PDA

View Full Version : Đại từ nhân xưng trong tiếng Nhật



Japanese_boy
18-10-2007, 07:17 PM
Đại từ nhân xưng ngôi thứ II あなた [anata]:

Một du học sinh được thầy giáo chủ nhiệm giới thiệu với thầy hiệu trưởng. Đang khi nói chuyện vui vẻ, người sinh viên đó đã hỏi thầy: あなたはどんな音楽が好きですか。[anata wa donna ongaku ga sukidesuka?] (“Bạn” thích loại nhạc nào?) thì trong phút chốc không khí bỗng nặng đi, có cái gì đó trong câu hỏi đã làm thầy cảm thấy khó chịu...

Trong xã hội Nhật, từ nhân xưng ngôi thứ II được cho là rất khó sử dụng, thậm chí người Nhật với nhau hầu như cũng không có cơ hội để dùng あなた [anata]. Hẳn nhiên, tránh dùng あなた [anata] là an toàn nhất.

Vậy thì lúc nào, ai nói với ai mới dùng ngôi thứ hai này? Cách biểu hiện này bộc lộ rõ nét cơ cấu ngôn ngữ phân biệt trên dưới trong xã hội Nhật. Cũng như ありがとう [arigatou], あなた [anata] không được dùng cho người lớn tuổi hơn mình, cấp trên hay bậc đàn anh.

Tuy nhiên, trong cơn phẫn nộ, bực tức, đôi khi người Nhật cũng lớn tiếng nói với vợ hay với bạn あなた! [anata] hoặc きみ! [kimi] (cậu, mày).

Một người bạn Nhật của tôi, biết rõ thời gian tôi đến Nhật mà sau hơn 2 tháng mới liên lạc được với tôi. Trong e-mail đầu tiên gửi cho tôi, có một đoạn chị đã viết 私もずっとあなたのことが気になっ いました [Watashi mo zutto anata no koto ga ki ni natteimashita.] (Tôi cũng đã luôn lo lắng về chị). Khi hỏi cách dùng あなた [anata] trong trường hợp này, tôi đã được giáo viên người Nhật giải thích là: dù là bạn thân nhưng người nói mang cương vị lớn hơn nên tỏ thái độ bậc đàn chị qua cách dùng あなた [anata].

Một điều lạ là từ あなた [anata] lại thường được in trong sách tiếng Nhật dành cho người nước ngoài. Điều này được cho là buộc phải làm. Bởi lẽ nếu không có chủ ngữ thì người nước ngoài học tiếng Nhật thường không thể đặt thành câu văn. Để tránh dùng ngôi thứ hai này, trong quá trình giảng dạy, giáo viên sẽ lưu ý cho người học.

Thực tế khi người Nhật nói chuyện với nhau, hầu như họ không dùng あなた [anata]. Đó cũng là lý do học sinh cấp II của Nhật khi học tiếng Anh cảm thấy ngường ngượng khi sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ hai “you”.

BONUS

Đối với cách xưng hô trong gia đình thì ông bố nói với vợ và các con là お前(omae) và tự xưng là 俺(ore). Còn vợ nói với chông thì là あなた、với các con là omae còn tự xưng là watashi ( Một đặc biệt ở đây là người phụ Nhật luôn tự nói mình là watashi trong mọi trường hợp). Còn các đứa con trai thì tự xưng là 僕(boku) và nói bố là お父さん、パパ、お父ちゃん, nói mẹ là お母さん、ママ、お母ちゃん。c n ra ngoài xã hội thì thưòng người ta gọi là tên của đối phương cọng với さん。 Còn đã là người trong cty or cùng là bạn bè học đại học thì theo tuổi mà xưng. Tự xưng là boku or ore, gọi bạn là omae or tên + kun(nếu đối phương nhỏ tuồi hơn) và tên + san (nếu đối phương lớn tuồi hơn)
Còn đối với từ きみ(君) là khi xếp gọi lính hoặc chàng trai gọi cô gái khi họ là tình nhân của nhau.
  例えば:  僕にとって 君は ても大切だよ。 ý là một câu tỏ tình của chang trai với cô gái, tạm dịch sát nghĩa là Đối với anh em là người rất quan trọng, còn hiểu rộng ra thì đây là ý chàng trai muốn cô gái hãy là người yêu của mình nhé.


Bổ sung thêm là trong tiếng lóng của Nhật, "ofukuro" tương đương với từ "bà già" hoặc "bà bô" trong tiếng Việt. Từ "oyaji" tương đương với từ "ông già", "ông bô". Dùng 2 từ này là không tôn trọng bố mẹ:give_up:. Các con cũng gọi bố mẹ mình ngắn gọn là "tosan" hoặc" kasan" với ý nghĩa không trang trọng

mininghe
22-11-2008, 12:47 AM
Bà thì là おばあさん(obaasan)
Ông là おじいさん(ojiisan)
Chú là  おじさん(ojisan)
Cô là   おばさん(obasan)

Japanese_boy
22-11-2008, 12:39 PM
Vợ của chú thì vẫn gọi là Obasan, Anh chị em họ là Itoko, Chú rể là Muko, Cô dâu là Yome

Các em gọi chị là Tên người + Neechan
Các em gọi anh là Niichan

Obocchama = công tử/để chỉ những thằng con trời đánh
Ojousan = quý cô (người đứng đắng)
Ojousama = phụ nữ/con gái ở tầng lớp cao, tiểu thư

Sayuri_chan
22-10-2011, 11:33 PM
私=わたし/わたくし=watashi/ watakushi
"Tôi": Dùng trong hoàn cảnh thông thường, lịch sự, trang trọng. Ví dụ khi bạn gặp người lạ, hoặc với người lớn tuổi hơn.
Số nhiều là: 私たち(わたしたち、watashi-tachi)


あなた=anata
Nghĩa: Anh, chị, bạn, ông, bà.
"Anata" là cách gọi lịch sự người mà bạn không thân thiết lắm, hoặc là cách gọi thân mật của người vợ với chồng.
Đây là cách gọi lịch sự với người mới quen, trong văn viết thì sẽ dùng chữ kanji là 貴方 (quý phương, anata) cho nam và 貴女 (quý nữ, anata) cho nữ. Chú ý là trong văn viết bạn không nên dùng chữ hiragana あなた trừ khi muốn gọi thân mật.
Số nhiều dạng lịch sự: 貴方がた(あなたがた、anatagata)= Quý vị, quý anh chị
Số nhiều dạng thân mật hay suồng sã: あなたたち(anatatachi)= Các bạn, các người
Các bạn cần chú ý là anata là dạng hết sức lịch sự, nhất là dạng số nhiều "anatagata" (các anh, các chị, các vị).


君=きみ=kimi
"Em": Cách gọi thân ái với người nghe ít tuổi hơn.
Bạn trai gọi bạn gái, thầy giáo gọi học sinh, người lớn tuổi hơn gọi đàn em.
君がそばにいなくて僕はさびしい。
Không có em bên cạnh anh rất cô đơn.


私=わたくし=watakushi
"Tôi" ở dạng lịch sự hơn "watashi", dùng trong các trường hợp buổi lễ hay không khí trang trọng.
Số nhiều: 私ども (watakushi domo)
Đây là cách xưng hô khiêm tốn nhất cho nhân xưng thứ nhất.


僕=ぼく=boku
"Tôi": Dùng cho nam giới trong các tình huống thân mật, ví dụ trong gia đình ("con", "cháu"), với thầy giáo ("em"), với bạn bè ("tôi", "tớ"), với bạn gái ("anh"). Chú ý là đây là dạng thân mật nhưng không hề suồng sã. Tránh dùng trong các tình huống trang trọng hay lễ nghi.


あたし=atashi
Là cách xưng "tôi" mà phụ nữ hay dùng. Giống "watashi" nhưng điệu đà hơn.


俺=おれ=ore
"Tôi, tao, tớ": Dùng cho trường hợp thân mật giữa bạn bè, với người thân thiết ít tuổi hơn hay dùng như "tao" là cách xưng hô ngoài đường phố.
Đây là cách mà những kẻ đấm đá ngoài đường hay xã hội đen thường xuyên nói, được coi là cách nói không lịch sự.
Tuy nhiên trong tiếng Nhật bạn trai có thể dùng "ore" với bạn gái và gọi bạn gái là "omae" ("mày").


お前=おまえ=omae
"Mày", "cậu" (bạn bè): Dùng cho đường phố. "Mae" là trước mặt, omae tạo thành danh từ chỉ người đứng trước mặt. Còn gọi chệch là おめえ (omee).
Bạn trai có thể gọi bạn gái không lịch sự là "omae".


手前=てまえ=temae, hay てめえ = temee
Nếu nói てまえ thì là dùng để chỉ bản thân, đôi khi gặp là 手前ども.
Còn てめえ mang nghĩa "mày" ở dạng còn mạnh hơn hơn "omae". Không nên dùng từ này trừ trong tình huống chửi bới.
Đây là cách xưng hô bất lịch sự nhất đối với nhân xưng thứ hai.


「てめえ」は「手前」が変化した語 す。

元々は「自分」を指す言葉で、自分 含む集団を遜って「手前ども」とも います。

口語で 相手に遜って自分を見るように促す い方として「お前(おめえ)」 よりも「手前(てめえ)」の方が強く聞 こえるため、
相手に対しても「てめえ」と呼ぶよ になったのでは・・・

どちらを指しているのかは、話の流 とかその人の言葉遣いから 判断するといいでしょう。


わし=washi
"Lão": Cách xưng "tôi" của người già, các bạn xem truyện tranh chắc hay thấy.


我々=われわれ=wareware
"Chúng ta": Bao gồm cả người nghe. "Watashi tachi" là "chúng tôi", không bao gồm người nghe.

Ví dụ: 我々サイゴン人は繊細な心を持って る人間です。
Chúng ta, những người Sài Gòn, là những người có tâm hồn nhạy cảm.


諸君=しょくん=shokun
(kanji: "chư quân")
"Các bạn": Xưng hô lịch sự với đám người ít tuổi hơn, như vua nói với binh lính, thầy giáo nói với học sinh, v.v...
Đây là cách nói khá văn chương, kiểu cách. Dạng lịch sự hơn sẽ là "anata gata".


Nguồn: http://www.saromalang.com

Sayuri_chan
24-10-2011, 12:30 AM
彼=かれ=kare
Nghĩa: Anh ấy, anh ta
Dùng gọi nam giới ngôi thứ ba. "~san" sẽ là dạng lịch sự hơn. "Kare" là cách gọi trung lập.
Số nhiều: 彼ら=かれら=karera
Chú ý là "kare" cũng dùng để chỉ "bạn trai", cách nói âu yếm hơn là "kareshi" (彼氏).
私の彼:Bạn trai tôi


彼女=かのじょ=kanojo
Nghĩa: Cô ấy, cô ta
Giống "kare" nhưng dùng cho nữ.
ぼくの彼女:Bạn gái của tôi


~さん=~san
Cách gọi thông thường với ai đó "Anh", "chị", "ông", "bà".
鈴木さん:Chị Suzuki
佐藤さん:Anh Satoh
高原さん:Ông Takahara
Đây là cách dùng thông thường với người lớn tuổi hơn, hay với người mà bạn không thân thiết lắm. Các bạn có thể dùng cách này để gọi người nghe hay gọi người nào đó với người nghe.


~君=~くん=~kun
"Bạn", "em" dùng để gọi bạn bè hay người nam dưới tuổi bạn. Các bạn nữ có thể gọi các bạn nam cùng lớp hay cùng nhóm. Có thể gọi "em" với người nam nhỏ tuổi hơn. Các bạn có thể dùng cách này để gọi người nghe hay gọi người nào đó với người nghe.
加藤君:Bạn Katoh


~ちゃん=~chan
Giống như "~kun" nhưng gọi cho nữ. Có thể dịch là "em", hay "bé".
マイちゃん:bé Mai


~様=~さま=~sama
Cách gọi lịch sự "ông", "bà", "ngài", "quý bà". Cách gọi này lịch sự hơn "~san".
Ví dụ: 高橋様 = Ngài Takahashi
Các bạn có thể dùng cách này với người mới quen mà bạn tôn kính, hay mối quan hệ công việc. Thường dùng để gọi trực tiếp người nghe.
お客様:Quý khách (okyaku sama)


~殿=~どの=~dono
(kanji: "điện")
Cách gọi lịch sự nhất với người nghe, trên cả "~sama". Sử dụng trong hoàn cảnh cực kỳ trang trọng.


お宅=おたく=otaku
"Otaku" vốn là từ dùng để gọi nhà của ai một cách lịch sự (taku = nhà, tư dinh), trong xưng hô là cách nói kiểu cách như kiểu "các hạ". Cách này là cách nói hết sức kiểu cách, thường hay dùng trong văn hóa "otaku" là văn hóa của những người đam mê manga Nhật Bản (trong đó các nhân vật gọi nhau hết sức kiểu cách.)



Nguồn: http://www.saromalang.com (http://www.saromalang.com/)

Sayuri_chan
25-10-2011, 12:04 AM
人=ひと=hito
Cách gọi thông thường, ví dụ:
その人: Người đó
安藤さんという人: Người gọi là anh Andoh


方=かた=kata
Cách gọi lịch sự. "Ngài ấy", "bà ấy", "quý cô đó".
その方: Quý bà đó
安藤さんとい方: Quý ông đó gọi là Andou.
Bạn nên dùng cách này để gọi người của đối phương.
Số nhiều: kata gata (gata là để cấu tạo số nhiều dạng tôn kính)


もの=mono
弊社の安西というものが対応いた し ます。
Anzai của công ty chúng tôi sẽ giải quyết.
Tên + "to iu mono" là cách gọi khiêm nhường người thuộc bên người nói, chú ý là trong trường hợp này chỉ dùng tên không mà không phải dạng "~san".


あいつ=aitsu
"Thằng đó", "hắn": Chỉ người thứ 3. Đây là cách gọi khinh miệt.
Số nhiều: あいつら (aitsura) bọn nó


こいつ=koitsu
"Thằng này": Gọi người nghe một cách khinh miệt


そいつ=soitsu
"Thằng đó": Gọi khinh miệt một người thứ 3 không có mặt


この野郎=このやろう=kono yarou
"Thằng chó này": Cách gọi nhục mạ người đối diện
(Tham khảo: ばか野郎=baka yarou = "thằng ngu, thằng ngốc" cũng là một cách gọi nhục mạ)
"yarou" là cách gọi miệt thị, ví dụ "sono yarou",...



Nguồn: http://www.saromalang.com (http://www.saromalang.com/)

Sayuri_chan
25-10-2011, 11:28 AM
Dạng lịch sự: Thêm "gata"
貴方がた: Quý vị, các bạn
方々(かたがた): Những người (dạng lịch sự hơn 人々 hitobito)


Dạng thông thường: Thêm "tachi"
あなたたち: Mấy người, các người
安西さんたち: Nhóm chị Anzai
子供たち: Lũ trẻ
友達(ともだち): Bạn bè
兵士たち: Những người lính
その人たち: Những người đó


Dạng suồng sã: Thêm "ra"
彼ら: Đám anh ấy, bọn họ, bọn anh ấy,
彼女ら: Đám chị ấy, bọn họ, bọn chị ấy
放浪者ら: Đám người lang thang
お前ら: Chúng mày
あいつら: Chúng nó


Các cách gọi khác trong tiếng Nhật
王様: ousama, vua
陛下様: Bệ hạ
閣下: kakka (các hạ) = các hạ (gọi đối phương là người cao quý một cách tôn kính)
小生: shousei (tiểu sinh) = tiểu sinh (tự gọi bản thân một cách khiêm tốn)

Ngoài ra có thể dùng danh từ chung để gọi như:
青年=せいねん=Thanh niên
若者=わかもの=Người trẻ tuổi


Nguồn: http://www.saromalang.com (http://www.saromalang.com/)

Như Thị Duyên
01-01-2012, 09:59 PM
Tôi nghe như vầy, một thuở nọ, người Việt thường kháo nhau rằng tiếng Việt rất phong phú trong việc thể hiện sắc thái biểu cảm của lời nói, đặc biệt là thông qua hệ thống đại từ nhân xưng dày đặc và nghiêm mật. Chẳng hạn, cũng khái niệm "you" trong tiếng Anh nhưng trong tiếng Việt, khi thì "anh", khi thì "chị", khi thì "em", vân vân. Tôi không rành nhiều ngôn ngữ ngoại quốc lắm nhưng tin chắc rằng điều này không phải là đặc trưng của riêng tiếng Việt. Biết đâu trong các thứ tiếng khác, hệ thống đại từ nhân xưng còn phức tạp và tinh mật hơn.

Trong phạm vi hiểu biết của mình, tôi nói tiếng Nhật cũng rất tinh mật và nghiêm ngặt trong việc sử dụng đại từ nhân xưng, không thua gì tiếng Việt. Bài viết này giới thiệu đến bạn đọc các đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai trong tiếng Nhật để giúp bạn đọc phần nào có cái nhìn bao quát hơn về ngôn ngữ Nhật Bản. Có những cái quý bạn đã được biết qua sách vở ở trường lớp, nhưng chắc hẳn cũng có cái chưa gặp lần nào. Thôi thì cứ coi như chuyện trà dư tửu hậu mấy ngày nhàn rỗi đầu năm vậy.

Dân tộc nào cũng có niềm tự hào của riêng mình, biết rõ mình, biết rõ người lại càng hay vậy.


*Lưu ý: bài này có sử dụng ký tự Nhật Bản, nếu máy tính của quý bạn không hiển thị được thì tải font chữ Nhật Bản theo link dưới đây và cài vào máy.

http://www.mediafire.com/?dg5otb9hgdm


Phần I: đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất


Đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất trong tiếng Nhật phần lớn là từ chức năng, nhất là trong tiểu thuyết, Anime hay Manga. Từ chức năng (yakuwari-go) là khái niệm do nhà ngôn ngữ học Kinsui Satoshi đề xuất, chỉ cách sử dụng từ ngữ nhằm gợi lên đặc điểm, phong cách, tuổi tác hay nghề nghiệp của người nói. Các đại danh từ trong bài này sẽ được nhóm theo tính chất của chúng, như phổ thông, lịch sự, lễ phép, cổ phong,..... (bao gồm cả từ địa phương). Và tất cả những từ này đều mang nghĩa chỉ về người nói, tôi, tao, tui, tau, tớ,....
Đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất trong tiếng Nhật có đặc điểm là cùng một chữ Hán nhưng tùy trường hợp mà đọc khác nhau và do đó, sắc thái cũng khác nhau.

Nhóm từ cổ phong: là những đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất được sử dụng thời cổ, hiện tại không còn dùng (trừ một vài trường hợp). Những từ này mang hơi hướng cổ trang, kiếm hiệp, giang hồ...

+ Wagahai (我輩, 吾輩, 我が輩, 吾が輩): mang tính tôn đại, trịnh trọng. Từ này nổi tiếng nhờ tác phẩm của văn Natsume Sōseki là "Wagahai wa neko dearu" (tôi là con mèo).

+ Soregashi (某): được nam giới thời trung cổ sử dụng, ban đầu mang tính khiêm nhường, sau mang tính trịnh trọng. Chủ yếu được các võ sĩ thời Chiến quốc sử dụng. Lưu ý là 某 còn có nhiều âm đọc khác như kure, nanigashi là đại từ nhân xưng không xác định chỉ người không biết tên.

+ Chin (朕): âm Hán Việt là "trẫm", được bậc Đế Vương Trung Hoa thời cổ sử dụng để tự xưng. Tại Nhật, từ này còn thấy trong các công văn của Thiên Hoàng nhưng sau Đệ nhị Thế chiến, từ này dần dà ít được dùng hơn. Thiên Hoàng hiện tại dùng watakushi để tự xưng. Trước chiến tranh, chin chỉ được dùng trong công văn và khi đọc trước đám đông, còn khi nói chuyện thì Thiên Hoàng Shōwa vẫn tự xưng là watashi.

+ Maro (麻呂, 麿): thời cổ, từ này được sử dụng trong tên của nam giới (như nhà thơ Kakinomoto Hitono-maro, 柿本人麻呂, thời Asuka) nhưng sau thời Heian thì nó chuyển thành đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, không phân biệt nam nữ. Hiện nay từ này chỉ còn thấy trong tiểu thuyết, là từ tự xưng của các công hầu.

+ Ware, Wa (我・吾): hiện tại không còn sử dụng trong văn nói mà chỉ thấy ở một số công văn mang tính chất trịnh trọng. Hiện tại nó còn được dùng như đại từ nhân xưng ngôi thứ hai trong tiếng địa phương vùng Kansai và dần mất đi cùng với nền giáo dục chuẩn sau thời Meiji. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn thấy những cách biểu hiện như waga-ie (我が家, nhà tôi), waga-kuni (我が国, nước ta) nhưng không mang tính trịnh trọng như vốn có của nó.

+ Yo (余, 予): được sử dụng sau thời Heian. Trước Đệ nhị Thế chiến, từ này được dùng không phân biệt thân phận vai vế nhưng sau chiến tranh, từ này chủ yếu được các đấng quân vương, phiên chúa sử dụng trong tiểu thuyết, phim ảnh lịch sử, võ hiệp...
Vd: một câu nổi tiếng của văn hào Nakazato Kaizan: 余は大衆作家にあらず (yo wa taishū sakka ni arazu): tôi không phải là nhà văn viết tiểu thuyết đại chúng.
Vd2: 余は力によって国を興した (trẫm chấn hưng đất nước bằng vũ lực)

+ Shōsei (小生): ngày xưa được nam giới dùng với sắc thái khiêm nhường, nay được sử dụng trong thư từ. Âm Hán Việt là "tiểu sinh" và từ này vẫn được sử dụng tại Việt Nam vài chục năm trước.

+ Gojin (吾人): được nam giới dùng trong thư văn thời cổ, nay ít dùng.

+ Gusei (愚生): ngày xưa được nam giới dùng với sắc thái khiêm nhường, nay được sử dụng trong thư từ. Âm Hán Việt là "ngu sinh".

+ Asshi (あっし): được nam nữ bình dân hạ tiện sử dụng, được cho là biến thể của atashi.

+ Achiki (あちき): được các du nữ sử dụng để che giấu xuất thân của mình. Các du nữ còn dùng asshi và achishi để tự xưng nhưng thực ra achishi chỉ thấy trong tiểu thuyết lịch sử, võ hiệp...

+ Wacchi (わっち): giống như achiki, đây là từ tự xưng của các du nữ, hiện tại không còn dùng. Tuy nhiên, trong tiếng địa phương vùng Mino thì từ này cũng được dùng để tự xưng, bất luận nam nữ.

+ Warawa (妾): từ tự xưng của nữ giới, bắt nguồn từ chữ 童 (warawa, warabe, "đồng" trong "nhi đồng"), mang ý nhún nhường rằng mình là kẻ ấu trĩ như trẻ nít. Hiện tại, từ này thường thấy trong tiểu thuyết, phim ảnh lịch sử và được Vương phi, Nữ vương sử dụng.

+ Sessha (拙者): từ độc chiếm của các võ sĩ Samurai thời cổ, dùng để tự xưng với ý khiêm nhường. Âm Hán Việt là "chuyết giả" và người Việt ngày xưa vẫn dùng để nói về mình. Từ "chuyết" mang nghĩa vụng về, ngu độn nên thường được dùng như tiếp đầu ngữ đi liền với nhiều từ sau, hình thành nên ý khiêm nhường, như "chuyết tác" (sessaku) chỉ tác phẩm do mình làm ra, mang ý khiêm tốn. Nhân vật Himura Kenshin trong bộ Manga Rurōni Kenshin luôn tự xưng là sessha.

http://i.imgur.com/gWmWT.jpg

+ Gusō (愚僧): âm Hán Việt là "ngu tăng", thầy chùa ngốc. Đây là từ tự xưng của giới tăng lữ, tu sĩ, tương đương với "bần tăng" trong tiếng Việt. Từ này đến nay vẫn được giới tăng lữ sử dụng.

+ Sessō (拙僧): âm Hán Việt là "chuyết tăng", tương tự như Gusō. Từ này đến nay vẫn được giới tăng lữ sử dụng.

+ Midomo (身ども): từ tự xưng của võ sĩ (nam giới) với người đồng đẳng hay vai vế thấp hơn.

+ Yatsugare (僕), Temae (手前): mang nghĩa là bản thân mình. Hiện tại, trong văn thư thường thấy temae-domo (手前ども) ý nghĩa như kochira. Tuy nhiên, trong tiểu thuyết lịch sử, võ hiệp thì temae là đại từ nhân xưng ngôi thứ hai.

+ Kochihito, Kochito (此方人): mang nghĩa đen là "người ở đây", "người này". Kochito là biến thể của kochihito. Hai từ này là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, dùng được cả số ít lẫn số nhiều.

+ Konata (此方), Kochitora (此方人等): konata mang nghĩa như kochira nhưng mang sắc thái gần gũi về mặt tâm lý hay khoảng cách, chủ yếu được nữ giới trong tầng lớp võ sĩ, công hầu quý tộc sử dụng. Dùng được với cả số ít lẫn số nhiều. Hiện tại cả hai từ này đều không còn dùng, ngoại trừ trong tiểu thuyết lịch sử, võ hiệp.

Nhóm từ phổ thông

+ Watashi (私): là đại danh từ ngôi thứ nhất được người Nhật sử dụng nhiều nhất và là cách nói gọn của watakushi. Từ này thường được dịch là "tôi" trong tiếng Việt. Từ sau thời cận đại, watakushi được lược bỏ "ku" và trở thành watashi, thường được phụ nữ sử dụng. Ngày nay, watashi được cả nam và nữ sử dụng. Trong chốn công cộng, nam giới dùng watashi hay watakushi để nói về mình được coi là hợp phép tắc. Ban đầu, từ 私 được chua cách đọc trong bảng chữ Hán thường dùng là watakushi, còn trong các công văn hành chính thì từ watashi được viết bằng Hiragana (わたし) chứ không viết bằng Hán tự. Nhưng đến năm 2011 thì 私 chính thức được thừa nhận cách đọc trong bản Hán tự thường dùng là watashi.

+ Watakushi (私): dạng đầy đủ của watashi, thường được sử dụng khi phát ngôn trước công chúng. Đặc biệt, trong các bài diễn thuyết của Hoàng gia Nhật, từ này luôn được sử dụng. Trước thời Muromachi thì từ này không được sử dụng như đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất nhưng sau đó nó được dùng như ngày nay.

+ Boku (僕): được nam giới sử dụng và mang tính chất riêng tư về mình khi nói chuyện với người đồng đẳng hoặc vai vế thấp hơn hay khi thể hiện sự thân thiết với người nghe. Trong một số trường hợp cần nghi thức, nó vẫn được chấp nhận. Âm Hán Việt của từ này là "bộc" (trong nô bộc). Thời cổ, 僕 được phát âm là yatsugare, nhưng từ thời Meiji trở đi, tầng lớp thư sinh, học sinh đọc từ này là boku và sử dụng như ngày nay.

+ Jibun (自分): vốn mang nghĩa là tự mình, bản thân mình và được nam giới trong ngành thể dục thể thao dùng để chỉ về mình. Trong loạt phim truyền hình "cảnh sát miền Tây" (seibu keisatsu), nam tài tử chính Watari Tetsuya dùng từ jibun để chỉ về mình và từ đó từ này trở nên phổ biến trong dân chúng. Trong văn viết, thỉnh thoảng cũng thấy jibun xuất hiện trong vai trò đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất và cả nữ giới cũng sử dụng nhưng trong công văn chính thức, lễ nghi thì không sử dụng. Tại vùng Kansai thì jibun được dùng như đại từ nhân xưng ngôi thứ hai.

Nhóm từ thân mật

+ Ore (俺): được nhiều nam giới sử dụng đối với người đồng đẳng hay vai vế thấp hơn mình, mang tính thân mật hay cọc cằn. Về sắc thái, từ này tương đương với "tao" trong tiếng Việt và không được sử dụng khi đứng trước đám đông, phát biểu trong hội nghị. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều thanh nhiên sử dụng từ này trong những tình huống cần lễ nghi trang trọng. Ore là từ biến đổi của onore (己), trước thời Kamakura, nó là đại từ nhân xưng ngôi thứ hai nhưng về sau trở thành ngôi thứ nhất. Đến thời Edo, nó được cả nam nữ, không phân biệt sang hèn đều sử dụng. Nhưng sau thời Meiji thì nó trở thành từ độc chiếm của nam giới, ngoại trừ vùng Đông Bắc vẫn còn sử dụng nó như một từ địa phương.

+ Washi (儂, 私): thường thấy trong tiểu thuyết, phim ảnh và được nam giới lớn tuổi sử dụng. Thời cận đại, nữ giới vẫn dùng từ này với đối phương trong trường hợp thân thiết, nhưng ngày nay nó trở thành từ độc chiếm của nam giới khi nói với người đồng đẳng hoặc kém vai vế. Washi còn là từ địa phương tại các tỉnh Aichi, Gifu và phía Tây vùng Hokuriku, nam giới không nhiều tuổi cũng sử dụng từ này. Tại những vùng này thì thanh niên, trẻ con cũng sử dụng washi để chỉ bản thân, nhưng gần đây do ảnh hưởng của phương tiện truyền thông mà giới trẻ đã chuyển sang dùng "ore".

+ Atashi (あたし): cách nói biến âm mang tính suồng sả của watakushi, ngày nay thường được nữ giới sử dụng trong tình huống thân mật. Trong những tình huống trang trọng, nữ giới vẫn phát âm rõ ràng là watashi. Atashi ban đầu được nam nữ lưỡng dụng, nhất là trong giới thương nhân và thợ thủ công, nhưng về sau trở thành từ độc chiếm của nữ giới. Ngày nay, các diễn viên kể chuyện hài Rakugo vẫn sử dụng từ này. Sắc thái từ này tương tợ "tôi" thành "tui" trong tiếng Việt.

+ Atai (あたい): thể biến âm và suồng sả hơn của atashi. Đây là từ độc chiếm của nữ giới và mang sắc thái cộc cằn, được phụ nữ và trẻ nhỏ ở Tōkyō sử dụng. Hiện tại, trong thường nhật hầu như không còn ai sử dụng từ này mà chỉ còn thấy trong tiểu thuyết, phim ảnh và trong tiếng địa phương ở Kagoshima.

+ Watai (わたい): biến âm của watashi, tương tự như atai.

+ Wai, Wate, Ate (わい, わて, あて): được sử dụng ở vùng Kinki từ sau thời cận đại. Wai là từ rút gọn của washi, là từ độc chiếm của nam giới còn wate là dạng rút gọn của watai, ate lại là dạng rút gọn hơn nữa từ wate. Ate, Wate được dùng nhiều ở Kyōto không phân biệt nam phụ lão ấu. Ngày nay, chỉ còn một số ít người già vẫn còn sử dụng những từ này.

+ Wadasu (わだす): cách nói trại của watashi của miền Đông Bắc.

+ Adasu, Wasu (あだす, わす): cách nói trại của atashi, washi ở miền Đông Bắc.

+ Uchi (うち): được nữ giới miền Tây sử dụng nhiều. Tại Kyūshū (một phần), cả nam nữ đều dùng uchi để chỉ về mình.

+ Oira (己等): được nam giới sử dụng, mang tính địa phương. Khi làm nũng, cả nam và nữ đều dùng oira để chỉ về mình. Có những cách viết như 俺等 (đọc theo nguyên tắc là orera), 俺ら cũng đọc là oira nên rất dễ nhầm với orera (đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, số nhiều, bọn tao, chúng tao) nên gần đây không được sử dụng. Lưu ý là từ 己等 còn có cách đọc là u'nura, đại từ nhân xưng ngôi thứ hai, bọn mày, lũ chúng bây, lũ chúng mày, tụi bây...

+ Ora (俺ら): phái sinh từ oira, được sử dụng nhiều ở phía Bắc vùng Kantō.

+ Oi, oidon (おい, おいどん): được nam giới ở Kyūshū sử dụng, nhất là phía Nam vùng này. Trong hội thoại thường nhật, nam giới trẻ tuổi tự xưng là oi, còn nam giới có tuổi và trong số những người sinh trước Đệ nhị Thế chiến, phụ nữ vẫn dùng oidon khi tự xưng. Oi còn được dùng như đại từ nhân xưng ngôi thứ hai, mang nghĩa "you".
Khi gặp đám đánh nhau, cảnh sát thường nộ: oi! Kora! (おい!こら!). Thực chất câu này có nghĩa là: "này anh, chuyện gì vậy?" theo đúng nghĩa của vùng Kyūshū. Đầu thời Meiji, nhiều võ sĩ phiên Satsuma (thuộc vùng Kyūshū) được tuyển làm cảnh sát và họ vẫn thường hỏi câu này khi gặp đám đánh nhau. Dần dà, câu này trở nên phổ cập và mang ý nghĩa cảnh cáo, răn đe như ngày nay.

+ Ura (うら): từ địa phương của vùng Hokuriku, chủ yếu do nam giới sử dụng. Ngày xưa nữ giới cũng dùng ura để chỉ về mình.

+ Wa, Waa (わ, わー): từ địa phương vùng Tsugaru, nam nữ đều dùng. Tại tỉnh Ehime, từ này chủ yếu do nam giới có tuổi sử dụng và có khi là đại từ nhân xưng ngôi thứ hai. Từ này được cho là biến thể của ware (ngã).

+ Wan, Waa (ワン, ワー): từ địa phương Okinawa, chủ yếu do nam giới dùng. Nữ giới Okinawa, nhất là người có tuổi thường sử dụng tên mình để chỉ về mình. Trong bài hát "Shimauta" của nhóm The Boom có câu: "wanku nu nadagwa" (わんくぬなだぐぁ) nghĩa là: nước mắt của tôi.

+ Bokuchan, bokuchin (ぼくちゃん, ぼくちん): từ được bé trai sử dụng khi làm nũng hay bông đùa.

+ Orecchi (おれっち): biến thể của ore, kiểu nói này do người sinh ra và được nuôi dưỡng ở Edo (Tōkyō thời cổ) sử dụng. Nó còn là biến thể của oretachi, ngôi thứ nhất số nhiều, mang nghĩa chúng ta, bọn ta. Orecchi thường được sử dụng tại trung tâm tỉnh Shizuoka.

+ Khuynh hướng trường âm: là khuynh hướng kéo dài âm a của các đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, chẳng hạn: oryaa (おりゃあ), bokā (ぼかぁ), watashā (わたしゃ), atashā (あたしゃ), washā (わしゃあ), orā (おらぁ). Những từ này tương tự đại từ nguyên bản của chúng đi kèm với trợ từ.
Ví dụ: わたしの、わたしは、わたしが thành わたしゃ
Một câu trong bài hát "Itako no hanayome-san" (cô dâu vùng Itako): わたしゃ潮来の  水育ち (tôi là con người vùng sông nước)



Nhóm từ khiêm tốn

+ Watashime, Watakushime (私め): tiếp vĩ ngữ me mang ý nhún nhường để chỉ về bản thân. Watashime thường được các hầu gái sử dụng đối với chủ nhân.

+ Watakushi-domo (私ども): từ khiêm nhường chỉ bản thân hay gia đình, đoàn thể của mình. Như temae-domo.

Nhóm từ ngạo mạn, bố láo

+ Oresama (俺様): ore có thể dịch là "tao", tiếp vĩ ngữ "sama" đi sau danh từ mang ý kính trọng danh từ đứng trước, tương tự ngài X, ngài Y trong tiếng Việt hay Mr. A, Mr. B. Khi cả ore đi chung với sama thì người nói tỏ ra ngạo mạn xấc xược.

+ Atakushi: thể cộc cằn của watashi, thường thấy ở các nhân vật tiểu thơ cao kỳ (tục gọi là "chảnh") hay các nhân vật ưa lấy thịt đè người trong tiểu thuyết. Trường hợp này thường đi chung với nhiều kính ngữ giản lược để hình thành sắc thái châm chọc, cộc cằn trong câu nói.

Nhóm từ dùng trong công việc

+ Shōshoku (しょうしょく), Tōhō (当方): dùng để chỉ về người nói hoặc đoàn thể, tổ chức mà người nói thuộc về và mang sắc thái trịnh trọng. Các cấp bậc trong công ty khi trao đổi thư từ với nhau cũng dùng từ này để chỉ về mình.

+ Sakusha (作者): âm Hán Việt là "tác giả". Đơn thuần là các nhà văn có khi dùng từ này để nói mình.

+ Sensei (先生): thông thường từ này là đại từ nhân xưng ngôi thứ hai được sử dụng đối với người làm nghề giáo, bác sĩ, họa sĩ Manga,.... Nhưng ngược lại, những người này (bác sĩ, giáo viên) cũng dùng như ngôi thứ nhất chỉ về mình khi nói với học sinh, bệnh nhân.

+ Honkan (本官): âm Hán Việt là "bản quan". Ai coi nhiều phim Bao Công sẽ biết (^^). Từ này được giới cảnh sát, sĩ quan, thầy phán dùng chỉ về mình.

+ Honshoku (本職): được giới thầy cãi, thầy kiện sử dụng. Cũng có khi dùng Shōshoku, tōshoku (当職).

+ Henshūshi (編集子), Hissha (筆者): được những người đăng bài trên báo, tạp chí sử dụng chỉ về mình.

+ Tōkyoku (当局): được các đài phát thanh tư nhân sử dụng trong hội thoại, văn thư khi liên lạc với nhau.

+ Kochira (こちら): mang nghĩa đen "đây là...", được các đài phát thanh tư nhân sử dụng. Ban đầu, khi liên lạc điện tín thường nói kochira cùng với tên mình, chẳng hạn: kochira Yamada (đây là Yamada). Về sau, lối nói này trở thành thói quan khi liên lạc điện thoại, điện báo.

© N.T.Duyên 1-1-2012

Bài kỳ sau: đại từ nhân xưng ngôi thứ hai

Peregrino
07-01-2012, 05:47 PM
~君=~くん=~kun
"Bạn", "em" dùng để gọi bạn bè hay người nam dưới tuổi bạn. Các bạn nữ có thể gọi các bạn nam cùng lớp hay cùng nhóm. Có thể gọi "em" với người nam nhỏ tuổi hơn. Các bạn có thể dùng cách này để gọi người nghe hay gọi người nào đó với người nghe.
加藤君:Bạn Katoh


~ちゃん=~chan
Giống như "~kun" nhưng gọi cho nữ. Có thể dịch là "em", hay "bé".
マイちゃん:bé Mai



Mình bổ sung về cách dùng hai từ này:
- Kun không chỉ dùng cho nam. Trong công ty, sếp vẫn có thể gọi nhân viên nữ là kun.
- Chan không chỉ dùng cho nữ. Từ này hoàn toàn có thể dùng cho nam, mang tính đùa vui, thân mật, âu yếm.v.v... Con gái cũng có thể gọi người yêu mình là chan, trước đó là cách đọc tắt. Ví dụ, em Ran trong Thám tử Conan có thể gọi Shin-ichi là Shin-chan.

dth_1788
08-01-2012, 07:34 PM
Theo như mình nghe người Nhật giải thích thì từ 手前 được dùng cho bản thân mình khi nói chuyện, từ này tương đương với 俺 vậy. Còn 手めえ sẽ dùng để chỉ đối phương tương đương với お前. Đây là mình được nghe người Nhật giải thích lại như vậy. Chủ topic có thể check lại giúp mình được không?

Peregrino
11-01-2012, 06:38 PM
手前 là ngôi thứ nhất nhưng mình chưa thấy ai dùng từ này ngoài đời cả. Còn てめえ là cách dùng mà người nước ngoài chắc chẳng bao giờ dùng đến vì nó là dạng khiếm nhã nhất của từ nhân xưng ngôi thứ hai rồi, お前 còn có thể dùng phổ biến chứ từ kia chỉ dùng để chửi bới, mạt sát nhau thôi.

kutedevil3010
25-03-2012, 02:00 AM
Tớ thấy những từ như てめえ hoặc やろう không đến nỗi khinh miệt lắm đâu , ở cty mình làm ( bên Nhật ý ) vẫn gọi nhau như vậy chả sao cả.

Peregrino
26-03-2012, 11:19 PM
Mai thử gọi đồng nghiệp là temee xem nó nghĩ sao? :D Ngay cả từ anta mà dùng không đúng sắc thái còn khiến người khác mếch lòng nữa là :D

Chishikatoji
27-08-2012, 07:38 PM
Đại từ nhân xưng Tiếng Nhật khó thật đấy, mà trong các giáo trình chính thống thì lại ít khi được nói tới :loi: Mình nghĩ cách tốt nhất để học mấy cái này chắc là phải xem nhiều manga, anime, phim Nhật.
Mà mình thấy trong mấy shounen manga thường hay sử dụng đại từ "kisama" cho ngôi thứ 2. Từ này có vẻ có sắc thái gần tương đương với "temee" (vì bản Engsub dịch từ này và "temee" đều là "bastard") nhưng "sang" hơn.

Tencoinsvn
07-09-2012, 10:05 AM
hãy cùng nói về cách xưng hô ngôi thứ nhất của nam giới trong tiếng nhật. Theo mức độ khiêm nhường và lịch sự thì sẽ được chia như sau:
1.わたくし
2.わたし
3.僕(ぼく)
4.俺: từ này thường chỉ bạn bè thân thiết, hoặc người trên nói với người dưới.
Mình vẫn thắc mắc với cô giáo mình về 2 từ 私 và 僕. Trong công ty mình thì thấy mọi người từ sếp trở xuống đều dùng nhiều nhất là 僕 khi nói chuyện. Cái này hầu như không phân biệt về tuổi tác. Tuy nhiên cô giáo người nhật của mình thì vẫn khuyên mình nên dùng 私. Thực ra nam giới dùng từ 私 là tương đối cứng, vì nó thiên về lịch sự.
Theo mọi người trong công ty nên dùng từ nào trong 2 từ này thì chuẩn hơn.??!!

Peregrino
08-09-2012, 04:51 PM
Đại từ nhân xưng Tiếng Nhật khó thật đấy, mà trong các giáo trình chính thống thì lại ít khi được nói tới :loi: Mình nghĩ cách tốt nhất để học mấy cái này chắc là phải xem nhiều manga, anime, phim Nhật.
Mà mình thấy trong mấy shounen manga thường hay sử dụng đại từ "kisama" cho ngôi thứ 2. Từ này có vẻ có sắc thái gần tương đương với "temee" (vì bản Engsub dịch từ này và "temee" đều là "bastard") nhưng "sang" hơn.
Ki-sama không phải theo nghĩa bạn hiểu đâu. Ki-sama ban đầu là cách gọi trang trọng của ngôi thứ hai, nhưng giờ người ta bỏ cách dùng này và dùng theo nghĩa khác. Giả sử bạn thấy thằng bạn/con bạn thân của mình đang làm hỏng cái điện thoại của bạn, sẽ có trường hợp bạn nói như thế này: "Bố trẻ làm gì cái điện thoại của con vậy?" hoặc "lạy hồn, hồn làm cái gì vậy?", kiểu kiểu như vậy. Không thể hiểu ngôn ngữ của một nước châu Á thông qua tiếng Anh được đâu. Chẳng hạn như tiếng Việt cũng vậy. "Anh gì ơi, tôi nhờ chút" và "Tôi nuôi anh lớn từng này để anh chửi tôi à", cùng dùng một từ như nhau nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn nhau.

Kenzo_Kun
06-01-2013, 04:45 AM
:blur:Độ rắc rối chẳng thua j tiếng Việt nhỉ...

vanhai.naga11
12-01-2013, 12:34 PM
bài viết hay quá! rất hữu ích! tks

hoangthaitam90
15-02-2013, 01:19 PM
ôi, đọc xong mới thấy đại từ nhân xưng trong tiếng Nhật thật rắc rối. Tự mình tìm hiểu mới biết được , chứ lúc đi học đâu có được dạy nâng cao thế này. Tất cả những thứ trên đủ để viết thành một cuốn sổ tay đút túi mất thôi! Ngay cả giờ mình đang đi làm thêm, cũng giao tiếp với nhiều người Nhật nhưng mà cũng ít khi nghe thấy họ nói những từ trên, toàn gọi tên không thôi à!