PDA

View Full Version : Người Nhật và cơn sốt ngủ trưa.



Taichi
22-06-2006, 06:12 PM
Đối với học sinh cấp 3 trên khắp nước Nhật, bàn học là nơi lý tưởng để chợp mắt đôi phút giữa buổi trưa. Với các nhân viên văn phòng, bàn làm việc hay các salon ngủ trưa được họ tận dụng triệt để. Mục đích chỉ để nạp năng lượng cho những giờ lao động buổi chiều.

Tại một quốc gia vốn được cả thế giới biết đến vì tinh thần làm việc chăm chỉ, không mệt mỏi, người ta đang tiến hành một "cuộc cách mạng" nghỉ ngơi: chia sẻ giờ trưa với cơn buồn ngủ.

Năm ngoái, trường Phổ thông Meizen tại Fukuoka, một trung tâm phát triển phía nam Nhật Bản với 5 triệu dân, đã trở thành trường đầu tiên ở Nhật đưa ra cảnh báo về sức khoẻ tâm thần bằng việc khuyến khích tất cả học sinh trong trường ngủ trưa 15 phút ngay tại lớp sau bữa trưa. Nhiều học sinh ngủ trưa ở trường Meizen nhận được sự khuyến khích của thầy cô giáo qua những cử chỉ chăm sóc như vặn nhỏ đèn, mở nhạc cổ điển và đôi lúc ngủ cùng học sinh.

Tới nay, đã có nhiều trường theo gương trường Meizen và số khác cũng đang xem xét áp dụng biện pháp này.

Ngủ trưa để nạp thêm năng lượng

Từ lâu, ngủ trưa bị coi là biểu hiện của sự lười biếng trong một xã hội mà các chuyên gia gọi là "ít ngủ" nhất trái đất. Nhưng bỗng nhiên, họ lại trở nên tích cực với "sự lười biếng này" sau khi các nghiên cứu khoa học cho thấy giấc ngủ ngắn sau bữa trưa là phần không thể thiếu trong chế độ điều dưỡng hàng ngày, liên quan chặt chẽ tới việc tăng cường sự minh mẫn cho con người.

Đặc biệt được ưa thích trong các chế độ này là những hoạt động như tô màu cho sách hay chơi điện tử để thử trí thông minh bằng những tràng câu hỏi hoả tốc. Song sự xuất hiện của giấc ngủ ngắn buổi trưa có lẽ là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy sự quan tâm của người Nhật với việc tăng cường sức khoẻ tinh thần.

Trong 2 năm trở lại đây, các salon ngủ trưa đã phát triển mạnh tại các thành phố lớn ở Nhật. Napia, một salon kiểu này tại trung tâm Tokyo, đón tiếp khoảng 1.500 người. Nhân viên văn phòng sau những giờ làm việc mệt mỏi có thể tìm giấc ngủ trưa trên một chiếc giường thoải mái với giá khoảng 4,50 USD.

Người Nhật lý giải cho việc cần giấc ngủ trưa một cách rất khoa học. Các nghiên cứu về giấc ngủ của chuyên gia Nhật và nước ngoài cho thấy nhiều người cố không để giấc ngủ của họ kéo dài quá 30 phút để khỏi phải rơi vào giấc ngủ sâu hơn và thức giấc trong trạng thái mệt mỏi.

Sôi động thị trường dịch vụ ngủ trưa

Xuất phát từ kết luận trên, salon Napia đã mời khách hàng của mình một tách cà phê trước giờ ngủ trưa. Sẽ mất khoảng 20 phút để chất cafêin thấm vào cơ thể vì thế nó sẽ là cách làm người ta thức giấc một cách tự nhiên trong khoảng thời gian giới hạn này.


"Giấc ngủ ngắn là một phần quan trọng trong ngày làm việc của tôi", Kunikazu Tabata, một quản lý tài sản 39 tuổi thường ngủ trưa từ 1 năm nay phát biểu. Chỉnh sửa lại cà vạt và vuốt lại mái tóc hơi rối tại hành lang Napia sau giấc ngủ trưa 25 phút, anh nói tiếp: "Nền kinh tế càng phát triển, tôi càng có nhiều việc phải làm và chỉ được ngủ khoảng 5 tiếng buổi đêm. không có giấc ngủ ngắn này, tôi sẽ mệt mỏi cả ngày".

Các cửa hàng đồ gia dụng giờ bán những chiếc gối bàn. Một số công ty Nhật đã thành công trong việc buộc các công ty bảo hiểm trả chi phí cho giấc ngủ trưa của nhân viên tại salon, những nơi khác thì đang tính tới một kế hoạch khó tưởng tượng: ngủ trưa ngay tại văn phòng.

Một ngày nọ ở Bộ Môi trường Nhật Bản, vài nhân viên trẻ cố chớp thời gian ngắn ngủi còn lại của buổi trưa để chợp mắt. Bên trong khu văn phòng của tập đoàn ô tô Toyota tại Tokyo, giấc ngủ trưa để nạp năng lượng đã trở thành phổ biến, nhất là khi công ty này có quy tắc tắt đèn văn phòng vào giờ trưa để tiết kiệm năng lượng.

"Khi chúng tôi thấy mọi người ngủ trong giờ trưa, chúng tôi nghĩ "họ đang sẵn sàng để bỏ 100% sức lực cho buổi chiều", Paul Nolasco, phát ngôn viên của Toyota tại Tokyo nói. "Không ai bực mình vì chuyện này. Và không ai do dự chợp mắt đôi chút vào giờ trưa".

Ngủ trưa trong mắt người Nhật: từ quá khứ đến hiện tại

Hình ảnh những vị giám đốc kiệt sức ngủ gục trong những quán cà phê hay trên xe buýt, xe điện ngầm trở về nhà từ lâu là đặc điểm cố hữu của bức tranh đô thị Nhật. Trong quá khứ, giấc ngủ trưa tại văn phòng là nét xấu đối với xã hội Nhật, thậm chí quan niệm này cũng trở nên phổ biến ở Mỹ và châu Âu.

Nhưng theo một chuyên gia nghiên cứu giấc ngủ tại ĐH Kurume, miền nam Nhật Bản, quan niệm này bắt đầu thay đổi từ năm 2003 sau vụ việc một nhân viên điều khiển tàu tốc hành đã ngủ gật trên bàn lái. Dù cơ chế vận hành tự động của tàu ngăn chặn tai nạn xảy ra, song việc người lái tàu không có khả năng ngủ đủ ban đêm đã châm ngòi cho một cuộc tranh cãi trên cả nước.


"Người ta bắt đầu nhận thức rằng tình trạng thiếu ngủ thực sự đang làm chúng ta tụt dốc", chuyên gia Uchimura nói. Theo bà này, nhân viên Nhật trung bình chỉ ngủ 5-6 tiếng/đêm. "Để có thể làm việc khuya, bạn cần giấc ngủ ngắn ban ngày".

Tadao Hori, một chuyên gia nghiên cứu giấc ngủ khác tại ĐH Hiroshima cho rằng Nhật đang thực sự bị cuốn vào cơn sốt ngủ ngày. Ngủ trưa là một hoạt động khá phổ biến tại xã hội Nhật Bản xưa kia, đặc biệt là trong tầng lớp nông dân phải dậy từ sáng sớm. Tập quán này phát triển rộng trong thế kỷ 17 sau khi các nhà truyền giáo từ Bán đảo Iberian đã đem quan niệm ngủ ngày tới nước Nhật.

"Tôi không rõ liệu có phải tất cả các võ sĩ samurai đều ngủ ngày, nhưng tôi có thể nói rằng sau khi Nhật Bản được tiếp cận quan niệm "không ngủ ngày" từ các nước châu Âu như Anh, Đức, Pháp, việc ngủ ngày dần trở thành vết nhơ trong mắt người Nhật", Hori nói. "Nhờ trời, giờ đây quan niệm đó đã thay đổi".

Trở lại với trường Phổ thông Meizen, giấc ngủ ngắn bữa trưa đã đem lại lợi ích cho 991 học sinh tại đây khi kỳ nghỉ hè của họ bị chậm lại tới tận tháng 7. Theo Hiệu trưởng Shinei Otaka, kể từ khi chương trình ngủ trưa được giới thiệu vào tháng 6/2005, điểm kiểm tra của học sinh đã tăng đáng kể và báo cáo về tình trạng học sinh ngủ gật trong lớp đã giảm nhiều.

"Không thể so sánh cách sống của những em học sinh này với trẻ em ở Mỹ", Melissa Fabrose, giáo viên tiếng Anh tại trường Meizen phát biểu. "Đa phần những em này phải dậy từ khoảng 5h30 hoặc 6h sáng và nhiều em phải dùng phương tiện giao thông công cộng. Một số phải mất đến hơn 2 tiếng để đi xe và phải dành nhiều thời gian cho việc học. Chúng không có nhiều thời gian để ngủ".

Dù giấc ngủ trưa ở trường Meizen là hoàn toàn tự nguyện, nhưng các giáo viên trong trường rất khuyến khích việc này. Nhiều học sinh đã hồ hởi chớp lấy cơ hội. Masaki Chiba, học sinh 15 tuổi mơ ước làm nhà thiên văn học cho biết cậu chọn Meizen trong số 8 trường phổ thông ở khu vực mình vì nơi này có chương trình ngủ trưa.

"Có lúc em không thể ngủ vì những ràng buộc với câu lạc bộ thiên văn và em cảm thấy mình mất tập trung. Giấc ngủ trưa đã thay đổi cuộc sống của em", Masaki vui vẻ nói.

(theo vnn)