PDA

View Full Version : VN là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các công ty Nhật Bản



Taichi
20-06-2006, 07:12 PM
Tờ "Thời báo châu Á" (Asia Times) ngày 15-6 có bài nêu rõ: sau một thời gian dài hoan hỉ đầu tư vào Trung Quốc, giờ đây các công ty lớn của Nhật Bản bắt đầu kéo vào VN và coi đây là điểm đến đầu tư hấp dẫn không kém gì nước đông dân nhất thế giới.

Bài báo viết: kể từ năm 2005, các công ty danh tiếng của Nhật Bản đã thực hiện một loạt các cuộc đầu tư lớn vào VN như Yamaha Motor Co. với 48 triệu USD và Mabuchi Motor Co. với 40 triệu USD. Nippon Sheet Glass Co. liên doanh với một công ty VN xây dựng một nhà máy trị giá 145 triệu USD. Canon Inc. đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất máy in mới trị giá 70 triệu USD. Honda Motor Co. thông báo sẽ đầu tư 60 triệu USD vào một nhà máy sản xuất ôtô địa phương trong vòng 5 năm tới.

Rất nhiều các công ty vừa và nhỏ của Nhật Bản cũng đang lũ lượt kéo đến VN, trong đó có Nidec Corp., Kokuyo Co., Tokyo Seiko Co., Dainipon Ink and Chemicals Inc., Sumitomo Electric Industries Ltd. (SEI), Pentax Corp., NEC Soft, Cybozu, và các ngân hàng Mitsubishi UFJ, Sumitomo Mitsui Banking Corp.

Năm 2000, VN xếp thứ 8 trong số các địa bàn đầu tư của Nhật Bản, nhưng đến năm 2005 đã vươn lên vị trí thứ 4, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan. Còn đối với các công ty vừa và nhỏ của Nhật Bản thì Việt Nam là điểm đến số 2 sau Trung Quốc.

Năm 2005, Nhật Bản đầu tư khoảng 400 triệu USD vào 97 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới ở VN. Xét về số dự án đã được thông qua thì đó là con số kỷ lục, còn về giá trị thì Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ 3 vào Việt Nam, sau Hàn Quốc và Hồng Công. Thực tế, Nhật Bản có thể đứng thứ nhất vì một số cuộc đầu tư từ Hồng Công nhưng lại do các công ty do Nhật Bản cấp vốn ở Hồng Công thực hiện.

Nhật Bản được VN đánh giá là nhà đầu tư nước ngoài hiệu quả nhất, xét về tỷ lệ số vốn được thực hiện trong tổng số vốn cam kết. Trong thời gian 1988-2005, tổng số vốn đầu tư của Nhật Bản ở VN đã được thông qua là 6,2 tỷ USD, trong đó 74%, tức 4,5 tỷ USD, đã được thực hiện-là tỷ lệ thực hiện cao nhất trong số các nước và khu vực đầu tư vào VN tính đến nay. Như vậy, xét về vốn thực hiện trong thời gian trên, Nhật Bản là nhà đầu tư nhiều nhất vào VN.

Hiện nay đang diễn ra đợt bùng nổ đầu tư thứ hai của Nhật Bản nói riêng và nước ngoài nói chung ở VN. Đợt bùng nổ thứ nhất diễn ra vào giữa những năm 1990, sau khi Mỹ chấm dứt các biện pháp trừng phạt chống VN và thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với VN năm sau đó. FDI hàng năm của Nhật Bản vào Việt Nam đạt mức kỷ lục 1,13 tỷ USD năm 1995.

Theo điều tra đầu năm nay của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), VN là địa chỉ lựa chọn số một cho các công ty Nhật Bản đang hoạt động ở Trung Quốc và muốn chuyển hướng đầu tư sang nước thứ ba.

Mặc dù tổng số FDI hàng năm vào VN chỉ bằng khoảng 1/10 lượng FDI vào Trung Quốc (khoảng 6 tỷ so với 60 tỷ USD) và tầm cỡ kinh tế và dân số của VN còn nhỏ bé so với Trung Quốc, nhưng VN có lợi thế lao động rẻ, kinh tế có điều kiện duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, nên ngày càng trở thành địa chỉ đầu tư quen thuộc cho các công ty Nhật Bản đang muốn tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và muốn phân tán các rủi ro kinh doanh trên toàn địa bàn châu Á.

Hơn nữa, các công ty Nhật Bản hiện đang rất lo ngại về những rủi ro trong kinh doanh ở Trung Quốc vì nhiều lý do như dịch bệnh, biểu tình chống Nhật Bản, chi phí lao động tăng, thiếu điện, thiếu nước... và nhất là nhân tố tiền tệ. Về trung hạn và dài hạn, đồng nhân dân tệ chắc chắn sẽ được tăng giá, khiến các công ty Nhật Bản ở Trung Quốc mất đi lợi thế xuất khẩu.

VN, với số dân 82 triệu người, tự nó đã là một thị trường béo bở. Nhưng phần lớn các doanh nghiệp Nhật Bản nhìn VN như là một cơ sở sản xuất để xuất khẩu, chủ yếu sang các nước châu Á, kể cả Nhật Bản. Năm nay, VN kỷ niệm 20 năm thực hiện chính đổi mới nhằm mở cửa kinh tế và cải cách theo hướng thị trường tự do.

Kinh tế VN đã phục hồi hoàn toàn và đang trên đường tăng trưởng nhanh và vững chắc. Thực tế VN là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á, với nhịp độ dự báo khoảng 7,8 % năm 2006 và 8% năm 2007, nhờ đầu tư nước ngoài và nhu cầu trong nước tăng mạnh.

Trong khi thương lượng một thoả thuận thương mại tự do (FTA) với Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) nói chung, Nhật Bản cũng dự kiến thương lượng một FTA riêng rẽ với VN vào cuối năm nay. VN và Mỹ đã ký một thoả thuận thương mại vào cuối tháng 5-2006, mở đường cho VN trở thành viên WTO vào cuối năm nay. Vào WTO, VN sẽ mở cửa rộng hơn thị trường cho nước ngoài cạnh tranh đầu tư và buôn bán. Nhật Bản sẽ có nhiều cơ hội để đẩy mạnh đầu tư vào VN.

Kể từ năm 1995, Nhật Bản là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) nhiều nhất cho Việt Nam với khoảng 869,5 triệu USD/năm. Trong khi VN là nguồn cung cấp tiềm năng quan trọng dầu mỏ và khí đốt cho nước Nhật Bản vốn đang đói năng lượng.

Trong ASEAN, VN là nước lớn thứ 2, sau Inđônêxia về dân số, và lại có vị trí quan trọng về địa lý-chính trị do có biên giới chung với Trung Quốc. Do đó, VN cũng là một địa chỉ rất quan trọng cho các nước ngoài ASEAN như Trung Quốc và Nhật Bản tăng cường viện trợ và đầu tư để mở rộng quan hệ với ASEAN cũng như ảnh hưởng chính trị trong khu vực nói chung.

Ngoài ra Nhật Bản cũng tăng cường hợp tác kỹ thuật và nghiên cứu chính sách để giúp VN phát triển kinh tế thị trường. Các chương trình hợp tác này rõ ràng đang làm tăng thêm lòng tin của các nhà đầu tư Nhật Bản vào VN.
Theo vnn