PDA

View Full Version : [Truyện ngắn] Người hóa cáo (tác giả Nankichi Niimi)



Sayuri_chan
21-11-2010, 03:57 PM
Có bảy cậu bé đang đi trên con đường làng dưới ánh trăng. Một vài đứa còn rất bé, mới vừa đi học được khoảng một năm; những đứa khác lớn hơn một chút. Chúng đang trên đường đến đêm hội của một ngôi đền ở thị trấn gần đó, cách làng khoảng một dặm. Mặt trăng đang ở cao trên bầu trời, nên những cái bóng của mấy đứa trên mặt đất trông lùn tịt. Chúng rất thích thú. Những cái bóng của chúng, cái đầu thì to, cái chân mới ngắn chứ! Chúng đều cười. Mấy đứa còn thử thay đổi hình dạng cái bóng bằng cách chạy lên trước mấy bước. Vào đêm trăng sáng, bọn trẻ thường tưởng tượng ra đủ chuyện kỳ quặc và lý thú. Con đường chạy qua một ngọn đồi nhỏ, hơi dốc một chút. Khi tới đỉnh đồi, chúng đã có thể nghe văng vẳng tiếng sáo đêm hội theo làn gió nhẹ của đêm xuân vọng tới. Nghe tiếng sáo, chân chúng bước nhanh hơn, và một cậu bé bắt đầu tụt lại.

“Nhanh lên! Bun-rô-cu, nhanh lên", - bọn chúng gọi. Thực ra cậu bé có tên là Bun-rô-cu cũng đang cố hết sức để theo kịp những đứa khác. Ngay cả dưới ánh trăng, ta cũng có thể thấy cậu trắng trẻo, người gầy nhỏ và đôi mắt rất to.
“Em đi nhanh hết sức rồi đấy", - cậu đáp lại, giọng rền rĩ.
- "Chỉ tại đôi guốc này này. Guốc của mẹ, không phải của em". Quả vậy, đôi chân khẳng khiu của cậu đang đi đôi guốc người lớn, quá to so với bàn chân nhỏ tý tẹo. Khi đến thị trấn, việc đầu tiên là chúng vào một cửa hàng bán guốc nằm trên đường phố chính. Mẹ Bun-rô-cu đã bảo chúng mua hộ bà một đôi guốc mới cho nó. Iô-ôi-nô-ri, đứa lớn nhất bọn nói với vợ ông chủ hiệu, tay đặt lên vai Bun-rô-cu:
“Bà ơi, đây là con trai bác Sê-rô-cu thợ đóng thùng. Nó cần một đôi guốc đi vừa chân. Mẹ nó bảo sẽ gửi tiền bà sau". Những đứa khác đẩy Bun-rô-cu lên trước, để bà vợ ông chủ hiệu thấy mặt nó. Cậu con trai nhỏ của bác thợ đóng thùng thẳng người đứng yên, đôi mắt to thỉnh thoảng lại chớp chớp. Bà già cười, lấy từ trên giá xuống mấy đôi guốc mà bà nghĩ sẽ vừa chân cậu bé. Giống như một người cha, Iô-ôi-nô-ri ngồi xổm, cầm từng chiếc guốc ướm thử vào chân Bun-rô-cu. Bun-rô-cu đứng không cựa quậy và không nói gì. Là con một của bác thợ đóng thùng, nó được nuông chiều quá, và người khác thường làm mọi việc cho nó. Cuối cùng chúng cũng chọn được một đôi. Vừa đúng lúc Bun-rô-cu rút chân khỏi guốc, một bà rất già, lưng còng bước vào hiệu. Nhìn thấy cậu bé với đôi guốc mới, bà ta thầm thì, nửa như tự nói với mình, nửa như cho bọn trẻ nghe:
“Chà, chà. Bà không biết cháu là con cái nhà ai, nhưng nếu cháu xỏ chân vào đôi guốc mới lần đầu tiên vào ban đêm, chắc chắn cháu sẽ bị cáo bắt mất hồn". Mọi người lặng đi một lúc; lũ trẻ giương mắt nhìn bà già trân trân, tựa như chúng đang khiếp sợ. Rồi Iô-ôi-nô-ri kêu to:
“Không, không phải thế đâu".
“Đó chỉ là mê tín", - một đứa khác kêu lên. Bọn trẻ gật đầu đồng tình, nhưng trên nét mặt vẫn lộ vẻ lo lắng.
“Thôi được, để đấy cho bà. Bà sẽ giải lời nguyền cho cháu", - vợ ông chủ hiệu nói. Rồi bà làm động tác đánh diêm và đốt phía dưới hai chiếc guốc mới của Bun-rô-cu.
- "Nếu là đốt thật, ta sẽ thấy hai vệt muội đen đen bám vào guốc, làm cho nó không còn là guốc mới tinh nữa. Bây giờ, lời nguyền đã được giải. Mọi chuyện ổn cả. Chẳng còn cáo cầy nào bắt mất hồn cháu nữa".

Sau đó, bọn trẻ rời hiệu guốc, lên đường tới khu đền. ở đó đã dựng một sân khấu ngoài trời. Một số thiếu nữ đang biểu diễn điệu múa của các nàng tiên. Bọn trẻ đứng phía dưới, theo dõi các vũ nữ hai tay hai quạt xoay nhanh không thể tưởng được. Thỉnh thoảng bọn trẻ lại mút kẹo đang cầm trên tay, nhưng mắt vẫn không rời các vũ nữ. Mặt các cô đều đánh một lớp phấn trắng dày, nên phải mất một lúc, bọn chúng mới nhận ra được một cô là Tô-ne-cô làm ở nhà tắm công cộng trong làng.
“Kia kìa", - bọn trẻ cười khúc khích, thầm thì với nhau: -
"Chị Tô-ne-cô đấy". Xem múa được một lúc thì chúng thôi, và lách vào góc tối của khu đền để xem đốt pháo và bắn pháo hoa. Sau đó bắt đầu biểu diễn múa rối trên một cái bè có đèn ***g chiếu sáng.
Bọn trẻ len lỏi qua đám đông, lên tận hàng trên cùng, ngay trước sân khấu nổi, trông giống như cái ban-công. Một con rối đang nhảy nhót trên sân khấu. Bọn trẻ đứng nhìn. Con rối không ra người lớn, cũng không hẳn trẻ con, còn đôi mắt đen của nó lại sáng đến nỗi khó mà tin được rằng đó không phải là mắt người thực. Thỉnh thoảng con rối lại chớp mắt. Tất nhiên, bọn trẻ biết có người đứng đằng sau điều khiển con rối chớp mắt nhưng chúng vẫn thấy sợ mỗi khi đôi mắt ấy chớp chớp. Rồi con rối bỗng há miệng, cái lưỡi dài thè ra, xong lại ngậm ngay lại trước khi bọn trẻ kịp kêu ré lên vì bất ngờ. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, chúng kịp thấy mồm con rối đỏ lòm. Chúng cũng biết đó là do con người làm ra, giá vào ban ngày, chắc chúng đã cười khoái chí. Nhưng lúc này, không đứa nào cười. Dưới ánh đèn ***g, lố nhố những bóng người bí ẩn, một con rối biết chớp mắt, thè cái lưỡi đỏ loét ra khỏi cái mồm đỏ lòm lòm. Trông nó y như thật, nên bọn trẻ đâm ra sợ. Bọn chúng vẫn nhớ tới đôi guốc mới của Bun-rô-cu và lời bà già nói:
“Nếu ban đêm cháu đi đôi guốc mới, cháu sẽ bị cáo bắt mất hồn". Chúng cũng thấy là đã ở đám hội quá lâu. Tiếng pháo đã im, người dự hội thưa dần. Bọn trẻ cũng nhớ là đường về nhà chúng còn xa, lại phải qua đồi và những cánh đồng vắng vẻ. Chúng ra về. Trăng vẫn còn cao trên bầu trời. Nhưng nỗi hào hứng lúc đầu đã mất, nên ánh trăng không còn làm chúng vui thích nữa. Chúng bước đi lặng lẽ, tựa như mỗi đứa đều đang bận rộn nhìn vào cái thế giới bên trong của chúng. Khi tới đỉnh đồi, một đứa khum tay, ghé mồm nói thầm vào tai đứa đi cạnh. Thằng này thì thầm với đứa thứ ba; cứ thế tất cả bọn chúng đều biết bí mật, trừ Bun-rô-cu. Bọn chúng thì thầm với nhau thế này:
“Vợ ông chủ hiệu không giải được lời nguyền đâu, vì bà chỉ làm ra vẻ như là đánh diêm thôi". Bọn trẻ tiếp tục đi, họa hoằn mới dám thở mạnh, và không nói một lời. Chúng đang nghĩ đến một điều. Bị cáo bắt mất hồn thực sự nghĩa là thế nào? Có phải con cáo ở trong Bun-rô-cu? Hay đầu óc Bun-rô-cu biến thành đầu óc cáo, trong khi người nó vẫn y nguyên? Nếu đúng như thế, thì có lẽ con cáo đã chiếm được Bun-rô-cu rồi. Nhưng làm sao biết được, nếu Bun-rô-cu không nói ra?...
Lúc này chúng đang xuống dốc. Con đường chạy qua một cánh đồng cỏ thấp. Bọn trẻ đi nhanh hơn, và đều đang nghĩ về chuyện Bun-rô-cu và con cáo. Con đường đi ngang qua một cái ao, xung quanh có mấy cây mận. Đúng lúc qua đó, một đứa trong bọn ho nhẹ một cái. Đêm yên tĩnh, nên chúng nghe thấy rất rõ. Chúng nhìn nhau ngờ vực. Mọi vật đều yên ắng, và chúng dần dần nhận ra là Bun-rô-cu vừa ho. Bun-rô-cu ho! Điều đó nghĩa là thế nào? Càng nghĩ chúng càng tin đó không phải là tiếng ho, mà là tiếng kêu của con cáo thì đúng hơn.
“A-hèm", -Bun-rô-cu lại ho. Và lần này thì chúng nghĩ, không còn nghi ngờ gì nữa, chắc chắn có một con cáo đang ở trong bọn chúng. Sợ quá chúng càng bước nhanh hơn.

Nhà Bun-rô-cu ở trong một vườn cam đỏ, trong một lũng nhỏ cách xa các nhà khác. Muốn tới đó phải men theo một con đường hẹp, từ đường chính tách ra, chỗ gần cái cọn nước. Thường thường bọn trẻ vẫn phải đưa Bun-rô-cu về đến tận cổng nhà nó, bởi vì chúng biết Bun-rô-cu vốn được nuông chiều, nên chẳng tự làm được việc gì. Mẹ nó thường cho bọn trẻ cam và kẹo, bảo chúng giúp đỡ cậu con nhỏ của bà. Chẳng hạn như tối hôm nay, chúng phải cất công đến tận nhà đón Bun-rô-cu, rồi mới đi đến hội. Lúc này bọn trẻ đã tới chỗ cái cọn nước. Chúng có thể nhìn thấy con đường dốc vào nhà Bun-rô-cu đâm qua đám cỏ cao và biến mất. Không đứa nào dám nhúc nhích, cứ như đã quên khuấy đi là chúng vẫn thường đưa Bun-rô-cu về tận nhà. Nhưng thực ra chúng đâu có quên, mà là chúng sợ. Chúng sợ cậu bé Bun-rô-cu. Cuối cùng, một mình Bun-rô-cu rẽ xuống đường về nhà. Nhưng nó vẫn ngoái lại nhìn, há vọng rằng ít ra Iô-ôi-nô-ri cũng cùng đi với nó. Nhưng ngay cả Iô-ôi-nô-ri cũng không động đậy. Chỉ còn một mình, Bun- rô-cu men theo con đường nhỏ vào thung lũng sáng ánh trăng. Nó có thể nghe thấy tiếng kêu như bị nghẹn của lũ nhái ở gần đó. Bây giờ, khi đã về gần đến nhà, nó không còn ấm ức về chuyện mấy đứa lớn không cùng đi với nó nữa. Trước đây chúng vẫn thường làm thế. Đây là lần đầu tiên chúng không đưa nó về. Tuy Bun-rô- cu không phải đứa lanh lợi, nhưng ít ra nó cũng đủ nhạY cảm để hiểu chuyện gì đã xảy ra. Nó biết bọn kia thì thầm với nhau chuyện gì, và nghĩ thế nào khi nó ho. Bun-rô-cu nhớ lại, trên đường đi xem hội bọn kia đã tử tế giúp nó như thế nào. Nhưng sau khi nó xỏ chân vào đôi guốc mới, bọn chúng bắt đầu xa lánh nó.
“Chúng nghĩ cáo đã bắt mất hồn mình, vì thế chúng mới không còn thích mình nữa", -nó nghĩ. Nó cảm thấy đau lắm. Ngay cả Iô-ôi-nô-ri lớn hơn nó nhiều và bao giờ cũng tốt với nó, mà đêm nay cũng hành động rất lạ. Thường thì người bảo trợ này nhận ra ngay khi Bun-rô-cu cảm thấy lạnh và thường cho nó mượn cái áo khoác mặc cho ấm. Nhưng tối nay, Iô-ôi-nô-ri không hề đưa áo cho nó mượn, ngay cả khi Bun-rô-cu ho lần thứ hai.

Lúc này nó đã về tới cổng sau ở cuối hàng rào. Khi đẩy cánh cổng gỗ nhỏ, nó thấy bóng nó trên mặt đất. Đầu óc nó bỗng ngờ vực:
“Có thể con cáo đã lấy mất hồn mình. Nếu thế không biết bố mẹ mình sẽ đối xử với mình thế nào?
“ Bố nó đi dự cuộc họp của những người đóng thùng và chắc sẽ về muộn. Vì vậy mẹ Bun-rô-cu và nó quyết định đi ngủ, chứ không đợi bố nó về. Mặc dù đã bắt đầu đi học, Bun-rô-cu vẫn ngủ với mẹ. Quả thật vì là con một, nó được nuông chiều và chẳng tự làm được việc gì. Sau khi đã lên giường, mẹ nó bảo:
“Nào, kể mẹ nghe về đêm hội đi con", mẹ nó bao giờ cũng muốn biết tất cả những gì Bun-rô-cu đã làm. Khi nó đi học về, mẹ nó muốn biết tất cả những gì đã xảy ra ở đó. Và khi nó đi xem phim, mẹ nó muốn biết đầy đủ chuyện phim mà nó xem. Bun-rô-cu nói năng không được gãy gọn. Nó thường kể từng đoạn một, đang đoạn nọ lại xọ sang đoạn kia. Nhưng bao giờ mẹ nó cũng chăm chú nghe và có vẻ rất hài lòng với chuyện nó kể lại.
“Một trong những nàng tiên ấy là chị Tô-ne-cô làm ở nhà tắm công cộng mẹ ạ”, - Bun-rô-cu nói.
“Thế à?", - mẹ nó cười vui vẻ.
- "Những người khác là ai con có biết không?”
Bun-rô-cu mở to mắt như thể đang cố nhớ. Nhưng rồi nó nói một câu chẳng liên quan gì tới chuyện đêm hội.
“Mẹ ơi, có phải cáo sẽ lấy mất hồn của người nào đi đôi guốc mới lần đầu tiên vào ban đêm không, hả mẹ?" Bị hỏi bất ngờ, mẹ nó bối rối mất một lúc. Lúc đầu bà không hiểu Bun-rô-cu nói gì. Nhưng sau bà đoán chắc con bà có chuyện gì đó.
“Ai bảo con thế?" - Mẹ nó hỏi.
Bun-rô-cu lại nhắc lại câu hỏi, giọng nghiêm trang:
-"Có đúng thế không, mẹ?"
“Không, tất nhiên là không đúng. Đó là chuyện từ đời nào ấy, lâu lắm rồi. Khi đó người ta tin vào những chuyện như vậy".
“Thế là chuyện bịa, hả mẹ?"
“Ừ, chuyện bịa đấy mà".
“Mẹ chắc chứ?"
“Chắc, con ạ”. Bun-rô-cu im lặng một lúc. Hai con mắt to của nó liếc qua, liếc lại một hai lần. Cuối cùng nó hỏi:
“Nhưng nếu đúng là có chuyện như thế, thì mẹ sẽ làm gì?"
“Nhưng đúng chuyện gì hả con?" - Mẹ nó hỏi.
“Tức là con cáo lấy mất hồn của con, con biến thành con cáo, thì mẹ sẽ làm gì?" Mẹ nó cười phá lên.
“Nói đi, mẹ trả lời con đi". Nó bối rối lấy tay lắc lắc mẹ nó.
“À, à", - mẹ nó nói, có vẻ đang nghĩ ngợi: - "Nếu con biến thành cáo, tất nhiên là bố mẹ không thể để con ở nhà được nữa". Nghe mẹ nói, Bun-rô-cu buồn thiu.
“Thế thì con sẽ đi đâu?", - nó hỏi.
“Có lẽ là lên núi Ca-ra-xu-nê", - mẹ nó trả lời.
“Người ta bảo cáo vẫn thường sống ở đó".
“Nhưng lúc ấy bố mẹ sẽ làm gì?" Nét mặt bà mẹ trở nên rất nghiêm trang; đó là cách người lớn thường làm khi họ muốn trêu bọn trẻ:
“Bố mẹ sẽ bàn kỹ với nhau, và có lẽ sẽ bảo:
“Bây giờ Bun-rô-cu yêu quý của chúng ta đã hóa thành cáo, chúng ta chẳng còn niềm vui nào trên cõi đời này nữa. Thôi, chúng ta không làm người, mà cũng hóa thành cáo luôn".
“Bố mẹ cũng hóa thành cáo à?"
“Ừ, bố mẹ sẽ mua hai đôi guốc mới, và tối mai sẽ đi vào. Bằng cách đó, bố mẹ cũng sẽ hóa thành cáo. Rồi cả ba chúng ta cùng đến núi Ca-ra-xu-nê".
Mắt Bun-rô-cu càng mở to hơn.
“Có phải là ở phía tây, chỗ các ngọn núi cao không, hả mẹ?"
“Ừ, ở quận Si-ma-nê, tây nam Na-ra-oa".
“Ở sâu trong núi, hả mẹ?"
“Ừ. Ở đó phủ đầy thông".
“Thế có thợ săn không?"
“Con định nói là thợ săn có súng hả? Tất nhiên là có, bởi vì ở đó không có người, mà lại có rất nhiều thú".
“Nếu thợ săn họ bắn mình thì làm sao?"
“Chúng ta sẽ trốn vào hang sâu, chui vào một góc nằm im. Thế là thợ săn không nhìn thấy chúng ta".
“Nhưng khi tuyết rơi, không có đủ thức ăn, chúng ta sẽ phải ra ngoài kiếm ăn; lúc đó chó săn sẽ tìm thấy chúng ta".
“Thì chúng ta sẽ chạy thoát thân".
“Bố mẹ thì không sao, bởi vì bố mẹ lớn nên có thể chạy nhanh. Còn con chỉ là cáo con, con sẽ bị rớt lại đằng sau".
“Bố mẹ sẽ nắm hai chân con lôi theo".
“Trong khi chó săn đuổi sát phía sau?" Mẹ nó im lặng. Lát sau, bà nói, cái giọng chọc ghẹo không còn nữa:
“À, thế thì mẹ sẽ tập tễnh chạy chầm chậm sau con".
“Tại sao lại thế?" - Cậu bé hỏi.
“Vì bằng cách đó, chó sẽ chỉ cắn mẹ. Nó sẽ ngoạm mẹ vào mõm, cho đến khi thợ săn đến trói mẹ lại. Thế là cha và con sẽ đủ thời gian chạy thoát".
Bun-rô-cu kinh hoảng. Nó tròn xoe mắt nhìn mẹ.
“Đừng, mẹ. Đừng làm thế", - nó kêu: - "Thế thì con và bố sẽ mất mẹ".
“Nhưng không còn cách nào khác, con ạ”, - mẹ nó lặng lẽ nói.
- "Mẹ sẽ tập tễnh sau con, chậm dần, chậm dần".
“Mẹ không được làm thế! Không được! Không được!" - Bun- rô-cu hét lên, lăn lộn ở trên giường, làm rơi cả gối xuống đất. Sau đó nó ôm chặt mẹ nó một lát, nước mắt đầm đìa. Người mẹ cũng rơi nước mắt. Bà lén lau nước mắt bằng ống tay áo ngủ. Với tay lấy chiếc gối nhỏ, bà nhẹ nhàng đặt dưới đầu Bun-rô-cu.