PDA

View Full Version : [2/9/2011] Từ Kagoshima đến mũi Cà Mau



Hei
02-09-2011, 12:36 PM
TP - Ở miền U Minh hạ, Cà Mau, các nông dân đã quen với hình ảnh một tình nguyện viên Nhật Bản. Đó là anh Murota Keisuke, 26 tuổi.


http://i1207.photobucket.com/albums/bb465/dahota/107821_400.jpg
Keisuke cùng một người bạn Australia đi thăm nông dân U Minh.
Ảnh: X.T.

Keisuke đã tốt nghiệp ngành Khoa học xã hội tại Đại học Waseda. Anh đến U Minh hạ theo chương trình của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Văn phòng JICA phía Nam giới thiệu.

Keisuke sẽ làm việc tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện U Minh trong 24 tháng.

Công việc của anh là phụ trách lĩnh vực phát triển nông thôn và điều tra thị trường. Anh phải trực tiếp xuống các vùng nông thôn, tiếp xúc nông dân để tìm hiểu đời sống sản xuất, nắm bắt những suy nghĩ của nông dân trong việc phát triển kinh tế.

Anh cũng sẽ phải hỗ trợ họ về kiến thức, kỹ thuật trong sản xuất, cùng lãnh đạo huyện U Minh đề ra những giải pháp xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất ngư - nông - lâm nghiệp đạt hiệu quả. Những thông tin và trải nghiệm của Keisuke còn là cơ sở để JICA triển khai thực hiện 2 dự án là bảo tồn rừng và giảm nghèo trên lâm phần U Minh hạ, tỉnh Cà Mau vào quý 3-2011, với tổng mức đầu tư khoảng 3 - 4 triệu USD từ nguồn vốn không hoàn lại của chính phủ Nhật Bản.

Tháng 7-2011. Người dân các xã của huyện U Minh dường như đã quen thuộc với một người Á châu vừa quen vừa lạ. Quần short, áo thun, dép lê, đi một chiếc xe Honda Wave biển số 69 (biển số của tỉnh Cà Mau), lê la hết hang cùng ngõ hẻm của U Minh, nói chuyện với cán bộ xã, với nông dân, với cả trẻ con bằng thứ tiếng Việt bập bẹ.

Đến bữa, chàng ta ghé vào một quán cơm ven đường cất giọng “cho mót rao múng xa toi” (cho một đĩa rau muống xào tỏi). Dù không nghe rõ anh chàng Nhật Bản nói gì nhưng đã thành thói quen, cô bé chủ quán chỉ loáng một cái đã mang ra đĩa rau xào bốc khói nghi ngút. “Món này hôm nào vô ảnh cũng kêu à”, cô chủ quán bảo.

Anh chàng đó, tất nhiên là Keisuke. Khi đã thân quen, anh kéo tôi đi cùng một ngày để biết công việc của tình nguyện viên: “Buổi sáng, tôi tạt qua Phòng Nông nghiệp để boss (anh muốn nói lãnh đạo phòng) có trao đổi gì không. Rồi sẽ xuống các xã gặp nông dân.

Ở đây chủ yếu tôi làm việc với những người nuôi tôm, nuôi cua vì thủy sản là thế mạnh của vùng. Chiều tiếp tục xuống xã. Lâu lâu, tôi lên Cần Thơ, TPHCM để gặp các doanh nghiệp, tiếp thị về tôm, cua U Minh”.

Trên đường đi, Keisuke bảo: “Cách đây 5 năm, tôi có dịp qua Việt Nam du lịch. Và thấy rất khoái Việt Nam, khoái người Việt. Khi JICA có chương trình tình nguyện viên, tôi xung phong đi ngay”. Thật ngẫu nhiên, quê Murota Keisuke là vùng cực nam của Nhật Bản, giống như Cà Mau là cực nam của Việt Nam. Đó là tỉnh Kagoshima, trên đảo Kyushu.

“Nói đến Cà Mau, đến U Minh, người ta nghĩ ngay đến đầm lầy, rừng tràm, Kagoshima lại nổi tiếng với những chuỗi núi lửa mà đáng kể nhất là ngọn Sakurajima”, Keisuke nói. U Minh mang lại nguồn tôm cá phong phú, thơm ngọt ít nơi nào sánh bằng, trong khi dung nham của Sakurajima đã bồi đắp cho đất đai trong vùng những khoáng chất quý để tạo nên giống củ cải Daikon to bằng quả bóng, hay những con lươn Ibusuki lớn lạ thường.

Quay trở lại chuyện làm ăn của nông dân U Minh. Keisuke bảo, anh thấy vùng Cà Mau nói chung và U Minh nói riêng có nhiều điều kiện để phát triển nuôi trồng thủy sản. Tôm, cua ở đây chất lượng rất tốt nhưng người nông dân vẫn nghèo, vì “cung cách tổ chức sản xuất của các bạn chưa tốt”.

Theo anh, Việt Nam là quốc gia sản xuất tôm hàng đầu thế giới, gần đây đã vượt qua cả Malaysia. Tuy nhiên, có vẻ đa số lợi nhuận rơi cả vào tay những người làm trung gian (middlemen) do sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tổ chức của nông dân.

“Tôi cho rằng người nông dân Việt Nam nói chung và U Minh nói riêng cần có một tổ chức đại diện. Nhưng theo tôi, điều quan trọng là tổ chức ấy phải do chính họ lập ra, thực sự độc lập với chính quyền. Tôi cũng hiểu, tâm lý người nông dân Việt Nam còn nặng nề với khái niệm hợp tác xã kiểu cũ, cha chung không ai khóc, cơ chế nặng về hành chính nên không giúp họ phát triển kinh tế trong điều kiện ruộng đất hiện nay đã được giao trực tiếp cho họ”.

Keisuke bảo: Đa số người nông dân ở U Minh đang nuôi tôm theo kiểu truyền thống, tuy năng suất không cao nhưng chất lượng rất tốt. Kiểu sản xuất công nghiệp (dùng máy sục, chất hóa học, thức ăn công nghiệp…), tất nhiên năng suất tăng lên đáng kể nhưng chất lượng thì không thể sánh được với tôm nuôi truyền thống.

Keisuke bảo: tôi đã ăn cua Thượng Hải nổi tiếng, nhưng nói một cách nghiêm túc là cua Cà Mau còn ngon hơn, hơn nhiều so với cua ở Nhật. Nhưng vì sao người nước ngoài ít biết điều này?

Tôi hỏi, Keisuke thấy cán bộ Việt Nam thế nào. Anh nói: They’re really nice (Họ rất dễ mến). Nhưng nhận thấy tôi rõ ràng không chờ đợi câu trả lời xã giao ấy, Keisuke ngập ngừng: “Có vẻ họ hơi lười nhác, ít khi xuống cơ sở. Hầu hết thời gian họ ở công sở và cũng không thực sự làm hết công suất trong 8 giờ ấy. Một điều nữa là chẳng ai nói tiếng Anh, nên hầu như mọi việc tôi đều phải tự thân vận động”.



Xuân Thủy