PDA

View Full Version : [29/5/2011] Xuất khẩu hàng sang Nhật: Tăng lượng, nâng chất



Hei
29-05-2011, 04:39 PM
(TBKTSG) - Cơ hội nâng giá trị xuất khẩu Khu vực xảy ra thảm họa động đất, sóng thần của Nhật Bản, ba tỉnh nằm gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daichi, đặc biệt là Sendai, là khu vực nghề cá quan trọng và là nơi tập trung số lượng lớn nhà máy chế biến, cung cấp đến 25% tổng sản lượng hải sản của Nhật Bản. Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food, đây là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.



http://i1011.photobucket.com/albums/af238/heian_ryo/cc50e_ca-tra--1_200.jpg
Chế biến cá tại một doanh nghiệp ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện mỗi tháng Sài Gòn Food xuất khẩu sang thị trường Nhật khoảng 350 tấn hải sản thành phẩm, với kim ngạch xuất khẩu 1 triệu đô la Mỹ. Dù không tăng được sản lượng, do năng lực sản xuất, nhưng đây là thời điểm tốt nhất để hàng xuất khẩu của Việt Nam “nâng chất” theo hướng tăng giá trị cho mỗi đơn vị hàng xuất khẩu. Sài Gòn Food đã đầu tư thêm thiết bị máy móc, cải tiến công nghệ tập trung làm hàng hải sản giá trị gia tăng cho thị trường Nhật.

Ông Hòa cho biết, thời gian trước mỗi ki lô gam phi lê cá đông lạnh xuất sang Nhật, công ty chỉ thu được 80 cent/ki lô gam. Hiện với những sản phẩm hải sản chế biến sâu, cụ thể là các loại sản phẩm sushi, giá xuất khẩu sang Nhật của công ty đã lên tới 3 đô la Mỹ/ki lô gam. Những mặt hàng sushi và các sản phẩm hải sản qua chế biến chuyên sâu của công ty đã chiếm đến 50% tổng sản lượng xuất khẩu. “Ngoài việc thuyết phục các nhà nhập khẩu Nhật chấp nhận mua hàng hải sản qua chế biến chuyên sâu, doanh nghiệp buộc phải thay đổi toàn bộ quy trình sản xuất, từ công nghệ máy móc cho đến việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Hòa cho biết.

Đẩy mạnh và mở rộng làm việc với những nhà bán lẻ trực tiếp ở Nhật cũng là cách để các doanh nghiệp thu được giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm nhiều hơn. Sau sáu năm thâm nhập và giữ vững chất lượng sản phẩm, Sài Gòn Food cũng đã đưa được những sản phẩm sushi của công ty vào các hệ thống cửa hàng bán lẻ của Nhật, như chuỗi cửa hàng 100 yen (cửa hàng đồng giá) chuyên phân phối các mặt hàng hải sản, sushi của Nhật. Xuất trực tiếp qua các nhà bán lẻ của Nhật, không thông qua những nhà nhập khẩu trung gian, doanh nghiệp có thể tăng được ít nhất 30% lợi nhuận từ cách làm này.

Nhưng với những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, người Nhật rất khắt khe trong việc chọn lựa các nhà nhập khẩu. Chỉ cần một mẫu hàng bị nhiễm vi sinh, các nhà nhập khẩu sẽ đổ bỏ toàn bộ lô hàng xuất khẩu. Nếu doanh nghiệp trong nước không tận dụng cơ hội này, để chiếm lấy thị phần từ Nhật, cơ hội này sẽ thuộc về Thái Lan, Trung Quốc, các quốc gia này cũng đang tăng cường đẩy mạnh xuất hàng giá trị gia tăng vào Nhật trong những tháng qua.

Theo giám đốc một doanh nghiệp thủy sản ở Cà Mau, do bị ảnh hưởng bởi động đất, sóng thần nên một số nhà máy chế biến hải sản của Nhật đã bị hư hỏng nặng. Trong quá trình tái thiết, sửa chữa các nhà máy, công đoạn chế biến đóng hộp các sản phẩm hải sản đã được chuyển sang Việt Nam thực hiện. “Nếu trước đây, chúng tôi chỉ xuất phi lê cá đông lạnh cho Nhật. Hiện tại, nhà nhập khẩu yêu cầu cắt khúc, tẩm gia vị, hút chân không... đảm bảo an toàn dùng để ăn sống”, vị giám đốc này nói. Những công đoạn chế biến sâu trước đây thực hiện ở Nhật nay chuyển sang Việt Nam, công ty ông không những được trả thêm 30% mà còn học được công nghệ chế biến sushi từ những chuyên gia Nhật. Phía Nhật cam kết nếu đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, họ sẽ tiếp tục đặt những đơn hàng dài hạn với số lượng lớn.

Hiện những đơn hàng xuất khẩu thủy sản sang Nhật của nhiều công ty đã tăng mạnh. Những doanh nghiệp vừa tiếp cận thị trường Nhật, xuất khẩu với số lượng ít sẽ có nhiều cơ hội gia tăng thị phần với giá bán tốt hơn, do nhu cầu thị trường đang tăng cao. Trong bối cảnh người tiêu dùng Nhật đang “thắt lưng buộc bụng”, tiết giảm chi phí nhằm tái thiết đất nước, giá xuất khẩu của các doanh nghiệp vẫn giữ ở mức cũ trước thời điểm xảy ra thảm họa là điều khá khả quan.

Tận dụng tốt những khoảng trống thị trường Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản đạt 7,73 tỉ đô la Mỹ, chiếm 10,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, tăng 23% so với năm 2009. Việt Nam xuất khẩu sang Nhật hàng dệt may, chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này, cáp điện chiếm 12%, máy móc thiết bị và phụ tùng ở mức 11,7% và thủy sản tương đương 11,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Nhưng thực tế tỷ trọng những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trong cơ cấu nhập khẩu của Nhật còn khá khiêm tốn. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu lên kế hoạch tăng thị phần xuất khẩu, khi Nhật bước vào giai đoạn tái thiết và kích cầu tiêu dùng.

Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty May Sài Gòn 3, cho biết sản phẩm dệt may trung bình đang có xu hướng phát triển tốt ở thị trường Nhật. Hiện những đơn hàng với phân khúc giá trung bình xuất khẩu sang thị trường Nhật của May Sài Gòn 3 đã tăng hơn 20% so với đầu năm 2011. Theo kế hoạch, trong năm 2011, công ty sẽ xuất khẩu sang thị trường Nhật khoảng 5 triệu sản phẩm, với mức kim ngạch xuất khẩu tương đương với 40 triệu đô la Mỹ. “Tình hình xuất khẩu sang Nhật ở thời điểm này của công ty khá tốt, với những đơn đặt hàng có được cho đến cuối năm 2011, dự kiến kim ngạch xuất khẩu của công ty sẽ tăng khoảng 20% so với kế hoạch đề ra”, ông Hồng nói. Các doanh nghiệp trong ngành nên tận dụng việc chuyển cơ cấu sản xuất các mặt hàng ở phân khúc giá trung bình để tăng số lượng hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật.

Cải tiến phương thức xuất khẩu FOB cũng đang được các doanh nghiệp thực hiện ở thị trường Nhật. Việc doanh nghiệp tự chủ nguồn nguyên phụ liệu, chủ động giới thiệu mẫu mã cho đối tác Nhật trong bối cảnh này cũng là cách để chiếm thêm thị phần ở thị trường này.

Tương tự, ở mặt hàng nhựa, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nhựa của Nhật Bản hàng năm khoảng 8 tỉ đô la Mỹ trong khi Việt Nam hiện mới chỉ xuất khẩu được khoảng 235 triệu đô la Mỹ sang thị trường này. Giám đốc một doanh nghiệp nhựa cho rằng, đây là một thị trường rất nhiều tiềm năng, song cũng rất khó tính với các quy định khắt khe về chất lượng hàng hóa. Để thâm nhập tốt thị trường Nhật trong giai đoạn tái thiết, các doanh nghiệp cần chú trọng đến chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của nhà nhập khẩu đưa ra. Bên cạnh đó, ngoài gia tăng số lượng hàng nhập khẩu, doanh nghiệp nên chú trọng đến việc nâng giá trị gia tăng cho các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này.


Sơn Nghĩa