, nơi tập trung nhiều nhất các quán rượu, sàn nhảy, chỗ chơi bài bạc. Cuộc nội chiến đã lấy bớt đi của nó các khách hàng quen và cả việc kinh doanh lời lãi ngày xưa. Từ khi nội chiến kết thúc, cùng với việc tái thiết Libăng và Beirut, phố Bliss cũng dần dần chuyển mình. Nhưng có vẻ như nó sẽ chẳng bao giờ lấy lại được vị thế cũ thời trước chiến tranh. Thanh niên bây giờ thích loại nhạc khác, loại rượu mạnh và bia khác, sự bài trí cũng khác với thời 20 năm trước. Những tòa nhà phố Bliss, xập xệ vì cả thời gian và chấn động từ bom đạn của 20 năm, không còn là nơi tụ tập được ưa thích của giới trẻ tiền phong. Vẫn còn những quán bar, những sàn nhảy nhưng khách “làng chơi” phần nhiều đã là có tuổi, hay những người trẻ tuổi hoài cổ.

Tôi đã gặp một đám đông như thế trong một sàn nhảy ngay đối diện cổng bên khách sạn. Tôi đã về phòng, đã chui vào chăn nằm đọc sách để chuẩn bị ngủ nhưng lại bị tiếng nhạc từ dưới nhà vọng lên làm phân tán. Khoảng 3h sáng tôi quyết định bò dậy, rồi xuống đường và mò sang bên kia.

Trong tiếng nhạc của những năm 70, có khoảng 30 người đang nhảy múa. Phần nhiều là những thanh niên đã luống tuổi, 30 plus. Cốc đĩa chén bày ngổn ngang trên những cái bàn gỗ tròn kê quanh phòng trên những bục gỗ sẫm màu. Hình như lúc đầu đêm đã có một bữa tiệc sinh nhật diễn ra ở đây vì có những dải ruban đỏ và hoa hồng và nến, tất cả đều dính kem bánh, nằm rải rác trên sàn và bàn ghế. Không khí sặc mùi rượu, mùi thuốc lá. Tôi chọn một ghế cao ngay cạnh sàn nhảy, gọi một đồ uống và ngồi nhìn ngắm mọi người. Mọi người đều ăn mặc đẹp. Có một người đàn ông mặc áo sọc to xanh vàng trắng nhảy một mình trước mặt tôi. Chắc đã có chút rượu nên anh ta nhảy chẳng giống ai. Ngồi buồn tôi chơi trò đoán trước những cử động của anh ta, phần nhiều là sai cả.

Ngồi một lúc chán rồi tôi đi về khách sạn, đã 4h sáng nhưng ở dưới đường không có vẻ gì là thành phố này đã đi ngủ. Tôi chui vào trong chăn, cố gắng nắm bắt cảm giác cái chăn chạm vào người như một phép thử để chắc chắn những gì đang diễn ra là thực. Cái gì đang diễn ra ở đây, việc tôi đêm nay ngủ giữa Beirut, mang nhiều màu sắc của mơ mộng hơn là thật. Cái gì đã đưa tôi đến chỗ này, và cuộc đời sẽ thay đổi thế nào vì những kinh nghiệm ở đây tôi không thể đoán trước. Tôi cũng không tin là tôi đã đến đây chỉ vì những run rủi của số phận, tôi thích nghĩ là đã có một kế hoạch từ trước, ở đâu đó, quyết định sẵn việc tôi đang nằm suy nghĩ giữa Beirut đêm nay, tôi chỉ là người thừa hành một nhiệm vụ nào đó, không thật rõ là cho tôi hay cho ai khác. Cảm giác này làm tôi cảm thấy yên tâm và được che chở hơn.

Buổi sáng ngủ dậy tôi pha một ly caphê rồi trèo lên chiếc giường bên kia, ý định là để mở cửa sổ hướng ra đường và hút thuốc. Cửa sổ mở ra rồi, ánh sáng bên ngoài ùa vào phòng. Bên ngoài là một bức tranh. Cả thành phố trải dài trên những sườn đồi nhiều màu xanh lục của cây cối sáng lấp loáng nhờ ánh nắng như mật. ở hai bên phía xa là núi Lebanon, mờ ảo trong sương mù buổi sớm, còn ở trước mặt, ngay sau những tòa nhà mái ngói đỏ của đại học Mỹ là Địa Trung Hải, xanh rợn người. Đã lâu nay tôi có cảm giác tôi không còn biết xúc động trước vẻ đẹp thiên nhiên trong vẻ tự nhiên của nó nữa nhưng lúc này tôi cứ đứng đấy mở mắt thật to ra mà nhìn. Vẻ đẹp của thành phố này, nhìn từ chỗ tôi đứng tưởng như không thể nào đẹp hơn được nữa. Đến gần như thế với sự hoàn hảo, tôi thấy mình như say.

Tôi lang thang xuống đường và đứng cạnh một quầy bán đồ ăn sáng cạnh đường gọi đồ ăn và đồ uống. Những đám sinh viên đại học Mỹ cứ lũ lượt đi qua. Sau đó vừa ăn vừa nghĩ là thực ra tôi không nên đứng ngoài đường như thế này. Người bạn của tôi hoàn toàn có thể đi qua nhìn thấy tôi đứng khơi khơi giữa Beirut đúng ngày sinh nhật của cô ấy. Nếu thế thì tôi biết giải thích thế nào? Có lẽ tôi sẽ xấu hổ phải chạy đi mất. Từ khi tôi sang Ai Cập, chúng tôi thỉnh thoảng có email qua lại, tôi cũng chẳng nhớ tôi đã nói cái gì làm cô phật lòng nhưng những email từ cô càng ngày càng ít hẳn. Có một lần tôi viết thư hỏi cô là có được không nếu tôi sang Beirut dịp sinh nhật cô. Cô chẳng trả lời gì cả. Tôi nghĩ như thế có nghĩa là cô không muốn. Lúc đấy tôi hoàn toàn chẳng có ý định gì sang Beirut cả, thế mà lúc này tôi lại đứng ở đây. Thật như một trò đùa. Tôi nghĩ cô chẳng cần phải lo nghĩ gì về tôi cả, tôi đâu có ý định làm phiền cô đâu. Lúc đứng ở đó tôi nửa mong sẽ chẳng gặp cô, nửa mong là cô sẽ đi qua và nhìn thấy tôi, để tôi khỏi phải lo nghĩ nhiều về việc giấu diếm nữa.

Lúc trưa tôi đi kiểm tra email và gặp cô bé bự Yizmina. Trong hộp thư có thư của cô bạn Libăng, vẫn hoàn toàn không biết là tôi đang ở cách cô chỉ vài trăm mét. Tôi viết thư lại cho cô, vẫn thảo luận tình hình chính trị, vẫn trêu ghẹo cho cô giận là chính. Tôi chê những người Hezballah hết lời. Tôi dọa cô là nhóm này mong biến Libăng thành cộng hòa Hồi Giáo và những người như cô sẽ phải cải đạo, sẽ không được làm việc xã hội, sẽ không được đến trường. Cô nằng nặc bảo rằng không. Ngày mai sau ngày sinh nhật cô có lẽ tôi sẽ thông báo cho cô biết là tôi đang ở Beirut. Tôi cũng gửi cho cô thư chúc mừng sinh nhật. Không hiểu làm vậy có phải là không trung thực không? Không biết người khác ở địa vị tôi sẽ làm gì?

Cô Yizmina thật là một cô nói nhiều. Chỉ nói chuyện một lúc mà tôi đã biết rất nhiều thứ về cô. Cô kể chuyện gia đình bè bạn người yêu và rủ tôi ngày hôm sau đi biểu tình với các cô. Tôi hỏi cô là sẽ có những người Hezballah ở đó không? Cô bảo chắc sẽ có nhưng họ sẽ không phải là những người tổ chức chính. Tôi gật đầu bảo thế thì tôi sẽ đi. Tôi cũng muốn xem sinh viên Libăng bạo động thế nào. Tôi còn hỏi nếu bị đuổi thì sẽ chạy đi đâu, cô bảo việc đấy mọi người đã lo liệu cả, nên tôi không cần phải sợ. Cảnh sát thường cũng không can thiệp mấy trừ phi sinh viên đập phá quá khích thôi. Hì hì, tự nhiên tôi thấy vui lên. Ngày mai tôi sẽ tham gia một cuộc biểu tình để phát động cho một ý kiến không phải của tôi. Thực ra mà nói tôi chẳng ủng hộ hay ưa thích gì quan điểm chính trị của cả người Hồi Giáo và Do Thái Giáo, tôi cũng chẳng lo lắng lắm cho tương lai của quan hệ Israel và Libăng. Tôi là người tự do, tôi thích lang thang và xem tất cả mọi thứ.

******

Kiyoko
21-09-2009, 01:51 PM
*****

Chia tay cô Yizmina tôi đi về khách sạn để gọi điện cho một người Việt nam đang làm công nhân xây dựng ở cách Beirut 40km. Anh Dũng là ngưòi Nghệ An đã sang đây lao động cùng một nhóm vài chục người khác hổi năm 1996 sau tổng tuyển cử. Họ sống ở trên núi và xây nhà. Thời gian đầu người nào cũng có lương, chủ thì tử tế cho ăn uống đầy đủ. Sau đó không hiểu sao chủ vỡ nợ, khu nhà họ đang xây cũng không có tiền để làm nốt. Hai năm nay mấy chục con người vẫn cứ sống lay lắt, làm đủ việc lặt vặt kiếm sống. Tiền lương của họ thì chủ vẫn nợ lại không biết đến bao giờ. Bây giờ mấy người thợ này vẫn thỉnh thoảng làm việc, cố hoàn thành một hai khu nhà dang dở để chủ có thể bán đi lấy tiền về trả nợ. Vừa làm họ vừa nghĩ cách liên hệ với sứ quán Việt Nam ở Ai Cập nhờ giúp đỡ. Sứ quán không có điều kiện để đại diện cho họ trong việc kiện tụng ở Libăng nên chủ yếu chỉ hỗ trợ về tinh thần là chính. Biết tôi sang Beirut, các anh trong sứ quán đã nhờ mang một thùng báo Việt Nam, phần nhiều là báo đã cũ, để gửi cho những người Việt nam ở xa nhà này. Nghe họ nói báo chí Việt Nam là thứ quà được quý nhất mà một người sang thăm có thể mang sang. Trên điện thoại anh Dũng rất xúc động, anh hẹn tôi ở khách sạn lúc buổi chiều. Buổi chiều anh qua lấy báo, rồi hứa sẽ đưa tôi lên chơi trên chỗ anh ở trên núi một vài ngày sau.

Sau đó tôi lang thang dọc phố Bliss và đi vòng sang những chỗ khác. Đường phố ở khu này trong Beirut nhỏ hẹp và dốc, có nhiều cửa hiệu rất đẹp, bán đủ thứ xa xỉ phẩm. Tôi cũng đi vòng xuống đi bộ dọc theo Corniche, là phố chạy theo bờ biển. Buổi chiều Địa Trung Hải không còn xanh màu ngọc bích nữa, sóng cũng vỗ mạnh và ầm ĩ hơn. Bên bờ biển có nhiều gia đình qua lại, nước thỉnh thoảng lại bắn tung tóe một hồi làm cả trẻ con và người lớn đều hò hét đầy phấn khích. Nhìn hải âu bay lượn lập lờ tôi lại nghĩ đến tôi. Lúc đó tôi thật sự không biết tôi muốn làm gì trên đời này nữa. Mục đích nào đây có thể làm tôi cống hiến hết sức mình? Ngày đầu tiên của tôi ở Beirut trôi qua như thế, phấp phỏng đợi chò một điều gì chẳng rõ ràng.

Trong một email viết sau ngày sinh nhật cô, anh đã cho cô biết là anh đang ở Beirut. Phản ứng của cô nhẹ nhàng, gần như chịu đựng chứ không còn là chấp nhận. Anh và cô hẹn gặp nhau buổi trưa một ngày nọ ở cổng chính của trường AUB sau giờ cô dậy học ở trường.

Anh đến gặp cô sau khi đến lấy visa từ sứ quán Ai Cập và vẫn mặc nguyên chiếc áo complet có những khuy emblem bằng vàng, đi giầy đen bóng lộn và mặc quần vải len. Cổng chính của trường ở ngay đối diện với khách sạn anh ở. Anh đã cố tình đi ra khỏi khách sạn hơi muộn một chút. Thấy cô ở phía bên đường, ăn mặc giản dị quần jean và áo khoác đen mỏng, anh tự hỏi trông mình có ngớ ngẩn quá không khi ăn diện như thế.

Họ ôm nhau như phong tục đòi hỏi thế dù rằng hiện thực không đòi hỏi một sự gần gũi đến vậy. Dù thế nào đi nữa cũng không thể phủ nhận sự rung động nhẹ từ cả hai bên khi hai vòng tay ôm lấy vai của người bên kia. Anh thì biết mình rung động vì sao. sự gần gũi này đối với anh tự nhiên lắm, nó chỉ là sự nối dài của đêm hôm đó ở trước cổng nhà cô khi anh đang trong tâm trạng bị giằng co. Lúc đó anh vừa mong được về nhà, về gần với gốc rễ của anh, để thoát khỏi cảm giác cô đơn và thiếu thốn cả tình cảm và vật chất của những năm tháng đằng đẵng ở xa và vừa mong được ở gần cô thêm một lúc nữa. Mong ước được về nhà tất nhiên đã chiến thắng, nhưng chỉ tạm thời thôi. ở trong sâu anh vẫn mong có lúc được ở gần cô thêm nữa, vẫn hy vọng vào một cơ hội nào đó xoay chuyển lại hoàn cảnh, quay ngược lại thời gian, gạt bỏ hết những gì cả hai người đã biết thêm, đã hiểu thêm trong thời gian 10 tháng kể từ khi họ chia tay nhau. Sự rung động của cô là gì thì anh không biết. Anh không nghĩ đó là sự xúc động, sự vui mừng gặp lại anh. Mười tháng đó đã có nhiều thay đổi, cô đã ở New York suốt năm tháng, lang thang từ văn phòng này sang văn phòng nọ tìm kiếm một việc làm, đã bị từ chối nhiều lần, đã bị thất bại, sự thất bại mà cô không đáng phải chịu. Cô đã nhớ nhà và cũng đã tạm thời bỏ rơi ước mơ của cô để quay về nhà với gia đình và những thứ quen thuộc. Năm tháng nữa trôi qua, cô đã có thời gian để bình tình lại và vạch ra những hướng đi mới, cô cũng đã có thời gian để làm quen với cuộc sống và công việc ở Beirut. Anh chắc chắn chẳng có chỗ đứng nào trong kế hoạch của cô, sự xuất hiện bất ngờ của anh là một dấu hiệu không lành. Phải chăng anh đã đến để đòi cô cho anh một chỗ đứng nào đó bên cạnh cô? Rung động của họ đồng thời nhưng lệch pha nhau xa lắm.

Cô vui vẻ đưa anh đến một nhà hàng bán đồ ăn truyền thống của Libăng ở trong một biệt thự kiểu Pháp giống những biệt thự cũ ở Hà Nội. Anh căng thẳng và lo lắng ra mặt. Anh ước gì có thể lấy tay ôm mặt để khỏi phải nhìn thấy cô nhẹ nhàng và lịch thiệp ngồi ở phía trước. Anh cảm thấy sự tử tế này không chân thành, mà chỉ giống như Bá Kiến đi ra mà dắt tay anh Chí Phèo nhẹ nhàng khuyên bảo chuyện đời, cô cũng đang hiền lành và tử tế với anh như một biện pháp phòng ngừa và làm lạc hướng. Anh không biết phải giải thích thế nào với cô để cô hiểu rằng anh đến đây không phải vì anh muốn làm xáo động cuộc sống của cô, mà chỉ đơn giản là một lần cuối cùng buộc lại những mối dây cũ còn lỏng lẻo. Anh cũng muốn nói để cô hiểu là anh cũng mong sống cuộc sống của anh. Gần hai năm nay anh đã nghĩ đến cô nhiều quá. Anh cần gặp cô, cần có một cơ hội để quên được cô. Cách tốt nhất mà anh nghĩ là được nói chuyện với cô thật thẳng thắn về những gì đã qua của những ngày đã xa. Anh mong cô hiểu được anh những ngày tháng đó và cả sau này, và cả lúc này, cô độc và lang bạt.

Anh chỉ ăn vội vàng mấy miếng và cũng chẳng nói gì nhiều mà chỉ ngồi chăm chú nghe cô kể chuyện. Những câu chuyện không đầu không cuối, những mạch chuyện bắt từ bên này sang bên khác rồi lại lan rộng mãi ra như những sóng nước trên mặt hồ. Anh như chiếc lá vàng, vụt rơi rồi đậu xuống, rồi cứ theo những đợt sóng kia sóng sánh và chòng chành. Anh lặng lẽ ngồi và từng phút một nhận ra anh chẳng đóng bất kỳ vai trò nào trong cuộc sống của cô. Những vòng sóng kia dù lăn tăn hay mạnh mẽ chẳng bao giờ là do anh tạo ra cả. Cái lá vàng chỉ ngăn sóng đi xa hơn và kéo dài lâu hơn nữa. Đã đến lúc cần phải lịch sự, đứng dậy và chào để ra đi.

ở một quán càphê cô đưa anh đến sau bữa trưa nơi cô khoe có giữ linh hồn của Beirut, là nơi duy nhất mở cửa hàng ngày xuyên suốt 15 năm nội chiến bất kể đạn lạc và bom nổ bên ngoài, cô hỏi anh sẽ ở Ai Cập đến bao giờ nữa. Anh vừa ở trong toilet ra, đã căng thẳng rồi còn lo nghĩ hơn về những giọt nước vô hình nào còn dính ở trước quần, trả lời quấy quá là anh dự định sẽ còn ở đó thật lâu. Cô cười và nói nhiều hàm ý, vừa khuyến khích vừa thông cảm mà cũng vừa pha chút cầu xin là anh nên đi khỏi Trung Đông đi. Mấy câu trao đổi này là những thứ duy nhất họ nói về việc của họ. Mãi về sau này anh còn trách anh tại sao lúc đó không chớp lấy cơ hội và nói ra những điều anh đã dự định sẽ nói.

Bốn giờ chiều là giờ cô phải đi đến lớp học tiếng Tây Ban Nha, anh thì có hẹn với các bạn sinh viên bạo động. Họ đứng giữa phố chào nhau và hẹn gặp lại vài ngày sau đó hình như cả hai đều muốn bỏ qua những cuộc hẹn và trách nhiệm kia để ngồi gần nhau thêm chút nữa, tất nhiên vì những lý do khác nhau nhưng rồi chẳng ai nói gì. Anh gợi ý là cô có thể mời thêm những người bạn khác cùng đến ngày hôm sau, anh muốn mời mọi người cùng ăn uống với nhau một lần. Cô nói có thể anh trai cô sẽ cùng đến. Cô lấy ảnh anh trai cô ra cho anh xem, anh bác sĩ nhãn khoa này chính là người đàn ông áo kẻ trắng xanh vàng hơi say say anh đã ngồi nhìn trong sàn nhảy đêm đầu tiên ở Beirut.

Anh nghĩ là anh biết đáng ra phải làm gì nhưng anh đã không làm. Cô thì chắc đã yên tâm rằng kẻ theo đuổi quốc tế hoá ra cũng biết điều nên cô chắc chẳng phải lo gì việc anh làm xáo động cuộc đời cô nữa.

Cái gì thế, cái gì đã xảy ra trong 10 tháng trước đó lại có năng lực biến phút thăng hoa và xuất thần của lần cuối họ ở cạnh nhau thành một mớ bòng bong rối rắm những âu lo và do dự ngày hôm đấy? Lần trước khi chia tay, cả hai đều thở dài vì buồn và thương, lần này khi chia tay thì cả hai cũng đều thở dài nhưng anh thì vì không hiểu nổi mình muốn gì, cô thì vì trút được gánh nặng. Cái gì đó đã đẩy anh xuống hố sâu mà đồng thời lại kéo cô lên cao? Phải chăng là phụ nữ cô cũng vô tình và dễ quên hơn anh là trẻ con vừa mới lớn? Phải chăng đã đến lúc cần phải lịch sự, đứng dậy chào và ra đi?

******

Kiyoko
05-10-2009, 10:16 PM
******

Những ngày sau của tôi ở Libăng có nhiều chuyện chắc tôi sẽ nhớ rất lâu. Cùng với cô Yizmina và một nhóm bạn khác của cô, tôi đã tham gia cuộc biểu tình đầu tiên trong đời. Chúng tôi 4 người, Yizmina, tôi, Natalie và Zainab là hai bạn gái của Yizmina, cùng đi một taxi từ trong phố đến một sân vận động nơi có rất nhiều sinh viên đã tập trung. Nhiều người đeo băng đỏ trên đầu sẽ là những người lúc sau cầm biểu ngữ đi hàng đầu tiên. Chúng tôi khoảng một ngàn người từ từ đi ra khỏi sân vận động vừa đi vừa hô khẩu hiệu gì đó bằng tiếng ảrập. Không khí rất là náo nhiệt, các bạn con gái chạy tới lui giữa các hàng người phân phát những hòn đá to khoảng nửa nắm tay. Tôi cũng thủ lấy ba hòn cho vào túi áo khoác. Đi trong hàng chán rồi tôi chạy lên đi hẳn phía trước và quay ngược lại chụp ảnh các bạn thanh niên đang gào thét.

Hai bên đường có rất nhiều cảnh sát mặc đồ dã chiến kiểu các đồng chí cơ động nhà ta, dưng mà mang súng rất dài. Không có nhiều người đi lại trên đường này. Một lúc thì Yizmina chạy lên đưa tôi một cái khăn rằn, kiểu ông Arafat hay đeo bảo tôi quàng xung quanh đầu bởi vì có nhiều người ở dưới tò mò hỏi tôi là ai, có tin tưởng được không? Chúng tôi đang kêu gọi gì đó cho mấy người Nhật Bản nên các bạn sinh viên tưởng tôi cũng là người Nhật Bản và sợ cảnh sát sẽ để ý đến tôi đầu tiên. Tôi quàng khăn vào đầu chỉ còn hở mắt và cũng bắt đầu hò hét những câu khẩu hiệu tiếng Arập mà tôi chẳng hiểu nghĩa là gì, thỉnh thoảng lại chêm vào mấy từ tiếng Nhật là tên của các đồng chí Nhật Bản kia. Chúng tôi tụ tập lại trước một toà nhà lớn kiểu Pháp xây bằng đá, trông từa tựa như Phủ Chủ Tịch ở Hà Nội nhưng nhỏ hơn nhiều. ở đấy các bạn sinh viên bắt đầu lôi chai xăng và cờ Israel ra và đốt. Sau đó các bạn cầm tay ôm vai nhau nhảy vòng quanh lá cờ cháy vừa nhảy vừa hát các bài hát Nga như Kalinka và Kachiusa và nhiều bài khác chắc chắn là của Nga bởi tôi đều biết nhạc nhưng lời thì các bạn toàn hát bằng tiếng Arập. Hát chán các bạn công kênh một bạn khác lên, bạn này lại cầm ảnh một anh già người Nhật vẽ theo kiểu mặt Che Guevara nhưng mắt một mí nhìn vẫn rất rõ. Càng về sau thì các bạn càng điên lên, không chỉ công kênh một bạn mà bây giờ là ba bạn nữa rồi một bạn nữa rồi mới đến ảnh. Tiếng hò hét thật ầm ĩ, tôi khoái điên lên. Chừng một tiếng thì có tiếng hô xếp hàng. Chúng tôi cùng xếp hàng nhưng thực ra là chen chúc với nhau và đối mặt với các bạn cảnh sát. Các bạn đeo băng đỏ vẫn đứng trên hàng đầu tiên. Mấy tiếng hô to từ hàng đầu và đá bắt đầu được ném ra nhưng hình như cố tình ném vượt qua hàng rào cảnh sát. Ném xong thì các bạn hàng đầu chạy ngược trở lại sang hai bên về phía sau. Tôi cũng vội vàng giấu máy ảnh vào túi ngực rồi lôi củ đậu ra khỏi túi áo và ném rất mạnh, cũng vượt qua đầu hàng rào cảnh sát nhưng mà chưa chạy ngay, tôi ném hết cả ba hòn đá rồi mới đứng sang bên cho các bạn khác ném. Cảnh sát bắt đầu ào tới, nhưng hình như chỉ doạ thôi tại vì thấy mặt họ chẳng nghiêm trọng gì lắm. Cả lũ chúng tôi bắt đầu chạy như vịt ngược lại phía lúc trước đi đến, vừa chạy vừa hò hét ầm ầm cả tiếng Nhật tiếng Anh tiếng Pháp đủ thứ tiếng. Tôi không nhớ rõ lắm nhưng hình như tôi cũng vừa lôi tay cô Zainab vừa đ. này đ. nọ bọn cảnh sát một cách rất là thô lỗ. Lúc đấy khăn đã tuột đến cổ tôi cũng kệ m. nó, chạy như điên, vừa chạy vừa chửi như hàng cá. Hào hứng quá nên tôi chửi, bằng tiếng Việt tất nhiên, lung tung từ cảnh sát cho đến người Israel, người Libăng, Arập, chửi cả cô bạn tôi học cùng tôi lúc trước, chửi yêu luôn cả mấy cô sinh viên bạn tôi chạy chậm, cả lũ mồ hôi mồ kê nhễ nhại, thở ra đằng mồm, vừa chửi bới vừa cười sằng sặc. Thật khoái hết chỗ nói.

Buổi tối về phố tôi đi ăn cùng với một nhóm đông các bạn rồi chúng tôi đến một quán rượu tên là Nhà trọ bọn buôn lậu (Smugglers’ inn). ở đấy các bạn uống một vòng rượu bia lẫn lộn. Tôi thì không uống chỉ ngồi nhìn thấy có vài đôi yêu nhau mà một bên là Hồi Giáo và bên kia là Thiên chúa giáo. Tôi thấy cảnh đấy thì xúc động lắm nghĩ là người Libăng không mất nhiều thời gian để hoà giải với nhau, hoặc là họ cũng không có định kiến tôn giáo gì từ trước đó, rất khác so với ở Ai Cập. ở quán có một bạn gay làm bartender trông mặt xinh lắm, rất thích trèo lên bar để múa cho các bạn khác xem, mà múa hiện đại, rất đẹp. Tôi bá vai bá cổ với cả mấy chục người tối đấy.

******