PDA

View Full Version : [24/5/2011] Hồi ký của người VN đầu tiên nhận giải Nikkei châu Á



Hei
24-05-2011, 10:59 PM
Giải thưởng châu Á Nikkei Asia Prizes lần thứ 16 sẽ được trao cho nhà văn Bảo Ninh, tác giả "Nỗi buồn chiến tranh" vào ngày 25/5 tới. Đã có hai người Việt Nam từng nhận giải này, đó là đạo diễn Đặng Nhật Minh và GS Võ Tòng Xuân. Bee trích đăng một đoạn hồi ký của Đạo diễn Đặng Nhật Minh, để độc giả hiểu rõ hơn về giải thưởng này.

Vào một buổi sáng tháng 5 năm 1999, tôi vừa đánh răng rửa mặt xong thì có chuông điện thoại. Đầu dây nói là giọng một người đàn ông châu Á nói tiếng Pháp. Ông tự giới thiệu mình là đại diện của báo Nihon Keizai và thông báo: “Anh vừa được báo Nihon Keizai Shimbun của Nhật Bản quyết định trao giải thưởng về văn hóa năm 1999. Đây là Giải được trao hàng năm cho những nhân vật châu Á nổi bật trong ba lĩnh vực: kinh tế, khoa học công nghệ và văn hóa. Mỗi lĩnh vực một người”.

Cảm giác của tôi lúc ấy là ngạc nhiên pha lẫn vui mừng (ngạc nhiên là vì tôi chưa bao giờ được biết về giải này, và vui mừng vì nghe nói mình được giải). Một tuần sau tôi nhận được thông báo chính thức bằng văn bản kèm theo những thông tin cặn kẽ về giải thưởng. Nihon Keizai Shimbun là tờ thời báo kinh tế lớn nhất ở Nhật có số lượng phát hành 3 triệu số mỗi ngày cộng với 5 triệu số của các tờ báo phụ khác. Năm 1996 nhân kỷ niệm 100 năm ngày nhật báo ra đời người ta đã đặt ra Giải Nikkei Châu Á và đây là lần đầu tiên giải này được trao cho một người Việt Nam (Năm 2001, giải này được trao cho một người Việt nam nữa là Giáo sư Võ Tòng Xuân, trong lĩnh vực nông nghiệp).


http://i1011.photobucket.com/albums/af238/heian_ryo/images705269_1.jpg
Đạo diễn Đặng Nhật Minh nhận giải thưởng Nikkei châu Á năm 1999.

Đến khi nghe tên và chức vụ của các vị trong Ban giám khảo (toàn là giáo sư đại học, nhà văn, nghệ sĩ nổi tiếng), đọc thành tích của những người nhận giải những năm trước, tôi bắt đầu nhận thức tầm quan trọng và ý nghĩa của giải thưởng này. Nhưng điều làm tôi cảm động hơn cả là lý do của việc trao giải được ghi trên tấm bằng: trong các phim của mình đã nói lên được tấm lòng của người Việt Nam và cũng là tấm lòng của người châu Á ra với thế giới. Tôi cảm động vì có người hiểu được mình, đánh giá đúng việc làm của mình.

Ban tổ chức lễ trao Giải mời tôi cùng với vợ sang Tokyo dự lễ trao giải vào cuối tháng 6. Tôi báo cáo việc này lên Ban Tư tưởng - Văn hóa, một thời gian khá lâu mới nhận được hồi âm.

Say đó, tôi cùng vợ lên đường đi Tokyo, trong lúc đó con gái tôi Đặng Phương Lan từ Budapest cũng bay sang để cùng dự lễ trao giải (cháu được bạn đài thọ ăn ở, còn vé máy bay phải tự túc).

Buổi lễ trao giải đã diễn ra trọng thể tại Khách sạn Okura với sự tham dự của toàn thể Ban giám khảo, lãnh đạo báo Nihon Keizai cùng rất đông quan khách trong đó có Đại sứ nước ta ở Nhật cùng tham tán văn hóa Đại sứ quán. Nhiều Việt kiều gặp tôi chúc mừng, cho rằng đây là vinh dự chung cho đất nước.

Tôi sung sướng được gặp bác Lê Văn Quý. Bác sang Nhật du học cùng cha tôi năm 1943, ở cùng một phòng trong Đông kinh học xá với cha tôi suốt 6 năm liền. Cha tôi nghiên cứu về y còn bác học về điện. Cha tôi về nước, bác ở lại làm việc sinh sống tại Nhật cho đến bây giờ và là một trong những kỹ sư có rất nhiều phát minh có giá trị ở Nhật

Theo thông lệ sau lễ trao giải, báo Nihon Keizai Shimbun tổ chức một Hội thảo quốc tế với chủ đề: Tương lai châu Á với sự có mặt của nhiều nguyên thủ quốc gia châu Á như Tổng thống Philippine, Thủ tướng Nhật Bản, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Thủ tướng Malaysia, Phó Thủ tướng Hàn Quốc, Thái Lan các Bộ trưởng ngoại giao Indonesia, Mianma, Thống đốc Ngân hàng Thái Lan và nhiều quan chức cao cấp trong Chính phủ Nhật. Phía Việt Nam có Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tôi cùng hai người vừa nhận giải (một nhà nghiên cứu nông nghiệp Trung Quốc, một nhà kinh tế Đài Loan) cũng được mời tham dự. Tại buổi tiệc chiêu đãi, chúng tôi đã được long trọng giới thiệu với tất cả các nguyên thủ quốc gia, các quan khách tham dự Hội nghị.

Trở về nước nhiều bạn bè đồng nghiệp mừng cho tôi (đa số là đồng nghiệp ở phía Nam gọi điện hoặc fax ra). Nhiều báo trong nước đưa tin.

Tôi cám ơn nước Nhật - nơi cha tôi đã từng tu nghiệp 7 năm, nơi có ông bà Tadao và Hisako Sato, những người đối với tôi như ruột thịt, cùng biết bao bạn bè thân thiết, nước Nhật đã từng tài trợ cho tôi làm phim, giới thiệu hầu hết các phim của tôi, mua và bảo quản nhiều phim tôi làm, nay lại tặng giải cho tôi...

Không biết duyên số nào đã gắn cuộc đời tôi với đất nước xa xôi ấy. Tôi chỉ biết tự nhủ lòng phải cố gắng để khỏi phụ cái ân tình này, có nghĩa là phải tiếp tục làm phim cho hay, chẳng biết có cách gì hơn...


Đạo diễn Đặng Nhật Minh