PDA

View Full Version : Giới thiệu một số đạo diễn tiêu biểu Nhật Bản



HH
01-05-2010, 01:09 PM
Bất kỳ ai có quan tâm đến điện ảnh cũng cần quan tâm đến những người quan trọng nhất đằng sau bất kỳ một bộ phim nào - người đạo diễn (và có thể kiêm luôn phần kịch bản). Nếu diễn viên của phim là bề nổi, thì đạo diễn là những nghệ sĩ sáng tạo bậc nhất. Họ, chính là những người tạo ra cái cốt lõi của nghệ thuật thứ bảy. Thế nhưng họ không bao giờ là những "minh tinh" như diễn viên cả - đơn giản vì họ ở đằng sau hậu trường, và chuyển tải nghệ thuật của mình qua các diễn viên. Họ (đa phần) không hào nhoáng, không xuất hiện trước công chúng với tư cách của "những người nổi tiếng". Và vì vậy, dù bạn là người yêu nghệ thuật hay chỉ xem phim để "giải trí" thì hi vọng mọi người sẽ bỏ ra một chút thời gian quý báu để đọc những phần giới thiệu của mình về các đạo diễn sắp tới, vì đã ăn mì ngon thì cũng nên biết ai là đầu bếp, chứ chả lẽ chỉ để ý đến cô bưng mì xinh đẹp ;))

Dự tính sẽ dịch bài về các đạo diễn: Kurosawa Akira, Ozu Yasujiro, Mizoguchi Kenji, Naruse Mikio, Koreeda Hirokazu. Nếu có bạn nào muốn JPN có thêm bài về một đạo diễn mà bạn yêu thích, hãy PM cho HH. Nếu thời gian cho phép và có đủ tư liệu, mình sẽ dịch bài về đạo diễn đó :)

(Lẽ ra xét theo tuổi tác và thứ bậc thì mình phải post những vị như Kurosawa, Ozu, Naruse trước, nhưng vì hồi lập ra topic này chỉ mới có dự định dịch về Koreeda nên bài về các vị kia hiện ra sau, mong các bạn thứ lỗi :)

Các đạo diễn có trong topic:

1. Ozu Yasujiro #4 (http://japanest.com/forum/showthread.php/27415-Gioi-thieu-mot-so-dao-dien-tieu-bieu-Nhat-Ban?p=371378&viewfull=1#post371378)
2. Koreeda Hirokazu: #2 (http://japanest.com/forum/showthread.php/27415-Gioi-thieu-mot-so-dao-dien-tieu-bieu-Nhat-Ban?p=342398&viewfull=1#post342398), 3 (http://japanest.com/forum/showthread.php/27415-Gioi-thieu-mot-so-dao-dien-tieu-bieu-Nhat-Ban?p=342682&viewfull=1#post342682)

HH
02-05-2010, 02:18 AM
Đôi nét về Koreeda Hirokazu

http://img32.imageshack.us/img32/6662/koreeda.jpg


Koreeda Hirokazu (是枝 裕和) sinh năm 1962 ở Tokyo. Ban đầu anh muốn làm một nhà văn, nhưng sau khi tốt nghiệp đại học Waseda, anh đã làm trợ lý cho TV Man Union với những dự án phim tài liệu. Anh đã tự đạo diễn phim tài liệu truyền hình đầu của mình năm 1991, "Lessons from a Calf" (1991), tạm dịch "Bài học từ chú bê con".

Những phim với vai trò đạo diễn



Maboroshi (Maboroshi no Hikari) (1995)
After Life (http://japanest.com/forum/showthread.php/30330) (Wandafuru Raifu) (1998)
Distance (2001)
Nobody Knows (http://japanest.com/forum/showthread.php?t=24543) (Daremo Shiranai) (2004)
Hana (http://japanest.com/forum/showthread.php?t=25895) (Hana yorimo Naho) (2006)
Still Walking (http://japanest.com/forum/showthread.php?27412)(Aruitemo Aruitemo) (2008)
Daijōbu dearu Yō ni: Cocco Owaranai Tabi (2008)
Air Doll (http://japanest.com/forum/showthread.php?t=27470)(Kūki Ningyō) (2009)
Kiseki (http://japanest.com/forum/showthread.php/39581)
Going my home (http://japanest.com/forum/showthread.php/71296) (phim truyền hình)

Giải thưởng

Giải thưởng cho vai trò đạo diễn

Asian Film Award - cho Aruitemo Aruitemo
Blue Ribbon Award - cho Aruitemo Aruitemo và Dare mo shiranai
Chlotrudis Awards - cho Aruitemo Aruitemo
Venice Film Festival - giải Golden Osella cho Maboroshi Hikari

Giải thưởng cho phim xuất sắc

Blue Ribbon Award - cho Aruitemo Aruitemo
Buenos Aires International Festival of Independent Cinema - cho Wandafuru Raifu
Ghent International Film Festival - cho Dare mo shiranai
Hochi Film Awards - cho Dare mo shiranai
Kinema Junpo Awards - cho Dare mo shiranai
Mar del Plata Film Festival - cho Aruitemo Aruitemo
Nantes Three Continents Festival - Wandafuru Raifu
San Sebastián International Film Festival - Wandafuru Raifu
Santa Fe Film Festival - Dare mo shiranai

Đề cử

LHP Cannes - đề cử Cành cọ vàng cho Dare mo shiranai và Distance.
Chicago Film Critics Association Awards - đề cử cho phim nước ngoài xuất sắc - Dare mo shiranai
Guldbagge Awards - đề cử cho phim nước ngoài xuất sắc - Dare mo shiranai
Las Vegas Film Critics Society Awards - đề cử cho phim nước ngoài xuất sắc - Wandafuru Raifu
Newport International Film Festival - Wandafuru Raifu
San Sebastián International Film Festival - Hana yori mo naho
Torino International Festival of Young Cinema - Wandafuru Raifu
Valladolid International Film Festival - Dare mo shiranai
Vancouver International Film Festival - Maboroshi no hikari
LHP Venice - đề cử giải Sư tử vàng cho Maboroshi no hikari

Nguồn: IMDB

Nguyện vọng là sẽ sub hết các phim của bác :">

Bài post tiếp theo sẽ là bài tổng quát về style làm phim của Koreeda và một bài phỏng vấn ngắn của bác :)


Koreeda Hirokazu - cái nhìn khái quát

Nguồn: Bright Lights Film Journal (http://www.brightlightsfilm.com/47/koreeda.php)
Dịch: HH @ JPN


http://img714.imageshack.us/img714/9884/kore1.jpg

Với những hình ảnh gây tác động mạnh, đầy cảm xúc, và sự chăm chút tuyệt đối cho các chi tiết nhỏ - không cần biết chúng bình thường như thế nào - những bộ phim của đạo diễn Koreeda Hirokazu có lẽ sẽ phù hợp khi được ví với những vần thơ của điện ảnh. Koreeda từng nói, "Tôi rất hứng thú với những cảm xúc sinh ra từ sự đan xen của cái gọi là đời thực, và tính giả tưởng của phim". Đúng thế, chính sự pha trộn nhuần nhuyễn giữa sự quen thuộc đầy quyến rũ của những thước phim tài liệu và vẻ đẹp chính thống của phim giả tưởng là điểm sáng nổi bật nhất của những bộ phim của anh.

Vào LHP Quốc tế Thessaloniki (Hy Lạp) năm 2004, khán giả đã được thưởng ngoạn bốn phim của Koreeda cho tới thời điểm đó. Được chiếu liên tục với nhau, những bộ phim này cho thấy tính nhân văn khó bì trong thế giới điện ảnh ngày hôm nay.

Koreeda sinh ra ở Tokyo năm 1962, ban đầu anh muốn làm nhà văn. Anh theo khoa Văn ở đại học Waseda, nhưng sau khi ra trường lại thay đổi ý định và theo đuổi phim ảnh. Anh bắt đầu sự nghiệp làm phim vào cuối thập niên 80, với vai trò trợ lý đạo diễn cho TV Man Union, một công ty làm phim độc lập của Nhật. Sau đó anh đã thực hiện 8 bộ phim tài liệu ngắn cho đài truyền hình về những người ở bên lề xã hội. Năm 1995, phim điện ảnh đầu tay của anh - Maboroshi no hikari - đã đem lại cho anh giải thưởng Oselle d'Oro tại LHP Venice. Sau một thập kỷ, với thêm ba phim nữa, Koreeda là một trong những đạo diễn tầm cỡ nhất thế hệ của mình.

Maboroshi no hikari, mang nhiều chất nhạc và đẹp đẽ một cách lạ lùng, kể về một phụ nữ cố gắng thấu hiểu những sự phức tạp đằng sau vụ tự tử của người bạn thời thơ ấu, cũng là chồng của cô, Ikuo (Asano Tadanobu thủ vai). Tuy rất đau khổ, Yumiko tiếp tục có can đảm để sống nhờ đứa con trai còn nhỏ Yuichi. Đã năm năm trôi qua, Yumiko và con trai cô rời Osaka để đến làng chài đánh cá nhỏ ở Noto. Một người làm mai giới thiệu cô với người chồng mới - Tamio (Naito Takashi), một người góa vợ có đứa con gái nhỏ. Tổ ấm mới này ở vùng biển chân chất với những sự thay đổi qua nhiều mùa khác nhau trở thành những ẩn dụ đi đôi với thay đổi tâm lý rối ren của Yumiko.


http://img87.imageshack.us/img87/1269/maborosi.jpg

Phim được quay với ánh sáng tự nhiên hoàn toàn và hầu như không có cảnh quay cận mặt nào, chứa đựng hình ảnh của cuộc sống đời thường - cảnh chiếc quạt máy chạy trong ngày hè nóng bức, cảnh cả nhà ngồi ăn dưa hấu với nhau ở ngoài thềm, trẻ con chạy chơi trên cánh đồng, cánh cửa, chiếc xe đạp, căn phòng trống không. Máy quay phim không đi theo các nhân vật mà theo dõi họ ở một khoảng cách. Vào nhiều thời điểm, bộ phim như một chuỗi những tấm hình bất động. Koreeda cho biết tại một buổi họp báo phim, "Ánh sáng và những cảnh quay được thực hiện để lột tả mảnh đất tâm hồn của Yumiko".

Phim kết thúc khi Yumiko đi dự đám tang. Cảnh quay kéo dài với hình ảnh Yumiko cô đơn và nhỏ bé trở thành đỉnh điểm của hình bóng cô đơn, ngoài kia mặt trời đã lặn và biển rộng mênh mông. Cô khóc với Tamio, "Em thật sự không hiểu. Mọi thứ cứ quay mòng mòng trong đầu em". Và chồng cô cho cô một câu trả lời hoàn toàn không đưa cô đến gần bất cứ câu trả lời nào. Maboroshi nhắc cho ta nhớ rằng đôi khi những sự kiện bí ẩn trong cuộc sống và những sự thay đổi định mệnh đơn giản là không có câu trả lời.

Với After Life (Wandafuru Raifu, 1998), Koreeda tiếp tục đi tìm mối liên hệ phức tạp giữa ký ức, sự mất mát, hối hận, và sự thật. Vừa hài hước mà sâu sắc thấm thía, After Life đi tìm sự thay đổi của các linh hồn khi con người qua đời. Lấy bối cảnh là một tòa nhà ảm đạm trông như sở xã hội, những người vừa qua đời này đến trạm dừng này và buộc phải chọn một ký ức nhất định mà họ sẽ đem theo sang cuộc đời phía bên kia. Những ai không chọn được sẽ phải ở lại cho đến khi nào họ chọn được mới được đi tiếp. Ký ức duy nhất này sẽ được các "nhân viên" ở đây diễn lại, và sẽ là cầu nối duy nhất của họ với quá khứ.


http://img714.imageshack.us/img714/1761/after20life201sh.jpg

Bề nổi, phim theo chiều hướng của phim tài liệu với những hình ảnh bình thường (không hề hoa mỹ), hầu hết quay với máy quay phim cầm tay, và với những diễn viên cả chuyên nghiệp lẫn không chuyện nghiệp, After Life mang một không khí khẩn trương đến không ngờ. Khi những nhân vật cố gắng lựa ra một ký ức nhất định - một bà lão nhớ lại mùa xuân hoa đào nở, một phi công nhớ lại cảm giác hạnh phúc khi bay qua những đám mây - chúng ta bỗng bị cuốn vào sự suy ngẫm về giá trị và ý nghĩa của cuộc sống. Koreeda cho biết, "Không phải những thứ gì quý báu nhất với chúng ta đều hiện hữu bên trong ta. Khi ta thấy chính ta là một điều quý báu đối với người khác, thì cách ta quý trọng cuộc sống sẽ thay đổi hoàn toàn".

Sang phim Distance (2001), Koreeda đã thay đổi khía cạnh của vấn đề - lần này, là những người đang sống cố gắng nhớ lại những ký ức và cảm xúc của người đã chết. Phim kể về bốn người kết nối với nhau bởi một thảm kịch chung - họ đều có người thân từng là thành viên của Ark of Truth*, một giáo phái khải hoàn. Nhiều thành viên của giáo phái này, nhiều khả năng là người nhà của họ, bất mãn với xã hội và đã tẩm thuốc độc vào nguồn nước ở Tokyo, làm chết 128 người. Vào năm thứ ba sau ngày thảm kịch này xảy ra, 4 người này cùng đến khóc than cho người thân của họ tại một bờ hồ hẻo lảnh, nơi Ark of Truth được sáng lập. Họ bị kẹt tại hồ này và phải qua đêm ở đó trong một túp lều. Ở đây, họ suy ngẫm về những khoảng cách trong cảm xúc và về những hành động không thể tưởng tượng được của người thân họ trong những ngày trước khi thảm kịch xảy ra.


http://img708.imageshack.us/img708/7369/distanceposter.jpg

Những người còn sống sót tưởng niệm về người đã mất qua những ký ức đan xen vào nhau và cảnh quá khứ rời rạc cùng buổi tưởng niệm tại bờ hồ, cùng cảm giác cô lập và xa lánh, giúp họ hiểu thêm về những hành động vô lương tâm của người đã khuất. Máy quay phim cầm tay, cảnh quay kéo dài, và một chuỗi những cảnh đáng kinh ngạc nối đuôi nhau đã thể hiện sự u tối trong cảm xúc của các nhân vật, cho thấy ảnh hưởng vô cùng của quá khứ đến hiện tại.

Dựa vào một sự việc đã xảy ra ở Tokyo vào năm 1988, Dare mo shiranai (http://japanest.com/forum/showthread.php?t=24543)(Không ai biết), theo Koreeda, là "sự tổng hợp của những kinh nghiệm tôi đã có được qua ba phim đầu của mình. Pha trộn cách làm phim tài liệu và phim giả tưởng, tôi đã học cách lột tả một bức họa hoàn chỉnh hơn về cuộc sống của các nhân vật". Dare mo shiranai theo bước chân của bốn anh em bị mẹ bỏ rơi. Hai đứa bé trai và hai bé gái tuổi từ 5 đến 12 là anh em cùng cha khác mẹ với 4 người cha không biết mặt và chưa bao giờ đến trường. Mẹ của chúng (do ca sĩ nhạc pop You diễn xuất đến hoàn hảo), là một người vô tâm nhưng cũng thương con, bị cuốn vào những giấc mộng hư ảo của mình. Khi cô gặp được một người đàn ông khác và khả năng có thể lấy được chồng, cô bỏ rơi những đứa trẻ ở nhà, hứa rằng sẽ quay về vào đêm Giáng sinh.


http://img41.imageshack.us/img41/2668/daremoshiranai.jpg

Phim được quay với bối cảnh là một năm trong một căn hộ bé ở Tokyo, vẽ nên thế giới của tuổi thơ với tất cả những sự mơ mộng, sợ hãi, và căng thẳng của thế giới ấy. Những hình ảnh đáng yêu của bọn trẻ với những món đồ trẻ thơ - piano đồ chơi, giầy kêu thành tiếng, những tô mì gói, bút chì màu trên sàn - nhấn mạnh sự ngây thơ và hiền hòa của chúng. Thời gian trôi qua, bọn trẻ lạc vào những suy nghĩ riêng của cá nhân, sự nghèo khổ ngày càng lộ rõ, những đứa em bắt đầu dựa vào người anh lớn nhất Akira như sự thay thế cho một người trưởng thành.

Koreeda cho biết, "Tôi không muốn bộ phim có cảm giác đau buồn. Tôi không có ý định chỉ kể về một câu chuyện buồn. Có thể buồn đấy, nhưng những đứa trẻ cũng lớn lên và tạo ra một thế giới phong phú của riêng chúng. Dĩ nhiên điều này không có nghĩa là chúng không yếu đuối và dễ bị tổn thương". Sự quan sát tinh tế của anh - được rèn luyện trong thời gian anh làm phim tài liệu - và sự bình tĩnh của bọn trẻ khiến Dare mo shiranai không rơi vào tình trạng ủy mị. Theo đó, Yagira Yuya, người vào vai cậu bé Akira 12 tuổi, đã thắng giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất ở LHP Quốc tế Cannes.

Câu trả lời cuối của Koreeda trong bài phỏng vấn này sẽ giúp giải thích tính mãnh liệt và vang dội của tác phẩm của ông, "Tôi không có ý định tạo ra người hùng, siêu nhân, hay người xấu. Đơn giản, con người ta là như thế nào, thì tôi muốn quan sát họ với bản chất ấy".

*Dựa theo một giáo phái có thật, Aum Shinrikyo (http://en.wikipedia.org/wiki/Aum_Supreme_Truth)

Lưu ý: có thể post bài viết ở nơi khác nhưng chỉ yêu cầu credit người dịch và dẫn link về Japanest. Không credit và không dẫn link có nghĩa là tự nhận bài viết đó của mình (tiếng Việt dịch ra là "ăn cướp"), mà như vậy thì sẽ gặp quả báo đó o,,o Nói trước rồi nha.

HH
03-05-2010, 03:34 PM
Vẫn mãi trò chuyện (với Koreeda Hirokazu)


Tựa bài phỏng vấn này là đặt theo phim "Vẫn mãi bước đi" của Koreeda ;))

Nguồn: Greencine, by Steven Erickson (http://daily.greencine.com/archives/007558.html)
Dịch: HH @ JPN


http://img52.imageshack.us/img52/640/hirokazukoreeda.jpg

Koreeda Hirokazu là đạo diễn Nhật tầm cỡ duy nhất của thế hệ này vẫn còn thừa hưởng tính nhân đạo của những người đi trước trong điện ảnh Nhật. Đa số những phim điện ảnh Nhật xuất sắc nhất trong 15 năm qua, bao gồm Cure của Kurosawa Kiyoshi, Audition của Miike Takashi, và United Red Army của Wakamatsu Koji hầu hết đều theo chủ nghĩa post-humanism, tạm hiểu là thể loại đả kích xã hội và loài người của thế kỷ mới. Những đạo diễn này lột tả một quốc giả đầy bạo lực, xung đột giữa các giới tính, và lệch lạc về định hướng giới tính. Đây không chỉ là một sản phẩm của "Châu Á quá khích"; ngay cả một bộ phim dành cho gia đình như Spirited Away của Miyazaki Hayao cũng không kém khắt khe khi miêu tả những người Nhật tuổi trung niên, không kém gì bộ phim kinh dị Audition của Miike Takashi.

Ngược lại, bộ phim Aruitemo Aruitemo (Vẫn mãi bước đi) của Koreeda miêu tả cuộc sống một gia đình Nhật Bản hiện đại, không hoàn hảo, nhưng cũng không hẳn là suy tàn. Đây là một trong số ít những phim gần đây lột tả xã hội gần giống với gia đình của phim Tokyo Monogatari (http://japanest.com/forum/showthread.php?t=24743)(Câu chuyện Tokyo) của Ozu. Bản thân Koreeda không có nhiều mối liên hệ với những đạo diễn Nhật khác, dù là quá khứ hay hiện đại. Tuy anh nói rằng, "Tôi còn phải học hỏi điện ảnh kinh điển Nhật rất nhiều", nhưng anh cũng cho biết anh chịu ảnh hưởng bởi Ken Loach (Anh), Atom Egoyan (Canada), và Hầu Hiếu Hiền (Đài Loan). Anh ca ngợi những đạo diễn này vì họ làm việc với những diễn viên không chuyên và phương pháp tiếp cận đằng sau hậu trường của họ.

Sinh năm 1962, Koreeda bắt đầu sự nghiệp đạo diễn với hai phim tài liệu ngắn năm 1991. Tuy khá khô khan, However... cho thấy mong muốn đưa các chi tiết giả tưởng vào phim của anh, chuyển đổi một vụ điều tra khi một quan chức nhà nước tự tử thành một câu chuyện trinh thám lột tả những mặt trái của chương trình lợi tức xã hội Nhật. Bộ phim gây ấn tượng hơn, Lessons from a calf (Bài học từ chú bê con), miêu tả một lớp học tiểu học đáng yêu nuôi lớn một con bê - và từ đó các em cũng tự nghiệm ra những sinh lão bệnh tử trong đời. Koreeda cũng bị ảnh hưởng bởi chính tác phẩm của mình, anh cho biết, "Tôi thấy thật là thú vị khi nhận ra bản thân tôi bị quá trình quay phim và những người tôi quay thay đổi". Tuy anh bắt đầu với phương pháp dùng phim tài liệu để hướng về phim mang nội dung giả tưởng, anh nói, "Phim tài liệu lại hấp dẫn đến độ tôi quyết định làm phim tài liệu cho đài truyền hình một thời gian". Tuy vậy, phải trải qua hai phim điện ảnh là Maboroshi no hikari và After Life, tên tuổi của Koreeda mới vượt qua được biên giới Nhật Bản. Maboroshi kể về quá trình quên đi nỗi đau của một góa phụ, còn After Life là một bộ phim về linh hồn (nhưng không mang chiều hướng tôn giáo) đã khuất, dựa vào những ký ức và thước phim.

Một bộ phim nữa Without Memory, làm năm 1996 của Koreeda kể về Hiroshi, một người bị mất trí nhớ tạm thời (short-term memory loss) vì thiếu vitamin sau khi các bác sĩ chỉ dẫn sai sau một ca mổ. Tuy có thể nhớ 30 năm đầu đời của mình, mỗi buổi sáng anh thức dậy mà không nhớ được Koreeda và đoàn làm phim là ai. Đạo diễn đã dựa vào sự thật khá sát, ghi lại cuộc sống hằng ngày của Hiroshi, từ những chuyến đi câu cá tới những lần đi chợ. Anh không cố gắng đẩy những chi tiết trong phim lên thành yếu tố mang tính ẩn dụ hay chính trị. Tuy vậy, Without Memory vẫn có cả hai yếu tố đó. Phim chỉ trích một hệ thống y khoa coi trọng tiền bạc hơn mạng sống bệnh nhân, và cũng chiêm nghiệm vấn đề mà Kafka từng đặt ra qua sự lãng quên của Hiroshi. Không có gì ngạc nhiên khi phim tiếp theo của Koreeda, After Life, cũng tập trung nói về những ký ức.

Aruitemo Aruitemo (Vẫn mãi bước đi) miêu tả một gia đình người Nhật hiện đại với cái nhìn nhân ái (từ phía đạo diễn) nhưng cũng không kém phần nghiêm khắc. Phim xảy ra tại một dịp cả gia đình tụ họp, dõi theo gia đình nhà Yokoyama trong 24 tiếng đồng hồ. Bề nổi, phim là một buổi họp mặt bình thường, hoài niệm, nhưng càng về sau, gia đình này càng cho thấy những rạn nứt bên trong. Việc này được thể hiện khi người ông gọi người đã được con trai ông cứu là "rác rưởi vô dụng". Câu nói này không có gì đáng ngạc nhiên khi ta xem xét mối liên hệ giữa người này và gia đình Yokoyama, nhưng vẫn gây tác động rất lớn.

Ngoài Ozu ra, cách chỉ đạo của Koreeda còn gợi lại cách chỉ đạo của những đạo diễn như Jean Renoir và gần đây, Arnaud Desplechin. Hiển nhiên, Vẫn mãi bước đi không có lôgíc tự nhiên như phim của Desplechin và sự điên đảo của Mathieu Amalric. Những âm thanh của phim thật đáng ngạc nhiên - nhất là trong nửa đầu, khi đằng sau màn ảnh, tiếng những đứa trẻ chơi đùa bên ngoài hay đi tắm, là một sự hiện diện sống động. Koreeda, đưa ba thế hệ lại với nhau, cho thấy gia đình người Nhật đã thay đổi như thế nào. Trong một đoạn thoại quan trọng, một nhân vật đã nói, "Thời nay chuyện này là bình thường".

Vẫn mãi bước đi có vẻ như là bộ phim dựa theo kinh nghiệm cá nhân nhất của Koreeda. Khi được hỏi phim có dựa vào đời thật, anh nói, "Thật ra câu chuyện là giả tưởng. Cha tôi không phải là bác sĩ, mà tôi cũng không lấy một góa phụ. Nhưng những cảm xúc đó là cảm xúc cá nhân". Bộ phim thể hiện cả ba thế hệ một cách đồng đều đến kinh ngạc. Koreeda nói rằng, "Trên căn bản, bộ phim là cái nhìn của một đứa con trai hướng đến cha mẹ chúng. Nên tôi đã tạo ra nhân vật cậu bé [Atsushi] để bộ phim không quá bi lụy".

Lưu ý: có thể post bài viết ở nơi khác nhưng chỉ yêu cầu credit người dịch và dẫn link về Japanest. Không credit và không dẫn link có nghĩa là tự nhận bài viết đó của mình (tiếng Việt dịch ra là "ăn cướp"), mà như vậy thì sẽ gặp quả báo đó o,,o Nói trước rồi nha.

HH
12-08-2010, 05:11 PM
Ozu Yasujiro (小津 安二郎)

(12/12/1903 - 12/12/-1963)

http://img251.imageshack.us/img251/9199/1654868.jpg

Tóm tắt tiểu sử

Ozu sinh ra ở Fukagawa, Tokyo. Năm 10 tuổi, ông và các anh chị được cha gửi đi học ở Matsuzaka, quận Mie. Ông làm giáo viên được một ít năm rồi trở về Tokyo năm 1923 và tham gia công ty phim Shochiku.

Ozu được biết đến với tửu lượng rất đáng nể - ông và nhà viết kịch bản thân thuộc Noda Kogo thường đo tiến trình của kịch bản bằng số ly sake họ uống. Ông không vợ không con và sống với mẹ mình suốt đời.

Ozu mất vì ung thư vào ngày sinh nhật thứ 60 của mình. Mộ ông ở Kamakura không có tên - chỉ có chữ "mu" (nghĩa là "vô" theo tiếng Hán, để chỉ sự hư vô).

Phong cách làm phim

Ozu được tôn vinh là một trong những đạo diễn xuất sắc nhất của Nhật Bản, nhiều người gọi ông là đạo diễn "Nhật nhất" do cách làm phim tinh tế với các cảnh quay chậm, mang nhiều tính thiền của ông. Ozu thường làm về đề tài gia đình và những sự rạn nứt trong những gia đình bình thường có thể gặp ở bất cứ đâu.

Một số đặc điểm thường gặp trong phim của ông là:

- Máy quay ngắm trực tiếp vào diễn viên, như vậy người xem sẽ cảm thấy như mình đang ở chính giữa cảnh quay đó.
- Không dùng cách chuyển cảnh thường thấy mà quay những vật tĩnh, như các tòa nhà. Không dùng cách mờ dần đi để chuyển cảnh mà cắt trực tiếp sang cảnh mới. Trong các phân đoạn chuyển giao này ông sẽ dùng nhạc background.
- Nhạc phim không thay đổi theo tình huống phim (ví dụ, đến đoạn cao trào nhạc không nhất thiết sẽ có nhịp độ nhanh, hồi hộp).
- Sáng tạo ra "góc quay tatami", máy quay phim đặt ở dưới thấp, có khi còn thấp hơn cả độ cao của tầm nhìn của diễn viên và mô phỏng một người ngồi trên chiếu tatami.
- Dùng nhiều êlíp - bỏ qua nhiều sự kiện chính, sự kiện không chiếu trên màn ảnh mà chỉ được nhắc đến ở các cảnh sau đó.

Câu chuyện trong phim của Ozu thường xoay quanh một gia đình, và những câu chuyện này sẽ dẫn đến những giai thoại, nhưng không phải là cốt truyện. Ozu cho biết, "Những phim có cốt truyện rõ ràng làm tôi chán. Dĩ nhiên, một bộ phim phải có cấu trúc nhất định, nếu không sẽ không phải là phim, nhưng tôi cảm thấy phim mà có kịch tính nhiều quá thì không hay." Sau đó Ozu còn nói, cốt truyện sử dụng những con người trong phim, và sử dụng con người cũng là ngược đãi họ. Ngược với những gì phim phương Tây hay nhấn mạnh - sự kiện, nguyên nhân và trách nhiệm - Ozu nhấn mạnh kết quả thay vì nguyên do, và cảm xúc thay vì lập luận phân tích. Nói cách khác, tính "Nhật" trong phim của ông đến từ sự kiềm chế, đơn giản, và bình yên của nhà Phật.

Những phim đáng chú ý và được đưa vào danh sách phim kinh điển:


Umarete wa mita keredo (I was born, but...)
Degigokoro (Passing fancy)
Ukigusa monogatari (A story of floating weeds)
Banshun (Late spring)
Bakushu (Early Summer)
Ochazuke no aji (The Flavor of Green Tea over Rice)
Tokyo Monogatari (Tokyo Story) - JPN Vsub (http://japanest.com/forum/showthread.php?t=24743)
Soshun (Early Spring)
Tokyo boshoku (Tokyo Twilight)
Akibiyori (Late Autumn)
Kohayagawa-ke no aki (The End of Summer)
Sanma no aji (An Autumn Afternoon)



Nguồn: Wikipedia, A Hundred Years of Japanese Films by Donald Richie.

Dịch và tổng hợp: HH @ JPN

Lưu ý: có thể post bài viết ở nơi khác nhưng chỉ yêu cầu credit người dịch và dẫn link về Japanest. Không credit và không dẫn link có nghĩa là tự nhận bài viết đó của mình (tiếng Việt dịch ra là "ăn cướp"), mà như vậy thì sẽ gặp quả báo đó o,,o Nói trước rồi nha.