PDA

View Full Version : Nhật Bản



BioShock
11-11-2005, 03:02 PM
Nhật Bản là một quốc gia hải đảo hình vòng cung, có diện tích tổng cộng là 377,834 km² nằm xoải theo bên sườn phía đông lục địa châu Á. Nhật Bản thuộc vùng ôn đới, có 4 mùa rõ rệt. Gồm 4 đảo chính, theo thứ tự từ bắc xuống nam là: Hokkaido 北海道, Honshu 本州, Shikoku 四国 và Kyushu 九州 cùng hàng ngàn đảo nhỏ chung quanh.

Nhật Bản (Japan) còn có tên là Nhật, Nhật Bản Quốc (tên chính thức của nhà nước); có một thời gian còn được gọi là Nhật Bổn; viết theo chữ Nhật là Nihon hoặc Nippon; theo tiếng Hán là 日本 có nghĩa là "xứ Mặt Trời mọc".

Nhật Bản còn có các mĩ danh là xứ Hoa Anh Đào - vì người Nhật rất thích trồng cây hoa Anh Đào khắp nước, hay xứ Mặt Trời Mọc (The Land of Rising Sun) - vì Nhật Bản là quốc gia ở vùng cực đông. Vào thế kỷ thứ 4, Nhật Bản đã tự lấy tên nước là Yamato, vì vậy người Nhật còn được tự gọi hay nhận mình là Hòa Nhân. Thời xưa, Trung Hoa gọi Nhật Bản là Nguỵ Quốc (nước của những người lùn), hay Phù Tang (xứ có nhiều cây phù tang, tức một loại cây dâu). Năm 670, năm đầu niên hiệu Hàm Hanh (670-674) nhà Đường (vua Đường Cao Tông), Nhật Bản gởi một sứ bộ đến chúc mừng triều đình Trung Quốc nhân dịp vừa bình định Cao Ly (Triều Tiên) và từ đó được đổi tên là Nhật Bản.

Theo thần thoại Nhật Bản trong Kojiki 古事記 viết vào đầu thế kỷ thứ 8, thuở ban sơ, vũ trụ chưa có hình thù. Có tới tám trăm vạn thần linh, sống ở trên Cánh Đồng Trời, từ đó nhìn xuống chỉ thấy bóng tối, sương mù và nước. Hai vị thần trong tuổi thanh xuân là chàng Izanagi và nàng Izanami nhận nhiệm vụ "làm cho mặt đất đi theo đời sống mà sinh sôi nẩy nở". Họ bước qua Thiên Phù Kiều, là chiếc cầu nối trời và đất, "quậy sóng" cho kết đọng lại thành đảo Onogoro và xuống đó, đây là sáng tạo đầu tiên của họ. Họ bắt tay dựng trụ trời và xây nhà trên quê hương mới.

Rồi hai vị thần trẻ quên mình là thần linh, sống như con người, kết hôn với nhau sinh "con" đầy đàn... Trong lúc Izanagi đang rửa mặt, thì bỗng nhiên từ mắt trái sinh ra Amaterasu 神天照大神 (thần Mặt Trời), (nữ thần của nhan sắc và ánh sáng tượng trưng cho phụ nữ Nhật Bản) và từ mắt phải sinh ra Tsukiyom 月読命(Thần Mặt Trăng). Sau đó là Susanoo 素戔嗚尊(Thần Bão) từ mũi của mình.

Sau đó, nữ thần Mặt Trời phái cháu trai của mình là Ninigi giáng thế, chinh phục vùng Izumo. Ninigi gặp và lấy con gái xinh đẹp của thần Oyamatsumi, sinh ra hai con trai là Hoderi và Hoori. Hoori sau lấy công chúa Thủy Cung Toyotama sinh được một con trai. Người con trai này lấy em gái của Toyotama sinh ra bốn hoàng tử, họ chinh phục xứ Yamato 大和. Sau khi các anh chết, hoàng tử út lên ngôi xưng là Jinmu 神武, đó là Thiên Hoàng đầu tiên gọi là Hoàng Kỷ (kỷ nguyên Thiên Hoàng), cai trị xứ Yamato, tức Nhật Bản, từ năm 660 TCN và truyền tới nay là 125 đời.


TOBE continued ~

BioShock
11-11-2005, 03:16 PM
Lịch sử Nhật Bản được phân chia thành các thời kì chính sau đây.

Nhật Bản buổi bình minh

Thời kì này, người Nhật, cũng như các dân tộc khác, sinh hoạt bằng săn bắn và đánh cá. Họ chịu ảnh hưởng văn hoá Triều Tiên và Trung Hoa. Đã bắt đầu trồng lúa và biết dùng kim thuộc.

Các thời kì chính bao gồm;

* Thời đồ đá cũ (15.000 năm đến 5.000 năm trước CN)
* Thời đồ gốm Jomon 縄文時代 (5.000 năm đến 200 năm trước CN)
* Thời Yayoi 弥生時代 (200 năm trước CN đến năm 200 CN)
* Thời văn hoá "Nấm mồ" 古墳時代 (Kofun, cuối thế kỷ thứ 3 đến cuối thế kỷ thứ 6)
* Thời Asuka 飛鳥時代 (Cuối thế kỷ thứ 6 đến đầu thế kỷ thứ 8)
* Thời Nara 奈良時代 (Đầu thế kỷ thứ 8 đến cuối thế kỷ thứ 8)

Nhật Bản thời trung cổ

Thời kì này, kinh đô được chuyển đến Heian và kéo dài gần 4 thế kỉ. Sau đó, chính quyền Mạc Phủ hình thành rồi dẫn tới các cuộc cát cứ của các Sứ Quân (shogun) và Vũ Sĩ (samurai), gọi là thời Đại Chiến Quốc. Các thời kì chính bao gồm:

* Thời Heian 平安時代
o Đầu Heian (Cuối thế kỷ thứ 8 đến cuối thế kỷ thứ 9)
o Giữa Heian (Cuối thế kỷ thứ 9 đến cuối thế kỷ 11)
o Cuối Heian (Cuối thế kỷ 11 đến cuối thế kỷ 12)
* Thời Kamakura 鎌倉時代 (Cuối thế kỷ 12 đến cuối thế kỷ 14)
* Thời Muromachi 室町時代 (Đầu thế kỷ 14 đến cuối thế kỷ 15)


Nhật Bản thời đụng độ với Phương Tây

Thời kì này, Nhật Bản đã phải bắt đầu đụng độ với các thế lực Phương Tây và đạo Cơ Đốc. Năm 1603, Tokugawa lập Mạc Phủ, thống nhất đất nước. Các thời kì chính trong khoảng thời gian này gồm có:

* Thời Azuchi-Momoyama 安土桃山時代 (Cuối thế kỷ 15 đến hết thế kỷ 16)
* Thời Edo 江戸時代
o Đầu Edo (Đầu thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 18)
o Giữa Edo (Đầu thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19)
o Cuối Edo (Đầu thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 19)


Nhật Bản thời cải cách Minh Trị

Đây là thời Cận Đại của Nhật Bản gồm các niên đại sau:

* Thời Minh Trị 明治時代
o Đầu Minh Trị (Cuối thế kỷ 19)
o Cuối Minh Trị (Đầu thế kỷ 20)


Nhật Bản thời chiến tranh

Hiệu quả của cuộc cải cách Minh Trị đã vô tình dẫn Nhật tới sự bành trướng về chủ nghĩa đế quốc thực dân. Cho tới trước khi chiến tranh kết thúc, thuộc địa của Nhật tại vùng Đông Á đã tăng gấp gần 5 lần diện tích quốc gia. Các thời kì chính bao gồm:

* Thời Taisho 大正時代 (Đầu thế kỷ 20)
* Thời Showa 昭和時代
o Đầu Showa (Đầu thế kỷ 20 đến giữa thế kỷ 20)


Nhật Bản sau chiến tranh

Ngày 14 tháng 8 năm 1945, lần đầu tiên Nhật Hoàng lên tiếng kêu gọi đầu hàng vô điều kiện trên đài phát thanh. Chấm dứt một cuộc chiến làm cho hơn 50 triệu người thương vong trên toàn thế giới. Có hai niên đại trong thời kì này.

* Cuối Thời Showa (Giữa thế kỷ 20)
* Thời Heisei 平成時代 (Cuối thế kỷ 20)

BioShock
11-11-2005, 03:23 PM
Địa lý Nhật Bản

Nhật Bản là một quốc gia hải đảo, có diện tích tổng cộng là 377,834 km². Đất đai của Nhật Bản là một dãy hải đảo trải theo hình vòng cung bên cạnh phía đông của lục địa Châu Á, dài 3,800 km.

Các khu vực hành chánh Nhật Bản

Khu vực hành chánh Nhật Bản được chia ra gồm 1 thủ đô, 1 đạo, 2 phủ và 43 huyện.

Nhật Bản có hơn 3,900 hòn đảo nhỏ và 4 đảo lớn là Honshu (Bản Châu 本州), hơi lớn hơn nước Anh và chiếm khoảng 60% toàn thể diện tích, Hokkaido (Bắc Hải Đạo 北海道), Kyushu (Cửu Châu 九州) và Shikoku (Tứ Quốc 四国). Trong số các hòn đảo nhỏ, đảo Okinawa (沖縄) là lớn nhất và quan trọng nhất, nằm giữa đường kéo dài từ mỏm phía cực tây của đảo Honshu tới đảo Đài Loan. Hòn đảo Okinawa này tuy thuộc về Nhật Bản nhưng trước kia do ở khá xa phần đất chính nên đã phát triển được một thứ văn hóa riêng và một số điểm khác biệt với nếp sống của bốn hòn đảo lớn.

1. Hokkaido
2. Tohoku - nằm ở vị trí phía Bắc đảo Honshu
3. Kanto - Vùng bao gồm thủ đô Tokyo và thành phố Yokohama
4. Chubu - Vùng trung bộ bao gồm thành phố lớn thứ 4 Nhật Bản Nagoya
5. Kansai - Đôi khi còn được gọi là vùng Kinki. Đây là vùng cố đô bao gồm thành phố Osaka, Kyoto, Nara và Kobe
6. Chugoku - Bao gồm những thành phố chính như Hiroshima và Shimonoseki
7. Shikoku - Là đảo nhỏ nhất trong Bốn đảo lớn nhất
8. Kyushu - Bao gồm những thành phố lớn như Fukuoka và Nagasaki
9. Okinawa - Đảo phía Nam Nhật Bản. Đôi khi được liệt vào khu vực Kyushu Okinawa

Nhật Bản là một xứ sở có phong cảnh được coi là đẹp nhất thế giới, đặc biệt nhất là ngọn núi Phú Sĩ (Fujisan) có tuyết trắng bao phủ nơi phần đỉnh núi. Núi Phú Sĩ là nguồn cảm hứng của rất nhiều văn sĩ và thi sĩ xứ Phù Tang cũng như của các văn nghệ sĩ, trong đó có các nhiếp ảnh gia và họa sĩ khắp bốn phương.

Vùng núi tự nhiên

Nhật Bản là một dãy hải đảo cô đơn, có 186 núi lửa hiện nay còn hoạt động. Mỗi năm Nhật Bản chịu vào khoảng 1000 trận động đất. Các hoạt động địa chấn này đặc biệt tập trung vào miền Quan Đông (Kanto 関東), nơi có thủ đô Tokyo và người ta cho rằng cứ 60 năm Tokyo lại gặp một trận động đất khủng khiếp. Trận động đất xẩy ra vào ngày 1 tháng 9 năm 1923, với cường độ 8,2 trên địa chấn kế Richter, đã tàn phá phần lớn hai thành phố Tokyo và Yokohama. Động đất là mối đe dọa lớn nhất đối với Nhật Bản nên chính phủ Nhật mỗi năm đã phải bỏ ra hàng tỉ Yen để tìm kiếm một hệ thống báo động sớm về động đất, và khoa học địa chấn tại Nhật Bản được coi là tiến bộ nhất trên thế giới nhưng kết quả của các nghiên cứu và các dụng cụ báo động cho tới nay chưa được coi là đáng tin cậy.

Các đảo Nhật Bản là một phần của dải núi ngầm trải dài từ Đông Nam Á tới Alaska. Nhật Bản có bờ biển dài 37.000 km, có đá lớn và nhiều vịnh nhỏ nhưng rất tốt và đẹp. Các núi lớn chiếm 71% tổng số diện tích với hơn 532 ngọn núi cao hơn 2000 mét và ngọn núi cao nhất là núi Phú Sĩ (Fujisan 富士山) cao 3776 mét. Kể từ năm 1707, núi Phú Sĩ không còn phun lửa nữa nhưng vẫn được xếp hạng cùng với 77 ngọn núi lửa đang hoạt động. Các núi lửa cũng đã cung cấp rất nhiều suối nước nóng có khoáng chất, là nơi hàng triệu người Nhật thường tới để nghỉ ngơi và chữa bệnh.

Khí hậu

Do địa thế và lãnh thổ trải dài 25 độ vĩ tuyến, khí hậu của Nhật Bản cũng phức tạp. Tại miền bắc của đảo Hokkaido, mùa hè ngắn nhất, mùa đông dài với tuyết rơi nhiều; trong khi đó, đảo Ryukyu (Lưu Cầu) có khí hậu bán nhiệt đới; và do ở gần lục địa châu Á, Nhật Bản cũng chịu các ảnh hưởng thời tiết của lục địa này. Vào mùa đông từ tháng 12 tới tháng 2, gió lạnh và khô của miền Siberia thổi về hướng Nhật Bản, đã gặp không khí ẩm và nóng của Thái Bình Dương, tạo ra các trận tuyết lớn trên các phần đất phía tây. Miền đông của Nhật Bản ít bị tuyết hơn nhưng cũng rất lạnh. Vào tháng giêng, thành phố Tokyo lạnh hơn thành phố Reykjavik của Iceland nhưng tuyết rơi ít hơn.

Phía nam của đảo Kyushu và các đảo Nansei vào mùa đông ít lạnh hơn, đây là nơi mùa xuân tới trước tiên với hoa Anh Đào, một sự kiện rất quan trọng đối với người Nhật Bản. Vào cuối tháng 3, hoa Anh Đào bắt đầu nở trên đảo Kyushu và nở dần lên tới phía bắc của đảo Hokkaido vào tuần lễ thứ hai của tháng 5. Mùa hoa Anh Đào là mùa tốt đẹp nhất để du khách viếng thăm Nhật Bản. Sau khi hoa đã tàn là các trận mưa thất thường trước khi mùa mưa (tsuyu) đến và kéo dài trong hai tháng.

Mùa hè tại Nhật Bản bắt đầu từ tháng 6 tới tháng 8 với các luồng khí từ Thái Bình Dương thổi tới, làm cho phần lớn lãnh thổ Nhật Bản nóng và ẩm. Đầu mùa hè cũng có các trận mưa, bắt đầu từ miền nam và lâu vài tuần lễ rồi chuyển dần lên mạn bắc. Độ nóng của mùa hè cao nhất vào tháng 8 với thời tiết ngột ngạt, rất khó chịu, khiến cho nhiều người trốn sức nóng mà chạy lên miền núi mát mẻ hơn. Vào cuối mùa hè, Nhật Bản gặp khoảng 3 tới 4 trận cuồng phong lớn vào tháng 9 và các trận nhỏ vào tháng 8. Tại miền nam và tại miền bờ biển Thái Bình Dương, nhiều trận gió mạnh làm đổ nhà cửa, lật úp tầu thuyền. Nhật Bản còn chịu ảnh hưởng của gió mùa, chịu các trận sóng thần (tsunami) do các vụ động đất ngầm dưới đáy biển. Tới tháng 10 và tháng 11, thời tiết trở nên dịu đi, lá cây bắt đầu đổi màu, đây cũng là thời gian tốt đẹp cho khách du lịch.

Mùa hè và mùa đông tại Nhật Bản là hai thái cực trong khi mùa xuân và mùa thu có thời tiết tương đối dịu hơn, với ít mưa và các ngày quang đãng. Thủ đô Tokyo của Nhật Bản nằm trên cùng vĩ độ với các thành phố Athens của Hy Lạp, Teheran của Iran và Los Angeles của Hoa Kỳ. Vào mùa đông tại Tokyo, trời lạnh vừa với độ ẩm thấp và đôi khi có tuyết, trái với mùa hè có nhiệt độ và độ ẩm cao.

BioShock
11-11-2005, 03:24 PM
Động vật, thực vật và tài nguyên

Các hải đảo Nhật Bản trải dài 25 vĩ độ vì thế đất nước này có nhiều loại thực vật và động vật. Tại nhóm hải đảo Ryukyu và Ogasawara ở về phía nam, thời tiết thuộc loại bán nhiệt đới nên động vật và thực vật giống như của bán đảo Mã Lai; trong khi tại phần đất chính của Nhật Bản hay tại các đảo Honshu, Kyushu và Shikoku, thời tiết giống như Trung Hoa và Triều Tiên; còn miền trung và miền bắc của đảo Hokkaido có khí hậu gần cực, rất lạnh nên có nhiều rừng thông loại lá lớn.

Thực vật và động vật tại Nhật Bản qua nhiều thế kỷ đã bị ảnh hưởng do sự du nhập từ các quốc gia khác. Trong thời kỳ Minh Trị (Meiji 明治, 1858-1912), đã có từ 200 tới 500 loại cây được đưa vào Nhật Bản, phần lớn từ châu Âu rồi về sau này từ Hoa Kỳ. Ngày nay do nạn phá rừng và mở mang các thành phố, rừng cây của Nhật Bản đã bị ảnh hưởng xấu, thêm vào là sự ô nhiễm và các trận mưa axít.

Nhật Bản vào thời cổ xưa đã được nối với châu Á nhờ thế đã có các thú vật di cư từ Triều Tiên và Trung Hoa qua. Nhật Bản có các loại thú đặc biệt, chẳng hạn như loài gấu nâu (higuma 羆) của đảo Hokkaido cao tới 2 mét và nặng 400 kilôgam và loài gấu nâu châu Á (tsukinowaguma ツキノワグマ) nhỏ hơn, cao tới 1,4 mét và nặng 200 kilôgam. Một giống thú đặc biệt khác là loài khỉ cỡ trung bình, cao khoảng 60 phân và có đuôi ngắn, thường thấy trên các đảo Honshu, Shikoku và Kyushu.

Nhật Bản là quốc gia có rất ít tài nguyên thiên nhiên. Trên các đảo Hokkaido và Kyushu có các mỏ than và kỹ nghệ khai mỏ lên tới cực điểm vào năm 1941, ngày nay hầu như các hầm mỏ này không hoạt động. Tất cả khoáng sản khác, kể cả dầu thô, đều phải nhập cảng từ nước ngoài.

Tại Nhật Bản, cây rừng cũng là một nguồn tài nguyên. Gỗ được dùng cho kỹ nghệ xây nhà và làm giấy nhưng việc sản xuất nội địa đã giảm hẳn vì Nhật Bản ưa nhập cảng loại gỗ rẻ tiền hơn từ các quốc gia nhiệt đới thuộc vùng Đông Nam Á.

Một tài nguyên khác của Nhật Bản là cá biển. Nhật Bản có các hạm đội tầu đánh cá rất lớn, hoạt động trong các hải phận quốc tế. Nhật Bản cũng khai thác mạnh ngành du lịch với các khách sạn, các sân golf và loại kỹ nghệ này càng bành trướng, lại càng làm ô nhiễm môi trường sống trong khi người dân Nhật vẫn quý trọng thiên nhiên. Do sự phát triển đô thị, do các loại kĩ nghệ và việc bành trướng du lịch, môi trường sống của một số sinh vật đã bị ảnh hưởng xấu. Loại hạc (tancho タンチョウ) rất đẹp của hòn đảo Hokkaido đã từng làm đề tài cho các bức danh họa nhiều thế kỷ trước, nay đã bị tuyệt chủng. Sự ô nhiễm các giòng sông đã làm chết đi các loại cá chép và cá hồi. Loại gấu màu nâu cũng biến đi dần. Loại khỉ macaca chỉ còn thấy tại khu vực Nagano. Các khu giải trí dưới mặt nước cũng làm hư hỏng các vùng biển san hô thiên nhiên.

Để bảo vệ môi trường thiên nhiên, Nhật Bản có 28 công viên quốc gia (kokuritsu koen 国立公園) và 55 công viên bán công (kokutei koen 国定公園) với công viên Iriomote tại phía cực nam và công viên Sarobetsu ở mỏm cực bắc của hòn đảo Hokkaido. Các công viên quốc gia được quản trị trực tiếp và các công viên bán công được cai quản gián tiếp bởi Cơ quan Môi trường thuộc Văn phòng Thủ tướng.

Miền phía bắc đảo Honshu và đảo Hokkaido là hai nơi thưa dân, nên có nhiều công viên quốc gia lớn trong khi công viên lớn nhất là Công viên Quốc gia Nội Hải (Seto Naikai Kokuritsu Koen 瀬戸内海国立公園) trải dài 400 kilômét từ đông sang tây, nơi rộng nhất 70 kilômét và bao gồm hơn 1000 đảo nhỏ.

BioShock
11-11-2005, 03:27 PM
Văn hoá Nhật Bản

Cho đến nay người ta vẫn chưa chắc chắn về xuất xứ và thời gian xuất hiện của những cư dân đầu tiên trên quần đảo Nhật Bản. Tuy nhiên, hầu hết các học giả đều cho rằng người Nhật đã có mặt tại quần đảo từ xa xưa và định cư liên tục từ đó cho đến thời nay. Những phát hiện trong nghiên cứu cổ vật, xương... đã củng cố thêm sự nghi ngờ đối với thuyết trước kia cho rằng người Nhật là con cháu của những người xâm chiếm đến sau "thổ dân" Ainu và đã đẩy bộ tộc này ra khỏi quần đảo. Ngày nay, người ta tin rằng tổ tiên của người Nhật là những người đã làm nên đồ gốm mang tên Jomon. Những người này được biết là đã có mặt trên quần đảo ít nhất từ năm 5000 TCN, sau đó theo thời gian, pha trộn với các giống người khác, phát triển qua lịch sử thành dân tộc Nhật Bản ngày nay.

Ngôn ngữ và phong tục của người Nhật gồm những thành tố văn hoá của cả phương Bắc lẫn phương Nam. Dưới góc độ sử dụng và cú pháp, rõ ràng tiếng Nhật thuộc hệ ngôn ngữ Altai của các dân tộc phía Bắc lục địa châu Á, song trong từ vựng lại có nhiều từ gốc từ phía Nam. Trong các tập quán và tín ngưỡng, ta thấy các lễ nghi gắn với văn hóa lúa nước vốn có nguồn gốc ở phía Nam; còn huyền thoại lập nước bởi vị thần - ông tổ của nòi giống - từ thiên đường xuống hạ giới thì có nguồn gốc ở phía Bắc. Vì vậy, người ta cho rằng dân cư ở đây có xuất xứ từ cả phương Bắc lẫn phương Nam, đến quần đảo Nhật Bản từ thời tiền sử và qua một quá trình hoà trộn các chủng tộc dần dần tạo ra dân tộc Nhật Bản.


Chính trị Nhật Bản

Hiến Pháp của nước Nhật Bản được công bố vào ngày 3 tháng 11 năm 1946 và có hiệu lực kể từ ngày 3 tháng 5 năm 1947, quy định rằng nhân dân Nhật Bản thề nguyện trung thành với các lý tưởng hòa bình và trật tự dân chủ. Bản Hiến Pháp này khác hẳn với bản Hiến Pháp Minh Trị năm 1889 ở các điểm sau:
* Nhật Hoàng chỉ là biểu tượng của Quốc Gia (symbol of the State) và của sự đoàn kết nhân dân. Quyền hành của đất nước thuộc về người dân.
* Nhật Bản từ bỏ chiến tranh và mọi đe dọa, hay cách dùng võ lực để giải quyết các tranh chấp với các nước khác.
* Nhân quyền căn bản được bảo đảm là vĩnh cửu và không thể bị xâm phạm.
* Hội Đồng Quý Tộc (the House of Peers) trước kia được thay thế bằng Thượng Viện (the House of Councillors) và Hạ Viện (the House of Representatives) với các nghị viên được bầu ra và là các đại biểu của nhân dân. Hạ Viện có quyền hơn Thượng Viện.
* Quyền Hành Pháp được giao cho Nội Các chịu trách nhiệm tập thể trước Quốc Hội.
* Chính quyền tự trị địa phương được thiết lập trên một căn bản rộng rãi.
* Nhật Hoàng không có quyền lực đối với chính quyền, làm việc theo các quy định bởi Hiến Pháp chẳng hạn như chấp thuận Thủ Tướng và Chánh Án Tối Cao Pháp Viện, công bố các đạo luật và hiệp ước, triệu tập Quốc Hội và ban thưởng, tất cả việc làm của Nhật Hoàng đều có sự cố vấn và đồng ý của Nội Các.

Hoàng Gia Nhật Bản

Hoàng Đế của Nhật Bản hiện nay là Nhật Hoàng Akihito, sinh ngày 23 tháng 12 năm 1933 tại Tokyo, là con trai trưởng của Nhật Hoàng Hirohito và Hoàng Hậu Nagako, đã lên ngôi ngày 7 tháng 1 năm 1989 khi Nhật Hoàng Hirohito băng hà. Khi còn là Hoàng Thái Tử, Nhật Hoàng Akihito đã theo học trường tiểu học và trung học Gakushuin cho tới năm 1952, rồi trường đại học Gakushuin cho tới năm 1956. Vào tháng 4 năm 1956, Thái Tử Akihito cưới cô Shoda Michiko, trưởng nữ của một nguyên tổng giám đốc của đại công ty sản xuất bột thực phẩm. Cố Nhật Hoàng Hirohito sinh tại Tokyo ngày 29 tháng 4 năm 1901, là Nhật Hoàng trị vì lâu dài nhất, 62 năm và cũng sống lâu nhất, 87 tuổi, trong lịch sử của nước Nhật.

Nhật Hoàng Akihito và Hoàng Hậu Michiko có 3 người con, Thái Tử Naruhito sinh ngày 23 tháng 2 năm 1960, đã tốt nghiệp Phân Khoa Lịch Sử của Đại Học Gakushuin vào tháng 3 năm 1982. Tháng 6 năm 1983, Thái Tử tới nước Anh theo học Đại Học Oxford và vào tháng 4 năm 1993 đã chính thức hứa hôn với cô Masako, trưởng nữ của ông Owada Hisashi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Cơ quan lập pháp

Quốc Hội Nhật Bản (the National Diet 国会 – Kokkai) là cơ quan lập pháp cao cấp nhất, gồm có Hạ Viện (衆議院 – syugi-in) với 512 ghế và Thượng Viện (参議院 – sangi-in) với 252 ghế. Dân biểu Hạ Viện có nhiệm kỳ 4 năm nhưng hạn kỳ này có thể bị chấm dứt nếu Quốc Hội bị giải tán. Hạ Viện được bầu ra từ 130 đơn vị bầu cử với số nghị viên từ 2 tới 6 vị tùy theo dân số. Nhiệm kỳ của Thượng Viện là 6 năm, mỗi 3 năm được bầu lại một nửa. 100 Thượng Nghị Sĩ được bầu theo sự đại diện tỉ lệ (proportional representation) tức là do các cử tri toàn quốc, số còn lại 152 ghế được bầu từ 47 đơn vị bầu cử tỉnh. Hạ Viện có quyền bỏ phiếu tín nhiệm hay bất tín nhiệm Nội Các, đây là một quyền lực chính trị quan trọng nhất của nền chính trị đại nghị. Các công dân Nhật Bản trên 25 tuổi đều có quyền ứng cử Dân Biểu và trên 30 tuổi có thể tranh cử ghế Thượng Viện. Việc phổ thông đầu phiếu là của mỗi người dân nam nữ trên 20 tuổi.

BioShock
11-11-2005, 03:29 PM
Các đảng phái chính trị

Nhật Bản là quốc gia có đa đảng. Những đảng phái chính trị lớn gồm có:

* Đảng Tự do Dân chủ (LDP 自由民主党)
* Đảng Dân chủ (JDP 民主党)
* Đảng Komei (NKP 公明党)
* Đảng Xã hội Dân chủ (JSP 社会民主党)
* Đảng Cộng sản (JCP 日本共産党)

Các cơ quan Hành Pháp và Tư Pháp

Quyền hành pháp được giao cho Nội Các, gồm Thủ Tướng và hơn 20 Bộ Trưởng, tất cả chịu trách nhiệm tập thể trước Quốc Hội. Thủ Tướng phải là một nghị viên của Quốc Hội và được Quốc Hội bổ nhiệm, có quyền chỉ định và bãi nhiệm các bộ trưởng, các vị sau này phải là dân sự và phần lớn là nghị viên Quốc Hội.

Vào tháng 3 năm 1992, Nhật Bản có 12 bộ và 32 cơ quan (agency) với Văn Phòng Thủ Tướng, 1,17 triệu công chức kể cả 240 ngàn nhân viên thuộc Lực Lượng Tự Vệ (自衛隊). Ngoài ra còn có Hội Đồng Kiểm Soát (the Board of Audit) chịu trách nhiệm thanh tra các trương mục quốc gia.

Nhật Bản được chia làm 47 tỉnh (prefecture). Vào tháng 4 năm 1990, các chính quyền địa phương gồm 3,23 triệu công chức trong đó có 1 triệu giáo chức và 221 ngàn nhân viên cảnh sát. Cơ quan Tư Pháp gồm Tối Cao Pháp Viện, 8 tòa án cao cấp và các tòa án địa phương, tòa án gia đình (family court). Tối Cao Pháp Viện gồm Chánh Án được Nhật Hoàng bổ nhiệm và 14 vị Thẩm Phán chọn do Nội Các. Tất cả các vụ án đều được xét xử công khai, nhất là các vụ vi phạm chính trị, báo chí và nhân quyền.

Kinh tế

Nhật Bản là nước rất nghèo nàn về tài nguyên trong khi dân số quá đông, phần lớn nguyên nhiên liệu phải nhập khẩu, kinh tế bị tàn phá kiệt quệ trong chiến tranh, nhưng với các chính sách phù hợp, kinh tế Nhật Bản đã nhanh chóng phục hồi (1945-1954) phát triển cao độ (1955-1973). Từ 1974 đến nay tốc độ phát triển tuy chậm lại song Nhật Bản tiếp tục là một nước có tiềm năng lớn thứ hai trên thế giới về kinh tế, khoa học kĩ thuật và tài chính.

Nhật Bản đang xúc tiến 6 chương trình cải cách lớn trong đó có cải cách cơ cấu kinh tế, giảm thâm hụt ngân sách, cải cách khu vực tài chính và sắp xếp lại cơ cấu chính phủ... Cải cách hành chính của Nhật được thực hiện từ tháng 1 năm 2001. Dù diễn ra chậm chạp nhưng cải cách đang đi dần vào quỹ đạo, trở thành xu thế không thể đảo ngược ở Nhật Bản và gần đây đã đem lại kết quả đáng khích lệ, nền kinh tế Nhật đã phục hồi và có bước tăng trưởng năm 2003 đạt trên 3%, quý I/2004 đạt 6%.

Quốc phòng

Hiện nay lực lượng tự vệ (quân đội) Nhật Bản có 18 vạn người, trong đó lực lượng Hải quân mạnh nhất. Với ngân sách 50 tỉ USD/năm (kể cả chi phí cho quân đội Mỹ ở Nhật Bản), chi phí quân sự của Nhật Bản đứng hàng thứ 3 sau Mỹ và Nga. Từ năm tài khoá 2002, ngân sách quốc phòng Nhật đã vượt con số 1% GDP, vươn lên hàng thứ 2 trên thế giới.

Hướng phát triển quân đội Nhật Bản chủ yếu tập trung vào giảm quân số nhưng tăng chất lượng, trang thiết bị, tăng khả năng cơ động, mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng phòng vệ Nhật Bản, tăng cường hợp tác với Mỹ, đồng thời đẩy nhanh các biện pháp củng cố an ninh, phòng ngừa, công khai về quốc phòng qua các hoạt động, diễn đàn chung về an ninh, giải trừ quân bị; trao đổi quân sự với các nước trong ngoài khu vực.

Nhân sự kiện 11/9, Chính phủ và Quốc hội Nhật đã thông qua 3 luật chống khủng bố gồm: Luật đặc biệt chống khủng bố, Luật sửa đổi Lực lượng phòng vệ và Luật sửa đổi Cục bảo an trên biển, cho phép Nhật lần đầu tiên sau thế chiến thứ hai được phép cử quân đội ra nước ngoài, hợp tác với Mỹ chống khủng bố. Nhật Bản đã đưa 600 binh sĩ sang Iraq thực hiện các hoạt động nhân đạo. Đây là bước chuyển mới trong chính sách quốc phòng của Nhật, từng bước tăng cường và mở rộng phạm vi hoạt động của Lực lượng phòng vệ.

Đồng thời, tháng 5 năm 2003, Quốc hội Nhật Bản thông qua bộ luật hữu sự (gồm 3 luật liên quan quốc phòng) với nội dung sửa đổi, mở rộng chức năng và hoạt động của Lực lượng phòng vệ và tăng quyền chỉ huy của Thủ tướng, Bộ luật này đã thay đổi cơ bản chính sách quốc phòng của Nhật, là bước tiến mới theo hướng giải thích lại Hiến pháp và cho phép Nhật phòng thủ tập thể, nằm trong tổng thể đường lối từng bước biến Nhật trở thành quốc gia bình thường có quân đội.

Chính sách đối ngoại

Từ sau chiến tranh lạnh, Nhật Bản bước vào thời điểm bước ngoặt điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng tăng cường tính độc lập, chủ động và tích cực hơn nhằm vươn lên thành cường quốc chính trị tương xứng với sức mạnh kinh tế, phát huy vai trò, và ảnh hưởng trên thế giới và Châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, chính sách đối ngoại được triển khai theo 5 hướng cơ bản là:

* Giải quyết hòa bình các cuộc xung đột khu vực.
* Giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
* Duy trì phát triển kinh tế thế giới.
* Hợp tác với các nước đang phát triển và các nước đang trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế.
* Giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Mặc dù vẫn lấy quan hệ Nhật-Mỹ làm nền tảng chính sách đối ngoại, song gần đây Nhật Bản tăng cường chiến lược "Trở lại Châu Á", phát huy vai trò người đại diện cho Châu Á trong khối G8, lấy Châu Á làm bàn đạp để từng bước đưa Nhật Bản trở thành cường quốc về chính trị; thúc đẩy cải cách Liên Hiệp Quốc, thực hiện mục tiêu trở thành thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua các đề nghị, các đóng góp cụ thể trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế và các vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên còn một số hạn chế cơ bản: nội bộ chưa thống nhất, còn nhiều tranh cãi; hạn chế về hiến pháp và các luật lệ trong nước; bị kiềm chế bởi các cường quốc khác. Chính quyền mới của Koizumi đang thăm dò khả năng sửa đổi Hiến pháp, cho phép Nhật có quân đội và quyền tự vệ tập thể. Tuy nhiên điều này sẽ gây phản ứng mạnh từ các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc...

Nhìn toàn cục, ở chừng mực nhất định, vai trò quốc tế của Nhật Bản đã được cải thiện hơn; vị thế của Nhật Bản đã được coi trọng hơn trong một số vấn đề quốc tế và khu vực như WTO, Liên minh Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), ARF, ASEM, UNHCR, G8, ủy ban sông Mê Kông, ADB, PKO... Dư luận chung tỏ đồng tình với việc Nhật Bản cần có vai trò to lớn hơn, đặc biệt trong những vấn đề kinh tế và các vấn đề toàn cầu vì Nhật Bản có ưu thế về tài chính.

BioShock
11-11-2005, 03:33 PM
Các thông tin khác

Ngôn ngữ chính thức : Tiếng Nhật
Quốc ca : Kimi_Ga_Yo
Thủ đô : Tokyo (Đông Kinh)
Toạ độ thủ đô : 35°40' bắc; 139°44' đông
Nhật Hoàng : Akihito

(nguyên thủ quốc gia)

Thủ tướng Jun-ichiro Koizumi (小泉 純一郎)

Diện tích : 377 835 km²

Dân số : 127 333 002 người
Mật độ dân số: 335 người/km²

Đơn vị tiền tệ : Yên (JPY, ¥)

Hạc Nhật Bản

Tên khoa học là Grus japonensis. Loại hạc (tancho タンチョウ) rất đẹp này của hòn đảo Hokkaido đã từng làm đề tài cho các bức danh họa nhiều thế kỷ trước, nay đã bị tuyệt chủng.

Hoa Anh Đào (SAKURA 桜)
Tên khoa học là Prunus. Nhật Bản có mĩ danh là xứ sở Hoa Anh Đào, vì người Nhật rất thích nên trồng cây hoa Anh Đào khắp nước

the end ...

Taichi
11-11-2005, 07:21 PM
trước kia taichi có 1 thắc mắc:Nhật Bản là 1 đất nước phần lớn là đó vôi,tàa nguyên ko có.Thế sao mà đất nước họ có những cảnh đẹp thế?có thể nói Nhật Bản là đất nước của thiên nhiên,right?

MyDyingDoom
11-11-2005, 11:07 PM
Họ hiếm về khoáng sản, chứ thiên nhiên thì đâu có nghèo nàn gì? Thậm chí là rất phong phú, vì hoạt động núi lửa, động đất xảy ra rất thường xuyên, làm cho tự nhiên biến đổi liên tục. Vả lại, thiên nhiên nước nào cũng có cái đẹp cả thôi, vấn đề là có biết cách giữ hay không. Nếu nói đến thuận lợi về khí hậu và cảnh quan thì Địa Trung Hải là nhất, nhưng Nhật vẫn giữ được nét đẹp rất riêng của mình, đó là do họ có ý thức về những gì mình sở hữu.

Cám ơn Impure nhé. Nhiều thông tin quá. :D

Cái bọn Nhật... T________T Đã lắm đảng phái thế rồi, mà trong bộ luật lại ko cấm lập băng đảng, giáo phái... Nhờ thế mà có Yakuza! :D

Werewolf
12-11-2005, 03:50 AM
Nhức đầu quá, muốn nghiên cứu Nhật Bản mà gặp cái đống này... đã quá!
Thanx, tui có thói quen in thành giấy, cứ vào trường là moi ra đọc, cái gì cũng được...đang gặm dần đây ^__________^

BioShock
12-11-2005, 07:30 PM
Qủa thật Nhật Bản có nhiều thứ rất đáng học hỏi ^^ !
Về cách sống, về con người, tuy nhiên Nhật Bản hiện nay đang lâm vào tình trạng thiếu người, thiếu nhà ở nữa. Do nạn chặt cây và săn bắn cá voi quá nhìu, Nhật Bản đang thiếu hụt tài nguyên ne !!!

osmir
14-11-2005, 12:21 AM
MÌnh có xem trên mạng người ta nói ở núi Phú Sĩ hiện tại rác rến rất nhìu và cả những "vết tích" khi người ta "mắc" quá k chịu nổi nữa nên để lại dấu ấn ngay tại đó(xin lỗi vì mình dùng từ phô quá nhưng sự thật là vậy:cry: ). Du khách đến tham quan đã hoàn toàn làm mất đi vẻ mỹ quan vốn có của ngọn núi đẹp đẽ nì. Người ta nói từ xa ta sẽ trông thấy một vệt dài trên sườn núi, đó k phải là hình thù đẹp đẽ của ngọn núi, mà chính là những "món quà" của du khách tham quan "gửi tặng". Con người càng ngày thật càng vô ý thức khi bảo vệ môi trường. Cả Fujisan mà còn k tha nữa...hix...x:gem42:

moon_kaka
04-12-2005, 01:46 AM
credit wiki nhé :D Impure ui ^^ thax 4 posting ^^ bạn nên edit thêm hình vô nữa. hic, nhìn toàn text đau đầu lắm ^^