PDA

View Full Version : [Truyện ngắn] Yume Juya - Mười Đêm Mộng Mị



weii
21-07-2010, 07:49 PM
Tác giả : Natsume Soseki

Mười đêm mộng mị

Nguyên tác: Yume juya

Giới thiệu tác giả :

Natsume Soseki (1867-1916) là một nhà văn lớn đại diện cho văn chương cận đại của Nhật Bản. Ngày nay sau một thế kỷ, tác phẩm của ông vẫn thu hút được nhiều người đọc ở mọi lứa tuổi. Một trong ba tờ giấy bạc (mười nghìn, năm nghìn và một nghìn) tờ một nghìn Yen phát hành cho đến năm 2004, mang hình ông.
Ông là nhà văn của truyện dài, rất ít viết truyện ngắn hay tùy bút. Yume juya (Mười đêm mộng mị) viết vào năm 1908, là một sáng tác ngắn, gồm mười giấc mộng có nội dung độc lập với nhau. Tác giả đã dùng hư cấu, tính huyễn hoặc của mười chuyện trong mộng để diễn tả những cảm nhận về cuộc đời: tính lãng mạn, tính đam mê, tội lỗi không thể gột rửa, những nỗi bất an không có cách giải quyết, những ước vọng không thành, những nỗ lực không được đền đáp ... Ở đây xin dịch năm đêm lẻ.
Những tác phẩm nổi tiếng khác của ông là Waga hai wa neko de aru (Tôi là con mèo) 1905, Botchan 1906, Kofu (Người phu mỏ), Sanshiro (Chàng Sanshiro) 1908, Sorekara (Từ dạo ấy) 1909, Mon (Cánh cửa) 1910, Kokoro (Tấm lòng) 1914.
Bên cạnh việc sáng tác, ông còn mở hội nhà văn, tích cực dẫn dắt các nhà văn trẻ, trong đó có Akutagawa Ryunosuke.

__________________________________________________ _________

Đêm thứ nhất

Tôi đã mơ một giấc mơ như thế này.

Tôi ngồi trên nệm, hai tay khoanh lại; nàng nằm đối diện nói bằng một giọng nhẹ nhàng: “Em sẽ chết thôi”. Mái tóc dài của nàng phủ đầy chiếc gối, gương mặt trái xoan kiều diễm. Dưới làn da trắng của đôi má, có thể thấy cả những mạch máu ấm hồng, sắc môi đỏ tươi. Nàng không hề có vẻ gì là sắp chết. Nhưng nàng, bằng một giọng rất nhẹ, nói rất rõ ràng: “Em sẽ chết thôi”. Bản thân tôi, thật ra, đã nghĩ: “Như thế này sao lại chết”. Nhưng lúc đó, nhìn từ trên, tôi thử hỏi: “Vậy à, em sẽ chết ư?”. Nàng vừa mở to mắt, vừa nói “Em sẽ chết mà”. Đôi mắt to, long lanh, được bao phủ bởi cặp mi dài, giờ đây như phủ một màu đen. Sâu trong đôi mắt đen đó, tôi thấy cả hình bóng mình sóng sánh.

Tôi nhìn đôi mắt to, đen, long lanh có thể nhìn thấu cả bóng mình và nghĩ “thế này mà chết ư?”. Tôi kề môi vào gối, thận trọng hỏi lại: “Em không chết mà phải không? Em không sao mà phải không?”. Thế là nàng nhìn tôi bằng đôi mắt đen ấy, như thể buồn ngủ, rồi cũng bằng một giọng thật nhẹ: “Em sẽ chết. Không còn cách nào khác”.

“Vậy em có thấy khuôn mặt tôi không?”, khi tôi quyết hỏi, nàng mỉm cười: “Thấy chứ. Chẳng phải nó đang phản chiếu đấy sao?”. Tôi im lặng, quay mặt ra khỏi gối, khoanh tay và nghĩ: “Thế nào cũng phải chết ư?”.

Một lúc sau, nàng lại nói:

- Em chết rồi, hãy chôn em nhé. Hãy đào một cái hố bằng hạt ngọc trai thật to nhé. Sau đó làm dấu bằng một mảnh vỡ của một ngôi sao rơi xuống từ trên trời. Rồi thì hãy ở đó chờ em nhé. Em sẽ lại đến gặp anh.

Tôi hỏi khi nào em lại đến.

- Mặt trời chắc chắn mọc rồi lại lặn. Rồi lại mọc, rồi lại lặn đi. Trong khoảng thời gian mặt trời đỏ đi từ Đông sang Tây, rơi từ Đông sang Tây, anh có chờ được chăng?

Tôi im lặng gật đầu. Nàng như thoát ra khỏi sự tĩnh lặng, nói bằng một giọng mạnh mẽ hơn.

- Hãy chờ em một trăm năm.

- Một trăm năm. Hãy ngồi bên mộ em và chờ nhé. Em sẽ đến gặp anh.

Tôi trả lời sẽ chỉ chờ mà thôi. Thế rồi hình bóng tôi trong đôi mắt to đen của nàng sóng sánh tan biến. Khi tôi vừa kịp nghĩ nó như một bóng nước phản chiếu tĩnh lặng bị xao động thì bất ngờ nàng nhắm nghiền mắt. Từ giữa hai hàng mi, nước mắt lăn dài trên má. Nàng đã chết.

Tôi ra vườn và đào huyệt bằng hạt ngọc kết tinh từ một con trai lớn, xanh và trơn. Mỗi lần đào xuống đất, phía sau hạt ngọc ánh lên, phản chiếu ánh trăng. Có cả mùi đất ẩm ướt. Tôi đào huyệt một lúc lâu và đặt nàng vào, lấp lại bằng những viên đất mềm. Cứ mỗi lần lấp, hạt ngọc trai lại chiếu ánh trăng.

Sau đó tôi nhặt mảnh vỡ của một ngôi sao, cắm lên trên mặt đất. Mảnh vỡ hình tròn. Có lẽ do rơi từ bầu trời xuống đã lâu, các góc, cạnh đã bị bào nhẵn. Khi ôm về đặt lên mộ nàng, tôi thấy ngực và tay mình ấm lên. Tôi ngồi xuống, khoanh tay nhìn viên đá mộ tròn và nghĩ từ bây giờ sẽ chờ nàng một trăm năm nữa. Quả như lời nàng nói, mặt trời từ phía Đông hiện lên. Một mặt trời thật to và đỏ. Và rồi cũng như nàng nói, mặt trời lại lặn về phía Tây. Cứ đỏ, tròn như thế mà lặn mất. Tôi nghĩ vậy là đã một năm.

Ít lâu sau, mặt trời đỏ thẫm lại chậm rãi xuất hiện, và cũng lại im lặng lặn đi. Tôi lại cho rằng vậy là hai năm.

Tôi ngồi đếm như thế, và không biết là mình đã thấy bao nhiêu mặt trời đỏ. Mặt trời như thế cứ lướt qua đầu, chẳng hề mệt mỏi. Vậy mà một trăm năm vẫn chưa đến. Cuối cùng tôi nhìn mảnh đá tròn cắm trên mộ, thầm nghĩ có lẽ đã bị nàng dối gạt.

Lúc đó, từ phía dưới mảnh đá, một cây xanh mọc lên, xiêu vẹo hướng về phía tôi. Trong lúc tôi quan sát, thân cây mọc dài ra và vừa đến tầm ngực tôi thì dừng lại. Trên ngọn cây đang khẽ lung lay có một cành nụ dài, cong và đang hé nở. Bông hoa lay động bởi sức nặng của nó. Tôi ngóng cổ về phía trước, chạm vào giọt sương lạnh trên cánh hoa trắng. Không nghĩ ngợi, tôi rời bông bách hợp, nhìn về phía bầu trời xa, chỉ có ngôi sao Mai đang nhấp nháy.

Lúc này tôi mới bắt đầu nhận ra một trăm năm đã đến rồi.


Đêm thứ hai

Tôi đã mơ một giấc mơ như thế này.

Khi rời khỏi phòng hòa thượng quay về, ngọn đèn trong phòng vẫn leo lét. Tôi quì một gối trên tấm nệm ngồi, khêu tim đèn lên cho sáng thì một cây đinh dạng như bông hoa rơi bộp xuống cái kệ sơn đỏ. Cùng lúc căn phòng bừng sáng.

Bức tranh trên cửa lùa do Buson (1) vẽ. Trong tranh, cây liễu đen lúc đậm, lúc nhạt, gần gần xa xa, một ông lão đánh cá đội nón trông có vẻ lạnh lẽo đang băng qua đê. Trên sàn có tấm biển tranh Kaichu Monju (2). Cây nhang thắp dở đang tàn dần, tỏa hương thơm ngát. Ngôi chùa rộng, tĩnh mịch, chẳng hề được ai lưu tâm. Chỉ có cái bóng tròn của ngọn đèn gắn trên trần đen chiếu xuống là còn thấy như đang tồn tại.

Tôi quì một bên gối xuống, tay trái lật cái nệm ngồi, tay phải ấn thử, ngay nơi tôi nghĩ đã giấu sẵn một vật. Thấy vậy, tôi yên tâm lật cái nệm lại đúng kiểu ban đầu và ngồi phịch lên trên.

Ngươi là samurai. Nếu là samurai thì chắc chắn không có chuyện gì không thể giác ngộ, hòa thượng nói. Ngươi sẽ không phải là samurai nếu lúc nào cũng chỉ nhìn vào điều không thể ngộ được. Chẳng phải đó là loại người vô dụng sao. Ha ha, giận rồi à, ông cười, nói. Nếu thấy khó chịu thì hãy chứng tỏ cho ta thấy ngươi đã ngộ, nói rồi ông quay phắt đi. Thật chẳng ra làm sao.

° ° °

Cho đến khi chiếc đồng hồ lắp ở gian phòng bên cạnh gõ thời khắc tiếp theo, ta chắc chắn sẽ ngộ ra cho ngươi xem. Sau khi ngộ ra, tối nay ta lại nhập thất và thay cái cổ của hòa thượng bằng sự giác ngộ. Nếu không ngộ ra, không thể lấy đi sinh mạng của hòa thượng. Bằng bất cứ giá nào cũng phải ngộ ra. Ta là samurai.

Nếu không ngộ, ta sẽ tự hành quyết. Một samurai khi bị làm nhục thì chẳng có lý do gì để sống. Phải chết cho đẹp.

Khi nghĩ như vậy, tay tôi lại lần xuống tấm nệm ngồi, rút đoản dao khỏi vỏ nạm ngọc. Tôi nắm chặt chuôi dao có gắn sợi dây đỏ, phất thử thì ánh dao sắc lạnh loé sáng trong khoảnh khắc trong căn phòng tối tăm. Có cảm giác như mọi thứ mạnh mẽ nhất đang từ chuôi dao tập trung vào mũi dao, mọi sát khí tập trung vào một điểm. Nhìn mũi dao nhọn, bị thu lại như đầu kim, mọi sắc bén không ngừng tập trung vào đầu đoản dao, tôi thình lình muốn hành động ngay lập tức. Máu trong cơ thể chảy về cổ tay phải, tay tôi nắm chặt. Môi run lên.

Tôi cho dao vào vỏ, kẹp vào nách, giữ chặt. “Không”. “Không” là cái gì cơ chứ? Tôi nghiến răng và khinh khỉnh nhìn bằng con mắt của hòa thượng

Vì cắn chặt răng cắm, mũi tôi phả ra hơi thở nóng hừng hực. Nhai cơm cũng cảm thấy đau. Mắt tôi mở lớn gấp đôi bình thường.

Tôi thấy cả bức trướng treo trên tường. Thấy cả ngọn đèn soi. Thấy chiếu. Thấy cả cái đầu trọc của hòa thượng hiển hiện trước mắt. Nghe cả tiếng cười phát ra từ chiếc miệng rộng. Thật là một hòa thượng chẳng ra làm sao. Thế nào cũng phải cho cái đầu trọc kia lìa cổ thôi. Ta sẽ làm. Tận cuống lưỡi, tôi niệm “không, không có gì hết”. Nói không nhưng tôi ngửi thấy mùi nhang. Thật chán. Một mùi nhang quen thuộc.

Thình lình tôi nắm chặt nắm đấm và đấm mạnh vào đầu thật đau đến không chịu nổi. Rồi nghiến chặt răng kèn kẹt. Hai bên nách toát mồ hôi đầm đìa. Sống lưng thẳng đơ như cây gậy. Khớp đầu gối tự nhiên đau nhói. Tôi đã nghĩ, đầu gối bể ra thì sao nhỉ. Nhưng, đau thật. Đau quá. “Không” vẫn mãi không xuất hiện. Hễ tôi nghĩ rằng nó xuất hiện thì ngay lập tức, cơn đau kéo đến. Giận quá. Tôi chẳng nghĩ gì nữa. Bực tức hơn bao giờ hết. Nước mắt tuôn thành dòng. Nghĩ “một” thì cơ thể như va vào vách đá khổng lồ, xương cốt đau đến rụng rời.

Nhưng tôi nghiến chặt răng chịu đựng, ngồi rịt một chỗ. Một sự khó chịu đến mức không chịu đựng được đang len lén chui vào ***g ngực. Sự khó chịu đó từ trong xương thịt, từ lỗ chân lông muốn thoát ra ngoài nhưng nơi nào cũng bị che, lấp kín, hoàn toàn không có lối thoát.

Đầu óc tôi trở nên lạ lùng. Ngọn đèn, bức tranh của Buson, chiếc chiếu, cái kệ, mọi thứ có mà như không, không mà như có. Rồi không hiển hiện một chút gì. Tôi chỉ biết ngồi trơ ra. Rồi thì chiếc đồng hồ phòng bên cạnh đánh boong.

“Á”, tôi thở hắt. Tay phải tôi đã nắm chuôi đoản dao. Đồng hồ gõ tiếng thứ hai.


Đêm thứ ba

Tôi đã nằm mộng như thế này.

Tôi đang cõng một đứa trẻ lên sáu. Thật ra đó là con tôi. Chỉ có điều khó hiểu là chẳng biết từ khi nào, mắt nó bị hỏng. Nó là một tiểu hòa thượng. Tôi hỏi mắt con bị hư từ khi nào, nó trả lời từ lâu rồi. Giọng nói thì đích thực là của một đứa trẻ nhưng cách dùng từ hệt như người lớn.

Hai bên đều là những thửa ruộng xanh. Con đường nhỏ hẹp. Đôi khi bóng cò bay ngang che khuất.

- Đến ruộng rồi nhỉ? - Trên lưng tôi, nó cất tiếng

- Sao con biết? - Tôi quay đầu lại hỏi.

- Thì chẳng phải có tiếng cò kêu đấy sao.

Quả thật lúc đó có chừng hai tiếng cò kêu.

Tự dưng tôi sợ chính con mình. Nuôi một đứa trẻ như thế này, tương lai chẳng biết sẽ ra sao. Tôi nhìn phía trước xem có nơi nào vứt nó đi được thì trong bóng tối hiện ra một khu rừng rộng lớn. Khi nghĩ nếu là nơi ấy thì…. trên lưng tôi có tiếng cười hắt.

- Ha ha.

- Con cười cái gì?

Con tôi không trả lời, chỉ hỏi:

- Nặng lắm không cha?

- Không nặng đâu, - tôi trả lời.

- Sẽ nặng bây giờ đấy thôi!. - Đứa nhỏ nói.

Tôi im lặng, hướng thẳng khu rừng mà đi. Con đường nhỏ trên đồng không theo lề lối nào, quanh co, mãi vẫn không hiện ra như tôi nghĩ. Một lúc sau, có một đường rẽ nhánh.

Tôi đứng ngay chỗ giao nhau, nghỉ chân một chút.

- Có hòn đá ở cuối đường nhưng…. - đứa nhỏ nói.

Thì ra có một tảng đá khoảng tám sun (3) nàm trên độ cao khoảng thắt lưng. Trên bề mặt, ruộng trũng bên trái, ruộng bên phải. Mặc dù tối tăm, nhưng vẫn đọc được dòng chữ đỏ rõ ràng. Dòng chữ đỏ có màu như màu bụng của con imori (4).

- Con thích bên trái.

Đứa con ra lệnh. Nhìn bên trái, xa thẳm trước mắt là bóng cánh rừng, từ trên không trung, như phủ lên đầu. Tôi hơi do dự.

- Đừng ngại gì hết.

Đứa con lại nói. Không còn cách nào khác, tôi bắt đầu tiến về hướng cánh rừng. Trong bụng thầm nghĩ bị mù mà cái gì cũng biết. Khi đến gần con đường rừng, đứa con trên lưng lại nói:

- Bị mù thì không thể đi nhỉ.

- Vì vậy mà cha cõng con đấy thôi.

- Cha cõng con, con cám ơn nhưng mà không thể bị người khác xem thường. Không thể để cả cha mẹ xem thường mình.

Chán không tưởng nổi! Tôi nghĩ mau mau đến rừng rồi vứt nó đi, nên nhanh chân hơn.

Trên lưng tôi, đứa con như nói một mình.

- Đi một chút nữa thì biết ngay, vào đúng một đêm như thế này mà.

- Cái gì? - Tôi lật đật hỏi

- Cha hỏi cái gì ư? Chẳng phải cha biết đấy sao?

Đứa con trả lời giọng như giễu cợt. Thế rồi tôi có cảm giác nó lờ mờ biết điều gì đó nhưng không rõ ràng lắm. Chỉ đơn thuần có thể nghĩ là một đêm như thế này. Rồi lại nghĩ đi thêm một chút nữa là nó sẽ rõ mất thôi. Mà nếu nó hiểu ra thì gay go lắm nên trong lúc nó chưa biết phải mau vứt đi. Phải làm sao cho yên ổn. Tôi rảo bước.

Mưa từ lúc nãy. Con đường trở nên tối dần. Mọi vật như trong mộng mị. Chỉ có đứa bé trên lưng là dính chặt, đứa bé soi rõ cả quá khứ, hiện tại, tương lai tôi, như một chiếc gương soi mười phần sự thật. Nhưng đó là con tôi. Nó bị mù. Tôi không chịu đựng nổi.

- Nơi này, chính nơi này, dưới gốc cây bách này.

Trong mưa, tôi nghe rõ tiếng đứa con nhỏ. Tôi không nhớ là mình đứng lại. Tôi đã vào rừng tự lúc nào. Cách một gang tấc, bóng đen trước mặt là cây bách mà con tôi nói.

- Cha, chính là cây bách này.

- Ừ.. - Tôi không nghĩ ngợi gì, buột miệng trả lời.

- Một trăm năm trước, năm Bunka thứ 5, năm Thìn (5) đó mà.

Thì ra năm Bunka thứ 5….

- Chính ngươi đã giết ta cách đây một trăm năm về trước.

Khi nghe những từ này, trong đầu tôi thình lình nhớ ra mình đã giết một người mù trong một đêm tối, dưới gốc cây bách. Khi tôi nhận ra mình là kẻ giết người, đứa con trên lưng chợt nặng trĩu.


Đêm thứ tư

Giữa gian phòng không lát nền có một cái đài, dài như cái bàn ngồi hóng mát, xung quanh là những chiếc ghế xếp nhỏ. Cái bàn hắt đen vì phản chiếu ánh sáng. Trong xó phòng, cha tôi đang ngồi uống rượu một mình, trước mặt là một cái mâm vuông. Hình như có đựng món cá hấp.

Cha tôi thấm rượu, mặt đỏ gay. Trên khuôn mặt nhẵn bóng, chẳng hề thấy tí gì gọi là nếp nhăn. Chẳng qua nhờ vào bộ râu trắng mới biết được ông đã già. Tôi là con mà còn thầm hỏi không biết cha mình bao nhiêu tuổi. Vừa lúc đó, mẹ tôi xách nước từ ống dẫn nước phía sau nhà vào đến, lau tay vào váy áo, hỏi:

- Ông bao nhiêu tuổi rồi nhỉ?

Cha tôi ngước lên, nuốt miếng cá, ra vẻ bất cần:

- Chẳng nhớ.

Mẹ tôi cho đôi tay đã lau vào dây lưng obi, đứng nhìn ngang cha từ bên cạnh. Ông nốc rượu từ mộc chiếc chén to như chén uống trà (6) rồi hắt ra một tiếng thở dài từ bộ râu trắng. Mẹ tôi lại hỏi:

- Nhà ông ở đâu nhỉ?

Cha tôi ngưng tiếng thở dài, nói:

- Góc rốn đấy!

Vẫn giữ tay trong dây obi, bà lại hỏi:

- Ông định đi đâu?

Thế rồi cha tôi lại nốc rượu nóng với chiếc chén to đánh ực, như lần trước lại thở ra một hơi dài.

- Đi đến đằng kia.

Khi mẹ tôi hỏi “thẳng trước mặt à?” thì tiếng thở dài thông qua cánh cửa lùa, ngang qua dưới gốc cây liễu, thẳng hướng cánh đồng ngoài bờ sông.

Cha tôi đã ra phía trước. Tôi cũng theo sau. Bên hông cha tôi lủng lẳng bầu rượu. Trên vai ông là cái hộp vuông được buộc câu xuống dưới nách. Ông mặc chiếc áo sát nách vàng nhạt cùng cái quần lao động cũng vàng nhạt. Chỉ có đôi giày là rõ màu vàng. Hình như là đôi giày được làm từ da.

Cha tôi đi thẳng đến bên dưới gốc cây liễu. Có ba, bốn đứa trẻ ở đấy. Cha tôi vừa cười vừa lấy từ thắt lưng chiếc khăn tay màu vàng nhạt đã được cuốn chặt lại như một sợi chỉ se mỏng, dài. Sau đó, ông đặt giữa mặt đất, vẽ một vòng tròn lớn quanh chiếc khăn. Cuối cùng ông lấy từ chiếc hộp trên vai ra một ống sáo của tiệm kẹo, được làm từ đồng thau rồi nói đi nói lại nhiều lần:

- Bây giờ hãy xem đây. Chiếc khăn sẽ biến thành con rắn. Hãy xem đây, xem đây!
Bọn trẻ tập trung nhìn chiếc khăn. Tôi cũng nhìn.

- Xem đây, xem đây! Được chưa nào?

Cha tôi vừa nói vừa đưa sáo lên thổi, đi vòng theo vòng tròn. Tôi chỉ tập trung vào chiếc khăn. Nó chẳng hề suy suyển, động đậy gì.

Cha tôi vẫn thổi sáo “ píp, píp” và đi quanh vòng tròn không biết bao nhiêu lượt. Cha tôi đi vòng quanh chiếc khăn một cách dè dặt, như rón rén bằng đầu ngón chân, như đi bằng chân không nhưng trông ông cũng có vẻ sờ sợ làm sao. Và cũng thật buồn cười.

Đột nhiên ông ngưng thổi sáo, mở nắp hộp trên vai, túm chiếc khăn vứt vào đó.

- Làm như vậy chiếc khăn sẽ thành con rắn trong chiếc hộp. Ta sẽ cho xem ngay đây. Ta sẽ làm ngay đây.

Vừa nói ông vừa đi thẳng. Băng qua cây liễu, ông đi thẳng xuống con đường mòn. Vì muốn xem con rắn, tôi đuổi theo cha theo con đường nhỏ lúc nãy. Cha tôi vừa đi vừa nói khi thì “bây giờ nó sẽ biến ngay thôi”, khi thì “sẽ thành con rắn thôi”.

Cuối cùng ông vừa hát vừa hùng dũng tiến ra bờ sông:

Biến ngay, biến thành rắn,
Chắc chắn sẽ thành và sáo lại vang

Chẳng có thuyền cũng chẳng có một chiếc cầu nào. Tôi đang nghĩ không biết cha sẽ chọn đâu làm chỗ nghỉ và cho xem con rắn trong chiếc hộp thì cha tôi đã lội bì bõm xuống sông. Ban đầu nước chỉ ngang đầu gối, dần dần ngang hông, đến ngực, rồi ông chìm trong nước, không thấy gì cả. Vậy mà cha tôi vẫn vừa hát “trở nên sâu thẳm, biến thành đêm tối, trở nên thẳng tắp” vừa đi thẳng đến tận đâu đâu. Râu, tóc, mặt, mũi, hoàn toàn không thấy gì cả.

Phần tôi, khi đến bờ sông, nghĩ rằng cha sẽ cho xem con rắn nên đứng ở bãi sậy đang xao động, một mình, chờ mãi. Nhưng hoài vẫn không thấy cha quay lên lại.


Đêm thứ năm

Tôi đã mơ như thế này.

Chuyện cũng xưa lắm rồi, cũng gần với thời các vị thần linh, tôi đi lính rồi thua trận, bị bắt sống và dẫn độ đến trước chủ tướng của quân địch.

Thời đó, người ta rất cao và để râu dài, thắt lưng chặt theo kiểu lính và đeo gươm dài như gậy bên hông. Cung tên lúc nào cũng sẵn sàng, trông như những dây hoa fuji (7) dày, không sơn thì cũng không được mài nhẵn, đơn sơ đến tận cùng.

Tướng quân bên địch nắm lấy cung tên ở giữa bằng tay phải, đạp lên cỏ và ngồi trên một vật tựa một bình rượu đổ. Nhìn mặt ông ta, thấy ngay hai hàng lông mày trái, phải nối liền nhau. Thời ấy không có chuyện không cạo râu tóc.

Với thân phận tù binh, đương nhiên tôi không được ngồi mà xếp bằng tròn trên cỏ, chân mang đôi giày cỏ rơm thật to. Thời này, giày cỏ rơm rất sâu, đứng lên là giày cao đến đầu gối. Miệng giày có bện dư ra vài sợi rơm, thả treo một chùm như vật trang trí, lúc bước đi cứ phất qua phất lại.

Tướng quân nhìn mặt tôi xuyên qua đống lửa, hỏi muốn sống hay chết? Theo thông lệ thời này, đối với tù binh, ai cũng hỏi câu này. Nếu trả lời sống có nghĩa chịu đầu hàng, nếu trả lời chết nghĩa là không chịu khuất phục. Tôi chỉ duy nhất một lời là chết. Tướng quân giẫm trên cỏ, ném cung tên về hướng đối diện, rút thanh gươm dài như cây gậy ở bên hông ra. Đống lửa bị dạt ngang theo gió. Tôi giang tay phải ra như cây phong, lòng bàn tay hướng về ông ta, chỉ lên trên tầm mắt. Đó là dấu hiệu bảo hãy chờ một chút. Tướng quân tra thanh gươm to bự vào vỏ đánh “xoẻng”.

Khoảng thời gian đó tôi đang yêu. Tôi nói trước khi chết, muốn gặp nàng lần cuối. Tướng quân đồng ý chờ tôi đến khi trời sáng, khi có tiếng gà gáy. Cho đến lúc gà gáy phải gọi nàng đến kịp đây. Gà gáy mà nàng không đến kịp, tôi sẽ bị giết mà không được gặp mặt nàng.

Tướng quân vẫn ngồi yên, liếc nhìn đống lửa. Tôi vẫn ngồi xếp bằng tròn trên cỏ với đôi dép rơm to lớn, chờ nàng. Đêm dần buông.

Thỉnh thoảng có tiếng củi tàn, đổ sụp từ đống lửa. Mỗi lần đống lửa sụp, những tia lửa như có vẻ hoảng hốt nghiêng về tướng quân. Dưới chân mày rậm đen, ánh mắt ông ta lấp lánh sáng. Có ai đó đem thật nhiều cây chất thêm vào. Một lúc sau, đống lửa cháy lách tách, phát ra âm thanh như dũng cảm đối đầu với đêm đen.

Lúc này nàng dẫn con ngựa trắng cột ở gốc cây sồi phía sau ra. Nàng vuốt bờm ngựa ba lần và nhẹ nhàng nhảy lên lưng ngựa. Không có yên cũng chẳng có móng sắt, một con ngựa trần trụi. Chân ngựa màu trắng, dài, hễ thúc vào cái bụng to tròn ngựa ta lại phóng nhanh hơn. Có ai đó khơi lửa tiếp, có thể thấy bầu trời phía xa hừng sáng. Con ngựa nhắm lấy ánh sáng đó, bay vào đêm tối, từ mũi hắt ra hơi thở như hai trụ lửa. Ấy vậy mà nàng, vẫn bằng đôi chân thon nhỏ thúc vào bụng ngựa. Con ngựa tung vó phóng nhanh. Tóc nàng bay dài trong đêm đen. Vậy mà mãi vẫn chưa đến được chỗ đống lửa.

Từ con đường tối đen, ngay sau đó có tiếng “ò ó o”. Nàng buông mình vào bầu trời, ghìm dây cương nắm chặt nãy giờ bằng hai tay. Vó trước con ngựa đã chạm lên trên một phiến đá hẹp.

Lại có tiếng gà gáy “ ò ó o”.

Nàng “á” một tiếng, hơi nới lỏng dây cương. Con ngựa gập đầu gối, cùng với người cưỡi nó đổ sụp về phía trước. Dưới vách đá là một vịnh nước sâu.

Vó chân ngựa vẫn còn in dấu trên phiến đá. Kẻ giả giọng gà gáy là một ma nữ tai quái. Khoảng thời gian vó ngựa khắc lên phiến đá, ma nữ đó là kẻ thù của tôi.


Đêm thứ sáu

Nghe nói Unkei (8) đang khắc hình ông hộ pháp ở sơn môn chùa Gokoku (Bảo Quốc), tôi đi bộ đến tiện thể xem thử, nào ngờ trước mình đã có đám đông người tập trung, bàn tán xôn xao.

Trước sơn môn năm, sáu bước có một cây tùng đỏ thật to, thân cây nghiêng nghiêng che mái cổng, vươn dài ra tận bầu trời xanh xa thẳm. Màu xanh của tùng và màu đỏ của sơn môn hòa chiếu với nhau trông thật đẹp. Hơn nữa vị trí của cây tùng cũng rất đẹp. Cây tùng mọc bên trái cổng vừa đẹp vừa không gây cản trở gì, lại cao và và vừa đủ nghiêng, đủ rộng để che mái chùa, trông rất cổ xưa. Thậm chí có thể nghĩ đây thuộc thời Kamakura.

Nhưng những người đang xem chùa, cũng như tôi, là người thời Meiji. Trong đó phu xe là nhiều nhất. Chắc chắn là do đi, về đều tập trung ở ngã tư nên họ đứng đó.

- To quá nhỉ.

- Coi bộ làm cái này còn kỳ công hơn cả sanh con nhỉ.

Tôi cũng vừa nghĩ vậy thì có tiếng người đàn ông:

- Ủa, ông hộ pháp đây nhỉ. Bây giờ mà cũng khắc thần hộ pháp à? Chắc vậy. Mà tôi nghĩ thần hộ pháp và mọi thứ ở đây đều rất cổ đó chứ.

- Coi bộ cũng mạnh mẽ đấy chứ nhỉ. Anh nói gì? Từ xưa đến giờ, ai mạnh hơn ông hộ pháp đâu. Nghe nói môn nào cũng hơn cả Yamato Dakenomikoto đấy.

Lại có tiếng một người khác góp chuyện. Người này không đội nón, ngồi bệt, rõ là một người không có giáo dục.

Unkei không mảy may quan tâm đến những người xung quanh, cứ đưa búa, đục qua lại. Không ngó tới cũng chẳng ngó lui. Lại bỏ đi, leo lên chỗ cao để khắc mặt thần hộ pháp. Trên đầu bức tượng, Unkei gắn một vật như mũ lông chim, tay áo buộc trên vai, không rõ là kiểu áo suo lúc xưa hay là gì khác. Kiểu dáng quả thật xưa cũ.

Người xem xung quanh xì xào bàn tán như kiểu mấy người đi câu mà không câu được con cá nào. Tôi thì nghĩ tại sao Unkei lại sống đến giờ phút này. Tôi vừa đứng vừa nghĩ quả thật là khó hiểu.

Phần Unkei, chẳng ra vẻ gì đặc biệt, không kỳ bí cũng chẳng hiện thực, cứ cắm cúi khắc tượng. Một người đàn ông trẻ liếc nhìn thái độ đó, quay về phía tôi:

- Đúng là Unkei. Trong mắt chẳng màng đến thiên hạ. Ra cái điều anh hùng trong thiên hạ chỉ có mình và hộ pháp. Đáng phục.

Tôi nghĩ anh này nói hay. Nhìn anh ta một chút, anh ta lại nói tiếp ngay:

- Xem cái cách dùng búa và đục kìa, đạt đến biên giới của an nhiên tự tại rồi đấy.

Lúc này Unkei đang khắc ngang, hơi cao một chút trên đôi lông mày đậm. Răng đục dựng nghiêng, Unkei gõ búa từ trên cao xuống. Khi tôi vừa nghĩ tiếng cây ứng với tiếng búa, cây bị gọt nhẹ đi thì một loáng đã hiện lên một cái mũi với lỗ mũi nở ra như giận dữ. Cái cách cho lưỡi đục vào cây cũng chẳng hề do dự. Có thể thấy Unkei như chẳng hề có chút lưỡng lự nào.

- Mấy ai cầm đục tạo được cặp chân mày và cái mũi theo ý muốn mà không phác sẵn nhỉ?

Tôi thán phục và tự nói một mình thì người đàn ông trẻ lúc nãy nói:

- Cái gì, đó chẳng phải là cặp chân mày và cái mũi từ cái đục đó sao. Hai thứ y như thế bị chôn trong cây, bây giờ dùng đục và búa khắc ra thôi. Y như là đào đá từ trong đất ra, dứt khoát là thế rồi.

Lúc này, lần đầu tiên tôi mới nghĩ khắc tượng là công việc như vậy. Nếu vậy thì ai cũng có thể làm được. Tự nhiên tôi cũng muốn làm thử tượng thần hộ pháp nên quyết định không xem nữa và quay về nhà.

Tôi lôi từ trong hộp đồ nghề cái đục và cái búa vàng ra. Phía sau nhà có nhiều cây cao su bị cơn bão lần trước đánh đổ, tôi định đốt nên đã gom lại dồn đống rất nhiều.

Tôi lựa cây lớn nhất, bắt đầu đục thử thì bất hạnh thay, chẳng ra hình hộ pháp. Sau đó cũng chẳng may mắn chút nào. Lần thứ ba cũng không ra ông hộ pháp. Tôi thử với mớ cây gom được, cây này đến cây khác nhưng chẳng có cây nào chứa ông hộ pháp bên trong. Tôi ngộ ra cái cây thời Minh Trị không thể chôn ông hộ pháp bên trong được. Cuối cùng tôi cũng hiểu ra lý do tại sao Unkei sống đến ngày nay.


Đêm thứ bảy

Tôi đang đi trên chiếc tàu mà mọi thứ trên đó đều to lớn.

Chiếc tàu này, mỗi ngày, mỗi đêm bỏ lại làn khói đen, tiến về phía trước. Một âm thanh vang dội. Chiếc tàu đi về đâu tôi không biết. Chỉ thấy mặt trời như cặp đũa kim loại nung đỏ hiện lên từ cuối con sóng. Khi tôi còn đang thắc mắc, để lên đến đỉnh cột buồm, hẳn cũng mất chút ít thời gian thì chẳng biết từ lúc nào, chiếc tàu đã vượt qua một chiếc tàu lớn, xăm xăm băng về phía trước. Cuối cùng, nó lại như cặp đũa kim loại nung nóng bị chìm xuống đáy. Cứ mỗi lần như vậy, ở phía xa, con sóng xanh lại sủi màu đỏ sậm. Con tàu lại cất tiếng vang dội, hùng dũng đuổi theo dấu sóng đó. Đương nhiên là chẳng bao giờ đuổi kịp.

Một lần, tôi bắt chuyện với người đàn ông trên tàu:

- Con tàu này đi về hướng Tây phải không?

Người đàn ông nhìn tôi một lúc, ra vẻ kỳ lạ, hỏi ngược lại tôi:

- Sao?

- Tại tôi thấy nó cứ như đuổi theo Mặt trời lặn.

Người đàn ông cười ha hả rồi bỏ đi. Có tiếng người đồng thanh:

- Đích cuối của Mặt trời đi về hướng Tây là hướng Đông ư? Thật không? Hay quê hương của Mặt trời mọc từ hướng Đông là hướng Tây? Thật không? Thân tôi trên ngọn sóng. Gối là mái chèo. Trôi, trôi…

Tôi đi về đầu tàu xem thử, thấy đám đông ngư dân đang nắm chắc trong tay một cái lưới thật to.

Trái tim tôi tự nhiên co lại. Khi nào lên bờ được, chẳng biết. Cũng chẳng biết đi đâu. Chỉ thấy rõ một việc là con tàu cứ phun khói đen, lướt sóng mà đi. Sóng rất to, một màu xanh vô hạn. Có khi thành màu tím. Chỉ xung quanh tàu lúc nào cũng bọt tung trắng xóa. Tim tôi thắt lại. Tôi nghĩ thà chết đi còn hơn đi trên con tàu như thế này.

Bây giờ có rất nhiều người trên tàu. Hầu hết là những người kỳ lạ. Nhiều sắc mặt khác nhau. Trời chuyển sang u ám, khi con tàu hơi lắc lư, một người con gái tựa vào thành tàu, khóc rấm rứt. Tôi thấy chiếc khăn tay lau mắt màu trắng. Nàng mặc bộ đồ tây trông còn mới tinh. Khi nhìn nàng, tôi chợt nhận ra không chỉ mình đau khổ.

Một buổi tối, tôi lên boong tàu, một mình ngắm sao thì có một người đến hỏi tôi biết thiên văn học không? Tôi chán đến nỗi muốn chết đi cho rồi. Có cần phải biết thiên văn không? Và tôi im lặng. Thế rồi người đó kể tôi nghe câu chuyện Thất tinh có Kim Ngưu tinh. Người đó nói sao trời, biển cả đều do thần thánh tạo ra. Cuối cùng lại hỏi tôi có tin thần thánh không? Tôi im lặng nhìn bầu trời.

Có một lúc, tôi đi vào đại sảnh, chợt chú ý đến người con gái trẻ ăn mặc đỏm dáng đang chơi dương cầm. Bên cạnh nàng có một người đàn ông cao lớn, đẹp trai đứng hát. Tôi thấy miệng anh ta thật to. Hai người có vẻ như không quan tâm dến ai ngoài họ. Thậm chí có vẻ như họ quên cả mình đang đi trên tàu.

Tôi càng cảm thấy buồn chán hơn. Và quyết tâm tìm đến cái chết. Vì thế, vào một buổi tối, vừa lúc không có ai xung quanh, tôi quyết định nhảy xuống đại dương. Nhưng… khi chân tôi rời boong tàu, đúng vào khỏanh khắc dứt bỏ duyên phận với nó, đột nhiên tôi thấy tiếc sinh mạng mình. Từ đáy con tim, tôi nghĩ phải chi mình dừng lại thì hay biết mấy. Nhưng… muộn rồi. Tôi có tiếc nuối hay quyết tâm đi chăng nữa cũng phải chìm xuống biển sâu. Có điều, tôi vẫn nhận ra con tàu to lớn đến mức bản thân tôi đã rời tàu nhưng chân vẫn chưa chạm nước. Chẳng có gì để tôi bấu víu, tôi dần dần tiến gần mặt nước hơn. Tôi cố không để chân chạm nước nhưng vô vọng. Nước biển đen ngòm.

Lúc đó, con tàu như thường lệ, nhả khói đen và lướt qua. Tôi bắt đầu nhận ra rằng thà đi trên con tàu ấy, dù không biết đi về đâu cũng còn tốt hơn. Thế nhưng, tôi chẳng làm gì hơn được với nhận thức ấy mà im lặng chìm sâu vào những con sóng đen, ôm trong lòng nỗi hối tiếc và sự hoảng sợ vô hạn.


Đêm thứ tám

Tôi bước qua ngưỡng cửa tiệm hớt tóc, ba bốn người mặc kimono trắng cúi chào một lượt. Đứng chính giữa nhìn quanh, tôi thấy căn phòng hình vuông. Cửa sổ ở hai hướng, hai hướng còn lại treo gương. Cũng phải đến sáu tấm gương.

Tôi tiến đến trước một tấm gương và ngồi xuống. Thật là một cái ghế êm ái. Mặt tôi soi trong gương thật rõ ràng. Sau lưng là cửa sổ. Tôi thấy cả quầy thu tiền. Chẳng có ai ở đó. Nhìn ra cửa sổ, vài người đứng ngoài, tôi thấy từ hông họ trở lên.

Shotaro dắt một người con gái ngang qua. Shotaro đội chiếc mũ Panama mua từ lúc nào đó. Người con gái như được tạo ra. Cả hai có vẻ đắc ý điều gì. Tôi định nhìn kỹ mặt người con gái thì họ đã đi mất.

Người bán đậu hũ thổi kèn ngang qua. Chiếc kèn để sát miệng, má phồng ra như bị ong chích. Ông ta cứ phồng má đi ngang qua như vậy khiến tôi không cưỡng được tò mò. Tôi cứ nghĩ ông ta như dính với số phận bị ong chích.

Một geisha (9) xuất hiện. Nàng vẫn chưa hoá trang. Búi tóc kiểu shimada (10) lỏng lẻo, không được chăm chút. Khuôn mặt cũng còn ngái ngủ, sắc mặt cực kỳ khó coi. Nàng cúi đầu chào và hỏi gì đấy nhưng người nói chuyện chẳng buồn tiến ra.

Tiếp đến một người đàn ông to lớn mặc kimono trắng từ sau lưng tôi tiến đến, tay cầm kéo và lược, bắt đầu chỉnh đầu tôi. Tôi vuốt bộ râu rậm rạp của mình và hỏi nên làm thế nào với nó. Người đàn ông chẳng nói chẳng rằng cầm chiếc lược màu hổ phách, chải nhẹ lên đầu tôi. Tôi hỏi ông ta:

- Chà, cái đầu cũng vậy, làm sao nhỉ?

Ông ta cũng không trả lời, bắt đầu nhắp kéo xành xạch.

Tôi định nhìn bóng mình trong gương nên mở mắt, nào ngờ mỗi lần tiếng kéo vang lên, thấy mớ tóc đen bay lả tả, tự nhiên tôi hoảng sợ, vội nhắm mắt lại. Người đàn ông trắng lúc này nói:

- Ông anh thấy bán cá vàng phía trước chưa?

Tôi nói không thấy. Duy nhất lần đó, người đàn ông mở miệng, còn thì nhắp kéo liên tục. Thình lình có giọng nói to “nguy hiểm!” vang lên bên tai. Tôi mở bừng mắt thì thấy dưới ống tay áo người đàn ông trắng chiếc bánh xe đạp. Thấy cả càng xe của người phu xe. Người đàn ông trắng dùng hai tay xoay mặt tôi qua một bên. Tôi chẳng còn thấy chiếc xe và người phu đâu nữa. Tiếng kéo lại xạch xạch.

Người đàn ông trắng xoay mặt tôi qua ngang, bắt đầu cắt tóc ngang tai. Tóc không còn rơi trước mặt, tôi an tâm mở mắt. Có tiếng rao “bánh nếp hạt dẻ đây! Bánh nếp đê ê ê….”. Tiếng cái chày nhỏ giã vào cối bánh. Từ nhỏ tôi đã hay nhìn các gánh bánh nếp nên cũng muốn xem thử. Nhưng trong gương không hiện lên gì cả. Chỉ nghe tiếng giã nếp.

Tôi dùng hết nhãn lực của mình nhìn vào các góc gương. Ở quầy thu tiền, từ lúc nào đã có một người phụ nữ ở đó. Nàng có cặp lông mày đen dày, tóc búi kiểu ichogaeshi (11) mặc áo cổ may bằng vải đoạn màu đen trên chiếc áo mềm bằng gấm đứng đếm tiền. Hình như là tiền giấy mười yen. Nàng cúi gằm mặt chăm chú, lẩm nhẩm đếm. Cách đếm rõ là nhanh. Chẳng biết nàng sẽ đếm đến khi nào. Tiền chất trên đầu gối thật cao, cũng cả trăm tờ nhưng đếm bao nhiêu đi chăng nữa cũng chỉ trăm tờ.

Tôi nhìn mặt người phụ nữ và những tờ mười yen thì bên tai, tiếng người đàn ông mặc kimono trắng:

- Gội đầu thôi!

Vừa đúng tầm tôi đứng dậy thì hướng về quầy thu tiền. Ở đó chẳng có người phụ nữ lẫn tờ tiền nào, chẳng có gì cả.

Tôi ra phía trước trả tiền, thấy bên trái cửa ra vào có xếp năm cái thùng gỗ nhỏ. Bên trong có đầy cá vàng đỏ, cá vàng đốm, cá vàng mập, cá vàng ốm. Người bán cá ngồi sau đó, nhìn lũ cá trước mặt, mặt chảy dài. Như chẳng lưu tâm đến cuộc sống qua lại trước mắt. Tôi đứng nhìn người bán cá một lúc. Vậy mà người bán cá cũng không động đậy chút nào.


Đêm thứ chín

Cuộc sống trở nên ồn ã hẳn lên. Chiến tranh như sắp nổ ra. Lũ ngựa vô gia cư không có buổi trưa cũng chẳng có buổi tối, cứ giẫm quanh, chen chúc nhau, coi nhà như khu rừng tĩnh lặng.

Trong nhà có một người mẹ trẻ và đứa con lên ba. Người cha đã đi đâu đó. Người cha ra đi trong đêm tối không trăng, chân mang giày cỏ rơm, đầu trùm chiếc vải đen. Lúc đó, ngọn lửa trong chiếc chụp đèn bằng sáp ong trên tay người mẹ, trong đêm tối, chiếu dài cả cây cổ thụ trước hàng rào.

Người cha từ đó trở đi, không về nhà. Người mẹ ngày nào cũng hỏi đứa bé lên ba: “Cha đâu?”. Đứa con không nói gì. Một lúc sau nó mới trả lời “đằng kia”. Người mẹ lại hỏi: “Khi nào về?” thì đứa bé cũng chỉ trả lời “đằng kia” rồi cười. Người mẹ cũng cười, dạy đứa bé nói “bây giờ về” không biết bao nhiêu lần. Nhưng đứa bé chỉ nhớ mỗi “bây giờ”. Thỉnh thoảng, cũng có lúc khi bị hỏi “cha đâu?”, nó lại trả lời “bây giờ”.

Trời trở tối, bốn bề tĩnh lặng. Người mẹ thắt lại dây obi rồi đút đoản dao vào đó, buộc đứa bé trên lưng bằng sợi dây mỏng, lách ra cái cửa nhỏ. Người mẹ lúc nào cũng mang đôi dép rơm. Có lúc đứa bé vừa nghe tiếng dép rơm vừa ngủ quên trên lưng mẹ.

Ra khỏi nhà, thong thả xuống dốc về hướng Tây, có một cây ngân hạnh (icho) lớn. Lấy cây ngân hạnh này làm mốc, rẽ phải đi một đoạn, bên góc đường có một cổng đền bằng đá. Một bên là đồng ruộng, một bên là cỏ gấu mọc vào tận bên trong cổng. Băng qua cổng thì thấy một cây sồi sừng sững, u ám. Từ đó chừng hai mươi bước, con đường lát đá dẫn đến chân bậc tam cấp lên ngôi đền. Bên trên thùng lạc quyên đã xám xịt vì khói hương, một sợi dây chuông to được cột treo lủng lẳng. Buổi trưa, có thể thấy rõ bên cạnh chiếc chuông có tấm bảng tên đền. Kiểu chữ viết trên bảng ngồ ngộ. Ngoài ra còn có nhiều bảng khác. Đại khái là bảng tên những người quyên góp, thỉnh thoảng có vài tấm hình đao to.

Qua cổng đền, nơi cây sồi, lúc nào cũng có tiếng cú mèo kêu. Thỉnh thoảng có tiếng dép rơm lạo xạo. Đến trước đền, người mẹ rung chuông bằng sợi dây treo sẵn và vỗ tay, bái. Lúc này cú mèo không kêu nữa. Người mẹ thành tâm cầu nguyện cho chồng mình vô sự. Trong suy nghĩ của bà, hẳn việc chờ chồng của bà là đúng đạo lý, thể nào thần linh cũng nghe thấu tâm tư bà mà khiến ước nguyện thành sự thật.

Đứa bé vì tiếng chuông mà mở mắt dậy. Nhìn xung quanh, trời tối đen, nên trên lưng mẹ, nó cất tiếng khóc. Cũng có lúc nó giật mình khóc không vì gì cả. Nhưng dù sao đi nữa người mẹ cũng không đứng lâu.

Sau khi cầu nguyện cho chồng bên ngoài rồi, người mẹ nới dây như muốn thả con xuống, rồi kéo ra phía trước. Hai tay vừa ôm con vừa tiến vào trong đền, dỗ:

- Con ngoan, chờ chút thôi mà.

Nói rồi lại nới sợi dây mỏng dài ra, buộc lại đứa bé, bước vào chính điện. Sau đó bà quay ra con đường đá hai mươi buớc, cứ thế đi đi lại cũng dễ đến trăm lần.

Trong đêm tối, trong vòng dây buộc, đứa bé co người gọn dọc sợi dây. Được như vậy thì đêm đó người mẹ rất thoải mái. Nhưng nếu đứa trẻ khóc, người mẹ như không chịu nổi, tiếng bước chân nhanh hơn. Cũng có lúc không có cách nào khác, người mẹ lại lên chính điện, loay hoay tìm cách, hoặc có lúc phải lặp lại công việc bước một trăm bước đó.

Cứ như vậy, người mẹ với những đêm không ngủ, lo lắng cầu nguyện cho chồng mà vào thời xưa vẫn thường bị quân lang bạt sát hại.

Câu chuyện buồn này, tôi nghe mẹ kể trong giấc mơ.


Đêm thứ mười

Shotaro thất thểu trở về vào đêm thứ bảy kể từ khi bị người con gái bắt đi, đến báo với Ken là mình bị sốt và mắc bệnh.

Shotaro đẹp trai nhất vùng và là người lương thiện, chánh trực. Anh chỉ có một thú vui là cứ đến chiều tối, anh đội nón kiểu Panama, đi đến tiệm trái cây Mizugashi nhìn các cô gái qua lại. Cứ thế ngồi ngắm hoài không thôi. Ngoài chuyện này ra chẳng có gì đặc sắc hơn.

Nếu hôm nào có ít các cô gái qua lại thì anh ta ngắm tiệm Mizugashi. Trong tiệm có đủ thứ trái cây. Đào, táo, biwa, chuối được sắp xếp đẹp đẽ trong rổ, sẵn sàng thành một món quà cho khách mua về. Shotaro nhìn những rổ trái cây rồi khen đẹp và nói làm ăn thì chỉ có tiệm Mizugashi này mà thôi. Nói rồi xoay xoay cái mũ Panama chơi.

Cũng có lúc anh ta bình phẩm màu trái cây, khen màu này đẹp. Nhưng tuyệt nhiên, không bỏ tiền ra mua bao giờ. Không ăn. Chỉ ngắm nhìn màu sắc.

Một buổi chiều, có một người con gái dừng chân trước cửa tiệm. Nàng ăn bận rất đẹp, bộ kimono gây sự chú ý của Shotaro. Hơn thế nữa, Shotaro tỏ ra rất quan tâm đến khuôn mặt người con gái. Anh chộp lấy cái mũ quí, ra điệu chào hỏi lịch sự.

Người con gái chỉ vào giỏ trái cây to nhất nói: “Bán cho tôi giỏ này”. Shotaro lấy giỏ trái cây trao ngay. Người con gái đỡ lấy, ước lượng, “nặng quá nhỉ”.

Shotaro vốn là người rảnh rang lại rất tử tế với phụ nữ, liền nói: “Cậy tôi đem đến nhà giúp cô nhé”, rồi cùng người con gái rời khỏi tiệm. Từ đó không thấy anh trở về.

Khi người thân và bạn bè còn đang bàn tán chuyện, dù là Shotaro đi chăng nữa thì cũng đâu phải việc gì quan trọng, thì đêm thứ bảy, Shotaro thất thểu về đến. Đám đông người tập trung hỏi: “Anh Sho đã đi đâu vậy?”. Shotaro trả lời: “Tôi đón tàu đi núi đó mà”.

Theo lời Shotaro, đó là một chiếc tàu thật dài, khi xuống tàu, thảo nguyên hiện ra trước mặt. Một cánh đồng cỏ bao la, nhìn đâu cũng chỉ thấy cỏ xanh rờn. Lúc ấy, người con gái bảo Shotaro thử bay xuống dưới. Nhìn xuống, chỉ thấy vách đá mà không thấy đáy vực. Shotaro lấy mũ xuống, cúi chào. Người con gái lại nói: “Nếu không nhảy xuống, liệu anh có thích bị lợn liếm không?”. Shotaro vốn rất ghét lợn và quan phủ cánh tả. Rồi nghĩ không thể đánh đổi sinh mạng nên từ chối nhảy xuống. Nhưng khi một con lợn ục ịch tiến đến, Shotaro bí cách, lấy dây trầu cầm trên tay nãy giờ quất vào đầu con lợn. Nó khịt mũi, dễ dàng quay đầu rơi xuống vực.

Shotaro chưa kịp thở phào thì một con lợn khác dùng cái mũi to xông vào. Shotaro không ngừng quất vào nó, con lợn lại quay ngoắt và lăn xuống vực. Lại một con khác xuất hiện. Shotaro giật mình nhìn về phía trước. Từ thảo nguyên xanh, dài dằng dặc trước mắt, hàng vạn con lợn, không thể nào đếm xuể, xếp thành một hàng nhắm thẳng Shotaro đang tuyệt vọng, khịt khịt tiến đến. Shotaro hoảng sợ tột cùng. Trong bước đường cùng, Shotaro cứ cầm vũ khí đang có nhắm vào đầu từng con lợn nào tiến đến gần mình. Một điều lạ là sợi dây trầu vũ khí đó chạm vào mũi là con lợn quay ra, lăn xuống vực. Thử nhìn xuống vực, giờ đây lợn xếp hàng hàng lớp lớp. Shotaro trở nên sợ hãi khi nghĩ mình đã đuổi bấy nhiêu con lợn xuống vực. Đàn lợn vẫn cứ khịt khịt mũi tiến đến, đông vô kể như thể giẫm nát cỏ, mây đen phủ cả chân.

Shotaro quyết chí lấy lại lòng dũng cảm, chiến đấu với lũ lợn bảy ngày sáu đêm. Nhưng sức cùng lực kiệt, tay nhão ra, cuối cùng bị lợn liếm và đổ sụp bên bờ vực tuyệt vọng.

Ken nói chuyện của Shotaro đến đây thôi, vì vậy ngắm nhìn con gái là không tốt đâu nhé. Tôi cũng nghĩ điều đó tệ nhất. Ken xin Shotaro cái mũ Panama. Shotaro nói nó chẳng có ích gì. Có lẽ cái mũ thành vật sở hữu của Ken chăng?


An Nhiên dịch từ nguyên tác tiếng Nhật


Chú thích:
(1) Buson: một nhà thơ haiku kiêm hoạ sĩ nổi tiếng Nhật Bản.
(2) Tranh Phật giáo vẽ cảnh Bồ Tát Văn Thù (Monju) cưỡi sư tử, dắt theo tín đồ cưỡi mây, vượt biển.
(3) 1 sun bằng khoảng 3 cm.
(4) Imori: một loài sinh vật lưỡng cư, như tắc kè, rắn mối. Còn gọi là con sa giông.
(5) Niên hiệu của Nhật. Năm 1808.
(6) Chén uống trà trong nghệ thuật trà đạo của Nhật rất to, khoảng bằng một cái tô (bát lớn) dùng trong bữa ăn của người Việt.
(7) Fuji: một loại hoa dây leo màu hồng tím ở Nhật.
(8) Unkei: (không rõ năm sinh, năm mất), là một nhà sư Phật giáo tiêu biểu thời Kamakura của Nhật. Khoảng cuối thế kỷ XII, ông để lại nhiều danh tác trong công trình phục hưng chùa Todai (Todai ji - Đông Đại tự) ở Nara.
(9) Kỹ nữ Nhật Bản, được đào tạo từ nhỏ. Lấy nghệ thuật ca múa và trí tuệ làm trọng để tiếp khách.
(10) Viết tắt của Shimada mage - kiểu búi tóc tiêu biểu, phổ biến từ thời kỳ đầu Edo (1600- 1868) ở Nhật, dành cho các thiếu nữ chưa lập gia đình. Tóc trước và tóc sau được cột lại, búi thành búi to, dài.
(11) Kiểu tóc búi trước dài ra sau, lại chia thành 2 búi trái, phải. Rất thịnh hành vào cuối thời Edo.

Lý do tự nhiên khi không lại đi post truyện này thì hạ hồi phân giải muhahaaa

Ha hớn hở
21-07-2010, 08:14 PM
Thank weii, copy về chút tối đọc :D
À mà cái Waga hai gì gì là con mèo mà bạn Shige của NEWS nhại theo để viết Jweb đó đúng ko?

weii
21-07-2010, 08:24 PM
Hình như là có chế lại cái tên "Wagahai wa Shige dearu" thay cho Neko - con mèo. Còn nội dung thì weii chưa đọc.

Cái con mèo lắc lắc ở trên nhìn ghét quá :die_die:

Ha hớn hở
21-07-2010, 09:10 PM
Ừ đủng rồi, cái đó để dành cho fan gơ đọc thôi :)), bạn Shige viết nhật ký ở góc nhìn của con mèo, giống như là con mèo dòm bạn Shige coi làm gì rồi viết lại.
Nhìn con mèo đó 1 lát chóng mặt khùng luôn, mình để đó thôi miên người khác mà :))
Thôi lạc đề rồi, vẫn chưa đọc cái truyện trên, bỏ vào điện thoại tối đọc trước khi đi ngủ :D

Điêu
21-07-2010, 09:11 PM
A, yume juya đã được in trong quyển Mộng xuất bản ở VN rồi này.

kurin
14-11-2013, 07:54 PM
truyện này được dựng thành phim có kenichi matsuyama đóng nè :big_ love: sao không thấy ai làm sub vậy :crybaby: