PDA

View Full Version : Bắc Triều Tiên đẩy Nhật lại gần Mỹ hơn



Minh Hiếu
01-07-2006, 10:04 AM
Sau chiến tranh Lạnh, nhiều người Nhật đã tự hỏi rằng mối quan hệ liên minh với Mỹ có thực sự cần thiết hay không. Trong một thập kỷ gần đây, ngày càng nhiều người cho rằng thắt chặt quan hệ quân sự với Washington là đúng, và nguyên nhân chính là Bắc Triều Tiên.

Nỗi lo sợ về việc Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị tiến hành thử tên lửa tầm xa lần đầu tiên kể từ năm 1988 khiến nhiều người Nhật một lần nữa cảm thấy rằng duy trì mối quan hệ với Washington là đúng đắn.

Những mối quan hệ chính trị giữa hai nước từ lâu đã rất khăng khít. Nhật Bản được bảo trợ bởi "chiếc ô hạt nhân" của Mỹ, và Washington hiện có hơn 50.000 quân trên đồn trú trên biển và đất liền Nhật Bản. Hai nước đang hướng tới mức độ hợp tác rộng lớn hơn.

Thái độ của Bình Nhưỡng rất có thể sẽ củng cố xu hướng này, thông qua việc hợp pháp hoá sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Đông Á và mở rộng vai trò của lực lượng phòng vệ Nhật Bản trên thế giới, trước mắt là để giúp đỡ các nước đồng minh trong khu vực.

"Mối đe doạ từ Bắc Triều Tiên sẽ khiến cho dư luận Nhật ủng hộ mối quan hệ liên minh gần gũi hơn nữa với Mỹ", Gerald Curtis, một chuyên gia chính trị tại Đại học Columbia, nhận định.

Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Triều Tiên đưa Tokyo và Washington xích lại gần nhau. Mối lo ngại về chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử của Bình Nhưỡng từng làm cho quan hệ liên minh giữa hai nước trở nên khăng khít hơn trong những năm giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước.

Năm 1998, Bắc Triều Tiên tiến hành bắn thử một quả tên lửa đạn đạo qua miền bắc Nhật Bản rồi rơi xuống Thái Bình Dương. Vụ bắn thử khiến dư luận lo ngại về sự an toàn của xứ sở hoa anh đào. Để đáp trả, Tokyo thực hiện ngay lập tức một chương trình thu thập tin tức tình báo bằng vệ tinh và tham gia vào dự án phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa với Washington.

Kể từ đó, Nhật Bản ngày càng tỏ ra lo ngại về Bắc Triều Tiên. Tại một hội nghị thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng vào năm 2002, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il thừa nhận tình báo nước này đã bắt cóc ít nhất 13 công dân Nhật vào những năm 70 và 80 của thế kỷ trước. Bình Nhưỡng đã trao trả 5 trong số những người bị bắt cóc và khẳng định rằng 8 người còn lại đã chết, nhưng Tokyo không tin.

Việc Bắc Triều Tiên có thể tiến hành thử tên lửa cho thấy chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của nước này đã đạt được những bước tiến đáng kể - một triển vọng đáng sợ đối với người dân Nhật Bản, nước từng phải hứng chịu 2 quả bom nguyên tử của Mỹ vào năm 1945. Trong tình thế hiện nay, một vụ thử tên lửa mới của Bình Nhưỡng có thể gây ra tác động ghê gớm hơn đối với Tokyo so với vụ thử năm 1998 và khiến nhiều người dân Nhật từ bỏ lập trường phản đối chiến tranh - cái mà họ đã giữ chặt trong tâm trí kể từ sau thất bại trong chiến tranh thế giới thứ hai.

"Một vụ thử tên lửa sẽ khiến người dân Nhật cảm thấy tăng cường sức mạnh phòng thủ quốc gia là cần thiết và thậm chí còn có thể dẫn tới một cuộc thảo luận về việc Nhật Bản có nên sở hữu vũ khí nguyên tử hay không", Takehiko Yamamoto, một chuyên gia về chính trị quốc tế tại Đại học Waseda, Tokyo, phát biểu.

Ngay cả khi kế hoạch thử tên lửa của Bình Nhưỡng không tồn tại thì Bắc Triều Tiên sẽ vẫn là một yếu tố quan trọng trong những toan tính phòng thủ của Tokyo.

Những lo ngại về an ninh là động lực chính đằng sau nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ và vị thế quân sự của Nhật Bản trên phạm vi thế giới.

Thủ tướng Junichiro Koizumi thậm chí còn sử dụng mối đe doạ từ Bắc Triều Tiên làm thí dụ minh hoạ cho dư luận thấy tầm quan trọng của mối quan hệ với Mỹ. Sau đó, ông đã thành công trong việc lý luận rằng Tokyo cần duy trì mối quan hệ đó bằng cách gửi quân tới Iraq vào năm 2004.

"Ngay cả khi không gặp phải Bắc Triều Tiên, giới lãnh đạo Nhật Bản vẫn muốn nước này có vai trò chủ động hơn trên thế giới, trong đó có cả lĩnh vực quân sự", Curtis nhận định.

Bình Nhưỡng không phải là mối quan ngại an ninh duy nhất của Nhật Bản. Tokyo ngày càng lo ngại về ngân sách quốc phòng của Trung Quốc. Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Aso mới đây đã khiến Bắc Kinh khó chịu khi gọi Trung Quốc là hiểm hoạ quân sự tiềm tàng đối với khu vực.

Cho dù Bắc Triều Tiên có thử tên lửa hay không thì, theo giới chức Mỹ, Washington sẽ "gặt hái" được một lợi ích mang tính chiến lược: thắt chặt hơn nữa sự hợp tác giữa hai nước kể từ năm 1998.

"Với những diễn biến trong mấy ngày qua, có thể thấy Mỹ và Nhật Bản đã trao đổi với nhau nhiều hơn về mối quan ngại chung", đại sứ Mỹ Thomas Schieffer phát biểu. "Tôi nghĩ rằng ít nhất thì hai nước đã tiến tới mức độ hợp tác chưa từng có tiền lệ trong lĩnh vực chia sẻ thông tin tình báo".

(vnexpress.net)
thongtinnhatban.net