PDA

View Full Version : [19/8/2011] Không thể ngồi đợi vốn từ Nhật



Hei
19-08-2011, 02:13 PM
Gần 16 triệu kết quả tìm kiếm trên Google cho từ khóa “cơ hội đầu tư Nhật Bản sau thảm họa động đất" (bằng tiếng Anh) là dẫn chứng thuyết phục cho sự quan tâm của cả thế giới với triển vọng kinh doanh đang mở ra từ đất nước Mặt trời mọc.


http://i1207.photobucket.com/albums/bb465/dahota/246_P10_DNTT.jpg

Hội thảo "Các kịch bản phục hồi và tái thiết Nhật Bản - Xu hướng đầu tư ra nước ngoài" vừa diễn ra tại Hà Nội, do Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam và Thời báo Kinh tế Nikkei Nhật Bản tổ chức được cho là đúng lúc các doanh nghiệp Nhật Bản khơi thông lại hoạt động đầu tư, xu hướng cạnh tranh đón vốn cũng hình thành. Trong con mắt của doanh nghiệp Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam đang có lợi thế nhất định do lịch sử quan hệ kinh tế, những điều kiện thuận lợi và phù hợp với việc trở thành cơ sở sản xuất cho các công ty Nhật Bản.

Xu hướng mới

Người ta nói rằng, thảm họa kép động đất - sóng thần mạnh nhất trong lịch sử, không chỉ tạo dư chấn về địa lý, mà còn tạo nên những dư chấn về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của Nhật Bản. Người Nhật cho rằng họ đã tự đánh mất cả một thập kỷ vừa qua khi không giữ được vị trí cường quốc kinh tế thứ 2.

Những thay đổi đó thể hiện rõ trong cuộc điều tra mới nhất đối với 130 doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản, cho thấy, 70% ý kiến cho rằng nền kinh tế Nhật Bản sẽ phục hồi lại sau thảm họa vào cuối năm 2011; 40% cho rằng trong vòng 3 năm tới sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh sang các nước châu Á, trong đó đại diện là Việt Nam. Thậm chí Chủ tịch Hội đồng quản trị Thời báo Kinh tế Nikkei - K. Osada còn khẳng định, xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản ra châu Á, đặc biệt là Việt Nam chưa bao giờ mạnh mẽ như bây giờ.

Việt Nam được coi là một mắt xích trong chuỗi giá trị và mạng sản xuất ở châu Á của các công ty Nhật Bản, trở thành nơi cung cấp sản phẩm trở lại Nhật Bản đặc biệt quan trọng. Việt Nam cũng có lợi thế trong việc cung cấp thực phẩm, địa chỉ du lịch và nghỉ dưỡng chữa bệnh của dân Nhật. Hơn thế nữa, vị thế địa-chính trị, kinh tế của Việt Nam đang được Nhật Bản xem trọng trong khu vực.

Một khảo sát trực tuyến mới đây trên tờ Nikkei với 346 người cho kết quả, Việt Nam được đánh giá hấp dẫn nhất để mở cơ sở sản xuất, vượt trội so với Ấn Độ ở thứ hai và Thái Lan, Indonesia (không gồm Trung Quốc). Có điều trong khi hầu hết các học giả đều cho rằng xu hướng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam sẽ mạnh hơn, thì Việt Nam vẫn còn lúng túng.

Hiện thực hóa cơ hội?

Tại Hội thảo nhiều ý kiến cho rằng, những nhát cuốc khởi công dự án, lễ cắt băng khánh thành nhà máy mới của doanh nghiệp Nhật Bản gần đây thiếu vắng, chưa cho thấy bức tranh đầu tư đã hiện thực hóa được cơ hội. Cam kết vốn đầu tư thể hiện bằng con số vẫn thấp, theo số liệu chính thức, vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam trong 7 tháng năm 2011 đạt gần 720 triệu USD, chỉ bằng khoảng một nửa con số của cùng kỳ năm trước. Dù là đầu tư có tăng nhanh trong vài tháng gần đây, nhưng xu hướng này chẳng có gì là khác biệt với những năm trước.

Phải chăng là ở giai đoạn tái thiết, dòng đầu tư từ doanh nghiệp Nhật Bản chỉ hướng vào các cơ xưởng đã có sẵn để mở rộng? thực tế là ngoài một số doanh nghiệp vừa mở rộng quy mô đầu tư, các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia Hội thảo lần này đều đã có địa chỉ tại Việt Nam.

Trong khi đó, dữ liệu về phục hồi hoạt động kinh tế của Nhật Bản cho thấy, tại thời điểm tháng 6/2011, sản xuất đã lấy lại 95% so với trước khi thảm họa. Tương tự, xuất khẩu bằng 94%; tiêu thụ nội địa bằng 98%.

Tuy nhiên, Tổng biên tập tờ Nikkei - N. Hasegawa lưu ý, thời của sản phẩm Nhật Bản với giá cao đi kèm chất lượng tốt có thể rất sớm thay đổi do khả năng gia tăng cạnh tranh hạn chế hơn. Doanh nghiệp Nhật Bản sẽ nhanh chóng chuyển hướng sang xuất khẩu dịch vụ, bao gồm cả việc cung cấp công nghệ và nguồn nhân lực cao.

Với thay đổi này, những lợi thế của Việt Nam sẽ được cân nhắc để phù hợp với từng dự án. Nhưng quy mô thị trường kém Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao và có hạn chế về khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại; cơ sở hạ tầng yếu kém và thiếu điện nghiêm trọng đều là điểm nghẽn lớn Việt Nam chưa dễ khắc phục trong ngắn hạn. Trong khi đó, những rủi ro đối với đầu tư, kinh doanh lại hiển hiện, lạm phát đang ở mức rất cao; chi phí lương tăng nhanh gấp 4 lần các nước ASEAN; thiếu điện và đình công trái quy định chưa được hạn chế…

Cùng với thời gian, "trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, cơ hội không chờ chúng ta". Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam - Y. Tanizaki nhắc nhở như vậy khi lưu ý về khả năng dòng đầu tư xuất phát từ Nhật Bản có thể rất nhanh chóng đổi hướng vào những thị trường mục tiêu khác, hay thậm chí là mất đi sự hưng phấn.


Cúc Nhi

Lawliet07
21-08-2011, 11:33 AM
Cảm thấy so với các nước trong khu vực Nhật khá là ưu tiên cho VN rồi mà mãi vẫn không phát triển được...lạm phát, lương tăng,suy thoái tiền tệ.Đủ thứ hầm bà lằng xí cấu.Nản quá...