PDA

View Full Version : Thung lũng... trường thọ ở Việt Nam



Taichi
08-07-2006, 09:49 AM
http://tintuconline.vietnamnet.vn/Library/myImages/9/2006/07/7-7/cu.jpg
Số người sống trăm tuổi trên thế giới cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay..., nhưng ở thung lũng Mường Lựm, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, có 6 cụ đã trên trăm tuổi vẫn sống khỏe mạnh.

Cơn mưa rừng và cái rét ngọt cuối đông rồi cũng qua đi và trước mặt chúng tôi, Mường Lựm hiện dần lên trên cái nền xanh ngút ngát của một dải rừng nguyên sinh, của ngô, sắn. Cũng không có gì khác biệt với các thung lũng của miền núi phía bắc, vẫn là những ngôi nhà sàn nằm bên sườn núi của đồng bào dân tộc Thái, Mông.

Những sắc màu sặc sỡ của trang phục truyền thống hiện ra ở các khung cửa sổ, những ánh mắt tò mò, lạ lẫm chăm chăm nhìn không phải vì chiếc ôtô mà vì những người bước trên ôtô xuống đều quần “xắn téo móng lợn, đi chân đất”.

Nhà đầu tiên chúng tôi đến là một ngôi nhà sàn cũ kỹ, mọi người đều đi vắng, chỉ có cụ bà đang ngồi bên bếp lửa. Đó là cụ Hà Thị Xe. Các cán bộ xã phải “vò đầu tứt tai” mãi trong cuộc họp mới đi đến thống nhất cụ Xe là người cao tuổi nhất ở Mường Lựm: 121 tuổi. Sau khi được các cán bộ xã giới thiệu, cụ Xe cười, tiếng cười giòn tan như tiếng của núi rừng, rồi cụ đứng dậy đi ra phía sau. Chỉ một loáng chúng tôi đã thấy cụ xách ấm nước trên tay đi vào đặt lên bếp lửa rồi lại đi vào bên trong cầm thêm ít củi cho vào đun. Trong ánh lửa bập bùng, gương mặt cụ bừng lên như một bà tiên phúc hậu.

Không tin nổi vào những gì vừa trông thấy, vì từ trước tới nay chúng tôi mới chỉ gặp các cụ sống thọ tám, chín mươi tuổi nhưng chỉ cái việc đi lại cũng gặp không ít khó khăn, vậy mà cụ Xé vẫn đi lại bình thường. Ngoài ra, cụ còn làm các công việc lặt vặt trong gia đình nữa. Chưa hết, cụ Xe còn làm những việc mà những người trên cái tuổi 50 rất ít người làm được, đó là xâu kim và thêu khăn Piêu.

Để thêu được những họa tiết trên khăn Piêu thì các thiếu nữ dân tộc Thái cũng mất từ 3 đến 4 năm học mới được coi là biết thêu, và nếu cần mẫn thì cũng mất từ 4 đến 6 tháng mới thêu xong một chiếc. Nhìn đường kim “nhoay nhoáy” và những hoa văn cụ Xe tạo ra, không ai dám nghĩ là cụ đã 121 tuổi.

Như hiểu được những thắc mắc của chúng tôi, ông Lò Văn Đấu, Phó chủ tịch xã, đã khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Tôi đảm bảo với các anh là cụ Xe đã 121 tuổi và hiện là người cao tuổi nhất Mường Lựm này”.

Rời khỏi nhà cụ Xe, chúng tôi đến nhà cụ Hoàng Thị Hóm, một cụ bà nước da dăn deo nhưng hồng hào, mái tóc trắng như cước được búi cao, trông cốt cách như một vị đạo trưởng. Cụ Hóm năm nay cũng đã 110 tuổi, mặc dù cụ không còn khỏe nhưng rất minh mẫn. Cụ kể có 17 cháu và 21 chắt, rồi cụ kể tên các chắt nội và chắt ngoại không thiếu một đứa nào. Chúng tôi ngồi lẩm nhẩm đếm theo và quả thực cụ không bỏ sót một chắt nào, kể cả đứa chắt bé nhất vừa mới chào đời được vài tháng. Hàng ngày, cụ vẫn giúp các cháu đun nước, thổi cơm để khi các cháu lên nương về thì đã có cơm ăn…

Đêm đó, chúng tôi ở lại nhà anh Lò Đức Tiến, Phó bí thư Đảng ủy xã. Bên chung rượu ngô, anh bắt đầu câu chuyện bằng tiếng thở dài: “Nếu các anh lên hồi đầu năm thì còn được gặp nhiều cụ nữa, vì từ đầu năm đến nay 4 cụ đã về với tổ tiên rồi”.

Sáng hôm sau, các anh cán bộ xã dẫn chúng tôi đến nhà cụ Quàng Văn Xướng. Cụ đã yếu, khó khăn lắm cụ mới đi lại được vài bước. Cụ Xướng rất vui khi chúng tôi đến thăm, cụ đưa cho chúng tôi bắp ngô nướng bảo: “Ăn đi, ngô nếp đấy”. Ngôi nhà sàn của cụ đang ở là ngôi nhà tình nghĩa được làm từ lâu rồi nên cũng đã ọp ẹp. Cụ Xướng chỉ có một người con nuôi. Hằng ngày các con cháu của cụ đều đi làm nương đến tối mịt mới về.

Phía sau vườn, thấy một cụ bà đang bẻ những bắp ngô non bỏ vào gùi, rồi thoăn thoắt đi lên chiếc cầu thang gỗ cũ kỹ, ọp ẹp. Thấy nhà có khách cụ vui vẻ đặt chiếc gùi xuống bên bếp lửa rồi đi lấy nước đun. Cụ tên Lò Thị Huôi, cũng đã quá già nhưng nước da vẫn còn săn chắc, khỏe mạnh. Hằng ngày cụ vẫn đi xuống vườn (nói là vườn nhưng chỗ xa nhất cũng cách nhà đến tận nửa cây số) để chăm sóc vườn ngô.

Cụ Xướng và cụ Huôi đã sống hạnh phúc bên nhau đúng theo nghĩa của câu chúc “trăm năm hạnh phúc”. Mặc dù không phải là niềm hạnh phúc tròn trịa, vì mỗi cụ cũng đều trải qua nỗi đau mất đi người thương yêu nhất nhưng các cụ đã tìm lại được những năm tháng hạnh phúc bên nhau.

Bên hiên ngôi nhà sàn cũ kỹ, hai cụ kể cho chúng tôi nghe về những chuyện của ngày xưa, cái thời mà các cụ mới biết đi chơi, cái độ tuổi 15, 16. “Cái thời mà quan Lang đến bản này thì tao đã lớn rồi, chúng nó đến bắt bò, bắt lợn, bắt gà và bắt cả người nữa...”. Đang kể hào hứng, cụ Xướng chợt trầm ngâm nhìn rặng núi xa xa: “Ngày xưa tao với bà Hóm cùng một tuổi, cùng đi chơi với nhau. Chúng tao định cưới nhưng gia đình nhà bà ấy chê tao nên không lấy được nhau… Thấy chúng nó bảo bây giờ bà ấy còn khỏe hơn cả tao nữa”.

Khi chúng tôi hỏi về cụ Xé thì cụ Huôi và cụ Hóm đều bảo rằng “bà Xé lớn hơn vì khi tao biết đi chơi thì bà ấy đã đi lấy chồng rồi”. Việc xác định chính xác 100% tuổi của các cụ quả là một điều không dễ, nhưng chúng ta cũng có thể tin rằng 6 cụ ở thung lũng đều thọ trên trăm tuổi. Con cái của các cụ cũng đã 80, 90.

Không chỉ có gia đình cụ Xướng, cụ Huôi, mà ở thung lũng hơn 300 nóc nhà này còn có một cặp vợ chồng nữa cũng đã “bách niên giai lão”, đó là cụ ông Hà Xó Mính 110 tuổi và cụ bà Hà Thị Oi 105 tuổi.

Cơn mưa rừng như trút hết lớp bụi thời gian, cả một dải rừng nguyên sinh lại tràn ngập một màu xanh ngút ngàn báo hiệu một mùa xuân mới. Những cây cổ thụ vẫn vươn cao xoè tán lá che chở cho những cây non. Mong rằng các cụ sẽ mãi là cây đại thụ giữa núi rừng đại ngàn tỏa bóng mát chở che những cây non.

@VNN

Dép Xỏ Ngón
09-07-2006, 08:38 AM
mấy người moiền núi hay dân tộc tiểu số thường họ có cách a98n uống và sinh hoạt khá đặ biệt cho nên sống lâu dữ lắm đấy

Shinny
10-07-2006, 10:51 PM
Hình như trên chương trình "chuyện lạ Việt Nam" có giới thiệu mấy ông bà này