PDA

View Full Version : Chuyện “vượt rào” yêu hòa thượng của nữ Thiên hoàng Nhật Bản



KHA
07-10-2011, 02:10 PM
(Phunutoday) - Dù theo quy định của hoàng gia, các nữ Thiên hoàng không được phép kết hôn, song Koken, nữ Thiên hoàng thứ 44, vẫn tự tìm cho mình vô số những cuộc tình lãng mạn. Tuy nhiên, chính sự phóng túng cũng như mối tình nằm ngoài lễ giáo của bà với một hòa thượng đã dẫn đến sự suy tàn của hoàng gia nước Nhật…

Những mối tình trong bóng tối của nữ Thiên hoàng

Có lẽ do ảnh hưởng từ sự phóng túng của thời đại nhà Đường ở Trung Quốc nên nữ thiên hoàng Koken (718 - 770), nữ Thiên hoàng cuối cùng trong “thời đại nữ đế” hiếm hoi của xứ Phù Tang, đã tự tạo cho mình một cuộc sống đời tư với vô số những cuộc tình sóng gió, dù rằng theo quy định của hoàng gia, các nữ Thiên hoàng không được phép kết hôn. Có lẽ cũng vì thế mà cả hai lần đăng cơ của nữ Thiên hoàng đình đám này đều liên quan tới những cuộc tình rối rắm và lắm nỗi đa đoan của bà.

Lần thứ nhất vị nữ hoàng này lên ngôi là vào năm 749 với tên hiệu Koken khi mới 21 tuổi. Theo quy định của hoàng gia, các nữ Thiên hoàng sau khi lên ngôi không có quyền kết hôn cũng không có quyền sinh con để tránh việc quyền lực của hoàng tộc bị truyền cho người ngoài.

Gensho, vị nữ Thiên hoàng đời thứ 43 trước đó, đã sống cả đời trong cô tịch khi bà phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo này của hoàng gia. Cho đến tận cuối đời, Gensho chưa từng một lần được kết hôn và bà đã chết trong sự cô đơn lạnh lẽo của cấm cung. Tuy nhiên, lên ngôi ở tuổi 21, dù là một Thiên hoàng thì bản thân Koken vẫn là một cô gái đang căng tràn sức sống.

Vì vậy, Koken nhất định không chịu cam tâm tình nguyện “chết già” trên ngai báu như người tiền nhiệm của mình. Ngay từ trước khi lên ngôi, Koken đã thầm yêu trộm nhớ người anh họ của mình là thân vương Fujiwara no Nakamaro. Vì vậy, sau khi lên ngôi, mặc cho những quy định khắt khe của hoàng thất, Koken và Fujiwara vẫn tìm mọi cách qua lại ngấm ngầm với nhau.

Thật khó có ai có thể ngăn cản nổi Thiên hoàng nhiều quyền lực gặp gỡ thân mật hay bàn chuyện “quốc gia đại sự” với cận thần của mình. Vì vậy, mối tình trong bóng tối của giữa Koken và Fujiwara cứ như vậy âm thầm diễn ra. Thậm chí, có những lúc, nữ Thiên hoàng Koken không kiềm chế nổi cảm xúc yêu đương của mình, mượn cớ tu sửa cung điện Thiên hoàng, chuyển thẳng đến nhà của thân vương Fujiwara ở hơn một năm trời.

Tuy nhiên, khi tuổi tác Koken ngày một lớn, khi tình cảm trở nên mong manh nhất, thì cũng là lúc Fujiwara bắt đầu lạnh nhạt dần. Đó là điều khó trách khỏi đối với thân vương Fujiwara, bởi lẽ những người đàn ông thì bao giờ cũng thích những cô gái trẻ đẹp, huống hồ là một người quyền lực như Fujiwara.


http://phunutoday.vn/dataimages/201110/original/images558644_anh2.jpg


Nữ thiên hoàng Koken trên phim



Đương nhiên, Koken không thể chấp nhận được. Song, thân là Thiên hoàng, Koken phải chịu sự ràng buộc của những quy định khắt khe của hoàng thất. Thêm nữa, Fujiwara lại là một thân vương quyền lực, bà không dễ gì ra tay trả thù “kẻ bạc tình” ấy được. Thành ra, vị nữ Thiên hoàng trong tâm trạng buồn tủi đã quyết định đi tu.

Đó là chuyện xảy ra vào năm 754, khi hòa thượng Giám Chân của Trung Quốc sang Nhật Bản để truyền đạo. Để chứng tỏ lòng hướng Phật của mình, Koken đã xin hòa thượng này cho mình được thụ giới. Rồi trong giây phút thụ giới đó, đột nhiên, vị nữ Thiên hoàng Koken tuyên bố mình đã giác ngộ.

Bốn năm sau đó, năm 759, vị nữ Thiên hoàng một lòng hướng theo Phật pháp đã nhường lại ngôi báu cho Hoàng tử Oi Shinno. Tuy nhiên vị Thiên hoàng có tước hiệu Junnin này chỉ trị vì được 4 năm thì bị phế bỏ. Nguyên nhân vẫn là từ một cuộc tình của Koken.

Chuyện là vì sau khi quyết định một lòng hướng Phật, Thái thượng hoàng Koken đã gặp gỡ với một hòa thượng tên là Dokyo. Thế rồi sau những ngày tháng cận kề cùng lý giải Phật pháp, nữ Thiên hoàng đã đem lòng si mê vị hòa thượng vừa có tướng mạo khôi ngô, vừa uyên bác những đạo lý thiền môn.

Trên thực tế, Dokyo vào cung từ năm 752 để truyền bá Phật pháp, tuy nhiên, mãi tới năm 761, khi Thái thượng hoàng Koken bị bệnh, với thân phận thiền sư khám bệnh cho Thái thượng hoàng, Dokyo mới bắt đầu được sủng ái. Chuyện tình vụng trộm của Thái thượng hoàn Koken với Dokyo âm thầm kéo dài được 3 năm thì vỡ lở. Tuy nhiên, khác với mối tình trước đó, mối tình lần này của Koken vỡ lở không đồng nghĩa với việc kết thúc mà ngược lại, nó đi vào giai đoạn công khai.

Năm 764, Koken nghe theo lời xúi giục của Dokyo, quyết định quay trở lại chính đàn. Koken ra lệnh phế bỏ Thiên hoàng Junnin, tự mình trở lại ngôi báu, lấy hiệu là Shotoku. Được sự sủng ái của người tình, Dokyo cũng trở thành nhân vật quyền lực số 1 trong triều đình. Bị tình yêu làm cho mê muội, Koken bất chấp mọi dư luận trong triều, phong cho Dokyo là Thiền sư Thái chính đại thần, quản lý gần như tất cả mọi việc trong triều đình, tương đương chức vụ tể tướng. Lý do mà Koken đưa ra là: “Một thiên tử đã xuất gia đương nhiên phải có một đại thần giúp việc là người đã xuất gia”.

Tuy nhiên, sau đó ít lâu, dường như cảm thấy như vậy vẫn chưa đủ để bày tỏ sự sủng ái của mình với người tình, Thiên hoàng Koken lại phong cho Dokyo làm Pháp vương, hưởng mọi đãi ngộ tương đương với Thiên hoàng, ngồi xe phượng, mặc cẩm bào. Chưa hết, Koken còn phong chức cho tất cả những người trong dòng họ của Dokyo.

Người em trai của Dokyo còn được phong tới chức Đội trưởng Nội Thụ tỉnh chuyên quản lý đội binh lính bảo vệ hoàng cung, cũng như trông coi kho binh khí của hoàng cung. Đây là một chức vụ cực kỳ quan trọng và thường chỉ được giao cho những người cực kỳ đáng tin cậy, vì nó quyết định đến sự an nguy của toàn bộ hoàng thất. Việc giao cho em trai của Dokyo chức vụ này cũng đủ cho thấy Koken tin tưởng Dokyo ra sao.

Tuy nhiên, Dokyo không biết rằng yêu một người phụ nữ quyền lực và đa tình như nữ Thiên hoàng Koken là đang đùa với hổ.

Lúc bây giờ, cảm thấy vị nữ thiên hoàng gần như đã giao toàn bộ tính mạng và vận mệnh của cô ta vào tay mình, và dường như ngôi vị thiên hoàng chỉ còn cách mình có nửa bước, Dokyo quyết định mật bàn với quan chủ thần của Thần đạo giáo Nhật Bản, sau đó dâng tấu lên nữ Thiên hoàng nói: “Đại thần Bát Phan có chỉ, nếu như Dykyo kế tục hoàng vị, thiên hạ tất sẽ được thái bình”.

Thiên hoàng Koken lập tức tin ngay. Tuy nhiên, đêm đó, Koken nằm mơ thấy Thần Hachiman tới, lệnh cho Koken phái cung nữ là Fudoki tới Vũ Tá để nghe lệnh. Fudoki chính là một thân tín của nữ Thiên hoàng Koken, phái Fudoki đi thay mặt Koken là việc hợp lý hợp tình. Tuy nhiên, Fudoki lại là phụ nữ, trong khi đường đến miếu Thần Hachiman lại những vài trăm dặm, Fudoki tuổi tác đã cao đi một quãng đường xa như vậy e là không tiện.

Nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng Koken quyết định tìm một người thay thế cho Fudoki, thay mặt mình tới miếu thờ Thần Hachiman để nhận lệnh, và người được chọn chính là em của Fudoki, tên là Kiyomaro. Trước khi Kiyomaro lên đường, Dokyo đã dặn đi dặn lại rằng phải báo lại tất cả những chỉ thị của quan chủ thần.

Tuy nhiên, khi Kiyomaro đến chỗ sư phụ của Dokyo để từ biệt thì lão hòa thường này nói: “Nếu như Dokyo thực sự trở thành Thiên hoàng thì lão tăng sẽ không còn mặt mũi nào nhìn người đời được nữa. Chỉ còn cách là học Bá Di, Thúc Tề tuyệt thực mà chết”. Kiyomaro cảm động, từ biệt rồi đi.

Kiyomaro tới miếu Thần Hachiman, tắm rửa sạch sẽ, thành khẩn tụng niệm, quả nhiên thần linh xuất hiện. Kiyomaro không dám ngẩng mặt lên nhìn, chỉ nghe đại thần nói: “Từ khi lập quốc tới nay, việc quân – thần đã được định rất rõ. Ngôi vị Thiên hoàng chỉ có thể do người mang dòng máu hoàng tộc kế vị. Tên hòa thượng Dokyo đại nghịch vô đạo, phải bị chu di”. Nói xong thần biến mất. Kiyomaro không dám chậm trễ, vội vàng trở về kinh thành, đem toàn bộ những chuyện nghe được báo lại với Fudoki.

Fudoki vội vàng báo lại với Thiên hoàng Koken. Tuy nhiên, vừa nghe Fudoki báo cáo xong, Koken lập tức nổi giận đùng đùng, cho rằng rõ ràng đây không thể là mệnh lệnh của Thần Hachiman mà chỉ là chuyện do chị em Fudoki bịa ra. Để trừng trị, Koken đã đày hai chị em Fudoki ra vùng biên ải Osumi xa xôi, sung vào quân đội. Tuy nhiên, Dokyo đã ra lệnh cho em trai mình đang làm Đội trưởng quân thị vệ hoàng cung mai phục rồi giết chết chị em Fudoki trên đường tới Osumi.

Sự kiện của chị em Fudoki đã làm kinh động một người, đó chính là Fujiwara no Momokawa. Momokawa chính là hậu duệ của Fujiwara no Umakai, người đã giúp Thiên hoàng Tenji thống nhất thiên hạ, trở thành một trong những đại thần quyền lực nhất lúc bấy giờ. Con của Umakai thậm chí còn tiến một bước trở thành hoàng thân quốc thích. Tuy nhiên, đời con cháu của Umakai lại vì được sủng ái mà kiêu ngạo cuối cùng gặp họa, gia tộc Fujiwara từ đó suy kiệt, không thể phục hồi lại ánh hào quang như trước. Vì vậy, khi còn nhỏ Momokawa đã phải trải qua những ngày tháng vô cùng khổ cực.

Là một người thông minh, Momokawa đã dựa vào chính tài năng của mình để đạt được công danh. Thời điểm lúc báy giờ, Dokyo đắc thế, Momokawa theo hầu Dokyo, trở thành một tay tâm phúc của của vị hòa thượng tham vọng này, và được phong tới chức Đại phụ của Nội thụ tỉnh, chỉ đứng sau người em trai của Dokyo.


http://phunutoday.vn/dataimages/201110/original/images558645_anh3.jpg (http://phunutoday.vn/dataimages/201110/original/images558645_anh3.jpg)


Nữ thiên hoàng Koken qua tranh vẽ



Em trai của Dokyo dựa vào thế lực của anh trai được phong chức Trưởng quan của Nội thụ tỉnh, song trên thực tế chỉ là một chiếc “thùng cơm di động”. Nhờ có một người thông minh như Momokawa làm trợ thủ, em trai của Dokyo không còn gì sung sướng hơn, thỏa sức ngày ngày ăn chơi hưởng lạc, giao lại toàn bộ công việc cho Momokawa.

Vì vậy, mặc dù là “phó” nhưng Momokawa gần như nắm toàn bộ quyền lực trong Nội thụ tỉnh. Một mình Momokawa đương nhiên không thể làm nên chuyện. Tuy nhiên, thời cơ dường như đã tìm đến gia tộc Fujiwara khi hai người anh họ của Momokawa lần lượt được phong chức Tả đại thần và Nội đại thần, hai chức vụ quan trọng bậc nhất trong triều đình Nhật Bản thời bấy giờ.

Một người là Tả đại thần, đứng đầu bách quan, tương đương chức Thủ tướng ngày nay, một người là Nội đại thần, phụ trợ cho Tả đại thần, có thể coi như chức Phó Thủ tướng ngày nay, còn một người là Đại phụ của Nội thụ tỉnh, tương đương chức Tư lệnh Bộ tư lệnh Thủ đô ngày nay, có thể thấy toàn bộ quyền lực của triều đình lúc bấy giờ đang nằm trong tay gia tộc Fujiwara.

Tuy nhiên, hám quyền lực tới mê muội đầu óc, lại nghĩ rằng, mình là sủng thần của nữ thiên hoàng Koken nên Dokyo không hề để ý tới thế cục lúc bấy giờ. Momokawa biết rằng sớm muộn Dokyo cũng không thể tồn tại. Lại thêm từ sau sự kiện của chị em Fudoki, Momokawa biết rằng lòng dân chúng đã không ủng hộ Dokyo nữa, Momokawa càng thêm lòng tin. Vì vậy, Momokawa quyết định cứu sống người em của Fudoki là Kiyomaro, đồng thời bắt đầu kế hoạch của mình.

Tới năm sau, bệnh cũ của Thiên hoàng Koken lại tái phát. Dokyo tìm mọi cách cứu chữa nhưng bệnh tình của Thiên hoàng không hề thuyên giảm. Cuối cùng vào tháng 8 năm đó, vị nữ Thiên hoàng phong lưu bậc nhất trong lịch sử hậu cung nước Nhật đã qua đời. Cho tới tận khi chết, vị nữ Thiên hoàng này vẫn muốn để người tình của mình thay mình ngồi lên ngôi báu. Tuy nhiên, những ước nguyện của bà không được thực hiện.

Ngay sau khi nghe tin Thiên hoàng Koken qua đời, Momokawa nhanh chóng cho quân bắt hai anh em Dokyo rồi đuổi về quê. Ít lâu sau, cả hai anh em vị hòa thượng từng một thời là những người quyền lực nhất triều đình đã chết một cách bí hiểm. Tuy nhiên, đó chưa phải là thời điểm kết thúc những câu chuyện phong lưu trong hậu cung của nước Nhật.

Sóng gió nơi cung cấm

Sau khi Thiên hoàng Koken qua đời, ngôi báu được truyền lại cho Shirakabe. Shirakabe là hậu duệ của vị Thiên hoàng nổi tiếng Tenji. Mặc dù là con cháu Thiên hoàng, nhưng từ lâu đã suy kiệt và cũng không dám tự vỗ ngực xưng mình là chính tông nữa. Tuy nhiên, Shirakabe may mắn lấy được một người vợ lại là em của Thiên hoàng Koken.



http://phunutoday.vn/dataimages/201110/original/images558647_kinh_thanh_Heijo.JPG (http://phunutoday.vn/dataimages/201110/original/images558647_kinh_thanh_Heijo.JPG)


Kinh thành Heijo



Vì sao Shirakabe lại được chọn trở thành người kế thừa ngai báu thì cho đến nay vẫn chưa ai rõ. Song, nhiều người tin rằng đây chính là sự sắp xếp của Momokawa.

Dẫu sao, nhờ vào người vợ và mối quan hệ tốt đẹp với Momokawa, Shirakabe đã may mắn và thuận lợi ngồi lên ngai vị Thiên hoàng, trở thành Thiên hoàng Konin, vị thiên hoàng thứ 47 chính thức của lịch sử nước Nhật. Tuy nhiên, lên ngôi nhờ thế lực nhà vợ, lại thêm, lúc bấy giờ thời đại của những người phụ nữ vẫn chưa kết thúc, thành ra dù đã trở thành thiên hoàng, song Konin vẫn không được vợ mình là hoàng hậu Ikami coi ra gì.

Để chứng minh rằng mình hơn hẳn ông chồng đần độn và thất thế, hoàng hậu Ikami tự ý can dự vào việc triều chính, không coi thiên hoàng ra gì.

Việc này khiến Momokawa nổi giận. Thân là một Tá mệnh đại thần, có thể coi là một người tạo ra các vị Thiên hoàng, Momokawa làm sao chịu để một người phụ nữ sai khiến mình. Vì vậy, sau đó, Momokawa ngấm ngầm tìm cơ hội trừ bỏ vị hoàng hậu lộng quyền này.

Hoàng hậu Ikami thì không hề hay biết điều đó. Bản thân có chút thông minh, lại dựa vào người chị quyền lực 2 lần làm nữ Thiên hoàng nên Ikami dường như cũng chẳng coi Momokawa ra gì, vì vậy hoàng hậu mặc sức lộng quyền. Ikami có 2 sở thích đặc biệt, một là chơi cờ và hai là các loại bùa chú.

Một lần, Ikami cùng chồng là thiên hoàng Konin ngồi chơi cờ. Để ván cờ thêm phần kịch tích, hai người quyết định đánh cược. Nếu như hoàng hậu thua thì phải thay Thiên hoàng tìm một người con gái thật xinh đẹp hầu hạ riêng cho Thiên hoàng mà không được ghen tuông.

Ngược lại, nếu như nếu như Thiên hoàng thua thì phải tìm một người đàn ông cường tráng, khôi ngô đến phục vụ hoàng hậu. Kết quả, Thiên hoàng đã thua. Không còn cách nào khác, Konin đành phải lệnh cho hoàng tử Yamabe, con trai của một phi tần người Hàn Quốc tới hầu hạ hoàng hậu.

Một hoàng tử mới 36 tuổi lại phải cả ngày phục vụ một bà lão sáu, bảy mươi tuổi, Yamabe cảm thấy vô cùng tức giận. Từ tức giận, Yamabe đâm ra thù ghét hoàng hậu Ikami và nhanh chóng trở thành đồng minh với Momokawa.

Lúc bấy giờ, hoàng thái tử là Osabe do hoàng hậu Ikami sinh ra, đi đâu cũng tiền hô hậu ủng, đoàn đội vô cùng uy phong, trong khi đó Yamabe thì không có lấy một người hầu, lại phải đi hầu người khác. Tuy nhiên, giả như nếu thái tử một ngày chết đi, thì một hoàng tử thất sủng như Yamabe hoàn toàn có cơ hội trở thành người kế vị. Vì vậy, một ngày, Momokawa tâu với Thiên hoàng rằng hoàng hậu có ý hãm hại Thiên hoàng, bản thân mình phụ trách việc an nguy của hoàng cung, không thể không nói.

Chứng cứ là những tấm bùa chú trong hậu cung của hoàng hậu. Thiên hoàng Konin nghe thấy vậy vô cùng kinh hãi, cùng với Momokawa đi kiểm tra. Quả thực thấy trong cung của hoàng hậu có rất nhiều bùa chú. Lúc bấy giờ, Momokawa mới tâu rằng: “Vì quốc gia, vì nhân dân, bệ hạ nên lập tức phế truất ngôi vị của hoàng hậu và thái tử’.

Thiên hoàng Konin trước nay vốn không có chủ kiến gì, nghe Momokawa nói vậy, liên tục gật đầu. Ngay lập tức, Momokawa chỉ huy Cấm vệ quân bắt hoàng hậu và thái tử giam lại. Rồi chẳng biết vị đại thần này làm gì mà chỉ ít lâu sau cả hoàng hậu lẫn thái tử đều nhận tội dùng bùa chú ám hại Thiên hoàng. Ngay trong buổi thiết triều ngày hôm sau, Momokawa đọc thánh chỉ của Thiên hoàng phế truất hoàng hậu và thái tử, đem giam vào lãnh cung, đồng thời sắc phong cho Yamabe trở thành thái tử.

Ba tháng sau khi bị phế bỏ, cả hoàng hậu lẫn thái tử đều chết một cách đột ngột trong lãnh cung. Đó là chuyện xảy ra vào năm Bảo Quy thứ 6, dưới thời trị vì của Thiên hoàng Konin. Tuy nhiên, cũng kể từ đó, hậu cung của Thiên hoàng luôn xảy ra những chuyện quỷ quái. Tiếp đó, tai nạn liên tiếp ập đến với nước Nhật. Hạn hán mất mùa, lũ lụt liên tiếp khiến kho lương thực của triều đình dường như trống rỗng.


http://phunutoday.vn/dataimages/201110/original/images558646_anh6.jpg (http://phunutoday.vn/dataimages/201110/original/images558646_anh6.jpg)






Thái tử Yamabe trước đây vốn khỏe mạnh, bỗng dưng lăn ra hôn mê bất tỉnh, các cận thần của thái tử cứ người này nối tiếp người kia chết mà không rõ nguyên nhân. Kinh đô Heijo từ một thành thị phồn hoa trở thành một thành phố quỷ.

Các thành viên hoàng thất nghĩ tới việc hoàng hậu và thái tử chết oan nên cả ngày dâng hương cầu Phật, sau đó còn cải táng cho cả hoàng hậu lẫn thái tử, tuy nhiên những tai nạn vẫn chưa giảm bớt. Cho tới năm Bảo Quy thứ 10, vị đại thần túc trí đa mưu, tác giả của tất cả những tấn bi kịch của hoàng cung Nhật Bản lúc bấy giờ, Momokawa cũng đột ngột qua đời khi tuổi mới 47.

Sau khi Momokawa qua đời, bệnh của thái tử Yamabe bắt đầu dần dần bình phục. Thiên hoàng Konin thấy sức khỏe của thái tử đã bình phục thì vui mừng lắm, lập tức nhường ngôi cho thái tử, những mong thoát khỏi những tai nạn đang liên tục kéo đến. Tuy nhiên, dù đã nhường ngôi, Thiên hoàng Konin vẫn không tránh khỏi cái chết trong đau đớn. Tháng 12 năm đó, cũng như những người khác, Thiên hoàng Konin qua đời một cách đột ngột.

Tính từ nữ Thiên hoàng Gemmei lập đô ở Heijo cho tới Thiên hoàng Konin, tổng cộng 70 năm với 7 đời Thiên hoàng. Mặc dù trong số 7 Thiên hoàng này, có một vài người là nam, tuy nhiên, nói chung thời Heijo là vương quốc của nữ giới. Có lẽ chính vì vậy mà tại đây đã diễn ra những câu chuyện phong lưu bậc nhất trong lịch sử hậu cung của Nhật Bản.

Tuy nhiên, ngoài nữ giới thì trong những cuộc phong lưu này, người đắc ý nhất chính là các hòa thượng. Thành ra, lúc bấy giờ, việc xuất gia trở thành một phương thức để làm giàu và trở nên quyền lực.

Song cũng không thể phủ nhận rằng, việc các hòa thượng được sủng ái đã giúp Phật giáo ở Nhật Bản được dịp chấn hưng và để lại không ít những tác phẩm nghệ thuật lớn cho lịch sử. Có điều, khi nữ hoàng quá phóng túng và lãng mạn khiến nhân dân chán ghét, hoàng thất Nhật Bản dần dần mất đi quyền lực. Ban đầu phụ thuộc vào đại thần, sau đó lại trở thành con rối trong tay Mạc phủ.


Phong Nguyệt